Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 34: Giải vây palembang thành




Ở Gia Định Thành, Giang Phong nhận được tin chiến sự từ Palembang, dù rất không vui vì bọn Triệu Phong hành sự lỗ mãng, nhưng cũng phái Cấm Vệ quân cùng Tây Dương Hạm đội mới thành lập tiến xuống Sumatra. Hải quân bộ bộ trưởng Đinh An Bình được giao thống lĩnh toàn quân.

Tây Dương Hạm đội có đến 100 thuyền hạm, nhiều gấp đôi Nam Dương Hạm đội. Tổng số thủy thủ và binh sĩ 1 vạn rưỡi, thần công đại pháo hơn 4.000 khẩu, là một lực lượng rất hùng hậu. Hạm đội đi về phía nam, đến Tân Thành thì ghé vào đó, lấy thêm 2 vạn dân binh ở chỗ Triệu Phong. Số quân này hợp cùng Cấm Vệ quân, được tổ chức lại, thành lập Thần Vũ quân. Cấm Vệ quân được phân vào các đội dân binh, nắm giữ các vị trí chỉ huy. Thần Vũ quân cũng gồm 3 sư, 3 vạn người.


Triệu Phong tuy không được giao chỉ huy trận này, nhưng cũng đi theo với danh nghĩa làm phó cho Đinh An Bình. Lần này chiến sự bất lợi, gã quyết tâm lấy lại cả vốn lẫn lời.

Chỉnh quân xong, Hạm đội lại rời Tân Thành, tiến về Sumatra, sau đó theo dòng Musi đến gần Palembang. Thần Vũ quân đổ bộ lên bờ, cùng Định Hải tam sư hội hợp. Theo thỏa thuận giữa Triệu Phong và Đinh An Bình, lục quân sẽ do Triệu Phong chỉ huy, còn Đinh An Bình ở lại Hạm đội, chỉ huy hải quân hỗ trợ lục quân tác chiến.

Lúc này, quân đội Majapahit đã tập hợp được một đội quân đông đảo, hơn 8 vạn người, trong đó có đến 7 vạn dân binh. Tuy khả năng tác chiến chưa cao, vũ khí cũng thô sơ, nhưng số lượng có thể bù cho chất lượng. Đại quân Majapahit vây chặt Palembang thành, đồng thời còn chiếm giữ các yếu địa. Từ khi bị Định Hải tam sư quấy nhiễu, quân Majapahit không đóng trại riêng lẻ nữa mà tập họp thành những doanh trại lớn, lại ở gần nhau cho dễ tiếp ứng. Hành động này của bọn họ có gây khó khăn cho Định Hải tam sư, nhưng lại tạo thuận lợi cho các Hạm đội Hải quân.

Tây Dương Hạm đội hội hợp cùng Tân Thành phân hạm đội của Nam Dương Hạm đội, tổng số lên đến 130 thuyền hạm, 5.000 khẩu pháo. Đinh An Bình cho các chiến thuyền, chiến hạm đi dọc theo bờ sông Musi, hễ gặp quân đội Majapahit là lập tức pháo kích. Các doanh trại lớn tập trung là mục tiêu rất rõ ràng. Thần công đại pháo tuy vẫn còn rất đơn giản, oai lực không cao, nhưng nếu tập hợp lại với số lượng lớn thì hiệu quả cũng rất đáng kể. Mỗi lượt có hàng nghìn viên đạn pháo bắn đi, đạn pháo bay đầy trời, cả một nửa bầu trời rực hồng, rồi hàng nghìn người đồng loạt tử trận, máu thịt tứ tung, tử trạng thê thảm, quang cảnh vô cùng khủng bố.

Sau vài lượt pháo kích, với hơn vạn thương vong, các doanh trại của quân Majapahit lần lượt tan vỡ. Dân binh vốn chỉ mới được chiêu tập, chưa được huấn luyện quân sự, kỷ luật lỏng lẻo, nên lúc này chạy nháo nhào hỗn loạn vô cùng. Gần 6 vạn dân binh tháo chạy tán loạn, xung tản đội ngũ của 1 vạn quân chính quy triều đình Majapahit, khiến cho tình hình càng thêm náo loạn.


Nhân cơ hội đó, Triệu Phong thống suất Định Hải tam sư và Thần Vũ quân đánh tràn vào. Với 4 vạn quân sinh lực hoàn hảo, vũ khí tinh lương, đối diện 7 vạn địch quân đang tháo chạy hỗn loạn, bọn Triệu Phong chỉ còn việc là truy sát, đồ sát. Các tướng lĩnh Majapahit cố gắng chỉ huy quân đội đề kháng. Nhưng 1 vạn chính quy quân hoàn toàn bị nhấn chìm giữa sự tấn công của Thần Vũ quân. Còn chúng dân binh thì mạnh ai nấy chạy, hiệu lệnh không truyền xuống được. Đó là hậu quả của việc sử dụng quá nhiều dân binh chưa qua huấn luyện quân sự. Kết quả, quân Majapahit đại bại. Bọn Triệu Phong sau khi tiêu diệt xong 1 vạn chính quy quân của Majapahit, liền chia nhau truy đuổi tàn binh, bắt tù binh. Bọn Đoàn Thịnh trong thành cũng kéo ra tham gia việc truy bắt.

Các cuộc vây bắt tàn quân Majapahit kéo dài đến năm ngày mới kết thúc. Các đạo quân đuổi theo ra xa hàng trăm dặm, bắt được hơn 4 vạn tù binh, trong khi bản thân thiệt hại không đáng kể. Tất cả tù binh đều được đưa về Lã Tống làm khổ công ở các mỏ quặng. Chiến lực của số dân binh này quá thấp, Triệu Phong cũng chẳng muốn tuyển chọn sung vào quân đội. Theo gã, thà rằng sang bán đảo Mã Lai chiêu mộ dân binh vẫn hơn.

Sau khi bàn bạc, việc bình định Sumatra do Triệu Phong đảm trách, còn Đinh An Bình sẽ đưa Hải quân đi cướp phá các vùng duyên hải thuộc vương triều Majapahit. Đảo Sumatra sau khi bị quân đội Majapahit chiêu tập 7 vạn dân binh, giờ đây các bộ lạc, các tiểu quốc rất thiếu thốn thanh niên trai tráng. Đây chính là thời cơ tốt nhất để chinh phục vùng này. Toàn bộ 3 vạn Thần Vũ quân và 2 vạn rưỡi Định Hải quân sẽ phụ trách chinh phục các xứ. Triệu Phong có 6 tháng để bổ sung quân số cho Định Hải quân và hoàn thiện Thần Vũ quân, bởi Cấm Vệ quân tạm sung cho Thần Vũ quân sau này sẽ được triệu hồi về Gia Định Thành.

Tin thắng trận truyền về Gia Định Thành, Giang Phong rất hài lòng, nhưng rồi lại nhận ra hậu quả nghiêm trọng của việc thiếu thốn quân đội. Hiện tại vùng quản hạt của Giang Phong rộng mênh mông, nhưng chỉ có 10 vạn lục quân, 5 vạn Hải quân, thật là quá ít. Đại Việt của Hồ Quý Ly lúc này chỉ rộng gấp đôi tỉnh Gia Định, vậy mà quân đội lại rất đông đảo. Trừ ra quân đội trấn giữ phòng tuyến phía bắc để đề phòng quân Minh, quân trấn thủ kinh đô và các thành trấn, Hồ Quý Ly còn có thể tập hợp được 20 vạn đại quân đi đánh Chiêm Thành, chứng tỏ quân số Đại Việt lúc bấy giờ có thể lên đến 50 vạn người. Thậm chí Hồ Quý Ly còn tuyên bố với triều thần là muốn có được 100 vạn đại quân để chống quân Minh.

Sau khi cùng chúng thủ hạ bàn bạc, Giang Phong quyết định tăng số lượng lục quân lên 30 vạn, hải quân cũng tăng thêm 3 vạn nữa. Như vậy trừ quân đội trú phòng các nơi, sau này khi có chiến tranh cũng sẽ có thể điều động được hơn 20 vạn quân ứng chiến, không bị thiếu thốn quân đội đến nỗi huy động cả Cấm vệ quân tham chiến như lúc này. Các xứ thuộc vương triều Majapahit ở Java được để lại làm chỗ luyện quân. Tạm thời Giang Phong chỉ cho chiếm lĩnh đảo Sumatra để củng cố sự kiểm soát eo biển Malacca, kiểm soát ‘hoàng kim hải đạo’.


Dựa vào kết quả điều tra của bọn Cát Ti trước đây, Quảng Tế Pháp sư đã chia đảo Sumatra (tổng diện tích ước 47 vạn kilômét vuông) thành 8 tỉnh : Lamuri (tức xứ Banda Aceh ngày nay), Batak (tức xứ Medan), Pane (tức xứ Riau), Padang, Jambi (từng có một thời gian là kinh đô của vương triều Srivijaya), Palembang, Lampung, Bengkulu; mỗi tỉnh rộng khoảng 6 vạn kilômét vuông, đồng thời cử quan viên đến cai trị ở cấp tỉnh, quận. Quan viên cấp huyện ưu tiên tuyển chọn người bản địa quy phục.

Sau khi ổn định tình hình ở Palembang, Triệu Phong lại quay về Tân Thành. Với thân phận hiện tại, gã không tiện đích thân dẫn quân chinh chiến các xứ, chỉ cần ở đại bản doanh chủ trì đại cục. Hơn nữa, gã lại có nhiệm vụ mới : huấn luyện tân binh. Hàng loạt tân binh được chiêu mộ ở các nơi, rồi đưa đến Tân Thành. Ở đây, bọn họ trải qua một thời gian huấn luyện quân sự, rồi lại được Hải quân đưa đến các xứ duyên hải của vương triều Majapahit tác chiến, chủ yếu là quấy nhiễu và cướp phá các xứ đó, đồng thời tăng thêm kinh nghiệm chiến đấu. Quân đội mà chưa qua chiến trường, dù có huấn luyện thế nào đi nữa, thì cũng chưa thể xem là quân đội tinh nhuệ được.

Về quân chế, ngoài Ngự Lâm quân, Cấm Vệ quân, Định Hải quân, Trấn Biên quân, Thần Vũ quân đã có, Giang Phong đặt thêm Túc vệ quân, Thần Sách quân, Thần Uy quân, Thần Long quân, Uy Tiệp quân, Bảo Tiệp quân, Long Tiệp quân. Tổng cộng có 12 quân, 30 vạn người. Trong đó có Ngự Lâm quân, Cấm Vệ quân, Túc vệ quân mỗi quân chỉ có 1 vạn người, đóng ở kinh thành Gia Định. Các quân còn lại mỗi quân 3 vạn, phân biệt đóng ở các vùng trọng yếu như An Phú, Tân Thành, Cát Long Pha, … Ngoài chính quy quân còn có địa phương quân, ở tỉnh có 2.000 quân, quận có 300 quân, huyện có 50 quân, phụ trách giữ gìn trị an ở địa phương. Các lực lượng địa phương quân này thực chất cũng chỉ là dân binh, nhưng được trang bị đầy đủ, huấn luyện thường xuyên, làm lực lượng dự bị cho chính quy quân khi cần bổ sung quân số.

Trong thời gian các đạo tân quân luyện binh, các xứ duyên hải ở Java phải nói là đại nạn lâm đầu. Các thôn làng, thành trấn đều bị cướp phá, dân cư bị bắt đưa về Lã Tống và Sumatra làm việc. Triều đình Majapahit dù rất cố gắng đề kháng, nhưng trước sự uy hiếp của các chiến hạm ngoài khơi, quân đội Majapahit chỉ có thể ngăn chặn không cho địch quân tiến vào nội địa, chứ không dám ra vùng duyên hải tác chiến. Hạm đội duy nhất của Majapahit mới đối trận với Tây Dương Hạm đội là bị đánh tan lập tức. Giờ đây mặt biển đã bị Tây Dương Hạm đội kiểm soát hoàn toàn. Vô kế khả thi, tổn thất thảm trọng, triều đình Majapahit chỉ có thể đưa ra hạ sách : dời dân vào trong nội lục, bỏ vùng duyên hải. Triều đình Majapahit đã từng gửi sứ thần cầu hòa, nhưng đã bị từ chối. Các xứ này được sử dụng để luyện quân mà, nếu cho cầu hòa thì còn lấy đâu ra chỗ để luyện quân. Muốn cho cầu hòa thì ít ra cũng phải đợi tân binh được huấn luyện xong hết đã. Giờ thì dân Majapahit đành chịu đựng vậy.



Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận