Có mấy tờ báo nhỏ không có tiếng tăm cùng với những tin tức cũ từ ba tháng trước.
Tiêu đề viết: “Ngày xưa Vận Thành (1) có Vũ Kim Thị. Ngày nay Thượng Hải có Mỹ Kiều Nga. Nhà giàu có nào đó bởi vì em trai chồng và chị dâu có quan hệ trái với luân thường đạo lý mà xảy ra thảm kịch gia đình.”
(1) Vận Thành: là một địa cấp thị tại tỉnh, Sơn Tây, Trung Quốc.
Trong suốt bài viết chưa từng nhắc đến danh tính, nhưng từ cách hành văn cũng lộ ra vài manh mối, không khó để đoán được là đang nói đến ông trùm ngành công nghiệp vải sợi Hạ gia.
Ví dụ như: “Tổng cộng có hai trai hai gái, Đại tiểu thư và Đại thiếu gia do vợ cả sinh ra, hai người con còn lại do vợ kế sinh.”
Còn nữa: “Năm ngoái Đại thiếu gia đăng báo tuyên bố kết hôn, hôn lễ được cử hành tại khách sạn Carlton, ngày hôm đó tầng lớp thượng lưu đua nhau tụ tập, ngựa xe đông đúc.” Vân vân và vân vân…
Sau đó ngòi bút thay đổi thành: “Người vợ xinh đẹp của Đại thiếu gia vốn là bạn học của Nhị thiếu gia, tuy người thì gả cho Đại thiếu gia nhưng trái tim lại hướng về Nhị thiếu gia. Sau khi Nhị thiếu gia đi du học về, hai người này ngày đêm gặp mặt, từ rung động trước tình cũ trở thành qua lại mờ ám. Đại thiếu gia biết được việc này, trong cơn giận dữ đã định rút súng bắn chết vợ mình, may mà đúng lúc có người khuyên can nên chưa xảy ra chuyện lớn, dĩ nhiên hôn nhân của hai người đã như tấm vải bị xé rách, khó mà tiếp tục được, cũng từ đó mà tình anh em không còn hòa thuận nữa.”
Bài báo này có thể sánh ngang với cách viết Uyên Ương Hồ Điệp, sinh động, lại còn hoạt sắc sinh hương (2), dù được ngăn cách bởi ngòi bút nhưng vẫn có thể cảm nhận được người viết đang phun nước bọt tới tấp.
(2) “Hoạt sắc sinh hương” hay còn gọi “Sống sắc sinh hương” có ba nghĩa: Một là hình dung nhan sắc xinh đẹp diễm lệ của hoa. Hai là hình dung nhan sắc xinh đẹp diễm lệ của phụ nữ (Ẩn dụ so sánh). Ba là hình dung văn thơ tranh vẽ rất đẹp giống thật.
Từ trước tới giờ tin tức về chuyện trăng hoa luôn làm người ta tò mò, huống chi là loại chuyện về nhà quan chức rất có tiếng, sau vụ tai tiếng đầy bất ngờ này, chỉ trong một đêm, tiếng tăm tờ báo của tòa soạn báo lan truyền rộng rãi, ai ai cũng tranh nhau mua về đọc.
Một phần của tờ báo này nằm trong nhà Hồng Đậu, phần còn lại thì anh trai lấy được từ tiệm may của Bành gia dưới lầu, nhưng từ trước tới giờ mục đích tìm báo của anh trai không phải để xem chuyện trăng hoa của Hạ gia, mà là vì những thông báo tìm người.
Chuyện từ tận ba tháng trước nên Hồng Đậu không để ý đến thông báo tìm người đó, đơn giản chỉ xem tin tức của Hạ gia thôi, quả thật không thể chịu nổi phải cân nhắc rất nhiều.
Ví dụ như người chị dâu đa tình này, nếu quả thật thích em trai của chồng thì tại sao một năm trước phải gả cho Đại thiếu gia? Xã hội bây giờ rất coi trọng sự đổi mới, từ lâu, việc nghe lời cha mẹ và người làm mối đã không còn thịnh hành nữa, Hạ gia lại giàu có hơn mấy gia đình khác, còn đi theo con đường văn minh, nếu đối phương không muốn thì sẽ không ép cưới.
Mà trên báo nói, bốn năm trước Nhị thiếu gia nhà họ Hạ đã đi du học rồi, đến năm nay mới trở về, nếu quả thật có qua lại với chị dâu thì tại sao anh ta không ngăn cản hôn lễ vào năm ngoái trước khi về nước chứ, muốn đợi gạo nấu thành cơm rồi biến thành chuyện lăng nhăng sao?
Cầm tờ báo lên, cô khẽ lắc đầu, lúc mọi người nghe thấy tin tức thối nát này thì thường nghe lệch đi câu chuyện, cho dù bài báo có nhiều chỗ viết lộ đầy sơ hở nhưng họ cũng lười suy đoán thật giả, đến nỗi sau khi nghe sai đồn
sai, cuối cùng trở thành vu khống, có lẽ lúc trước sau khi thấy tin tức này, cho dù Nhị thiếu gia nhà họ Hạ có thể tự mình chứng minh thì mọi người đều cho rằng anh ta và chị dâu có quan hệ yêu đương trái với luân thường đạo lý.
Nhưng tòa soạn báo nhỏ này cũng không vẻ vang được bao lâu, chưa đến mấy ngày đã phải tuyên bố đóng cửa, mà phóng viên viết bài báo này vì muốn tránh đầu sóng ngọn gió (3) mà suốt đêm rời khỏi Thượng Hải, thế mà người nọ vừa tới trạm xe lửa thì đã bị bắt được rồi đánh cho một trận, xương cũng bị gãy mất mấy cái, không cần nghĩ cũng biết do Hạ gia.
(3) Tránh đầu sóng ngọn gió: Thấy tình thế bất lợi nên tạm trốn lánh đi
Càng châm chọc hơn là, thím Chu nói trước khi chuyện bê bối này bị tuồn ra, vì chúc mừng Nhị thiếu gia du học trở về, Hạ gia còn từng đăng giấy chứng nhận tiến sĩ của Hạ Vân Khâm lên mấy trang báo, tính ra thì số người nhận ra Hạ Vân Khâm không phải là ít.
Nghĩ đến việc sau khi chuyện này xảy ra, bất kể vị họ Hạ này đi đến đâu đều không thiếu người chỉ chỉ trỏ trỏ, nhưng mà vừa nãy nhìn thoáng qua, Hồng Đậu cảm thấy người này dù đi ra hay đi vào đều rất bình tĩnh. Cũng không biết thật sự ung dung hay đang cảm thấy tự biện hộ cũng vô dụng nên dứt khoát vò đã mẻ lại sứt. (4)
(4) Vò đã mẻ lại sứt: Một khi đã có khuyết điểm, sai lầm thì mặc kệ luôn, không sửa lại, còn cố ý phát triển theo hướng tệ hơn.
Lúc Hồng Đậu đang nghĩ đến mấy chuyện hay ho thì đúng là ngựa thần lướt gió tung mây (5), tự do tùy ý, dùng lời nói của Lâm hiệu trưởng ở trường đại học St. John mà nói thì chính là: “Đứa trẻ này có chút hương vị xấu xa.” Về điểm này thì Hồng Đậu cũng phải thừa nhận.
(5) Ngựa thần gió lướt tung mây: Ví với người táo bạo, có phong cách mạnh mẽ và không bị giới hạn.
Đang nghĩ đến mấy chuyện vui vẻ thì nghe thấy tiếng động dưới lầu, hình như có người đi ra.
Cô đang lười nhác nghiêng người dựa vào cửa sổ, lúc nghe thấy âm thanh này, đôi mắt lập tức nhìn xuống dưới.
Chỉ thấy ngay một người đàn ông cao gầy đang bước xuống cầu thang.
Theo như lời thím Chu nói, vị Hạ Vân Khâm này mặc chiếc áo sơ-mi kiểu Tây, bên dưới là chiếc quần âu, hành động khá kiên cường dứt khoát, không thấy dáng vẻ công tử bột.
Đáng tiếc, nhìn từ trên cửa sổ xuống chỉ có thể thấy được đỉnh đầu của anh thôi.
Anh đi thẳng tới bên cạnh chiếc xe đạp, cũng không lập tức lên xe mà đứng dưới đèn đường trước tiệm may, im lặng hút thuốc.
Một lúc sau, bỗng nhiên anh bóp đầu thuốc lá, ngẩng đầu nhìn lên trên lầu.
Ngu Hồng Đậu vội dựa nửa người ra phía sau, không để cho người này thấy mặt.
Trong lúc rời mắt chỉ cảm thấy người này có vẻ trẻ hơn anh trai mình 1 – 2 tuổi.
Đợi một lúc lâu mà vẫn chậm chạp không nghe thấy tiếng động đạp xe rời đi của Hạ Vân Khâm, cô hơi không kiên nhẫn, liền mượn rèm cửa sổ đã được che đi để nhìn ra ngoài một lần nữa.
Chỉ thấy người này đứng tại chỗ, hình như vẫn nhìn chằm chằm lên lầu.
Ngu Hồng Đậu suy nghĩ một cách xấu xa, có thể là Hạ Vân Khâm này và Khâu tiểu thư ở lầu ba đang yêu nhau tha thiết, bởi vì một phần nỗi khổ tương tư cho nên mới không nỡ rời đi. Nhưng nghiên cứu cẩn thận lại cảm thấy trên gương mặt của anh có biểu cảm rất kỳ lạ, cân nhắc thêm thì hình như trong lầu có điều gì đó làm anh cảm thấy vô cùng hứng thú.
Tòa nhà cũ kỹ này có thể có gì làm anh cảm thấy hứng thú nhỉ? Nghĩ qua nghĩ lại cũng chỉ có thể là Khâu tiểu thư.
Lúc này một cơn gió ập đến mang theo chút khí lạnh lẽo của mùa thu, từ ngoài cửa sổ tràn vào, thổi bay rèm trắng rủ xuống hai bên cửa.
Ngu Hồng Đậu sợ bài vở trên bàn bị lộn xộn, đang muốn giữ rèm cửa lại, đúng lúc này hai đứa nhóc mập mạp của Bành gia lon ton chạy từ trong tiệm may ra. Hai đứa nhóc này thấy Hạ Vân Khâm, cũng không sợ người lạ, chỉ cười hì hì đứng xung quanh anh, liên tục hỏi han, Bành thái thái ở trong tiệm may khàn giọng trách móc một lúc mà không có tác dụng.
May mà Hạ Vân Khâm cũng không thiếu kiên nhẫn, anh nói chuyện với hai đứa nhóc đó mấy câu rồi lấy từ trong túi quần ra một thứ, tiện tay đưa cho đứa nhóc Bành gia.
Có kẹo mà không cần tốn tiền, hai đứa nhóc nhận lấy đồ xong liền hoan hô rồi chạy đi.
Trước khi đi Hạ Vân Khâm lại ngẩng đầu nhìn lên lầu một cái.
Nhưng anh cũng nhanh chóng quay đầu, phóng khoáng lên xe rời đi.
**
Ngu Hồng Đậu kéo rèm cửa sổ lại, mở đèn bên cạnh bàn lên, nhìn lại từng tin tức trên tờ báo cũ đó.
Quả nhiên, dưới góc phải có một thông báo tìm người, giống với minh tinh Trần Bạch Điệp, thông báo này cũng có một tấm hình nhỏ bên cạnh.
Người này có gương mặt tròn, 18 – 19 tuổi, tóc dài được tết đuôi sam, hình như là lần đầu được chụp hình nên hai tay không biết để đâu, chỉ biết siết chặt hai vạt áo màu xanh da trời
Trong thông báo nói cô gái này tên là Vương Mỹ Bình, nửa tháng trước từ Thiệu Hưng (6) chạy tới ở nhờ nhà cậu mợ ở Thượng Hải. Buổi tối lên tàu hỏa
ở Thiệu Hưng, vốn lúc chập tối ngày tiếp theo sẽ tới Thượng Hải, nhưng cậu mợ của Vương Mỹ Bình – Chu tiên sinh và Chu thái thái, từ chiều tối cho đến rạng sáng ngày hôm sau luôn đợi cho tới khi trạm xe lửa đóng cửa mà vẫn không đợi được Vương Mỹ Bình.
(6) Thiệu Hưng: thành phố trực thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Hai người chỉ cho rằng Vương Mỹ Bình đổi lịch trình hoặc là không kịp lên tàu hỏa nên quyết định về nhà thương lượng, ngày hôm sau Chu tiên sinh đến trạm xe lửa tiếp tục đợi Vương Mỹ Bình, còn Chu thái thái và mấy đứa con ở nhà đợi.
Cùng lúc đó cũng gửi điện báo (7) về quê.
(7) Điện báo là cách thức truyền thông tin (tin nhắn) không lời thoại. Nó được sử dụng rộng rãi trong ngành hàng hải và hàng không và ra đời vào năm 1844.
Ai biết đợi suốt bốn ngày vẫn không thấy bóng dáng Vương Mỹ Bình đâu,
ở dưới quê gửi điện báo cũng nói bốn ngày trước Vương Mỹ Bình đã lên tàu rồi. Lúc này Chu tiên sinh và Chu thái thái mới cuống cả lên, vội đến tòa soạn đăng thông báo tìm người, đêm khuya còn tới đồn cảnh sát báo án.
Nhớ lại lúc anh trai cầm tờ báo về nhà nghiên cứu, cô từng ở bên cạnh liếc qua một chút, nhưng mà sự mất tích của Vương tiểu thư không thể so với ngôi sao lớn Trần Bạch Điệp, cũng không thể lập tức khơi gợi sự hứng thú của cô, nếu không phải hôm nay nghe thấy thím Chu nhắc đến tin tức quan hệ bất chính của Hạ gia thì chắc cô cũng không nghĩ tới người này.
Loáng một cái mà ba tháng đã trôi qua, cũng không biết Vương Mỹ Bình về nhà hay chưa.
**
Đến thứ hai, Ngu Hồng Đậu thức dậy mới biết được tối qua anh trai về nhà rất muộn, trời chưa sáng đã đi rồi.
Lúc ăn sáng, Ngu thái thái lải nhải không ngớt, nhiều lần cảm thán con trai làm nhân viên nhỏ đúng là không dễ dàng.
Thật vất vả mới cơm nước xong, Hồng Đậu trở về phòng lấy cặp sách, thời gian không còn sớm, nếu không đi thì sẽ muộn mất, lát nữa phải đạp xe đến trường nên không thể mặc váy, cô quyết định tìm quần dài mặc vào.
Cô vừa thay đồ xong thì mẹ cầm một chiếc áo len vừa đan xong vào phòng, muốn cô mặc vào: “Hôm nay lạnh hơn hôm qua nên con không thể mặc áo mỏng nữa.”
Hồng Đậu nhìn chiếc áo len đó, màu vàng nhạt tươi tắn, sợi len không tính là dày, trước ngực đính một loạt hạt màu trắng giống như châu ngọc, phối với màu vàng nhạt nhìn rất độc đáo.
Cô vội nhận lấy áo rồi mặc vào, cười hì hì hôn má mẹ một cái, “Cảm ơn mẹ.” Rồi giống như một cơn gió đeo cặp sách đi ra ngoài.
Tiết học đầu tiên của hôm nay là môn quốc ngữ làm người người nghe tiếng đã sợ mất mật, nếu “đến trễ” thì có nghĩa là gặp “tai họa”, mặc dù học sinh có lá gan lớn cũng không dám thờ ơ với môn này.
Cứ đến thứ hai là con gái lại như vậy nên từ lâu Ngu thái thái đã không còn kinh ngạc nữa, chỉ đi theo sau con gái dặn dò: “Nếu buổi tối anh con về thì gọi xe đi tới nhà cậu con một chuyến để đưa quà tặng nhé.”
Ngu Hồng Đậu đáp lời rồi bước ra cửa, ai ngờ vừa chạy xuống lầu thì thấy một người trẻ tuổi cao lớn, mày rậm mắt to đứng ở cửa ra vào, cô rất vui vẻ: “Anh trai, anh về rồi à?”