Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.518 (Bính Thân, 1416). Mùa xuân tháng 3.
Một tháng sau khi xuất chinh, khu vực bắc bộ và trung bộ vương quốc Napoli đã bị 2 đạo quân Chiêu Viễn và Bảo Tiệp chiếm lĩnh. Đồng thời khu vực tây nam cũng bị Chiêu Đức quân Đệ tam sư kiểm soát. James de Bourbon chỉ còn kiểm soát khu vực đông nam, chủ yếu là Taranto và các vùng phụ cận.
Ngày 15 tháng 3, Lý Xương Văn, tổng chỉ huy chiến trường Napoli, giao khu vực đã bình định xong cho lực lượng dân binh quản lý, rồi thống suất đại quân tiến về miền nam Napoli, mục tiêu là Taranto, nơi tập trung tàn dư của James de Bourbon. Ở đó, James de Bourbon đã triệu tập gần như toàn bộ giới quý tộc của Napoli cùng với tư quân của bọn họ, tập họp được hơn 1 vạn quân, trong đó có đến hơn 500 Hiệp sĩ và 1.500 quý tộc, chiếm gần hết tổng số quý tộc của vương quốc. Thành ra, đội quân của James de Bourbon có thể xem là đội quân quý tộc, số lượng thì đông, nhưng sức chiến đấu thì … cần phải xem lại. Chỉ trừ những quý tộc bản thân là Hiệp sĩ, năng lực chiến đấu xuất sắc, đa phần quý tộc chỉ giỏi hưởng thụ, khả năng chiến đấu có khi còn thua cả bình dân. Quan trọng hơn cả, xuất hiện đại lượng quý tộc trong quân đội, kỷ luật khó giữ, và binh sĩ phải lo bảo vệ quý tộc hơn là lo giết giặc (đặc biệt là quân đội Napoli lúc này được hình thành từ tư quân của quý tộc, đương nhiên phải lo bảo vệ chủ nhân trước).
Ngày 20, quân đội song phương đụng độ ở Mateola, phía bắc Taranto. Phía Thần Thánh Đế quốc có 7 vạn quân, gồm 2 đạo Bảo Tiệp quân, Chiêu Viễn quân, hội họp cùng Chiêu Đức quân Đệ tam sư từ phía tây nam kéo lên. Phía James de Bourbon có 1 vạn quân đội quý tộc, gồm 500 Hiệp sĩ, 1.500 quý tộc và khoảng 8.000 binh sĩ. Tỷ lệ chênh lệch giữa quân số song phương không khác nhiều so với trận Agincourt, nhưng lần này quân đội của James de Bourbon không gặp may như quân đội của Henry V of England.
Trước trận, James de Bourbon lại động viên cổ vũ toàn quân :
– Trong trận Agincourt mấy tháng trước, quân Anh Cách Lan chỉ có hơn 8.000 người mà đã đánh bại gần 4 vạn quân Pháp Lan Tây, chiến quả huy hoàng. Trận này, nếu như chúng ta đồng tâm hiệp lực, gắng sức chiến đấu, chắc chắn cũng sẽ giống như quân Anh Cách Lan, đánh bại kẻ thù, chiến thắng huy hoàng.
James de Bourbon là quý tộc Pháp Lan Tây mà lại lấy trận Agincourt ra để động viên quân đội thì thật không phải chút nào. Y vừa nói xong, một loạt những tiếng nổ vang trời từ phía trận địa đối phương truyền lại, sau đó là hơn nghìn quả đạn pháo đổ xuống đầu quân đội Napoli, mà mục tiêu chủ yếu là đội hình của các Hiệp sĩ. Hiệp sĩ ở Âu châu cũng đồng nghĩa với kỵ sĩ, khi xung phong thì tập họp thành đội hình san sát nhau để gia tăng xung kích lực. Nhưng lần này, đội hình đó đã trở thành tấm bia rất nổi bật cho thần công đại pháo của quân đội Thần Thánh Đế quốc. Theo quân chế của quân đội Thần Thánh Đế quốc, mỗi sư được phối cấp 200 khẩu thần công (đương nhiên là nhỏ hơn pháo hạm của Hải quân để tiện di chuyển), thành ra 7 vạn đại quân có đến 1.400 khẩu thần công, chỉ cần một loạt pháo kích cũng đủ để nhấn chìm đội hình Hiệp sĩ của quân Napoli trong khói lửa. Sau loạt pháo kích đó, toàn bộ quan quân Napoli đều nhìn nhau sửng sốt, pha lẫn kinh hoàng. Chỉ trong nháy mắt, 500 Hiệp sĩ đã bị xóa sổ, kèm theo là gần nghìn người khác ở lân cận, trong đó cũng có không ít quý tộc. Tử trạng của bọn họ vô cùng thê thảm, thịt nát xương tan.
Sau loạt pháo kích là đến phiên cung thủ phát oai. Ở quân đội Thần Thánh Đế quốc, mỗi sư thường có 1 vệ kỵ binh, 1 vệ pháo binh, 4 vệ cung thủ (trang bị cung, nỏ) và 4 vệ cận chiến bộ binh (sử dụng đao, thương). Như vậy, 7 vạn đại quân có đến 2 vạn 8.000 cung thủ. Tất cả đồng loạt công kích, 2 vạn 8.000 mũi tên đồng loạt rải xuống đầu gần 9.000 quân Napoli. Phải nói là tên bắn như mưa. Quân Napoli không chỗ tránh né, kêu khóc vang trời, đặc biệt là số quý tộc, tiếng gào thét kinh thiên động địa, đất thảm trời sầu.
Sau mấy lượt công kích của lực lượng cung thủ, quân Napoli đại bộ phận thọ thương hay tử trận, máu nhuộm đầy đồng, thây phơi đầy nội. Chỉ có lực lượng thân binh của James de Bourbon và một số quý tộc, do vận áo giáp bảo hộ kín kẽ, nên chưa bị thương hoặc chỉ bị thương nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến khả năng chiến đấu. Thấy vậy, Lý Xương Văn lại truyền lệnh cho trận địa thần công khai hỏa một loạt nữa, giải quyết số tàn dư, rồi mới cho quân tiến lên giải quyết chiến trường.
Sau trận Mateola, lực lượng phản kháng cuối cùng ở vương quốc Napoli bị tiêu diệt hoàn toàn. Quân đội Đế quốc dễ dàng tiến chiếm Taranto. Đến ngày 24, toàn cảnh Napoli đã được bình định, và cũng giống như ở Sicily, ở Napoli lúc này chỉ còn lại toàn bình dân. Hàng loạt tướng lĩnh dân binh được bổ nhiệm làm quan viên cai trị các nơi. Còn việc phong tước, phải chờ đến khi vương quốc chính thức thành lập, Long nhi chính thức đăng quang.
Ngày 1 tháng 4, Long nhi và Đinh An Bình đến Napoli. Khi bước chân vào vương đô, Long nhi không khỏi cảm khái. Đây là kỳ vọng của Louis I de Anjou, rồi cả Louis II de Anjou, đến nay mới có thể hoàn thành. Còn nếu mở rộng ra cho cả Sicily và Napoli, thì có thể kể từ thời Charles I de Anjou (1226 – 1285). Charles I de Anjou được Đức Thánh Cha (Papal) phong cho làm quốc vương của vương quốc Sicily (bao gồm cả Napoli) từ năm 1262, đăng quang vào năm 1266, nhưng đến năm 1282 thì mất đảo Sicily (loạn quân được vương quốc Aragon hỗ trợ), chỉ còn lại Napoli.
Gia tộc Anjou là một đại gia tộc ở Pháp Lan Tây, có cùng dòng họ với quốc vương, nhưng là dòng thứ. Charles I de Anjou, người khai sinh gia tộc Anjou là em trai của quốc vương Pháp Lan Tây Louis IX de Française thuộc Vương triều Capetian, được phong làm Công tước xứ Anjou và Bá tước xứ Maine, trong đó Anjou là một công quốc chư hầu ở phía tây của vương quốc Pháp Lan Tây. Gia tộc Anjou sau phân thành 4 chi là :
1. Anjou – Maine, dòng chính, cai trị Anjou và Maine, Sicily (1266 – 1282), Napoli (1266 – 1382) và nhiều lĩnh địa lớn nhỏ khác như Provence, Forcalquier, Piedmont, …
2. Anjou – Hungary, cai trị Hungary (1308 – 1395), Ba Lan (1370 – 1399).
3. Anjou – Taranto, cai trị Đế chế Latin ở Constantinople (1313 – 1374).
4. Anjou – Darazzo, cai trị Napoli (1382 – đến giờ), dòng này bị xem là phản nghịch, vì Charles III de Napoli (cha của Ladislaus de Napoli) đã giết Joan I de Napoli (thuộc dòng Anjou – Maine) để cướp ngôi.
Ngoài ra còn có chi thứ 5 – Vương triều Valois. Sau khi Charles IV de Française qua đời, dòng Capetian không có người thừa kế, triều thần và quý tộc Pháp Lan Tây đã chọn Philippe VI de Valois, Công tước xứ Anjou, Bá tước xứ Maine và Valois lên làm quốc vương, trở thành Philippe VI de Française. Con trai của Philippe VI de Française là Jean II de Française trước khi lên ngôi cũng là Công tước Anjou. Đến đây, Jean II de Française cho con trưởng là Charles V de Française làm Dauphiné (tức Thái tử), còn con thứ là Louis I de Anjou làm Công tước xứ Anjou, Bá tước xứ Maine. Louis I de Anjou là cha của Louis II de Anjou, và là ông nội của Louis III de Anjou (tức Long nhi). Tóm lại gia tộc Anjou có quan hệ rất gần gũi với các quốc vương Pháp Lan Tây, và có địa vị hiển hách. Louis II de Anjou và Công tước phu nhân là người tài trợ cho nhiều lực lượng chống Anh Cách Lan trong cuộc “chiến tranh trăm năm”, trong đó có cả Jeanne de Arc (tiếng Anh : Joan of Arc – thánh nữ, anh hùng cứu quốc của Pháp).
Sau khi vào vương cung của Napoli, Đinh An Bình nhìn quy mô của nó, khẽ lắc đầu, nói với Long nhi :
– Nơi này không thể xem là vương cung, không phù hợp với thân phận của Điện hạ.
Long nhi ngạc nhiên hỏi :
– Ý vương gia thế nào ?
Đinh An Bình nói :
– Vương cung ít ra phải tương đương với Đại Tây Hành cung ở Sinai thì mới phù hợp với thân phận của Điện hạ. Hơn nữa, Napoli quá gần La Mã (tức Roma), không thích hợp để đóng đô.
Long nhi ngẫm nghĩ giây lát, thấy cũng có lý, liền hỏi :
– Vậy theo vương gia thì nên đóng đô ở đâu ?
Đinh An Bình nói :
– Ở Sicily là tốt nhất.
Long nhi lập tức tán thành. Trước khi Charles I de Anjou mất đảo Sicily thì vương đô đóng ở Sicily, và tên vương quốc cũng là Sicily. Do đó, đóng đô ở Sicily là rất thích hợp. Hơn nữa, Sicily nằm ở trung tâm Địa Trung Hải, cùng với bán đảo Italia chia Địa Trung Hải thành hai phần Đông và Tây. Vì vậy, Sicily giữ một vị trí trọng yếu trên các tuyến hàng hải ở Địa Trung Hải.
Cuối cùng, Đinh An Bình và Long nhi thống nhất chọn thành phố cảng Syracuse làm vương đô của tân vương quốc mà Giang Phong đặt tên cho là Latium, theo tên một quốc gia cổ trên đất Italia. Việc kiến thiết vương đô được khẩn trương tiến hành. Trong thời gian chờ đợi, Long nhi sẽ vẫn ở tại Đại Tây Hành cung.
Có thể bà con chưa biết :
Các loại tước hiệu của quý tộc Âu châu (phần 3)
5. Đế quốc La Mã Thần Thánh Dân tộc Đức :
Tên tiếng Đức : Heiliges Römisches Reich tscher Nation
Tên tiếng Anh : Holy Roman Empire of the German Nation
Tên tiếng Pháp : Saint-Empire romain de la Nation Germanique
Tên tiếng Latinh : Imperium Romanum Sacrum Nationis Germanicæ
Tên gọi này có từ đầu thế kỷ 15 cho đến khi Đế quốc bị giải thể vào năm 1806. Trước đó, tên gọi không có cụm từ Dân tộc Đức. Đế quốc được hình thành từ vương quốc Francie Orỉentable (Francie Đông), và kế thừa tên Đế quốc La Mã Thần Thánh từ Charlemagne, vua của người Francs, Hoàng đế của cả phương tây.
Hoàng đế của Đế quốc không được cha truyền con nối mà được bầu lên từ các Tuyển hầu, do đó Đế quốc không có Thái tử.
Nhóm 1 :
Kaiser : Hoàng đế
König : Quốc vương
Kurfürst : Tuyển hầu
Prinz : Vương tử (các con của Hoàng đế
Fürst : Vương tử (vua của 1 công quốc chư hầu)
Nhóm 2 :
Erzherzog : Đại công tước
Herzog : Công tước
Markgraf : Hầu tước, Biên cảnh Tổng đốc (do ở biên cảnh nên có quyền hành lớn, quân đội mạnh, và tương đối độc lập đối với triều đình)
Landgraf : Cung đình Bá tước
Graf : Bá tước
Vizegraf : Tử tước
Baron : Nam tước
Freiherr : Nam tước (hoặc chuẩn Nam tước, thấp hơn Baron)
Nhóm 3 :
Ritter : Hiệp sĩ
Junker : lĩnh chủ, hương thân
Kỳ sau : Hà Lan và Bỉ