ưa
Trans: Nhật Nguyệt Phong Hoa
***
Trong tẩm cung, Như Ý vừa hầu Chương Hoa thay đế phục xong, chàng đang chuẩn bị lên triều thì Cát Tường hớt hải ôm một chiếc hộp chạy vào.
Chương Hoa đáp: “Quay về rồi xem.”
Cát Tường chần chừ một lát, nói: “Là kén đỏ ạ.”
Kén mật của bệ hạ chia thành bốn màu đỏ vàng đen và trắng.
Kén đen là bình thường, kén trắng là chuyện vui, kén vàng là chuyện gấp, còn kén đỏ là chuyện quan trọng nhất gấp nhất.
Đã lâu rồi Cát Tường không thấy kén đỏ xuất hiện.
Chương Hoa dừng bước, mở hộp ra, bên trong có một chiếc kén đỏ tươi như máu.
Chàng rút mảnh vải nhét trong kén ra, đọc xong nội dung thì mặt thoáng thay đổi.
Như Ý tò mò nhón chân lên ngó, lờ mờ trông thấy tên Tạ Trường Yến.
Cát Tường hỏi: “Bệ hạ có chỉ thị gì không ạ?”
Ánh mắt Chương chớp nháy, vo miếng vải thành cục rồi nắm trong lòng bàn tay, sau đó hít sâu một hơi nói: “Tan triều rồi tính.” Nói rồi chàng sải bước ra ngoài, bước chân vẫn ổn định không hề thay đổi.
Như Ý kéo Cát Tường qua nhỏ giọng trách: “Hôm nay bệ hạ phải bàn bạc chuyện thu thuế với các đại nhân, nghe nói chính sách đinh đất hợp nhất (*) không thể thực thi, ngài ấy đã phiền rồi mà đệ còn chẳng biết để ý để tứ, đem chuyện của Tạ Trường Yến ra làm phiền ngài ấy nữa? Không chờ ngài ấy về rồi bẩm được hả?”
(*) Hợp nhất thuế đinh (thuế thân) và thuế đất.
Cát Tường nhìn Như Ý, chỉ nói một câu: “Tạ phu nhân bị giết rồi.”
Như Ý im bặt.
Buổi chầu sáng vẫn bắt đầu đúng giờ.
Chương Hoa ngồi ngay ngắn trên long ỷ, nghe các đại thần bẩm báo, xử lý đâu ra đấy, thưởng phạt quyết đoán, trông như không bị ảnh hưởng gì cả.
Song, Như Ý để ý thấy tay chàng trước sau vẫn nắm miếng vải kia không buông.
Như Ý nhìn một hồi rồi thở dài.
Mãi đến lúc bãi triều, Như Ý theo sát Chương Hoa về điện Chấp Minh rồi thay thường phục ra cho chàng.
Hắn đang định hỏi trả lời kén đỏ thế nào thì thấy Chương Hoa gọi các học sĩ của Hàn Lâm Viện tới viết sắc lệnh.
Chương Hoa nói: “Ban bố sắc lệnh đến các huyện, châu, thành, giao thuế ruộng trưng thu được cho người phụ trách mảng này, mỗi hạt thóc đều là mồ hôi nước mắt của dân chúng, không được cố ý gây khó dễ.
Nếu để cấp trên hay giám quan tra ra vấn đề gì, nghiêm trị không tha!”
Một học sĩ ngẩng đầu lên: “Bệ hạ, nghiêm khắc như vậy e là sẽ khiến các quan địa phương hoảng sợ.”
“Cứ để bọn họ sợ.
Bọn họ làm không tốt tự khắc có người mới lên thay.”
Học sĩ kia không dám lắm lời nữa, ngoan ngoãn viết theo lời chàng.
Đến khi họ hoàn thành, Chương Hoa kiểm tra một một lượt thấy không có vấn đề rồi ấn ngọc tỷ, bấy giờ trời đã tối mịt.
Cát Tường mang cơm tối vào.
Chương Hoa nhắm mắt như đã ngủ.
Lúc Cát Tường đặt mâm xuống, chàng bỗng lên tiếng: “Triệu Đường Huyên của Thiên Ngưu Vệ đến đây.”
“Vâng ạ.” Cát Tường đi ra ngoài.
Như Ý đưa đũa đến cho Chương Hoa: “Bệ hạ, cả ngày nay ngài không ăn gì rồi.”
Chương Hoa đành bỏ miếng vải xuống, cầm đũa lên dùng bữa.
Chàng vẫn ăn rất ít, Như Ý đứng bên cạnh nhìn mà hai mắt đỏ hoe.
“Bệ hạ, ngài ăn nhiều chút đi, hai năm qua ngài ăn ít ngủ ít, cơ thể bằng sắt cũng không chịu nổi đâu.”
Chương Hoa nhìn hắn mỉm cười: “Không sao, đừng lo.
Dọn ra đi.”
Như Ý hết cách, đành bặm môi dọn mâm thức ăn đi.
Lúc này, Đường Huyên đến.
Chương Hoa căn dặn: “Ngươi phái một nhóm người đi tuần tra canh gác rừng Vạn Dục, mấy ngày nay bất cứ ai không có thủ dụ của trẫm không được vào rừng.
Sau đó, ngươi đến Phong phủ một chuyến, nói với Tiểu Nhã, ba ngày sau trẫm muốn dẫn một người đến Đào Hạc Sơn Trang.”
Đường Huyên mặt không cảm xúc đáp: “Vâng!”
“Còn nữa, điều một đội Thiên Ngưu Vệ tới cạnh điện chờ lệnh.”
“Vâng!”
“Đi đi.”
Đường Huyên đi rồi, Như Ý chần chừ một thoáng rồi hỏi: “Bệ hạ, vậy, vậy trả lời kén đỏ kia thế nào ạ?”
Chương Hoa nhặt mảnh vải bị vò nhăn nhúm trên kỷ lên, vứt vào trong lò lửa, ánh lửa nhảy nhót trong mắt, chiếu sáng sự mệt mỏi và mềm yếu của chàng.
“Được.” Chàng chỉ đáp đúng một chữ.
Mà một chữ này là câu trả lời cuối cùng sau một ngày bận bịu ép mình không được nghĩ sâu, không được nhung nhớ.
Đám mây bắt đầu ủ từ mười lăm năm trước cuối cùng đã tích đủ trọng lượng khiến thiên địa biến sắc, ào ạt đổ xuống.
Xem chừng nó sắp sửa tàn sát điên cuồng tất thảy.
Nhưng chàng chỉ có thể nói một chữ “được”.
Được thôi, chấp nhận yêu cầu của nàng.
Đến đây nào.
Chúng ta cùng giải quyết.
Mạnh Bất Ly đánh xe ngựa to tiến vào rừng Vạn Dục.
Tạ Trường Yến ngồi trong xe ngựa vén rèm ra, nhìn thấy cây cối xum xuê dưới nắng ấm như một người bạn cũ thân quen đang bày ra tư thế chào đón nàng trở về.
Kinh đô cuối tháng ba, muôn hoa khoe sắc tô điểm cho hơi thở mùa xuân.
Từ sau khi kênh đào Ngọc Tân đi vào hoạt động, những vùng khó khăn thiếu nước ở phía Bắc được thay áo mới, sức sống tràn trề.
Xe ngựa chạy thẳng một mạch đến bên khe suối mới ngừng, nước suối chảy róc rách, quả nhiên nước đã nhiều hơn so với lúc nàng đi.
Tạ Trường Yến xuống xe, đi đến dưới một cây óc chó, đào một cái hố sau đó lấy chiếc áo khoác lông cáo trong xe ra.
Thi thể của Trịnh thị nàng đã cho hải táng ở Tân Châu, để linh hồn của mẹ và cha mãi mãi yên nghỉ dưới đại dương xanh biếc.
Chuyến này về kinh, cứ đến một thành nàng sẽ chôn một món đồ mẹ từng dùng xuống đất để làm kỷ niệm.
Đến rừng Vạn Dục, nàng chọn chiếc áo khoác lông cáo này.
Nàng từng săn được cáo trong rừng Vạn Dục, Trịnh thị lấy lông nó may thành áo khoác.
Nàng làm rách chiếc áo này lúc kéo thuyền ở cảng Vị Lăng rồi nhưng Trịnh thị không nỡ vứt, vẫn luôn để trong xe làm chăn đắp, trời lạnh thì để quấn chân ủ ấm.
Nay lấy áo từ trong xe xuống, lớp lông mềm mại ấm áp như vẫn còn vương hơi thở dịu dàng hiền hoà của Trịnh thị.
Mẹ, mẹ hãy đợi con.
Đợi con tra rõ chân tướng, lấy lại công bằng cho cha và mẹ rồi con sẽ đến tìm mọi người, đến khi đó không còn gì có thể chia cắt chúng ta nữa rồi.
Vậy nên, hãy đợi con.
Hãy phù hộ cho con.
Tạ Trường Yến đặt chiếc áo xuống hố, toan đi nhặt xẻng đắp đất lên thì một bàn tay cầm lấy xẻng trước nàng.
Bàn tay thon dài mà mạnh mẽ, không phải của Mạnh Bất Ly.
Hô hấp Tạ Trường Yến ngưng đọng, trái tim đập thình thình.
Nàng chầm chậm quay đầu, nhìn thấy người đó khoác áo đen, tay áo hẹp, cổ tròn, đầu quấn khăn.
Còn diện mạo của người đó, nàng chưa kịp nhìn rõ thì cánh tay trong tay áo đen kia vươn ra.
Ôm nàng vào lòng.
Một cơn gió thổi qua, lá cây trong rừng xào xạc xào xạc.
Trời đất xa xăm, hồng trần tĩnh mịch.
Tạ Trường Yến cảm nhận được hơi thở quen thuộc.
Đã từng, vào khoảnh khắc Cầu Lỗ Quán sụp đổ, cơ thể này đã từng ôm lấy nàng.
Khoảnh khắc nàng bất cẩn rơi xuống rãnh băng ở Hạnh Xuyên, cũng là cơ thể này ôm lấy nàng.
Lần thứ nhất là vì bảo vệ.
Lần thứ hai là vì tiếc thương.
Lần thứ ba là vì an ủi.
Tạ Trường Yến tựa vào lồng ngực rộng rãi, cảm nhận được hơi ấm trên người đối phương, nhịp tim dồn dập dần lắng.
Nàng từng ái mộ, từng khát khao con người này.
Nay, ái mộ và khát khao không còn, nhưng khi tựa vào chàng nàng vẫn thấy yên tâm từ tận cõi lòng.
“Sư huynh…” Nàng cất lời, “Xin lỗi, lại gây phiền phức cho huynh rồi.”
Nàng biết mình phải làm một chuyện rắc rối và khó khăn đến nhường nào, Hồ Trí Nhân đã cảnh báo nàng vô số lần là chuyện này sẽ gây ra hậu quả rất đáng sợ, nhưng nàng vẫn muốn làm, bất chấp tất cả.
Và chuyện này cần đến sự giúp đỡ của Chương Hoa.
Thế nên, đã nói rõ đời này đến chết không gặp lại, tình này đã dứt, đường ai nấy đi nhưng nàng vẫn mặt dày trở về.
Nàng biết mình là một phiền phức lớn.
Nàng cũng biết bản thân Chương Hoa đã có rất nhiều rất nhiều phiền phức phải xử lý.
Nhưng mà, thật sự không còn cách nào khác, đành phải quay về thử một lần.
Thật xin lỗi, ta đúng là một đứa không được hoan nghênh, y như gánh nặng vậy.
Thế mà huynh vẫn ôm ta thế này…
Cảm ơn.
Chương Hoa theo Tạ Trường Yến lên xe ngựa.
Chàng ra hiệu cho Mạnh Bất Ly tiếp tục cho xe chạy đi.
Tạ Trường Yến đưa một tấm đệm mềm đến cho chàng, “Mời ngồi.”
Chương Hoa ngồi xuống, đánh giá mọi thứ trong xe.
Xe ngựa tự chế này của Tạ Trường Yến lăn bánh suốt hai năm qua ở ven bờ kênh đào Ngọc Tân, mọi người thân thiết đặt cho nó cái tên “Tẩu Ốc”(*), một chiếc xe vô cùng thích hợp để cả nhà đi đạp thanh vui chơi.
Tuy nhiên, trong kinh dòng người nô nức, chiếc xe quá to, không tiện đi lại, vậy nên không phổ biến ở Ngọc Kinh.
(*) Căn phòng biết đi.
Tuy nghe nói đã lâu nhưng đây là lần đầu tiên Chương Hoa nhìn thấy nó.
Chiếc xe này của Tạ Trường Yến không giống với Tẩu Ốc của Hồ gia cho lắm, nội thất được thiết kế tinh xảo mà đặc biệt.
Ví dụ như trên cánh cửa xếp ngăn cách giữa hai gian treo một tấm rèm vải, tấm rèm này không giống với rèm bình thường, màu sắc sặc sỡ, đủ mọi chất liệu, Chương Hoa không kìm được nhìn thêm mấy cái.
Tạ Trường Yến để ý thấy bèn giải thích: “Cứ đến mỗi một nơi, ta chọn ra một loại vải dệt thủ công của vùng ấy, đan kết với nhau tạo thành tấm rèm này.
Trên rèm có tất cả là bảy mươi sáu mảnh vải, từ chất liệu có thể thấy rõ đặc điểm khác nhau của từng nơi.
Phía Bắc lạnh giá nhưng thích màu sặc sỡ, vải chủ yếu là vải lông.
Phía Nam thích thanh nhã mỏng nhẹ, sản xuất nhiều nhất là tơ lựa.
Thái Sơn nhiều khoáng nên xuất phát từ nhu cầu tính chịu dơ chịu mài mòn của quần áo nên tự sản xuất vải thô tối màu.
Tân Châu giáp biển nên yêu cầu chống ướt dễ khô…”
Ánh mắt của Chương Hoa chuyển từ tấm rèm sang Tạ Trường Yến.
Hai năm trước, nàng còn là tiểu cô nương không hiểu sự đời đến từ Tạ thị thanh cao ẩn thế, trong đầu toàn là những thứ như thi từ ca phú, lễ nghĩa pháp quy, không hề biết dân sinh khốn khổ.
Hai năm sau, nàng giảng giải tấm rèm này với chàng, thông thuộc các nơi ở Đại Yên như lòng bàn tay.
Chương Hoa nhớ đến những câu từ thú vị dí dỏm trong Triều Hải Mộ Ngô Lục, đấy là cách sống thích hợp nhất đối với người con gái này.
Thế nhưng, biển trời rộng lớn, chung quy là một giấc mộng.
Một khi tỉnh giấc, chỉ thấy thân trong lao tù.
Cũng giống như chàng của năm ấy.
“…!Sau này mẹ vá nó thành rèm…” Nói đoạn, giọng nàng chậm lại, nỗi bi ai lướt qua trên mặt, sau đó thay thế bằng nụ cười, “Tóm lại hai năm qua ta thu hoạch được rất nhiều.”
Trà trong lò đất nung đỏ đang sôi sùng sục, Tạ Trường Yến tìm được chuyện làm bèn dừng chủ đề đó tại đây, chuyên tâm pha trà.
Nàng rót trà ra hai cái ly làm bằng gỗ, đưa cho Chương Hoa nếm thử: “Trà tự hái, ly tự khắc, mùi vị bình thường nhưng là phần độc nhất vô nhị đấy.”
NNPH lảm nhảm:
Chuyện xưa chuẩn bị hé mở!.