Duyên

Quyển 4 - Chương 7: Làm một ngọn cỏ phất phơ trên đường trần


Hưng vong sau trước thảy hư không,

Tịnh thổ không vương bụi giữa lòng.

Trên đỉnh Tu Di cỏ không rễ,

Tự đơm hoa chẳng đợi gió Đông.

Đầu Tử Nghĩa Thanh

Xưa nay chúng ta đều cho rằng lịch sử là thứ rất nặng nề, bị năm tháng phó thác quá nhiều dâu bể. Thời gian đã phủ bụi lên lịch sử, năm này qua năm khác, kết đầy rêu xanh. Thực ra, lịch sử chính là quá khứ, quá khứ của một dân tộc. Ghi nhớ lịch sử là nhớ lấy đau thương, nhớ lấy từng lần gió thổi cỏ lay trong quá khứ. Quên lãng chính là bội phản, song gắng sức khắc ghi lại thành vô vị. Biết bao chuyện cũ phong hoa đều đã già đi trong lời chào lúc hạ màn, mỗi triều đại suy tàn lại giống như gốc cây vẽ thêm một vòng tuổi, âm thầm lặng lẽ.

Vì bận lòng, nên đau đớn. Chúng ta quen thói coi suy vong là sỉ nhục, tưởng hưng thịnh là vinh diệu. Hết đời này sang đời khác, con người vì tranh đoạt quyền lực mà tắm máu xung sát trên sa trường khói lửa, da ngựa bọc thây. Đến cuối cùng khó tránh lại phải tìm một cái cớ đàng hoàng cho dục vọng hừng hực của mình. Tất cả chiến tranh đều vì hòa bình thịnh thế, vì sự yên ổn của muôn ngàn chúng sinh. Thắng làm vua thua làm giặc, bất luận bạn thất bại sa sút hay như diều gặp gió, trăm năm sau cũng bạn bầu với đất vàng cỏ dại. Cỏ khô gặp gió xuân còn có thể xanh tươi mơn mởn, song người chết đi rồi tức là triệt để khép lại một đời như kịch.

Chúng ta chỉ là một hạt bụi chìm trong dòng chảy lịch sử cuồn cuộn, góp một phần nhỏ nhoi làm nền tảng cho giang sơn của người khác. Khói mây năm tháng tan rồi, những người ta có thể ghi nhớ thực chẳng mấy ai, thậm chí những bậc đế vương chẳng có thành tựu, chẳng có truyền kỳ, cũng đành chấp nhận bị người đời sau quên lãng. Chỉ trong một góc nào đó của sách vở, mới có thể tìm thấy vài dấu tích nhạt nhòa đến gần như không có. Thực ra, bọn họ cũng chỉ là một vết mực bổ khuyết vào sách sử, là vật trần thiết của các triều các đại, điểm tô cho non sông gấm vóc. Mọi chuyện trên đời, đều vì không thể có được, mới canh cánh trong lòng ngày đêm khao khát. Khi một kẻ thường dân dốc hết tâm huyết cả đời đổi lấy long bào, ngồi lên ngai báu, hưởng hết phú quý vinh hoa rồi, mới cảm thấy thì ra hoàng quyền tẻ nhạt vô vị như thế đó. Nỗi bất lực vì bị vận mệnh trói buộc, những vết thương bị lợi danh rạch nát đều là những thứ không thể chữa lành đối với một trái tim bình thường.

Thích một dạng tâm tình, chính là khi kịch hạ màn, uống một chung trà, hồi tưởng lại một đoạn quá khứ như pháo hoa. Trong lòng bình tĩnh thì con sóng lịch sử đục ngầu cũng sẽ dần lắng trong, hết thảy thăng trầm vinh nhục, thành bại được mất, đều trở thành một giấc mộng hoang vu. Cảnh giới cao nhất của đời người chính là lắng lại tơ lòng trong lúc rối ren, phải nhớ rằng, sinh mệnh chính là một hành trình thương cảm, dù có đôi cánh đuổi kịp cả trăng sao cũng sẽ bị lưỡi đao thời gian chém đứt. Sau lúc sợ cung[1], vẫn phải quay về dưới mái nhà cũ, trị thương bằng gió xuân. Tới khi lòng bình lặng, thời tư tưởng đã tham ngộ được Phật tính, bao dây dưa ngày trước đều có thể gác sang bên, một mình hưởng thụ khoảng thời gian tĩnh tại lúc này.

[1] Một lần Canh Luy và Ngụy Vương đứng trên đài cao, trông thấy một con chim đang bay, Canh Luy tâu với Ngụy Vương: “Tôi sẽ biểu diễn cho đại vương xem kỹ năng kéo cung bắn vờ mà chim vẫn rơi xuống.” Lát sau một con nhạn từ phía Đông bay lại, Canh Luy không dùng tiễn, chỉ kéo dây cung, nhạn đã từ trên không rơi xuống. Ngụy vương kinh ngạc tán thưởng: “Lẽ nào tài bắn tên có thể đạt đến mức này sao?” Canh Luy giải thích: “Đây là một con chim đã bị thương.” Ngụy vương hỏi gặng: “Sao tiên sinh biết?” Canh Luy đáp: “Nó bay rất chậm, tiếng kêu lại thê lương. Bay chậm là vì vết thương cũ đau đớn, kêu thê thảm là vì lạc bầy đã lâu, vết thương cũ chưa khép miệng, còn chưa hết kinh hãi, vừa nghe tiếng dây cung bật, nó liền ra sức bay lên cao, khiến vết thương cũ vỡ ra, rơi xuống mà chết.” Từ đó có cụm từ “chim sợ cung”.

Cao tăng Đầu Tử Nghĩa Thanh đời Tống từng viết một bài thơ thiền phóng khoáng nhàn tản như sau:

“Hưng vong sau trước thảy hư không,

Tịnh thổ không vương bụi giữa lòng.

Trên đỉnh Tu Di cỏ không rễ,

Tự đơm hoa chẳng đợi gió Đông.”

Đầu Tử Nghĩa Thanh bảy tuổi đã xuất gia, thông hiểu hết các kinh Hoa Nghiêm, Duy Thức v.v… được người đời xưng tụng là “Thanh Hoa Nghiêm”. Về sau tham vấn Phù Sơn Pháp Viễn thiền sư mà ngộ đạo, trở thành người kế thừa của thiền sư Đại Dương Cảnh Huyền thuộc tông Tào Động. Vị hòa thượng xuất gia từ nhỏ này chưa từng trải nghiệm thăng trầm nhân thế, chỉ thấm nhuần ý vị thiền lâu ngày, tâm tình tất nhiên khác hẳn người phàm. Ngài không hề động lòng khao khát lợi danh, bởi vậy hưng vong lịch sử trong mắt ngài chỉ là một giấc mộng ảo hư vô. Sống ở ngôi chùa nằm sâu trong núi, mây mù dày đặc, ăn rau dại rễ cây, dùi mài kinh sách, hồng trần vạn trượng đều bỏ ngoài cánh cửa, dường như muốn không đắc đạo cũng khó thay.

Nghe nói Đầu Tử thiền sư vì một câu chuyện mà viết ra bài kệ này. Có lần, Dược Sơn Duy Nghiễm bảo Cao sa di: “Ta nghe nói trong thành Trường An rất phồn hoa náo nhiệt, ngươi có biết không?” Cao sa di đáp: “Thành Trường An có náo nhiệt hay không chẳng can hệ gì đến con, trong nước của con, tất nhiên thanh tịnh yên ổn!” Dược Sơn rất hài lòng về câu trả lời, lại hỏi: “Đó là do ngươi đọc được trong kinh sách, hay là thỉnh giáo người khác?” Cao sa di cười: “Nhiều người không đọc kinh, cũng chẳng thỉnh giáo, tại sao cứ phải đọc kinh hay thỉnh giáo người khác mới đạt được?” Đầu Tử thiền sư biết được chuyện này, bèn viết ra bài thơ trên, ngụ ý Phật pháp thanh tịnh, có thể vượt qua hết thảy, không đổi không suy, cũng không vấy bụi trần.

Xưa nay thành Trường An luôn là mộng tưởng của rất nhiều người, chốn phồn hoa ngợp mắt ấy phơi bày đủ trăm vẻ nhân sinh. Trên đường phố, dòng người chen chúc tô điểm lên đài, trên từ quan lại quý tộc, dưới đến thường dân áo vải, đều muốn lưu lại một nét bút xán lạn huy hoàng trên cuốn sử Trường An. Một tòa thành Trường An đã tác thành biết bao mộng văn nhân, lại chất chồng bao nhiêu mộ anh hùng. Trong mắt thiền sư, những người đó đều vì dục vọng mà chấp mê bất ngộ, đi về phía vực sâu núi hiểm, tan xương nát thịt hòng chứng thực cuộc truy cầu chói lọi kia. Thực ra, hơn ai hết, họ hiểu rõ rằng đời người ảo diệt vô thường, dốc hết đời vào cảnh ảo hẳn là một sai lầm. Nhưng đã vô tội mà làm tín đồ của danh lợi, ngoại trừ thành kính lễ bái, còn có thể làm gì đây?

Trong mắt thiền sư, hưng vong của triều đại, tươi héo của tháng năm, đều bị nghiền nát thành cát bụi lịch sử. Giữ tấm lòng thanh bạch thuần khiết, hết thảy không đi không đến, có thể trông thấy cảnh thịnh thế yên bình. Giống như một ngọn cỏ không rễ trên đỉnh núi Tu Di, không cần điều kiện, tự cung tự cấp, chẳng bị gió xuân trói buộc, một mình ngắm hết mưa gió và ánh dương. Có lẽ rất nhiều người cũng nghĩ như tôi, rằng thiền sư suốt tháng lại năm sống trong chùa miếu, chẳng biết đời người rốt cuộc có bao nhiêu phồn hoa, nếu bọn họ nếm qua khói lửa, liệu có còn nói tới “ngũ uẩn giai không” nữa hay chăng? Thực ra một người thực sự bước vào cảnh thiền, thì bất luận ở đâu, hay có bao nhiêu bụi mù che phủ, cũng chẳng thể làm phai nhòa tâm tính viên dung. Sự đạm định của họ không cần vờ vịt, cặp mắt trong suốt như nước ấy đã bộc lộ tất cả chân tướng.

Tuy nói hưng suy quá khứ đều là hư vô, nhưng chuyện cũ đã định không thể cải sửa. Trên trang giấy trắng tinh của lịch sử mỗi người lại vẽ thêm cành lá, tô thêm màu sắc thì vẽ hỏng là chuyện có thể đoán được. Cũng vì có những bức vẽ hỏng ấy, mới biết được sự hoàn mỹ chân chính khó khăn biết nhường nào. Có lẽ chúng ta chẳng thể đạt đến mức lòng không vương bụi, nhưng cũng không thể gánh vác quá nặng được. Rất nhiều phiền não trên đời là do mình tự chuốc lấy, một kẻ lòng không tham vọng, lẽ nào tĩnh tọa cũng bị phiền não tổn thương? Chẳng cần mù quáng hồi tưởng nữa, những người rút tơ tách kén[1] cũng không thể đem lại cho ta một kết luận chắc chắn được. Khi cô độc thật sự, chi bằng gảy đàn vẽ tranh dưới một gốc cây khô, ngồi thiền tĩnh tâm, không nghĩ ngợi.

[1] Tơ phải rút từ từ từng chút, kén cũng phải tách từ từ từng lớp, ý chỉ người phân tích sự việc cặn kẽ tỉ mỉ.

Tương lai mênh mông vô định dường bao, khi chúng ta thương tiếc cho những ngọt ngào đã mất đi, cũng nên trân trọng những hạnh phúc có được. Dù bị tháng năm thu lại hết thanh xuân, ta vẫn có tư cách được già đi. Làm một ngọn cỏ có thiền ý, quên đi sắc xanh của lá, hương thơm của hoa, bình thản giữa đường trần, phất phơ nhè nhẹ.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận