Văn Dã cầm lấy điện thoại, ánh đèn pin soi sáng hộp đồ trong tay Tống Nguyên. Những ngón tay của y thanh mảnh hơn anh, các khớp xương cũng không rõ lắm. Văn Dã không rõ từ lúc nào mình đã thất thần, khi anh nhận ra thì ánh đèn pin đã rời khỏi hộp đồ hộp và chiếu lên khuôn mặt Tống Nguyên. Trông y gầy hơn trước, môi không có chút máu, cằm dán miếng băng màu da, có lẽ dán quá sơ sài nên góc băng bị bong lên.
Tống Nguyên ngước mắt nhìn anh, con ngươi dưới ánh sáng trắng trông càng nhạt màu hơn. Văn Dã vội dời ánh mắt đi, chiếu lại vào hộp đồ hộp. Đợi đến khi Tống Nguyên mở được nắp hộp, anh mới lên tiếng hỏi: “Cằm cậu sao vậy?” Tống Nguyên không đáp, y đưa hộp đồ đã mở cho Văn Dã, đợi vài giây thấy anh không có ý định nhận, đành đặt nó bên cạnh Văn Dã.
Tống Nguyên đưa tay chạm vào cằm, sờ thấy góc băng bị bong lên, dùng chút sức ấn nó xuống. Y dùng gần mười giây để suy nghĩ xem có nên dùng khổ nhục kế nói rằng đây là do ngã xước hay không. Tống Nguyên nhìn vào mắt Văn Dã, cười nhẹ: “Do cạo râu đấy.”
Văn Dã hé miệng, như muốn bình luận gì đó, nhưng cuối cùng vẫn không nói gì. Anh móc hộp thuốc từ túi áo khoác ra, gõ lấy một điếu ngậm trong miệng. Khi đang châm thuốc, Tống Nguyên bất chợt nói: “Cho em một điếu với.”
“Hút thuốc không hợp với cậu đâu.” Văn Dã liếc nhìn Tống Nguyên, bỏ hộp thuốc lại vào túi, hút một hơi rồi nói tiếp: “Đừng học theo.” Tống Nguyên không cãi lại, y từ từ dịch người ra sau, cho đến khi tìm được góc mà chỉ cần nghiêng đầu một cái là có thể thấy gương mặt bên của Văn Dã mới dừng lại. Y lặng lẽ ngồi bên cạnh Văn Dã, nhìn anh hút hết cả điếu thuốc.
Khi Văn Dã cúi đầu dụi tắt thuốc, Tống Nguyên mở lời hỏi: “Anh đã nhận được thư chưa?” Điếu thuốc cháy dở để lại một vệt đen dài trên phiến đá, vài sợi thuốc rời rạc rơi ra, nhanh chóng bị gió thổi bay đi. Văn Dã không nhìn Tống Nguyên, giọng bình thản hỏi lại: “Thư gì?”
Tống Nguyên dừng lại vài giây, ngồi thẳng người lên một chút: “Em có viết thư cho anh, phong bì màu trắng, nhưng giấy màu hồng.”
Văn Dã nắm điếu thuốc trong tay, đèn trong lều bên cạnh chớp một cái, ánh sáng tối đi một giây. Anh ngước mắt nhìn Tống Nguyên, vẻ mặt điềm tĩnh nói: “Trong thư viết gì?”
“Cũng chẳng có gì.” Tống Nguyên dời tầm mắt đi, kéo áo khoác trên người chặt hơn, “Chỉ là vài lời thôi.”
Văn Dã nói: “Lời gì?”
Sự truy hỏi liên tục của Văn Dã rất hiếm thấy, Tống Nguyên bắt đầu cảm thấy căng thẳng vô cớ. Y mím môi, quay đầu nhìn chằm chằm vào Văn Dã, hỏi anh: “Anh muốn nghe không?” Văn Dã không trả lời, Tống Nguyên đứng dậy, đứng trước mặt Văn Dã, nói với anh: “Chỉ cần anh muốn nghe, em sẽ nói cho anh nghe.”
Người phụ trách công trường tìm cho Văn Dã một phòng đơn trên tầng. Tuy điều kiện đơn sơ, nhưng đối với vùng động đất, một nơi ở có cả điện lẫn nước đã là xa xỉ. Tống Nguyên vừa vào, chẳng nói gì, xoay người vào nhà vệ sinh, tiếp theo Văn Dã nghe thấy tiếng nước chảy. Trong lúc đợi Tống Nguyên ra, Văn Dã đứng bên cửa sổ ngẩn người nhìn những cây gãy đổ bên ngoài.
Trên đường đến Đông Sơn, Văn Dã nhớ lại nhiều chuyện, ví như lần đầu tiên anh nhận ra tình cảm dành cho Tống Nguyên, là khi trong lúc tự xử, hình ảnh xương quai xanh của Tống Nguyên tự động hiện lên trong đầu. Anh cũng không phải người thẳng thắn can đảm gì, khi ở bên Tống Nguyên, vô số lần muốn hỏi tại sao y không thích mình, nhưng bây giờ, khi Tống Nguyên bày tỏ tình yêu với anh, anh lại theo bản năng muốn trốn tránh, bởi vì anh chưa từng nghĩ Tống Nguyên yêu anh, cũng không dám nghĩ.
Nếu một bộ phim chỉ có một nhân vật chính là kẻ ngốc, có lẽ sẽ là một câu chuyện tình yêu lãng mạn và đẹp đẽ, nhưng anh và Tống Nguyên đều là kẻ ngốc, rõ ràng đều cầu nguyện mong muốn thời gian ở bên nhau có thể dùng từ “mãi mãi” để miêu tả, vậy mà từng giây từng phút vẫn cứ đi đường vòng.
Phía sau vang lên tiếng khóa cửa xoay động, Văn Dã nghiêng người, thấy Tống Nguyên đang đứng ở cửa. Y có lẽ vừa rửa mặt xong, tóc mái ẩm một nửa, miếng băng cũng đã gỡ ra, để lộ vết thương mảnh và dài trên cằm. Y tiến về phía trước vài bước, đứng trước mặt Văn Dã, tấm lưng thẳng tắp, khiến Văn Dã nhớ về một Tống Nguyên thời niên thiếu đứng trên bục cờ diễn thuyết nhiều năm trước, nhưng lần này, không phải chủ đề thanh niên ngày mùng bốn tháng năm buồn tẻ, Tống Nguyên cũng không nhíu mày.
Tống Nguyên ngước nhìn anh, nơi yết hầu khẽ chuyển động, nói với Văn Dã: “Em biết mình không tốt, khiến anh tổn thương, khiến anh đau lòng, tuy có lẽ anh không muốn tin em nữa, nhưng em vẫn muốn anh cho em thêm một cơ hội.”
“Trần Khải Hy nói, thích một người phải nói ra, tuy có lẽ khung cảnh hiện tại trông chẳng lãng mạn chút nào, nhưng mà, Văn Dã à.” Bàn tay Tống Nguyên vẫn giấu sau lưng giơ ra trước mặt, là một bông hoa màu tím đậm.
Nét mặt Tống Nguyên trông vẫn bình tĩnh, nhưng âm cuối không kìm được run rẩy, tay cầm hoa dùng chút lực, tiếp tục nói: “Em rất thích anh, anh có muốn ở bên em không?”
Văn Dã cụp mắt nhìn bông hoa trong tay Tống Nguyên, không phải loại quý giá gì, cánh hoa tím nhăn nhúm trông có vẻ đơn sơ, một cánh hoa rũ xuống, như thể sắp rụng, Văn Dã không biết Tống Nguyên đã tìm được hoa ở đâu giữa đống đổ nát khắp nơi. Văn Dã không nói gì, anh giơ tay cầm lấy bông hoa từ tay Tống Nguyên, nhìn vài giây, rồi giơ tay đặt lên vành tai mình, hỏi Tống Nguyên một câu không đúng trọng tâm lắm: “Đẹp không?”
Tống Nguyên sững lại, trước tiên gật đầu, rồi mới nói: “Đẹp.” Mắt Văn Dã cong lên, giọng mang tiếng cười: “Cậu đừng có lừa tôi đấy.”
“Không lừa anh đâu.” Tống Nguyên ngước nhìn anh, ánh mắt trông rất nghiêm túc, “Thật sự đẹp mà.”
Tống Nguyên không biết bản thân trông có vẻ chân thành không, những lời nói đó Văn Dã có tin hay không, những từ ngữ vừa sắp xếp trong nhà vệ sinh y một câu cũng chưa nói ra. Y bắt đầu hối hận lúc đến đây đã không mang theo băng rôn tỏ tình, việc giăng một băng rôn trước mặt người mình thích chắc hẳn có hiệu quả hơn một bông hoa khô khan.
Khi Tống Nguyên hoàn hồn, phát hiện Văn Dã đang chăm chú nhìn y, khoảng cách giữa hai người được kéo gần lại, giây tiếp theo, Tống Nguyên nghe Văn Dã nói: “Vậy thì được.” Văn Dã cúi đầu, nói: “Tôi đồng ý.” Lúc này đến lượt Tống Nguyên không nói nên lời, y mắt mở to, ngây người nhìn Văn Dã, cố gắng phân tích định nghĩa của sáu chữ “vậy thì được” và “tôi đồng ý” này.
Văn Dã cho Tống Nguyên thời gian dài để suy nghĩ, cho đến khi Tống Nguyên liếm môi khô khốc, thẳng thắn hỏi anh: “Đây là ý yêu đương hẹn hò phải không?”
Văn Dã không nói không, Tống Nguyên mỉm cười, tay hơi lúng túng vuốt gáy, động tác mang theo sự bối rối không phù hợp với tuổi tác. Văn Dã nhìn Tống Nguyên lúc thì vuốt gáy lúc thì liếm môi, cho đến khi làm hết tất cả những động tác nhỏ, Tống Nguyên mới lại ngước nhìn anh.
“Vậy có thể nắm tay rồi phải không?” Tống Nguyên giơ tay ra, rất nhẹ nhàng nắm lấy ngón tay Văn Dã, thận trọng nói: “Như thế này này.” Ngón tay Tống Nguyên vẫn còn dính nước, đầu ngón tay rất lạnh, y trước tiên nắm lấy ngón tay anh, dừng vài giây, dùng đầu ngón tay xoa nhẹ lòng bàn tay anh.
Tống Nguyên này, đúng là một kẻ nói dối, y có chỗ nào không lãng mạn chứ? Văn Dã nghĩ trong lòng, Tống Nguyên là người lãng mạn nhất anh từng gặp.
Văn Dã để mặc Tống Nguyên nghịch tay mình, nhìn khóe miệng cứ liên tục nhếch lên của y, dừng một lát rồi nói: “Còn có thể làm việc khác nữa.” Văn Dã cúi người xuống, khi môi chạm vào khóe miệng Tống Nguyên, giơ tay ấn cằm y, nhỏ giọng nói không quá rõ ràng: “Như thế này này.”