Nhân bánh ở trong thành.
Mỗi người ăn một cái,
Chớ hiềm chẳng ngon lành.
Đời chẳng ai trăm tuổi,
Cố gắng nghìn năm nay.
Rèn sắt làm bậu cửa,
Quỷ thấy cười vỗ tay.
Vương Phạm Chí
Dường như chỉ cần nhắc đến Thiền đến Phật cùng một ai đó, đều cảm thấy đó là một cảnh giới hư vô mờ mịt, ẩn chứa huyền cơ khó mà lĩnh ngộ. Lại không biết rằng, những nội dung sâu xa, chỉ nhằm biểu đạt những đạo lý hết sức giản dị. Mà sự giản dị bề ngoài, lại gửi gắm hàm ý thâm sâu. Chúng ta cứ coi Phật giới là khó hiểu, dốc hết tâm tư hòng tìm ra đáp án cuối cùng. Lại chẳng hiểu rằng, đời người như cuộc cờ mà chúng ta chẳng cách nào quyết định được thắng thua. Những lúc hoang mang, hẳn là còn trong cuộc, đến khi giác ngộ thì mới thoát được ra. Nếu dùng tâm thái bình hòa quan sát mọi sự trên đời, sẽ đơn giản thấu tỏ. Nếu dùng tâm thái phức tạp nhìn xem hồng trần vạn trượng, sẽ bị cảnh đời rối rắm làm cho mê muội.
Đây chính là hàm nghĩa của cái gọi là “có thứ mùi vị là niềm vui thanh đạm, giữa phồn hoa lại thấy được thuần chân”. Một nhà sư cũng có bài thơ như vậy, tuy ít được lưu truyền, phong cách cũng chẳng cao xa, nhưng ngôn từ lại giản dị, thông tục dễ hiểu, như một chén trà lúc nhàn nhã, thanh đạm mà uống hoài không chán. Ngài chính là Vương Phạm Chí, Thi tăng bạch thoại thời Đường, thơ của ngài ngôn từ mộc mạc, nhưng lại gửi gắm đạo lý chân thực. Dùng nhiều giáo lý mộc mạc giản dị của nhà Phật để khuyên người đời làm thiện tránh ác, đồng thời cũng thể hiện rất nhiều châm biếm và chế nhạo thế thái nhân tình. Khi chúng ta ngày ngày bị những chuyện thế tục phức tạp rối rắm giày vò đến kiệt quệ cả tâm sức, ngẫu nhiên đọc được dăm bài thơ của ngài, thật chẳng khác nào kẻ đã ăn chán sơn hào hải vị được nếm hương vị thanh đạm của rau dưa màn thầu, lại có được niềm vui của người quen ở giữa cảnh ảo nay quay về vườn ruộng.
Thực ra, cuộc đời mỗi người, đều cần một hoặc vài cuốn sách hợp với mình như thế. Có lẽ chẳng cần ngôn từ hoa lệ, cũng chẳng cần mùi mực thơm nồng. Chỉ cần có thể khiến một kẻ đói khát cảm thấy đủ đầy, thì là sách hay. Một người có nội hàm, có khí độ, có thể nhìn thấy tình cảm và thiền ý trong lùm cây bụi cỏ, xem một hạt bụi là tri kỷ, là bạn tốt, cũng có thể tìm thấy thanh nhàn giữa rối ren, được sương móc giữa đất bùn. Những thứ đó đều bắt nguồn từ tấm lòng, lòng trong ắt sáng sủa, lòng đục ắt nhơ bẩn. Trong vòng luân hồi vội vã của cuộc đời, chúng ta đều để lại những dấu ấn, sâu có, nông có, chỉ là không rõ, ai có thể nắm chắc đưa được bản thân quay về với cái thuần chân thuở ban đầu.
“Ngoài thành bánh bao đất,
Nhân bánh ở trong thành.
Mỗi người ăn một cái,
Chớ hiềm chẳng ngon lành.”
Câu thơ mộc mạc rõ ràng biết mấy, chẳng cần trau chuốt hay giấu giếm gì, cũng có thể khiến ta khó thốt nên lời. Dù là hoàng đế vương hầu cũng thế, là thường dân áo vải cũng vậy; hô mưa gọi gió hay hèn mọn yếu đuối; tiền ngàn bạc vạn hay hai bàn tay trắng; sắc nước hương trời hay xấu xí héo hon. Tất cả những thứ đó, đứng trước cái chết, đều chẳng có gì đáng kể, bất kỳ lúc nào, thần chết cũng có thể thình lình kết thúc cuộc đời người ta mà chẳng hề báo trước. Những lời muốn nói còn chưa kịp nói xong, những việc muốn làm vẫn chưa hoàn tất, người muốn yêu thương cũng chưa kịp yêu thương cho đủ. Sinh mệnh chỉ có một lần, chẳng cho bất kỳ ai cơ hội làm lại. Bao nhiêu anh hùng yểu mệnh, bao nhiêu hồng nhan vắn số, khi chết đi rồi, chỉ là một đụn cỏ dại, một vốc bụi trần, vùi lấp hết một đời ngắn ngủi. Ví bánh bao đất với mộ phần, vô cùng trực tiếp, vừa như giễu cợt, lại cũng là bất lực. Cái bánh bao đất ấy, bị vứt ra ngoài thành, cỏ dại um tùm, hiu quạnh khôn kham. Mà nhân bánh lại ở trong thành thị phồn hoa, giờ họ đang hưởng thụ vinh hoa, tiêu dao tự tại, nhưng đến lúc lâm chung, cũng phải chui xuống cái bánh bao đất ấy, lấy bùn đất làm nhà, cỏ hoang làm chăn, cô độc làm láng giềng, chuyện trò cùng chiếc bóng. Bất luận có muốn hay không, thì thứ bánh bao đất này, mỗi người đều phải ăn một cái, hơn nữa cũng chỉ có thể ăn một cái. Nhân của nó, có lẽ cũng không vừa miệng, nhưng người ta chẳng thể chê bai, bởi cái chết là kết quả sau cùng, mọi người đều chẳng có lựa chọn nào khác. Mỗi người đều hiểu quy luật của tự nhiên, nhưng khi đối mặt với chuyện sống chết, lại chẳng thể thản nhiên, không cách nào thấu triệt. Nhưng bằng một giọng nhẹ bẫng, ngài đã biến cái chết nặng nề nhường ấy, trở nên nhẹ nhõm mà dí dỏm.
“Đời không ai trăm tuổi,
Gắng gượng nghìn năm nay.
Rèn sắt làm bậu cửa,
Quỷ thấy cười vỗ tay.”
Chúng ta đều là phàm nhân dung tục, không có cách nào khác ngoài tiếp nhận quy luật sinh lão bệnh tử. Chẳng ai cầu nổi trẻ mãi không già, nhưng vẫn cố chấp kiếm thuốc tiên, vọng tưởng thành tiên, thoát khỏi nỗi khổ luân hồi. Tục truyền rằng Trí Vĩnh thiền sư thời Trần, hậu duệ của Vương Hy Chi, viết chữ rất đẹp, nổi danh một thời, người đến xin chữ nhiều đến nỗi giẫm gãy cả ngưỡng cửa, phải lấy thép lá bọc lại, mới giữ được bền lâu. Câu “rèn thép làm bậu cửa” bắt nguồn từ tích ấy. Bao nhiêu người, miệt mài theo đuổi, tính toán đủ điều xa xăm hư ảo cho cuộc đời. Lại chẳng biết rằng, cái phí công của mình, chỉ chuốc lấy trò cười. Phạm Thành Đại thời Tống từng đúc kết ý tứ của cả hai bài thơ này thành: “Cửa sắt nghìn năm dầu vững chắc, đất bùn một nắm cũng chôn vùi[1].” Diệu Ngọc trong “Hồng Lâu Mộng” thích nhất hai câu ấy, cũng từ đó mà ngộ được lẽ sinh tử, một đạo lý tưởng như ẩn chứa huyền cơ sâu xa mà thực ra đơn giản.
[1] Bản dịch của nhóm Vũ Bội Hoàng trong Hồng Lâu Mộng.
“Chùa Thiết Hạm” và “am Man Đầu” trong sách cũng bắt nguồn từ đây.
Thơ Vương Phạm Chí bộc lộ sự châm biếm mà ông dành cho thế nhân, tựa hồ ông là một người thanh tỉnh, đã thấu triệt mọi nhẽ trên đời, hững hờ quan sát cái si ngốc của phàm nhân, khắc họa sinh động sự giác ngộ của bản thân đối với nhân sinh thông qua lời lẽ khôi hài. Còn chúng ta lại đánh mất cả quyền phản biện lẫn năng lực phủ nhận. Điều này khiến chúng ta không khỏi muốn hỏi, Vương Phạm Chí là người thế nào, chẳng lẽ từ nhỏ đã xuất gia ư? Bằng không, sao lại có được ngộ tính như thế?
Cuộc đời Vương Phạm Chí, có rất nhiều điều không được toại ý, chính nhờ nếm đủ thế thái nhân tình, nên mới có thể hoàn toàn giác ngộ. Ngài sinh ra trong nhà phú hào, thuở nhỏ nhàn hạ đủ đầy, đọc đủ thi thư. Về sau trải qua chiến loạn thời Tùy Đường, cảnh nhà sa sút, nghèo túng vất vả. Khi tuổi già con cháu lại bất hiếu, buộc ngài phải ra đường ăn mày, cuộc sống hết sức thê thảm, cơm không đủ no áo không đủ mặc. Ngoài năm mươi ngài mới quy y cửa Phật, nhờ Phật Tổ độ hóa mà thoát khỏi bể khổ thế gian, ngày tháng sau này giày rơm gậy trúc, mang bát hóa duyên, một đời mưa gió. Cuộc đời ngài đã nếm đủ ngọt bùi cay đắng, cuối cùng ngộ được chuyện sống chết, cũng chẳng có gì là lạ.
Đều nói việc đời rối ren phức tạp, thực ra, dù con đường chằng chịt đến đâu, đều có sự mạch lạc rõ ràng. Có lúc chẳng qua là có người cố ý huyễn hoặc, khiến kẻ lạc đường không nhìn rõ phía trước mà thôi. Người trên thế gian thường phạm vào tham, sân, si, dục. Bọn họ luôn hy vọng có thể chiếm hết tài phú công danh trong thiên hạ làm của riêng, mà không hiểu rằng phung phí của trời là tội chẳng thể dung thứ được. Khi chúng ta suy sụp thất vọng, sẽ hiểu được rằng, một cái bánh bao đáng trân quý nhường nào, nó có thể đem lại no ấm cho kẻ cơ hàn, khơi lại ánh sáng cho cuộc đời tăm tối.
Kẻ đương độ thanh xuân, muốn đem thanh xuân đổi lấy tiền tài, còn người đã qua thời trẻ tuổi, lại nguyện đem tiền tài đổi lại thanh xuân. Luôn có những người mang tâm thế ngao du đi lại giữa nhân gian. Chẳng ai có thể tham thiền ngộ đạo trong tường hoa ngõ liễu, tu thân dưỡng tính giữa khói bụi cuồn cuộn cả. Chúng ta lúc nào cũng tưởng niệm ngày hôm qua đã trôi đi, ưu tư vì ngày mai chưa đến, nhưng lại mặc sức phí hoài thời gian của hôm nay.
Bao nhiêu mãn nguyện, bao nhiêu thản nhiên, bao nhiêu tình vờ, bao nhiêu ý giả, đều tan tác theo gió, hóa thành đất bụi. Cuộc sống đang ở ngay tại thời điểm này, chúng ta đừng chần chừ thêm nữa, đã phải cầm lên, cũng nên bỏ xuống, đừng phụ chén trà pha bằng vị đời nồng đượm ấy.