Hồn Ma Sành Điệu

Chương 23


OK. Đây sẽ là nơi cuối cùng, nơi sau rốt tôi tìm kiếm. Đây là cơ hội cuối cùng của cô. Và tôi hy vọng cô sẽ cảm kích trước nỗ lực của tôi.

Tôi mất một tiếng đi tàu tới St Albans và hai mươi phút đi taxi nữa để tới Archbury. Và giờ thì tôi đang ở đây, đứng trên khoảng đất công của ngôi làng. Có một cái quán rượu, bến xe buýt và một cái nhà thờ trông hiện đại, kỳ dị. Tôi nghĩ là nó sẽ đẹp như tranh nếu không có đám xe tải chạy ầm ầm qua với tốc độ hàng triệu cây số một giờ và ba thằng nhóc mới lớn cãi cọ ầm ĩ dưới mái che bến xe buýt. Tôi cứ tưởng nông thôn mới yên tĩnh cơ.

Tôi từ từ tránh cho xa trước khi một thằng nhóc lôi súng hay gì đó ra, và đi về phía khu rừng. Có một cái bảng gắn bản đồ ngôi làng, và tôi nhanh chóng xác định được vị trí của khu Archbury.Tòa nhà Archbury đã bị người ta biến thành khu nhà đó sau khi bị cháy năm nào. Nếu Sadie đã về nhà thật thì đó sẽ là nơi cô tới.

Sau vài phút tôi trông thấy cánh cổng sắt ở phía trước: bằng với dòng chữ Khu Archbury bằng sắt cuộn. Có sáu ngôi nhà bằng gạch, mỗi ngôi nhà đều có một lối lái xe bé tẹo và một cái ga ra. Khó tưởng tượng nỗi nơi này xưa kia từng có một ngôi nhà to, đẹp tọa lạc giữa một công viên riêng.

Cảm thấy dễ bị để ý, tôi bắt đầu đi xung quanh, nhìn ngó vào trong các ngôi nhà qua cửa sổ, bước lạo xạo trên những lối đi nhỏ rải sỏi và thì thào, “Sadie?”

Lẽ ra tôi nên hỏi Sadie nhiều hơn về cuộc sống hồi còn ở nhà của cô. Có lẽ cô đã có một cái cây hay gì đó ưa thích nhất. Hoặc một góc vườn yêu thích giờ đã thành nhà kho của ai đó rồi.

Có vẻ không có ai quanh đây, nên sau một lát tôi cao giọng lên một chút. “Sadie? Cô có ở đây không? Sadie?”

“Xin lỗi!” Tôi giật thót khi có ai đó thúc vào lưng mình. Tôi quay lại thì thấy một người phụ nữ tóc muối tiêu khoác chiếc áo có mũ trùm đầu, mặc quần ở nhà màu nâu vàng và đi đôi giày trông có vẻ bằng cao su đang ngó tôi nghi ngờ.

“Tôi là Sadie. Cô muốn gì?”

“Ờ…”

“Có phải cô tới đây vì hệ thống thoát nước không?” bà ta nói thêm.

“Ừm… không.” Tôi lấy lại được giọng. “Thật ra thì tôi tới tìm một Sadie khác.”

“Saide nào?” Mắt bà ta nheo lại. “Tôi là Sadie duy nhất trong khu nhà này. Sadie Williams. Nhà số bốn.”

“Ra thế. Thật ra thì… Sadie mà tôi muốn tìm là… một con chó,” tôi ứng biến. “Nó đã bỏ đi và tôi đang tìm nó. Nhưng tôi mong là nó đã chạy đến một nơi khác. Xin lỗi vì đã quấy rầy bà…”

Tôi bước đi, nhưng Sadie Williams tóm lấy vai tôi bằng những ngón tay khỏe đến không ngờ. “Cô để một con chó xông vào khu nhà này ư? Cô làm vậy là nhằm mục đích gì? Ở đây chúng tôi quy định cấm chó, cô có biết không?”

“Ờ… xin lỗi. Tôi không biết. Mà tôi chắc là nó đã chạy tới nơi khác…” tôi cố oằn người thoát ra.

“Có lẽ nó đang lảng vảng ở mấy cái bụi cây chờ cắn người đấy!” Sadie Williams quắc mắt nhìn tôi giận dữ. “Chó là loài thú nguy hiểm, cô biết chứ. Ở đây chúng tôi có trẻ em. Những người như cô thật vô trách nhiệm.”

“Tôi không vô trách nhiệm!” Tôi phẫn nộ vặc lại trước khi kịp ngăn mình. “Nó là một con chó cực kỳ thân thiện. Tôi sẽ không thả một con chó nguy hiểm ra!”

“Chó nào mà chẳng dữ.”

“Không phải thế!”

Lara, thôi đi. Mày đang nói về một con chó tưởng tượng.

“Mà thôi,” cuối cùng tôi cũng vặn mạnh người thoát ra khỏi bàn tay bà ta. “Tôi chắc là nó không có ở đây đâu, vì nếu thế nó đã chạy ra khi tôi gọi. Nó rất nghe lời. Thực tế… nó là một chó giành giải thưởng ở Crufes,” tôi củng cố thêm. “Vậy tốt hơn là tôi nên đi tìm nó.”

Trước khi Sadie Williams kịp tóm lấy tôi lần nữa, tôi bước nhanh về phía cổng. Không có lý do nào Sadie lại có mặt ở đây. Nếu có cô đã hiện ra để xem trò vui này rồi.

“Thế nó là giống chó gì?” Sadie Williams cáu kỉnh với theo. “Chúng ta đang tìm con chó giống gì?”

Ôi Chúa ơi. Tôi không thể nào chịu nổi nữa.

“Pitbull,” tôi ngoảnh qua vai đáp lại. “Nhưng tôi nói rồi, nó rất thân thiện.”

Không ngoái lại, tôi vội vã ra khỏi cổng, đi xuống đường và trở lại phía khu đất công của làng. Sáng kiến đó thế là xong. Thật tốn thì giờ.

Tôi đi về phía băng ghế dài trên bãi cỏ, ngồi thụp xuống và lôi một thanh kẹo Twix ra, mắt nhìn chằm chằm về phía trước. Thật xuẩn ngốc khi tới đây. Tôi sẽ ăn cái này rồi gọi taxi trở lại London. Thậm chí tôi sẽ không thèm nghĩ về Sadie thêm một chút nào nữa.Nói gì đến chuyện đi tìm cô.Tôi cược là cô không hề nghĩ tới tôi.

Tôi ăn xong thanh kẹo Twix và tự bảo mình bấm số taxi. Đã đến lúc đi rồi. Đã đến lúc gạt bỏ toàn bộ chuyện này ra khỏi đầu và bắt đầu một cuộc đời không dính dáng gì tới ma mãnh, một cuộc đời tỉnh táo, mới mẻ rồi.

Chỉ có điều…

Ôi Chúa ơi. Tôi cứ liên tục nhớ lại khuôn mặt đau khổ của Sadie lúc ở trên cầu Waterloo. Tôi cứ liên tục nghe thấy giọng nói của cô. Cô không quan tâm gì tới tôi cả… Không ai quan tâm cả…

Nếu mới ba ngày mà tôi đã bỏ cuộc thì có phải tôi sẽ chứng tỏ là cô đã nói đúng không?

Đột nhiên tôi cảm thấy trào lên một cơn bực bội – với cô, với chính mình, với toàn bộ tình huống này. Cáu kỉnh, tôi vò giấy bọc thanh kẹo Twix và liệng vào thùng rác.Ý tôi là, tôi phải làm gì bây giờ? Tôi đã tìm, tìm và tìm. Giá mà cô xuất hiện khi tôi gọi cô…. Giá mà cô nghe thấy và đừng có cố chấp như thế…

Chờ đã. Một ý nghĩa thình lình lóe lên trong óc tôi. Tôi có khả năng ngoại cảm phải không nào? Có lẽ tôi nên sử dụng năng lực ngoại cảm của mình. Tôi nên triệu hồi cô về từ thế giới bên kia. Hoặc từ Harrods. Hoặc bất cứ nơi nào cô đang ở.

OK. Đây là lần thử cuối cùng của tôi. Tôi thật sự, thật sự nghĩ như vậy.

Tôi đứng lên và đi tới chỗ cái ao nhỏ trên bãi cỏ. Tôi chắc chắn ao chuôm là những chốn linh thiêng. Dù sao cũng thiêng hơn là ghế dài. Còn có một đài phun nước bằng đá phủ đầy rêu ở giữa, và tôi chỉ có thể hình dung ra cảnh Sadie đang nhảy ở đó, bì bõm và la hét, suốt bao năm trước, và một anh chàng cảnh sát đang cố gắng lôi cô lên.

“Các linh hồn.” Tôi khỏa rộng hai cánh tay ra một cách thận trọng. Có tiếng róc rách trong làn nước nhưng đó có thể chỉ là gió.

Tôi không hề biết cách làm chuyện này thế nào. Tôi cứ vừa làm vừa bịa.

“Đây là tôi, Lara,” tôi ngâm nga nho nhỏ giọng sầu thảm.“Bạn của các linh hồn. Hay ít ra là của một linh hồn,” tôi nhanh nhảu sửa lại.

Đột nhiên tôi không muốn Henry Đệ Bát sẽ xuất hiện.

“Tôi tìm kiếm… Sadie Lancaster,” tôi nói giọng nghiêm trọng.

Im lặng, ngoại trừ tiếng quạc quạc của con vịt trên mặt ao.Có lẽ từ “tìm kiếm” không đủ mạnh.

“Bằng cách này tôi triệu hồi Sadie Lancaster về,” tôi ngâm, oai vệ hơn.“Tôi gọi cô từ vực sâu của thế giới linh hồn. Tôi, Lara Lington, một nhà ngoại cảm. Hãy nghe tiếng tôi. Nghe lời triệu hồi của tôi. Hỡi các linh hồn, tôi khẩn nài các người.” Tôi bắt đầu vẫy tay ra xung quanh một cách ấn tượng. “Nếu các người biết Sadie ở đâu, hãy đưa cô về với tôi. Hãy đưa cô về với tôi ngay.”

Chẳng có gì. Không một tiếng nói, không một cái bóng thoáng qua, không một bóng ma.

“Được rồi!” tôi nói, thả tay xuống. “Đừng có để bị triệu hồi về đấy.” tôi nói vào không trung, để ngộ nhỡ cô có nghe thấy. “Tôi không quan tâm. Cả ngày hôm qua tôi còn nhiều chuyện hay ho để làm hơn là đứng đây nói chuyện với thế giới linh hồn. Thế thôi.”

Tôi cáu kỉnh lộp cộp quay lại chỗ băng ghế, cầm túi lên và vớ lấy cái điện thoại di động. Tôi bấm số công ty taxi đã đưa tôi tới đây và yêu cầu một chiếc tới ngay.

Thế là đủ lắm rồi.Tôi sẽ rời khỏi đây.

Anh chàng ở hãng taxi bảo tôi rằng mười phút nữa người lái xe sẽ gặp tôi ở trước nhà thờ, vì thế tôi đi tới đó, tự hỏi liệu họ có một cái máy pha cà phê ở tiền sảnh hay đại loại thế không. Nhưng toàn bộ nhà thờ đều đã cửa đóng then cài.Tôi quay người và đang rút điện thoại ra lần nữa để kiểm tra tin nhắn thì có gì đó lọt vào mắt tôi. Đó là cái biển hiệu trên cửa: Tòa Linh mục Cũ.

Tòa Linh mục Cũ. Tôi nghĩ đó là hẳn là nơi ông linh mục sống hồi trước.

Vậy có nghĩa là… nó là nơi Stephen từng sống. Anh ta là con trai của linh mục phải không nào?

Tò mò, tôi ngó qua cánh cổng gỗ. Đó là một ngôi nhà xám xịt cũ kỹ to đùng có một lối lái xe rải sỏi và mấy chiếc xe hơi đỗ bên hông. Có vài người đang đi ra cửa trước, một nhóm chừng sáu người. Gia đình sống ở đây hẳn đang có ở nhà.

Khu vườn sum suê đỗ quyên và cây cối, có một lối đi vòng bên hông nhà. Tôi thoáng nhìn thấy cái nhà kho cũ ở xa xa và tự hỏi liệu đó có phải là nơi Stephen đã vẽ tranh. Tôi có thể mường tượng cảnh Sadie rón rén qua lối đi nhỏ đó, một tay cầm giày, mắt sáng lấp lánh dưới ánh trăng.

Đây là đúng là một nơi có không khí, với tường đá cổ và những khoảng đất dài rậm cỏ, rợp bóng trong vườn. Có vẻ như chẳng có gì hiện đại đại diện ở đây cả. Nó vẫn khiến người ta cảm thấy có gì đó thuộc về lịch sử. Tôi tự hỏi…

Không. Thôi đi nào. Tôi bỏ cuộc cơ mà. Tôi sẽ không tìm kiếm thêm nữa.

Nhưng có lẽ…

Không. Cô sẽ không tới đây. Không thể nào. Cô quá tự trọng. Chính cô đã bảo thế, cô sẽ không bao giờ là một kẻ đeo bám. Cả triệu năm nữa cô cũng sẽ không lảng vảng tới gần nhà của một gã người bạn trai cũ. Nhất là khi gã bạn trai cũ đó lại làm tan nát trái tim cô và thậm chí không thèm viết thư cho cô. Đó là một ý tưởng ngu ngốc.

Tay tôi đã đẩy then cửa mất rồi.

Đây là nơi cuối, cuối, cuối cùng của tôi tìm kiếm.

Tôi bước lạo xạo trên sỏi, cố gắng nghĩ ra một cái cớ để vào đây. Không phải một con chó bị lạc. Có lẽ tôi đang nghiên cứu về tòa linh mục chăng? Có thể tôi là một sinh viên kiến trúc. Đúng rồi. Tôi đang làm luận văn về “những tòa nhà tôn giáo và các gia đình sống ở đó.” Tại Birkbeck.

Không. Harvard.

Tôi đi tới cửa và đang đưa tay lên định bấm cái chuông cũ kỹ thì nhận thấy cửa chỉ đóng mà không khóa. Có lẽ tôi có thể lẻn vào mà không bị ai phát giác.Tôi thận trọng đẩy cửa ra và lọt vào một gian sảnh có những bức tường đóng ván ô, sàn lát gỗ đã cũ. Trước sự ngạc nhiên của tôi một người phụ nữ có búi tóc xỉn màu, mặc áo len chui đầu đan kiểu họa tiết nhiều màu đang đứng sau chiếc bàn la liệt sách và tờ rơi.

“Xin chào.” Bà ta mỉm cười như thể không hề ngạc nhiên chút nào khi nhìn thấy tôi. “Cô tới đây tham quan phải không?”

Tham quan?

Thậm chí còn tốt hơn! Tôi có thể đi quanh đây mà không cần phải bịa ra câu chuyện nào đó. Tôi không biết bây giờ các tòa linh mục đã bán vé cho vào tham quan, nhưng tôi nghĩ là chuyện đó cũng dễ hiểu.

“Ờ… vâng làm ơn. Bao nhiêu tiền?”

“Năm bảng.”

Những năm bảng? Chỉ để xem tòa linh mục? Khỉ gió.

“Đây là hướng dẫn.” Bà ta đưa cho tôi một tờ rơi nhưng tôi không nhìn vào nó. Chính xác là tôi không quan tâm tới ngôi nhà. Tôi nhanh chóng dứt khỏi người phụ nữ để đi về phía phòng khách kê ghế sofa và thảm trải sàn kiểu cũ, nhìn khắp xung quanh.

“Sadie?” tôi rít khẽ. “Sadie, cô có đây không?”

“Đây là hẳn là nơi Malory tiêu khiển thời gian các buổi tối.” Tiếng người phụ nữ làm tôi giật thót. Tôi không nhận ra là bà ta đã đi theo tôi.

“Ồ, ra vậy.” Tôi không biết bà ta đang nói về cái gì. “Đáng yêu thật. Tôi chỉ đi qua đây thôi…” Tôi đi vào phòng ăn ngay bên cạnh, trông như một cái sân khấu dành cho một vở kịch lịch sử. “Saide?”

“Đương nhiên đây là phòng ăn của gia đình…”

Vì Chúa. Người ta được đi tham quan tòa linh mục mà không bị bám theo thế chứ. Tôi đi tới chỗ cửa sổ và nhìn ra vườn, nơi gia đình mà tôi nhìn thấy lúc nãy đang đi thơ thẩn. Không có tiếng thì thầm của Sadie.

Đây đúng là một ý tưởng ngu ngốc. Cô không có ở đây. Mà tại sao cô lại phải lởn vởn quanh ngôi nhà của cái gã đã làm tan nát trái tim cô cơ chứ? Tôi quay lại để đi ra và suýt nữa thì đụng phải người người phụ nữ đó, đang đứng ngay sau tôi.

“Tôi đoán cô là một người ngưỡng mộ tác phẩm của ông ấy?” Bà ta mỉm cười.

Tác phẩm? Tác phẩm của ai?

“Ờ… vâng,” tôi đáp. “Đương nhiên.Một người cực kỳ ngưỡng mộ.Cực kỳ.”

Lần đầu tiên tôi liếc xuống tờ rơi trong tay mình. Đầu đề viết: Kính chào quý khách tới ngôi nhà của Cecil Malory, và bên dưới là bức tranh phong cách vẽ những vách đá.

Cecil Malory. Ông ta là một nghệ sĩ nổi tiếng đúng không nhỉ? Ý tôi là, không giống Picasso, nhưng dứt khoát là tôi đã nghe nhắc tới ông ta rồi. Tôi cảm thấy lóe lên chút thích thú đầu tiên.

“Vậy đây là nơi Cecil Malory từng sống, hay đại loại thế à?” tôi hỏi.

“Đương nhiên rồi.” Bà ta trông có vẻ sửng sốt khi nghe hỏi vậy. “Đó là lý do ngôi nhà được khôi phục lại thành bảo tàng. Ông ấy đã tới đây sống tới năm 1927.”

1927? Giờ thì tôi thật sự thấy thích thú. Nếu ông ta sống ở đây vào năm 1927 thì chắc chắn Sadie sẽ biết ông ta. Họ hẳn đã có đi chơi với nhau.

“Ông ấy có phải là bạn của con trai linh mục không? Một người đàn ông tên là Stephen Nettleson?”

“Ôi trời…” Người phụ nữ đó nhìn tôi trừng trừng, hình như lúng túng trước câu hỏi của đó.“Chắc cô phải biết rằng Stephen Nettleton là Cecil Malory chứ.Ông ấy chưa bao giờ dùng họ của mình trong tác phẩm cả.”

Stephen là Cecil Malory ư?

Stephen… là Cecil Malory ư?

Tôi sững sờ đến mức không nói nổi.

“Sau này ông ấy tự ấy đổi tên,” bà ta nói tiếp. “Như một sự phản kháng lại bố mẹ ông ấy, người ta nghĩ vậy. Sau khi sang Pháp…”

Tôi chỉ nghe một tai. Đầu óc tôi bấn loạn. Stephen trở thành một họa sĩ nổi tiếng. Điều đó thật không thể hiểu nổi. Sadie chưa bao giờ kể với tôi ông ta là một họa sĩ nổi tiếng. Hẳn là cô sẽ phải khoác lác không thể chịu nổi về chuyện đó. Phải chăng cô không biết?

“… và không bao giờ hòa giải trước khi ông qua đời một cách thương tâm khi tuổi đời còn rất trẻ.” Người phụ nữ kết thúc bằng một giọng trang nghiêm, rồi mỉm cười.“Có lẽ cô sẽ muốn xem các phòng ngủ?”

“Không. Ý tôi là… Xin lỗi.” Tôi xoa trán. “Tôi hơi… khó hiểu một chút. Stephen – ý tôi là cô biết không. Cecil Malory… là một người bạn của bà dì tôi. Bà cụ từng sống ở ngôi làng này.Bà biết ông ấy.Nhưng tôi không nghĩ là bà biết chuyện ông ấy trở nên nổi tiếng.”

“À.” Người phụ nữ gật đầu vẻ hiểu biết.“Đương nhiên, sinh thời ông ấy không nổi tiếng.Mãi tới lúc không lâu trước khi ông qua đời thì người ta mới để ý đến các bức tranh của ông ấy, đầu tiên là ở Pháp rồi tới quê ông. Vì ông chết trẻ nên đương nhiên chỉ có một số lượng tác phẩm hạn chế, đó là lý do tại sao tranh ông được đề cử cao và có giá trị đến thế. Vào thập niên 1980 giá trị chúng tăng vọt. Đó là khi tên tuổi của ông thật sự được biết đến rộng rãi.”

Thập niên 1980.Saide đột quỵ lần đầu vào năm 1982.Bà đã phải điều trị.Không ai nói với bà điều gì cả.Bà không hề biết chuyện gì đang diễn ra ở bên ngoài.

Dứt khỏi dòng suy tư tôi ngước nhìn lên thấy người phụ nữ nhìn tôi với một ánh mắt kỳ cục khác.Tôi cá là bà ta đang ước có thể trả lại tôi năm bảng, rồi tống khứ tôi đi.

“Ờ… Xin lỗi.Tôi chỉ đang nghĩ ngợi.Có phải ông ấy làm việc trong nhà kho ở trong vườn không?”

“Vâng.” Mặt người phụ nữ sáng lên. “Nếu cô thích, chúng tôi có bán nhiều sách về Malory đấy…” Bà ta vội vã đi ra và trở lại mang theo một cuốn sách bìa cứng mỏng. “Các chi tiết về cuộc sống thiếu thời của ông ấy hơi sơ sài, vì nhiều tài liệu ghi chép của ngôi làng đã bị thất lạc trong chiến tranh, và vào lúc nghiên cứu được tiến hành thì nhiều người sống cùng thời với ông đã qua đời. Tuy vậy, có vài câu chuyện rất dễ thương kể vể thồi gian ông sống ở Pháp, khi tranh phong cảnh của ông bắt đầu thật sự thành công…” Bà ta đưa cho tôi một cuốn sách, ngoài bìa là một bức tranh vẽ biển.

“Cám ơn bà.” Tôi đón lấy nó từ tay bà ta và bắt đầu lật xem. Hầu như ngay lập tức tôi giở trúng một bức ảnh đen trắng chụp một người đàn ông đang vẽ tranh trên vách đá với chú thích “Một bức ảnh hiếm hoi chụp Cecil Malory khi làm việc.”Tức thì tôi hiểu ra tại sao ông ta và Sadie lại trờ thành người tình của nhau.Ông ta cao, da ngăm đen và trông mạnh mẽ rắn rỏi, với đôi mắt đen và mặc chiếc sơ mi rách rưới, cổ lỗ.

Đồ đểu.

Có thể ông ta đã nghĩ mình là thiên tài.Có thể ông ta đã nghĩ ông ta quá siêu phàm không hợp với một mối quan hệ bình thường.Mặc dù ông ta chết lâu rồi nhưng tôi đang phải vật lộn để không hét vào mặt ông ta.Làm sao ông ta có thể đối xử tệ bạc với Sadie như thế?Làm sao ông ta có thể bỏ đi Pháp và quên phắt cô?

“Ông ấy là một tài năng xuất chúng.” Người phụ nữ đang dõi theo cái nhìn của tôi. “Việc ông chết sớm là một trong những bi kịch của thế kỷ hai mươi.”

“Vâng, ờ, có lẽ ông ta đáng bị thế.”Tôi nhìn bà ta với vẻ đanh ác.“Đáng lẽ ông ta nên tử tế hơn với bạn gái của mình.Bà ta có nghĩ tới chuyện đó không?”

Người phụ nữ trông cực kỳ lúng túng.Bà ta há miệng ra rồi lại ngậm lại.

Tôi lật tiếp, bỏ qua những bức tranh về biển rồi lại vách đá và bức tranh phác họa về một con gà… rồi đột nhiên cứng đơ lại. Một con mắt đang nhìn tôi từ trong sách. Đó là chi tiết phóng đại của một bức tranh. Chỉ một con mắt, với hai hàng mi thật dài và lấp lánh vẻ trêu chọc.

Tôi biết con mắt đó.

“Xin lỗi.”Tôi hầu như không thể nói thành lời.“Đây là cái gì?”Tôi thọc mạnh vào cuốn sách.“Ai đây?Cái này ở đâu ra thế?”

“Ôi trời…” Tôi có thể thấy người phụ nữ đang cố giữ kiên nhẫn.“Chắc chắn là cô phải biết cái đó chứ.Đó là chi tiết trong một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của ông ấy. Chúng tôi có một phiên bản trong thư viện nếu cô muốn xem qua..”

“Vâng.”Tôi chưa nói xong chân đã bước đi rồi.“Tôi muốn xem.Làm ơn.Cho tôi xem.”

Bà ta dẫn tôi đi xuống cái hàng lang kêu kẽo kẹt, qua một gian phòng trải thảm tối mò. Trên mỗi bức tường đều đặt một giá sách, những cái ghế tựa bọc da cũ kỹ và một bức tranh lớn treo bên lò sưởi.

“Chúng ta đến nơi rồi,” bà ta nói trìu mến.“Niềm tự hào và niềm vui sướng của chúng tôi đây.”

Tôi không thể đáp lại được.Cổ họng tôi nghẹn thắt lại.Tôi đứng im bất động, nắm chặt cuốn sách, chỉ nhìn chằm chằm.

Cô đây rồi.Đang nhìn ra rừ cái khung mạ vàng lộng lẫy, trông như thể cô sở hữu cả thế giới này, là Sadie.

Tôi chưa bao giờ thấy cô lộng lẫy như trong bức tranh này.Tôi chưa bao giờ thấy cô thanh thản đến thế.Quá hạnh phúc.Quá đẹp. Đôi mắt cô to đùng, đen thẳm, sáng ngời tình yêu.

Cô nằm tựa trên một chiếc ghế dài, khỏa thân, chỉ có một mảnh sa che đi bờ vai và hông, vốn chỉ làm lu mờ đi một phần quang cảnh. Mái tóc cắt kiểu con trai để lộ ra cái cổ cao thanh tú. Cô đeo một đôi tai hoa lấp lánh. Và dưới cổ cô, rủ xuống giữa hai bầu vú trắng ngần được che bằng sa, xoắn lại quanh những ngón tay, đổ xuống thành một vốc hạt lung linh trong lòng cô, là chuỗi hạt con chuồn chuồn.

Đột nhiên tôi có thể nghe thấy tiếng cô vang lên trong tai tôi. Tôi hạnh phúc khi đeo nó… Nó khiến tôi cảm thấy như nữ thần.

Tất cả đều hợp lý. Đó là lý do tại sao cô muốn có chuỗi hạt. Đây là ý nghĩa của nó đối với cô.Vào thời điểm đó trong cuộc, cô đang hạnh phúc. Không bận tâm gì đến quá khứ hay tương lai. Không bận tâm rằng trái tim cô sẽ tan vỡ. Chính vào khoảnh khắc đó, mọi chuyện thật hoàn hảo.

“Nó… thật kỳ diệu.”Tôi quệt nước mắt.

“Chẳng phải cô ấy tuyệt vời sao?”Người phụ nữ nhìn tôi với ánh mắt hài lòng. Rõ ràng là cuối cùng tôi cũng cư xử đúng như những người yêu nghệ thuật. “Chi tiết và nét cọ đều tuyệt đẹp.Mỗi hạt trong chuỗi hạt đều là một kiệt tác nhỏ xíu.Nó được vẽ bằng một tình yêu tha thiết.” Bà ta ngắm nhìn bức chân dung một cách âu yếm. “Và đương nhiên là tất cả lại càng đặc biệt hơn vì nó là bức duy nhất.”

“Ý bà là sao?” tôi hỏi, không hiểu.“Chẳng phải Cecil Malory vẽ rất nhiều tranh sao?”

“Đúng là vậy. Nhưng ông không bao giờ vẽ một bức chân dung nào khác ngoài bức này. Ông ấy không chịu vẽ, suốt đời.Ông ấy được đề nghị rất nhiều lần hồi ở Pháp khi đang nổi danh, nhưng ông luôn luôn đáp ‘J’ai peint celui que j’ai voulou peindre.’Người phụ nữ lặng đi một khoảnh khắc đầy thú vị.‘Tôi đã vẽ người duy nhất mà tôi muốn vẽ.’”

Tôi nhìn bà ta chằm chằm, chết lặng, đầu tôi tóe lửa trong khi tôi hấp thu hết thông tin đó. Ông ta chỉ vẽ mình Sadie?Suốt đời?Ông ta đã vẽ người duy nhất mà ông ta muốn vẽ?

“Còn trong cái hạt này…” Người phụ nữ đi tới chỗ bức tranh, miệng mỉm cười vẻ thông hiểu.“Ngay cái hạt này cũng có một sự ngạc nhiên nho nhỏ.Một bí mật nhỏ, nếu cô muốn nói vậy.” Bà ta vẫy tay ra hiệu tôi tiến lên. “Cô có thấy nó không?”

Tôi cố gắng tập trung một cách ngoan ngoãn vào cái hạt đó.Nó cũng chỉ như một cái hạt thôi mà.

“Hầu như là không thể thấy, ngoại trừ dưới một cái kính lúp… ở đấy.”Bà ra rút ra một mảnh giấy mờ xỉn. Trên đó in hình cái hạt trong bức tranh, được phóng to vĩ đại. Khi nhìn kỹ, tôi kinh ngạc khi nhìn thấy một khuôn mặt.Khuôn mặt một người đàn ông.

“Đó có phải là…” Tôi ngước lên.

“Malory.” Bà ta gật đầu thích thú.“Chính là hình ảnh phản chiếu của ông ấy trên chuỗi hạt.Ông ấy đã đưa mình vào trong bức tranh. Bức chân dung được che dấu và thu nhỏ bậc nhất. Nó mới chỉ được khám phá cách đây mười năm.Như một thông điệp bí mật nho nhỏ.”

“Tôi xem được không?”

Đôi bàn tay đột nhiên run rẩy của tôi đón lấy mảnh giấy từ tay bà ta và tôi nhìn ông ta chăm chú. Ông ta đây rồi. Trong bức tranh. Trên chuỗi hạt.Một phần của cô. Ông ta không bao giờ vẽ một bức chân dung nào khác. Ông ta đã vẽ người duy nhất mà ông ta muốn vẽ.

Ông ta thật lòng yêu Sadie.Ông ta thật lòng yêu.Tôi biết.

Tôi ngước nhìn bức tranh lần nữa, nước mắt lại làm nhòe mắt tôi.Người phụ nữ đó nói đúng.Ông ta đã vẽ cô bằng tình yêu.Người ta có thể nhận thấy điều đó trong từng nét cọ.

“Nó thật… kỳ diệu.”Tôi nuốt nghẹn.“Có…ừm… cuốn sách nào khác về ông ấy không?” Tôi muốn người phụ nữ đó ra khỏi căn phòng một cách kinh khủng. Tôi đợi đến khi tiếng bước chân của bà ta đã im ắng trên hành lang mới ngửa đầu lên.

“Sadie!” Tôi gọi tuyệt vọng.“Sadie, cô có nghe thấy tôi không?Tôi đã tìm thấy bức tranh đó rồi! Nó đẹp lắm! Cô đẹp lắm! Cô đang ở trong viện bảo tàng! Và cô biết không?Stephen không vẽ ai khác ngoài cô.Không bao giờ suốt đời ông ta.Cô là người duy nhất.Ông ta đã đưa mình vào trong chuỗi hạt của cô.Ông ta yêu cô, Sadie, tôi biết ông ta yêu cô. Tôi ước gì cô có thể thấy cái này…”

Tôi hổn hển ngừng sững lại, nhưng căn phòng vẫn im ắng và chết lặng. Cô không nghe thấy tôi nói, bất kể cô đang ở đâu.Nghe thấy tiếng bước chân tôi nhanh chóng quay lại và nặn ra nụ cười.

Người phụ nữ đưa cho tôi một chồng sách.

“Đây là tất cả sổ sách lưu trữ có được của chúng tôi. Cô là sinh viên lịch sử nghệ thuật hay chỉ đơn giản là yêu thích Malory?”

“Tôi chỉ thích các bức tranh này thôi,” tôi thành thật nói.“Và tôi đang tự hỏi. Cô… hay các chuyên gia… có biết đây là ai không? Bức tranh này tên là gì?”

“Nó gọi là Cô gái đeo chuỗi hạt.Và đương nhiên, nhiều người quan tâm đến danh tính của người mẫu.” Người phụ nữ bắt đầu một bài diễn thuyết rõ ràng là đã tập luyện nhuần nhuyễn. “Một số nghiên cứu đã được tiến hành, nhưng không may là đến bây giờ vẫn chưa ai biết được danh tính của cô ấy ngoài cái được cho là tên gọi của cô ấy.” Bà ta ngừng lại, rồi nói thêm một cách trìu mến, “Mabel.”

“Mabel?”Tôi tròn mắt nhìn bà ta trong nỗi kinh hoàng.“Tên cô không phải là Mabel!”

“Ôi trời!”Người phụ nữ mỉm cười vẻ quở trách tôi.“Tôi biết với những cái tai hiện đại thì nó có vẻ hơi kỳ cục, nhưng tin tôi đi, Mabel là một cái tên phổ biến hồi bấy giờ.Và đằng sau bức tranh, có một lời chú thích.Malory viết, ‘Mabel của tôi’.”

Vì Chúa.

“Đó là một cái tên tếu! Đó là trò đùa riêng giữa họ! Tên cô ấy là Sadie, OK? Sadie Lancaster! Tôi sẽ viết ra.Và tôi biết đó là vì cô vì…” tôi ngập ngừng giây lát.“Đó là bà dì của tôi.”

Tôi cứ nghĩ bà ta sẽ thở dốc hay đại loại thế, nhưng người phụ nữ đó chỉ nhìn tôi với vẻ không tin. “Vì Chúa, trời ơi. Lời tuyên bố mới sửng sốt làm sao.Cái gì khiến cô ấy nghĩ cô là bà dì của cô?”

“Tôi không nghĩ mà là biết.Bà ấy đã sống ở Archbury này. Bà ấy biết Stephen… Ý tôi là, Cecil Malory.Họ là người tình của nhau.Đó chắc chắn là bà ấy.”

“Cô có bằng chứng gì không?Cô có một bức ảnh của bà ấy hồi còn trẻ không?Bất cứ thứ gì còn giữ lại?”

“Ờ… không,” tôi nói, hơi thất vọng.“Nhưng tôi biết đây là bà ấy, không chút nghi ngờ.Và tôi sẽ chứng minh bằng cách nào đó. Và bà nên dựng một tấm biển đề tên thật của bà ấy và thôi không gọi bà ấy là ‘Mabel’ nữa…” Tôi ngừng lại giữa chừng vì có gì đó mới mẻ và đáng sửng sốt chợt nảy ra trong óc tôi.“Chờ một phút.Đây là bức tranh của Sadie? Ông ấy đã trao cho bà! Bà ấy đã bị mất nó bao năm rồi, nhưng nó vẫn là của bà.Hoặc, tôi cho rằng giờ là của bố tôi hoặc chú Bill.Làm sao bà có được nó?Làm sao nó lại ở đây?”

“Cô nói sao cơ?”Nhười phụ nữ nói nghe có vẻ lúng túng, và tôi thở dài suốt ruột.

“Bức tranh này thuộc về bà dì của tôi.Nhưng nó đã bị mất từ nhiều năm trước.Ngôi nhà của gia đình bị cháy rụi và không ai tìm thấy nó.Vậy làm sao rốt cuộc nó lại được treo trên bức tường này?”Tôi không nén được giọng trách cứ và bà ta chùn lại.

“Tôi e là tôi không biết gì cả.Tôi đã làm việc ở đây mười năm và nó đã ở đây suốt từ hồi đó rồi.”

“Ra vậy.”Tôi lấy lại phong thái làm việc. “Tôi có hân hạnh nói chuyện với giám đốc của bảo tàng này hay bất cứ ai chịu trách nhiệm về bức tranh này không? Ngay bây giờ?”

Người phụ nữ nhìn tôi vẻ lúng túng và cảnh giác.“Trời… cô cũng nhận thấy đây chỉ là một bức tranh chép thôi, đúng không?”

“Gì cơ?”Tôi ngượng chín.“Ý bà là sao?”

“Bức tranh gốc to gấp bốn lần, và, tôi dám nói rằng còn lộng lẫy hơn nhiều.”

“Nhưng…” Tôi nhìn bức tranh bối rối không hiểu gì cả.Tôi thấy nó khá thật.“Thế bức tranh gốc ở đâu? Bị khóa trong két sắt hay đại loại thế ư?”

“Không, trời ạ,” bà ta kiên nhẫn nói. “Nó đang treo ở Phòng tranh Chân dung London.”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận