“Bữa tối trong tủ lạnh”
“Lò vi sóng đã tắt”
“Xin lỗi, mình không có thời gian dọn dẹp”.
“Thứ bảy chúng ta đi ăn tiệm được không?”Những giờ làm việc kéo dài, bận rộn quá sức chịu đựng vẫn tiếp tục, là sự hành hạ cũng như thử thách lòng kiên nhẫn của tất cả các bác sĩ nội trú.
Paige cám ơn sự căng thẳng đó. Nó không cho cô lúc nào để mà nghĩ về Alfred và tương lai tuyệt diệu mà họ đã cùng vẽ nên bên nhau. Thế nhưng cô không sao gạt được Alfred ra khỏi tâm trí. Điều anh làm đã để lại nỗi đau sâu thẳm và nó không chịu buông tha cô. Cô tự hành hạ mình bằng trò chơi vô nghĩa “giá như”.
Giá như mình ờ lại châu Phi với Alfred.
Giá như chàng về Chicago với mình.
Giá như chàng không gặp Karen.
Giá như…Một hôm, thứ sáu, khi Paige vào phòng thay quần áo để đi găng tay, hai chữ “con đĩ” đã được viết trên tủ áo cô bằng một loại bút đánh dấu đen.
Ngày hôm sau, khi Paige đi tìm cuốn sổ trực của cô, nó đã mất tăm. Tất cả ghi chép của cô cũng đã biến mất. Chắc mình để lạc đâu đó, Paige nghĩ.
Nhưng cô không thể nào tin được.
Thế giới bên ngoài nhà thương đã ngừng tồn tại.
Paige biết tin Irag xâm lược Kuwait, nhưng cuộc chiến vẫn bị lu mờ bởi nỗi thương tâm trước một bệnh nhân mười lăm tuổi đang hấp hối vì bệnh máu trắng. Ngày Đông và Tây Đức thống nhất, Paige còn đang mải cứu sống một bệnh nhân bị bệnh đái đường. Margaret Thatcher đã thôi giữ chức Thủ tướng Vương quốc Anh, nhưng quan trọng hơn, bệnh nhân phòng 214 đã đi lại được. Các đồng nghiệp đã giúp Paige đứng vững. Trừ một vài ngoại lệ, còn họ đều chuyên tâm, hết lòng chữa bệnh, giảm nhẹ đau đớn và cứu sống con người.
Paige quan sát những phép màu họ làm ra mỗi ngày, lòng đầy hãnh diện.
Những giờ dài dằng dặc ở bệnh viện và sự khẩn trương trong công việc đã gây cho các y bác sĩ sự căng thẳng cao độ. Tỷ lệ ly hôn tăng vọt, và những vụ ngoại tình trở nên phồ biến.
Tom Chang là một trong số người có vấn đề. Anh kể với Paige trong lúc uống cà phê.
– Mình có thể điều khiển giờ giấc. – Chang tâm sự – nhưng vợ mình không chịu. Cô ấy than phiền rằng chẳng cách nào gặp được mình nữa, và mình đã thành xa lạ với đứa con gái nhỏ. Cô ấy nói đúng. Mình không biết phải làm sao bây giờ.
– Vợ cậu đã đến thăm bệnh viện này chưa?
– Chưa.
– Sao cậu không mời cô ấy đến đây ăn trưa hả – Tom? Hãy để cho cô ấy biết cậu làm gì ở đây và công việc đó quan trọng đến mức nào.
Chang tươi tỉnh hẳn.
– Sáng kiến hay quá. Cám ơn Paige. Mình sẽ làm như vậy. Bạn cùng ăn trưa với vợ chồng mình được không?
– Rất sẵn lòng.
Sye, vợ Chang, hoá ra là một thiếu phụ đáng yêu, với sắc đẹp hài hoà không có tuổi. Chang dẫn vợ đi tham quan bệnh viện, và sau đó họ ăn trưa trong căng tin với Paige.
Chang cho Paige biết Sye sinh ra và lớn lên ở Hồng Kông.
– Chị thích San Francisco không? – Paige hỏi.
Im lặng một thoáng.
– Thành phố này cũng hay, – Sye đáp lịch sự, – nhưng em có cảm giác ở đây em là một kẻ xa lạ. Quá lớn, quá ồn.
– Nhưng theo tôi hiểu, Hồng Kông cũng lớn và ồn ào đấy chứ.
– Em quê ở một làng nhỏ cách Hồng Kông một tiếng đi đường. Ở đó không có xe cộ ầm ỹ và mọi người đều quen biết nhau. – Cô nhìn sang chồng. – Tom và em cùng đứa con gái đã sống rất hạnh phúc ở đó. Đó là một làng rất đẹp trên đảo Lamma. Bờ biển trắng phau và những trang trại xinh xắn, bên cạnh là làng chài nhỏ Sak Kwu Wan. Thật thanh bình biết bao.
Giọng người đàn bà đượm nỗi tiếc nuối quê hương.
– Dạo ấy, vợ chồng em lúc nào cũng bên nhau, đúng nghĩa là một gia đình. Ở đây, em chẳng bao giờ gặp được anh ấy.
– Chị Chang, tôi hiểu lúc này thật khó khăn cho chị, nhưng chỉ vài năm nữa thôi Tom sẽ được mở phòng khám tư, và khi đó công việc cũng như giờ giấc của Chang sẽ dễ chịu hơn nhiều.
Tom Chang nắm lấy tay vợ.
– Em thấy chưa? Mọi việc sẽ ổn cả thôi, Sye. Em phải kiên nhẫn chứ.
– Em hiểu rồi. – Người vợ nói. Giọng cô ta không mấy tin tưởng.
Trong khi họ nói chuyện, một người đàn ông bước vào căng tin. Khi anh ta dừng lại ở cửa, Paige chỉ nhìn thấy gáy người đó. Tim cô đập dồn dập. Người đàn ông quay lại. Đó là một người lạ hoàn toàn.
Chang nhìn Paige.
– Bạn không sao chứ?
– Không, – Paige nói dối. Mình phải quên Alfred đi. Chuyện đã qua rồi. Nhưng còn kỷ niệm của bao nhiêu năm tuyệt vời ấy, niềm vui, nỗi sung sướng, tình yêu họ đã dành cho nhau… Làm sao mình có thể quên đi tất cả? Hay là thuyết phục một bác sĩ nào đó phẫu thuật thuỳ não cho mình?
Paige chạy ngang qua Honey trong hành lang. Honey thở không ra hơi và lo lắng.
– Mọi việc ổn cả chử? – Paige hỏi.
Honey mỉm cười bối rối.
– Ừ ổn. – Cô cắm cúi đi tiếp.
Honey mới được giao cho một bác sĩ hướng dẫn tên là Charles Isler, người nổi tiếng khắp bệnh viện là một tay quân phiệt.
Ngay tua trực đầu tiên của Honey, ông ta đã nói.
– Bác sĩ Taft, tôi rất mong được làm việc với cô. Bác sĩ Wallace đã kể cho tôi về thành tích xuất sắc của cô ở trường y. Tôi được biết bác sĩ sẽ thực hành nội khoa.
– Vâng.
– Tốt. Vậy là chúng tôi còn có được bác sĩ ở đây ba năm nữa.
Họ bắt đầu tua trực.
Bệnh nhân đầu tiên của họ là một thanh niên người Mexico. Isler bỏ qua các bác sĩ nội trú khác và quay sang Honey.
– Bác sĩ Taft, tôi nghĩ bác sĩ sẽ thấy đây là một ca đáng chú ý. Bệnh nhân cỏ tất cả những biểu hiện và triệu chứng kinh điển: Kém ăn, sụt cân, đắng miệng, mệt mỏi, thiếu máu, dễ cáu kỉnh và rời rã. – Ông nheo mắt nhìn Taft. – Bác sĩ chẩn đoán thế nào?
Và ông mỉm cười chờ đợi.
Honey ngó ông ta trừng trừng:
– À. có thể là một số bệnh… đúng không à?
Bác sĩ Isler nhìn lại khiến cô bối rối. Ông gợi ý:
– Đây là một trường hợp rõ ràng của bệnh…
Một bác sĩ nội trú tiếp lời.
– Ngộ độc chì?
– Đúng! – Isler đáp.
Honey mỉm cười.
– Hiển nhiên rồi. Ngộ độc chì.
Bác sĩ Isler lại quay sang Honey.
– Cách điều trị ra sao?
Honey nói một cách lẩn tránh.
– À có một số cách điều trị khác nhau, phải không ạ?
Một bác sĩ nội trú khác phát biểu.
– Nếu bệnh nhân đã bị nhiễm độc lâu ngày, cần phải được chữa trị như một ca tiềm chứa viêm não.
Bác sĩ Isler gật đầu.
– Đúng. Đó là điều chúng ta đang làm. Chúng ta đang điều trị chelat.
Ông nhìn sang Honey. Cô gật đầu đồng ý.
Bệnh nhân tiếp theo là một ông lão tám mươi tuổi. Mắt ông ta đỏ ngầu và hai mí mắt gần như dính chặt với nhau.
– Chúng tôi sẽ chăm sóc cụ ngay đây, – bác sĩ Isler trấn an ông lão. – Cụ cảm thấy thế nào?
– Ồ không đến nỗi quá tệ với một lão già như tôi.
Bác sĩ Isler lật tấm chăn, để lộ đầu gối và mắt cá chân sưng tấy của người bệnh. Có những thương tổn trên bàn chân ông lão.
Bác sĩ Isler quay sang đám nội trú.
– Sưng do viêm khớp. – Ông nhìn Hunter. – Kèm theo thương tổn da và viêm kết mạc. Tôi tin chắc bác sĩ có thể chẩn đoán đó là bệnh gì.
Honey chậm chạp nói.
– Có thể là… bác sĩ biết đấy…
– Hội chứng Reiter, – một bác sĩ nội trú lên tiếng.
– Nguyên nhân chưa rõ. Thường có kèm theo sốt nhẹ.
Bác sĩ Isler gật đầu.
– Đúng. – Ông lại nhìn Honey. – Tiên lượng bệnh ra sao?
– Tiên lượng?
Anh chàng kia lại đáp.
– Tiên lượng chưa rõ. Có thể điều trị bằng các loại thuốc chống viêm.
– Rất tốt, – bác sĩ Isler nói.
Họ khám cho mười hai bệnh nhân, và khi tua thăm bệnh kết thúc, Honey nói với bác sĩ Isler.
– Bác sĩ Isler, em có thể gặp riêng bác sĩ một lát không ạ?
– Được! Đến phòng tôi.
Khi họ đã ngồi trong phòng làm việc của Isler, Honey nói.
– Em biết bác sĩ thất vọng về em.
– Tôi phải thừa nhận là tôi hơi ngạc nhiên…
Honey ngắt lời.
– Em biết, thưa bác sĩ Isler. Đêm qua, em không sao chợp mắt nổi. Nói thực là… em hồi hộp quá vì được làm việc với ông, đến nỗi em… em không sao ngủ được.
Ông ta nhìn cô ngạc nhiên.
– À, ra thế. Tôi đã nghĩ chắc phải có nguyên nhân… Thành tích học tập của cô tuyệt thế kia mà. Điều gì đã khiến cô quyết định trở thành bác sĩ?
Honey cụp mắt xuống giây lát, rồi nhẹ nhàng nói.
– Em có một cậu em trai bị tai nạn. Các bác sĩ đã làm tất cả những gì có thể để cứu cậu ấy… nhưng em đã phải nhìn cậu ấy chết. Chết dần dần, mà em thì bất lực làm sao. Đó là lúc em quyết định dành cả đời mình để giúp cho những người khác khoẻ mạnh. – Nước mắt cô tuôn xuống.
Cô ấy yếu đuối thậ1! – Isler nghĩ.
– Vui lòng được trò chuyện với cô. – Ông nói như một kết luận, cũng là tế nhị thông báo đã hết giờ tiếp khách.
Honey nhìn ông ta và nghĩ. Ông ta tin mình.