Hắc Phong Thần Đạo

Chương 34: Chuẩn bị


Lưu Vân Tông cứ hai năm một lần tổ chức đại hội tỉ đấu tông phái bao gồm Nhất Võ và Tam Luận. Cứ bốn lần Tam Luận Hội thì đến một lần Tỉ Võ Hội, như vậy Tỉ Võ thì mười năm mới diễn ra một lần, đây là Đại hội lớn nhất của Lưu Vân Tông vì nó còn đi kèm với Đại điển Tế Tổ.

Lại nói về Tam Luận Hội, nó bao gồm Trận luận, Kỳ luận và Tổ hợp luận.

Trận luận là so tài về trận pháp các kiểu. Một người ra đề và một người phá giải, giải được thì thắng và ngược lại.

Đề mục không chỉ bao gồm trận pháp mà còn bao gồm yêu cầu giới hạn phá trận, tức là người phá trận không được sử dụng số linh lực vượt quá linh lực duy trì trận pháp, thường sẽ quy đổi dưới đơn vị linh ngọc. Ví dụ một khốn trận được đưa ra và để kích hoạt cùng duy trì trận pháp đó cần một viên hạ phẩm linh ngọc, thì tổng tài liệu và linh lực dùng để phá trận không được vượt quá giá trị một viên hạ phẩm linh ngọc, nếu vượt quá giới hạn linh lực và tài liệu cho phép, hoặc vượt quá thời gian quy định sẽ bị xử thua. Thời gian để phá trận cũng được tính theo giá trị linh ngọc, cứ ba viên hạ phẩm linh ngọc sẽ tương ứng với một canh giờ, và trận pháp đặt ra không được quá mười hai viên hạ phẩm linh ngọc, tức là tối đa không quá bốn canh giờ.

Như vậy yêu cầu người ra đề phải đảm bảo trận pháp hoạt động tốt trong khoảng thời gian tương ứng, nếu chưa hết thời gian mà trận pháp bị hỏng thì người ra đề sẽ thua.

Kỳ luận là so tài đánh cờ Chân Đế, một dạng so đấu tư duy chiến thuật. Cờ Chân Đế có rất nhiều cấp độ khác nhau, thấp nhất là Tam cấp và cao nhất thì tùy vào khả năng tối đa của kỳ thủ mà đưa ra. Ở Lưu Vân Tông Kỳ Luận Hội thì so đấu chỉ là Tam cấp, nhưng không dễ chút nào.

Cờ Chân Đế vì mô phỏng lại cách tấn công của tu luyện giả nên các nước di chuyển và tấn công cũng không giống cờ bình thường. Mỗi quân cờ đều có ba thuộc tính là di chuyển, tấn công và lượt trễ. Di chuyển biểu thị số ô cờ mà một quân có thể di chuyển được theo lục phương là tiền hậu, tả hữu và thượng hạ. Tấn công cũng biểu thị số ô nằm trong phạm vi tấn công của quân cờ đó theo lục phương. Đặc biệt ở thể loại cờ này là con đường di chuyển và tấn không trong một lượt đi không nhất thiết phải là đường thẳng mà có thể gấp khúc, miễn sao đủ số ô cho phép là được. Còn lượt trễ là quy định số lượt mà quân cờ đó phải đứng im sau khi đi động, quân cờ có khả năng di chuyển và tấn công càng lớn thì lượt trễ càng dài, chính yếu tố này quy định cấp độ của cờ Chân Đế, ở cờ Tam cấp thì lượt trễ tối đa của một quân cờ bình thường là ba.

Cụ thể cờ Chân Đế phân ra năm loại quân là Binh, Võ, Đạo, Sát và Đế.

Quân Binh chỉ có thể di chuyển một ô và tấn công trong vòng một ô ở mỗi lượt, nhưng bù lại nó chỉ phải đứng im trong một lượt, tức là khi đối thủ động cờ thì ta có thể dùng ngay lại quân Binh. Quân Võ có số ô di chuyển bằng với tấn công, cụ thể ở cờ Tam cấp có quân Tiểu Võ có thể đi hai công hai và trễ hai, quân Đại Võ có thể đi ba công ba và trễ ba. Quân Đạo có số ô di chuyển ít hơn số ô tấn công, cụ thể quân Tiểu Đạo có thể đi một công ba và trễ hai, quân Thuấn Đạo đi hai công bốn và trễ ba, quân Thủ Đạo đi một công năm và trễ ba. Quân Sát lại thiện về di chuyển, như Tiểu Sát có thể đi ba công một và trễ hai, quân Thích Sát đi bốn công hai và trễ ba, quân Thuấn Sát đi năm công một và trễ ba, có thể nói quân Sát và quân Đạo đối ngược nhau.

Quân cuối cùng là quân Đế, đây là quân có thể mô phỏng bất kì cách di chuyển và tấn công của quân nào, dĩ nhiên sẽ chịu mức trễ tương tự, và đây cũng là quân quan trọng nhất, nếu mất quân này, kỳ thủ sẽ thua cuộc. Do vậy quân Đế mỗi bên chỉ có một, quân binh nhất cấp có đến hai mươi chín, quân nhị cấp có số lượng mỗi quân là mười hai và quân tam cấp có số lượng mỗi quân là chín.

Tất cả được bố trí trong một Trận cờ tương ứng. Gọi là Trận cờ bởi vì bàn cờ được tạo thành từ trận pháp. Trận cờ ngang chín ô và cao chín ô, còn chiều dài phụ thuộc và cấp độ ván cờ, ở cờ Tam cấp thì Trận cờ dài mười hai ô và ở giữa là hai ô gọi là Giới Hà, hai bên là địa giới với Bạch Giới năm ô và Xích Giới năm ô. Mỗi bên khi bày cờ xuất trận có thể tự do bố trí quân cờ nhưng phải nằm trong Thiên Không giới phận của mình.

Ngoài phân chia về chiều dài, còn có phân chia về chiều cao thành tam vị diện, trong trận cờ, năm dãy ô trên cùng được gọi là Thiên không, nơi có thể tự do di chuyển và không bị ràng buộc. Ba dãy dưới cùng là Thổ Địa, nơi có thể đưa quân cờ vào đó để ẩn nấp khỏi tầm quan sát của đối thủ, quân cờ trong Thổ Địa chỉ có thể bị phát hiện khi nằm trên đường di chuyển hoặc tấn công chủ động của một quân cờ đối phương, bù lại, lượt trễ trong Thổ Địa tăng gấp đôi, và quân Đế không được tiến vào khu vực này.

Dãy ở giữa còn lại là Đại Địa, nơi có nhiệm vụ tiếp giáp giữa Thiên Không và Thổ Địa, nói như vậy vì muốn đưa cờ vào Thổ Địa thì trước tiên quân cờ phải nằm trên Đại Địa trước, nhưng ngược lại thì không cần, do vậy những chiến thuật đánh bất ngờ thường được dàn xếp dưới Thổ Địa. Một điều thú vị là ở vị diện trận cờ khác nhau thì việc di động quân cờ lại không phụ thuộc vào nhau, tức là mỗi kỳ thủ trong một lượt cờ của mình có thể đồng thời di động ba quân cờ, một vị diện bắt buộc phải có một quân cờ di động, trừ khi trong đó không có quân cờ nào, điều đó tạo ra cách hành quân nhanh chậm khó đoán làm rối trí đối thủ. Một quân cờ có thể lựa chọn tấn công rồi di chuyển, hoặc ngược lại di chuyển rồi mới tấn công, và con đường di chuyển hoặc tấn công có thể bị chặn lại bởi một quân khác.

Luật cờ còn có một quy định khiến nó trở nên hấp dẫn hơn, đó là trừ quân Đế ra, những quân khác có thể hợp tác tử chiến. Gọi là tử chiến là vì cách hợp tác này được xây dựng dựa trên sự hi sinh của những quân cờ khác, để đạt lấy mục đích tăng hiệu quả tấn công. Có hai loại hợp tác, là Hợp công và Hợp thủ. Hợp công là một quân tại vị trí ban đầu tự giết một quân của mình nằm trong tầm tấn công, khi đó sẽ hình thành Hợp quân có tầm di chuyển tấn công của cả hai cộng lại, đương nhiên độ trễ cũng cộng lại. Hợp thủ là một quân tại vị trí ban đầu tự giết một quân thấp cấp hơn mình nằm trong tầm tấn công, mục đích là giảm độ trễ lượt của quân cờ đó lại.

Trong mỗi lượt, một quân cờ có thể lựa chọn một lần Hợp công và một lần Hợp thủ, tỉ như một quân Đại Võ hợp công với một quân Đại Võ khác tạp ra Hợp quân có thể đi sáu công sáu và trễ sáu, nhưng lúc này có thể tiến hành Hợp thủ với một quân Đại Võ nữa, khi đó Hợp quân sẽ có thể đi sáu công sáu nhưng chỉ trễ ba mà thôi. Tùy vào mỗi người vận dụng mà Hợp quân sẽ khác nhau, có thể kết hợp hai quân Thuấn Sát để bay vèo đến giữa trận địch hoặc hai quân Thủ Đạo để giáng một đòn hủy diệt đến bên kia chiến tuyến.

Môn luận bàn thứ ba và cũng là môn cần đồng đội phối hợp duy nhất như đúng cái tên của nó, Tổ Hợp trận. Mỗi Chiến đội tham gia thi đấu phải có chín người, điều khiển chín cơ quan mộc nhân tương ứng để bày trận chiến đấu trong một không gian được xây dựng từ trận pháp có phần tương tự như Kỳ trận nhưng lại giống thực hơn gọi là Ảo mộc trận. Nói là mộc nhân nhưng cơ quan có thể xây dựng trên cơ sở linh thú, miễn là tuyển thủ tham gia cảm thấy phù hợp nhất với mình và dễ dàng phối hợp nhất.

Nhưng dù là mộc nhân hay mộc thú cũng đều được phân chia thành hai loại cơ bản nhất, đó là cận chiến và viễn chiến. Thường thì người tu đạo sẽ chọn viễn chiến và người tu võ sẽ chọn cận chiến, nhưng không phải không có những trường hợp cá biệt.

Vì trong Tổ Hợp trận mọi thứ đều được cân bằng bởi mộc nhân, sẽ không có khác biệt quá lớn về tu vi và sức mạnh, nên kĩ năng cá nhân và sự phối hợp là điều quan trọng nhất. Phối hợp giữa chín người dựa trên các trận pháp hợp chiến cơ bản từ hai người đến chín người, Lưỡng nghi, Tam tài, Tứ linh, Ngũ hành, Lục hợp, Thất sát, Bát quái, Cửu cung, cùng những biến thể và biến hóa phát sinh từ chúng. Thắng thua được phân ra khi mộc nhân một bên bị dọn sạch.

Trên đường đi đến động phủ của Linh Vân Đạo Nhân, Vũ Thanh Hà liên tục giảng giải kĩ về Tam Luận hội cho Triệu Thiên Bình. Khi nó đã tiếp nhận đầy đủ, Vũ Thanh Hà nói tiếp:

– Đầu tháng sáu năm sau, tức là bảy tháng nữa tông môn sẽ tổ chức Tam luận hội. Luận Kỳ luận Trận thì chỉ cần cá nhân là đủ, còn luận Tổ thì phải một đội chín người. Trước giờ chi lưu chúng ta không đủ người nên không thiết tha hạng mục này lắm, nhưng giờ có thêm đệ nữa là đủ chín người, mấy sư huynh bọn ta bàn bạc thành lập một chiến đội mới của riêng chi lưu mình, lấy tên theo đạo hiệu của sư phụ la Bạch Vân chiến đội. Hắc hắc, đệ phải tham gia đó. Phần thưởng phải nói là phong phú cực kì.

Triệu Thiên Bình nghe thế cũng động lòng nhưng nghĩ lại mình chả biết gì nên đành cười trừ:

– Đệ đến tu hành còn chưa ra gì sao tham gia được mấy thứ đó.

Vũ Thanh Hà xua xua ngón tay nhe răng cười:

– Không sao hết, là đệ tử thì ai cũng tham gia được. Còn đến bảy tháng để huấn luyện, sau này đệ sẽ được mọi người chăm sóc kĩ. Hắc hắc hắc…

Triệu Thiên Bình đột nhiên thấy lạnh sống lưng. Nó ho khan một tiếng rồi nói:

– Đệ tu vi còn thấp, có thể tu luyện thôi được không?

Vũ Thanh Hà gật đầu lịa:

– Được, tất nhiên là được. Ta nói đệ nghe nhé, luyện tập cho Tam Luận Hội cũng là một dạng tu luyện đấy. Chậc chậc, có tám vị sư huynh luân phiên chỉ điểm, hiệu quả còn tốt hơn đệ tự mày mò ấy chứ. Yên tâm. Đi nhanh thôi.

Vũ Thanh Hà cao hứng tăng tốc để lại Triệu Thiên Bình nhăn nhó lẽo đẽo theo sau.

Động phủ tu luyện của Linh Vân Đạo Nhân nằm ở đỉnh núi phía sau Vân Trung Cư, là một biệt viện được xây dựng chỉ dựa vào mây nên nhìn có chút hư ảo, tên là Linh Vân Các. Lúc Triệu Thiên Bình và Vũ Thanh Hà đến thì trong phòng khách đã tụ đủ bảy vị sư huynh kia. Hai người chào hỏi một lượt rồi ngồi vào chỗ, Linh Vân lúc này lên tiếng:

– Lão bát, đệ đã nói về Tam Luận Hội cho tiểu sư đệ chưa?

Vũ Thanh Hà đáp:

– Đã nói rồi lão đại! Thiên Bình nó cũng học xong ba thiên đầu rồi, nhưng mà còn chưa xây động phủ.

Linh Vân gật đầu nói tiếp:

– Chuyện mở động phủ tháng sau hãy tính. Thời gian không còn dài, trước tiên phải học cơ sở tu luyện đạo thuật trước đã. Từ ngày mai Cửu sư đệ sẽ theo mấy vị sư huynh học tập trong vòng một đến hai tháng, lão Tam phụ trách chỉ dạy cận chiến, lão Tứ chỉ dạy đạo thuật, lão Ngũ dạy trận pháp, lão Lục dạy chơi cờ, lão Thất dạy chiến trận, lão Bát hỗ trợ lão Tứ, cứ luân phiên nhau. Ta và lão Nhị đều phải thi hành nhiệm vụ tông phái, nhưng sẽ cố gắng tranh thủ thời gian chỉ điểm tu luyện thêm cho đệ. Trong thời gian này đệ sẽ ở tạm Linh Vân Các, sau khi học xong một số thứ thì mọi người sẽ giúp kiến tạo động phủ. Mọi người đồng ý chứ?

Ai nấy nhất nhất đáp “được” một tiếng rõ to. Linh Vân hài lòng nói tiếp:

– Bắt đầu từ ngày mai, trước tiên là lão Ngũ.

Độc Cô Truy Dương gật đầu:

– Vâng, lão Đại!

Vũ Thanh Hà lúc này hỏi vào:

– Mọi người thấy có nên giúp tiểu sư đệ của chúng ta chế tạo một món pháp bảo vừa tay hay không?

Triệu Thiên Bình liền xua tay:

– Đệ nghĩ không cần đâu, đệ vừa mới tu hành, có pháp bảo cũng không làm được gì, không vội.

Phiên Vũ Đạo Nhân lúc này lên tiếng:

– Đúng là không cần. Pháp bảo thì nên để lão Cửu tự nghiên cứu luyện chế, mọi người chỉ cần tìm giúp đệ ấy chút tài liệu là được. Hoặc giả nếu có cơ duyên lớn thì biết đâu lão Cửu lại tìm thấy kì trân dị bảo cũng không chừng.

Lão Tứ Khổng Thương Vũ chép miệng một cái nói:

– Chậc chậc, nói đến kì trân dị bảo thì hơi khó à.

Lão Lục Tiền Vạn Kim cười:

– Có gì mà khó, chủ yếu là cơ duyên thôi. Nhưng mà muốn tìm kì trân dị bảo ở trên núi này hoặc mua ở Khố Phòng, hoặc tìm trong bí cảnh, cơ mà Khố Phòng thì giá chát lắm, còn bí cảnh phải gần ba năm nữa mới mở ra, mà có vào được hay không thì còn chưa biết. Nếu không ở trên núi thì phải khi tiểu sư đệ đạt đến Trúc cơ mới có cơ hội. Lâu lắm, lâu lắm! Nên góp chút tài liệu để luyện chế một pháp bảo đơn giản cho tiểu sư đệ dùng tạm cũng được.

Nói đến đây hắn híp mắt đầy vẻ gian xảo mà nói tiếp:

– Hây da. Mấy tiểu đệ chúng không có tài sản gì thì chỉ đành nghe lời lão Đại hết lòng chỉ dạy tiểu sư đệ mà thôi. Mà trong số sư huynh đệ chúng ta chỉ có lão Đại, lão Nhị và lão Tam ba vị sư huynh là tu vi cao thâm, lão Tam tu luyện cuồng suốt ngày trên núi thì chắc không khá giả gì, chứ còn lão Đại và lão Nhị nay đây mai đó, bay lượn khắp nơi, chỗ nào không tới, ít ra…hắc hắc…chút tài bảo chắc là không thiếu, coi như mỗi người đều có quà nhập môn cho tiểu sư đệ nhỉ. Mấy người thấy ta nói có đúng không, đúng không?

Lão Bát Vũ Thanh Hà nhanh mồm nhanh miệng liền hùa theo:

– Quá chính xác đi ấy chứ.

Lão Tứ Khổng Thương Vũ cũng cười hắc hắc:

– Ta cũng đồng ý hai tay.

Lão Ngũ Độc Cô Truy Dương kho khan một tiếng:

– Lão Lục nói thật kì quái, sự thật sao lại có đúng sai.

Còn lão Thất Dương Cửu thì thở dài:

– Tại sao huynh lại cướp lời của đệ. Hắc.

Chỉ có mỗi lão Tam Chu Đại Lực là không lên tiếng, nhưng nụ cười khẽ trên miệng đã tỏ rõ thái độ. Phiên Vũ Đạo Nhân nhìn mấy cáo già trước mặt một vòng rồi chỉ vào Tiền Vạn Kim mà than:

– Ta nói ngươi này lão Lục, đến cái tên cũng thấy là gian thương rồi, chẳng lẽ bản chất của ngươi cũng đen tối như vậy sao.

Tiền Vận Kim nghe vậy bèn đứng dậy chắp tay cười lớn:

– Ha ha. Nhị sư huynh quá khen rồi, ta thật thấy làm hổ thẹn không xứng nhưng sẽ cố gắng phát huy. Ha ha.

Những người khác nghe vậy cười ầm lên, Phiên Vũ Đạo Nhân chỉ biết lắc đầu ngao ngán cười khổ. Triệu Thiên Bình cũng cười, cảm giác ấm áp vừa lạ vừa quen này làm nó cảm thấy thật dễ chịu. “Bọn họ với ta thật giống như một gia đình vậy.”

Khi tiếng cười nguôi dần thì Linh Vân Đạo Nhân mới nói tiếp:

– Được rồi. Ta với lão Nhị một người bỏ của một người bỏ công vậy. Còn một chuyện nữa, lão Bát, đệ nhớ kĩ chỉ tham gia hỗ trợ mà thôi, việc chính của đệ là phải nhanh chóng Trúc cơ đi, như vậy phần thắng của chúng ta càng chắc hơn, phải làm cho lão nhân gia người tự hào về chúng ta.

Vũ Thanh Hà nghiêm mặt gật đầu:

– Vâng!

Linh Vân Đạo Nhân lại nói tiếp:

– Được rồi, mọi người về chuẩn bị đi. Ta cũng phải đi làm nhiệm vụ. Tiểu sư đệ coi thu dọn hành trang rồi chuyển sang nơi này.

Triệu Thiên Bình đứng dậy chắp tay:

– Vâng, sư huynh.

Linh Vân Đạo Nhân gật đầu rồi rời đi, những người khác cũng lần lượt ra về.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận