Em Gái Nhà Rimbaud

Chương 3


“Đúng, đi tìm ông ấy. Ông ấy ở đâu?”

Arthur nghĩ ngợi, “Ông ấy ở Dijon.”

“Dijon là ở đâu?” Cô lôi bản đồ ra.

“Tỉnh Côte-d’Or.” 

“Có xa không?” Cô tìm tới vị trí tỉnh Côte-d’Or.

“Xa cực, còn xa hơn từ Charleville đến Paris, từ Dijon tới Paris mất hơn 290 km.”

Vitalie lấy thước gỗ loay hoay một hồi trên trang bản đồ toàn nước Pháp, đúng vậy thật, từ Dijon đến Paris có xa hơn chút. Charleville ở đông bắc Paris, còn Dijon nằm phía đông nam Paris.

“Sao ông ấy lại đi xa vậy?” Cô tức giận.

“Cha là người Burgundy. Nói cho chính xác thì tổ tiên ông ấy là người Provence, sau đó di cư tới vùng Burgundy, ông ấy chào đời ở Dole gần Dijon.”

Nói như thế, sau khi giải ngũ ông ấy chọn về quê cũng là điều bình thường, nhưng sao ông ấy có thể quên mình còn có 4 người con ở Ardennes chứ?

Bình thường Vitalie không hay nghĩ đến “người cha” này. Cô không như hai anh, con trai luôn canh cánh chuyện không có cha trong nhà. Đại úy Rimbaud chỉ là người đàn ông cung cấp t*ng trùng, không ở bên vợ và con nhỏ lâu ngày, tình cảm với bọn nhỏ có khi còn không sâu đậm bằng chó nghiệp vụ nuôi trong quân đội.

Nghe Frederic nói, trước khi cha rời nhà từng gây gổ rất nhiều lần với mẹ, đại úy Rimbaud không có “tính tình mềm mỏng” như nhiều người nói, mà ông còn ném đồ đạc về phía mẹ. Lúc ấy cô chỉ mới hơn 2 tuổi nên không nhớ rõ; nhưng Frederic đã 7 tuổi, nhớ rất rõ nên rất sợ hãi.

Vitalie nghiêm túc cau mày, “Anh muốn đi Paris, em sao cũng được, cũng có thể cho anh 100 franc, nhưng có điều kiện.”

“Điều kiện gì?” Chàng trai bỗng biết được tin tức về lộ phí thì mừng ra mặt.

“Thứ nhất, anh phải bớt thì giờ đến Dijon một chuyến, xem cha có còn sống thật hay không, nếu ông ấy còn sống thì tìm ông ấy đòi tiền.”

Arthur ra chiều khó xử.

“Anh đừng có nghĩ đòi tiền là chuyện xấu hổ, không có tiền mới khổ. Ông ấy làm mẹ sinh ra chúng ta thì cũng phải có trách nhiệm với chúng ta! Em không muốn ông ấy sống vui vẻ một mình sớm thế đâu. Hơn nữa ai mà biết liệu ông ấy có tình nhân không?”

Arthur vội bịt miệng cô, nhưng lại cười nói: “Xem ra em ở trường dòng học không ra gì rồi.”

“Thứ hai, sau khi đến Paris anh phải viết thư cho em ngay, nếu không đủ tiền thì em cũng có thể gửi tiền cho anh. Nhưng đừng có tưởng tiền của em là tiêu mãi không hết, cũng đừng mơ quỵt tiền em.”

“Em yên tâm! Anh xuống tàu là viết thư cho em ngay.”

“Còn nữa, đừng có lêu lổng với mấy người xấu.” Lúc Vitalie nhắc đến cái từ ‘người xấu’ này thì rất giống mẹ bọn họ, “Anh phải thề tuyệt đối không được sa đọa.”

“Thế em phải nói rõ xem ‘sa đọa’ là gì.”

“Thì là… dù nghèo cũng phải ngủ dưới gầm cầu chứ không được ăn trộm.” Cô cầm thước đập nhẹ vào tay phải của anh, “Tay của anh là dùng để làm thơ, chứ không phải để móc ví tiền của người ta.”

“Anh thề, tuyệt đối sẽ không sa đọa.” Arthur nghiêm túc giơ tay phải lên.

Đúng thế, em gái nói không sai, dù thế nào đi chăng nữa anh cũng không cho phép mình biến thành gã trộm đầu phố.

“Vậy, giờ em có thể cho anh tiền được chưa?”

“Giờ thì chưa được. Đợi ngày mai đã, ngày mai em sẽ đi tiễn cậu, lúc em không ở nhà anh có thể tìm thời gian chạy đi.”

“Thì đưa bây giờ cho anh luôn đi.” Arthur khăng khăng.

“Được rồi. Phải nhớ kỹ, anh chỉ được đi lúc em không ở nhà.” Cô lấy túi tiền của mình ra, đổ ra 5 đồng tiền vàng Napoleon mệnh giá 20 franc, ngoài ra còn có mấy đồng sou và centime* có mệnh giá cao, tổng cộng là 10 franc. “Tiền lẻ đi xe ngựa, vé tàu tới Paris là hơn 20 franc, về ăn uống thì, ăn sáng ăn trưa chỉ được mua bánh mì, tối thì có thể đến tiệm ăn cơm, không được ăn quá đắt, đủ no là được. Cũng không được uống rượu, nghe nói giờ rượu ở Paris cũng lên giá, đắt lắm. 100 franc đủ cho anh làm lộ phí khứ hồi, còn có thể ở lại Paris một tuần.”

(*1 franc = 20 sou = 100 centime.)

“Chỉ được có một tuần.” Arthur thở dài.

“Nếu anh có thể tìm được công việc ở tòa soạn hay tạp chí thì chỉ cần đối phương bao ăn ở là được rồi. Anh chớ có cho là mình thông minh, chỉ muốn làm nhà văn nhà thơ, nếu anh muốn thì có thể bắt đầu từ những việc linh tinh hoặc gửi nhận thư. Anh vẫn còn là trẻ con, bọn họ sẽ không cho anh làm công việc của người lớn ngay đâu.”

Arthur không phục, “Anh đã 16 tuổi rồi.”

Anh hồ nghi: “Sao em có vẻ biết nhiều thế?”

“Đây có phải tin tình báo quân sự gì đâu, chỉ cần đọc báo nhiều là biết thôi. Được rồi, anh đi ngủ đi.” Cô phất tay, đuổi anh trai đi.

Trước khi đi, Arthur cười hì hì hôn lên mặt cô, nói nhỏ: “Em gái ngoan của anh.”

***

Hầy, tóm lại là sự kiêu căng của một chàng trai trong thời kỳ thích ảo tưởng, khăng khăng muốn đến thánh địa của mình để lễ bái. Lần trước đến Paris thì vừa xuống tàu đã bị bắt giam, coi như chưa được đến Paris, nên lần này muốn đến đó một chuyến mới bằng lòng.

Có lẽ lúc này anh vẫn chưa viết thư cho Paul Verlaine, nhưng anh đã bộc lộ sự tán thưởng dành cho Verlaine. Anh có một số người bạn lớn tuổi hơn mình – trong số đó có cả giáo viên của anh, bọn họ rất yêu mến cậu bé vừa thông minh vừa xinh trai này. Vitalie không rõ những người đàn ông trẻ ấy có ảnh hưởng thế nào đến Arthur, chỉ là trong năm tháng trưởng thành của anh thiếu sự hướng dẫn của đàn ông, anh không có cha, hai người cậu cũng không đáng tin cậy, nên về mặt lý thuyết hẳn anh rất dễ bị ảnh hưởng bởi những người đàn ông lớn tuổi có ý chí mạnh mẽ.

Nhưng đây không phải là tuyệt đối.

Thật ra tương lai của anh trai không cần cô bận tâm, anh có suy nghĩ của mình, người trong nhà, thậm chí cả mẹ cũng không thể quản anh, chứ đừng nói gì đến người cha không biết đang vui vẻ ở chốn quái quỷ nào. Nghĩ tới cha là cô lại không cam lòng: Vì sao người đàn ông này lại có thể không chu cấp đến một xu tiền nuôi dưỡng như vậy?

Cô biết đại úy Rimbaud đã giải ngũ, chắc chắn sẽ có một khoản tiền giải ngũ; sĩ quan tham gia chiến đấu sẽ còn có tiền chiến tranh, đại úy Rimbaud đã tham dự rất nhiều chiến dịch, nếu kể ra ắt cũng tích góp được không ít tiền thưởng, đủ để ông có cuộc sống về hưu êm đềm ở Dijon.

Cô đang cân nhắc có nên nói với mẹ về đề nghị đi tìm cha đòi tiền cấp dưỡng không.

***

Sáng hôm sau, Vitalie tiễn cậu Felix về.

Cô nhỏ giọng hỏi cậu, “Mấy năm qua đại úy Rimbaud có cho mẹ con cháu tiền không ạ?”

Felix ngẫm nghĩ rồi lắc đầu, “Cậu không nghe thấy mẹ cháu nhắc đến. Sao bỗng dưng cháu lại nghĩ tới ông ấy?”

“Thì là ——” Cô thở dài thườn thượt, “Thời gian này Arthur rất không nghe lời, mẹ giận lắm, nhưng lại không nỡ đánh anh ấy. Cháu nghĩ, nếu có cha ở nhà thì có lẽ anh ấy sẽ không như vậy.”

Felix bĩu môi, “Ngày trước mẹ cháu kết hôn, cậu không có ở nhà, nếu không cậu chắc chắn sẽ không đồng ý. Ông ngoại cháu gấp gáp muốn gả mẹ cháu đi, lo không ai muốn lấy, cứ ở nhà nữa thì sẽ thành gái trinh già.”

“Cậu!” Thật ra cậu nói cũng không sai, lúc bà Rimbaud kết hôn đã là 27 tuổi, với làng quê ở nước Pháp xa xôi mà nói thì chính là nữ thanh niên lớn tuổi chưa chồng, chắc chắn sẽ bị người ta chỉ trỏ sau lưng, nói con gái nhà Cuif thành gái trinh già không ai muốn.

“Hây dà! Đừng nói với mẹ cháu nhé.” Felix cười xấu hổ, “Hai ngày rồi cậu không uống rượu, đầu óc không được tỉnh táo.”

Chỉ có kẻ say mới nói lời như thế. Vitalie không để ý đến chuyện đó nữa, “Đợi một tháng nữa, thời tiết ấm lên, trong thành phố cũng yên ổn thì cậu tới đón cháu nhé, cháu muốn đến làng Roche ở mấy ngày.”

“Được, tới lúc đó cháu cứ viết thư cho cậu, cậu sẽ lái xe ngựa đến đón cháu.” Felix đồng ý. Ông có một chiếc xe nhỏ được kéo bởi hai con ngựa, không phải là loại không có mui dùng để chở hàng thường thấy ở nông thôn, mà là xe ngựa có chỗ ngồi đàng hoàng, bình thường khi vào thành phố thì toàn đi xe ngựa này, còn dân quê ư, không cần phu xe, tự mình lái xe luôn.

Bà Rimbaud không mua nổi xe ngựa, xe ngựa quá đắt, là một thứ xa xỉ phẩm trong thời đại này. Nếu đi xa thì đi xe ngựa công cộng, còn gần thì đi bộ.

***

Tiễn cậu đi rồi, Vitalie nhanh chóng xuống bếp, mẹ muốn dạy cô làm việc.

Việc nhà là không bao giờ hết, ngày nào cũng có cả đống việc chờ để làm. Chuyện trong phòng bếp, từ rửa dụng cụ làm bếp cho đến lau sàn nhà, từ chọn rau củ thịt cá thế nào cho đến nấu nướng, phải học tất. Isabelle vẫn chưa tới 11 tuổi mà đã bắt đầu học làm việc nhà rồi. Vitalie giao chuyện rửa dụng cụ làm bếp cho em gái, ăn tối xong, hai chị em còn phải lau sàn bếp, còn sàn nhà phòng khách thì một tuần lau hai lần.

Lau sàn tức là, quỳ xuống sàn, dùng giẻ ướt lau.

Mùa hè còn đỡ, chứ mùa đông mà lau sàn thì đúng là lạnh!

Nhà thời này vẫn làm bằng gỗ, sàn nhà cũng chỉ là tấm ván, không có sáp đánh bóng nền mà phải tự tay lau sàn để giữ nhà sạch sẽ. Lẽ ra phòng khách nên được lau mỗi ngày, nhưng vì nước quá lạnh nên phải dùng nước ấm, song mới lau được nửa phòng thì nước trong thùng cũng lạnh đi. Thời đại này chưa có bao tay cao su lót bông bên trong, bàn tay bé nhỏ của Vitalie cóng tới mức đỏ lên, còn bị nứt da, cuối cùng cô khóc lóc nói với mẹ, có thể lau ít đi lại được không, bình thường dùng cây lau nhà lau qua là được rồi.

Cây lau nhà đã có, là một thanh gỗ gắn thêm ít vải vụn, rất dễ dùng, nhưng bà Rimbaud cảm thấy cây lau nhà lau không sạch nên không thích dùng.

Bà Rimbaud nhìn đôi tay sưng đỏ của hai cô con gái, cuối cùng cũng đau lòng, thế là giảm bớt số lần lau nhà xuống.

Con trai chẳng cần làm việc nhà, cùng lắm là giữ sạch phòng mình, không cần giặt quần áo cũng không cần lau sàn nhà. Đúng là không công bằng!

Khái niệm của bà Rimbaud là đàn ông không cần làm việc nhà, việc nội trợ chỉ là chuyện của phụ nữ, bà phải giáo dục tốt hai cô con gái, để các cô trở thành chủ nhà giỏi giang, hiền thê lương mẫu tương lai.

Vitalie từng thăm dò một lần, nói sau này muốn đến Paris học đại học, ngược lại lại bị mẹ hỏi, lên đại học có ích lợi gì không? Không phải rồi cũng kết hôn sinh con sao? Là phụ nữ thì sẽ biết sinh con, không cần học đại học cũng biết. Còn về chuyện kết hôn, dĩ nhiên cũng là chuyện của phụ nữ, là số mệnh của người con gái.

Vitalie không dám mạnh miệng nói là, mẹ thử nhìn xem mẹ đã tìm một người chồng thế nào.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận