Hội Hè Miên Man

Chương 2


Miss Stein giáo huấn

Khi chúng tôi quay về Paris, trời đã trong veo, lạnh và thật đáng yêu. Thành phố tự điều chỉnh để thích nghi với mùa đông, người ta bày bán các loại củi tốt tại cửa hàng củi và than bên kia đường trên con phố chúng tôi đang ở, các quán café tử tế đặt lò than bên ngoài để sưởi ấm cho những khách ngồi dưới mái hiên. Căn hộ chúng tôi ấm áp và vui tươi. Chúng tôi đốt những viên boulet bột than vo thành nằm hình trứng trong lò sưởi, và bên ngoài phố là ánh sáng tuyệt đẹp của mùa đông.

Giờ đây hình ảnh những cây cối trụi lá nổi bật trên nền trời đã trở nên quen thuộc, và các lối đi rải sỏi chạy qua vườn Luxembourg sạch bong trong gió lạnh cắt da. Khi nhẹ nhõm ngắm nhìn, những cái cây trụi lá trông như tác phẩm điêu khắc, gió đông thổi qua các mặt hồ và những đài phun nước tung tóe nước thành tia trong ánh sáng rạng rỡ. Mọi khoảng cách giờ đây đều ngắn lại kể từ khi chúng tôi từ vùng núi trở về.

Vì có sự thay đổi độ cao, những con đường đồi dốc giờ không còn là vấn đề, ngược lại, tôi còn thấy dễ chịu, việc leo lên tầng cao nhất của khách sạn để làm việc trong căn phòng nhìn ra lớp lớp những mái nhà và ống khói nhô lên từ ngọn đồi cao của khu phố là một điều dễ chịu. Lò sưởi hoạt động tốt khiến căn phòng ấm áp, thật tuyệt để ngồi viết. Tôi đem theo cam và hạt dẻ nướng trong túi giấy, và mỗi khi đói lại bóc những quả cam bé như quả quất rồi ném vỏ và nhổ hạt vào lửa khi ăn, cũng như đống hạt dẻ. Bao giờ đi bộ và cái lạnh và làm việc cũng khiến tôi đói. Trong phòng có chai rượu anh đào chúng tôi đem từ núi về và tôi uống một ngụm kirsch mỗi khi viết đến đoạn kết của truyện, hoặc vào cuối mỗi ngày làm việc. Kết thúc một ngày viết, tôi cất cuốn sổ tay hoặc giấy vào ngăn kéo bàn và cho phần cam còn lại vào túi. Nếu không, ở trong phòng chúng sẽ đông cứng lại vào ban đêm.

Cảm giác thật tuyệt vời khi ta đi xuống từng ấy lượt cầu thang dài và biết mình vừa có được may mắn trong công việc. Tôi luôn viết cho đến khi hoàn thành một cái gì đấy và chỉ dừng lại khi biết câu chuyện tiếp theo sẽ như thế nào. Đó là cách để đảm bảo hôm sau ta có thể nối được mạch viết cũ. Nhưng cũng có khi bắt đầu viết một truyện mới tôi không biết diễn tiến sẽ ra sao, những lúc ấy tôi ngồi trước lò sưởi, vắt nước từ vỏ những quả cam nhỏ vào mép lửa để ngắm nhìn ngọn lửa xanh kêu xèo xèo mà chúng tạo ra. Tôi đứng nhìn ra những mái nhà của Paris và nghĩ, “Đừng lo lắng. Ta vẫn luôn viết được thì giờ thế nào ta cũng sẽ viết được. Tất cả những gì ta cần là viết một câu chuyện chân thật. Phải viết ra được câu thật nhất mà ta biết.” Và thế là rốt cuộc tôi viết một câu chân thật, rồi từ đó tiếp tục. Khi ấy thì không có gì khó bởi luôn có những câu chân thật mà tôi biết, tôi đã thấy, hay tôi đã nghe từ người khác. Nếu bắt đầu viết một cách hoa lá cành, hoặc giống như ai đó đang giới thiệu hay trình bày một vấn đề, tôi thấy mình có thể cắt béng và vứt đi những thứ hoa văn trang trí, những chạm trổ cầu kỳ ấy, để bắt đầu từ câu đầu tiên rõ ý và đơn giản nhất trong những gì đã viết. Trong căn phòng ở trên cao ấy, tôi quyết định sẽ viết một truyện ngắn cho mỗi thứ mà tôi biết. Và tôi đã cố gắng thực hiện điều ấy trong suốt đời viết, đó là một thứ kỷ luật khắc nghiệt nhưng thật tốt.

Cũng trong căn phòng ấy, tôi hiểu ra rằng một khi đã ngừng bút thì không nên nghĩ về những gì đang viết nữa cho đến khi viết lại vào hôm sau. Đó là cách để tiềm thức tiếp tục làm việc nhưng cùng lúc tôi vẫn nghe được chuyện người khác và quan sát mọi thứ, hy vọng là vậy; bằng cách đó mà học hỏi thêm; và tôi đọc sách để không phải nghĩ về những gì mình đang viết, để không tự làm mòn mỏi mình. Bước xuống cầu thang khi vừa làm việc tốt xong, thứ cần cả may mắn và kỷ luật, quả là cảm giác tuyệt vời, và lúc này, tôi có thể tự do để lang thang bất kỳ đâu ở Paris.

Buổi chiều, tôi có thể theo những con đường khác nhau dẫn xuống Jardin du Luxembourg, đi qua khu vườn để đến Musée du Luxembourg, nơi trưng bày những kiệt tác hội họa mà nay hầu hết đã được chuyển về Lourve và Jeu de Paume. Hầu như ngày nào tôi cũng đến xem tranh của Cézanne, của Manet hay Monet và những họa sĩ thuộc trường phái Ấn tượng khác mà tôi biết đến lần đầu tại Viện Mỹ thuật Chicago. Từ tranh của Cézanne tôi học được một điều rằng, giữa việc viết một câu đơn giản mà chân thật và một cái truyện tầm cỡ như ta mong muốn là một khoảng cách rất dài. Tôi học được ở ông nhiều điều nhưng không biết nên diễn đạt những điều ấy như thế nào với người khác. Mặt khác đó là bí mật. Và khi Luxembourg xuống đèn, tôi sẽ đi ngược lên qua vườn và ghé vào căn hộ của Gertrude Stein ở 27 rue de Fleurus.

Vợ tôi và tôi đã tự đến giới thiệu mình với Miss Stein, bà và cô bạn sống chung rất niềm nở thân thiện và chúng tôi rất thích căn phòng lớn treo đầy kiệt tác hội họa của bà. Nếu không có cái lò sưởi rất to thì căn phòng không khác gì một trong những phòng trưng bày tranh đẹp nhất của một bảo tàng tinh tế nhất, ở đó, ta có cảm giác ấm áp dễ chịu, được phục vụ thức ăn, trà và các loại rượu chưng cất tự nhiên từ mận tím, mận vàng hay quả mâm xôi dại. Thứ rượu trong veo thơm ngát ấy được chứa trong bình thủy tinh rồi sau đó được rót vào các ly nhỏ, và cho dù làm từ quả quetsche,mirabelle hay framboise thì chúng đều có vị của các loại trái ấy, và được chuyển thành loại lửa kiềm chế trên môi người khiến ta nóng bừng và lỏng cả châu thân.

Miss Stein bề thế nhưng không cao, vóc dáng nặng nề như một nông dân. Bà có đôi mắt đẹp và khuôn mặt mạnh mẽ của người Do Thái gốc Đức, nhưng cũng có thể là của người Friuli, trang phục của bà gợi cho tôi nhớ đến hình ảnh của một bà nông dân gốc Ý, cùng khuôn mặt linh hoạt và mái tóc dày yêu kiều sống động của dân di cư mà bà vẫn vấn cao như thuở còn đi học. Bà nói huyên thuyên và trước tiên là nói về người này người nọ và nơi này nơi kia.

Bà sống chung với một phụ nữ nhỏ người có giọng nói êm ái; bà ta có làn da rất sẫm, tóc cắt theo kiểu Jeanne d’Arc như trong những minh họa của Boutet de Monvel cùng một cái mũi rất khoằm. Lần đầu tiên chúng tôi đến thăm, bà ta đang ngồi thêu, bà vừa thêu vừa để mắt đến việc sắp xếp đồ ăn thức uống và nói chuyện với vợ tôi. Bà tham gia cuộc trò chuyện này nhưng tai vẫn dõi theo hai cuộc trò chuyện khác và thường xuyên xen vào các cuộc nói chuyện không phải của bà. Sau này bà giải thích với tôi rằng bà luôn nói chuyện với các bà vợ. Những bà vợ, vợ tôi và tôi đều cảm thấy, đều được chiếu cố. Nhưng chúng tôi thích Miss Stein và bạn gái của bà, dù bà bạn ấy thật dễ sợ. Tranh và bánh và eau-de-vie (rượu mạnh) quả thật tuyệt hảo. Dường như họ cũng thích chúng tôi và đối xử với chúng tôi như với một bọn trẻ tử tế, biết cư xử và đầy hứa hẹn và tôi cảm thấy họ đã tha thứ cho chúng tôi cái tội đã yêu và đã cưới nhau – thời gian sẽ sửa chữa sai lầm đó – thế nên khi vợ tôi mời họ đến nhà dùng trà, họ đồng ý.

Khi đến căn hộ của chúng tôi, dường như họ còn thích chúng tôi hơn nữa, cũng có thể vì căn hộ quá nhỏ nên chúng tôi ngồi gần nhau hơn. Miss Stein ngồi lên cái giường đặt bệt trên sàn và bảo muốn đọc những cái truyện tôi đã viết rồi nói bà thích chúng, ngoại trừ cái truyện có tên “Up in Michigan”(Trên miệt Michigan).

“Truyện được đấy,” bà nhận xét. “Rõ là thế rồi. Nhưng inaccrochable (nghĩa đen là “bám vào”, “móc vào”). Tức là như một bức tranh họa sĩ vẽ ra nhưng không thể treo trong triển lãm, và sẽ không có ai mua vì họ cũng không biết phải treo nó như thế nào nữa.”

“Nhưng có vấn đề gì khi nó không xấu, mà chỉ là do tôi cố gắng thể hiện chính xác thứ ngôn ngữ mà người ta vẫn nói trong đời thực? Tôi dùng những từ ấy vì chỉ có chúng mới khiến cái truyện trở nên thật, làm thế là sai sao? Ta buộc phải sử dụng những từ ấy thôi.”

“Nhưng cậu chẳng hiểu gì,” bà nói, “Cậu không được viết ra những cái truyện inaccrochable. Không có ý nghĩa gì cả. Sai lầm và ngớ ngẩn.”

Bà bảo, khi bà muốn đăng truyện trên tờ The Atlantic Monthly là truyện được đăng. Theo bà tôi chưa phải là một nhà văn đủ tầm để in trên đó hay trên tờ The Saturday Evening Post nhưng tôi hoàn toàn có thể trở thành một nhà văn có phong cách với điều đầu tiên luôn phải nhớ là không được viết những truyện inaccrochable. Tôi không tranh luận và cũng không tìm cách giải thích thêm với bà chuyện này trong suốt buổi trò chuyện. Viết là chuyện riêng của tôi và ngồi nghe người khác nói vẫn hay hơn nhiều. Chiều hôm ấy bà cũng chỉ cho chúng tôi cách làm sao để mua được tranh.

“Cô cậu phải chọn hoặc mua quần áo, hoặc mua tranh,” bà nói. “Đơn giản là trừ phi có thật nhiều tiền, còn không thì chẳng thể làm cả hai thứ ấy cùng một lúc được đâu. Đừng để ý đến chuyện ăn mặc, đừng quan tâm chuyện mốt miếc này nọ, chỉ nên mua quần áo loại ăn chắc mặc bền là được, và như thế cô cậu sẽ có khoản tiền quần áo ấy để mua tranh.”

“Nhưng ngay cả khi suốt đời nhịn mua quần áo,” tôi nói, “chúng tôi cũng không đủ tiền để mua những bức tranh của Picasso mà chúng tôi rất thích.”

“Không. Ông ấy ngoài tầm của cậu. Cậu phải mua tranh của những người cùng lứa – những người cũng đi lính như cậu ấy. Cậu sẽ dễ dàng làm quen với họ thôi. Có thể gặp họ khắp nơi trong khu phố. Bao giờ cũng có những họa sĩ đầy tiềm năng. Nhưng với điều kiện là đừng phung phí tiền mua quần áo. Đó là vấn đề của vợ cậu. Quần áo phụ nữ bao giờ cũng đắt.”

Tôi để ý thấy vợ tránh không nhìn bộ quần áo kỳ dị Miss Stein đang mặc và nàng đã làm được. Khi chia tay chúng tôi vẫn thân thiện, tôi nghĩ thế, và họ mời chúng tôi đến lại 27 rue de Fleurus.

Sau đó, tôi được mời đến căn hộ của họ bất kỳ lúc nào sau năm giờ chiều vào mùa đông. Có lần tôi gặp Miss Stein trong vườn Luxembourg. Tôi không nhớ lúc ấy bà có dắt chó đi cùng không, hay vào thời điểm ấy bà có nuôi con chó nào không. Tôi chỉ nhớ tôi đi tay không vì chúng tôi không có tiền để kham nổi chó, thậm chí một con mèo cũng không, và tôi chỉ biết đến mèo ở các quán café hay trong các quán ăn nhỏ, hay là những con mèo to phát khiếp tôi vẫn thấy qua cửa sổ nhà những người gác cổng. Về sau tôi thường gặp Miss Stein dắt chó đi dạo trong vườn Luxembourg, nhưng tôi nghĩ thời điểm này là trước khi bà bắt đầu nuôi chó.

Nhưng cho dù có chó hay không có chó, tôi vẫn nhận lời mời của bà ghé qua căn hộ, và bà luôn mời tôi loại rượu eau-de-vie chưng cất tự nhiên, thúc giục tôi rót thêm, rồi tôi ngồi đấy xem tranh và trò chuyện. Tranh rất tuyệt và trò chuyện rất hợp. Hầu hết là bà nói, nói về những bức tranh hiện đại và về các họa sĩ – thường là về đời tư nhiều hơn là tác phẩm – rồi nói về công việc của bà. Bà cho tôi xem nhiều tập bản thảo bà viết mà mỗi ngày cô người tình đều đánh máy lại. Ngày nào cũng viết khiến bà thấy vui sướng, nhưng khi biết rõ về bà hơn tôi nhận ra bà chỉ vui sướng chừng nào những sản phẩm tuôn ra đều đặn mỗi ngày ấy, nhiều ít tùy vào năng lượng của bà, được xuất bản và bà phải được đón nhận.

Thời gian đầu khi tôi mới quen bà, nhu cần được in của bà chưa thành vấn đề quan trọng, vì bà đã đăng ba cái truyện ai cũng cảm nhận được. Một trong những truyện ấy, “Melanctha,” rất hay và là mẫu mực của lối viết thực nghiệm của bà, được in thành sách và được các nhà phê bình, những người đã gặp hay quen biết bà, khen ngợi. Bà có cá tính mạnh đến mức một khi đã muốn kéo ai về phía mình là bà sẽ làm được, và các nhà phê bình đã từng gặp và xem tranh của bà đều kỳ vọng vào những gì bà viết cho dù họ không hiểu, bởi họ hào hứng với con người bà và tin vào sự thẩm định của bà. Bà cũng khám phá ra nhiều nguyên lý hữu lý và hữu dụng về nhịp điệu và các cách dùng từ lặp, đồng thời bà cũng biết cách truyền đạt những khám phá ấy một cách hấp dẫn.

Mặc dù muốn in và muốn được thừa nhận nghiêm túc, nhưng bà lại ghét phải lao tâm khổ tứ sửa chữa bản thảo hay diễn đạt lại câu văn cho dễ hiểu, đặc biệt là với cuốn sách dài đến khó tin The Making of Americans.

Cuốn sách mở đầu rất tuyệt, tiếp tục với những phát triển hấp dẫn và xán lạn nhưng sau đấy trở nên dài lê thê, lặp đi lặp lại, mà một nhà văn chu đáo và bớt lười biếng hơn một chút sẽ vứt vào sọt rác. Tôi biết rất rõ vì tôi đã nhờ – ép buộc thì chắc là đúng hơn – Ford Madox Ford đăng cuốn sách thành nhiều kỳ trên tờ The Transatlantic Review, mà biết rằng hết cả đời tạp chí cái truyện cũng chưa chắc in xong. Để gửi đăng nó tôi phải đọc biên tập toàn bộ bản nháp của Miss Stein vì bà không thích làm việc ấy.

Vào cái buổi chiều lạnh giá tôi đi ngang qua nhà người gác cổng và cái sân lạnh để bước vào sự ấm áp của căn hộ ấy, những chuyện trên vẫn chưa diễn ra. Ngày hôm ấy, Miss Stein chỉ bảo tôi về tình dục. Đó là thời gian chúng tôi cực kỳ quý mến nhau và tôi hiểu rằng bất kỳ những gì mình không hiểu đều rất có khả năng liên quan đến chuyện ấy. Miss Stein cho rằng tôi thiếu giáo dục tử tế về tình dục và tôi phải thú nhận rằng tôi có một vài thành kiến chống lại chuyện đồng tính, bởi tôi mới biết một vài khía cạnh sơ khai nguyên thủy của nó mà thôi. Tôi biết vì sao mà, khi hãy là một thằng bé, bao giờ ta cũng phải kè kè con dao bên mình và sẵn sàng dùng nó mỗi khi nhập hội với bọn đầu trâu mặt ngựa, vào cái thời mà từ lóng “sói” còn chưa đủ dùng để chỉ bọn đàn ông nghiện săn đuổi phụ nữ. Tôi còn biết nhiều câu, nhiều từ lóng inaccrochable trong những ngày sống ở Kansas City cũng như biết nhiều điều khác ở các khu vực khác nhau của thành phố ấy, ở Chicago và trên những thuyền quanh hồ. Tôi cố gắng giải thích cho Miss Stein hiểu rằng, khi một thằng bé phải gia nhập thế giới của bọn đàn ông, nó phải sẵn sàng giết người, phải biết cách giết như thế nào, và nó phải thực sự tin rằng sẽ ra tay không hề ngần ngại, có thế thì bọn kia mới để yên cho nó. Chuyện ấy rất inaccrochable. Nếu ta biết là ta sẵn sàng giết người, những kẻ khác sẽ cảm nhận được điều đó ngay lập tức và buông tha; nhưng có những tình huống cụ thể mà ta không nên để mình dây vào hay bị lôi kéo vào. Chắc hẳn tôi có thể tự mình diễn tả điều đó một cách hình ảnh hơn bằng cách dùng cụm từ inaccrochable mà lũ sói vẫn dùng trên thuyền, “À mày không sợ bị cắt chim mà vẫn cứ sấn tới thì tao sẽ moi mắt mày.” Nhưng tôi luôn luôn thận trọng với ngôn từ của mình khi nói chuyện với Miss Stein, mặc dù một câu đầy chất đời có thể làm rõ hay biểu đạt tốt hơn một định kiến.

“Đúng rồi, đúng rồi, Hemingway ạ,” bà nói. “Nhưng môi trường anh sống chỉ có bọn tội phạm và đồi trụy.”

Tôi không muốn tranh cãi, mặc dù tôi nghĩ tôi từng sống trong thế giới hiện thực như nó vẫn luôn thế với đủ loại người và tôi cố gắng hiểu họ, bất chấp có những người tôi không thích và thậm chí còn ghét nữa.

“Thế thì phải nói sao về chuyện khi tôi nằm trong bệnh viện ở Ý, có một ông gì nhân cách lồng lộng, một danh nhân, đến thăm mang theo quà là một chai Marsala hoặc Campari và rất bặt thiệp, rồi đến một ngày, tôi phải yêu cầu y tá cấm cửa không cho ông ấy đến phòng tôi nữa?” tôi hỏi.

“Loại người ấy mắc bệnh bất lực, và cậu nên thương hại họ.”

“Tôi nên thương hại ư?” tôi hỏi. Hôm ấy thì tôi nói tên của ông gì ra nhưng ông ta thích tự mình trưng tên đến mức tôi cảm thấy không cần thiết phải nói tên ông ta nữa.

“Không, lão ấy sa đọa. Lão làm hỏng người khác, lão thật đồi bại.”

“Nhưng ông ấy được xem là một nhà văn có tài.”

“Không thể được,” bà nói. “Lão ấy chỉ là một tay diễn trò và thích làm hư hỏng người khác và lôi kéo họ vào những trò đồi bại. Ma túy, ví dụ thế.”

“Nhưng ở Milan ông già mà tôi nên thương hại có làm hư hỏng tôi đâu.”

“Đừng vớ vẩn. Làm sao ông ấy làm cậu hư hỏng được? Với một tay uống rượu như cậu, một chai Marsala có làm hỏng người được không? Không, đấy là một lão già đáng thương, không kiểm soát được điều mình đang làm. Lão bệnh, tuyệt vọng và cậu nên thương hại lão.”

“Lúc ấy tôi cũng làm thế,” tôi nói. “Nhưng tôi buồn vì ông ấy bặt thiệp lắm.”

Tôi nhấp một ngụm eau-de-vie, động lòng trắc ẩn với ông già ngắm bức thiếu nữ khỏa thân bên giỏ hoa của Picasso. Tôi không khơi lại chuyện và tôi nghĩ câu chuyện cũng trở nên hơi nguy hiểm rồi. Thường thì không bao giờ có khoảng lặng trong một cuộc trò chuyện với Miss Stein, nhưng lúc này chúng tôi im lặng và dường như bà muốn nói với tôi điều gì đó, và tôi rót đầy ly của mình.

“Cậu thật sự chẳng biết gì về chuyện này. Hemingway ạ,” bà nói. “Cậu gặp toàn những tay tội phạm và những kẻ bệnh hoạn, những loại hư hỏng có tên tuổi. Vấn đề mấu chốt là những gì đàn ông đồng tính làm với nhau đều rất tởm và rất phản cảm, để rồi sau đó họ ghê tởm chính họ. Họ uống rượu và chơi thuốc hòng làm giảm nhẹ điều đó đi, nhưng họ kinh tởm hành vi của họ và họ thay đổi bạn tình thường xuyên và không thể nào tìm thấy cảm giác hạnh phúc đích thực.”

“Vâng.”

“Phụ nữ thì ngược lại. Họ chẳng làm gì để phải ghê tởm và không có gì phải sợ, và sau đó họ vui vẻ và có thể sống hạnh phúc cùng nhau.”

“Vâng,” tôi nói. “Nhưng còn người này người kia thì sao?”

“Đấy là thứ gái sa đọa,” Miss Stein nói. “Thật sự sa đọa, vì thế con bé ấy sẽ không bao giờ hạnh phúc trừ phi đi với người mới. Nó hủy hoại người khác.”

“Tôi hiểu rồi.”

“Cậu có chắc là hiểu thật không?”

Trong những ngày ấy, có rất nhiều điều cần phải hiểu và tôi mừng khi chúng tôi nói về chuyện khác. Công viên đã đóng cửa thành thử tôi phải đi men theo phố Vaugirard để tránh đoạn cuối vườn. Thật buồn vì người ta đã đóng và khóa cửa công viên và thế là tôi lơ phơ đi vòng thay vì vào trong, rồi nhanh chóng theo phố Cardinal Lemoine để về nhà. Ngày cũng đã bắt đầu một cách xán lạn. Ngày mai tôi cần phải làm việc cật lực. Công việc sẽ chữa lành hầu như mọi thứ, khi ấy tôi tin thế, và giờ đây tôi cũng tin như thế. Tất cả những gì tôi cần chữa lành, đúng như Miss Stein thấy, là tuổi trẻ và tình yêu người vợ. Khi về đến nhà trên phố Cardinal Lemoine, trong tôi không còn đọng lại chút gì cảm giác buồn bã và tôi kể cho vợ nghe những hiểu biết mới vừa thu nhận được. Trong đêm, chúng tôi hạnh phúc với những hiểu biết của riêng chúng tôi từ trước, cùng những hiểu biết vừa có được khi ở núi về.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận