Đừng Học Tiến Sĩ Sẽ Thoát Ế

Chương 7: Sai Cũng Không Hẳn Là Sai Hoàn Toàn


Khoảnh khắc tiếng chuông reo đinh đang, Văn Địch suýt nữa ném đống quần áo trong tay mình đi.

Cậu bình tĩnh lại, ôm đống quần bò áo dài tay rón rén bước vào phòng khách, ngồi xổm xuống áp sát cửa, hành tung lén lút giống như ăn trộm mò vào nhà bị chủ nhà tạm thời quay về bắt được.

Động tác này chẳng có nghĩa lý gì, cậu không hiểu tại sao mình lại rúc vào góc, người ngoài cửa cũng có thấy được đâu.

Tiếng chuông lại vang thêm hai hồi nữa, Vu Tĩnh Di mở cửa thò đầu ra. Bọn họ ở chui, ngoại trừ người giao hàng thì không ai bấm chuông hết. Mà giờ này cũng chẳng có ai đi giao hàng.

Hơn nữa nhìn bộ dáng Văn Địch cũng không giống đang nhận hàng, trốn nợ thì đúng hơn.

“Chuyện gì vậy?” Vu Tĩnh Di hỏi: “Ai ngoài cửa thế?”

Văn Địch đặt ngón trỏ lên môi, vẫy tay với cô. Vu Tĩnh Di như bị ma ám, lại gần, ù ù cạc cạc ngồi xổm xuống cạnh cậu.

Văn Địch cụp ngón tay, khom bàn tay đặt sát bên miệng, quay đầu nhỏ giọng nói: “Hàng xóm.”

Vu Tĩnh Di bối rối: “Cậu trốn hàng xóm chi?”

“Đùa à, thằng đó cao 1m9 đấy. Tôi chửi nó lâu vậy rồi lỡ nó tới trả thù thì sao? Một đấm là tôi liệm đấy!” Văn Địch hạ giọng, “Hơn nữa chúng ta ở chui, lỡ bí mật bại lộ thì sao? Bà nhìn hai đứa tụi mình xem có đứa nào giống giảng viên không?”

Đừng nhìn Vu Tĩnh Di nói chuyện thoải mái với bạn bè vậy thôi chứ thực ra cô là một người hướng nội hiếm thấy của khoa Ngoại ngữ. Nếu không cần thiết thì không ra khỏi nhà không đi xã giao. Ở chui đã rén rồi, bị biểu cảm của Văn Địch ảnh hưởng, cô hoảng hốt: “Sao lại qua đây? Ông chọc anh ta hả?”

“Không phải tôi,” Văn Địch nói, “Là gió Bắc Kinh.”

Chuông cửa reo một lúc rồi đột nhiên chuyển thành tiếng gõ cửa. Văn Địch nín thở một cách không cần thiết, Vu Tĩnh Di cũng bị cậu ảnh hưởng, vô thức làm theo. Cô không dám thở mạnh, ngồi thành hàng với cậu ở cửa.

Sau khi cửa bị gõ vài lần, bên ngoài đột nhiên trở nên yên tĩnh. Hai người áp tai vào cửa, cẩn thận lắng nghe một lúc. Vu Tĩnh Di hỏi: “Đi chưa?”

Văn Địch đứng dậy, một cái ống quần rủ xuống từ khuỷu tay. Vu Tĩnh Di đỡ lấy nó trước khi nó rơi xuống đất và đặt nó lên vai Văn Địch. Văn Địch nhìn qua mắt mèo, lắc đầu.

“Chưa đi?”

“Không thấy gì hết,” Văn Địch nói, “Bọn mình chưa xé câu đối Tết đúng không? Mắt mèo bị chữ 囍 (Song Hỷ) bịt lại rồi.” Tạm ngừng một xíu, cậu bắt đầu trách móc: “Chẳng phải tôi bảo bà xé từ tháng trước rồi à?”

Vu Tĩnh Di mím môi: “Cậu nên hỏi đàn anh xem tại sao hết Tết rồi vẫn còn dán đồ Tết đấy.”

Lời còn chưa dứt, Văn Địch cảm giác được điện thoại đột nhiên rung lên. Cậu tìm kiếm nó dựa vào âm thanh, lấy điện thoại từ mũ của áo hoodie, thấy một thông báo hiện lên trên màn hình: [Sao không mở cửa?]

Cậu không khỏi run lẩy bẩy. Đừng nói là người này đứng ngoài cửa nhắn tin cho cậu nha?

Cậu muốn nhắn “không có ở nhà”, nhưng cậu vừa gửi ảnh chụp quần áo sang cho đối phương nên rõ ràng là cậu đang ở nhà.

Cậu gõ móng tay vào điện thoại, cắn răng nhắn: [Đang trong vệ sinh.]

Gửi xong cậu liền hối hận, đừng nói là mười phút sau thằng cha đấy sẽ quay lại nhé? Vì vậy cậu nhanh chóng nhắn thêm: [Cậu về đi, xíu nữa tôi để ở cửa cho cậu.]

Hàng xóm: [Khi nào?]

Hỏi rõ vậy làm gì? Chờ cậu ra để tóm à?

Văn Địch: [Trước khi đi ngủ thì ra cửa kiểm tra nhé.]

Hàng xóm: [Cậu tốn hai tiếng để đặt áo sơ mi trước cửa nhà tôi?]

Văn Địch cúi đầu nhìn quần áo, ngẫm nghĩ một lúc rồi tiện tay nhắn láo: [Tôi giặt rồi, phải chờ giặt xong đã.]

Hàng xóm: [Sao cậu lại giặt đồ tôi?]

Văn Địch: [Quần áo của tôi cũng rơi xuống sàn nên tiện thể giặt luôn. Dù sao cũng giặt máy giặt, nhiều đồ cũng không sao.]

Hàng xóm: [Lấy ra cho tôi! Đồ đó chỉ được giặt tay, không thể giặt máy.]

Hay rồi, kiếm đại cái cớ cũng dẫm phải mìn. Hai giây sau, Văn Địch đáp: [Được rồi, được rồi, tôi đi lấy ra đây, yên tâm, máy chưa xoay đâu, tôi vắt khô cho cậu nhé, đi về đi.]

Hàng xóm: [Nhanh lên, mai tôi phải mặc nó rồi.]

Văn Địch nhìn chiếc áo sơ mi. Bắc Kinh trời khô hanh, một đêm là sạch, dùng máy sấy sấy một lúc thì cũng miễn cưỡng mặc được nhưng sao thằng cha này lại cố chấp vậy. [Mai cậu không mặc cái khác được à?]

Hàng xóm: [Đó là cái áo thứ Sáu của tôi, tôi phải mặc cái đó.]

Văn Địch dán mắt vào màn hình, biểu cảm y chang cái meme ông già trên tàu điện ngầm*. Cậu thử tưởng tượng ra hình ảnh một người xếp quần áo trong tủ theo kiểu đồ thứ Hai, đồ thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Sáu, thứ Bảy mà nổi da gà khắp người. Chậc, rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

(Hy: đây chính là cái meme ông già trên tàu điện ngầm =)))

Văn Địch nghiến răng: [Được, được, được, cậu về đi, lát nữa tôi trả cậu.]

Chờ hai phút không thấy hàng xóm trả lời. Văn Địch quay sang nói với Vu Tĩnh Di: “Chắc đi rồi.”

Vu Tĩnh Di thở dài nhẹ nhõm, đứng dậy, cảm giác đùi tê luôn. Cô đấm chân, cúi đầu nhìn Văn Địch, thắc mắc: “Sao chúng mình lại như thế này?”

Tay chân luống cuống, lôi thôi nhếch nhác, hoảng hốt lo sợ, dáng vẻ đáng ngờ.

Văn Địch đáp: “Vì chúng ta là những con đỗ nghèo khỉ.”

Nói xong cậu đứng dậy đi vào bếp. Máy giặt nằm cạnh bồn rửa bát. Cậu lôi quần áo của mình ra, bỏ vào, sau đó giơ chiếc áo sơ mi rộng thùng thình lên.

“Ông làm gì thế?” Vu Tĩnh Di nhìn cậu cầm chậu nhựa đi vào trong xả nước.

“Một lời nói dối cần nhiều lời nói dối để che đậy.” Văn Địch nói.

Cậu làm việc nhà nguyên một tối, bắt đầu với việc quét nhà và kết thúc với việc giặt đồ, điểm khác nhau là nụ cười dần biến mất trên gương mặt cậu.

Xui vãi, Văn Địch vừa vắt chiếc áo sơ mi đẫm nước vừa nghĩ sao lúc nào đang vui cũng đụng phải thằng cha chết bầm này.

Vu Tĩnh Di nghi hoặc nhìn cái áo chằm chằm, tựa tường nhìn Văn Địch vừa vẩy nước trên tay vừa lầu bà lầu bầu. Cô xoay điện thoại giữa những ngón tay và hỏi: “Tối thứ bảy này rảnh không?”

“Tuần này?” Văn Địch nhẩm lại lịch trình trong đầu, “Chắc rảnh, sao vậy?”

“Vưu Quân về nước, nói muốn ăn cơm với tụi mình.” Vu Tĩnh Di nói, “Đi không?”

Văn Địch dừng việc đang làm, dùng khuỷu tay chà cái trán tự dưng bị ngứa: “Ở đâu?”

“Một nhà hàng Nhật ở Trung Quan Thôn.”

Văn Địch tính toán trong đầu, biên độ giá nhà hàng Nhật rất rộng, dao động từ 80 đến 8.000 cho một người. Nếu cậu nhớ không sai thì tiền thuế Vưu Quân phải trả còn cao hơn tiền lương của cậu.

Vu Tĩnh Di vỗ vai cậu: “Yên tâm, mỗi người cỡ 120, ăn được.”

Văn Địch thở phào nhẹ nhõm, giọng điệu cũng trở nên thoải mái hơn. Ngay cả bản thân cậu cũng không ý thức được sự thay đổi này: “Ok, vậy tụi mình đi xem thử người tốt nghiệp đại học T một cách nghiêm túc này bây giờ như thế nào.”

Bọn họ đều từng là “con nhà người ta”, nhưng “con nhà người ta” cũng có đủ loại đủ kiểu. Có loại như Vưu Quân là tinh anh hô mưa gọi gió trong nghề, cũng có loại… thảm hại như bọn họ.

Khi còn nhỏ thường nghe người ta nói: “Học tập thay đổi vận mệnh.” Văn Địch tin tưởng sâu sắc vào điều đó, kiên định cất bước, treo dầm đâm mông, không ngừng nỗ lực bước tới tương lai tươi sáng và rực rỡ.

(Hy: Treo dầm đâm mông là một thành ngữ nói về việc siêng năng học hành, được trích từ hai câu chuyện: Tôn Kính triều Tấn khi đọc sách đã cột tóc của mình lên trên xà ngang, để tránh ngủ gật. Thời chiến quốc, Tô Tần mỗi khi đọc sách cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ liền lấy cái dùi đâm vào đùi mình)

Tuy nhiên, sống đến năm hai mươi sáu tuổi, cậu chợt nhận ra tương lai tươi sáng và rực rỡ ấy thật giống như Khoa Phụ đuổi theo mặt trời[2], vĩnh viễn lửng lơ ở nơi ngoài tầm với. Dân đen thành phố vẫn là dân đen thành phố, con cưng của trời vẫn là con cưng của trời.

(Hy: Link dành cho ai muốn đọc câu chuyện Khoa Phụ đuổi theo mặt trời)

Cậu gấp cái áo ướt nhẹp, lục lọi trong phòng một lúc, tìm thấy những túi đựng đồ còn sót lại từ những lần mua sắm trực tuyến. Cậu không bao giờ vứt những chiếc túi này đi mà tìm đại một cái túi lớn rồi bỏ hết vào. Cứ mỗi ba tháng kiểu gì cũng sẽ có một khoảnh khắc kỳ diệu nào đó bọn nó sẽ phát huy tác dụng.

Văn Địch đi tới cửa, dỏng tai lắng nghe, sau khi xác nhận hành lang không có động tĩnh gì cậu mới chậm rãi vặn tay nắm cửa, bước ra ngoài.

Cậu nhón chân bước đi, đặt túi áo lên tấm thảm chùi chân nhà đối diện rồi quay người đi về nhà. Trước khi bước vào cửa, cậu đưa tay đục một lỗ trên chữ “Phúc” để thông mắt mèo. Sau đó cậu nhắn tin cho hàng xóm, nói áo để ở cửa.

Khi Vu Tĩnh Di bước vào phòng khách lần nữa, cô nhìn thấy Văn Địch đang khom lưng, nhắm một mắt, hai tay dán vào cửa, đu trên đó như con thằn lằn.

Cô dụi mắt, trừng Văn Địch: “Ông đang làm gì vậy?”

“Há miệng chờ sung,” Văn Địch nói, “Tôi muốn xem thử nhà đối diện là con hàng gì.”

Tư thế này có hơi mỏi, đu cửa một hồi đã cứng hết người, mắt khô queo. Cậu đưa tay bóp nhẹ cổ, chớp mắt vài lần.

Vu Tĩnh Di thở dài, quyết định không tham gia trò chơi giảm chỉ số IQ này.

Văn Địch cho là nếu mười năm học tập gian khổ để lại cho cậu thứ gì thì đó chính là ý chí kiên cường bất khuất. Dù phải đợi đến khi sông cạn đá mòn, cậu cũng phải nhìn xem thằng bi.ến thái nhà đối diện dáng dấp ra sao.

Sau khi kiên nhẫn chờ đợi năm phút, cuối cùng có một tiếng két vang dài, cánh cửa mở ra.

Văn Địch hít sâu một hơi, mở to mắt.

Cửa mở hé, một bóng người hiện ra, người nọ nghiêng người cúi xuống nên chỉ có thể thấy được mái tóc đen. Tóc trông rất cứng, dựng thẳng lên trời.

Nhìn thì thấy có vẻ không phải là một ông chú trung niên bụng phệ, cũng không phải một lão học giả đầu lưa thưa tóc. Dáng người gầy gò, hơn nữa…

Đây không thể là một người đàn ông cao 1m9.

Cho dù dòm qua mắt mèo không đúng như khi nhìn thẳng, cộng thêm việc người đấy cúi đầu thì 1m9 cũng sẽ không cách khung cửa xa như vậy. Người này cao chưa tới 1m7.

Văn Địch nheo mắt lại, cố gắng nhìn rõ khuôn mặt người này.

Đáng tiếc, sau khi người đấy nhặt túi áo lên thì lập tức đóng ầm cửa lại, một phần mặt cũng chẳng thấy được.

Văn Địch nhìn chằm chằm cánh cửa đối diện đã đóng lại hồi lâu rồi nói “Đờ mờ”. Lại uổng công.

Cậu trở về phòng ngủ với một bụng nghi ngờ, vẫn nghĩ về chuyện lạ này: người cao 1m6 mà mua áo cho người 1m9? Bây giờ đang mốt mặc đồ cỡ lớn hả? Hay treo cái áo sơ mi cỡ lớn giúp phòng trộm?

Nghe tiếng máy giặt “ùng, ùng”, nhìn những chiếc móc trống trên ban công, tự nhiên cậu nảy sinh cảm giác hối hận: Nếu biết đối phương là con khỉ còm thì cậu ra đi ra mặt đối mặt rồi, không chừng còn đánh thắng nó.

Điện thoại rung. Văn Địch nghĩ rằng hàng xóm có ý kiến với cách vắt đồ và túi đựng của cậu, lấy ra dòm thử, thì ra là việc bảo vệ học bổng xảy ra chuyện.

Rắc rối không hề ngừng tới.

Sau khi có kết quả đánh giá học bổng thì sẽ có ba ngày phúc khảo kết quả. Nếu có thắc mắc thì có thể nêu vấn đề với bí thư ban chấp hành – bí thư thường là trợ lý, cũng chính là Văn Địch. Người thông minh thường không an phận, thường xuyên có người nhảy ra kháng nghị, năm nay cũng không ngoại lệ.

Văn Địch đọc tờ ghi chú, người tìm cậu là một cô gái học nghiên cứu sinh năm hai, nhận được học bổng loại hai. Cô gái không hài lòng với kết quả, khó chịu cả một buổi tối, tìm Văn Địch làm một bài diễn thuyết hùng hồn: [Đàn anh, nếu dựa vào quy tắc cũ, xét kết quả nghiên cứu khoa học, số lượng bài báo được đăng trên tập san và hội nghị, em đều hơn cô ấy. Em có bài báo xuất sắc được đăng trên diễn đàn nghiên cứu sinh, cô ấy không. Nếu xét từ góc nhìn toàn diện thì ngoại trừ nghiên cứu khoa học ra, thành tích và biểu hiện của em ở bốn mặt còn lại đều hơn cô ấy. Bọn em đều là ứng cử viên cho Ngôi sao Văn học và Nghệ thuật[1], em mới là người được chọn. Về mặt thể thao em là quán quân John Ma[2]. Về mặt công tác xã hội em là cố vấn, đứng nhất Giáp Đoàn[3], phụ trách toàn bộ tiến trình của đề cử sau đại học của nghiên cứu sinh khoa Ngoại ngữ, giành được chức thủ lĩnh sinh viên tiêu biển cấp trường. Tóm lại là em hơn cô ấy trong mọi phương diện. Tại sao cô ấy được học bổng loại một mà em lại là loại hai?]

Văn Địch thở dài trả lời: [Có biểu hiện tốt không có nghĩa sẽ thắng.]

Đàn em gửi một dấu chấm hỏi to, sau đó lại nhắn: [Em yêu cầu công khai tên các giảng viên chấm bảng điểm này.]

Văn Địch nhìn màn hình mà ê răng. Cậu biết nội tình của chuyện học bổng năm nay. Cái cô đàn em được học bổng hạng nhất đó là nghiên cứu sinh của giảng viên Triệu, trước buổi bảo vệ học bổng đã “chào hỏi” qua các giám khảo với cô mình. Vốn dĩ điều kiện của mọi người không có quá nhiều khác biệt, buổi bảo vệ thực chất là đánh giá dựa vào quan hệ, trong dàn giám khảo có người quen không thì ắt sẽ được điểm cao hơn. Người có kinh nghiệm, ví dụ như cậu, liếc danh sách cũng biết năm nay nên tới hay nên chạy.

Giám khảo ẩn danh chấm điểm, có nghĩa là cậu không biết giảng viên nào đã chấm cái điểm đó. Nếu thật sự công khai tên thì nhìn phát sẽ biết người nhận “hối lộ” là ai.

Công khai kiểu gì!

Văn Địch tận tình khuyên bảo khuyên cô ấy nửa ngày, nói rất nhiều thứ như “Điểm không liên quan tới biểu hiện của em trong buổi bảo vệ đâu, “Tiêu chí của giám khảo là chuyện riêng tư”, nhưng không thuyết phục được cô. Văn Địch nhìn thời gian, nửa đêm tới nơi rồi, bản thân vừa khổ vừa mệt, đau hết cả đầu. Cậu chỉ là một trợ lý, điểm cũng không do cậu chấm, làm khó cậu chi vậy trời!

Văn Địch gửi cho cô một tin nhắn: [Nếu em có ý kiến với điểm giám khảo cho em thì đi khiếu nại đi. Học bổng năm nay do giảng viên Triệu phụ trách, em đi tìm cô ấy nhé.]

Thế mà con bé này lại đồng ý. Nó đang nghĩ cái quái gì vậy!

Văn Địch vội vã bổ sung: [Buổi bảo vệ luận án của em chắc chắn sẽ gặp giảng viên Triệu, cô ấy là chủ tịch Hội đồng đánh giá đấy.]

Đàn em im lặng một lúc, nhắn: [Thôi bỏ đi.]

Trong dự đoán của Văn Địch. Sinh viên vs giảng viên, cuộc chiến một chiều. Chỉ vì mấy ngàn tiền học bổng mà đắc tội giảng viên thì quá uổng. Hơn nữa những giảng viên đấy cũng trải qua muôn vàn tình huống, đến cả chuyện sinh viên nhảy lầu tự sát còn xử lý được thì sợ chi sinh viên gây chuyện vì học bổng?

Cậu nghịch điện thoại trên tay, nảy sinh lòng thương cảm với đàn em. Chỉ mong năm sau đổi ban giám khảo, có thể lấy lại số tiền năm nay bỏ lỡ.

Nghĩ tới tiền, cậu không khỏi rùng mình.

Cậu nhớ lại bảy trăm đô la bị cướp ngày trước.

~~~~


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận