Duyên Làm Phu Quân

Chương 4




Editor: Thanh Việt
 
Đại cô nương xuất giá từ năm ngoái đã được nửa năm, chỉ tiếc nửa năm nay bụng nàng ta luôn không có tin tức. Vì thế Đại phu nhân rất nôn nóng, nhưng nữ nhi đã là người nhà người ta, bà không thể chạy tới cửa khoa chân múa tay, chỉ có thể trông mong ông trời có mắt, để Đại cô nương sớm sinh được một mụn con, đứng vững gót chân ở nhà chồng. Biết tâm tư này của Đại phu nhân, đương nhiên Tiên Y gãi đúng chỗ ngứa, chọn cho nàng ta một ít trang sức đá quý ngụ ý may mắn. Đại phu nhân mở cờ trong bụng, lôi kéo Tiên Y nói chuyện một lúc lâu cho đến khi Thuý Châu đứng ở bên ngoài thông báo Đại thiếu gia đã tới.
 

Vừa nghe nhi tử đã về, Đại phu nhân cũng không còn quan tâm trang sức vải vóc nữa, vội vàng gọi người đón Đại thiếu gia vào phòng. Tiên Y không nhiều lời, trực tiếp cúi đầu trốn đến một góc không đáng chú ý.

 
“Nhi tử thỉnh an mẫu thân.” Đại thiếu gia hơi chột dạ đi vào, gã nghĩ dù một màn vừa rồi mà bị mẫu thân biết sẽ bị nhắc nhở hai câu. Dù sao nhà họ cũng không phải những nhà coi con trắc thất như đồ chơi gia tộc. Nếu gã thật sự quá phận, mẫu thân chắc chắn sẽ không tha cho gã. Hơn nữa gã nghe nói gần đây đang nghị thân cho mình, nếu truyền ra tin tức không hay làm đổ bể hôn sự, phụ thân chắc chắn sẽ không để hắn yên ổn.
 
“Sao chỉ có một mình con? Mộc Tầm đâu?” Đại phu nhân nhìn phía sau con, nhíu mày.
 
“Nương cũng hiểu tên nhóc kia mà, vùi mặt vào sách vở cả ngày, nó nói tự về một mình, có lẽ buổi chiều là về.” Đại thiếu gia ngồi xuống ghế, bưng chung trà lên, quan sát sắc mặt mẫu thân không có gì lạ mới thầm thở phào.
 
“Cũng đúng, nhưng các con luôn về buổi chiều, sao mới sáng con đã ở nhà rồi?” Đại phu nhân chỉ lo tiểu nhi tử chưa trở về, lại quên mất canh giờ, được Đại nhi tử nhắc nhở bà mới khó hiểu hỏi.
 
Nói đến đây, tay Đại thiếu gia bưng chén trà hơi khựng lại, xấu hổ quay đầu đi, không dám đối mặt mẫu thân, trong miệng chỉ giải thích qua loa: “Hôm nay tiên sinh không được khỏe nên cho bọn con về sớm.”
 
Đại phu nhân vừa thấy nhi tử như vậy, lòng cũng đoán được đôi ba phần, không khỏi thở dài. Đừng thấy đại nhi tử là người sắp phải thú thân (đón dâu), thật sự gã không phải người có tài đi trên đường làm quan. Thường ngày làm bậy coi như thôi, nhưng chểnh mảng việc học đã bị Đại lão gia phạt không biết bao nhiêu lần, căn bản hắn không biết khắc ghi. Lão gia đã tìm được thư viện công tốt như vậy nhưng Đại thiếu gia chưa từng thi đậu công danh gì. Đại phu nhân đè nén bực tức trong ngực, may mắn tiểu nhi tử của bà ta tuy rằng nhỏ hơn huynh trưởng chưa đến hai tuổi nhưng đã sớm thi đậu tú tài. Nghe nói hắn có khả năng rất lớn đậu cử nhân tháng sau, khó trách lão gia càng ngày càng thương Nhị thiếu gia, không quan tâm đến trưởng tử.
 
“Con đó, sau này làm việc dụng tâm hơn đi, thư viện nhiều tiên sinh giỏi, Ôn tiên sinh lại là viện trưởng, con không biết phụ thân con phải tốn bao công sức để con có thể vào thư viện đó đâu.” Tuy Đại phu nhân biết con mình không nghe lọt tai nhưng vẫn không nhịn được nhắc nhở vài câu. Tuy rằng Viên ngoại lang Hình bộ là quan kinh thành, nhưng cũng kém xa những Thượng thư, Thừa tướng, Tướng quân thậm chí là hầu tước linh tinh ở kinh thành. Nếu không phải lão gia có nhà mẹ của Đại phu nhân là Hộ bộ Thượng thư giúp đỡ, sợ rằng đã sớm bị người ta quên lãng.


 
“Biết rồi, biết rồi!” Đại thiếu gia không kiên nhẫn ngắt lời, sau đó do dự nhìn nha đầu bà tử xung quanh, nháy mắt với Đại phu nhân, lấy lòng nói: “Nương, nhi tử có vài lời cần nói riêng với người.”
 
Đại phu nhân trừng mắt nhìn con trai mình, nhưng cuối cùng vẫn mềm lòng, vẫy tay, các nha đầu bà tử đều thành thực đi ra ngoài, Tiên Y đi lẫn vào đám người đó, cúi đầu không nói, đi ra ngoài mà không có gì đáng lưu ý.
 
Sau khi ra khỏi phòng, bọn nha đầu cũng không chờ ở bên ngoài mà đi qua thiên phòng chờ sai bảo, chỉ có hai đại nha đầu và Trần thị đứng canh ở cửa.  Tiên Y theo bọn nô tỳ bà tử đi đến nhà kề liền nghe thấy có người nghị luận: “Đại thiếu gia trở về sớm như vậy, hẳn là thiếu tiền của người ta, nếu không sao lại tỏ ra ân cần như vậy.”
 
Tiếp đó là cuộc thảo luận mở ra ở thiên phòng, dù sao chủ tử không ở đây, làm gì có ai quản lý.
 
Tiên Y ngồi đó uống trà, chỉ nghe mà không nói gì. Đại thiếu gia Kim Mộc Lâm là hài tử thứ hai của Đại phu nhân sau một cô nương. Đại thiếu gia đến khiến Đại phu nhân có thể thẳng lưng mà đi cho nên được Đại phu nhân yêu thương hết mực từ nhỏ, cho đến khi sinh được Nhị thiếu gia mới chia ra một ít tình yêu thương của Đại phu nhân. Nhưng tiếc rằng do quá chiều chuộng, Đại thiếu gia lại ngu dốt trời sinh, mãi đến khi học vỡ lòng vẫn trong tình trạng hồ đồ dốt đặc cán mai. Dù Đại lão gia cố gắng dạy dỗ ra sao cũng không khá khẩm, thi tú tài mấy năm liền đều trượt dài, tuổi tác hắn ngày càng lớn, Đại lão gia và Đại phu nhân cũng hết cách. Thật ra nếu hắn chỉ không học tốt thì cũng thôi, dù sao cũng đã có Nhị thiếu gia có thiên phú học hành, không sợ lão gia không có người nối nghiệp. Nhưng cái đáng đánh nhất là Đại thiếu gia học tập không nên thân, nhưng không thầy dạy lại chơi bời trác táng rất giỏi. Chẳng những kết giao với những tên phá nhà khác mà còn mù quáng tự đại, tự cảm thấy mình rất có mắt nhìn đồ cổ tranh chữ. Hơn nữa có ‘hảo hữu’ của hắn ở bên cổ vũ cho nên thường xuyên mắc mưu bị lừa, luôn làm thiếu hụt ngân khố trong phủ. Mặc dù Đại lão gia đã dạy dỗ một lần nhưng vẫn ngoan cố không hối cải, chạy như điên trên con đường coi tiền là rác.
 
Tật xấu này của Đại thiếu gia hai ba ngày lại phát một lần, nói vậy lần này về nhà chắc là hy vọng Đại phu nhân có thể dùng của hồi môn bù giúp hắn một phần để không bị Đại lão gia phát hiện mà nghiêm trị một trận. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, quả thật cách giáo dục con của Đại phu nhân và Đại lão gia có vấn đề. Đại phu nhân thì cưng chiều con hết mực, thậm chí bao che sai lầm cho hài tử, còn Đại lão gia luôn dùng phương pháp nghiêm khắc để trừ tận gốc sai lầm của hài tử, không bao giờ tâm sự, phân tích sai lầm với con mình để giải quyết. Vì phương pháp giáo dục lộn xộn này mà Đại thiếu gia trở thành kẻ vô dụng, vừa không biết mình sai ở đâu, lại không chịu nhận lỗi. Thế nên đến giờ Đại thiếu gia vẫn nghĩ chỉ vì hắn xui xẻo mới không thi đậu tú tài, không mua được đồ cổ.
 

Đại phu nhân và Đại thiếu gia nói chuyện không được bao lâu đã thấy hắn đi ra với vẻ mặt thỏa mãn, nhưng Đại phu nhân lại vào phòng trong nằm, chỉ gọi hai đại nha đầu vào hầu hạ. Tiên Y đoán có lẽ lần này Đại phu nhân tức giận Đại thiếu gia không nhẹ, lại phải bỏ không ít tiền riêng để bù vào, sợ rằng đang ê ẩm cả người rồi.
 
Tâm tình Đại phu nhân không tốt, đương nhiên Trần thị không thể rời đi. Nếu Đại thiếu gia đi rồi thì Tiên Y không cần ở chỗ này hầu hạ nữa, vì thế nàng nhận việc đi thông báo phát thêm y phục và trang sức cho các phòng. Phủ Ngoại lang không phải phủ quan lớn, mỗi năm các chủ tử sẽ phát y phục bốn lần, lão thái thái có sáu bộ mới, Đại phu nhân bốn bộ, các thiếu gia tiểu thư dòng chính hai bộ, con thứ chỉ một bộ. Theo quy củ, các di nương có hai bộ, nhưng do không dư dả gì nên bọn họ chỉ mong nhận được đồ để đổi thành bạc. Các nha đầu chạy việc như nàng phải ghi chép rõ ràng lúc ấy phòng nào lấy tiền hay đồ, không thể ghi sai.
 
Tiên Y đi đến viện của lão thái thái đầu tiên, vì lão thái gia đã qua đời, bà ta lại là người thích náo nhiệt nên chắc là lúc này lão thái thái đang nghe nữ tiên sinh kể chuyện, cũng may Tiên Y không cần đến thỉnh an trước mặt mà tìm gặp đại nha đầu Đậu Miêu để khai báo sự việc là xong. Nhưng cũng phải nói, lão thái thái sống tới giờ cũng không dễ dàng gì. Trong nhà lão thái gia năm đó chỉ có vài sản nghiệp nhỏ, nhưng từ khi cưới nhị nữ nhi của người bán vải, dù làm ruộng cũng có lời, coi như là thuận buồm xuôi gió, cứ thế biến từ một nông dân thành địa chủ nổi danh ở huyện Lâm Thanh. Lão thái thái cũng thuận lợi sinh hạ Đại lão gia, nhưng câu nói ‘nam nhân có tiền sẽ nhiễm thói hư tật xấu’ luôn có vài phần đúng. Lão thái gia làm địa chủ sao dù có sủng ái lão thái thái thì cũng có lúc ăn vụng. Hơn nữa lên làm địa chủ, không biết do nô tỳ trong nhà có lòng xấu hay là lão thái gia bị đại cô nương mê hoặc hoa mắt, tóm lại nhị nhi tử của ông ta chui ra từ bụng nô tỳ trong nhà.
 
Với tính của lão thái thái sợ là đã làm loạn vài lần, cãi nhau vài lần, nhưng dù sao cũng đã gả cho lão thái gia, chỉ có thể đè oán khí trong lòng xuống. Cuối cùng lão thái thái dành trọn sự quan tâm cho nhi tử, may mắn lão gia cũng coi như giỏi giang, học hành thành công lại được lên kinh làm quan. Sau này nhìn lại, nô tỳ sinh nhị nhi tử sức khỏe từ nhỏ đã không tốt, làm gì cũng khó khăn. Sau khi được lão thái gia nạp làm tức phụ, sinh con không được bao lâu đã quy thiên. Lão thái gia cảm thấy nô tỳ đó đen đủi cho nên sau khi Đại lão gia vào kinh thì lão thái gia để cả nhà nô tỳ đó ở lại huyện Lâm Thanh. Cho tới khi trượng phu mất, lão thái thái không nhắc một lời đến gia đình đó, chỉ để Đại lão gia phái người đi chia cho họ ít tài sản của lão thái gia rồi không qua lại nữa, cũng không thật sự đối đãi khắc nghiệt với con thứ kia.
 
Ở trong thế giới coi con trắc thất là phận thấp hèn, Tiên Y không chấp nhận làm thiếp của người ra, dẫu gả cho một nô tài cũng là chính nương tử, dù gì cũng tốt hơn làm thiếp chỉ cần một lời chính thê nói là có thể tùy ý xử trí con mình.
 
Nhớ tới thiếp thất, Tiên Y nhìn mấy viện trước mắt, không nhịn được thở dài. Hiện tại Đại lão gia có tổng cộng bốn vị di nương, lớn tuổi nhất là sinh mẫu (mẹ đẻ) của Tam thứ tử, tiền thê của lão gia – Hàn thị. Tiếp theo là người được lão thái thái quyết định đưa cho lão gia làm thông phòng, bà ta sinh Tứ thứ tử mới được phân làm Chu di nương. Sau đó là Liễu di nương con trắc thất của một hạ quan tặng cho Đại lão gia, mấy năm trước sinh được Nhị cô nương. Người cuối cùng và trẻ tuổi nhất là Tào di nương, con của một gia đình buôn lương thực đã suy đồi. Nàng ta trẻ như hoa, rất mới mẻ với Đại lão gia, nhưng lại không có con. Thật ra theo Tiên Y nghĩ, làm tiểu thiếp thời đại này thì không sinh con cả đời vẫn hơn, khỏi phải đấu đá với con chính thất, sau này bị người ta định đoạt số phận. Kết quả tốt nhất cũng chỉ nhi tử trắc thất, nếu chính phòng rộng lượng thì có ngày được chia một phần sản nghiệp nhỏ đuổi khỏi dòng chính.



Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận