Anh xa Lâm Tinh, xa ban nhạc Thiên Đường, xa ngõ Dương Châu và biệt thự Kinh Tây. Có thể, đêm đầu tiên ra khỏi tòa án, anh đã rời Bắc Kinh, không biết đi đâu, về đâu, từ đấy không một dấu vết. Ra đi thật buồn, cũng thật tàn nhẫn.
Sau hôm Ngô Hiểu mất tích, Lâm Tinh thanh toán toàn bộ viện phí với bệnh viện Hữu Nghị, dọn về nhà. Chỉ có nhà, căn nhà nhỏ của cuộc tân hôn mới có thể là cộng sự che chở cho nỗi đau khổ phải gánh chịu. Bởi ở đây còn lưu lại tiếng cười và hơi thở của Ngô Hiểu. Mỗi một đồ vật đều vẫn nguyên như khi anh còn ở đây, khiến có cảm giác như chưa có gì xảy ra. Mọi đồ vật đều thấm đẫm và trĩu nặng bao nhiêu tình cảm không thể nào quên, khiến Lâm Tinh tin rằng sẽ có một ngày Ngô Hiểu bị nỗi nhớ da diết đưa anh trở về. Hai người đã có những ngày sống chết dựa vào nhau.
Mấy hôm đầu, hầu như Lâm Tinh không ra khỏi cửa, thảng hoặc mới đi mua gì đó, lúc về tâm trạng lại thảng thốt, hồi hộp, không biết Ngô Hiểu có về trong khoảnh khắc cô ra phố. Tiếng chân bước trên cầu thang mỗi ngày vẫn đều đặn, hết lần này đến lần khác giày vò thần kinh cô. Thậm chí không thể chịu đựng nổi, cô ngẩn ngơ ra đứng đầu ngõ Dương Châu ngóng nhìn, lúc nào cũng ảo tưởng trong đám người lô xô kia bỗng xuất hiện hình bóng anh. Tối nào cô cũng đến bar Thiên Đường, bar Ánh Trăng, bar Chim Vành Khuyên và cả khu Tam Lí Đồn, đường Học viện, và những bar, những phòng trà ca nhạc, những hộp đêm lớn nhỏ khắp phố, khắp ngõ kinh thành Bắc Kinh, miễn là những nơi không thu vé vào cửa cô đều đến, mong bỗng nhiên nghe thấy tiếng saxophone… Nhưng lần nào cô cũng ôm mối thất vọng trở về. Ngô Hiểu ra đi, thành phố này không còn tiếng saxo, không còn nghe thấy những âm thanh khàn khàn buồn thương, rung động lòng người.
Cuối cùng thì Lâm Tinh không đi nổi. Tình trạng sức khỏe ngày một yếu, cô cảm thấy rất rõ. Mỗi tuần ba lần lọc máu xuống còn một lần, bởi cô không còn tiền. Đấy là vấn đề rất hiện thực. Nếu không vì chờ Ngô Hiểu, từ lâu cô đã mất hứng thú trị bệnh cứu cuộc sống. Còn nếu Ngô Hiểu về thì sẽ thế nào? Yêu hay giận là chuyện thứ hai, chỉ cần anh về. Nguyện vọng duy nhất của cô là cuộc đời này những mong được gặp anh một lần nữa. Thậm chí có lúc Lâm Tinh điên cuồng nghĩ, bao nhiêu năm sau, nếu biết Ngô Hiểu chết ở đâu, mình cũng sẽ đến đấy với anh, để được thực hiện cuộc “Hẹn ước nơi thiên đường.”
Rồi một ngày cửa phòng của cô có tiếng gõ cửa. Đấy là lần đầu tiên từ sau ngày Ngô Hiểu bỏ đi có người đến gõ cửa. Tiếng gõ cửa khẽ và đơn giản, giống như cách gõ cửa của Ngô Hiểu. Niềm hy vọng sắp tắt bỗng bùng cháy, cô nghĩ có thể vì lâu ngày, Ngô Hiểu bỏ mất chìa khóa nhà, thậm chí trong tiếng gõ cửa hàm ý hối hận và xin lỗi. Cô ngồi bật dậy, đi chân trần, rất kích động ra mở cửa. Tưởng chừng cô kêu lên hai tiếng anh Hiểu!
Người đứng ngoài cửa không phải là Ngô Hiểu, mà là hai viên cảnh sát thường phục, một lớn tuổi, một trẻ tuổi.
Ngọn lửa hy vọng tắt lịm, thậm chí biến thành tức giận. Cô định đóng cửa, động tác rất chậm. Viên cảnh sát lớn tuổi đưa tay ngăn lại, đồng thời đưa một chân bước vào nhà.
“Ôi, không nhận ra chúng tôi à? Có thể vào được không?”
Lâm Tinh quay vào buồng, cửa giữa buồng ngủ và phòng khách mở, qua ô cửa cô nghe thấy tiếng viên cảnh sát nói chuyện.
“Cô không đi đâu à? Lâu nay sức khỏe có khá hơn không? Nghe nói cậu Hiểu không ở Bắc Kinh, cậu ấy đi đâu?”
Rất lâu mới có người hỏi đến Ngô Hiểu. Khẩu khí không mất đi cái thân thiết khiến cô vô cùng cảm động, bất chợt làm cho cô bật khóc.
Viên cảnh sát lớn tuổi lấy làm lạ, hỏi: “Cô sao thế?”
Cô nói: “Tôi không muốn nhắc đến anh Hiểu.”
Viên cảnh sát lớn tuổi nói: “Thôi, không nói đến cậu ấy nữa. Chúng tôi muốn qua cô tìm hiểu hai vấn đề.”
Lâm Tinh không khóc nữa, cảm thấy khóc lóc trước mặt những người này tỏ ra mình yếu đuối.
Viên cảnh sát lớn tuổi hỏi: “Tháng Bảy năm nay, tối hôm ông Thiên tổ chức sinh nhật, lúc cô đến biệt thự Kinh Tây tìm anh Hiểu, cô trông thấy những ai?”
Lâm Tinh trả lời: “Thấy bố của anh Hiểu.”
“Còn ai nữa?”
“Chị giúp việc.”
“Cô có thấy ông Trịnh Bách Tường không? Ông ấy cũng là lãnh đạo tập đoàn Trường Thiên, rất thân với ông Thiên.”
“Không thấy.”
Người cảnh sát lớn tuổi trầm ngâm giây lát, lại hỏi: “Trước khi Lưu Văn Khánh chết, anh ta có nói với cô, anh ta đánh bạc thắng lớn. Anh ta có bảo thắng bao nhiêu tiền không?”
“Tôi không muốn nói lại chuyện ấy. Chuyện đã qua rồi, mà tôi cũng quên rồi.”
Viên cảnh sát lớn tuổi không đổi sắc mặt: “Anh ta thắng bao nhiêu?”
Lâm Tinh im lặng hồi lâu mới trả lời: “Anh ta không nói.”
Viên cảnh sát lớn tuổi nói: “Theo chúng tôi nắm được, trước khi Lưu Văn Khánh chết không lâu, ông Thiên chia làm nhiều lần rút từ ngân hàng ra tám triệu ba trăm ngàn nhân dân tệ tiền mặt. Có thể đấy là toàn bộ tiền riêng của ông ấy. Lưu Văn Khánh bảo hắn đánh bạc thắng một triệu phú, có phải số tiền đó không?”
Lâm Tinh trố mắt, không trả lời nổi.
Viên cảnh sát lớn tuổi lại hỏi: “Nhưng trên người Lưu Văn Khánh chúng tôi chỉ tìm thấy mấy ngàn đồng, cộng với tiền đặt cọc thuê nhà ở khu nghỉ dưỡng Hồ Thông Thiên, tất cả không đến mười ngàn đồng. Mười ngàn đồng này chỉ bằng một phần tám triệu mà hắn được.”
Lâm Tinh hỏi: “Có phải vì khoản tiền này mà các ông đến tìm tôi hay không? Vậy thì tôi nói với ông, tôi không thấy số tiền của Lưu Văn Khánh. Nếu các ông không tin, các ông cứ bắt tôi đi cho xong chuyện.”
Viên cảnh sát lớn tuổi cười cười: “Chúng tôi đã điều tra rõ khoản tiền này là tài sản riêng của ông Ngô Trường Thiên. Ông ấy đã chết, tòa không mở phiên xét xử vắng mặt ông ấy. Chưa có phán quyết về khoản tiền phạm tội và tài sản chưa thu hồi. Cho nên người thừa kế hợp pháp duy nhất khoản tiền này phải là anh Hiểu, chồng cô. Có thể nói nếu chúng tôi tìm ra số tiền này đang ở đâu, người được lợi chính là hai vợ chồng cô.”
Lâm Tinh nhìn vẻ mặt từng trải của viên cảnh sát lớn tuổi, cô lẩm bẩm: “Tôi không cần tiền, chỉ cần chồng tôi, chỉ cần chồng tôi thôi.”
Viên cảnh sát lớn tuổi trầm mặc trong khoảnh khắc để bày tỏ đồng tình, rồi nói: “Chúng tôi cũng không cần, nhưng phải tìm cho ra, tìm thấy khoản tiền này vụ án mới coi kết thúc. Trừ phi chúng tôi tìm ra một kẻ trong bọn tội phạm tham dự vào vụ án này đang sống, có thể giúp chúng tôi trả lời triệt để rõ ràng sự việc là thế nào.”
Vẻ mặt Lâm Tinh vẫn không có biểu hiện gì, nhưng trong lòng rất kinh ngạc: “Thế nào? Vẫn còn tội phạm chưa bắt được à?”
Viên cảnh sát lớn tuổi cười lạnh nhạt: “Tôi nghĩ vẫn còn.”
Lúc ra về, họ vẫn nói câu cáo từ: “Nếu cô nhớ ra điều gì thì cứ gọi chúng tôi.” Lâm Tinh biết, mình còn nhớ được điều gì nữa, chỉ biết mình không muốn gặp lại họ.
Hôm sau cô đến tòa soạn, đến nhận lương. Thời gian gần đây cô luôn vắng mặt, lương tháng trừ đâu trừ đuôi, chỉ còn lại đủ đong vài kí gạo. Ông Tổng biên tập thấy cô, tỏ ra quan tâm hỏi han tình hình bệnh tật ra sao, Lâm Tinh trả lời ngắn gọn rồi cô hỏi, liệu tòa soạn có thể chi đỡ một phần viện phí không. Ông Tổng biên tập gãi đầu, nói: Tôi có thể đưa cô đến phòng tài vụ hỏi, xem ra khó đấy. Lần trước tôi đi nhổ răng vẫn không được thanh toán. Tôi làm ở đây hai mươi năm rồi, cô mới vào được ít lâu. Nhưng mà, nghe nói gần đây tòa soạn liên hệ để tham gia đóng góp bảo hiểm chữa bệnh nặng. Theo quy định phải tham gia từ lâu rồi, nhưng vì chúng ta chưa kiếm được tiền. Ông Tổng biên tập suy nghĩ rồi nói: “Thế này nhé, trường hợp cô cũng không dễ đâu. Hay là tôi tìm cho cô một cách. Cô viết bài cho báo khác hoặc một nơi nào đấy để lấy nhuận bút. Cô có còn đủ sức khỏe để viết không?”
Lâm Tinh gật đầu, tuy cơ thể cô bất cứ lúc nào cũng có thể gục xuống mà không đứng lên nổi, không cho phép cô làm những công việc trí óc và thể lực nặng nề, nhưng cô vẫn cảm kích gật đầu. Không viết còn biết làm gì? Cô cần tiền để chữa bệnh.
Ông Tổng biên tập nói: “Mấy tháng trước cô đến làm việc với Tập đoàn Trường Thiên. Ông Chủ tịch Tập đoàn có chuyện, cô biết không? Ông ta tự sát vì những chuyện bê bối. Công chúng muốn biết những sự việc bên trong, nếu không có gì trở ngại, cô cứ viết đi. Tôi có thể giúp cô gửi đến các tạp chí khác. Mà cô cũng có thể tự gửi đăng. Tạp chí của chúng ta quá nghiêm túc, không đăng nổi. Các tạp chí khác rất cần những loại bài này, nhuận bút cũng khá đấy. Dù sao trong tay cô có nhiều tư liệu về ông Ngô Trường Thiên, lại quen biết Tập đoàn Trường Thiên, liên hệ với bên công an và những người quen biết trong Tập đoàn Trường Thiên để tìm hiểu nội tình, viết cũng tương đối thuận tiện. Nhưng muốn viết phải viết nhanh lên. Đề tài này có người chiếm trước thì dù viết ra cũng không có giá trị.”
Lâm Tinh không biết có nên nói cho ông Tổng biên tập biết mình có quan hệ với gia đình ông Ngô Trường Thiên. Lần trước ông định sửa chữa bài viết của Lâm Tinh về Tập đoàn Trường Thiên thành truyện cá nhân anh hùng Ngô Trường Thiên. Nhưng sau mấy tháng, lại biến thành kiến nghị ngược với nội dung ban đầu, nhưng hình thức không thay đổi.
Cô nghĩ, tất cả đều có thể lý giải, mọi người đều cần kiếm tiền.
Cô cũng vậy, bây giờ rất cần tiền, kiếm được tiền sẽ đi lọc máu, lọc máu sẽ sống khỏe, sống để chờ Ngô Hiểu.
Lời ông Tổng biên tập đã nhắc nhở cô, cô có thể viết chút gì đó gửi cho các báo. Ngoài viết ra cô không có sở trường nào khác. Nhưng viết có thể kiếm được bao nhiêu tiền? Cô viết ngày viết đêm, vừa nôn vừa viết, sốt ba mươi bảy độ tám vẫn viết, viết rồi gửi cho các báo, gửi cho các tờ báo quen biết và không quen biết. Gửi một lúc bảy tám bài, tản văn, tạp văn, tin tức, bình luận, gì cũng có. Mỗi bài từ ba trăm chữ đến ba ngàn chữ. Tóm lại, thành tích không tồi, tuy không phải bài nào cũng được đăng, nhưng có gần một nửa số bài được sử dụng. Cũng có nhuận bút, nhưng cộng lại cũng chỉ mấy trăm đồng. Cô nghĩ, kiếm tiền như thế này chỉ có chết!
Duy nhất có thể giúp cô mỗi tuần lọc máu một lần ấy là tiền cho thuê căn nhà bên ngõ Tĩnh Nguyên. Aly và Hân không còn ở đấy, cô có thể cho người khác thuê. Cô chỉ đăng báo quảng cáo rẻ tiền với mấy chữ cho thuê nhà, rồi về ngõ Tĩnh Nguyên thu dọn nhà cửa. Aly và Hân còn để lại đây khá nhiều đồ. Thứ không dùng vứt bỏ, thứ dùng được cô giữ lại, cho vào mấy bao tải và thùng giấy cùng với những thứ của cô không nỡ bỏ, tất cả cho ra ban công đóng kín. Như vậy có thể cho thuê cả ba căn phòng, mỗi tháng cũng kiếm được hai ngàn rưởi đến ba ngàn tiền cho thuê nhà.
Ban công vốn là cái kho chứa đồ, để toàn những thứ tạp nham nhiều năm không dùng đến, bình thường rất ít vào, bụi bặm quanh năm tích tụ khó mà đặt chân nổi. Trước khi cho mấy bọc đồ và thùng giấy vào đấy, cô xếp gọn những thứ đã có trong đó để lấy chỗ trống. Đấy là một công việc bẩn thỉu và nặng nề, đối với cô như một trận chiến gian khổ. Xê dịch xếp đặt được mấy thứ, tay chân rã rời mệt mỏi, cô phải ngồi lên cái thùng giấy tương đối sạch vốn đựng ti vi để nghỉ, lại nôn khan, khỏe hơn một chút lại làm tiếp. Cái thùng giấy tương đối sạch cũng là thứ nặng nhất, trở thành gian nan nhất trong trận chiến gian khổ. Cô xê dịch một lúc, chợt nghi ngờ, cái thùng giấy này sao mà mới, không phải là thứ bị bụi phủ lâu ngày. Cô xé băng keo hình như cũng mới dán, mở nắp, trong đó là mấy thứ áo quần cũ. Nhưng kỳ lạ là, toàn quần áo nam giới, cô lấy từng chiếc ra, lật từng lớp, bỗng tay chạm vào một thứ vừa mềm vừa cứng. Nắng thu rọi qua lớp kính ban công bẩn thỉu, tạo thành từng ô bóng đen trên vách thùng giấy. Dưới tận cùng của bóng đen, cô trông thấy những màu sắc không rõ ràng. Cô hết sức kinh ngạc bởi đấy màu sắc tiền bạc mà ai cũng quen, những đồng tiền tội ác, u ám.
Cô ngây dại hồi lâu rồi mới thật tin mắt mình: gần nửa thùng nhân dân tệ không biết là bao nhiêu, được bó thành cọc xếp ngay ngắn! Rõ ràng, tiền lấy từ ngân hàng ra, chưa đụng vào. Mỗi cọc mười ngàn vẫn còn niêm phong, trên băng niêm phòng còn dấu đỏ mới tinh. Cô ép chặt nhịp tim kích động, không phải là vui mừng mà là sợ hãi. Cô đếm sơ qua, càng đếm hai tay cô càng run, tổng cộng bảy triệu chín trăm chín mươi chín ngàn chẵn! Cô biết, mười ngàn thiếu kia đã đi đâu.
Cô cũng biết, đây là khoản tiền mà ông Ngô Trường Thiên, Lí Đại Công và Lưu Văn Khánh đã giết lẫn nhau!
Đây cũng là di sản cuối cùng mà ông Ngô Trường Thiên phải lấy sinh mệnh của mình ra trả giá, để lại cho Ngô Hiểu.
Thùng tiền này khiến cô hiểu ngay toàn bộ bí mật đằng sau những lời úp mở Văn Khánh nói về ông Thiên. Cô tưởng như trông thấy rõ sự li kì của vụ án.