Người ta rất dễ yêu bất cứ cô gái nào có những đức tính như cô Swartz. Trông thấy cô gái triệu phú, trong trí ông lão Osborne nảy ngay ra một giấc mơ to tát đầy tham vọng. Ông ta sốt sắng và ngọt ngào khuyến khích hai cô con gái làm thân với cô thiếu nữ giầu có; ông nói rằng, là một người cha, được thấy con mình biết chọn bạn mà chơi như thế, ông rất hài lòng. Ông ta thường bảo cô Rhoda:
– Cô ạ, cô sẽ không thấy ở ngôi nhà tầm thường này của chúng tôi ở khu phố Russell vẻ lộng lẫy, bề thế, và những khách khứa sang trọng như cô quen gặp ở West End đâu. Hai em nó quê kệch thực thà lắm, nhưng rất ngoan ngoãn, và rất mến cô: điều đó là một vinh dự, đối với chúng nó… tôi nói rằng đó là một vinh dự. Tôi chỉ là một thương gia giản dị, tầm thường… một người rất thật thà; không tin cô cứ hỏi mấy ông bạn tôi trong công ty Hulker và Bullock mà xem; hồi còn mồ ma cụ ông nhà ta, cụ vẫn thường có giao dịch đi lại. Cô sẽ thấy gia đình chúng tôi rất hòa thuận, giản dị, hạnh phúc… và tôi nghĩ cũng có thể nói rằng rất được kính nể…cô Rhoda ạ, cơm nước tầm thường, chủ nhà quê kệch, nhưng tấm tình thì rất nồng nhiệt đấy…Cô Rhoda thân mến ơi, xin cho phép tôi nói như vậy vì tôi quý cô lắm; thực tình là như thế, tôi quý cô lắm. Một cốc sâm banh! Hicks đâu, lấy một cốc sâm-banh hầu cô Swartz đây!
Ai dám nghi ngờ rằng ông già Osborne không tin lời nói của chính mình là thực tâm, và hai cô con gái không yêu quý cô Rhoda thực sự? Trong Hội chợ phù hoa, người ta bám lấy bọn có của một cách rất tự nhiên. Nếu những người có tâm hồn đơn giản nhất thường quen nhìn sự thịnh vượng bằng con mắt có cảm tình (tôi thách người dân Anh nào dám bảo rằng không thấy hai tiếng “giầu có” có ý nghĩa trang trọng, nghe rất thú vị, và tôi thách cả bạn nữa, nếu người ngồi ăn cạnh bạn có nửa triệu bạc, đố bạn không nhìn anh ta với đôi chút thiện cảm đấy)…Vậy nếu người thường vẫn có cảm tình với đồng tiền thì những con người ưa phù hoa còn thiết tha với nó đến đâu? Thiện cảm của họ xổ ra vồ vập chào đón đồng tiền. Đồng tiền làm thức tỉnh nơi họ bao tình cảm mặn mà đối với người có của đáng yêu. Tôi biết một số người không chịu cho phép mình tự do chiếu cố giao thiệp với những kẻ không có chút thế lực địa vị gì trong xã hội. Họ chỉ chịu thả tình cảm của họ ra trong những cơ hội tốt. Chứng cớ là hầu hết những người trong gia đình Osborne suốt mười lăm năm nay không thể sao thân mật được với Amelia Sedley, thế mà chỉ qua một buổi tối, họ đã say mê cô Swartz được đến như vậy, quả là một thí dụ rất lãng mạn về hiện tượng “bị thu mất hồn”.
Cô chị cùng cô em gái và bà Wirt bàn nhau:
– Đám ấy xứng với anh George quá nhỉ. Cái cô Amelia vô duyên kia cắn gót không đáng! Đẹp trai như anh ấy, dáng điệu lại hiên ngang rắn rỏi, có địa vị, nhiều đức tính, thật là người chồng xứng đáng của cô ấy.
Hai chị em mơ màng với những ảo tưởng quay cuồng trong óc, nào là được dự những buổi dạ hội ở Quảng trường Portland, được vào chầu trong Hoàng cung, nào là được giới thiệu với các bậc vương công. Suốt ngày họ chỉ nói chuyện với cô bạn mới đáng yêu này về George và những chỗ bè bạn có tăm tiếng của ông anh trai.
Ông già Osborne cũng thấy đám này xứng đáng với con trai mình quá. Con ông sẽ xin giải ngữ, sẽ vào Quốc hội, sẽ trở thành một nhân vật có tiếng tăm, có quyền thế. Máu ông ta đã sôi lên với một vẻ hào hứng thành thực kiểu Anh; ông đã vội nhìn thấy con trai ông biến cái tên Osborne thành tên một gia đình quý tộc, và rất có thể con trai ông sẽ mở đầu cho một dòng dõi toàn những vị nam tước danh giá. Ông hết sức dò hỏi ở khu City và ở Phòng Hối đoái, kỳ cho biết rõ được mọi chuyện liên quan đến tài sản của cô gái triệu phú, nào là số tiền cô gửi ngân hàng thế nào, nào là tài sản của cô ở đâu. Người cung cấp nhiều tin tức nhất cho ông ta là anh chàng Fred Bullock; anh chàng cũng đang thèm món bở này (chính mồm anh ta nói ra như vậy) ; nhưng anh ta lại trót đính hôn với Maria Osborne mất rồi. Song, tuy không lấy được cô gái làm vợ mình, anh chàng Fred vô tư ấy cũng hoàn toàn tán thành muốn cô kia trở thành vợ của anh vợ mình. Anh ta mách nước: “George phải tấn công trước và phải chiếm ngay trái tim cô ấy, “lấy vợ thì cưới liền tay”()…Bây giờ cô ấy mới chân ướt chân ráo về kinh đô, phải tấn công ngay; nếu không, chỉ vài tuần nữa, lỡ có thằng nào ở West End mang cái danh vị quý tộc mò về đây mà câu cô ta thì nó đá đít bọn dân City chúng mình mất; năm ngoái bá tước Fitzrufus nẫng cô Grogram như vậy đấy; bấy giờ cô ta đang đính ước với thằng Podder nhà Podder và Brown. Ông ạ, càng nhanh tay, càng tốt; con nghĩ thế đấy.
Lúc ông già Osborne đã ra khỏi phòng khách của nhà ngân hàng, anh chàng Bullock mới sực nhớ đến Amelia, mới nghĩ ra rằng cô ta xinh quá, và cũng gắn bó với Osborne thiết tha quá. Và anh ta cũng có bỏ ra ít nhất là mười giây quý báu của mình để thương hại cho cô thiếu nữ không may gặp tai họa.
Trong khi Osborne được Dobbin, người bạn và là vị thần hộ mệnh của mình, thức tỉnh những tình cảm đáng quý, đang quay về với Amelia thì ông bố và hai cô con gái cũng đang tính toán việc vợ con cho anh như vậy; họ yên trí đời nào anh ta cưỡng lại.
Một khi ông già Osborne làm cái việc mà ông gọi là “gợi ý” thì người ngu si nhất cũng phải hiểu ông muốn nói gì. Đá một anh hầu ngã lộn xuống cầu thang, như thế ông ta gọi là “gợi ý” cho anh hầu xin thôi việc. Vốn tính bộc trực, quen lối tế nhị riêng của mình, ông ta bảo bà Haggistoun rằng đúng ngày con trai ông cưới cô Rhoda làm vợ, ông sẽ biếu ngay bà này một tờ ngân phiếu năm ngàn đồng; ông cũng gọi như thế là “gợi ý”, và tự cho đó là một thủ đoạn ngoại giao hết sức khôn khéo. Cuối cùng, ông lão cũng đã “gợi ý” cho George về cô thiếu nữ triệu phú, nghĩa là ra lệnh cho anh chàng phải lập tức cưới ngay cô ta, không khác gì ông sai bác quản lý mở nút một chai rượu, hoặc ra lệnh cho người thư ký thảo một lá thư.
Nghe ông bố “gợi ý” như vậy, George hết sức bối rối.
Anh ta đang say sưa trong mối duyên rất đằm thắm vừa nối lại với Amelia ; mối tình êm đềm biết bao. So sánh hình dáng và cử chỉ của người yêu với cô gái triệu phú, anh ta thấy khác nhau một trời một vực, là càng thấy câu chuyện cưới cô này làm vợ là quái gở và tức cười. Anh chàng nghĩ thầm: “Cứ tưởng tượng mọi người trông thấy mình đi xe ngựa hoặc ngồi trong “lô” ghế riêng ở rạp Opera cạnh bà tiên gỗ đào hoa tâm nhỉ!” Không những thế, trong gia đình nhà Osborne anh con trai cũng bướng bỉnh chẳng kém gì ông bố, một khi đã thích cái gì là thực hiện kỳ được; mà khi tức giận thì George cũng thô bạo chẳng khác gì ông Osborne.
Khi ông bố chính thức “gợi ý” anh ta lần đầu tiên về vấn đề lấy cô Swartz, George còn ngọt ngào kiếm cách nói lảng:
– Tiếc rằng ba không quyết định việc này sớm hơn. Bây giờ không kịp nữa rồi; không biết chúng con phải lên đường ra ngoại quốc hôm nào. Đành chờ đến khi con trở về nước vậy, nếu may mà con về được.
Anh ta gắng tỏ cho cha hiểu rằng bây giờ không phải lúc tính chuyện nhân duyên, vì trung đoàn thứ…không biết ngày nào rời khỏi nước Anh; còn ít ngày nữa, cần để thu xếp công việc, không lòng nào lo chuyện yêu đương. Bao giờ anh ta trở về đeo lon thiếu tá, lúc ấy sẽ hay. George thêm:
– Con xin hứa với ba rằng, bằng cách này hay cách khác, ba cũng sẽ được thấy tên George Osborne đăng trên báo “Tin tức”.
Câu trả lời của ông bố căn cứ trên những tin tức thu lượm được ở khu City, nghĩa là, nếu chậm chân, chắc chắn bọn con nhà dòng dõi ở West End sẽ phỗng tay trên cô gái mất; và nếu anh ta chưa cưới được cô Swartz bây giờ, ít nhất cũng nên đính hôn ngay có giấy tờ cẩn thận làm bằng, khi nào về nước chỉ việc làm lễ cưới là xong; hơn nữa ông muốn con trai hiểu rằng một khi người ta có thể ngồi nhà mà kiếm được mỗi năm một vạn đồng, thì có hóa dại mới đi ra nước ngoài mà thí mạng. George chặn ngay:
– Nghĩa là cha muốn con tỏ ra hèn nhát, và chịu bôi nhọ tên tuổi dòng họ nhà ta vì món tiền vốn của cô Swartz?
Câu nói làm ông già choáng cả người. Nhưng ông ta vẫn kiên quyết đáp:
– Ngày mai, anh sẽ đến ăn cơm trưa ở đây, và bất cứ hôm nào có cô Swartz đến chơi, anh cũng phải có mặt ở đây để tiếp Nếu anh cần tiền, cứ hỏi ông Chopper.
Thế là dự định của anh ta về Amelia lại gặp thêm một trở ngại nữa. Dobbin và George đã hội ý với nhau nhiều lần về việc này. Ý kiến của người bạn về biện pháp giải quyết vấn đề như thế nào, ta đã rõ. Riêng đối với Osborne, một khi đã định làm gì mà gặp một hai trở ngại, thì anh ta càng thêm quyết tâm vượt kỳ được.
Cô gái lai da đen hoàn toàn không hay biết một tý gì về âm mưu của gia đình Osborne đối với mình (cũng lạ thay, không rõ tại sao bà bạn “vú già” của cô không nói cho biết); cô cứ yên trí những lời nịnh hót của hai cô bạn gái là tình cảm chân thành, nên đối đãi lại cũng nồng nàn không kém; như ta đã có dịp trình bầy, tính cô vốn vẫn sôi nổi. Nếu muốn cho thật đúng sự thật thì phải nói thêm rằng cô ưa đến Đường công viên cũng có một lý do riêng; nói tóm lại thì cô thấy George Osborne là một anh chàng trẻ tuổi rất khôi ngô; ngay buổi tối đầu tiên gặp anh ta trong buổi dạ hội tại nhà Hulkers, cô đã rất chú ý đến bộ râu quai nón của anh ta rồi. Cô cũng không phải là người đầu tiên cảm anh chàng vì bộ râu: George vẫn có cái dáng điệu đặc biệt, vừa ngạo nghễ vừa thẫn thờ, vừa hăng hái lại vừa uể oải. Trông anh ta như một người đang say mê cuồng dại, đang ủ ấp những điều bí mật, và đang có nhiều điều đau đớn giày vò về đường tình ái cũng như về chuyện chơi bời. Giọng nói âm vang mà thấm thía; khi anh ta nói “Tối hôm nay nóng quá”, hoặc mời một cô bạn gái dùng kem, giọng nói của anh ta cũng buồn buồn, đầy vẻ tâm tình, y như anh ta đang báo cho người này biết tin mẹ anh ta chết, hoặc đang thổ lộ tình yêu vậy. Anh ta ngạo nghễ nhìn bọn trai trẻ vẫn giao thiệp với ông Osborne bằng nửa con mắt; giữa bọn công tử loại ba ấy, anh ta tự coi là một người anh hùng. Nhiều người chế nhạo và ghét cay ghét đắng George, nhưng lại có người như Dobbin chẳng hạn, thán phục anh ta một cách mù quáng. Bộ râu anh ta đã bắt đầu phát huy tác dụng và quấn lấy trái tim của Swartz rồi. Mỗi khi có hy vọng gặp Osborne ở khu phố Russell, thì cô thiếu nữ tốt bụng và thật thà này lại tỏ vẻ hết sức săn đón mong được gặp mặt hai cô bạn gái mới quen. Cô ta tiêu vô khối tiền để mua áo mới, mua vòng tay, mua mũ, và những túp lông cài đầu to tướng. Có ta ra sức tô điểm thực khéo mong vị “hoàng tử” của mình ra để chiếm được lòng anh chàng. Hai cô bạn gái thỉnh thoảng lại trịnh trọng đề nghị cô ta trổ tài âm nhạc; thế là cô hát ba bài hát, chơi hai bài dương cầm như mọi lần, và tự lấy làm thích thú hơn lần trước. Trong những phút giải trí thú vị ấy, bà bạn vú già cùng bà Wirt ngồi cạnh đó nghiên cứu cuốn “Danh bạ quý tộc” và nói chuyện với nhau về giới quý phái thượng lưu. Hôm sau ông bố lại “gợi ý” ít phút trước giờ ăn trưa, Osborne đang nằm dài trên chiếc ghế xô-fa trong phòng khách, dáng điệu hệt một người đang âu sầu mơ mộng.
Theo đúng lời cha, anh ta đã đến tìm ông Chopper tại khu City, (ông lão thương gia thường cho con những món tiền lớn không có mức nhất định, sự rộng rãi của ông cũng rất tùy hứng). Đoạn, George đến Fullham ở chơi đó ba tiếng đồng hồ với cô Amelia thân yêu của anh ta; cuối cùng George trở về nhà, thì thấy cô chị và cô em gái đang ngồi trong phòng khách, cứng quèo trong bộ quần áo bằng vải sa hồ bột; hai bà nạ dòng đang quàng quạc trò chuyện ở cuối phòng, còn cô Swartz thực thà thì vẫn mặc tấm áo sa tanh màu hổ phách cô rất ưa, lại đeo đủ các thứ vòng tay bằng ngọc Thổ-nhĩ-kỳ, vô số nhẫn, đếm không xuể, rồi đính cả những hoa, những lông cùng đủ mọi thứ trang sức lặt vặt khác; trông cô ta giống hệt một người thợ thông ống khói vào tháng năm.
Cô chị và cô em gợi mãi mà George không chịu bắt chuyện; họ bèn xoay câu chuyện về vấn đề “mốt” ăn mặc, và về buổi tiếp tân vừa qua trong Hoàng cung; anh chàng đâm chán ngấy. Anh ta so sánh họ với Emmy…so sánh giọng nói the thé với tiếng nói trong vắt, êm ái của người yêu, so sánh những điệu bộ sỗ sàng, những bộ áo hồ cứng để hở cả khuỷu tay của họ với cử chỉ dịu dàng kín đáo mà duyên dáng của người yêu. Cô Swartz đáng thương lại ngồi đúng ngay vào chỗ mọi khi Emmy vẫn ngồi. Hai bàn tay đeo toàn nhẫn đặt xòe ra như hai cái quạt trên tấm áo sa-tanh màu hổ phách; những nạm ngọc và hoa tai lóng lánh sáng quắc; cô ta ngồi giương đôi mắt to tướng ngó đây ngó đó. Thật là sự vô công rồi nghề và sự thỏa mãn hiện thành hình người; cô ta còn nghĩ rằng mình duyên dáng quyến rũ lắm. Hai cô bạn khen cô ta mặc chiếc áo sa tanh ấy rất nổi, các cô chưa từng thấy thế bao giờ.
Lúc gặp lại người bạn thân, George bảo:
– Thật là đồ chết tiệt, trông cô ta hệt như con búp bê Trung-hoa, suốt ngày chỉ ngồi nhe răng ra cười, và lắc lư cái đầu. Lạy Chúa, Will ạ, xuýt nữa tôi quăng cho cái đệm ghế xô-fa vào mặt đấy.
Nhưng anh ta cũng kịp tự kiềm chế được nỗi bực mình.
Hai chị em cô Osborne bắt đầu chơi dương cầm bài “Trận đánh thành Praha”, George không chịu được nữa, kêu lên:
– Thôi đừng chơi cái… cái “của” ấy nữa! Tôi muốn phát điên lên đây. Cô Swartz, mời cô biểu diễn một bài. Cô muốn hát bài gì thì hát, nhưng xin đừng chơi bài “Trận đánh thành Praha”.
Cô Swartz hỏi:
– Tôi hát bài “Cô Mary mắt biếc” nhé. Hay là điệu Cabinet?
Hai cô bạn đồng thanh:
– Điệu Cabinet hay lắm.
Anh chàng chán đời ngồi trong ghế xô-fa vội kêu lên:
– Điệu hát ấy nhàm chán lắm rồi.
Cô Swartz khe khẽ nói:
– Giá có lời trước mặt, thì tôi hát được bài “Dòng sông Tajy”().
Tức là bài cuối cùng trong kho vốn liếng âm nhạc của cô thiếu nữ.
Mang vội đáp:
– Ồ, tôi có bài “Dòng sông Tage” () đây.
Và chạy đi tìm cuốn sách nhạc. Không ngờ cuốn sách nhạc lại chính là của một cô bạn gái tặng họ, có ghi tên ngoài bìa.
Nghe Swartz hát xong. George rất tán thưởng (vì anh ta nhớ Amelia vẫn ưa hát bài này lắm). Cô Swartz đang hy vọng được mời hát lại, tay lật đi lật lại tờ bìa cuốn sách, chợt nhìn thấy cái tên Amelia Sedley ghi ở góc tờ giấy. Cô ta quay phắt lại kêu lên:
– Trời đất ơi, Amelia của tôi đấy ư? Có đúng Amelia học ở trường bà Pinkerton không? Đúng rồi, tôi biết. Chị ấy bây giờ ở đâu thế?
Cô Maria Osborne vội nói ngay:
– Đừng nhắc đến cô ấy nữa; gia đình cô ấy mất hết uy tín rồi. Cha cô ấy lừa dối ba tôi; tên cô ấy sẽ không bao giờ được nhắc đến ở đây nữa.
Ấy là cách cô Maria trả miếng George vì đã tỏ ra tàn nhẫn đối với bài “Trận đánh thành Praha” lúc nãy.
George đứng phắt dậy:
– Cô là bạn của Amelia, vậy thì cầu Chúa che chở cho cô; cô Swartz ạ, đừng có nghe mồm hai cô kia. Amelia không hề đáng trách điều gì. Cô ấy là người đáng quý nhất…
Jane vội kêu lên ngay:
– George, cậu không được nhắc đến cô ấy. Ba cấm đấy.
– Ai cấm được tôi? Tôi cứ nhắc đến đấy. Tôi nói rằng cô ấy là người đáng quý, dịu dàng, thùy mị, đáng yêu nhất nước Anh đấy. Phá sản hay không phá sản, thì chị gái tôi cũng cứ xách dép cho cô ấy không đáng. Cô Swartz ạ, nếu cô quý Amelia, hãy đến thăm cô ấy đi. Bây giờ Amelia chẳng có ai bầu bạn. Cầu Chúa ban phúc lành cho ai đánh bạn với cô ấy. Tôi coi người nào nói tốt cho Amelia là bạn; người nào nói xấu cô ấy tôi coi là kẻ thù. Cô Swartz, cảm ơn cô.
George đứng dậy bắt tay cô thiếu nữ. Cô em gái vội kêu lên, giọng van lơn:
– Kìa, anh George!
George giận dữ tiếp:
– Tôi nói rằng, tôi cảm ơn bất cứ ai tỏ ra yêu quý cô Amelia Xét….
Anh ta ngừng lại. Ông Osborne đã đứng trong phòng mặt tái đi vì giận, cặp mắt đỏ tía sáng quắc lên như hai hòn than hồng. Mặc dù George thôi không nói nữa, nhưng máu trong người anh sôi lên, cho ngay đến tất cả mọi người trong các thế hệ của dòng họ Osborne lúc ấy cũng không bắt được anh chịu lép. Lập tức George lấy lại bình tĩnh, nhìn giả ông bố với điệu bộ tỏ ra vừa quyết định, vừa thách thức, khiến cho ông già bối rối vội quay mặt đi. Ông già hiểu ngay cuộc chiến đấu đã bắt đầu. Ông nói:
– Bà Haggistoun, cho phép tôi dẫn bà sang phòng ăn, George, anh hãy đỡ cô Swartz cùng đi.
Mọi người bước ra ngoài. George nói với cô thiếu nữ:
– Cô Swartz, tôi yêu Amelia ; suốt đời chúng tôi nguyện sống bên nhau.
Suốt bữa ăn, George liến thoắng nói chuyện đến nỗi chính anh ta cũng phải ngạc nhiên về mình, làm cho ông bố càng bực. Chắc chắn cơn bão tố sẽ nổ ra sau khi khách ra về. Giữa hai bố con cũng có sự khác nhau, ông bố tính tình thô bạo cục cằn, nhưng anh con trai còn táo bạo cương quyết gấp ba lần bố, anh ta không những có thể tấn công mà còn có đủ sức chống đỡ. Biết rõ cuộc xung đột nhất định sẽ xảy ra, anh ta ăn rất bình tĩnh và ngon miệng trước khi cuộc chiến đấu bắt đầu. Trái lại ông già Osborne hết sức hồi hộp; ông uống nhiều rượu. Nhiều lần ông ta lẫn lộn trong câu chuyện nói với những người khách đàn bà ngồi cạnh. Thấy George điềm nhiên như không, ông lão càng căm. Ông gần phát điên khi thấy cái cách George lạnh lùng gấp chiếc khăn ăn lại, cúi gập người xuống chào cô Swartz và mở cửa cho cô ta, đoạn anh ta rót một cốc vang đầy tu một hơi cạn, nhìn thẳng vào mặt bố như muốn nói: “Thưa các vị ngự lâm quân, xin mời bắn trước”. Ông già cũng rót rượu uống lấy sức, nhưng bàn tay ông run run, chạm chai và miệng cốc kêu lanh canh. Thở một hơi dài, mặt đỏ tía, ông già bắt đầu:
– Này anh, sao anh dám nhắc đến tên con bé ấy trước mặt cô Swartz ngày hôm nay, ngay trong phòng khách của tôi? Tôi hỏi anh, sao anh dám làm như vậy?
– Khoan đã, thưa ba, đừng nói là “dám làm”. Người ta không dùng tiếng “dám làm” để nói với một đại úy trong quân đội nước Anh.
Ông bố đáp:
– Tôi muốn nói gì với con trai tôi không ai cấm được. Tôi có thể cắt đứt không cho nó xu nào. Tôi có thể biến nó thành một thằng ăn mày cũng dược. Tôi cứ nói tiếp ý tôi.
George kiêu hãnh đáp:
– Tuy là con trai ba thật, nhưng con là một người thượng lưu. Nếu có ý kiến gì, muốn trao đổi hoặc muốn ra lệnh cho con điều gì, yêu cầu cha dùng những lời lẽ lịch sự mà con vẫn quen nghe.
Khi nào người con trai tỏ vẻ kiêu hãnh thì bao giờ cũng khiến cho người cha hoặc là hoảng sợ hoặc là tức giận. Ông già Osborne vẫn ngấm ngầm e ngại những cử chỉ, những điệu bộ quý phái của con trai. Các bạn độc giả hẳn cũng có kinh nghiệm là trong Hội chợ phù hoa, một người thô kệch thường không ưa thấy có người lịch sự ở bên mình.
– Xưa kia cha tôi không hề cho tôi được hưởng nền giáo dục, những điều kiện tốt, cũng như bao nhiêu tiền nong như ngày nay tôi đã cho anh. Nếu tôi không nhờ có tiền mà lọt được vào một nơi chỉ có một ít số người vào nổi, thì có lẽ con trai tôi khó lòng huênh hoang khệnh khạng với đáng điệu ông hoàng được – ông già nhấn mạnh mấy tiếng trên có vẻ hết sức mỉa mai – Vào thời chúng tôi, người ta không tin rằng một người thượng lưu lại chửi lại bố. Xưa kia, nếu tôi cư xử như vậy, thì bố tôi đã đạp tôi ngã lăn xuống thang gác rồi.
– Con có chửi lại ba đâu. Con chỉ nói xin ba nhớ cho rằng con trai ba cũng là một người thượng lưu như ba. Con hiểu lắm, ba cho con rất nhiều tiền (George vừa nói vừa thọc tay vào túi vuốt ve tập giấy bạc vừa lấy của ông Chopper buổi sớm) ; ba nhắc đến việc ấy hơi nhiều đấy, không sợ con quên đâu.
– Tôi muốn anh nhớ hộ cả chuyện khác nữa. Tôi muốn anh đừng quên rằng, trong căn nhà này – nếu như anh còn thèm hạ cố ở đây – tôi là ông chủ, và cái tên kia…anh…rằng anh…và…tôi nói…
– Và cái gì thưa ba?
George hơi nhếch mép cười, hỏi lại, vừa rót đầy thêm một cốc rượu khác. Ông bố văng một tràng rất tục.
– …!Và không bao giờ cái tên Sedley còn được nhắc đến ở đây Tôi không muốn nghe đến tên bất cứ đứa nào trong bọn chúng nó anh hiểu chưa?
– Thưa ba, không phải con nhắc đến tên cô Sedley trước, chỉ vì chị con và em gái con nói xấu cô ấy với cô Swartz; con thề sẽ bênh vực cô ấy bất cứ ở đâu. Không ai được phép nói xấu cô ấy trước mặt con. Gia đình nhà ta đã làm khổ cô ấy quá đủ rồi, bây giờ có thể buông tha đừng hành hạ cô ấy thêm nữa. Bây giờ cô ấy khổ lắm rồi. Trừ ba ra, người nào mở mồm nói xấu cô ấy, con bắn.
Đôi mắt ông bố trợn tròn như lồi ra khỏi mắt:
– Còn gì nữa, nói nốt đi.
– Nói nốt gì, thưa ba? Nói nốt về chuyện chúng ta đã cư xử tàn tệ thế nào với cô gái thiên thần ấy à? Ai đã xui con yêu cô ấy? Chính ba. Con rất có thể chọn yêu người khác, và còn đòi hỏi cao hơn, có thể cao hơn cả cái xã hội của gia đình nhà ta nữa; nhưng con đã vâng lời ba. Bây giờ, khi chúng con đã yêu nhau thì ba ra lệnh cho con đang tay cắt đứt mối tình, bắt con trừng phạt cô ấy, giết chết cô ấy cũng nên… mà vì lỗi của những người khác.
Girogiơ càng nói càng giận dữ, càng hăng hái:
– Đùa cợt với tình yêu của một người con gái như vậy là một điều đáng xấu hổ, lạy Chúa…? Một vị thiên thần như vậy… Những người khác so với cô ấy còn kém xa, đến nỗi họ có thể sinh ra ghen ghét; chỉ vì cô ấy tốt quá, hiền hậu quá nên người ta không dám thù ghét đấy thôi. Nếu con bỏ cô ấy, ba nghĩ rằng cô ấy quên được con sao?
Ông bố quát lên:
– Tôi không thèm để tai nghe những chuyện yêu đương con cà con kê của anh. Gia đình tôi không thể cưới một đứa ăn mày về làm dâu được. Chỉ cần nói một tiếng, là anh có ngay mỗi năm tám nghìn đồng; nếu anh không muốn thì mặc xác anh. Lạy Chúa, anh cuốn gói mà xéo khỏi cái nhà này đi. Tôi hỏi lại anh lần cuối cùng, anh có vâng lời tôi không? Có hay không?
George bẻ cổ áo lên đáp:
– Cưới cái con bé lại da đen ấy làm vợ? Thưa ba, tính con không ưa mầu nâu. Xin ba đi tìm một thằng da đen quét đường ở Fleet Macket. Con không muốn lấy một hoa khôi mọi đen làm vợ.
Ông già Osborne giận dữ giật mạnh cái dây chuông vẫn dùng để gọi bác quản lý lấy rượu vang…mặt ông sa sầm, ông ra lệnh đánh xe đưa đại úy Osborne đi.
Một giờ sau, bước vào quán rượu Slaughters mặt hãy còn tái mét, George nói:
– Thế là hết.
Dobbin hỏi:
– Cái gì ông bạn?
George kể lại cuộc va chạm giữa mình và cha. Anh ta thề độc một câu và nói:
– Ngày mai, tôi cưới Amelia. Dobbin ạ, càng ngày tôi càng thấy yêu nàng hơn.