Xưa nay trong con mắt người Trung Quốc, các thiên thể vẫn gắn liền với những chuyện thần thoại dân gian, mang màu sắc nhân sinh. Cứ theo cách nói của ông Ngô Trường Thiên, cái đạo làm người của Trung Quốc cũng có liên quan đến tận trăng sao trên trời, lớn là quốc gia, nhỏ là bộ tộc, nhỏ nữa là gia đình, tất thảy đều xoay quanh một trung tâm, một lãnh tụ, một con người cụ thể, giống như ngàn sao xoay quanh Bắc Đẩu. Lãnh tụ uy nghi bất động chỉ cần phát ra một hiệu lệnh, muôn dân đều hướng về phía tay ông ta chỉ, đất trời cũng phải xoay chuyển theo. Quy luật tự nhiên của vũ trụ ngàn năm không đổi. Lẽ nào chỉ trong tháng Bảy, mùa hè cuối cùng của hai ngàn năm có một ngôi sao chổi bay qua đụng vào, khiến cả nhân loại sống chết không biết ra sao?
Nếu nói dải Ngân Hà sắp có những biến động bất thường chỉ là chuyện ngẫu nhiên đối với quy luật tự nhiên. Vậy trước mắt Lâm Tinh lúc này, ông Ngô Trường Thiên là trung tâm ổn định tất yếu của tập đoàn doanh nghiệp Trường Thiên có một trăm tám mươi ngàn con người và tám tỉ đồng tiền vốn. Từ trong cái văn phòng rộng lớn của ông, mọi cú điện thoại gọi đi, mọi mệnh lệnh phát ra, đều khiến hàng ngàn con người, hàng triệu đồng vốn phải chuyển động một cách có hiệu quả, giống như bấm một nút điều khiến bí mật, khiến Lâm Tinh phải kính nể.
Văn phòng có những cửa kính sát xuống tận sàn nhà, tiếng chuông điện thoại nghe lúc rõ lúc không. Một ê-kíp thư ký mẫn cán đang trả lời những âm thanh ấy, tiếng nói lộn xộn chỉ vang vào trong văn phòng này mỗi khi có người đẩy cửa bước vào. Trong phòng trong bày một cái bàn làm việc rộng rãi và bộ sofa lớn bằng da, tủ sách cửa kính sáng loáng, một phòng vệ sinh bồn sứ trắng tinh. Lâm Tinh ngồi ở một góc sofa dài, không khỏi có cảm giác nhỏ bé, nhưng ông Ngô Trường Thiên đang được người khác săn đón, cứ ra ra vào vào nhà vệ sinh, vội vã chải tóc, thắt cà vạt trước khi đi, đồng thời trả lời những câu hỏi của Lâm Tinh.
Đây là lần đầu tiên Lâm Tinh được ngồi trên cái sofa sang trọng và đắt tiền như vậy. Cô thỉnh thoảng phải chú ý đến tư thế. Cô và tạp chí của cô hình như không ngờ cô lại một mình dễ dàng thâm nhập vào văn phòng của ông Chủ tịch tập đoàn Trường Thiên để có cuộc phỏng vấn kể từ sau ngày tốt nghiệp đại học. Tất nhiên điều ấy bắt nguồn từ lòng tự tin, tự tin vì khuôn mặt tươi trẻ và ưa nhìn của cô. Đấy là mối quan hệ nhân quả vô cùng đơn giản. Hồi ở đại học, lúc đi thực tập phỏng vấn, cô đã vận dụng điều kiện này của mình và không một chỗ nào cô không chiến thắng. Hôm nay cô không mời mà đến, bắt đầu từ người bảo vệ ở cửa, cô đi qua ba cửa, sáu ngõ vào thẳng, cuối cùng bước vào ô cửa sang trọng này. Lúc các cô thư ký ở phòng ngoài hỏi han vài câu và đang định “mời” cô đi ra thì ông Thiên từ phòng trong ra và nói:
“Tôi chỉ có năm phút.”
“Thưa bác Chủ tịch, cháu cũng chỉ có một vấn đề.” Cô nói.
Vậy là cô bước vào trái tim của một doanh nghiệp lớn kiểu Titanic, có được một vị trí ngắn ngủi trên cái sofa kiểu Mỹ.
Cô định lần lượt làm việc với các công ty thuộc tập đoàn doanh nghiệp Trường Thiên, viết một loạt bài điều tra về quá trình ra đời và phát triển của tập đoàn này để soi sáng sự đổi thay của thời đại sau hai mươi năm Trung Quốc cải cách mở cửa. Cô đã báo cáo đề tài với tòa soạn, nhưng chưa được chấp nhận và ủng hộ. Trong con mắt của những phóng viên cũ có đủ tư cách, kế hoạch của cô đưa ra bỗng trở thành điển hình của chuyện vui. Về điểm này, qua biểu hiện của ông trưởng phòng cũng có thể trông thấy đôi chút. Chính vì biểu hiện ấy mới thúc đẩy cô hôm nay đơn thương độc mã gặp may ngay trong tòa cao ốc của chi nhánh tập đoàn Trường Thiên tại Bắc Kinh. Được gặp nhân vật truyền kì gây dựng cơ nghiệp bằng năm ngàn đồng, đối với Lâm Tinh là điều bất ngờ.
Cho dù ông Ngô Trường Thiên chỉ dành cho cô năm phút, nhưng khi ông bước vào phòng trong lại không có nổi nửa phút rỗi rãi. Thư ký cứ liên tục vào mời ông nghe điện thoại, ký giấy tờ, giúp ông mặc áo quần, báo để ông biết xe đã sẵn sàng… Lâm Tinh ngồi lặng lẽ quan sát. Qua báo chí, cô biết ông năm nay mới năm mươi tuổi, nhưng vất vả khiến ông già hơn tuổi. Có lẽ một đứa con nít hai mươi tuổi đầu như cô rất dễ dàng nhìn người trung niên có phần già hơn.
Cô ngồi ở sofa vẫn không vội nêu câu hỏi, cho đến khi ông Thiên trong lúc bận bịu đưa ánh mắt ra hiệu, cô mới nêu những đề mục tạm thời xác định.
“Thưa bác Chủ tịch, cháu muốn biết một vị lãnh đạo doanh nghiệp, ví dụ như bác, mọi người sẽ phải miêu tả vị trí của bác trong doanh nghiệp như thế nào?”
Ông Thiên vừa ký văn bản và chỉnh lại cà-vạt, vừa trả lời một cách rành rọt: “Cô có biết bảy ngôi sao trong chòm sao Bắc Đẩu không? Tức là thiên văn hiện đại chỉ đại hùng tinh và tiểu hùng tinh. Tổ tiên của tôi coi chòm sao Bắc Đẩu là tọa độ chỉ phương hướng, vì phương hướng của chúng ổn định nhất, cũng sáng nhất. Lãnh đạo một doanh nghiệp phải là ngôi sao Bắc Đẩu. Ánh sáng của ông ta phải đủ soi sáng thuộc cấp, tập hợp họ xung quanh mình.”
“Xin hỏi, ánh sáng của một doanh nhân là gì?” Lâm Tinh hỏi.
“Đây là vấn đề thứ hai của cô, phải không?” Ông lấy câu hỏi để thay cho câu trả lời.
“Không ạ, vẫn là vấn đề thứ nhất. Vừa rồi bác nói đến ánh sáng, cháu muốn biết bác ám chỉ điều gì. Có phải là tri thức và tài năng của người lãnh đạo?”
Ông Thiên mặc cái áo vét lên người, lắc đầu: “Không phải là chủ yếu.”
“Là quyền lực ư?”
“Quyền lực rất dễ bị phản bội.”
“Vậy là gì?”
Ông đang định đi ra cửa, Lâm Tinh không thể không đứng dậy. Cô mong câu trả lời của ông không quá đơn giản, nhưng ông chỉ nói đúng ba tiếng:
“Là đạo đức.”
Chưa dứt lời thì ông đã bước ra khỏi cửa, Lâm Tinh vội đi theo. Hai người cùng ra đến hành lang, theo sau ông là mấy thuộc hạ. Ông nở nụ cười coi như kết thúc buổi phỏng vấn. “Cô thỏa mãn rồi chứ?” Ông hỏi.
Nhưng Lâm Tinh không đáp lại bằng nụ cười. Cô vội nêu vấn đề vừa lóe lên trong đầu: “Xin hỏi bác Chủ tịch, bác đánh giá thế nào về ông Chử Thời Kiện, Chủ tịch tập đoàn Hồng Tháp tỉnh Vân Nam. Có người nói ông ấy mang tính điển hình nhất định cho các doanh nhân Trung Quốc, bác thấy thế nào?”
Câu hỏi quá đường đột, ngay cả Lâm Tinh cũng phải đứng sững lại. Ông Thiên cũng đứng lại, nhưng vẻ mặt tươi cười vừa rồi vẫn còn nguyên trên khuôn mặt. Đám nhân viên theo sau vội đi lên, giải vây cho ông: “Xin lỗi, ông Chủ tịch đang có việc vội…” Nhưng ông dùng câu trả lời để cắt ngang câu nói của đám nhân viên.
“Chúng ta thỏa thuận với nhau chỉ nói một vấn đề thôi mà.”
Lâm Tinh giấu vẻ bối rối, nói: “Xin lỗi, vừa rồi, vừa rồi bác nói đến đạo đức, cho nên…”
Ông Ngô Trường Thiên cười nhạt, đi xuống lầu, cuối cùng cũng phải tiếp tục câu chuyện với Lâm Tinh: “Cô đã đọc Gia thư Tăng Quốc Phiên chưa nhỉ?” Lâm Tinh nói thật chưa đọc. Ông ta nói tiếp: “Cũng nên đọc.” Một nhân viên đưa cho ông cái điện thoại di động vừa đổ chuông, cắt ngang câu chuyện. Không biết ông đang bàn với ai đó về một vấn đề mà Lâm Tinh nghe không hiểu. Cho đến khi họ ra khỏi cửa cao ốc, trước khi lên xe, ông mới tắt máy, quay lại nói với Lâm Tinh: “Cô có biết một thứ dụng cụ gọi là cái đấu ngày xưa vẫn dùng để đong lương thực không nhỉ? Lương thực đổ đầy đấu rồi dùng một thanh gỗ gạt ngang. Thanh gỗ ấy gọi là thanh gạt. Tăng Quốc Phiên viết: trời không gạt thì người gạt, trời cũng phải mượn tay người để gạt. Tôi học cách của Tăng Quốc Phiên tự mình gạt lấy. Cho nên tôi không làm ông Chử Thời Kiện.”
Những ngày sau đấy Lâm Tinh vẫn nghĩ, trong cuộc phỏng vấn chớp nhoáng bất ngờ, mỗi câu nói của ông Ngô Trường Thiên đều hàm ý sâu sắc. Cô dùng phương pháp phân loại tính cách trong giáo trình tâm lý học ở bậc đại học để nhớ lại khẩu khí, động tác và biểu hiện của ông. Cô cảm thấy ông ta thuộc loại người “xua đuổi”, có khả năng quyết đoán và kiềm chế tình cảm cao độ, đòi hỏi kết quả nói chuyện ở người khác, yêu cầu đối phương phải ngắn gọn, trong sáng, giải thích và nhắc lại quá mức dễ làm ông mất kiên nhẫn. Nhưng rồi cô lại cảm thấy ông luôn đồng tình và làm thỏa mãn người phỏng vấn. Ông rất nhạy cảm và có khả năng thông hiểu tâm lý đối phương, lại giống như người “thân thiết” vậy. Tối hôm ấy, Lâm Tinh phát hiện ở nhà Lưu Văn Khánh, bạn trai cô có cuốn Gia thư Tăng Quốc Phiên cất trên gác cao bị bụi phủ lâu ngày. Cô lấy xuống xem, quả nhiên tìm thấy đoạn luận thuyết ông Thiên vừa nói hôm nay:
“Quản Tử Vân: Đấu đầy có người gạt, người đầy trời sẽ gạt…”
Lâm Tinh tỏ ra hứng thú. Cô đọc tiếp để lĩnh giáo lời “tự gạt” của Tăng Quốc Phiên. Thì ra chỉ có ba chữ: “Thanh, Cần, Khiêm”, nhìn chữ để hiểu nghĩa, không có gì khác là thanh liêm, cần cù, khiêm tốn với mọi người. Từ những lời thâm thúy của Ngô Trường Thiên, Lâm Tinh thấp thoáng một ý nghĩ con người này thật đáng kính. Xem ra dư luận tốt đẹp về ông như “doanh nhân học giả”, “nho thương đương đại”, “nửa bộ Luận ngữ’” không phải là những lời khen không căn cứ.
Lâm Tinh mượn bộ Gia thư Tăng Quốc Phiên gồm ba cuốn về. Văn Khánh mua bộ sách này theo phong trào, chứ chưa có ý định mở ra đọc. Từ ngày từ bỏ vai trò công chức trong một nhà máy quốc doanh chạy theo làm người môi giới chứng khoán, anh trở nên lạnh nhạt với mọi thứ. Yêu một người môi giới chứng khoán buồn nhất là anh ta luôn luôn cảm thấy cổ phiếu mạnh mẽ hơn, kích thích hơn, kịch tính hơn cả tình yêu. Cho dù Văn Khánh vẫn thường nói những lời hoa mỹ: “Anh chơi cổ phiếu là vì em!” nhưng không thuyết phục nổi Lâm Tinh, cô vẫn cho rằng, tình yêu vốn là một hoạt động tinh thần, liệu ai tin nổi một người chỉ yêu tiền còn yêu người khác được nữa? Văn Khánh chỉ cười nhạt với lập luận của Lâm Tinh: Đừng quên, đối với chúng ta, sống là thứ nhất, không sống làm gì còn tình yêu? Xã hội ngày nay nếu không có tiền làm sao sống nổi? Trước đây, những lời hùng biện của Văn Khánh vẫn khiến Lâm Tinh không nói vào đâu được. Nhưng sau khi phỏng vấn ông Ngô Trường Thiên, cô có một cảm giác mới: ông là một người cần gì có nấy, vậy mà vẫn coi đạo đức là tài sản lớn nhất trong đời. Mọi người đều phải sống, nhưng sống cũng cần có giới hạn! Văn Khánh nghe nói, vẻ mặt sa sầm, nói như nhìn thấu cuộc đời: những người xưa nay vẫn coi đạo đức có giá ngàn vàng và phú quý không đáng một đồng đều là những kẻ giàu nứt đố đổ vách.
Về ông Ngô Trường Thiên mà Lâm Tinh nói đến, Văn Khánh rất xem thường nhưng không giảm bớt sự chú ý đối với con người nổi tiếng kia. Theo sự phân loại của giới học giả phương Tây, Lâm Tinh cảm thấy Văn Khánh là con người điển hình kết hợp thùy não phải và thùy não trái. Con người này ưa mạo hiểm, thích mưu kế, đối với bất cứ việc gì cũng quen phân tích, lạnh lùng, khắc nghiệt, pha chút tình cảm, đối với những thứ mình thích sẽ truy đuổi không biết đâu là giới hạn. Khi anh nghe Lâm Tinh nói đến chuyện một mình phỏng vấn ông chủ đứng đằng sau Công ty đầu tư – thương mại Trường Thiên có cổ phiếu đang nóng trên thị trường, anh lập tức tỏ ra hứng thú, hỏi tỉ mỉ về nội dung cuộc nói chuyện, kể cả không khí làm việc bên trong cao ốc chi nhánh của tập đoàn Trường Thiên tại Bắc Kinh, tưởng chừng những điều đó có thể trở thành đầu mối để phán đoán khả năng cổ phiếu của Công ty đầu tư – thương mại Trường Thiên lên hay xuống. Anh nói, hiện tại rất nhiều người đang quan sát cái thế của Công ty này dù cổ phiếu của họ đã cao ngất ngưởng, nhưng nếu tung tin có lợi, biết đâu có thể bứt phá vươn lên. Ví dụ, Hội đồng quản trị năm nay sẽ chia lãi cho cổ đông bằng cổ phiếu, chắc chắn cổ phiếu ấy sẽ còn cao nữa. Anh tiếc nhất là trong lúc Lâm Tinh nói chuyện với ông Thiên cho dù chỉ vài lời gián tiếp, ông ấy cũng không nói gì về nội dung này.
“Ông ấy không nói với em.” Lâm Tinh cảm thấy Văn Khánh như bị tẩu hỏa nhập ma.
Tất nhiên Lâm Tinh thừa nhận, đúng lý mà nói, làm việc gì cũng nên kiên trì. Nhưng cô phản đối thái độ cố chấp quá đáng của Văn Khánh, có lúc vì để đạt mục đích, tưởng chừng anh ta không từ một thủ đoạn nào. Đàn ông làm việc gì cũng chú trọng kết quả, cho nên quá mức cố chấp trở thành bệnh của đàn ông. Phụ nữ lại chú trọng hưởng thụ, chỉ cần được hưởng thụ là thỏa mãn lắm rồi, thậm chí có lúc coi quá trình là mục đích. Từ sau ngày Văn Khánh say mê cổ phiếu, Lâm Tinh tranh luận với anh không biết bao nhiêu lần về ý nghĩa cuộc sống là theo đuổi thành công hay là tìm kiếm niềm vui. Niềm vui trong đời là đạt mục tiêu cuối cùng hay là có được sự tốt đẹp trong suốt cả đời người? Hễ nói đến những chuyện này, Văn Khánh tỏ vẻ không đáng đề bàn đến. Ánh mắt và nụ cười hiện rõ sự châm biếm: như thế còn nói làm gì, vất vả suốt ngày mà không đạt mục đích còn nói gì đến niềm vui? Nhưng Lâm Tinh cho rằng, không nghi ngờ gì nữa, chân lý cuộc sống ở bản thân cuộc sống. Để đạt mục đích sống đến tám mươi mà phải sống rất căng thẳng, không chút vui vẻ cho đến ngày chết, cho dù đã đạt được mục tiêu, như vậy liệu còn ý nghĩa gì? Ngày nào cũng tranh luận nhưng không bên nào thắng. Lâm Tinh không mong thuyết phục được Văn Khánh, bởi cô biết theo đuổi thành công là bản tính của đàn ông.
Chuyện tiền nong giữa hai người cũng đầy mâu thuẫn. Văn Khánh không bao giờ né tránh quan niệm không có tiền là không có tất cả, kể cả tình yêu. Cách nói của Văn Khánh khiến cho Lâm Tinh không tìm thấy cái mà cô cần gửi gắm. Cô chỉ có thể khen tính thẳng thắn của Văn Khánh. Một người đàn ông thẳng thắn còn hơn giả dối. Văn Khánh bày tỏ thẳng thắn anh kiếm tiền là vì Lâm Tinh, chẳng cần hoa mỹ, chỉ là logic của anh về tiền tài và tình yêu. Thật ra, Lâm Tinh không có nhu cầu tiêu xài quá đáng. Cô thích ăn ngon một chút nhưng không nghiện. Cô thích mặc đẹp nhưng không cần phải là hàng hiệu; đi đâu ngồi taxi là tốt nhất. Nếu không vội, cô đi xe buýt cũng được. Mỹ phẩm dùng loại vừa túi tiền, hoặc đồ nội cũng xong, họp mặt bạn bè nói chung thực hiện chế độ A-A… Tiền cho ăn mặc, chỗ ở và tiêu vặt của cô cũng đủ dùng. Sau khi bố qua đời, bà ngoại ở Bắc Kinh để cho cô sử dụng căn hộ ba phòng một sảnh, cô cho Aly và Hân thuê hai phòng. Tiền nhà hai cô gái Cáp Nhĩ Tân mỗi tháng trả cho cô đủ chi dùng cho cuộc sống trong khi chưa tốt nghiệp và trước khi về công tác tại tòa soạn.
Aly và Hân là hai cô gái xông xênh hơn Lâm Tinh. Hai cô này ở Bắc Kinh đã hai, ba năm nay, thay đổi nhiều công ty, làm những việc có thể nói có, có thể nói không. Bởi các cô luôn luôn thay đổi bạn trai, mà bạn trai toàn là các ông chủ công ty. Liệu ai dám nghĩ các cô ấy không có tiền? Con gái có tiền tối nào cũng giết thời gian ở các quán bar hoặc trong hộp đêm, ban ngày lăn ra ngủ, rồi đi suốt đêm với đủ loại bạn bè, hát xướng, khiêu vũ, tán gẫu, ăn đêm, xả láng đến tận ba, bốn giờ sáng. Các cô thích sống như thế, hễ màn đêm buống xuống là vui vẻ. Lâm Tinh cũng thích đến các quán bar và hộp đêm, nhưng chỉ cuối tuần, bởi hôm sau có thể ngủ muộn. Gần đây cô thích đến bar Thiên Đường. Ở đấy nội thất trang trí rất đẹp. Mỗi góc dù là sáng hay tối cũng đều có thể làm bạn bất ngờ: cái mandoline cổ lỗ, cái kèn đồng loang lổ. Cả những tấm hình chụp lại được làm cũ bằng nước trà, mấy tờ quảng cáo nhạc ngoại quốc không biết từ những năm tháng nào. Tất cả đều không giống với những gì thường thấy, cũng không giống cái cũ hoặc đã bắt gặp ở đâu đó. Lâm Tinh thích đến đây vì ở đấy có nhạc hay, không ồn ào, có thể diễn dịch thật hay hai chữ buồn thương. Lâm Tinh không rõ những quán bar đám trai gái đường phố Bắc Kinh vẫn tụ tập có bao nhiêu ban nhạc không chính thống nhưng được tập tành tử tế. Ở bar Thiên Đường có ban nhạc Thiên Đường, cái tên nghe rất trong sáng như tên quán bar. Những lúc ban nhạc biểu diễn, trên sân khấu chỉ có một ánh đèn chiếu thẳng từ trên xuống, piano và guitar hòa tấu cùng với cây saxo nghe rất hay, khiến từng nốt nhạc xuyên thấu tâm hồn.
Người chơi saxo trẻ nhất ban nhạc, đến gần có thể phát hiện khuôn mặt anh trẻ trung sáng sủa, giống nhân vật Rukawa Kaede trong phim hoạt hình Nhật Bản “Cao thủ ném bóng”. Một người rất trẻ nhưng diễn giải từng nốt nhạc đến độ rung động tình cảm, khiến Lâm Tinh không khỏi thán phục. Có lần, Lâm Tinh gặp Aly đến Thiên Đường cùng một ông già người Canada trông như một vị nhân sĩ. Hai người ngôn ngữ bất đồng, nhưng rất chịu chơi. Aly thấy Lâm Tinh liền kéo cô vào làm phiên dịch, vì ông già vào quán bar tỏ ra rất thích nhạc. Ông say mê nghe anh chàng nhạc công chơi saxo. Bản nhạc vừa kết thúc, ông rất trịnh trọng vỗ tay hoan nghênh. Vỗ tay xong, ông nói: “Ban nhạc trình diễn rất chuyên nghiệp. Nhưng đấy là điệu nhạc đưa đám, không thích hợp với nơi này.” Aly liền đi tới truyền đạt lời nhận xét của ông già với anh chàng thổi saxo, đồng thời mượn hơi rượu để cười chê, làm cho anh kia và các bạn trong ban nhạc phải ngượng. Người chơi piano lập tức đi tới, nói với ông già người nước ngoài, Chúng tôi chỉ biết đây là bản nhạc có tên gọi “Hẹn ước nơi Thiên đường”. Trong trường nhạc coi đây là bản nhạc để tập luyện, xuất xứ và sử dụng đều không biết. Lâm Tinh không chú ý đến nội dung hai người nói với nhau. Nhưng cô rất thích bản nhạc này, thích cái thâm trầm sâu sắc. Khúc nhạc làm cô nghĩ đến những nỗi xót xa và niềm khổ đau cao thượng, thậm chí cô phải rơi nước mắt.
Về sau, ban nhạc của bar Thiên Đường đã thay đổi, nghe nói ông chủ quán bar đã thay đổi. Ban nhạc mới trống phèng tung tóe thay cho không khí của những bản Jazz sâu lắng cổ xưa. Nhạc thay đổi làm cho cảm giác của quán bar cũng thay đổi theo, cảm thấy không còn linh hồn.
Sau đấy Lâm Tinh không đến đây nữa.
Cũng vì từ đấy Lâm Tinh không còn thời gian nhàn rỗi. Sau khi phỏng vấn ông Ngô Trường Thiên, tòa soạn chấp nhận đề tài. Cô bắt đầu bận, ngày nào cũng phải đến các cơ sở của tập đoàn Trường Thiên ở Bắc Kinh thu thập tư liệu cần thiết cho bài viết. Đây là thách thức đầu tiên đối với sự nghiệp của Lâm Tinh kể từ sau ngày ra trường, cho nên cô phải chuyên tâm, không còn thời gian đến quán bar. Nhưng khi tiếp xúc với cán bộ và nhân viên rất thực tế của doanh nghiệp, một không khí sống khác với ở các quán bar và những sinh hoạt đêm, cô có cảm giác trở về với dòng chính của cuộc sống. Thậm chí cô sống thể nghiệm mấy ngày ở trung tâm giải trí Kinh Thiên trực thuộc tập đoàn Trường Thiên tại Bắc Kinh, lần lượt thể nghiệm trách nhiệm và nỗi khổ của nhân viên phục vụ, công nhân vệ sinh và nhân viên thu ngân, đồng thời kết bạn với nhiều người lớn tuổi. Trong đó có không ít người vốn là công nhân mất việc ở các doanh nghiệp nhà nước. Hầu hết họ đều tỏ ra cảm động thực sự đối với tập đoàn Trương Thiên. Trong báo cáo điều tra của Lâm Tinh, hành động của Trường Thiên thu hút đại bộ phận công nhân mất việc của các doanh nghiệp nhà nước, cũng được coi là một ví dụ cấu thành đạo đức doanh nghiệp của tập đoàn này.