Nghiêng ngả say về dắt đôi.
Niên thiếu phong lưu có thuở,
Giai nhân chỉ một biết thôi[1].
Phật Quả Viên Ngộ
Giấc trưa vừa tỉnh, thấy đã hoàng hôn, ngoài song đương đổ mưa thu. Tôi đã nằm mơ, quang cảnh trong mơ hoang vu lạnh lẽo, giống như ngày thu dài đằng đẵng này, tuy sẽ kết thúc, nhưng luôn khiến người ta chạnh lòng. Lại nhớ mấy ngày trước từng có người nói một câu: “Tình kiếp của mùa thu.” Quả vậy, mùa thu giống như một lưỡi kiếm sắc đã trải gió sương, biết bao người chẳng tránh khỏi bị nó cắt xẻ. Có lẽ mỗi người đều nên có một cái tổ nhỏ để xây mộng, hòng tránh những lênh đênh trôi dạt trong mùa lạnh lẽo này. Song rất nhiều người định sẵn phải đánh mất, giống như nước chảy chẳng níu được hoa rơi, ánh dương đâu giữ nổi bông tuyết. Có một câu nói rất hay chẳng rõ nghe được ở đâu, dù ta có vứt bỏ bản thân mình, cũng sẽ không bỏ rơi nàng. Dẫu không phải dành cho tôi, song câu nói như thề hẹn này đã sưởi ấm tâm hồn lạnh lẽo của tôi.
[1] Bản dịch Song Tuyết.
Trong những câu chuyện đã định sẵn mất mát, điều duy nhất chúng ta có thể làm chỉ là giữ lại chút gì tốt đẹp. Dùng tấm lòng mềm yếu, nhặt lấy một chiếc lá rơi, kẹp vào tập thơ thanh xuân. Hoặc vào một hoàng hôn nào có mưa, giương một chiếc ô bằng giấy dầu, tản bộ trong con hẻm nhỏ lát đá xanh. Hay một chiều cuối thu, mê mải giữa bạt ngàn rừng phong, tìm một mảnh ký ức Tống từ. Đợi đến khi về già, ngoái lại nhìn bao chuyện xưa như khói ấy, trừ những than thở nuối tiếc, có phải vẫn còn đôi phần ngọt ngào buồn thương? Chúng ta thường thích kiến tạo trong lòng một giấc mộng tuyệt đẹp, bởi hiện thực quá tàn nhẫn, khiến chúng ta không dám tùy tiện chạm tới vết thương lòng. Mỗi khi cô liêu lại mua rượu tìm say trong đêm vắng, hoài niệm một mối tình không thể vãn hồi từ thuở thiếu thời.
Pha một chén trà nhài, không uống mà điềm tĩnh cảm thụ làn khói nghi ngút bốc lên. Sau rèm nghe mưa, từng tiếng từng tiếng theo mái ngói đổ xuống, bắn tóe trên tảng đá trơn nhẵn, mài giũa đến không còn góc cạnh, cả rêu xanh cũng chẳng có cơ hội bò lên. Thường nói rằng nước chảy đá mòn, nhưng liệu có bao nhiêu người đợi được quá trình dằng dặc ấy. Người với người ở bên nhau có khi lâu khi chóng, đều do duyên phận nông sâu, đến lúc ái tình lạt lẽo thì thề hẹn có sâu sắc nhường nào cũng tiêu tan cả. Bấy giờ, còn có ai bầu bạn với ai, kề gối chuyện trò thâu đêm lạnh, thuật lại những tình cảm mây gió thoáng qua, nhắc những phồn hoa càng đi càng xa tắp, kể lại giọt lệ đầu tiên đôi bên nhỏ xuống vì tình ái. Sau đó lại chia tay, ai nấy hối hả bước nốt đường đời chật hẹp của mình, bạn có bến cảng của bạn, tôi có chốn về của tôi.
Nhớ đến một bài thơ thiền của một vị cao tăng thời Tống: “Lò hương trướng gấm lịm rồi, nghiêng ngả say về dắt đôi, niên thiếu phong lưu có thuở, giai nhân chỉ một biết thôi.” Tựa như sóng tình ngày cũ cùng sóng đời hiện thực luôn nhấn chìm tấm lòng kiên định của con người. Đây là bài thơ khai ngộ do một vị cao tăng tên Phật Quả Viên Ngộ sáng tác, nhìn thấu một chuyện tình, chỉ người trong cuộc mới hiểu được tư vị bên trong, người ngoài có khuyên giải ra sao, cũng chẳng thể ngộ nổi tư vị ấy. Một chuyện phong lưu văn nhã thuở thiếu thời, chỉ riêng giai nhân từng nảy sinh tình cảm với mình mới rõ, đôi bên tâm đầu ý hợp, há có thể tỏ bày với kẻ khác ư?
Nghe nói thiền sư Phật Quả viết ra bài thơ này còn vì một nguyên do rất thú vị. Ngũ Tổ Pháp Diễn, sư phụ của Phật Quả Viên Ngộ từng làm một bài thơ:
“Một đoạn phong quang họa chẳng thành, Phòng khuê sâu thẳm giận nỗi tình.
Gọi hoài Tiểu Ngọc đâu có việc,
Chỉ muốn chàng nghe rõ tiếng mình.”
Phật Quả thiền sư nghe xong, như vừa ngộ ra, bèn xin sư phụ chứng thực. Pháp Diễn biết cơ duyên khai ngộ của Phật Quả đã chín
muồi, bèn quát hỏi: “Tổ sư sang Tây có ý gì? Xem cây bách trước sân!” Phật Quả thiền sư sực khai ngộ, đi ra đến ngoài phòng, thấy một con gà trống bay lên lan can, đang đập cánh vươn cổ gáy vang, không nhịn được cười nói: “Đây há chẳng phải “tiếng” trong “chỉ muốn chàng nghe rõ tiếng mình” ư?” Bèn đem những điều tâm đắc ngộ được viết thành bài kệ, trình lên Ngũ Tổ Pháp Diễn.
Phật Quả Viên Ngộ là một cao tăng nổi danh thời Tống, theo tông Lâm Tế, hệ phái Dương Kỳ, vốn họ Lạc, tên chữ Vô Chiêu, người Sùng Ninh, Bành Châu. Cả đời ông lần lượt trụ trì các đạo tràng trứ danh trong nước như chùa Chiêu Giác Thành Đô, viện Linh Tuyền Giáp Sơn, Tương Sơn Kim Lăng, chùa Vạn Thọ Thiên Ninh, chùa Kim Sơn Trấn Giang, v.v…, đệ tử khắp thiên hạ. Theo tôi, bài thơ khai ngộ của Phật Quả thiền sư, cứ như đã trải qua một chuyện tình phong hoa tuyết nguyệt vậy. Chỉ là không biết giai nhân như thế nào mới có thể khiến thiền sư động lòng phàm, tình cảm ra sao lại khiến cho cao tăng canh cánh không quên cả lúc ngồi thiền. Xưa nay, người tu hành đã bước vào cửa Không, sẽ dứt bỏ hết mọi chuyện quá khứ, những chuyện từng xảy ra đều trở thành trang ký ức bị thiếu trong cuốn sách cuộc đời. Đọc bài thơ khai ngộ ấy, ta mới hiểu ra, một người tính tình bình thản, thực ra lại thanh đạm hơn người bình thường nhiều. Mọi vứt bỏ và lãng quên đều là chấp niệm, vạn pháp tùy duyên, đến đi do lòng, mới là cái thiền thanh tịnh.
Mỗi khi nhàn rỗi, người đời thường thích đọc câu chuyện của người khác, toan dùng những tình cảm vượt lên trên thế tục đắp điếm tháng ngày bình đạm của mình. Chìm đắm trong một câu chuyện cũng như đến gần một giấc mộng mơ hồ, bi thương vì nỗi bi thương của người khác, cảm động trước niềm cảm động của người khác. Bởi thế nên chúng ta thường xúc động rơi lệ trước những tình tiết trên phim, bỏ ăn bỏ uống vì nhân vật trong một cuốn sách, thậm chí đứt ruột đứt gan vì một khúc nhạc. Tất cả đều bắt nguồn từ những chuyện tình động lòng người đằng sau bộ phim cuốn sách hay khúc nhạc ấy, những mối tình đó, có thể nhuộm thêm chút màu xanh tươi tắn cho tuổi hoa già cỗi, thêm một làn khói ấm áp cho cõi đời lạnh lẽo, đem lại sắc màu tươi mới cho linh hồn tịch diệt.
Tình cảm giống như một chén trà, có rất nhiều cách pha chế và thưởng thức khác nhau, có người thích mùi thơm vị ngọt, có người lại chỉ thích đắng chát đậm đà. Tình cảm cũng như một vở kịch, mỗi người có cách biên diễn khác nhau, có người chỉ thích sự viên mãn của hỉ kịch, lại có người mê mệt sự tàn khuyết của bi kịch. Có lẽ mọi người đều biết, mỗi người quy y cửa Phật đều phải cắt đứt tất cả nợ tình và nghiệt duyên hồng trần. Để tĩnh tâm tu thiền, tất cả si mê dục vọng đều được coi là vi phạm giới luật thanh quy, vì không thể, nên lại càng khao khát. Trong mắt người đời, một người phàm tục vì tình ái mà đòi sống đòi chết, phạm biết bao sai lầm không thể bù đắp cũng là chuyện rất bình thường. Song nếu một hòa thượng trong cửa Thiền động lòng phàm vì một người con gái nào đó rồi kết mối duyên tình, ắt sẽ thành chủ đề để mọi người bàn tán.
Một câu “Hận chưa cắt tóc sao chưa gặp” của Tô Mạn Thù khiến bao người nuối tiếc. Một câu “Không phụ Như Lai chẳng phụ nàng” của Thương Ương Gia Thố cũng lay động biết bao trái tim đa cảm mềm yếu. Nếu những tình cảm ấy đặt lên một kẻ phàm phu tục tử thì dù y có yêu đến khắc cốt ghi tâm, cũng chẳng đến nỗi khiến người đời canh cánh không quên như vậy. Bởi họ đều là những người tu hành không thể động lòng trần, nên tình yêu của họ đau đớn hơn, bi thương hơn người khác rất nhiều. Tu hành tuy tốt, có thể xa rời những rối ren, xem nhẹ tình đời, song bỏ đi tình ái phàm trần, cũng là một thiếu sót lớn lao trong đời. Bởi vậy, bất luận là người trong cõi thế hay đã vượt khỏi thế gian, đều có những ràng buộc không thể giải thoát. Tuy nói được mất tùy duyên, nhưng tình cảm lại như loài độc trùng gieo xuống vận mệnh, ghim vào thân thể mỗi người, dai dẳng đeo bám suốt một đời một kiếp.
Đức Phật từ bi hóa giải hết thảy khổ nạn cho chúng sinh, nhưng vẫn giữ lại quả tình tự nếm. Muốn cứu một người, nhất định phải yêu thương người đó trước đã. Đạm định thực sự, khai ngộ chân chính là giấu kín chuyện xưa vào tận đáy lòng. Khi chúng ta già đến bạc trắng mái đầu, chắc chắn sẽ có một người bước ra, cùng với bạn, nhận lấy một đoạn tình cảm khắc cốt ghi tâm thời trẻ.