Ngay sau buổi tái ngộ với cố nhân tại bàn quay số, Joe ăn mặc thật chải chuốt thật chỉnh tề, mới sáng sớm đã thấy đứng trước cửa khách sạn “Con Voi” hỏi thăm rồi. Anh ta thấy chẳng cần kể lại với ai trong gia đình về câu chuyện gặp gỡ tối hôm trước, cũng chẳng muốn để ai cùng đi với mình. Nhân dịp có đại hội, khách sạn này cũng chật ních những khách, dãy bàn kê ngoài thềm khách ngồi quây xung quanh hút thuốc lá và uống rượu bia. Trong phòng khách sạn khói thuốc bay mù mịt; với điệu bộ long trọng thường ngày, Joe đem hết cái vốn liếng tiếng Đức nghèo nàn của mình ra để hỏi thăm người đẹp mình đang muốn tìm; người ta mách rằng phải leo lên tận tầng trên cùng của khách sạn. Tầng thứ nhất là chỗ ở của người bán hàng rong; họ đang bày ra đủ các thứ đồ trang sức và các loại gấm để chào khách. Tầng thứ hai là Sở chỉ huy () của công ty phụ trách các trò chơi may rủi trong đại hội. Một đám lốc nhốc toàn những tài tử “Bôhêm” nổi tiếng làm trò nhào lộn ngụ ở tầng thứ ba. Thành ra Becky đành phải ngụ ở tầng trên cùng.
Những căn buồng bé tý ở đây dành cho các cậu sinh viên, các tay làm nghề chào hàng, các bác bán hàng vặt và những nông dân các nơi kéo về xem hội. Chưa bao giờ thấy một mỹ nhân phải chui rúc ở một nơi bẩn thỉu đến thế.
Nhưng Becky rất bằng lòng; cô ta cảm thấy hết sức thoải mái giữa đám người sống ở đây, nghĩa là các bác bán hàng rong, các nghệ sĩ nhào lộn, các cậu sinh viên,v..v… Cô ta thừa hưởng được cái tính bừa bãi lang thang “gia truyền”, vì cả bố và mẹ cô ta đều là những tay “Bôhêm” do hoàn cảnh tạo nên đồng thời cũng do sở thích. Nếu như không có mặt nhà quý tộc đứng đấy, Becky sẵn sàng trò chuyện với tên gia nhân một cách cực kỳ thân mật. Ngay những khi gặp vận áo xám, không còn lấy một đồng một chữ để trả tiền trọ, Becky cũng vẫn cảm thấy người mình rậm rật một cách thú vị vì bị kích thích bởi cái ồn ào sôi nổi của khách sạn, cái không khí hút sách chè chén, những tiếng trò truyện tục tĩu của các bác bán hàng rong người Do-thái, cái điệu bộ long trọng, huyênh hoang của mấy tay làm nghề nhào lộn đáng thương, cái ngôn ngữ bí hiểm của bọn nhà cái chuyên nghiệp cờ bạc, những bài hát và lối ăn nói một tấc đến trời của các cậu sinh viên. Bây giờ cái không khí ồn ào ấy đối với Becky càng đáng yêu biết bao.
Joe vừa leo hết bậc thang cuối cùng, mệt bở hơi tai, tưởng không thở được nữa; anh ta đứng ở đầu cầu thang rút khăn tay lau mồ hôi rồi mới đi tìm phòng số 93 tức là cái tổ của con chim xanh anh ta đang tìm đến. Cánh cửa gian phòng số 90 để mở, Joe nhìn vào thấy có một cậu sinh viên đi ủng cao cổ, bận một chiếc áo dài () cáu ghét để phanh ngực không cài khuy đang nằm ườn ra trên giương mồm ngậm một chiếc tẩu thuốc dài ngoẵng. Một cậu sinh viên khác có bộ tóc bờm sờm, mặc một chiếc áo rất đẹp mà cũng rất bẩn đang quỳ trước cửa phòng số 92, ghé mồm vào lỗ khoá kêu ầm lên mà khẩn khoản điều gì với người ở trong phòng. Có tiếng người nói ra, giọng nói quen thuộc làm cho Joe hồi hộp làm sao:
– Thôi xéo đi, tôi sắp có khách đây. Ông nội tôi sắp đến chơi, đừng có giơ cái mặt ra để ông nội tôi nom thấy.
Cậu sinh viên đang quỳ mọp, có bộ tóc soăn soăn màu nâu, tay đeo những chiếc nhẫn kếch xù, gào ầm lên.
– Nàng tiên Anh-cát-lợi của tôi ơi! Hãy thương chúng tôi một tý nào. Thì hẹn cho chúng tôi gặp lúc khác vậy. Thế nào cũng ra công viên chén với tôi và Fritz một chầu nhé. Chúng mình sẽ gọi rượu mạnh, chim quay, pa-tê và cả rượu vang Pháp nữa. Nàng không bằng lòng thì chúng tôi chết ngay cho mà xem đây này. Phải chúng tôi chết thật đấy.
Vị quý tộc trẻ tuổi nằm dài trên giường cũng góp ý kiến, Joe nghe loáng thoáng câu chuyện họ nói với nhau vừa rồi, nhưng không hiểu rõ ý nghĩa, vì anh ta chưa bao giờ có dịp học thứ tiếng họ dùng để trao đổi với nhau.
Thở xong, lúc đã nói được ra lời, Joe mới lấy điệu bộ thật đường bệ, hỏi:
– Làm ơn tỉ đúp sú tín mui hai tua gài!()
– Sú tín mui hai ().
Anh chàng sinh viên vừa nhại vừa đứng bật dậy, nhảy biến vào trong phòng của mình, cài then cửa lại. Joe còn nghe tiếng anh ta cười rũ ra với người bạn nằm trên giường.
Trước cử chỉ kỳ quái của họ, vị công chức xứ Belgan đờ người ra vì ngạc nhiên. Vừa lúc ấy, tự nhiên thấy cánh cửa phòng số 92 mở ra, cái đầu bé nhỏ với bộ mặt láu lỉnh của Becky lấp ló sau khe cửa; nhìn thấy Joe, cô ta vội bước ra nói:
– Thì ra anh. Gớm, em đang sốt ruột lên vì đợi anh đấy. Khoan đã, đừng vào vội… chờ em một phút đã.
Cô ta quay vào vớ lấy cái bình phấn, chai rượu mạnh và chiếc khay trên có mấy miếng thịt ăn dở, nhét xuống dưới nệm giường rồi quay ra lấy cái lược chải vội mớ tóc, xong đâu đấy mới mời ông khách vào trong phòng.
Tấm áo buổi sáng cô ta bận trên người là một tấm áo ngủ rộng lùng thùng, màu hồng đã bạc phếch và dây nhiều vết bẩn, lại có cả vết kem dính nhớp nháp. Nhưng đôi cánh tay Becky lấp ló trong tay áo rộng nom thật khêu gợi, vẫn rất đẹp và trắng nõn nà.
Tấm áo có dây lưng lại bó khít lấy cái lưng thon thon, thành ra nó vẫn làm tôn vẻ đẹp của bộ mặt người mặc áo. Becky nắm tay Joe kéo vào trong phòng nói:
– Vào đây, vào đây nói chuyện với em đi. Anh ngồi xuống ghế kia.
Cô ta xiết mạnh bàn tay của anh chàng một cái, rồi vừa cười vừa đẩy anh chàng ngồi xuống ghế. Còn cô ta thì ngồi ngay lên mép giường – dĩ nhiên là không ngồi lên đống chai lọ và khay thức ăn, bạn cứ yên trí; giá Joe ngồi lên giường, thế nào anh ta cũng đè bẹp bất cả những thứ này – Becky cứ ngồi thế mà hàn huyên với cố nhân. “Bao năm qua mà anh cũng không thay đổi mấy nhỉ?”- Cô ta nói, mắt nhìn rất tình tứ.- “Em có thể nhận ra anh ngay bất cứ ở đâu”. Sống giữa đám người tứ xứ mà được nhìn lại nét mặt trung thực của người bạn cũ, thật là sung sướng quá.
Nói của đáng tội, lúc này cái bộ mặt trung thực của Joe không có những nét chất phác cởi mở mà trái lại anh chàng đang có vẻ bối rối và ngạc nhiên. Anh chàng cứ ngẩn người ra mà ngó cái gian phòng kỳ quái, nơi cố nhân của mình chọn làm tổ ấm. Một chiếc áo vắt ở thành giường, một chiếc khác móc ngay vào quả đấm sứ ở cánh cửa. Chiếc mũ của Becky che lấp một nửa tấm gương trên bàn, kê sát giường, vứt lăn lóc một cuốn tiểu thuyết Pháp, cạnh một cây nến, không phải thứ nến làm bằng sáp ong, Becky định nhét nốt cả cuốn sách xuống nệm giường, nhưng vội quá nên chỉ lấy mảnh bìa vẫn dùng để chụp lên cây nến tắt đi trước khi ngủ để che lấp. Becky nói tiếp:
– Em có thể nhận ra anh ngay bất cứ ở đâu; có những điều mà đàn bà chúng em không bao giờ quên được. Vả lại, chính anh là người đầu tiên em… em biết đến trong đời.
Joe đáp:
– Tôi à? Có thật không? Lạy Chúa; thế mà cô chẳng nói cho tôi biết.
Becky đáp:
– Hồi em ở Chiswick cùng em gái anh đến nhà ta, em còn trẻ con lắm, đã biết gì đâu. Bây giờ chị Amelia yêu quý của em ra sao? Gớm, chồng chị ấy thật đến tồi; chị ấy đã có lần ghen với em đấy, làm như em thèm chú ý đến anh ta không bằng. Hô hô! Trong khi em đang có một người… nhưng thôi, ta chẳng nên nhắc đến chuyện cũ làm gì.
Vừa nói, cô ta vừa đưa chiếc khăn tay có viền một hàng đăng- ten tả tơi lên chùi mắt.
Rồi Becky lại nói tiếp:
– Một người đàn bà như em đã quen sống trong một xã hội khác hẳn, bây giờ lại đi chui rúc vào xó xỉnh này mà ở, chắc anh cũng thấy đáng ngạc nhiên? Anh Joseph Sedley ạ, em đã từng bị nhiều nỗi buồn phiền đau khổ giày vò. Trời đã bắt tội em phải đau khổ quá nhiều, có những lúc tưởng phát điên lên được anh ạ. Cho nên em không sao ở yên một chỗ, cứ lang thang hết chỗ này đến chỗ khác mà chẳng bao giờ có hạnh phúc. Bè bạn ai cũng phản bội em…tất cả. Trên đời này khó lòng tìm được một người đàn ông trung thực. Em là người vợ trung thành nhất đời, mặc dầu em lấy chồng là cực bất đắc dĩ, vì đó là do sự sắp đặt của người khác… Nhưng anh chả cần để ý đến những chuyện ấy làm gì. Lòng em thành thực, thế mà anh ấy nỡ chà đạp em, nỡ ruồng rẫy em. Em là một người mẹ yêu quí con nhất đời. Em chỉ có một đứa con duy nhất, đứa con yêu dấu, nó là nguồn hy vọng độc nhất, là niềm vui sướng độc nhất em ủ ấp bên trái tim với tấm tình mẫu tử nồng nàn nhất trong đời… nó là cả cuộc đời của em, là… là hạnh phúc của em; thế mà họ nỡ… nỡ cướp nó mang đi… họ đã cướp nó mang đi…
Cô ta áp bàn tay lên trái tim, dáng điệu tuyệt vọng vô cùng cảm động, rồi gục mặt xuống, nệm giường một lúc.
Chai rượu mạnh giấu dưới nệm chạm vào cái khay đựng mẩu xúc xích ăn dở kêu lanh canh. Chắc hẳn hai thứ này thấy chủ đau đớn quá, cũng bị xúc động. Hai cậu sinh viên Max và Fritz đang ghé tai vào sát cửa ngạc nhiên lắng nghe tiếng Becky nức nở khóc trong phòng. Cả Joe nữa, thấy cố nhân của mình trong tình trạng đáng thương như vậy anh ta vừa hốt hoảng vừa cảm động. Bấy giờ Becky mới bắt đầu kể lại cuộc đời của mình…nghĩa là cô ta dựng lên một câu chuyện có đầu có đuôi, một câu chuyện rất đơn giản, tự nhiên, đủ khiến cho người nghe thấy rõ như ban ngày rằng ví thử có một vị thiên thần bận áo trắng nào từ thiên đường bị giáng xuống trần để chịu đựng tất cả những sự đau khổ do âm mưu đen tối của bọn quỷ sứ trên mặt đất gây ra, thì chính là con người trong trắng… con người khốn cực, kẻ tử vì đạo “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” trước mặt Joe, đang ngồi trên giường và cưỡi lên một chai rượu mạnh.
Hai người ngồi trong phòng thân mật trò chuyện tâm tình với nhau rất lâu. Trong câu chuyện, Becky tìm cách ngỏ cho Joe Sedley biết (nhưng rất khéo léo, không làm cho anh ta mếch lòng hoặc sợ hãi) rằng trái tim cô ta đã rung động lần đầu tiên khi tiếp xúc với chàng trai trẻ đầy hấp dẫn này, rằng George Osborne quả có cái ý định kỳ quái là ve vãn cô ta, vì thế Amelia mới nổi ghen, và giữa hai chị em bạn mới có sự xích mích nho nhỏ. Becky nói thêm rằng mình không bao giờ có ý khuyến khích mối tình của anh chàng sĩ quan bất hạnh, và từ buổi gặp gỡ lần đầu tiên đến nay, không giờ phút nào Becky không nghĩ đến Joe; lẽ dĩ nhiên không phải vì thế mà cô ta không làm trọn bổn phận của một người vợ hiền; bổn phận ấy Becky vẫn làm đầy đủ, và rất sẵn sàng thực hiện cho tới ngày mình trút hơi thở cuối cùng, hoặc cho tới ngày cái khí hậu nổi tiếng khủng khiếp nơi trung tá Crawley nhậm chức kia sẽ giải thoát cho cô ta khỏi cái ách gia đình đã trở thành quá sức chịu đựng vì tính tình tàn nhẫn của người chồng.
Joe từ biệt ra về, hoàn toàn yên trí Rebecca là một người đàn bà đức hạnh nhất, đồng thời cũng duyên dáng đáng yêu nhất đời; anh ta sắp sẵn trong đầu hàng chục kế hoạch từ thiện nhằm xây dựng tương lai cho người bạn gái. Phải chấm dứt hẳn sự hành hạ ấy đi mới được. Phải trả Becky lại cho xã hội thượng lưu, vì trong xã hội ấy cô ta là một vật trang sức; Joe phải đích thân thu xếp tất cả mọi sự, lo liệu cho Becky rời bỏ chỗ này, đến ở một nơi yên tĩnh hơn; Amelia sẽ đến thăm và nối lại tình bạn, Joe phải đi sắp xếp ngay và trao đổi với viên thiếu tá về việc này. Lúc hai người từ biệt nhau, Becky khóc sướt mướt tỏ lòng biết ơn, xiết chặt lấy bàn tay của anh chàng béo phị, còn Joe thì cúi rạp xuống mà hôn hai bàn tay Rebecca.
Và khi Joe bước ra khỏi gian phòng xép bé tý, Becky cúi rạp xuống mà chào, dáng điệu lịch sự như thể đang tiễn anh ta ra khỏi một cung điện lộng lẫy. Vị khách to béo vừa khuất bóng dưới cầu thang, đã thấy hai cậu sinh viên Max và Fritz mồm ngậm tẩu thuốc chui ra khỏi phòng. Becky vừa tiêu thụ nốt bữa ăn nguội gồm mấy miếng bánh mì vừa làm điệu bộ bắt chước cử chỉ của Joe cho họ xem, có vẻ khoái trí lắm. Joe đến chỗ Dobbin ở, lấy dáng điệu thật long trọng, kể lại với bạn câu chuyện cảm động vừa được nghe; lẽ dĩ nhiên anh chàng không hé răng nói nửa lời về chuyện đánh bạc tối hôm trước. Hai người bạn của chúng ta châu đầu lại bàn tán với nhau xem có cách gì giúp ích được cho Becky không; trong khi ấy cô ta ung dung chén nốt bữa điểm tâm có thịt () đang ăn dở ban nãy.
Vì đâu mà Becky lưu lạc đến tận cái thị trấn nhỏ bé này? Vì đâu mà cô ta phải sống trơ trọi, không bè bạn thân thích, cứ lang thang một mình, nay đây mai đó? Thì ngay khi mới đi học, trẻ em đã chẳng thấy trong sách tập đọc tiếng La-tinh có nói đến cái dốc Avernus (). Chúng ta hãy bỏ qua thời kỳ Becky bị trôi tuột xuống cái dốc ấy không cần nhắc lại làm gì. Nói cho đúng thì bây giờ cô ta cũng chẳng đê tiện gì hơn so với thời kỳ việc “làm ăn” còn đang “gặp vận”… Có điều hơi kém may mắn chút ít mà thôi.
Amelia vốn là người tính tính hiền hậu, hiền hậu quá, có thể nói là dại dột, mỗi khi nghe nói có một người lâm vào cảnh không may, lập tức cô thương cảm đến muốn chảy nước mắt ngay. Và cũng bởi lẽ từ thuở lọt lòng mẹ đến giờ, bản thân cô chưa hề làm một việc gì, hoặc có một ý nghĩ gì xấu xa, cho nên đối với kẻ phạm điều tội lỗi, cô không có cái thái độ ghê tởm đặc biệt của một số các nhà luân lý từng trải hơn cô nhiều. Cô đối đãi rất nhã nhặn, cô chúc tụng tất cả mọi người tiếp xúc với mình…Cô xin lỗi cả bọn đầy tớ mỗi khi kéo chuông gọi họ sai bảo… Cô cảm ơn người bán hàng đã cho mình xem một mảnh lụa… Cô cúi chào cả một người quét đường, và lịch sự khen khu vực ngã ba đường của anh ta chăm sóc rất đẹp mắt… Amelia có thể làm tất cả những công việc vớ vẩn như vậy đấy, cho nên thấy một người bạn cũ của mình gặp cảnh sa sút, làm sao cô khỏi xúc động? Mà không cứ là bạn cũ, thấy ai khổ sở, Amelia cũng thương. Một xã hội tổ chức theo nguyên tắc của tình thương như thế, có lẽ không được trật tự lắm, nhưng ở đời, không mấy người đàn bà, nhất là trong số những người cầm quyền, được như Amelia. Tôi có cảm tưởng rằng ví thử Amelia có quyền hành, chắc cô sẽ huỷ bỏ hết mọi trại giam, mọi sự trừng phạt, mọi thứ xiềng xích, roi vọt, mọi sự nghèo khổ, ốm đau, đói rách trên đời.
Hơn nữa, Amelia “đụt” đến mức – chúng ta đành phải thú thực điều này – bị sỉ nhục tàn nhẫn cô cũng có thể quên ngay được.
Anh chàng thiếu tá không có vẻ quan tâm lắm đến câu chuyện tái ngộ đầy thi vị của Joe như vị công chức xứ Belgan. Trái lại, thái độ của Dobbin còn có vẻ bực bội. Anh ta thốt ra mấy câu nói không thích hợp lắm đối với hoàn cảnh một người phụ nữ gặp cơn hoạn nạn:
– Thế là lại chạm trán với con bé quỷ quái ấy.
Từ trước đến nay, chưa bao giờ Dobbin có lấy được tý chút cảm tình với Rebecca, mà có thể nói ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên, khi đôi mắt xanh thẳm của Becky nhìn vào mắt anh rồi lại lảng đi nơi khác; anh ta đã có ý ngờ vực rồi. Dobbin nói trắng ra chẳng cần dè dặt gì với các bạn thế này: “Cái con quỷ cái ấy đi đến đâu là đem theo tai họa đến đấy. Ai biết được hiện nay cô ta sinh sống ra sao. Cô ta lang thang một mình ở đây làm gì? Thôi xin anh đừng nói đến chuyện bị hành hạ, bị thù ghét nữa đi. Đàn bà đứng đắn, ai là chẳng có bè bạn, và có bao giờ lại cắt đứt hoàn toàn quan hệ với gia đình. Thử hỏi tại sao cô ta bỏ chồng? Vâng, tôi công nhận anh nói đúng; hắn có thể là con người tồi tệ, không ra gì, xưa nay hắn vẫn như thế. Tôi quên sao được trước kia thằng cờ bạc bịp ấy vẫn bịt mắt George lấy tiền bỏ túi. Việc hai vợ chồng nhà ấy bỏ nhau vì câu chuyện bẩn thỉu ra sao, người ta chả đồn ầm lên là gì? Tôi biết, tôi biết lắm.” Dobbin bảo bạn vậy, mặc dầu xưa nay anh ta không phải là người hay chú ý đến những lời miệng thế gièm pha. Joe ra sức biện hộ rằng Becky là một người đàn bà đức hạnh mà phải chịu đựng sự bất công của người đời về mọi mặt, nhưng vô ích.
Anh chàng thiếu tá giở khoa ngoại giao khéo léo của mình ra:
– Được, được lắm, chúng ta hỏi ý kiến chị George xem xao? Hãy để chị ấy quyết định hộ. Tôi nghĩ rằng dù sao anh cũng tin ở sự phán đoán của Amelia, cô ấy có thể phân biệt sai đúng.
Joe vẫn không tương đắc với em gái, đáp:
– Hừ! Emmy thì biết quái gì!
Dobbin phản đối ầm lên:
– Biết quái gì à? Trời đất ơi ! Thưa ngài, đó là người đàn bà khôn ngoan nhất tôi gặp trong đời đấy ạ. Tôi xin nhắc lại rằng chúng ta chỉ cần đến hỏi ý kiến Amelia xem có nên đến thăm cô kia không… Tuỳ chị ấy quyết định, thế nào tôi cũng xin vâng.
Trong thâm tâm anh chàng thiếu tá khôn ngoan đáng ghét này chắc mẩm thế nào mình cũng thắng, vì anh ta còn nhớ đã một hồi Emmy khổ sở vì ghen với Rebecca – mà ghen cũng có lý đến nỗi cứ mỗi khi nhắc đến tên người bạn gái, Emmy lại rùng mình vì sợ hãi. Dobbin nghĩ thầm: “Đàn bà đã ghen thì đố bao giờ biết tha thứ”.
Thế là hai người bạn cùng nhau sang chỗ ở của Amelia bên kia phố, Amelia đang vui vẻ học hát với bà Strumpff.
Bà này vừa ra về, Joe lên giọng trịnh trọng như mọi khi đi vào vấn đề:
– Cô Amelia thân mến… Anh vừa gặp một câu chuyện kỳ lạ… phải, lạy chúa… một câu chuyện kỳ lạ nhất đời… một người bạn cũ, phải,… một người bạn cũ thân quý nhất của cô, có thể nói rằng một người bạn từ thờ xa xưa… cũng vừa đến đây, anh muốn cô đến gặp cô ấy một chút.
Amelia hỏi:
– Cô nào thế? Kìa, thiếu tá Dobbin, khéo làm gãy kéo bây giờ!
Dobbin đang cầm lấy sợi dây chuyền nhỏ Amelia vẫn dùng để buộc chiếc kéo vào dây lưng mà quay quay chiếc kéo, đầu cúi xuống, xuýt nữa đâm cả kéo vào mắt. Anh ta vẫn bướng bỉnh nói:
– Cái mụ đàn bà ấy tôi chúa ghét xưa nay, mà chị thì cũng không có lý do gì mà ưa mụ ta được.
Amelia đỏ bừng mặt lên, có vẻ rất xúc động :
– Rebecca phải không? Đúng Rebecca rồi.
Dobbin đáp:
– Chị đoán không sai: Bao giờ chị cũng đoán đúng.
Brussels, Waterloo, những năm quá khứ xa xưa, bao nhiêu nỗi đau buồn, bao nhiêu kỷ niệm dồn dập kéo đến choán lấy trái tim nhỏ bé của Amelia, khiến cho cô hồi hộp xúc động và đau đớn.
Emmy nói tiếp:
– Đừng bắt em đến gặp cô ta. Em không thể nhìn mặt con người ấy đâu.
Dobbin bảo Joe:
-Tôi đã bảo anh, có sai đâu.
Joe giục:
-Bây giờ cô ấy khổ lắm và…và thế đấy, khổ lắm. Cô ấy nghèo xơ xác, chẳng có ai che chở, lại ốm nữa, ốm nặng lắm, mà lại bị cái thằng chó má kia bỏ rơi nữa chứ.
Amelia kêu lên:
– Ôi chao!
Joe khéo léo tiếp tục:
– Cô ấy trơ trọi không người nương tựa, cô ấy bảo rằng chỉ có thể trông cậy vào cô nữa thôi. Emmy ạ, cô ấy khổ lắm, khổ quá, đau đớn nhiều lúc tưởng phát điên lên được ấy. Nghe chuyện mà tôi cảm động quá… thật đấy, xin lấy danh dự mà thề… Tôi có thể cam đoan rằng từ xưa đến giờ chưa có ai ngoan ngoãn chịu đựng những sự hành hạ tàn nhẫn của người đời được như cô ấy. Gia đình cô ấy đã đối đãi tàn tệ quá đáng.
Amelia nói:
– Đáng thương quá nhỉ!
Joe tiếp tục, giọng nói thấp xuống và hơi run run:
– Cô ấy bảo rằng nếu không tìm được ai là bạn trên đời này nữa thì có lẽ đến chết mất. Lạy chúa che chở cho linh hồn tôi! Cô có thể tưởng tượng được có lần cô ấy định tự tử không? Cô ấy mang theo cả chất nha phiến….tôi trông thấy cái lọ để trong phòng… căn phòng mới tồi tàn làm sao… thuê trong một khách sạn hạng bét, khách sạn “Con Voi” ấy mà, mãi tầng trên cùng sát mái nhà. Tôi đã đến đấy rồi.
Hình như câu chuyện không làm cho Amelia cảm động mấy, lại thấy cô hơi nhếch mép cười. Có lẽ Emmy đang tưởng tượng hình ảnh Joe hì hục vừa thở phì phà phì phò vừa leo lên mấy tầng thang gác.
Joe nói tiếp:
– Cô ấy sầu não đến gần hóa điên. Bao nỗi đau đớn con người ấy đã trải qua những nghe mà rợn cả tóc gáy. Cô ấy có một con trai bằng trạc tuổi thằng Georgy đấy.
Emmy đáp:
– Phải, phải, em cũng còn nhớ. Vậy rồi làm sao?
Cũng như phần lớn những anh chàng béo ị, Joe rất dễ cảm động, nghe Becky kể chuyện mình, anh ta thương lắm. Anh chàng nói thêm.
– Thằng bé xinh xắn quá, đẹp như thiên thần, trên đời không đứa trẻ nào bằng: nó quý mẹ nó như vàng. Thế mà bọn khốn nạn nhẫn tâm giằng lấy thằng bé khỏi tay mẹ nó bắt đem đi, mặc nó khóc lóc thảm thiết và rồi cũng không cho phép nó gặp mẹ lần nào nữa.
Emmy bật khóc, đứng phắt dậy:
– Anh Joseph yêu quý ơi, chúng ta lại thăm chị ấy ngay bây giờ.
Cô chạy vào căn phòng ngủ bên cạnh, lấy mũ đội, tay run run buộc giải mũ vì cảm động. Rồi cô bước ra, trên tay khoác một cái khăn san, ra hiệu cho Dobbin đi theo.
Dobbin quàng khăn san lên đầu Amelia, đó là tấm khăn san bằng lục Casơmia màu trắng chính tay Dobbin đã mua ở Ấn Độ gởi về làm quà. Anh chàng không có cách nào khác là vâng lời người bạn gái. Amelia vịn vào tay Dobbin và hai người ra đi, Joe dặn theo:
– Cô ấy ở gian phòng 92, trên tầng gác thứ tư ấy.
Có lẽ vì không muốn phải leo thang lần nữa nên anh ta ở lại nhà, đứng trong cửa sổ hướng về phía khách sạn “Con Voi” nhìn theo bạn và em gái đi qua khu chợ.
Cũng may cho Becky đang cười cợt đùa bỡn với hai cậu sinh viên trong phòng thì cô ta nhác thấy hai người từ xa tiến lại khách sạn. Họ đang tả lại hình dáng “ông nội” của Becky mà cười với nhau. Lúc Joe đến cũng như lúc Joe về, họ đều nom thấy… Becky có đủ thì giờ để tống khứ hai cậu sinh viên và thu xếp căn phòng trông cho gọn gàng trước khi ông chủ khách sạn “Con Voi” dẫn khách tới. Biết tiếng bà Osborne rất được triều đình biệt đãi, ông này có ý kính nể, đích thân dẫn “phu nhân” và “ngài thiếu tá” leo lên tầng gác chót vót sát mái nhà.
Ông chủ khách sạn gõ cửa phòng Becky, gọi:
– Thưa quý bà, thưa quá bà.
Mới hôm qua, ông ta chỉ xưng với Becky bằng “bà” và đối đãi với Becky cũng không lịch sự lắm.
– Ai đấy.
Becky ló đầu ra hỏi và khẽ kêu rú lên. Trước mắt cô ta là Emmy đang đứng run run và anh chàng thiếu tá cao lênh khênh chống cây gậy trúc.
Dobbin lặng yên đứng nhìn có vẻ rất chú ý đến cuộc gặp gỡ của đôi bạn gái. Emmy thì giang rộng cánh tay ôm chầm lấy Rebecca. Lúc ấy cô tha thứ hết cho bạn, ôm ghì lấy bạn mà hôn rất thành thực. Ôi! người đàn bà khốn nạn kia! Từ trước tới nay đã bao giờ cặp môi của mi nhận được một cái hôn trong sạch như thế chưa?