Không Có Gì Mãi Mãi

Chương 3


Vào lúc 5 giờ 30 sáng, khi đám nội trú mới còn đang điểm danh, nhân viên bệnh viện đã đứng xung quanh để hướng dẫn những việc khác nhau cho họ. Thậm chí vào giờ sớm sủa như vậy, sự huyên náo đã bắt đầu.

Bệnh nhân dồn về đây suốt đêm, trên các xe cấp cứu xe cảnh sát hoặc tự lê đến. Nhân viên bệnh viện gọi tắt họ là F và J – dân trôi dạt. Họ tuôn về những phòng cấp cứu, gẫy giập, chảy máu, đâm chém và tai nạn giao thông, chấn thương cả thể xác lẫn tinh thần, những người không nhà cửa và vô thừa nhận, luồng chảy của nhân loại qua những cống rãnh đen tối của các thành phố lớn.

Có một cảm giác râm ran khi quan sát hiện tượng này. Đó là sự hỗn loạn có tổ chức, những chuyển động điên cuồng, những âm thanh rên rỉ và hàng tá những ca bất ngờ cùng tồn tại một lúc.

Đám nội trú mới đứng tụm lại với nhau, chuẩn bị hoà nhập với môi trường mới.

Paige, Kat và Honey đang đứng đợi ngoài hành lang thì một bác sĩ nội trú năm trên tiến lại.

– Ai trong số các bạn là bác sĩ Taft?

Honey ngẩng lên trả lời:

– Tôi đây.

Anh chàng mỉm cười và chìa tay ra:

– Rất hân hạnh được gặp cô. Người ta yêu cầu tôi đi tìm cô. Sếp nói cô đã đạt điểm thi tốt nghiệp rất cao ở trường. Bệnh viện này chưa bao giờ có một người như vậy. Chúng tôi mừng được đón cô về đây.

Honey cười, ngượng ngập.

– Cám ơn.

Kat và Paige nhìn Honey kinh ngạc. Mình không ngờ rằng cô ta lại xuất sắc đến thế. Paige nghĩ.

– Cô định theo nội khoa, đúng không, bác sĩ Taft?

– Vâng.

Anh chàng quay sang Kat.

– Cô là bác sĩ Hunter?

– Vâng.

– Cô quan tâm đến phẫu thuật thần kinh?

– Đúng vậy.

Anh ta xem danh sách.

– Cô được giao cho bác sĩ Lewis.

Cuối cùng anh ta quay sang Paige, hỏi:

– Bác sĩ Taylor?

– Vâng.

Cô định theo phẫu thuật tim?

– Đúng vậy.

– Rất tốt. Chúng tôi đã xếp cô và bác sĩ Hunter vào các tua phẫu thuật. Hai cô có thể trình diện chỗ y tá trưởng Margaret Spencer. Phía dưới ấy.

– Cám ơn.

Paige nhìn các bạn, thở dài:

– Thôi, tôi đi đây. Chúc tất cả may mắn.

Margret Spencer giống cái tàu chiến hơn là một người đàn bà. Phục phịch, với cái nhìn nghiêm nghị và cung cách thô ráp. Khi Paige đến, bà ta đang bận trong phòng y tá.

– Xin lỗi…

Bà Spencer ngẩng lên, “Vâng…”

– Tôi được yêu cầu trình diện ở đây. Tôi là bác sĩ Taylor.

Y tá Spencer nhìn vào một tờ giấy.

– Xin đợi một lát.

Bà đi vào, khuất sau cánh cửa, lát sau bà trở ra tay cầm chiếc áo choàng trắng.

– Của cô đây. Găng tay để đeo trong phòng mổ và khi đi khám bệnh. Còn trong giờ làm việc cô hãy mặc cái áo choàng trắng này.

– Xin cám ơn!

– Và đây nữa. Bà trao cho Paige một tấm biển nhỏ bằng kim loại, trên đó có dòng chữ Paige Taylor M.D(1).

Paige giữ tấm biển trong tay một lúc lâu. Paige Taylor M.D. Cô cảm tưởng như đang được trao bằng danh dự. Bao nhiêu năm học hành gói gọn cả trong mấy chữ ngắn ngủi này: Paige Taylor M.D. Y tá Spencer nhìn cô chằm chằm:

– Cô không sao chứ?

– Không sao đâu. – Paige mỉm cười. – Tôi rất khoẻ.

– Cám ơn. Tôi có thể thay quần áo ở đâu?

– Phòng thay quần áo của bác sĩ ở phía cuối hành lang. Cô sẽ phải đi tua bây giờ nên có lẽ thay quần áo đi là vừa.

Paige cám ơn rồi đi xuống cuối hành lang, vừa đi vừa ngạc nhiên về khối lượng công việc xung quanh.

Hàng lang có rất nhiều bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên, bệnh nhân đang vội vã đi lại. Những thông báo dồn dập trên hệ thống loa công cộng càng làm tăng sự căng thẳng.

– Bác sĩ Keeman phòng mổ 3… Bác sĩ Keeman phòng mổ 8.

– Bác sĩ Talbot phòng cấp cứu 1… Bác sĩ Talbot phòng cấp cứu 1.

– Bác sĩ Engel phòng 212… Bác sĩ Engel phòng 212.Paige đi tới cánh cửa to có dòng chữ PHÒNG THAY ĐỒ BÁC SĨ và đẩy ra. Trong đó, cả tá đàn ông đang ở trong những giai đoạn thay quần áo khác nhau. Hai trong số họ hoàn toàn trần truồng. Họ quay lại nhìn trân trân về phía Paige khi cửa mở ra.

– Ôi xin lỗi.

Paige lúng búng, vội đóng cửa lại. Cô đứng sững, chưa biết phải làm gì. Vài bước gần đó có biển đề PHÒNG THAY ĐỒ Y TÁ. Paige bước tới và mở cửa ra. Phía trong, các cô y tá đang thay quần áo.

Một người ngẩng lên.

– Xin chào. Có phải cô là một y tá mới không?

– Không, tôi nhầm.

Paige đáp cương quyết, đóng mạnh cửa rồi quay lại phòng đầu tiên. Cô đứng đó một lát, thở một hơi sâu và bước vào. Câu chuyện phía trong đang tiếp diễn chợt ngừng lại.

Một người nói.

– Cô em. Đây là Phòng dành cho bác sĩ.

– Tôi là bác sĩ. – Paige nói với vẻ thản nhiên.

Họ quay lại nhìn nhau.

– Ồ, OK, xin chào? – Một người lên tiếng.

– Xin cám ơn. – Cô do dự trong một giây rồi mạnh dạn tiến về phía chiếc tủ còn trống. Mấy người đàn ông theo dõi cô treo quần áo bệnh viện lên mắc. Cô quay đầu nhìn đám đàn ông rồi xoay lưng về phía họ, chầm chậm cởi cúc áo.

Các vị bác sĩ phái mày râu trở nên lúng túng, chẳng biết phải làm gì. Cuối cùng, một trong số họ lên tiếng.

– Có lẽ chúng ta nên dành riêng cho cô bé đây một chút riêng tư, phải không các vị?

– Cô bé!

– Xin cám ơn. – Paige nói. Cô đứng đó chờ cho bọn họ rời khỏi phòng. Chẳng lẽ ngay nào mình cũng phải qua cái thủ tục này ư?

Các tua khám trong bệnh viện này có một cung cách bất di bất dịch. Bác sĩ chính đi đầu, phía sau là các bác sĩ nội trú năm cuối, tiếp theo là mấy bác sĩ nội trú khác và một vài sinh viên y khoa. Paige được xếp đi theo bác sĩ chính William Radnor. Cô đang cùng năm bác sĩ nội trú khác đứng ở hành lang chờ ông.

Trong nhóm có một bác sĩ trẻ người Hoa. Anh ta chìa tay ra:

– Tom Chang. – Anh ta tự giới thiệu. – Tôi hy vọng các bạn cũng đều đang phấp phỏng như tôi.

Paige thích anh ta ngay lập tức.

Một người đàn ông tiến về phía họ.

– Xin chào, – Ông ta nói. – Tôi là bác sĩ Radnor.

Ông ta có giọng nói nhỏ nhẹ và đôi mắt sáng màu da trời. Lần lượt các bác sĩ nội trú tự giới thiệu.

– Đây là ngày đầu tiên các bạn đi tua. Tôi muốn các bạn lưu ý mọi điều mà các bạn nghe hạy nhìn thấy. Tuy vậy cũng cần phải biết tỏ ra thư gíãn.

Paige lập tức tự nhủ. Tập trung nhưng phải làm ra vẻ thư giãn!

– Nếu bệnh nhân thấy các bạn bối rối, căng thẳng, họ lập tức sẽ căng thẳng theo và sợ đến phát chết bởi vì nghĩ rằng họ đang mắc phải một căn bệnh mà các bạn không dám nói với họ.

Không làm bệnh nhân căng thẳng!

– Nhớ rằng từ hôm nay các bạn sẽ chịu trách nhiệm về mạng sống của con người.

Từ đây mình luôn phải chịu trách nhiệm về mạng sống của một ai đó. Ôi, lạy Chúa.

Bác sĩ Radnor càng nói, Paige càng căng thẳng, và khi ông kết thúc thì lòng tự tin vốn đã chẳng nhiều nhặn gì của cô đã bay biến hết. Mình chưa sẵn sàng để làm công việc này. Cô nghĩ. Mình không biết mình đang làm gì. Có ai bảo rằng mình có thể trở thành một bác sĩ đâu. Nếu chẳng may mình làm chết người thì sao?

Bác sĩ Radnor tiếp tục:

– Tôi muốn các bạn ghi chép tỷ mỷ về bệnh nhân: Xét nghiệm, máu, điện tâm đồ…, mọi thứ. Rõ cả chứ?

Có tiếng lao xao: “Vâng, thưa bác sĩ”.

– Ở đây có khoảng ba đến bốn mươi bệnh nhân tim mạch đang nằm chờ phẫu thuật. Công việc của các bạn phải được tổ chức cẩn thận. Bây giờ ta sẽ bắt đầu tua buổi sáng. Chiều sẽ lại làm tua nữa.

Hồi ở trường y sao mà dễ chịu thế. Paige nhớ lại bốn năm học ở đấy. Khoá của họ gồm trăm rưởi sinh viên, chỉ có mười lăm cô gái. Cô sẽ không bao giờ quên buổi đầu tiên học về giải phẫu: Sinh viên vào một phòng lớn lát men trắng có hai mươi bàn xếp thành hàng ngay ngắn, trên mặt bàn phủ một tấm vải vàng. Mỗi bàn xếp năm sinh viên.

Giáo sư nói: “Nào, hãy kéo vải phủ ra”. Lúc đó, trước mặt Paige hiện ra một xác chết. Đó là xác chết đầu tiên cô nhìn thấy trong đời. Cô nghĩ mình sẽ cảm thấy choáng hoặc buồn nôn và bèn cố sức giữ bình tĩnh. Cái xác được bảo quản tốt nên nhìn cũng không khủng khiếp lắm.

Trong mấy ngày đầu, sinh viên còn cảm thấy sự nghiêm trang trong phòng học giải phẫu. Nhưng thật là ngạc nhiên đối với Paige, chỉ trong vòng một tuần là họ đã có thể ăn san-đuých ngay tại đó, trong giờ nghỉ giải lao, và làm những trò đùa tục tĩu hoặc thô bạo. Có lẽ đó là một dạng tự bảo vệ, chối bỏ cái chết trong họ. Sinh viên đặt tên cho các xác chết và nói chuyện với “chúng” như nói với bạn cũ. Paige cố bắt mình cư xử như đám bạn học nhưng cảm thấy rất khó khăn. Cô nhìn xác chết dưới tay mình và nghĩ.

Đây từng là một người có gia đình. Hàng ngày anh ta đi làm. Mỗi năm một lần cùng vợ con đi nghỉ. Có lẽ anh ta thích thể thao, xem phim, xem kịch. Anh ta đã cười thấy các con khôn lớn, chia xẻ với chúng niềm vui, nỗi buồn. Anh ta đã có những ước mơ. Mình hy vọng nó đã trở thành hiện thực… Một cảm giác buồn bã trào lên trong lòng cô: Anh ta đã chết, còn cô vẫn đang sống.

Theo thời gian, đến cả Paige cuối cùng cũng trơ ra mọi cảm xúc. Mở lồng ngực kiểm tra phổi, vùng mổ quanh tim, khám mạch máu, dây thần kinh…

Phần lớn thời gian trong hai năm đầu ở trường y sinh viên dành để học thuộc danh sách những bộ phận trong cơ thể và các thuật ngữ y học. Sinh viên còn láu cá nghĩ ra những câu có vần có điệu để giúp họ ghi nhớ. Bọn con trai là hay nghĩ những câu tục tĩu nhất.

Hai năm cuối có vẻ thú vị hơn với những môn nội khoa, ngoại khoa, tiêu hoá… và họ có thời gian làm việc trong bệnh viện địa phương. Mình lại hồi tưởng rồi. Paige nghĩ ngợi.

– Bác sĩ Taylor… – Bác sĩ nội trú năm cuối nhìn cô chăm chú.

Paige chợt tỉnh. Các bác sĩ khác đã đi được một đoạn.

– Tôi tới ngay đây!

Nơi dừng đầu tiên là một căn phòng lớn hình chữ nhật có hai dãy giường kê theo hai cạnh tường, mỗi giường có một cái tủ con đặt liền bên. Paige hình dung phải có màn che ngăn giữa các giường, nhưng không thấy. Sự riêng tư không được phép hiện diện ở đây.

Bệnh nhân đầu tiên là một ông già với nước da phù thũng. Ông ta đang ngủ say, thở nặng nhọc. Bác sĩ Radnor đi xuống chân giường xem xét biểu đồ treo tại đó rồi bước đến bên cạnh bệnh nhân và chạm vào vai ông ta.

– Ông Petter!

Bệnh nhân mở mắt.

– Cái gì?

– Chào buổi sáng. Tôi là bác sĩ Radnor. Tôi chỉ kiểm tra xem sức khoẻ ông ra sao. Ông ngủ tốt chứ?

– Cũng tạm được.

– Ông thấy đau ở đâu không?

– Vâng, vùng ngực.

– Để tôi xem nào.

Sau khi khám xong Radnor nói:

– Ông đang phục hồi tốt. Tôi sẽ nói y tá đưa ông ít thuốc để giảm cơn đau.

– Xin cám ơn bác sĩ.

– Tôi sẽ khám cho ông một lần nữa vào buổi chiều.

Đám đông rời khỏi giường bệnh. Bác sĩ Radnor quay lại nói:

– Luôn cố gắng hỏi những câu người bệnh chỉ cần trả lời có hoặc không? Họ không cần phải mất sức khi trả lời bác sĩ. Và phải luôn làm họ tin tưởng vào sức khoẻ của mình. Tôi yêu cầu các bạn nghiên cứu bản theo dõi bệnh nhân và hãy ghi chép những điểm chính. Chúng ta sẽ quay lại chiều nay để xem ông ta thế nào. Phải lưu ý ghi chép cả bệnh sử, tất cả những lời phàn nàn của bệnh nhân, tình trạng sức khoẻ của gia đình và thân hữu… ông ta có uống rượu, hút thuốc không? Tôi muốn có báo cáo về tiến trình sức khoẻ của từng bệnh nhân một.

Họ đi tiếp đến giường sau, của một người đàn ông trạc bốn mươi tuổi.

– Xin chào ông Rawlings.

– Chào bác sĩ.

– Ông có cảm thấy khá hơn trong buổi sáng nay không?

– Không tốt lắm. Tôi. gần như mất ngủ cả đêm qua. Phần bụng đau quá.

Bác sĩ Radnor quay sang phía một bác sĩ nội trú.

– Chụp phim có thấy gì không?

– Không có bất kỳ một dấu hiệu lo ngại nào cả.

– Cho ông ấy một liều Barium enema Stat.

Anh chàng nội trú đứng cạnh Paige thì thầm vào tai cô.

– Tớ hy vọng cậu biết stat nghĩa là gì. “Lắc mông đi cô bé!”

Bác sĩ Radnor nghe thấy.

– Stat bắt nguồn từ tiếng Latinh, Statim – ngay lập tức Trong nhiều năm tới, Paige sẽ luôn phải nghe những mệnh lệnh như vậy.

Bệnh nhân tiếp sau là một bà già đã qua phẫu thuật.

– Xin chào bà Turkel.

– Các ông định giữ tôi lại đây bao lâu nữa?

– Không lâu nữa đâu. Vừa rồi, điều trị cho bà đã rất thành công. Bà sẽ được về nhà trong thời gian tới.

Quá trình hỏi đáp đó cứ lặp đi lặp lại, cả buổi sáng trôi qua nhanh chóng. Tổng cộng họ đã khám cho ba mươi bệnh nhân. Với môi bệnh nhân, các bác sĩ nội trú lại cắm cúi ghi chép và cầu cho những ghi chép ấy có ích sau này.

Có một bệnh nhân làm Paige khó hiểu. Bà ta có vẻ rất khoẻ mạnh. Cô hỏi:

– Bà ta mắc bệnh gì vậy?

Bác sĩ Radnor gật đầu:

– Bà ta chẳng có bệnh gì cả. Bà ta là Gomer (2).

Và đối với những ai trong số các bạn chưa biết, khi ở trường y, tôi xin nhắc rằng Gomer là viết tắt của câu nói: Cút khỏi phòng cấp cứu của tôi! Đó là loại người thích chí với tình trạng sức khoẻ tồi. Riêng năm vừa rồi đã sáu lần bà ta nằm ở đây.

Họ tiến lại bệnh nhân cuối cùng, một bà giờ thở bằng máy hô hấp. Bệnh nhân đang hôn mê.

– Bà ta bị nhiễm máu rất nặng. – Bác sĩ Radnor giải thích cho đám nội trú. – Hôn mê đã sáu tuần nay. Tuyệt vọng. Chúng ta chẳng có thể làm gì cho bà ấy nữa. Chiều nay chúng ta sẽ rút phích.

Paige cảm thấy sốc.

– Rút phích.

Bác sĩ Radnor giải thích nhẹ nhàng.

– Hội đồng đạo đức bệnh viện đã quyết định sáng nay. Bà ta đang tồn tại ở dạng thực vật. Và ngày nào chưa chết, thì có nghĩa là bà ta vẫn chỉ tồn tại ở dạng ấy. Tám mươi bảy tuổi, não đã chết. Để bà ta sống mới thật nhẫn tâm, và tổn hao tài chính cho gia đình. Tôi sẽ gặp các bạn vào tua chiều nay.

Họ nhìn theo ông khi ông đi khỏi. Paige quay lại phía bệnh nhân. Bà ta còn sống. Chỉ vài giờ nữa bà ta sẽ chết. Chúng ta sẽ rút phích chiều nay. Giết người! Paige nghĩ.

Chú thích:

(1) viết tắt của chữ Doctor of Medicme (Bác sĩ Y khoa)

(2) viết tắt của câu: Get out of my emergency room. (N.D)


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận