Hội Chợ Phù Hoa

Chương 25


CÁC NHÂN VẬT CHÍNH TRONG TRUYỆN THẤY CẦN TỪ GIÃ BRIGHTON

Khi được dẫn tới gặp mấy người đàn bà tại khách sạn Hải quân, Dobbin tỏ ra đặc biệt vui tính và hay chuyện; điều này chứng tỏ rằng càng ngày anh chàng sĩ quan trẻ tuổi này càng trở thành một người giả dối hết sức Anh ta cố tìm cách giấu kín sự xúc động của mình vì gặp lại bà George trong một hoàn cảnh mới; hơn nữa, anh ta cũng không muốn để lộ ra là mình đang lo lắng về những hậu quả do những tin tức mình mang đến gây ra. Nếu Amelia rõ những nỗi lo âu đó, chắc chắn cô sẽ đau khổ vô cùng. Dobbin bảo George rằng:

– George ạ, theo ý tôi thì chỉ trong ba tuần lễ nữa hoàng đế nước Pháp sẽ tấn công chúng ta đấy, bằng cả bộ binh lẫn kỵ binh. Hắn sẽ buộc quận công phải tham dự một cuộc chiến tranh mà đem so sánh thì chiến sự ở Bán đảo chỉ là trò trẻ con. Nhưng anh cũng hiểu chứ, đừng có hở ra cho chị ấy biết đấy: Cũng có thể chúng ta sẽ không dự trận, như vậy nhiệm vụ của chúng ta ở Bỉ sẽ chỉ là một cuộc hành quân mà thôi…Nhiều người nghĩ như vậy, và nghe nói Brussels toàn những người lịch sự và vô số các bà các cô rất diện. Hai người đồng ý với nhau sẽ chỉ cho Amelia biết như vậy về nhiệm vụ của quân đội Anh ở Bỉ.

Bàn tính với nhau xong, anh chàng Dobbin giả dối vui vẻ đến chào “bà George Osborne”, anh ta cố gắng xen vào vài lời chúc tụng về việc hôn nhân của Amelia, (nhưng cũng phải thú thực rằng những lời chúc tụng ấy vụng về một cách thật đáng thương). Đoạn, anh ta nói về Brighton, về khí hậu vùng biển, về những thú giải trí trong vùng, về những cảnh đẹp trên đường đi, và về giá trị của chiếc xe hiệu “Tia chớp” cùng đôi ngựa… Anh chàng chuyện trò tíu tít làm cho Amelia không hiểu ra sao cả, nhưng Rebecca thì rất thú vị; cô ta soi mói nhìn viên đại úy, như cô ta vẫn hay nhìn soi mói bất cứ người nào ngồi gần mình.

Sự thật thì Amelia xưa nay vẫn coi thường người bạn của chồng mình là đại úy Dobbin. Anh ta có tật nói hơi ngọng…Điệu bộ thì quê kệch, vụng về. Amelia mến Dobbin chỉ vì anh ta quý chồng mình (nói cho đúng, cái đức tính ấy cũng chẳng có giá trị gì lắm), và vẫn yên trí rằng George đã tỏ ra rất rộng lượng khi hạ cố đánh bạn với anh chàng sĩ quan này. Nhiều lần trước mặt Amelia, George đã bắt chước lối nói ngọng và những điệu bộ vụng về tức cười của bạn; tuy nhiên cũng phải công nhận rằng, bao giờ anh ta cũng nhiệt tình ca ngợi đức tính của Dobbin. Giữa những ngày vui vẻ của thắng lợi trong tình yêu, vì chưa hiểu rõ Dobbin, nên Amelia có ý coi thường anh chàng William thực bụng. Dobbin hiểu rõ Amelia nghĩ về mình thế nào, và cũng đành lòng cam phận. Rồi cũng phải có ngày cô ta hiểu rõ Dobbin hơn và thay đổi ý kiến về anh chàng; nhưng ngày ấy cũng còn xa.

Riêng đôi với Rebecca thì chưa đầy hai giờ đồng hồ ngồi cạnh Dobbin, cô ta cũng đã thấu rõ gan ruột anh chàng rồi. Cô ta không ưa gì Dobbin, và trong thâm tâm đối với anh chàng lại có ý ngài ngại; mà về phần Dobbin thì cũng không thấy có cảm tình gì lắm đối với Rebecca. Anh ta thực thà quá, thành ra những khoa nịnh nọt giả dối của cô này không có tác dụng gì; và hình như do linh tính, Dobbin không muốn gần gũi người đàn bà này, cho nên cũng có tính ghen ghét; thấy Dobbin quý mến Amelia, cô ta càng không ưa. Tuy nhiên, cô ta vẫn tỏ ra có lễ độ và thân mật trong cách đối xử. Một người bạn của Osborne? Bạn của người ân nhân quý nhất đời của cô? Rất có thể Becky thực tâm yêu quý người ấy, vì cô ta nhớ lại điệu bộ anh chàng đêm hôm đi xem hội ở Vauxhall; lúc thay áo dự bữa ăn tối, cô ta lại đem anh chàng ra làm trò cười một lúc. Rawdon Crawley thì không buồn để ý đến Dobbin; hắn cho anh ta là một chàng ngờ nghệch, tuy tốt bụng, nhưng chỉ là con cháu bọn hạ tiện ở khu City. Còn Joe thì hết sức đàng hoàng tỏ thái độ kẻ cả đối với anh chàng. Khi George theo về phòng của Dobbin, lúc chỉ có hai người với nhau, Dobbin mở ngăn kéo bàn lấy ra lá thư của ông Osborne gửi đưa hộ cho con trai. “Không phải chữ của ba tôi rồi”, George có vẻ hơi hốt hoảng nói vậy. Mà đúng thế. Lá thư do viên luật sư riêng của ông Osborne viết, lời lẽ như sau:

Bedford Row, ngày 7-5-1815

Thưa ông.

Tôi được cụ Osborne ủy cho nhiệm vụ báo để hay rằng cụ kiên quyết giữ vững những ý định mà ông đã rõ. Cho nên, sau việc hôn nhân của ông, cụ đã quyết định từ nay thôi không coi ông là một người trong gia đình. Quyết định ấy là dứt khoát, không thay đổi.

Tuy rằng những món tiền đã tiêu về ông khi còn nhỏ tuổi cộng với số tiền trong những tín phiếu đứng tên cụ nhà mà ông đã lĩnh trong mấy năm vừa qua, đã vượt quá xa số tiền ông có quyền được hưởng (nghĩa là một phần ba số tài sản của cụ bà Osborne đã quá cố, mà do việc cụ bà mất đi, ông được chung hưởng cùng cô Jane Osborne và cô Maria France Osborne), song tôi được cụ Osborne cho biết rằng cụ không trừ số tiền ấy vào tài sản riêng của ông, và món tiền 2.000 đồng đặt lãi bốn phần trăm (tức là một phần ba món tiền 6.000 đồng) sẽ được trực tiếp hoàn lại ông hoặc qua luật sư riêng của ông, miễn là có giấy biên nhận.

Kẻ hầu việc tận tụy của ông, Higgs.

Tái bút: Cụ Osborne muốn tôi báo cáo ông rõ một cách dứt khoát rằng cụ không muôn nhận bất cứ giấy má thư từ gì của ông, hoặc liên hệ với ông về vấn đề này hoặc về bất cứ vấn đề nào khác.

George giận dữ nhìn Dobbin, nói:

– Anh thu xếp công việc khéo nhỉ? Đọc xem, Dobbin – Và anh ta ném lá thư cho bạn – Lạy chúa, thế là bây giờ tôi đi ăn mày; cái bệnh đa tình của tôi đưa đến kết quả mới tốt đẹp chứ. Sao chúng ta lại không chờ ít lâu nữa? Trong khi ra trận tôi rất có thể xơi một viên đạn; và rồi Emmy là vợ góa của một thằng ăn mày thì sinh sống ra làm sao? Chỉ tại anh tất cả: Anh mà chưa thấy tôi lấy vợ và phá sản thì anh chưa yên tâm mà. Hai nghìn đồng đối với tôi thì nghĩa lý quái gì cơ chứ? Không đủ tiêu trong hai năm. Từ hôm về đây tôi đã mất với Crawley một trăm bốn mươi đồng tiền đánh bài và chơi bi-a rồi. Anh thu xếp công việc cho thiên hạ giỏi quá đấy.

Dobbin tái mặt đi, đọc hết lá thư, rồi đáp:

– Kể ra tình hình cũng gay go thật, và đúng như anh nói, lỗi tại tôi một phần.

Anh ta cười cay đắng tiếp:

– Tuy vậy vẫn có người muốn đánh đổi lấy địa vị của anh cơ đấy. Anh thử nghĩ xem, trong trung đoàn có được bao nhiêu sĩ quan có hai nghìn đồng trong tay. Bây giờ, anh phải ăn tiêu trong phạm vi tiền lương thôi, chờ khi nào ông cụ nghĩ lại sẽ hay; nếu không may anh chết, thì vợ anh sẽ lĩnh mỗi năm một trăm đồng.

George tức quá, kêu lên:

– Anh nghĩ rằng một người quen tiêu pha như tôi có thể sống nổi với tiền lương và một trăm đồng mỗi năm? Dobbin, anh ăn nói thế thì ngốc thật. Với món tiền ranh ấy, làm sao cho tôi giữ được địa vị của tôi trong xã hội? Tôi không thể bỏ thói quen cũ được; tôi phải có đầy đủ tiện nghi. Từ bé, tôi không ăn cháo mà sống như MacWhirter, hay ăn khoai mà no như O’Dowd. Anh muốn rằng vợ tôi phải giặt quần áo lính, hoặc sống chui rúc trong một toa tàu chở hàng để bám lấy trung đoàn mà sống sao?

Dobbin vẫn vui vẻ đáp:

– Được, được; rồi chúng ta sẽ kiếm cho chị ấy một phương tiện vận chuyển tốt hơn. Nhưng anh bạn George ơi, hãy nhớ rằng bây giờ anh phải dằn lòng mà chịu đóng vai ông hoàng bị mất ngôi đã; hãy kiên nhẫn mà chờ ngày mây tan gió lặng. Cũng không lâu lắm đâu. Tôi đánh cuộc rằng, nếu tên anh được đăng trên báo “Tin tức” thì nhất định ông cụ sẽ nghĩ lại.

George đáp:

– Đăng trên báo “Tin tức”! Đăng ở mục nào? Có phần chắc trong mục danh sách thương binh tử sĩ, và ở hàng đầu.

Dobbin mỉm cười đáp:

– Dào ôi? Bao giờ chúng mình bị thương, lúc ấy hãy tha hồ mà khóc mếu, George, anh rõ đấy, tôi cũng sẽ giành được chút ít, và chẳng có vợ con gì cả; tôi sẽ không quên tên con trai đỡ đầu của tôi trong di chúc đâu.

Thế là đôi bạn lại làm lành với nhau. Dobbin với George vẫn hay cãi nhau đấy rồi thân nhau đấy như thế….

Osborne bảo rằng không ai có thể giận Dobbin được lâu và anh ta cũng rộng lượng mà tha thứ cho Dobbin, sau khi đã vô cớ gây sự với bạn.

Rawdon Crawley từ trong phòng rửa mặt nói vọng ra với vợ đang ngồi trang điểm trong phòng ngủ để sắp đi ăn cơm tối:

– Becky, tôi bảo này…

– Gì thế Tiếng Becky the thé đáp. Cô ta đang ngoái cổ lại sau lưng soi vào gương. Becky mặc một tấm áo ngoài trắng muốt, mới tinh, hai vai để trần, cổ đeo vòng, thắt lưng màu xanh lơ nhạt, rõ ràng là hiện thân của tuổi thanh xuân hạnh phúc, vô tội và trinh bạch.

– Không biết khi Osborne theo trung đoàn ra trận, thì cô vợ làm thế nào nhỉ?

Crawley bước vào phòng; vừa dùng hai cái bàn chải to tướng chải đầu, anh ta vừa đưa mắt qua nạm tóc bù xù thán phục liếc nhìn cô vợ đẹp Becky, đáp:

– Chắc chị ấy phải khóc đến sưng mắt. Đã nhiều lần, hễ nghe ai nhắc đến chuyện này chị ấy lại khóc hết nước mắt. Còn mình thì chắc chẳng cần quái gì đâu nhỉ? Rawdon thấy vợ có vẻ vô tình, cáu kỉnh hỏi lại.

Becky đáp:

– Rõ khỉ lắm! Anh không thấy em nhất định đòi theo anh cùng đi à? Vả lại, anh khác. Anh dự trận với tư cách là sĩ quan liên lạc của tướng Tufto; chúng mình có phải ra tiền tuyến đâu.

Rebecca vừa nói vừa ngửa mặt lên với một dáng điệu mê hồn đến nỗi anh chồng phải cúi xuống mà hôn ngay một cái.

Becky đưa mắt liếc chồng thật tình tứ, tiếp:

– Rawdon, anh yêu…anh có nghĩ đến việc…có lẽ trước khi đi anh nên đòi cái…cái món tiền Cupid () nợ anh thì hơn.

Becky gọi George Osborne là Cupid; cô ta luôn mồm tán tụng bộ mặt đẹp trai của George; và mỗi khi George đến thăm hai vợ chồng buổi tối khoảng nửa giờ trước khi đi ngủ để đánh bài tay đôi, thì không lần nào cô không sán lại đứng cạnh mà âu yếm ngắm anh chàng.

Nhiều lần Becky đã gọi George là một anh chàng “bán giời không cần văn tự”, và dọa sẽ đem những thói xấu của anh ta mách lại với Emmy. Cô đem thuốc lá lại mời anh chàng hút, và châm cả lửa hộ; cô hiểu rất rõ cử chỉ này có tác dụng thế nào, vì trước kia cô đã có nhiều dịp thực hành với Rawdon Crawley. Còn anh chàng thì yên trí rằng Becky là một người vui tính, nhí nhảnh, láu lỉnh, phong nhã và hết sức duyên dáng. Trong những cuộc giong xe đi chơi cũng như trong những bữa tiệc buổi tối, lẽ dĩ nhiên Becky nổi bật hẳn so với cô Emmy đáng thương: cô này cứ nhút nhát ngồi im trong khi chồng mình và Rebecca tán chuyện với nhau ríu rít; còn đại úy Crawley (và cả cô nữa, khi anh chàng đã đến nhập bọn với hai cặp vợ chồng mới cưới) thì cứ ngồi nốc rượu tỳ tỳ không nói không rằng.

Đôi khi Emmy cũng thấy hơi khó chịu đối với bạn.

Thấy Rebecca khôn ngoan, khéo léo và duyên dáng quá, cô cảm thấy bối rối và đâm ra bực mình. “Mới lấy nhau được có một tuần lễ, mà George đã nhạt nhẽo với mình, đã muốn trò chuyện với người khác rồi?”. Nghĩ đến tương lai mà cô run sợ. Cô nghĩ thầm; Anh ấy thông minh thế, tài hoa thế, mình thì đần độn thế này, rồi chung sống với nhau ra sao nhỉ? Lấy mình làm vợ, anh ấy thật cao thượng quá bỏ tất cả mọi thứ mà hạ cố đến mình? Lẽ ra mình phải từ chối mới đúng, nhưng lòng mình không cho phép, biết làm thế nào? Lẽ ra mình đừng đi lấy chồng, cứ ở nhà săn sóc ba mới phải. Lần này là lần đầu tiên cô nhớ ra mình đã quên bẵng mất cả cha mẹ (mà lời lương tâm kết tội cô thiếu nữ cũng có đôi chút căn cứ) khiến cho mặt cô đỏ ửng lên vì xấu hổ. Cô tự nhủ: “Ôi, mình thật tồi quá, ích kỷ quá… ích kỷ vì đã bắt George phải cưới mình làm vợ. Mình biết lắm, mình có xứng đáng với anh ấy đâu…Không có mình thì anh ấy sung sướng bao nhiêu… nhưng… mình đã cố, mình đã cố quên anh ấy rồi mà…” Kể ra chưa đầy một tuần lễ sau ngày thành hôn mà cô dâu cũng phải nghĩ ngợi và tự thú những lời như vậy thì cũng đau khổ thật.

Buổi tối trước ngày Dobbin tới thăm đôi vợ chồng trẻ này là một buổi tối tháng năm, trăng sáng rực rỡ, không khí ấm áp, thơm ngát; cánh cửa trông ra bao lơn mở rộng.

George và Rebecca đứng trên bao lơn ngắm mặt biển phẳng lặng sáng long lanh trải ra trước mặt họ, còn Rawdon và Joe thì ngồi trong nhà chơi bài. Không ai chú ý đến Amelia nằm ngả trên một chiếc ghế bành lớn đưa mắt theo dõi hai cặp bạn; người đàn bà dịu dàng và trơ trọi ấy chỉ biết đánh bạn với những ý nghĩ đắng cay đầy thất vọng và hối hận.

Chưa đầy một tuần trôi qua mà cơ sự ra thế này rồi? Nếu cô nhìn về tương lai. Nhưng Emmy nhút nhát, không dám nhìn thẳng vào tương lai, đành cứ một mình lênh đênh trên mặt đại dương mênh mông kia, cũng không đủ sức chèo chống nữa, nếu không được người che chở và hướng dẫn. Tôi biết bà Smith vẫn coi thường Amelia ; nhưng thưa quý bà, đàn bà con gái mấy ai được trời ban cho một sức mạnh tinh thần tráng kiện như bà?

George thở phào một hơi thuốc lá, làn khói uốn éo lượn vòng lăn trên không, nói:

– Chao ơi? Đêm nay đẹp tuyệt, trăng sáng vô cùng.

– Thuốc lá anh hút làm cho không khí thơm sực? Em ưa thứ thuốc ấy lắm. Ai dám bảo rằng mặt trăng cách xa chúng ta những hai mươi ba vạn sáu ngàn tám trăm bốn mươi bảy dặm? Becky mỉm cười ngó lên chiếc đĩa vàng trên trời, tiếp: – Anh xem xem còn nhớ kỹ thế, có thông minh không? Ôi chao! Chúng em học được những chuyện ấy trong trường bà Pinkerton đấy! Mặt biển lặng lẽ quá nhỉ, mọi vật trông rõ mồn một. Em dám nói rằng gần như nhìn thấy cả bờ bể nước Pháp!

Và đôi mắt xanh biếc, lóng lánh của cô ta quắc lên như muốn chiếu những tia sáng xuyên thủng màn đêm.

Becky nói tiếp:

– Anh có biết một buổi sáng kia em định làm gì không? Hình như em bơi cũng khá đẹp thì phải. Em mới định bụng rằng hôm nào bà bạn tâm tình của bà cô Crawley nhà em…tức là bà Briggs, anh biết đấy…anh có nhớ không…cái bà mũi diều hâu, tóc dài rối bù xù ấy mà… em định khi nào bà Briggs ra bể tắm, em sẽ bơi theo và bàn chuyện làm lành mới bà ta ngay dưới nước; anh xem kế ấy thế nào?

George nghe nói đến cuộc hội đàm dưới nước, phá ra cười, Rawdon ở trong vừa xóc xóc cái ống đựng súc sắc vừa hỏi vọng ra:

– Này, hai người làm gì mà ồn ào thế, hử?

Amelia tưởng mình sắp phát điên lên một cách lố bịch, và lui vào phòng riêng nằm tấm tức khóc một mình.

Đến chương này, câu chuyện của chúng ta có vẻ như hơi quanh co. Ở trên, đã kể qua câu chuyện xảy ra buổi sớm thế nào, bây giờ ta cùng nhau lui về ngày hôm trước để cho câu chuyện có đầu đuôi. Các bạn có thể thấy từ cung tiếp tân của Hoàng đế, xe ngựa của những vị đại sứ và những viên đại thần chạy vụt ra từ một cái cửa riêng, trong khi ấy những công nương của đại úy John đứng đợi đến lượt mình được bay nhảy. Trong phòng đợi của ông Tổng trưởng bộ Tài chính, bạn có thể gặp nửa tá người còn kiên tâm chờ đợi được tiếp, và được gọi tên lần lượt từng người một; thế rồi đột nhiên, có một vị tai mặt người Ai len nào đó vừa mới vào mà lập tức leo ngay qua đầu thiên hạ đang sốt ruột chờ để chui vào một phòng ông Thứ trưởng; cho nên trong khi bố cục một câu chuyện, nhà tiểu thuyết cũng buộc lòng phải xử lý bất công như vậy. Tuy rằng cũng cần kể lại đủ những chi tiết lặt vặt, nhưng hễ gặp một tình tiết quan trọng, thì lập tức những chi tiết kia bị gạt “ra rìa” ngay. Cho nên, việc Dobbin đến Brighton đem theo tin đội Ngự lâm quân sắp xuất phát sang Bỉ, và tin toàn bộ quân đội đồng minh đã tập trung ở nước này, đặt dưới quyền chỉ huy của Quận công Wellington…một tin tầy đình như thế, nhất định phải giành được quyền ưu tiên so với những chi tiết tầm thường khác trong chuyện. Vì vậy không thể nào tránh khỏi chút lộn xộn ấy cũng là thích đáng và cũng không đáng trách lắm.

Cho đến nay chúng ta mới đi qua chương XXII, một quãng, vừa đúng lúc để tập hợp những nhân vật chính trong truyện vào phòng trang điểm trước bữa ăn trưa như thường lệ, đúng vào ngày Dobbin tới Brighton.

Không rõ vì George thương vợ hay vì anh ta còn bận thắt ca-vát mà anh ta không nói ngay với Amelia tin bạn vừa đem từ Luân-đôn về. Nhưng rồi anh ta cũng đi vào phòng vợ, tay cầm phong thư của viên luật sư, dáng điệu thật nghiêm trang trịnh trọng. Làm cho cô vợ vốn đang nơm nớp chờ đợi những chuyện ghê gớm nhất sắp xảy ra rồi. Amelia chạy đến ôm chầm lấy chồng mà van xin chồng hãy nói thực hết mọi chuyện: “Có phải anh được lệnh xuất phát không, có phải tuần sau anh ra trận không? Đúng rồi, em biết hết cả rồi”.

George tránh không trả lời về việc ra trận, chỉ buồn bã lắc đầu nói:

– Không. Emmy ạ; không phải chuyện ấy. Anh không lo cho bản thân anh; anh lo cho em thôi. Anh vừa nhận được tin tức không hay của ba anh. Ông cụ từ bỏ anh rồi; ông cụ không nhận chúng mình nữa rồi; thế là từ bây giờ chúng mình nghèo xơ xác. Anh có thể kham được, nhưng em, em yêu của anh, em chịu đựng làm sao? Em đọc xem.

Anh đưa bức thư cho vợ.

Amelia dịu dàng nhìn chồng, khóe mắt đầy lo lắng, nuốt từng lời nói đầy tình cảm cao thượng của George; đoạn cô ngồi xuống giường đọc bức thư chồng vừa trao cho với điệu bộ đau khổ một cách trang trọng của kẻ tử đạo.

Song, đọc hết lá thư, nét mặt cô lại bừng sáng lên. Người đàn bà tâm hồn nồng nàn này không vì nghĩ đến việc phải cùng người chồng yêu dấu chia sẻ sự nghèo túng thiếu thốn mà lo ngại. Đối với Amelia, điều đó thực sự lại như có cái gì thú vị là khác. Và, cũng như mọi khi, cô cảm thấy hơi hổ thẹn vì lẽ trong phút bi đát như vậy mà lại có cảm tưởng sung sướng được; cô vội kiềm chế niềm hứng thú của mình lại, và khẽ nói:

– George ơi, cứ nghĩ đến phải xa ba anh, chắc anh đau khổ đến đứt từng khúc ruột đấy nhỉ.

George rầu rĩ đáp:

– Đúng thế đấy.

Amelia tiếp.

– Nhưng ba không thể giận anh lâu được đâu. Ai mà giận anh lâu cho được, em chắc chắn thế. Người chồng yêu quý nhất đời của em ơi, rồi thế nào ba cũng tha thứ cho anh. Ôi, nếu ba không tha thứ cho anh thì em cũng không thể nào tha thứ cho em được đâu.

George đáp:

– Emmy đáng thương của anh ơi, anh lo lắng không phải vì anh gặp tai họa, mà là vì em. Anh không sợ nghèo và không phải nói khoác chớ, anh tự thấy cũng có tạm đủ tài năng để tự lực làm nên.

Anh có thừa đi ấy chứ.

Cô vợ ngắt lời anh, yên trí rằng chiến tranh sắp chấm dứt và ông chồng sắp đeo lon cấp tướng đến nơi.

Osborne liền nói tiếp:

– Phải lắm, anh sẽ tự lực làm nên sự nghiệp không kém gì người khác; nhưng còn em, em yêu quý; cứ nghĩ rằng em phải chịu thiếu thốn mọi tiện nghi, và không có một địa vị xứng đáng trong xã hội mà vợ anh có quyền hưởng, anh không sao chịu nổi. Người vợ yêu dấu của anh mà phải sống trong trại binh như vợ một tên lính, lẽo đẽo theo trung đoàn hành quân, rồi cũng đành phải chịu đựng mọi sự thiếu thốn phiền nhiễu ư? Điều đó làm anh khổ tâm lắm.

Thấy chồng lo lắng chỉ vì một chuyện ấy, Emmy yên tâm quá; cô vịn vào tay chồng gương mặt rạng rỡ, mủm mỉm cười và bắt đầu thủ thỉ hát đoạn điệp khúc bài hát,Chiếc cầu thang cữ: mà cô vẫn thích; nội dung khúc hát là lời cô thiếu nữ, sau khi trách anh chàng Tôm đã thờ Ơ lạnh nhạt với tình, lại hứa hẹn sẽ vá quần và sẽ pha hộ cả rượu, nếu anh chàng chung thủy, thực lòng và không bỏ rơi cô. Amelia yên lặng một lúc, trong khi ấy trông cô sung sướng và trẻ hẳn ra, nét mặt ấy đàn bà nào cũng phải ao ước; rồi cô nói:

– Vả lại, hai nghìn đồng cũng là một món tiền to lắm đấy chứ, phải không George?

Thấy vợ quá ngây thơ, Giorgỉơ cười phá lên; cuối cùng cả hai xuống nhà dùng bữa. Amelia níu lấy cánh tay George, miệng vẫn còn thủ thỉ hát tiếp bài “Chiếc cầu thang cũ”, đầu óc hoàn toàn thảnh thơi thoải mái so với mấy ngày vừa qua.

Thế là bữa ăn sáng tưởng như sẽ diễn ra trong bầu không khí ảo não lại hóa ra rất vui vẻ.

Nghĩ đến cuộc hành quân sắp tới, George cảm thấy hào hứng sôi nổi, quên cả nỗi buồn do lá thư truất quyền thừa kế gây ra. Còn Dobbin thì vẫn tiếp tục đóng vai trò rôm chuyện; anh ta đem những chuyện về quân đội đóng ở Bỉ ra kể cho đôi vợ chồng mới cưới nghe, toàn những chuyện dạ hội và ăn chơi lu bù. Đoạn, nhằm một mục đích không nói ra, anh chàng đại úy khôn khéo này bắt đầu kể chuyện vợ ông thiếu tá O’Dowd thu xếp gói ghém cả cái tủ áo của mình và của chồng như thế nào, chuyện bà ta nhét đôi phù hiệu của chồng vào hộp đựng trà ra sao, rồi chuyện bà ta gói chiếc khăn đội đầu màu vàng trứ danh của mình, trên có đính một cái lông chân thụy hồng, vào một tờ giấy dầu và nhét cả vào trong chiếc hộp biếc đựng mũ nhà binh của chung; anh chàng ngạc nhiên không biết khi đến Ghent, trong buổi chiêu đãi của vua nước Pháp, hoặc trong buổi đại hội của nhà binh ở Brussels, thiên hạ nhìn thấy chiếc khăn ấy sẽ nghĩ thế nào.

Amelia giật nảy cả mình kêu lên:

– Ghent! Brussels? Trung đoàn được lệnh xuất phát rồi phải không, George? Đã xuất quân rồi ư?

Trên bộ mặt tươi cười dịu dàng lộ rõ vẻ hoảng hốt; như do linh tính, người đàn bà níu chặt lấy chồng. George ôn tồn đáp:

– Đừng sợ, em yêu của anh! Đó chỉ là một cuộc vượt bể trong mười hai tiếng đồng hồ, có gì đáng ngại đâu em, Emmy, em cũng sẽ cùng đi với anh cơ mà.

Becky nói xen vào:

– Tôi cũng đi đây. Tôi ở chỗ phòng tham mưu, Tướng Tufto đến là hay tán tỉnh tôi; có phải không, Rawdon?

Nghe vợ nói, Rawdon vẫn cứ cười hô hố lên như mọi khi, William Dobbin thì đỏ bừng mặt lên; anh ta bảo George:

– Chị ấy đi sao được. Anh nghĩ xem…

Dobbin định nói tiếp: “nguy hiểm lắm đấy”, nhưng suốt bữa ăn tối vừa rồi, anh ta chẳng đã nói đủ mọi chuyện để chứng minh rằng không có sự gì nguy hiểm đấy sao?

Thành ra anh chàng đành cứ lúng túng ngồi im.

– Em sẽ đi cùng anh.

Amelia cương quyết dứt khoát nói vậy, George tán thành, đưa tay vuốt ve cằm vợ và hỏi khắp mọi người rằng có bao giờ gặp được người đàn bà đáng quý như vợ mình không.

Anh ta bảo vợ:

-Em sẽ có một bà u già là bà thiếu tá O’Dowd”.

Nhưng có chồng bên cạnh, Amelia còn điều gì đáng lo sợ nữa? Thế là nỗi ngại ngùng vì ly biệt cũng tiêu tan; vả lại, dầu rằng chiến tranh với bao nguy hiểm vẫn còn đe dọa, nhưng cũng phải hàng tháng nữa mới xảy ra được.Ý nghĩ thoải mái ấy khiến cho cô Amelia nhút nhát kia cảm thấy hạnh phúc, dường như hiệp ước đình chiến đã được ký kết. Trong thâm tâm Dobbin cũng tán thành cách thu xếp như vậy; điều anh ta ước mong nhất trên đời là được hàng ngày nhìn thấy mặt Amelia ; anh ta còn nuôi một ước vọng thầm kín là sẽ săn sóc, che chở cho cô thiếu nữ nữa. Dobbin nghĩ thầm: “Ví thử mình được làm chồng Amelia, chẳng bao giờ mình cho vợ đi theo. Nhưng George mới là người có quyền, mình chỉ là bạn, phản đối không tiện”.

Rebecca vòng tay ôm ngang lưng bạn dẫn ra khỏi phòng ăn, nơi bao nhiêu chuyện quan trọng vừa được bàn bạc xong; mấy người đàn ông còn ngồi lại uống rượu, nói chuyện, cười đùa ầm ĩ.

Ngay buổi tối hôm ấy, Rawdon nhận được một mẩu giấy của vợ; đọc xong anh ta lập tức vò nhàu, châm nến đốt ngay, nhưng chúng tôi đã may mắn nhìn được qua vai Rebecca đọc thấy nội dung thế này:

“Tin quan trọng. Bà Bute đã đi rồi. Đêm hôm nay, đòi tiền Cupid; rất có thể ngày mai hắn lên đường đấy. Nhớ nhé. R.”

Do đó, lúc mấy người đàn ông sắp cùng nhau sang buồng các bà để dùng cà-phê, thì Rawdon nắm lấy cánh tay Osborne, ngọt ngào nói:

– Này cậu, nếu tiện cậu thanh toán hộ với mình cái khoản kia đi thôi.

Kể ra đối với George điều đó cũng không lấy gì làm tiện lắm, nhưng anh ta cũng rút trong ví ra một tập giấy bạc trao cho Rawdon, và một tờ ngân phiếu có thể thanh toán trong phạm vi một tuần lễ để bù vào số tiền còn thiếu.

Giải quyết xong việc này, George, Joe và Dobbin vừa hút thuốc lá vừa họp một “hội nghị quân sự”, đồng ý quyết định hôm sau tất cả sẽ di chuyển về Luân đôn trong chiếc xe mui trần của Joe. Riêng Joe thì muốn ở lại Brighton tới khi nào Rawdon rời đi mới về, nhưng bị Dobbin và George cố ép thành ra cuối cùng anh cũng đồng ý. Cho được xứng đáng với địa vị của mình, Joe thuê hẳn hai cặp ngựa để kéo xe. Thế là hôm sau, ăn sáng xong, cả bọn lên đường. Hôm ấy Amelia dậy từ sáng sớm, thu xếp gói ghém hành lý một cách hết sức nhanh nhẹn; còn Osborne thì vừa nằm dài trên giương, vừa phàn nàn rằng không có đứa đầy tớ gái nào để giúp đỡ vợ. Nhưng được tự mình thu xếp mọi việc, Amelia lại thấy thích vì không rõ tại sao lúc này cô cảm thấy hơi ngài ngại đối với Rebecca. Tuy lúc chia tay hai người hôn nhau thật đằm thắm, nhưng Amelia vẫn có ý ghen với bạn; ngoài những đức tính khác của phụ nữ, cô cũng có cả thói xấu ấy.

Ngoài những nhân vật đã lui tới Brighton như đã nói ở trên, chúng ta cũng không thể quên được rằng ở đây còn một số bạn cũ của chúng ta, thí dụ như bà Crawley cùng đoàn tùy tòng của bà.

Chỗ bà Crawley dưỡng bệnh chỉ cách nơi vợ chồng Rawdon trọ khoảng một quãng đường, nhưng bà lão cũng vẫn cương quyết đóng cửa không cho hai vợ chồng thằng cháu bén mảng đến, như ở Luân-đôn vậy. Bà Bute Crawley còn ở bên cạnh bà em chồng một phút nào thì bà còn tìm mọi cách tránh cho bà em khỏi bị quá xúc động vì phải nhìn thấy mặt thằng cháu trai bất trị. Mỗi khi “bà cô” già đi xe ngựa dạo chơi mát, bà Bute bao giờ cũng phải đi kèm mỗi người một bên. Và nếu như bất chợt gặp hai vợ chồng Rawdon, mặc dầu anh chàng bao giờ cũng cố ngả mũ chào, nhưng bà Crawley cùng đoàn hộ giá cứ thản nhiên như không bước qua, lạnh nhạt một cách tàn nhẫn; Rawdon bắt đầu tuyệt vọng. Nhiều lần anh chàng rầu rĩ bảo vợ:

– Ở đây cũng chẳng hơn cóc gì Luân-đôn.

Cô vợ bao giờ cũng vui tính hơn chồng, đáp:

– Sống trong một khách sạn đủ tiện nghi ở Brighton vẫn cứ tốt hơn trong một nhà giam con nợ ở Đường Chancery chứ. Mình quên mất hai thằng công sai của lão Moses, nhân viên sở Cảnh sát rồi à? Chúng rình trước cửa nhà ta suốt một tuần lễ ròng. Đám bè bạn ở đây cũng toàn là đồ ngốc thật đấy, nhưng ông Joe và đại úy Cupid thì vẫn cứ dễ chịu hơn mấy thằng tay sai của lão Moses; phải không, anh Rawdon yêu quý?

Rawdon vẫn buồn bã, nói:

– Quái thật, sao chúng nó chưa đem trát đến tận đây bắt mình nhỉ?

– Bao giờ có chuyện ấy, ta sẽ có cách đối phó.

Cô Becky táo tợn kia đáp vậy, lại vạch rõ cho chồng biết cuộc gặp gỡ với Joe và Osborne có lợi như thế nào; tình bạn đã đưa đến cho Rawdon một món tiền mặt kha khá rất đúng lúc. Anh chàng sĩ quan ngự lâm lại làu bàu:

– Ngần ấy chưa chắc đã đủ trả tiền khách sạn.

Cô vợ bao giờ cũng sẵn sàng có ý kiến vội đáp:

– Thì việc gì phải trả tiền khách sạn cơ chứ?

Thằng hầu của Rawdon vẫn đi lại thân mật với cánh đầy tớ trai trong nhà bà Crawley; hắn được lệnh hễ gặp bác xà ích của bà này là lập tức phải bỏ tiền ra mời uống rượu kỳ được, cho nên nhất cử nhất động của bà lão Crawley đều không thoát được khỏi mắt đôi vợ chồng trẻ. Không những thế Rebecca còn khôn ngoan nảy ra ý kiến nên ốm một tí, và mời đúng ngay ông thày thuốc vẫn săn sóc cho bà gái già này thành ra việc cung cấp tin tức có thể gọi là khá chu đáo. Bề ngoài, vì bị bó buộc, nên bà Briggs cũng phải tỏ ra ghét bỏ vợ chồng Rawdon. Nhưng tính bà vốn tốt và cũng dễ tha thứ. Bây giờ, cái cớ để bà ghen ghét không còn nữa, bà cũng chẳng thấy ghét bỏ gì Rebecca, mà chỉ nhớ lại tính tình vui vẻ và những lời lẽ ngọt ngào của cô ta. Thật ra thì cả bà Briggs và bà Firkin là người hầu riêng của bà Crawley, cũng như toàn thể gia nhân trong nhà, đều đang rên xiết với ách thống trị độc tài của bà Bute là kẻ mới thắng thế. Ở đời thói thường vẫn vậy; người đàn bà đáng kính nhưng nghiệt ngã kia lại muốn phát triển quá mức những thuận lợi của mình, và cứ muốn lợi dụng sự thắng thế một cách tàn nhẫn. Chỉ trong vòng mấy tuần lễ, bà ta đã biến bà già ốm yếu thành một con người ngoan ngoãn hết sức, đến nỗi bà lão hoàn toàn bị khuất phục trước mệnh lệnh của bà chị dâu, đến nỗi cũng không dám hé miệng thở than với bà Briggs và bà Firkin về tình trạng nô lệ của mình nữa. Bà Bute đo cả từng cốc rượu vang hàng ngày bà Crawley được phép uống một cách hết sức chính xác, làm cho bà Firkin và bác quản lý hết sức bất bình vì thấy mình bị tước mất cả cái quyền cai quản mấy chai rượu nho. Bà Bute giữ cả quyền phân phối cho mọi người phần bánh, phần thịt, nhiều ít tùy theo ý riêng. Mỗi ngày ba buổi, sáng, trưa, và tối, bà ta đem những thứ thuốc ghê gớm theo đơn bác sĩ đến, dỗ ngon dỗ ngọt, cuối cùng bà lão ốm phải ngoan ngoãn uống hết; thấy thế bà Firkin nói: “Bà chủ đáng thương của tôi uống thuốc ngoan như một con cừu vậy”. Bà ta lại quyết định cả việc dùng xe ngựa hay dùng ghế có bánh xe lăn để đi chơi; tóm lại bà Bute săn sóc người em chồng ốm tận tình hết mực. Nếu có khi nào người ốm tỏ ý phản đối một cách yếu ớt, muốn ăn thêm một tý, hoặc muốn uống bớt một ít thuốc, lập tức bà Bute giơ cái chết ra dọa, thế là bà Crawley hàng phục ngay.

Bà Firkin phàn nàn với bà Bute thế này:

– Bà chủ mất hết ý chí rồi. Đã ba tuần nay, bà ấy chưa bảo tôi là “con khỉ” lần nào.

Cuối cùng, bà Bute quyết định thải cả người hầu riêng của bà chủ tức là bà Firkin, cả Bowls, tức là bác gia nhân thân tín to béo, và cả bà Briggs nữa; bà lại còn định viết thư về nhà thờ gọi hai cô con gái lên, để di chuyển cái hình hài ốm yếu của bà em chồng về trại Crawley Bà chúa; thì đúng lúc ấy xảy ra một việc giời đánh, khiến cho bà phải bỏ dở công việc lý thú trên.

Số là đức cha Bute Crawley chồng bà, một đêm kia đi chơi về khuya, ngã ngửa gãy mất cái xương đùi, chân bị sưng tấy lên, sốt li bì; vậy bà Bute đành rời Sussex để về Hamshire vậy. Bà hứa rằng hễ ông Bute bình phục, lập tức bà sẽ trở lại với bà em thân yêu ngay. Lúc ra về bà còn để lại cho bọn gia nhân những chỉ thị dứt khoát về cách săn sóc người ốm. Bà vừa bước chân lên chiếc xe ngựa ở Southampton, lập tức trong nhà bà Crawley vui như mở hội, suốt mấy tuần lễ qua, chưa lần nào mọi người trong gia đình được hể hả như vậy. Ngay hôm ấy, bà Crawley bỏ liều thuốc buổi chiều; cũng ngay chiều hôm ấy, bác Bowls ung dung mở một chai rượu nho ra để mình và bà Firkin thưởng thức. Đêm hôm ấy, là Crawley và bà Briggs tự cho phép mình thay thế những bài giảng đạo của Porteus bằng một ván bài “pich-kê”; tóm lại y như ta thường: “Chủ vắng nhà, gà vọc niêu tôm” vậy.

Mỗi tuần khoảng hai ba buổi, bà Briggs có lệ ra bể lắm lúc sáng tinh sương; bà ngồi trong một chiếc xe tắm, mặc một cái áo bằng dạ mỏng, đầu đội mũ bằng vải sơn, thoải mái ngâm mình dưới nước. Chúng ta cũng rõ Rebecca biết bà Briggs có thói quen này nhưng không muốn tấn công ngay như đã đe từ trước. Cô ta quyết định chờ khi bà này vừa tắm xong mới phục kích một trận, nghĩa là đúng lúc trong người bà này mát mẻ, tâm hồn đang nhẹ nhàng khoan khoái. Cho nên Becky dậy từ sớm tinh mơ, mang một cái ống nhòm vào phòng khách trông ra biển, hướng về phía những chiếc xe tắm trên bãi cát. Cô nhìn bà Briggs bước vào chiếc xe riêng của mình, rồi xuống nước. Becky tiến ra bờ bể đúng lúc vị nữ thủy thần mà cô ta đang đi tìm bước ra khỏi chiếc xe tắm đi về phía bờ dải đá cuội. Thật là một bức tranh tuyệt vời: bãi cát thoai thoải, đám phụ nữ tắm nổi bật trên hàng đầu, xa xa phía sau là dãy núi đá dài tít tắp cùng những ngôi nhà được vừng dương buổi sớm chiếu sáng rực rỡ. Rebecca mỉm sẵn một nụ cười thật duyên dáng; bà Briggs vừa ló đầu ra khỏi căn phòng thay áo, cô giơ ngay cái bàn tay xinh xinh trắng muốt ra. Thế thì làm sao mà bà Briggs không phải chào lại? Bà này nói:

– Chào cô Sha… chào bà Crawley.

“Bà Crawley” nắm chặt lấy tay bà Briggs áp vào ngực và đột nhiên vòng hai tay ôm lấy bà này mà hôn một cách âu yếm rồi nói: “Bà bạn ơi, bà bạn thân mến ơi!”

Giọng nói biểu lộ một tình cảm vô cùng chân thành làm cho bà Briggs suýt nữa thì phát khóc, và ngay cả cô gái hầu tắm cũng phải cảm động.

Rebecca lôi kéo bà Briggs vào một câu chuyện thân mật khá lâu một cách rất dễ dàng. Bà Briggs kể lại tất cả mọi chuyện xảy ra từ chuyện xảy ra hôm Becky đột ngột bỏ nhà bà Crawley ở Đường công viên mà đi cho tới ngày nay, cũng như câu chuyện tốt đẹp tức là việc bà Bute ra về. Bà này còn tỉ mỉ kể lại tất cả bệnh trạng của bà Crawley, triệu chứng thế nào, uống những thuốc gì, rành rọt, chân tơ kẽ tóc, đúng cái lối đàn bà ưa kháo chuyện.

Phụ nữ mà được kể cho nhau nghe về chuyện mình đau ốm thuốc men ra sao thì có bao giờ mà họ chán được? Cho nên bà Briggs kể không chán mồm mà Rebecca nghe cũng không chán tai. Cô ta thực sự cảm tạ trời đất khi nghĩ rằng những con người trung thành quý báu vô giá như bà Briggs và bà Firkin đã tận tụy săn sóc vị ân nhân của họ trong thời gian bà đau ốm. Cầu thượng đế ban phúc lành cho bà. Tuy bề ngoài hình như Rebecca đã không giữ tròn bổn phận mình đối với bà Crawley, nhưng sự lầm lỗi của cô chẳng là điều tự nhiên và dễ tha thứ sao? Làm sao cô lại có thể không trao trái tim cho người đàn ông đã chiếm được lòng mình? Nghe cô than thở như vậy, bà Briggs, con người đa cảm ấy, đành chỉ biết ngước mắt nhìn lên trời mà thở dài thông cảm, và nhớ lại rằng chính mình mấy chục năm về trước cũng đã có nhiều phút yếu lòng như vậy; tóm lại bà Briggs cho rằng tội cô Rebecca cũng không nặng lắm.

Rebecca nói:

– Bao giờ tôi quên được người đã sẵn lòng cưu mang một kẻ mồ côi trơ trọi. Không bao giờ; mặc dầu người ấy đã ruồng bỏ tôi, nhưng tôi sẽ còn yêu quý mãi mãi, và sẽ sẵn sàng hy sinh đời tôi để đền đáp công ơn. Bà Briggs thân mến ơi, tôi yêu kính bà Crawley hơn hết thảy mọi người trên đời này vì bà là ân nhân của tôi, và là cô anh Rawdon yêu quý của tôi; tôi yêu quý cả những người nào trung thành với bà nữa. Vào địa vị tôi, chẳng bao giờ tôi đối xử với những người bạn trung thành của bà Crawley như cái bà Bute đa sự đáng ghét kia đâu.

Rebecca lại tiếp:

– Bề ngoài, tưởng như Rawdon là người thô lỗ, vô tình, nhưng thật ra anh ấy giầu tình cảm lắm, đã hàng trăm lần anh ấy rơm rớm nước mắt bảo tôi rằng thật là phúc đức mà trời đã run rủi cho bà cô quý báu nhất đời của mình có được hai người bạn đáng quý là bà Firkin và bà Briggs. Nếu như kế hoạch đen tối của con người ghê gớm là bà Bute thành công, nghĩa là tống khứ được hết cả những người thân thiết của bà Crawley đi chỗ khác, và để cho bà lão khốn khổ kia thành một nạn nhân rơi vào tay những con mụ độc ác nhà lão tu sĩ – Rebecca cũng lo rằng điều này có thể xảy ra được lắm – thì cô ta xin bà Briggs nhớ rằng căn nhà của cô ta tuy tầm thường thật nhưng cũng sẵn sàng mở rộng cửa đón tiếp bà này. Becky say sưa thốt lên:

– Bà bạn yêu quý ơi! Trên đời này vẫn còn những con người không biết quên ơn, và đàn bà không phải ai cũng như bà Bute Crawley cả đâu!

Rebecca lại tiếp:

– Nhưng tôi phàn nàn mà làm gì nhỉ? Tuy rằng vì bà cụ mà tôi khổ, nhưng tôi vẫn mang ơn, bởi lẽ Rawdon yêu quý của tôi là cháu bà cụ.

Đoạn Rebecca tố cáo hết mọi khóe ăn ở của bà Bute ở trại Crawley Bà chúa cho bà Briggs nghe. Hồi ấy, cô không hiểu gì nhưng bây giờ mới vỡ lẽ rằng té ra bà Bute đã tìm trăm phương nghìn kế, kỳ cho hai người mê nhau mới thôi…té ra cả hai con người trẻ tuổi thơ ngây đó đã cùng đưa nhau sa vào cạm, thế là yêu nhau, rồi lấy nhau, rồi mất toi “cơ nghiệp” vì những âm mưu của bà Bute.

Sự thực quả có như vậy. Bà Briggs vẫn biết rõ chuyện này từ trước, nghĩa là bà Bute đã cố ghép Rawdon và Rebecca làm vợ chồng. Tuy công nhận Rebecca hoàn toàn vô tội, nhưng bà Briggs cũng không thể giấu được người bạn gái rằng rất có thể Rebecca không bao giờ còn tranh thủ được cảm tình của bà Crawley nữa, vì bà lão này hẳn không thể tha thứ cho thằng cháu trai cái tội lấy vợ dại dột như vậy.

Về vấn đề này Rebecca đã có chủ ý: cô vẫn không hề mất tinh thần. Nếu ngay bây giờ bà Crawley chưa chịu tha thứ, thì ít nhất cũng có thể hy vọng trong tương lai bà ta sẽ nghĩ lại. Thậm chí bây giờ giữa Rawdon và danh hiệu nam tước cũng chỉ còn có một trở ngại là anh chàng Pitt Crawley ốm đau quặt quẹo. Nếu có chuyện gì xảy ra cho anh ta thì mọi việc sẽ ổn. Rebecca đã bóc trần được mọi mưu mô xảo quyệt của bà Bute khiến cho mọi người nghi ngờ bà này, thế cũng đủ cả rồi, và rất có thể cũng có lợi cho Rawdon nữa. Sau một giờ trò chuyện với bà bạn cũ, Rebecca thân mật chia tay, yên trí rằng chỉ vài giờ sau là cuộc trò chuyện vừa rồi phải lọt đến tai bà Crawley.

Cuộc hội đàm kết thúc, vừa lúc Rebecca cần trở về khách sạn để dự bữa tiệc chia tay với mấy người bạn hôm trước. Rebecca âu yếm từ biệt Amelia, tưởng chừng hai người quý nhau như chị em ruột. Cô lấy mùi xoa ra lau mắt mãi, rồi ôm chặt lấy cổ bạn, y như hai người sắp xa nhau suốt đời; lúc xe ngựa chuyển bánh cô lại thò cổ ra ngoài cửa sổ mà vẫy mãi mùi xoa (nhưng nó khô xác, chẳng có tý nước mắt nào). Sau đó, cô quay vào bàn ăn, xơi mất mấy con tôm bể một cách cực kỳ ngon lành đúng kiểu một người đàn bà đang bị xúc động mạnh. Vừa nhai nhồm nhoàm Becky vừa kể lại cho Rawdon nghe về cuộc gặp gỡ vừa qua với bà Briggs. Rêbeca tỏ ý hy vọng rất nhiều làm cho anh chàng cũng lấy phần hào hứng. Xưa nay vẫn thế, buồn hay vui, cô vợ vẫn có cách làm cho chồng phải bắt chước theo mình.

– Mình yêu ơi, ngồi vào bàn viết ngay hộ em một lá thư cho bà Crawley đi. Mình sẽ nói rằng mình ngoan thật là ngoan, đại khái như vậy.

Thế là Rawdon ngồi vào bàn viết ngoay ngoáy:

Brighton, thứ năm…

– Cô thân yêu của cháu…

Viết đến đây anh chàng sĩ quan hào hiệp không tưởng tượng ra được lời nào nữa. Anh cắn bút nhìn vợ. Chị vợ thấy mặt chồng dài ra không sao nhịn được cười, bèn chắp hai tay sau lưng đi đi lại lại trong phòng đọc cho chồng viết tiếp như thế này:

Trước khi giã từ nước nhà ra đi dự trận, lần này rất có thể cháu gặp sự rủi ro…

– Cái gì?

Rawdon ngạc nhiên hỏi lại, nhưng cũng thấy ngay ý nghĩa khôn khéo của câu nói, vừa cười vừa viết tiếp:

Rất có thể cháu gặp sự rủi ro; cháu đến đây…

Ông sĩ quan ngự lâm ngắt lời:

– Becky, sao không viết: đến ở đây? Đến ở đây cũng đúng ngữ pháp chứ sao?

Rebecca giậm chân xuống đất, nhắc lại:

Cháu đến đây để từ biệt cô, người bạn thân thiết và cũng là người bạn đầu tiên trong đời. Trước khi phải xa cách cô, rất có thể xa cách mãi mãi, một lần nữa, cháu thiết tha xin cô cho phép được siết chặt bàn tay đã ban cho cháu bao niềm hạnh phúc trong đời cháu.

– Bao nhiêu hạnh phúc trong đời cháu.

Rawdon lặp lại câu nói, vừa nguệch ngoạc viết vừa lấy làm ngạc nhiên, không hiểu sao mình lại viết quá dễ dàng như vậy.

Cháu chỉ cầu xin cô có một điều thôi, nghĩ là khi chia tay, cô đừng giận cháu nữa. Cháu cũng thừa hưởng được truyền thống kiêu hãnh của dòng họ cao quý nhà ta, nhưng không phải trong tất cả mọi vấn đề. Cháu đã cưới con gái một họa xĩ làm vợ, song cháu không hề sấu hổ vì việc ấy…

Rawdon vội kêu lên:

– Không, nếu tôi có xấu hổ thì cứ đâm tôi một nhát đao cho chết tôi.

Rebecca bẹo tai chồng, cúi xuống ngó xem anh chàng có phạm lỗi chính tả nào không, tiếp:

– Ông nỡm ơi, họa sĩ phải viết s, và xấu hổ thì viết x chứ.

Anh chồng chữa lại, hết sức thán phục sự hiểu nhiều biết rộng của cô giáo yêu quý. Rebecca đọc tiếp:

– Cháu cứ tưởng rằng cô cũng chẳng lạ gì tình gắn bó của chúng cháu vì chính bà Bute Crawley đã khuyến khích chúng cháu. Nhưng chúng cháu cũng không trách bà ấy. Cháu đã cưới một người vợ nghèo, nhưng cháu sẵn sàng chịu trách nhiệm về việc cháu làm. Cô thân yêu ơi, còn việc chia gia tài thì xin cứ tùy cô, cháu sẽ không bao giờ phàn nàn lấy nửa lời.

Cháu muốn cô tin rằng cháu quý cô không vì tiền bạc. Trước khi từ giã nước Anh, cháu muốn cô cháu mình hòa thuận với nhau như xưa. Xin cô cho cháu được gặp mặt trước khi lên đường. Biết đâu vài tuần, vài tháng nữa chẳng là quá muộn, cháu sẽ không có cái sung sướng được cô ban cho một lời từ biệt khi rời bỏ xứ sở ra đi.

Becky ngọt ngào nói:

– Bà ấy không nhận ra được lời lẽ của em đâu; em đã cố đọc những câu ngắn ngủi, cộc lốc…

Bức thư được gửi cho bà Briggs. Bà Briggs lấy điệu bộ hết sức bí mật vừa trao cho bà Crawley bức thư, vừa nói mấy lời đơn giản, ngây thơ:

– Bà Bute đi rồi, chúng mình có thể đọc thư này được đấy!

Nghe vậy, bà Crawley nói:

– Bà Briggs đọc cho tôi nghe nào.

Nghe bà Briggs đọc xong, bà Rawdon lại cười phá ra.

Thấy bà Briggs có vẻ rất cảm động vì lời lẽ trung thực, ân cần trong thư, bà chủ nói:

– Bà nỡm ơi, không thấy à? Có phải lời lẽ của thằng Rawdon đâu. Suốt đời nó chỉ viết thư cho tôi để xin tiền; mà thư nó viết thì từ đầu chí cuối đầy rẫy nào lỗi chính tả, nào gạch xóa, nào lỗi ngữ pháp; lại cái con rắn độc kia xỏ dây vào mũi nó rồi đây.

Bà Crawley nghĩ thầm: “Chúng nó cùng một giuộc như nhau cả. Đứa nào cũng muốn mình chết để chia của”. Im lặng một lúc, bà nói tiếp, giọng hết sức điềm tĩnh:

– Nói cho cùng, gặp thằng Rawdon cũng chẳng sao; bắt tay từ biệt nó một cái cũng chẳng mất gì cơ mà. Miễn là đừng có chuyện rắc rối, thì gặp mặt nó một tý cũng không sao. Nhưng con người ta chịu đựng cũng có giới hạn chứ; bà nhớ hộ rằng, tôi trân trọng yêu cầu “bà Rawdon” tránh mặt tôi cho…tôi nhất định không thể nhìn mặt bà ấy được.

Bà Briggs đành bằng lòng với thái độ tha thứ nửa vời của bà chủ. Bà ta nghĩ rằng muốn cho hai cô cháu làm lành với nhau, tốt nhất là xui Rawdon rình ở ngoài mỏm núi, chỗ hàng ngày bà Crawley hay ngồi ghếch bánh xe ra đó hóng mát.

Và hai cô cháu đã gặp nhau ở đó. Không rõ khi thấy mặt thằng cháu yêu quý ngày xưa, trong thâm tâm bà Crawley có chút nào cảm động không, nhưng bà cũng chìa hai ngón tay ra cho anh cháu bắt, miệng mỉm một nụ cười rất tươi, y như hai cô cháu chỉ mới xa nhau ngày hôm trước. Còn Rawdon thì đỏ tía mặt lên, vì bối rối và quá sung sướng; anh chàng nắm ngay lấy tay bà Briggs mà rung tít lên. Có lẽ anh ta cảm động vì tiền, cũng có thể vì quý cô; hoặc giả có khi anh ta thấy sau trận ốm mấy tuần qua, cô mình trông tiều tụy quá mà xúc động chăng.

Về nhà, kể lại cuộc gặp gỡ cho vợ nghe anh ta nói:

– Bà lão chơi cho mình một vố ác quá. Tôi tự cảm thấy lố bịch thế nào ấy. Tôi đi kèm bên cái ghế quỷ quái của bà lão đến cửa nhà; thế rồi bà Briggs ra đỡ bà cụ vào. Tôi cũng muốn vào trong nhà, nhưng mà…

Cô vợ rít lên:

– Thế ra anh không vào à, Rawdon?

– Không, mình ạ; lúc ấy nếu tôi mà không run bắn người lên thì tôi cứ chết đâm chết chém”!

– Đồ ngốc! Lẽ ra anh phải vào trong nhà, rồi nhất định ở lỳ đấy không ra nữa mới đúng.

Anh chàng sĩ quan ngự lâm to lớn xịu mặt nói:

– Thôi đừng rủa tôi nữa Becky. Có lẽ tôi là đồ ngốc thật, nhưng mình không được nói thế mới phải.

Và anh chàng cau có nhìn vợ một cách dữ tợn, trông không lấy gì làm dễ chịu lắm. Rebecca vội tìm cách vuốt ve cho anh chàng thô lỗ bớt giận:

– Thôi, anh yêu ơi, ngày mai anh phải cẩn thận hơn nhé. Bà cụ có cho gọi hay không cũng mặc, cứ đến thăm như thường.

Anh chồng đáp rằng sẽ tùy thích làm theo ý riêng, và yêu cầu vợ từ giờ ăn nói phải biết giữ mồm giữ miệng một tý. Đoạn anh chồng bị chạm tự ái bỏ đi chơi bi-a suốt buổi chiều, lúc nào vẻ mặt cũng lầm lỳ, im lặng và cáu bẳn.

Nhưng cũng vẫn như mọi khi, chỉ đến đêm là anh chàng đành chịu công nhận vợ khôn ngoan sáng suốt hơn mình; anh ta vô cùng buồn rầu vì phải công nhận rằng vợ mình có lý: cô ta đã linh cảm thấy cái hậu quả tai hại do việc làm của chồng gây ra.

Nhất định bà Crawley phải xúc động ít nhiều khi gặp lại mặt cháu sau một thời gian dài xa cách vì xích mích.

Bà ta đã nhiều lần mơ màng nhớ lại cuộc gặp gỡ đó. Bà nói với bà Briggs:

– Trông thằng Rawdon béo ra và già đi nhiều nhỉ. Mũi nó đỏ rói, trông mẽ nó hồi này xuống tệ; lấy con bé ấy làm vợ nó đâm ra bệ rạc quá. Bà Bute bảo rằng hai đứa vẫn uống rượu với nhau, có nhẽ đúng. Phải, gần nó, sặc mùi rượu mạnh đến khiếp. Bà không thấy à?

Bà Briggs cố cãi rằng bà Bute vẫn có thói nói xấu tất cả thiên hạ, nhưng vô ích; theo thiển ý của một người tầm thường bề dưới như bà, bà thấy bà Bute là một…

– Là một người đàn bà xảo quyệt chứ gì? Phải có thế, bà ấy có hay nói xấu người khác thật, nhưng tôi vẫn chắc chắn rằng chính con kia đã làm cho thằng Rawdon sinh rượu chè nghiện ngập. Cái bọn con nhà hà tiện chúng nó vẫn thế…

Bà Briggs đáp:

– Thưa bà, được gặp lại bà, anh ấy cảm động lắm. Tôi chắc rằng khi bà nghĩ đến lúc anh ấy sắp ra trận gặp bao nguy hiểm…

Bà gái già bỗng đùng đùng nổi giận, kêu váng lên:

– Bà Briggs, nó hứa cho bà bao nhiêu tiền đấy, y như rằng lại bắt đầu khóc rồi. Tôi ghét cái thói giả dối ấy lắm. Sao lúc nào cũng cứ làm phiền tôi? Đi về buồng mà khóc, rồi gọi Firkin cho tôi… thôi, ở lại đây; ngồi xuống, hỉ mũi đi, đừng khóc nữa; rồi viết hộ tôi một lá thư cho đại úy Crawley.

Bà Briggs đáng thương ngoan ngoãn ngồi xuống trước bàn viết. Trên bàn vẫn còn mấy tờ giấy đầy những dòng chữ viết ngoáy, nét chữ cứng cáp mạnh mẽ của bà Bute Crawley để lại.

– Viết đi: “Thưa ngài thân mến”, hay là “ngài thân mến”, thế phải hơn. Viết rằng theo lời bà Crawley yêu cầu. Không! Viết rằng theo lời ông Creamer, thầy thuốc của bà Crawley thì những sự xúc động quá mạnh rất nguy hiểm cho sức khỏe của tôi, vì vậy, tôi không thể dự những cuộc bàn cãi về công việc gia đình, cũng không thể gặp gỡ ai được. Cảm ơn hắn ta về cuộc thăm viếng vừa rồi, và bảo hắn đừng hy vọng tôi giúp đỡ tiền nong nữa. Bà Briggs, viết thêm rằng tôi chúc hắn đi đường mạnh khỏe, và nếu hắn quá bộ đến thăm viên luật sư riêng của tôi ở công viên khách sạn Gray, sẽ có thư gửi cho hắn. Được lắm, thế là ổn; hắn sẽ phải bỏ Brighton mà đi.

Bà Briggs ngoan ngoãn viết lá thư theo đúng ý bà chủ.

Bà này lại tiếp:

– Bà Bute ra đi mới đúng một ngày mà đã đến quấy rầy tôi rồi, thế thì quá lắm. Bà Briggs, viết thư cho bà Bute Crawley, bảo rằng không cần bà ấy trở lại đây làm gì…không cần trở lại mà cũng không thể trở lại được nữa đâu. Tôi không muốn làm một kẻ nô lệ ngay chính trong nhà này. Tôi không muốn bị nhịn đói, và bị đầu độc. Tất cả chúng nó, đứa nào cũng muốn giết tôi… tất cả… tất.

Nói đoạn, người đàn bà già nua trơ trọi rũ ra khóc thảm thiết.

Màn cuối cùng của tấn hài kịch đáng ghê sợ có bà ta sắm vai trong Hội chợ phù hoa cũng sắp kết thúc; dẫy đèn sáng rực rỡ đã tắt dần từng ngọn, từng ngọn một, và tấm màn tối tăm sẵn sàng buông xuống rồi.

Hai vợ chồng Rawdon đọc đến đoạn cuối cùng của lá thư, thấy lời lẽ bà Briggs rất ngọt ngào nói về việc mời Rawdon đến tìm viên luật sư riêng của bà Crawley ở Luân- đôn, thì cũng thấy được an ủi đôi phần, tuy rằng mới đầu cũng thất vọng vì bị bà cô từ chối không tha thứ tội lỗi cũ.

Thế là mưu mẹo của bà lão muốn sớm tống cổ Rawdon về Luân-đôn thành công.

Anh ta có món tiền được bạc của Joe và của Osborne, bèn thanh toán tiền khách sạn. Ông chủ khách sạn đâu ngờ rằng cho đến ngày hôm ấy, ông mới chắc chắc được trả tiền sòng phẳng. Bởi vì, cũng giống như một viên tướng gửi lại hành lý về hậu tuyến trước khi bắt đầu trận đánh, Rebecca đã khôn ngoan gói ghém tất cả mọi thứ đáng tiền giao cho thằng hầu của George gửi về Luân-đôn bằng xe ngựa và trông nom hộ. Ngày hôm sau, Rawdon và vợ cũng dùng xe ngựa về nốt. Rawdon nói:

– Tôi vẫn muốn gặp mặt bà lão một tý trước khi đi.Trông bà ấy rầu rĩ, tiều tụy quá, nhất định không thọ thêm được mấy tý đâu. Không biết cái ngân phiếu đáng giá bao lăm? Độ hai trăm đồng nhỉ? Không có lẽ lại dưới hai trăm đồng, phải không, Becky?

Vì được hai người phụ tá của ông Moss quá bộ đến thăm luôn, nên hai vợ chồng Rawdon không về nhà ở Brighton, mà đến trọ tại khách sạn. Sáng sớm hôm sau, Rebecca đã có dịp gặp lại mấy ông khách quý ấy lúc đang trên đường đến nhà bà Sedley ở Funham để thăm cô bạn Amelia và mấy người bạn ở Brighton. Nhưng đám bè bạn của cô đã đi Chatham rồi; từ Chatham họ đi Harwich để lên tàu sang Bỉ cùng với trung đoàn thứ… chỉ còn lại một mình bà lão Sedley trơ trọi khóc lóc vì đau khổ. Trở về nhà, Rebecca thấy chồng cũng vừa đến công viên khách sạn Gray về. Anh ta cáu quá vì đã rõ số phận mình:

– Trời đất ơi, Becky, mụ ấy thí cho mình có hai mươi đồng bạc.

Trước sự thất vọng của Rawdon, Becky cũng phải phá ra cười vì tuy bị đánh lừa, nhưng cô cũng công nhận bà lão là người đa mưu.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận