– ———————————-
Kỳ nghỉ đông hè của nghiên cứu sinh khác với sinh viên, chủ yếu là theo người hướng dẫn. Ngay khi kỳ nghỉ theo pháp luật trôi qua, Văn Địch nhận được giấy triệu tập của sếp – Diễn đàn Shakespeare Quốc tế sắp được tổ chức, mau quay về chuẩn bị.
Văn Địch thu dọn hành lý lên đường đi Bắc Kinh. Không biết tại sao mỗi lần về nhà ăn Tết, hành lý lúc nào cũng to gấp đôi khi về. Mấy thứ lặt vặt —- Kẹo mè xửng, quả nhãn, kẹo râu rồng, cho dù Văn Địch đã nhấn mạnh nhiều lần “Bây giờ cũng có thể mua trên mạng” nhưng bọn họ vẫn cố nhét đồ vào valy của cậu. Thế thì thôi đi, bà nội còn lấy ra một chiếc túi da rắn, trong là rau cải chíp và rau tề thái.
Văn Địch sửng sốt: “Con đi học chứ không đi buôn.”
“Cầm, mới hái trong vườn đấy, ” Bà nội nói, “Rau ở Bắc Kinh đắt quá! Năm tệ một cân, quá đắt!”
“Bình thường con ăn ở căng tin!”
“Rau căng tin không tươi!” Bà nội nghiêm túc nói: “Rau nhà tươi! Bây giờ con đi, tối chỉ cần lấy ra xào sơ thêm chút muối là được rồi!”
“Nhiều vậy ăn đến khi nào! Rau sẽ hỏng mất!”
“Thì xào nhiều lên, rau nhìn nhiều vậy thôi chứ xào cái là tóp lại liền!”
Văn Địch khổ não nhìn cái túi, thở dài, quan trọng là làm vui lòng người già. Cậu bình tĩnh lại, nhận cái túi: “Vậy con ăn nhiều hơn.”
“Béo mới tốt! Mấy đứa trẻ các con bây giờ toàn thích gầy, gầy xấu lắm.”
Thế là Văn Địch kéo túi da rắn, đầu tiên bắt xe buýt, sau đó đi tàu điện ngầm, chở rau củ đi hàng ngàn dặm về Hà Thanh Viễn. Vu Tĩnh Di vội vàng đi về kiếm tiền, về còn sớm hơn cả cậu, nhìn thấy túi da rắn liền sửng sốt: “Ông muốn đổi nghề hả?”
Văn Địch dọn sạch tủ lạnh, xếp thức ăn vào đấy một cách chỉnh tề rồi quay lại dặn bạn cùng nhà: “Bắt đầu từ hôm nay mình ăn chay nhé.”
Vu Tĩnh Di im lặng hồi lâu mới nói: “Lành mạnh ghê.”
Tiếc là đồ chay lành mạnh nhưng không đủ no. Ăn hết một bàn cải xanh, sau hai tiếng bụng lại sôi ùng ục. Bọn họ giống như hai chú sóc xuân tới rời tổ kiếm ăn, kiếm tới tìm lui cũng chỉ thấy mỗi cải xanh.
Ba ngày sau, hai người cận kề ranh giới nhìn rau là ói, hơn nữa rau cũng đã héo, rõ ràng ăn không còn ngon nữa trước, nhìn thấy sắp hỏng tới nơi rồi.
Tâm ý vác về từ ngàn dặm xa xôi, không thể uổng phí, Văn Địch dùng sức mạnh nghiên cứu văn học, nghiên cứu hết hai ngày thì nảy ra một ý tưởng tuyệt vời: gói sủi cảo.
Mùi vị thơm ngon, giữ được độ tươi, có thể cấp đông, kéo dài hạn ăn.
Thế là hai người xắn tay áo, mua vỏ, cắt nhỏ nhân, một hơi diệt sạch đống rau. Bình thường ở nhà bọn họ cũng có nấu ăn nên gói cũng khá ổn, nấu cũng không bị phòi nhân.
Văn Địch hài lòng ăn hai bữa canh sủi cảo, ăn bữa sủi cảo sốt vừng, hai bữa sủi cảo áp chảo, hai bữa sủi cảo chiên trứng rồi đầu hàng.
“Trong mắt tôi bây giờ ông trông hệt như một cục sủi cảo.” Vu Tĩnh Di nói.
Vào ngày thứ ba biến thành cục sủi cảo, trường tiểu học và trung học bắt đầu học lại.
Văn Địch sắp xếp giấy tờ, chứng chỉ, tài liệu rồi đến trường trung học Hưng Thành để báo cáo. Trong buổi phỏng vấn, cậu đã đánh một vòng căn tin, đồ ăn ngon mắt, còn là đồ tự chọn. Nhớ tới món bít tết thơm lừng trong căng tin, cậu như muốn rơi lệ.
Trường nhà giàu đúng là chẳng có gì ngoài tiền, xây được một ngôi trường mênh mông ở thủ đô tấc đất tấc vàng. Vừa đặt chân vào cổng trường đã thấy được những tác phẩm điêu khắc, đài phun nước và một thư viện điểm xuyết gạch đỏ. Đi vào trong một xíu sẽ thấy một hồ nước nhân tạo. Vài cặp chim uyên ương vỗ cánh, nhàn nhã bơi dưới gầm cầu giữa hồ.
Ngôi trường này bao gồm một trường trung học cơ sở và một trường trung học phổ thông. Chương trình giảng dạy theo nước ngoài, chính trị, lịch sử, địa lý, sinh học, văn học, kính tế đều được dạy bằng tiếng Anh. Học sinh nơi này đều sẽ đi du học nên ngữ văn không quá quan trọng với bọn họ, thi thoảng có Hoa kiều về nước muốn hòa nhập với môi trường trong nước nên trường đặc biệt mở ra một lớp nhỏ dạy tiếng Trung như một ngoại ngữ cho nhóm học sinh này. So với quan hệ thầy trò thì học sinh và giáo viên nơi này càng giống như khách hàng và nhân viên dịch vụ hơn, chương trình học và lớp học có thể được thiết kế theo nhu cầu của các nhà tài trợ.
Văn Địch phải tới trình diện ở tầng ba tòa hành chính. Cậu phóng to bản đồ, vuốt ngang vuốt dọc nhưng vẫn không tìm được vị trí tòa hành chính. Đang trong tiết đầu tiên, học sinh mặc đồng phục kiểu Anh đều trong lớp học nên chẳng có ai ngoài này cho cậu hỏi đường. Đang do dự không biết nên tới văn phòng tìm giáo viên không thì một cậu học sinh đột nhiên xuất hiện trong tầm mắt của cậu.
Đó là một cậu nhóc gầy guộc, cao trung bình, gương mặt thanh tú. Nhóc đang đẩy hai chiếc thùng xếp chồng lên nhau về phía trước, thở hổn hển, trông rất vất vả. Thời tiết buốt giá, từng làn sương trắng phả ra từ miệng nhóc.
“Em gì ơi?” Văn Địch gọi nhóc, “Em gì ơi?”
Thiếu niên đứng thẳng lên, nhìn Văn Địch với vẻ mù mờ.
“Em có biết tòa nhà hành chính của trường cấp ba ở đâu không?” Văn Địch hỏi.
“Cấp ba,” cậu bé lặp lại, “Cấp ba.” Sau khi suy nghĩ một lúc, nhóc nói, “Em học cấp hai.”
“Ồ,” Văn Địch có chút thất vọng, “Em không biết hả?”
“Trường cấp ba ở bên kia.” Thiếu niên chỉ vào phía sau Văn Địch, “Chỗ đó đó.”
Được rồi, cuối cùng cũng có phạm vi tìm kiếm. Văn Địch xoay người tiếp tục tìm điểm đến nhưng trong lòng lại luôn cảm thấy có gì đó đè nặng. Cậu nhìn thiếu niên, nhóc vẫn đang tiếp tục đẩy thùng về phía trước. Mặt thùng viết một tên hãng nước khoáng đắt đỏ, Văn Địch từng thấy nó trong trung tâm thương mại, một chai cũng phải mấy chục đồng. Trên thùng ghi 24 chai, vậy nên hai thùng phải nặng bốn mươi kg.
Văn Địch hỏi: “Bây giờ đang trong giờ học mà? Sao em lại ở ngoài này?”
Chắc đã có người dạy cậu nhóc là khi có ai hỏi thì phải trả lời một cách hẳn hoi. Nhóc ngừng đẩy, đứng thẳng người nghiêm túc trả lời: “Giáo viên bảo em không cần lên lớp.”
Giáo viên còn cho phép học sinh tự do di chuyển trong giờ học? Không khí trường quý tộc tự do thật.
Sau đó cậu nhóc nói tiếp: “Giáo viên nói đừng có ở trong lớp quấy rầy thầy cô.”
Chắc là làm người khác phân tâm nên bị đuổi ra ngoài. Nhưng mà học sinh ở đây không giàu cũng sang, giáo viên cũng có thể tùy tiện đuổi ra ngoài được hả? Hay do nhóc này quậy quá? “Em đã làm gì vậy?”
Cậu nhóc suy nghĩ một lúc rồi nói: “Em giơ tay.”
Văn Địch bối rối: “Giơ tay?”
“Giáo viên nói trong giờ học phải tích cực giơ tay, không thì cứ đứng lên cũng được, ” Nhóc thở dài, “Lần nào em cũng giơ tay nhưng giáo viên không gọi em. Em đứng lên thì giáo viên bảo em đang làm phiền mọi người nên yêu cầu em ra ngoài.”
Văn Địch không hiểu, chẳng lẽ còn có giáo viên không thích học sinh giơ tay? “Vậy em ra ngoài mua nước khoáng hả?” Học sinh cấp hai, nói khỏe cũng không khỏe mà yếu cũng không yếu. Nhưng đứa nhóc này trông còm nhom, kéo hai thùng nặng mấy chục ký này cũng vất vả. “Em mua nhiều vậy làm gì?”
“Lớp em muốn uống, mỗi người hai chai.”
Văn Địch nhớ ra trước cổng trường có một siêu thị dành cho học sinh, chắc là nhóc này đã mua nước ở đấy rồi kéo thùng từ đó về lại đây. “Tụi nó muốn uống thì không tự đi mua được hả? Tại sao lại bắt một mình em đi mua vậy?”
Cậu nhóc trông rất tự hào: “Em là lớp phó sinh hoạt.”
Lớp phó sinh hoạt là làm cái này hả? Hồi Văn Địch còn đi học chưa từng nghe đến cái chức này: “Lớp phó sinh hoạt còn làm gì nữa vậy?”
“Nhiều lắm,” cậu nhóc cụp ngón tay, “lau sàn, lau cửa sổ, đổ rác…”
Cậu bé càng nói càng tự hào, lưng thẳng tắp, như thể hành động của nhóc khẳng định cho câu nói: Quyền lực càng lớn, trách nhiệm càng nhiều.
Văn Địch thở dài. Bắt nạt trong trường quý tộc cũng chẳng có gì mới, tụi nó sẽ bắt nạt người yếu thế nhất trong nhất. Sao đứa nhóc này lại đần thế, bị người ta bắt nạt còn tưởng rằng mình đang cống hiến cho tập thể lớp, còn đứng đây vui vẻ này.
Văn Địch liếc điện thoại, sắp muộn thời gian đi trình diện rồi. Tiền đồ mình quan trọng hơn, cậu không quan tâm tới cậu nhóc này nữa, quay người chạy về phía trường cấp ba.
Cuối cùng cũng tìm thấy tòa nhà hành chính, sau đó nhân sự đưa cậu tới gặp giáo viên nước ngoài dạy văn học Anh ở trường cấp ba. Nhiệm vụ chính của cậu là giúp thầy soạn bài, chấm bài tập và hướng dẫn học sinh viết essay, cũng không khác trợ giảng mấy. Đồng thời Văn Địch cần phải nghe giảng nhiều hơn, làm quen với mô hình giảng dạy ở đây và chờ ngày giáo viên nước ngoài hào phóng chấp thuận – cơ hội này chỉ có thể cầu – và để cậu đứng lớp một lần. Sau khi tích lũy kinh nghiệm thì sẽ cậu được tái cân nhắc cho đi giảng dạy chính thức.
Cũng chẳng khác mấy với tình trạng của cậu lúc ở trong nhóm, quá quen với mấy công việc này rồi.
Ngày đầu tiên đi làm diễn ra suôn sẻ, giáo viên nước ngoài nói nghe lọt tai hơn Lưu già nhiều, không ngớt lời khen ngợi giáo án của Văn Địch khiến cậu tìm về sự tự tin đã mất từ lâu. Cấp ba kết thúc giờ học vào ba rưỡi chiều, thời gian còn lại học sinh sẽ tham gia các hoạt động câu lạc bộ và hội nhóm. Sau khi Văn Địch về lại trường thì cậu vẫn có thể tiếp tục đến thư viện để viết luận văn. Không biết có phải đã đến lúc may mắn mỉm cười với cậu không mà quá trình viết luận văn vô cùng thuận lợi.
Đó là một ngày hoàn hảo đã lâu không có, Văn Địch tươi tỉnh hơn rất nhiều, bỗng chợt thấy áy náy với cậu học sinh chỉ đường đấy. Cậu bé ngốc đấy giờ ra sao rồi? Đẩy thùng về được chưa? Đông lạnh thế này mà đổ mồ hôi đầm đìa như vậy liệu có bị cảm không?
Nhớ lại đống sủi cảo cần tiêu diệt ở nhà, cậu bỏ bữa tôí, đợi đến khi về sẽ chiên lên làm bữa ăn đêm luôn. Hôm nay bỏ thêm một quả cà chua vào để làm sủi cảo sốt cà, mặc dù đã cố gắng cải biến nhưng cốt lõi vẫn không đổi, Văn Địch cố lắm mới không nôn hết ra.
Dường như ông trời ngại cậu chưa đủ khổ, bụng cậu vừa mới bớt cảm giác nôn nao thì mùi khét quen thuộc đã bay vào qua khe cửa sổ.
Giống như đổ nước vào dầu sôi, cơn giận vốn đã nguôi ngoai trong dịp Tết lập tức bùng nổ. Cậu lấy điện thoại ra, cuối cùng – cuối cùng – cũng vào acc chính chất vấn hàng xóm: [Ai kêu anh đi nấu cơm vậy?]
Một lúc sau mới có phản hồi: [Đói thì không thể nấu ư?]
Trong ý gốc của Biên Thành, câu trả lời này đầy vẻ đáng thương, nhưng vào trong đầu Văn Địch thì lập tức biến thành giọng điệu khiêu khích.
Văn Địch: [Mỗi lần anh vào bếp là tôi vào viện.]
Biên Thành: [Nhưng em vẫn chưa ăn đồ anh nấu lần nào mà?]
Tôi chưa ăn nhưng ngửi thôi cũng đã trúng thực rồi, ăn vào chắc liệm luôn khỏi cần cứu. Văn Địch lại nhớ tới cậu em trai của Biên Thành, mặc dù mới chỉ thấy nhóc qua mắt mèo nhưng Văn Địch nhớ nhóc đấy gầy nhom, chắc là nạn nhân của master cook Biên Thành.
Đứa nhóc đang tuổi ăn tuổi lớn mà mỗi ngày phải ăn thứ này, Biên Thành không phải đang nấu cho nó ăn mà là đang nấu nó luôn rồi.
Văn Địch mở tủ lạnh, lấy những quả cà chua còn sót lại, gọt vỏ, cắt thành từng miếng, đun nước sôi, làm một nồi sủi cảo khác. Cậu tìm một cái tô to nhất trong ngăn kéo, đổ sủi cảo vào rồi đi sang nhà hàng xóm, gõ cửa.
Biên Thành nhanh chóng mở cửa. “Em bình tĩnh,” anh nói, “đừng gõ hỏng câu đối Tết em mua.”
Văn Đế liếc hàng chữ trên giấy đỏ, “Thiên đạo hình học”, sao thiên đạo không bứng người này về luôn đi.
“Cầm.” Cậu dúi cái tô vào người Biên Thành. Đối phương bị nóng phỏng tay nên hơi run nhưng nhanh chóng ổn định lại, cầm chắc tô canh.
“Em gói hả?” Biên Thành nhìn cậu.
“Đừng hiểu lầm,” Văn Địch nói, “Nhà tôi dư sủi cảo. Hơn nữa đây cũng không phải là cho anh, ngày nào anh cũng cho đứa nhóc đấy ăn đồ cháy thì nó còn sống được tới tuổi trưởng thành không?”
Biên Thành im lặng một lát rồi hỏi: “Vậy sau này tụi anh sang nhà em ăn ké được không?”
“Dựa vào đâu?”
“Em không cho anh nấu ăn mà?”
Trời đất ơi! Sao cái tên này mặt dày vậy!
“Không.” Văn Địch lạnh lùng kéo tay nắm cửa, đóng cửa lại.
~~~~~~~~~~~~~
Tên chương được trích từ:
“There lives within the very flame of love
A kind of wick or snuff that will abate it.
And nothing is at a like goodness still.
For goodness, growing to a pleurisy,
Dies in his own too-much.” – William Shakespeare《Hamlet》
Tạm dịch:
“”Những mảnh đời sống trong tình yêu cháy bỏng
Rồi cũng vơi dần với mẩu bấc đèn tàn.
Và chẳng thứ gì là tốt đẹp vĩnh viễn.
Bởi tốt đẹp, bành trướng tới đau đớn,
Sẽ chết bởi sự trương phình của chính nó”
– Trích từ “Hamlet” của William Shakespeare.