Hắc Phong Thần Đạo

Chương 23: Nhất Võ Tam Luận Hội


Vũ Thanh Hà vừa đi vừa cười hì hì nhìn Triệu Thiên Bình:

– Đệ nói ta ta nghe xem ở dưới núi có gì vui không? Ý ta là cuộc sống của người thế tục ấy.

Triệu Thiên Bình sững sờ chút, nó chưa trả lời vội mà hỏi lại:

– Vậy là sao, huynh chưa thấy bao giờ hả?

Vũ Thanh Hà gật đầu rồi than thở:

– Cái này chắc đệ cũng không biết. Trong số tất cả môn nhân đệ tử của Lưu Vân Tông ta thì những người đến từ thế tục như đệ không quá ba thành. Trong đó một thành là bạn lữ của môn nhân đệ tử, một thành là được chọn lựa đưa về, một thành là vượt qua Lưu Vân Sơn như đệ, bảy thành còn lại đều là đời sau của môn nhân đệ tử. Nên trong hàng đệ tử của Lưu Vân tông không có mấy người đến từ thế tục. Cụ thể trong chín sư huynh đệ đồng chi chúng ta thì Đại sư huynh là được su phụ nhặt nuôi về từ nhỏ, tam sư huynh thì giống đệ, còn bảy người còn lại chúng ta đều là hậu nhân của trưởng lão, đệ tử trong môn. Còn những vị đệ tử của phong ta cũng chỉ là hậu nhân của trưởng lão mà thôi. Tam sư huynh là một tu luyện cuồng nên chả hỏi được gì, nên hiểu biết của ta với thế tục giới rất ít. Môn phái có quy định, một là đến kì hạn lịch lãm, hai là tu vi đến trúc cơ thì mới được hạ sơn. Mà kì hạn lịch lãm thì ba năm nữa mới đến, trúc cơ thì cũng phải mấy năm nữa chả ai biết. Ta thật sự tò mò.

Triệu Thiên Bình gật gật đầu:

– Ra là vậy. Sư huynh muốn nghe cái gì?

Vũ Thanh Hà sáng mắt:

– Hắc hắc, có gì nghe nấy.

Triệu Thiên Bình gãi gãi đầu suy nghĩ nên nói gì, qua một lúc nó mới đáp:

– Đệ cũng chả biết kể gì, hay là đệ kể những gì thấy được trên đường đi của mình vậy.

Vũ Thanh Hà gật đầu lia lịa:

– Tốt, hắc, vừa ăn vừa kể.

Lúc này hai người cũng vừa đến nhà ăn. Bên trong chỉ có bảy tám người trẻ tuổi ngồi thành hai bàn, một bàn là đệ tử trưởng lão, một bàn khác là Nhị, Lục, Thất ba sư huynh đồng chi với Triệu Thiên Bình. Hai người khẽ chào những người khác rồi tiến lại ngồi chung bàn với ba vị sư huynh của mình. Triệu Thiên Bình lúc này ngồi xuống chào:

– Nhị sư huynh, Lục sư huynh, Thất sư huynh, các huynh cũng dùng cơm sao.

Ba người kia cũng cười gật đầu, Nhị sư huynh Phiên Vũ đạo nhân lên tiếng:

– Sao lúc trưa không thấy đệ dùng cơm.

Triệu Thiên Bình gãi đầu cười:

– Là đệ lo đọc sách quên mất. À sao không thấy mấy vị sư huynh khác.

Lúc này Lục sư huynh Tiền Vạn Kim lên tiếng:

– Nhắc gì mấy lão đấy. Lão Đại thì xuống núi, lão Tam thì chỉ biết tu luyện với tu luyện, lão Tứ thì bị đệ tử Chu Sơn bắt mất hồn cả ngày chả thấy đâu, Lão Ngũ thì suốt ngày vùi đầu ở Thư Viện. Đệ đừng quan tâm mấy lão ấy. Trừ khi sư phụ ra lệnh, chứ giờ cơm thì đừng hòng thấy mấy lão.

Lúc này Vũ Thanh Hà đưa qua cho nó một chén cơm rồi nói:

– Được rồi, được rồi, kể chuyện đi nào.

Tiền Vạn Kim nghe vậy không hiểu hỏi:

– Chuyện gì mà kể?

Vũ Thanh Hà cười hắc hắc:

– Chuyện thế gian phồn hoa chứ gì.

Dưởng Cửu nãy giờ chưa nói gì bông nhiên hứng thú:

– Đệ không nhắc thì ta quên mất. Chậc chậc, ở đây chỉ có lão Nhị là được hạ sơn, còn chúng ta thì suốt ngày trên núi. Lão Cửu có chuyện gì cứ kể nghe xem nào.

Triệu Thiên Bình gãi gãi đầu hồi tưởng rồi vừa ăn vừa kể:

– À, nhà đệ ở Sơn Hải quốc, cách đây gần vạn dặm, ở đó có……..

Nó vừa dùng bữa vừa kể về cuộc hành trình của nó, những thứ được nghe được thấy đã trải qua. Vũ Thanh Hà, Tiền Vạn Kim và Dương Cửu thỉnh thoảng bồi vào một vài câu hỏi hoặc cảm thán, Phiên Vũ Đạo Nhân thì đến khi Triệu Thiên Bình nhắc tới Võ Thần Đảo mới xen vào giải thích:

– Đệ là người mới còn không rõ lắm về các thế lực trên Lưu Thiên Tinh này, ta sẽ nói qua một lượt. Thế lực lớn nhất tồn tại chính là Võ Thần Đảo, một quần đảo lớn nằm giữa Lưu Thiên Đại Hải tập trung rất nhiều tu luyện giả, nơi đó có ba môn phái lớn là Long Tượng Bang, Kim Sơn Tự và Diệu Nhật Tông, trong đó Long Tượng Bang và Kim Sơn Tự là môn phái võ tu, Diệu Nhật Tông là của tu đạo giả. Võ Thần Đảo luôn tư xem mình là đại diện cho chính đạo trong thiên hạ, đối nghịch với Du Thiên Tuyết Vực ở Băng Nguyên Đại Lục. Đó là thế lực lớn thứ hai gồm hai môn phái Nguyệt Quang Thánh Giáo của võ tu và Tuyết Thần Cốc của đạo tu, bọn họ bị cho là tà đạo nên còn gọi là tà hu hoặc ma tu. Còn Lưu Vân Tông chúng ta một mình một cõi, không nặng nhẹ chính tà nên bị cho là dị loại.

Nói đến đó hắn cười rộ lên, ba người kia cũng cười to, chỉ có Triệu Thiên Bình là hơi ngơ ngác nhưng cũng cười theo cho đủ, xong hắn nói tiếp:

– Thật ra cũng do môn quy chúng ta không coi trọng quản giáo môn nhân đệ tử mà ràng buộc bằng cách hành xử theo bản tâm gần giống với ma đạo, nhưng lại không làm việc tà ác như ma đạo nên không bị xem là ma đạo. Ngoài ra còn một thế lực thần bí nữa là Thiên Yêu Cung, nơi tập trung yêu tu, tồn tại ở Mặc Dương Đại Lục. Mà Mặc Dương Đại Lục chính là địa điểm kì hạn lịch lãm mười năm một lần dành cho đệ tử trưởng thành của phái ta, đến lúc đó đệ sẽ biết. Ngoài ra còn vài gia tộc ẩn thế hoặc cao nhân ẩn sĩ rải rác khắp nơi nữa. Được rồi, tiếp tục đi.

Triệu Thiên Bình vâng một tiếng rồi tiếp tục câu chuyện của mình.

– …rồi cứ thế bắt đầu leo lên Vô Phong Sơn, à không là Lưu Vân Thiên Sơn rồi đến đây.

Nó kết thúc câu chuyện bằng một câu như vậy. Vũ Thanh Hà một bên lại cảm thán:

– Nhân gian thật sự thú vị. Chậc, ta còn chưa biết biển là cái gì. Thật sự là trông mau đến đợt lịch lãm ba năm tới.

Dương Cửu bĩu môi:

– Có lịch lãm thì cũng chỉ có đi theo sư môn thôi chứ không được đi chơi đâu. Đệ muốn tự do tự lại thì nhanh chóng trúc cơ phong hiệu đi. Thiên phú của đệ tốt nhất trong số chúng ta mà suốt ngày chỉ lười biếng ham chơi. Đừng đệ sư phụ quở trách.

Vũ Thanh Hà cười hề hề:

– Đệ không phải cuồng nhân như lão Tam, suốt ngày cứ cắm đầu bế quan chán chết đi được.

Lúc này Phiên Vũ Đạo Nhân lên tiếng:

– Đừng để sư phụ nghe được không thì đệ hết thời la cà. Được rồi giải tán hết đi, lão Bát đưa lão Cửu về phòng của mình.

Bốn người còn lại đồng thanh “vâng” một tiếng. Vũ Thanh Hà le lưỡi kéo Triệu Thiên Bình kéo Triệu Thiên Bình đi trước. Bên ngoài trời đã tối thui nhưng trong nhà ăn lại sáng như ban ngày làm Triệu Thiên Bình cứ tưởng còn sớm mà hóa ra bọn nó đã nói chuyện tới tận bây giờ. Ra khỏi cửa nó hướng về Vũ Thanh Hà nói:

– Bát sư huynh có việc bận gì cứ làm đi, đệ nhớ đường mà.

Vũ Thanh Hà chần chờ chút rồi gật đầu nói:

– Được rồi, ta cũng phải về động phủ của mình, không cùng đường với đệ được. Mai gặp.

Triệu Thiên Bình gật đầu rồi theo phương hướng trong trí nhớ mà trở về đường cũ dưới ánh trăng mờ nhạt. Đại viện này không phải quá lớn nhưng nó không hiểu sao đi từ thiện phòng về tới tiểu viện một đoạn đường dài mà không gặp ai cả, thỉnh thoảng nó vẫn cố gương mắt nhìn vào những căn phòng trên đường nhưng trừ vài căn gần thiện phòng ra thì tất cả còn lại đều tối đen cả.

– Chẳng lẽ mọi người ở đây đều ngủ sớm như vậy sao?

Nó cứ thắc mắc đến khi bước vào tiểu viện lúc sáng, cũng tối om như vậy. Nó tự nhủ không biết trong phòng có nến hay đèn gì không, nhưng vừa mở cửa ra thì căn phòng bỗng sáng rực lên như ban ngày làm nó hết hồn. Cẩn thận nhìn lại thì trong phòng không có ai hết, nó quan sát kĩ hơn một lúc thì nhận ra chỗ phát sáng là một viên Dạ minh châu được gắn trên trần nhà, nó chưa thấy thứ này bao giờ nhưng cũng từng nghe qua, không ngờ lại sáng đến như vậy, nó nhớ rõ lúc trong thiện phòng cũng sáng như thế, có lẽ cùng một nguyên do. Nó thôi không nghĩ về chuyện đó nữa rồi bước vào phòng. Tìm kiếm một hồi, nó mở cái tủ gỗ trong phòng ra thì thấy tay nải của mình cùng với bộ quần áo nhàu nát đầy vết máu được đặt một bên. Bên còn lại treo ba bộ y phục giống y như nó đang mặc trên người, một bộ đồ trắng, bên ngoài là áo bào mỏng, viền cổ và tay áo màu vàng theo những đám mây màu trắng nhỏ, có lẽ là tiêu chí của Lưu Vân Tông. Nó cởi áo bào ra treo lên rồi mang bọc hành lý và quần áo cũ ra đặt lên bàn. Trong đó cũng chẳng còn gì nhiều, hai cái móc cùn, một đoản đao hoen rỉ, một khối viêm thạch hao mất nửa, một túi đỏ nhỏ, một sợi dây chuyền hồng ngọc thô giản và một cây tiêu bằng đá. Triệu Thiên Bình lấy dây chuyền mặt ngọc ra thay một sợi dây khác ngắn hơi rồi đeo vào bên hông như ngọc bội, nó đặt thạch tiêu vào dưới gối rồi gom hết những thứ còn lại vào tay nải cho vào trong tủ, xong quay lại bàn lôi hai quyển sách từ trong ngực ra.

– Hai thứ này đều phải đồng thời học cả. Vậy thời gian buổi sáng dùng để luyện thể, còn lại thì nghiên cứu y thư nhập môn vậy.

Nghĩ rồi nó đặt hai quyển sách lên bàn rồi quyết định bây giờ sẽ ngủ để ngày mai thức dậy sớm luyện tập. Trên hành trình Vô Phong Sơn nó đã học được cách để tập trung cũng như thả lỏng tinh thần, nên nó có thể gạt bỏ rất nhanh những suy nghĩ lung tung để chìm vào giấc ngủ.

Những ngày sau đó nó dành toàn bộ thời gian buổi sáng để luyện tập sức khỏe bằng các phương pháp đơn giản ghi chép trong Thối Thể Cương Lĩnh, từ các động tác thường gặp như chống đẩy, chạy bộ đến khó hơn chút là trồng chuối bằng các bộ phận khác nhau, rồi những bài quyền thuật và bộ pháp đơn giản, nói chung không khó nhưng yêu cầu tăng dần với việc gắn thêm vật nặng lên cơ thể, ngoài ra trong sách còn nói đến chế độ ăn uống nhưng thứ đó do thiện phòng lo rồi nên nó cũng không quan tâm lắm, chỉ đọc qua rồi thôi.

Buổi chiều thì dành thời gian vào việc nghiên cứu cơ thể. Nhập Môn Y Lý thiên sau chủ yếu là giảng giải về sự vận hành khí trong cơ thể. Phần đầu là tổng cương cho Triệu Thiên Bình cái nhìn khái quát về kinh lạc, khiếu huyệt, đan điền. Như kinh lạc là con đường lưu thông của khí, kinh lạc không dễ dàng nhận biết được cho dù có mổ xẻ cơ thể ra, mà phải thông qua sự vận hành của nội khí để hiểu rõ. Kinh là kinh mạch được phân thành thập nhị chính kinh và kỳ kinh bát mạch, trong đó thập nhị chính kinh phân thủ túc tam dương và thủ túc tam âm, kỳ kinh bát mạch phân nhâm, đốc, xung, đái, âm dương duy, âm dương kiểu. Lạc hay lạc mạch là những nhánh phân ra từ kinh gồm mười lăm lạc mạch chính và vô số lạc nhỏ dọc ngang khắc cơ thể. Huyệt khiếu là những điểm thông khí của cơ thể mà khi tác động vào có thể dẫn tới việc thay đổi lưu thông vận hành khí có thể gây ra những phản ứng của cơ thể. Còn đan điền thì nằm ở những huyệt quan trọng, và có chức năng quan trọng trong sự vận hành cơ thể. Con người có ba đan điền, gồm thượng điền nằm ở Nê Hoàn gọi là Thần điền, trung điền nằm ở Đản trung gọi là Khí điền, hạ điền nằm ở Khí hải gọi là Tinh điền. Thượng điền là nơi tập trung tinh thần ý thức, Trung điền là nơi tập trung khí lực, còn Hạ điền là nơi dự trữ tinh hoa cơ thể, liên hệ với nhau chặt chẽ bởi chức năng của chúng, Hạ điền tích trữ tinh khí để Trung điền sử dụng vận hành dưới sự điều khiển của Thượng điền. Cơ bản là vậy nhưng để đi sâu vào tìm hiểu rõ và nắm bắt chức năng cũng như sự liên hệ giữa chúng thì không phải chuyện một sớm một chiều được. Triệu Thiên Bình vừa tìm hiểu vừa vận dụng ý thức điều khiển dòng khí trong người mình từng bước tìm tòi để nắm vững những gì ghi lại trong sách.

Vào những giờ nghỉ ngơi thì nó hoặc tự đến hoặc bị Vũ Thanh Hà kéo đến thiện phong dùng cơm. Thông qua vài lần nói chuyện nó cũng hiểu thêm một chút về nơi mình đang ở. Lưu Vân Tông có lịch sử trên Lưu Thiên Tinh đã hơn hai ngàn năm, nó vốn là một chi nhỏ được tách ra từ một đại môn phái cổ xưa tên là Thái Huyền Tông, nói tách ra cũng không phải, hơn hai ngàn năm trước, một môn nhân của Thái Huyền Tông đến tinh cầu này khai tông lập phái từ đó lấy tên Lưu Vân Tông, nên có thể nói Lưu Vân Tông là chi nhỏ của Thái Huyền Tông cũng được. Lưu Vân Tông ngày nay vẫn còn liên hệ với Thái Huyền Tông, như việc tổ chức điển lễ Khai Thiên chẳng hạn, cũng có liên hệ một chút trong đó. Lưu Vân Tông có chín khu vực chính, nằm phiêu phù trong mây là Lưu Vân Điện gồm nơi ở của các đời chưởng giáo cũng như chưởng giáo đời kế tiếp, các vị thái thượng trưởng lão và là nơi nghị sự chính. Rồi đến Ngũ Phong là nơi ở và tu luyện của môn nhân đệ tử. Dưới chân ngũ phong hình thành một bình đài gọi là Vân Đài và một hồ lớn gọi là Tụ Vân Châu, là nơi sinh sống của Ngoại môn đệ tử, ở đây bao gồm những thế tục nhân kết làm bạn lữ với môn nhân đệ tử và hậu nhân khi còn nhỏ của họ, khi hậu nhân lớn lên sẽ được thu nạp làm đệ tử của Ngũ phong. Nằm sâu trong lòng Lưu Vân Thiên Sơn ngay dưới Tụ Vân Châu là Cổ Tiên Động, phân làm hai khu Vực là Cổ Tiên Điện và Cổ Tiên Trủng, tiền điện thờ tự bài vị các môn nhân có cống hiến lớn với tông môn, khi họ chết thì di dời bài vị và mai táng sâu trong Cổ Tiên Trủng. Khu vực cuối cùng chính là cả Lưu Vân Thiên Phong còn lại.

Lưu Vân Tông cứ cách mười năm một lần thì tiến hành Kì hạn lịch lãm ở Mặc Dương Đại Lục dành cho những môn nhân đệ tử trên mười lăm tuổi, sau đó một năm thì tiến hành Lưu Vân Tỉ Võ Hội, những người ưu tú ba tháng sau đó thì được tiến vào Lưu Vân Bí Cảnh tìm kiếm kì ngộ. Sau đó một năm ở Võ Thần Đảo sẽ tổ chức một đại hội giao lưu đệ tử mà trừ ba tông phái chính và vài gia tộc phụ thuộc của Võ Thần Đảo được tham gia thì Lưu Vân Tông là tông phái bên ngoài duy nhất được cho đệ tử của mình tham dự. Đúng hai năm sau sẽ đến lần Kì hạn lịch lãm tiếp theo, lúc đó Triệu Thiên Bình chắc chắn cũng sẽ được tham gia vì khi đó nó đã mười bảy tuổi rồi, nghĩ đến đó mà nó cứ mong sao thời gian ba năm trôi qua thật nhanh.

Ngoài ra mỗi hai năm một lần Lưu Vân Tông lại tổ chức Tam Luận Hội, tính từ bây giờ là còn một năm nữa. Tam Luận Hội cũng là đấu nhưng không phải giao đấu võ thuật như Tỉ Võ Hội mà là tam luận gồm Trận, Tổ và Kỳ. Trận là trận pháp, thi đấu hình thức giống như thi câu đối ở dân gian vậy. Tổ là thi Tổ hợp mộc nhân kết trận chiến đấu với nhau. Kỳ là thi đánh cờ Chính Ma hoặc gọi là cờ Chân Đế, một loại cờ chỉ thấy ở giới tu luyện.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận