– ———————————-
Bữa tiệc kỷ niệm 35 năm thành lập Khoa Kỹ thuật xây dựng dân dụng Đại học T cuối cùng được quyết định tổ chức ở Bến Ngư Phủ.
Bến Ngư Phủ là một nhà hàng tọa lạc trên đảo Hồ Tâm, cung cấp các món hải sản được vận chuyển bằng đường hàng không từ khắp các nơi trên cả nước. Không gian đẹp, giá thành cao, thực khách có thể nhìn thấy khung cảnh non nước hữu tình từ cửa sổ trần trong các phòng riêng.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, rất nhiều sinh viên cùng trường giờ đây cách nhau nghìn dặm, định cư ở các quốc gia khác nhau, hiếm hoi lắm mới nhón ra được chút thời gian gặp nhau nên bữa tiệc tụ họp được tổ chức cực kỳ hoành tráng. Tiệc vui kéo dài ba ngày, ngoại trừ nâng chén chúc mừng thì cũng hoài niệm trường xưa, đào sâu lại chuyện thời còn ở Bắc Kinh. Hai người cha của Biên Thành và Tống Vũ Trì, với tư cách là đại diện của các cựu sinh viên ở lại Bắc Kinh, đã nhận trách nhiệm tổ chức và sắp xếp một cuộc hành trình ba ngày cho các đồng môn phương xa. Ban người tham quan vườn thượng uyển, ban đêm mở tiệc tại nhà hàng khu thắng cảnh.
Lúc Tống Vũ Trì và Biên Thành tới cửa nhà hàng thì đảo Hồ Tâm đã chìm vào bóng đêm. Ánh đèn rực rỡ soi sáng tấm biển gỗ sồi, nhân viên phục vụ mỉm cười mở cửa cho bọn họ.
Tống Vũ Trì nới lỏng chiếc khăn quàng cổ của mình và thì thầm với Biên Thành: “Tôi xui lắm mới phải tới đây với ông, ông bồi thường tổn thất tinh thần cho tôi đi.”
Kể từ khi còn là một đứa trẻ, Biên Thành đã bị uy hiếp kiểu này không biết bao nhiêu lần, đầu anh tự động lọc những lời này thành âm thanh nền.
Tống Vũ Trì cũng không muốn tới, tiếc là cha y lại bắt y đi. Y không hiểu suy nghĩ của cha mình lắm, một đứa con trai tốt nghiệp muộn cũng chẳng đem lại vẻ vang gì nếu dắt nó tới buổi họp lớp. Y thầm liệt kê những rủi ro khi tham dự bữa tiệc trong đầu: “Có ba mươi chú bác ngồi bên trong,” Tống Vũ Trì rùng mình khi nghĩ đến chuyện này. “Tôi mới đặt chân vào cửa, vừa nghe tôi đang học nghiên cứu sinh năm thứ sáu chắc chắn sẽ hỏi tôi luận văn tốt nghiệp sao rồi, tìm việc sao rồi, sao lại học sáu năm…”
“Ừ nhỉ,” Biên Thành hỏi, “Tìm việc sao rồi?”
Tống Vũ Trì lườm anh. Nếu ánh mắt có thể giết người thì Biên Thành đã chết từ lâu.
“Sao vậy?” Biên Thành nhận thấy có gì đó không ổn, “Chẳng phải lần trước đã nói là có offer trong nước à?”
Tống Vũ Trì sờ mũi, mất tự nhiên: “À chuyện đấy à, không quan trọng nữa. Dù sao thì năm sau tôi cũng chưa tốt nghiệp đâu.”
Biên Thành nhìn y: “Lại dời?”
Tống Vũ Trì không hài lòng việc anh phát âm tròn vành rõ chữ từ “lại”, “Chậc, cũng có những lúc xảy ra tình huống bất ngờ mà.”
Biên Thành lặng lẽ nói: “Đã qua buổi tiền bảo vệ rồi mà?”
Tiền bảo vệ nghĩa là người hướng dẫn thông qua việc tốt nghiệp. Lấy bằng tiến sĩ có vô vàn trở ngại nhưng người hướng dẫn là cửa ải quan trọng nhất. Thông thường thì chỉ cần viết luận văn thật tốt là việc tốt nghiệp thành công đã nằm trong tầm tay.
“Bị giảng viên chấm điểm ẩn danh đánh rớt hả?”
Bài luận văn hoàn thành sẽ được đưa đến cho những người trong ngành, cũng chính là các giảng viên chuyên ngành liên quan, chấm điểm. Đánh giá được chia làm hai loại, đánh giá mở và đánh giá ẩn danh. Nhiều giảng viên đánh giá mở là người quen của người hướng dẫn, có thể bỏ qua sẽ bỏ qua nhưng đánh giá ẩn danh vì là giấu tên nên có vô vàn biến số. Một khi nhận điểm C thì sẽ bị hoãn tốt nghiệp.
Luận văn tốt nghiệp là một vấn đề quan trọng, các giảng viên rất thận trọng trong việc chấm điểm nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ – đánh rớt vì hận thù cá nhân. Trước đây có một nghiên cứu sinh xuất sắc nhưng lại nhận được điểm C trong phiên đánh giá ẩn danh. Xét chất lượng luận văn thì không thể nào nhận điểm này được. Mọi người suy đoán hồi lâu, cuối cùng kết luận — rất có thể người này là đối thủ của học trò của giảng viên chấm điểm kém này.
Biên Thành đoán rằng y nhận điểm kém trong phiên đánh giá ẩn danh. Thực ra anh rất tốt bụng, đổ toàn bộ nguyên nhân Tống Vũ Trì tốt nghiệp muộn này lên đầu người khác.
“Cũng không phải, ” Tống Vũ Trì đập nát lòng tốt hiếm thấy của thằng bạn nối khố, “Tôi hoàn toàn chưa xét duyệt…”
“Từ lúc tiền bảo vệ đến khi nộp luận văn xét duyệt là mấy tháng lận đấy. Ông không sửa luận văn vậy rốt cuộc ông đang làm gì?”
“Tôi…” Tống Vũ Trì nói, “Chẳng phải tôi đang bận kiếm việc à…”
Giờ thì hay rồi, tìm cũng vô ích.
Người này luôn tuột xích vào những thời khắc mấu chốt. Hồi đại học cha Tống Vũ Trì vốn đã sắp xếp cho y đi du học tiến sĩ nhưng kết quả y bận đi diễn kịch gì đấy trong trường, kéo dài tới năm tư đại học cũng chưa thi đủ điểm yêu cầu ngôn ngữ của dream school, vì vậy quay đầu ở lại nước. Lúc học tiến sĩ vì để tích lũy kinh nghiệm ở nước ngoài nên hầu hết mọi người sẽ đi trao đổi một hoặc hai năm. Người khác đi trao đổi vào năm ba năm bốn còn y thì nhất quyết đi trao đổi vào năm thứ năm, kết quả không kịp viết luận văn, phải lùi thời hạn tốt nghiệp.
Bây giờ lại thêm cái này.
Có vẻ như cha mẹ Tống Vũ Trì vẫn chưa biết chuyện này, nếu không thì y đã chẳng thể đứng ở đây với cơ thể lành lặn rồi.
Biên Thành vốn định bày tỏ sự thương tiếc, kết quả quay đầu thấy Tống Vũ Trì hớn hở tươi tắn như ngày xuân trăm hoa khoe sắc: “Tuyệt vời, lại có thêm một năm để chơi.”
Trạng thái tinh thần tốt thế này, Biên Thành cũng không biết nên ăn mừng hay ăn cứt giùm bạn anh.
“Hôm nay ăn nhiều xíu,” Biên Thành nói, “chắc đây là bữa ăn cuối cùng của ông đấy.”
“Ông không mong tôi sống tốt được hả?”
“Bây giờ không ai cứu nổi ông đâu, tự cầu phúc đi.”
Tống Vũ Trì cúi đầu thở dài. Mấy lần trước thoát chết là nhờ ông ngoại Biên Thành cứu y từ trong biển lửa. Ông cụ đức cao trọng vọng trong giới hàn lâm nên hậu bối ít nhiều gì cũng phải cho ông cụ tí thể diện, lúc thi hành gia pháp cũng nhẹ tay hơn một xíu. Nhưng khổ nỗi ông cụ đã qua đời từ mấy tháng trước, hiện tại cũng không có ai dám nhúng tay vào công cuộc giáo dục gia đình của y. Bi thảm biết bao.
“Xíu đừng có để lộ,” Tống Vũ Trì chỉ vào Biên Thành, đe dọa anh, “Tôi muốn được tự do một thời gian trước khi chết.”
“Đừng lo, điểm yếu của tôi trong tay ông còn căng hơn vụ tốt nghiệp muộn này.”
Tống Vũ Trì suy nghĩ kỹ càng rồi vui vẻ gật đầu. Bọn họ đi đến phòng riêng, người phục vụ mở cửa, người ngồi ở bốn bàn bên trong phòng đồng loạt nhìn về phía bọn họ. Tống Vũ Trì hít một hơi thật sâu, nở một nụ cười chuyên nghiệp rồi đi vào. Biên Thành nhìn quanh một vòng, có một bàn đang trống một nửa, ba chỗ ngồi.
Biên Hoài Viễn đi từ bàn chủ trì sang đây, đặt tay lên vai Biên Thành, ra hiệu về phía chỗ trống: “Mấy đứa nhóc các con ngồi đó đi.”
Biên Hoài Viễn chỉ vào những người ngồi trên bàn, lần lượt giới thiệu hai hậu bối với anh. Biên Thành thường xuyên nghe thấy những cái tên này trong cuộc trò chuyện giữa cha mẹ mình nhưng tới tận hôm nay anh mới liên tưởng được chúng với mặt người.
Có lẽ Biên Hoài Viễn thường kể về con trai mình với các bạn học cũ trong những năm qua, người trong bàn ai cũng nhìn Biên Thành với vẻ hứng thú.
“Sau khi nước cháu vẫn tiếp tục nghiên cứu hình học đại số hả?” Một ông chú tóc muối tiêu hỏi.
“Vâng.” Biên Thành nói.
Một người đàn ông trung niên khác ngồi cùng bàn nói đùa với bạn học cũ: “Vẫn là gen di truyền của ông Biên trội nhất lớp mình. Con trai tôi mà không được tôi tiếp sức đưa ra nước ngoài chắc còn chẳng học đại học được kìa.”
Ông chú tóc trắng “Này” một tiếng: “Đó là gen của ông Biên à? Đó là gen của Mạnh Khiết.”
Người đàn ông trung niên cười và nói với Biên Thành: “Năm đấy mẹ cháu là người nổi tiếng đấy.”
“Huy chương vàng đầu tiên cho thiết kế kỹ thuật xuất sắc trong lớp bọn chú.”
“Lúc tham gia Đại hội Thể thao Đại học Bắc Kinh thì luôn miệng bảo lo quá đi lo quá đi, sau đó lập kỷ lục mới ở môn ném lao.”
Hồi đấy lớp họ nam nhiều nữ ít, trong kể với Biên Thành về những sự tích vẻ vang của mẹ anh đều để lộ sự tiếc nuối. Mẹ Biên Thành là cô gái duy nhất trong lớp, nếu bà không gặp tai nạn và chết trẻ thì bây giờ bà hẳn đã là một ngôi sao sáng trong lĩnh vực kỹ thuật.
Bạn cùng lớp tụ họp, ai nấy đều tiếc thương cho tình cảm của đôi kim đồng ngọc nữ của lớp.
“Khi Mạnh Khiết xảy ra tai nạn ông Biên đã gọi điện cho chú. Một người đàn ông cao to nhưng lại khóc như một đứa trẻ.”
“Còn phải nói, đã mười mấy năm rồi ổng vẫn đơn côi lẻ bóng.”
Biên Thành nghe thế hệ trước kể lại liền hồi tưởng về lần cuối cùng anh nhìn thấy mẹ mình. Sau giờ học cha đưa anh đến bệnh viện, đập vào mắt là một mảng màu trắng đau mắt, trong không khí toàn mùi thuốc khử trùng. Không gian khép kín lạnh lẽo, vải trắng phủ lên khuôn mặt bà, tấm biển trên đầu giường ghi “Mạnh Khiết, nữ, 34 tuổi.”
Quả thực khi ấy cha rất đau buồn nhưng nó khác với nỗi buồn của anh. Nỗi đau của anh là động sâu không đáy, nuốt chửng hết thảy ánh sáng và ấm áp. Nỗi đau của cha anh là mặt đất ngày xuân, ủ những mầm non xanh mướt, chờ ngày ấm lên, băng tuyết tan đi liền đâm chồi nảy lộc. Thêm một người vợ mới, một đứa con trai mới, một cuộc sống mới.
Tất nhiên người ngoài chẳng hay điều chi. Trong mắt bọn họ Biên Hoài Viễn vẫn là người đàn ông si tình hiếm thấy. Tình yêu của ông đẹp đến nao lòng, xúc động nhân tâm, là “Đã ra biển, sông hồ coi nhẹ”[1] đương thời.
Trọng tâm dồn hết lên người Biên Thành, Tống Vũ Trì cắm đầu ăn cơm, mừng rỡ vì không ai để ý tới y.
Tuy nhiên niềm vui chẳng dài lâu, mới ăn chưa được hai miếng cha Tống Vũ Trì đã nháy mắt với y, giục y nhanh chóng đứng lên mời rượu. Tống Vũ Trì thở hắt ra, cầm ly rượu lên, lúc đứng dậy còn bi phẫn liếc Biên Thành rồi nhanh chóng tươi cười: “Các chú các bác thân mến, chào mừng mọi người trở lại Bắc Kinh. Mọi người đã vất vả suốt chặng đường rồi.”
Mọi người cũng cho y mặt mũi, đứng lên mỗi người uống một hớp lớn. Tống Vũ Trì vừa định ngồi xuống, kết thúc phần việc xã giao của hôm nay thì đã có người mở miệng chọc thủng mơ mộng hão huyền này của y: “Vũ Trì phải không cháu? Bây giờ đang đi học hay đi làm vậy? Chú nhớ cháu đang học tiến sĩ phải không?”
“Vâng ạ,” Lò sưởi bật nóng quá, Tống Vũ Trì bắt đầu đổ mồ hôi, “Năm nay cháu tốt nghiệp.”
Y nói mập mờ, hy vọng người lớn đừng có truy cứu chi tiết, vậy nên đề tài thuận lợi chuyển sang chuyện khác: “Vậy chắc đang kiếm việc hả? Vào công ty hay đại học?”
“Bây giờ ở lại đại học khó quá…” Tống Vũ Trì liếc Biên Thành, nhanh chóng chuyển trọng tâm cuộc trò chuyện lên người thằng bạn thân, “Cũng chỉ có những người tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài như Biên Thành và có danh hiệu thì mới ở lại đại học được thôi.”
Ngồi cùng bàn có một người đàn ông đeo kính gọng đen, sau khi tốt nghiệp đã ở lại trường và hiện là giáo sư khoa Kỹ thuật xây dựng dân dụng trường Đại học T: “Đúng rồi. Hồi đó tụi mình tốt nghiệp cao học là được trường giữ lại nhưng chẳng ai thèm ở. Bây giờ nghiên cứu sinh đại học T đi 211 cũng khó nữa là.”
Đám người trung niên cảm khái, nhiệt tình đưa ra cao kiến về tình hình việc làm hiện tại ở các trường cao đẳng và đại học. Tống Vũ Trì lau mồ hôi, nhanh chóng ngồi xuống giảm bớt cảm giác tồn tại.
“Đám trẻ bây giờ cũng khổ, ” Giáo sư Khoa Kỹ thuật xây dựng dân dụng nói, “Sinh viên tôi ai cũng bảo là không kiếm được công việc tốt.”
“Hồi đó tụi mình dễ dàng hơn nhiều,” một người đàn ông trung niên khác than thở, “Nhìn ông Phương kìa, người ta đi Mỹ cày bừa mấy năm, bây giờ trong nhà xây được bể bơi luôn kìa.”
Người đối diện cười: “Xây hồ bơi ở Mỹ có đắt đâu, giá đất bên đấy rẻ lắm. Ông có cả đống nhà ở Thâm Quyến mới tính là người giàu kia kìa.”
“Giàu gì trời, tôi chỉ là nhân viên cao cấp của Ủy ban Cải cách ruộng đất,” người đàn ông trung niên chỉ vào một người đang ngồi bàn chính, “Ông Biên là hiệu trưởng trường học, cựu học sinh trời Nam đất Bắc đâu đâu cũng có. Học trò là mạng lưới quan hệ, đây gọi là tài sản vô hình, mới là thứ đáng tiền nè.”
Lúc bọn họ tốt nghiệp vừa khéo gặp được thời kỳ đỉnh cao của xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong hai mươi năm hoàng kim đó bọn họ đã hoàn thành xuất sắc quá trình tích lũy vốn và chuyển đổi giai cấp ban đầu. Giờ đây ngồi trong phòng ăn này bàn chuyện quá khứ cảm thấy mọi thứ giống như dấu ấn của một thời kỳ phát triển kinh tế nhanh chóng.
Biên Thành nghe các bậc cha chú flex nhẹ tài sản, chuyên tâm giữ mình không lọt vào chủ đề bàn tán. Bên cạnh anh vẫn còn một chiếc ghế trống, giống như một khúc xương các mắc trong cổ họng, khiến anh cảm thấy bất an.
Biên Hoài Viễn bước tới bàn này và hỏi họ có muốn thêm một chai rượu Mao Đài nữa không. Sau khi mọi người từ chối thì ông đẩy ghế của một người bạn học cũ, hỏi: “Khi nào thì Tích Thần tới vậy?”
“Con bé vừa nhắn tin bảo tôi đang bị kẹt xe, ” Người kia trả lời, “Chắc mười lăm phút nữa tới.”
“Vậy chờ con bé tới rồi mình gọi thêm đồ ăn.”
Quả nhiên. Biên Thành đặt đũa xuống, đây là buổi xem mắt trá hình.
Cuối cùng anh cũng hiểu cha anh cố chấp gọi anh đi tham gia buổi họp lớp của ông, vừa dụ dỗ vừa nói ngọt, không chỉ để khoe khoang con trai.
“Đừng nghĩ nhiều, người ta chỉ tới ăn cơm thôi, ” Biên Hoài Viễn mỉm cười với Biên Thành, “Con bé học vật lý, chắc chắn hai đứa có nhiều điểm chung.”
Đổi trắng thay đen nhưng cốt lõi chẳng đổi thay.
Biên Thành nhìn về phía Tống Vũ Trì, đối phương lắc đầu thật mạnh, “Nền tảng vật lý của tôi kém lắm,” Tống Vũ Trì nói lớn, “Thi được có C thôi.”
“Mấy đứa, nói chuyện vui vẻ nhé.” Biên Hoài Viễn vỗ vai Biên Thành. Anh ngẩng đầu, bàn đối diện là bạn học cũ của cha anh và cũng là cha Tích Thần, ông ấy đang nhìn anh với đôi mắt sáng như đèn pha.
Đây là một buổi xem mắt được phụ huynh dắt đi.
Mười lăm phút. Kim giây chậm rãi di chuyển. Tiếng tích tắc vang lên như quả bom đếm ngược.
Điện thoại chợt rung, Biên Thành cầm lên, nhìn thấy tin nhắn của Văn Địch: [Thầy rảnh không? Em muốn nói chuyện với thầy, em có việc cần thầy giúp.]
Động tác Biên Thành đình trệ rồi anh lập tức trả lời: [Gọi cho tôi.]
Văn Địch: [Chuyện này hơi rắc rối… Còn không em mời thầy bữa cơm, vừa ăn vừa nói được không?]
Biên Thành: [Không cần biết là chuyện gì, chỉ cần cậu lập tức gọi cho tôi thì tôi đồng ý hết.]
Đầu bên kia do dự một chốc, ngay lúc Biên Thành định nhắn tin giục thì chuông điện thoại vang lên. Biên Thành nói “Xin lỗi, cháu có điện thoại” rồi nhấc máy: “Chuyện gì?”
Giọng Văn Địch truyền tới: “Tuần sau em có buổi họp lớp, bạn trai cũ của em cũng tới.”
Biểu cảm Biên Thành lập tức trở nên nghiêm túc: “Sao lại thành như thế? Có cấp cứu được không?”
“Thầy đi cùng em được không?”
“Tình huống hiện giờ thế nào?” Biên Thành hỏi, “Thông báo với người giám hộ chưa?”
“Giả vờ làm bạn trai của em?”
“Được,” Biên Thành nói, “Tôi tới ngay. Hiện giờ cậu đang ở đâu?”
“Quán cà phê ngoài cổng Đông Bắc?”
“Tôi biết rồi, nửa tiếng nữa tôi sẽ đến.” Biên Thành cúp điện thoại, đứng dậy, nói với các bậc cha chú đang tò mò xung quanh: “Trong trường xảy ra chuyện, cháu phải chạy về xem thử.”
~~~~