Không Có Ngày Mai

Chương 36


LÚC LIÊN XÔ TAN RÃ THÌ LILA HOTH mới lên bảy tuổi, thế nên cô ta trình bày với kiểu nắm lịch sử không được rõ cho lắm. Cô ta cũng có cái kiểu xa rời với thực tiễn thời trước cũng như tôi về cái thời nước Mỹ phân biệt đối xử với người da đen. Cô bảo tôi rằng thời ấy Hồng quân triển khai các chính trị viên ở diện rất rộng. Mỗi đại đội bộ binh đều có một người. Lila nói rằng quyền chỉ huy và kỷ luật được chia sẻ không lấy gì làm êm thấm giữa chính trị viên và chiến sĩ thực địa. Cô bảo rằng sự cạnh tranh diễn ra phổ biến và gay gắt, không hẳn giữa hai cá nhân với nhau, mà cả giữa kinh nghiệm chiến thuật thực tiễn và tính trong sạch về hệ tư tưởng. Lila đảm bảo rằng tôi đã hiểu được bối cảnh chung, rồi mới chuyển sang các vấn đề cụ thể.

Svetlana Hoth là chính trị viên được chỉ định cho một đại đội bộ binh. Đại đội của bà ta đã tới Afghanistan không lâu sau khi Liên Xô đưa quân vào nước này năm 1979. Những chiến dịch lúc ban đầu khá là khả quan cho lực lượng bộ binh. Nhưng rồi chúng trở nên khủng khiếp. Mất mát tiêu hao sinh lực trở nên nặng nề và diễn ra liên tục. Ban đầu người ta phủ nhận. Rồi thì Moscow phản ứng, một cách chậm trễ. Tổ chức mặt trận được sắp xếp lại. Các đại đội được sáp nhập. Kinh nghiệm chiến thuật thực tiễn đề xuất rút quân. Nhưng hệ tư tưởng đòi hỏi phải mở đợt tấn công mới. Đạo đức đòi hỏi sự thống nhất của các sắc tộc và quê quán. Các đại đội được bố trí lại để bao gồm những đội bắn tỉa. Các thiện xạ đeo mặt nạ được điều tới, cùng với người phát hiện mục tiêu luôn đi kèm. Thế là các cặp vốn quen sống lẩn lút nay xuất đầu lộ diện.

Tay bắn tỉa của Svetlana là chồng bà.

Người phát hiện mục tiêu là em trai Svetlana.

Tình hình được cải thiện, cả về mặt quân sự lẫn về mặt riêng tư. Quan hệ giữa Svetlana với mọi người khác dù theo quan hệ gia đình hay theo quan hệ vùng miền đều êm xuôi mát mái. Các đại đội đã hội nhập tốt, ổn định và đạt được mức an toàn cũng như an ninh có thể chấp nhận được. Những yêu cầu về tấn công được các hoạt động bắn tỉa thường xuyên vào ban đêm đáp ứng. Kết quả tuyệt vời. Từ xưa, các tay bắn tỉa Xô viết đã xếp hàng đầu thế giới. Lực lượng Du kích Hồi giáo Afghanistan không có cách nào chống đỡ. Cuối năm 1981, Moscow củng cố thế chiến thắng bằng cách chuyển đến các loại vũ khí mới. Một loại súng trường kiểu mới ra đời. Nó mới được phát triển và vẫn còn thuộc hàng tuyệt mật. Loại súng này được gọi là Súng Bắn Tỉa Không Tiếng Động VAL.

Tôi gật đầu. Và nói, “Tôi từng trông thấy một khẩu.”

Lila Hoth mỉm cười, chỉ thoáng qua, với một chút bẽn lẽn. Và thoáng chút tự hào dân tộc, có lẽ vậy, về một đất nước không còn tồn tại nữa. Có lẽ chỉ là cái bóng của lòng tự hào mà mẹ cô đã cảm thấy, tận hồi ấy. Bởi VAL là loại vũ khí tuyệt vời. Nó là súng trường bán tự động được giảm thanh và cực kỳ chính xác. VAL bắn ra những viên đạn hạng nặng loại chín milimét với tốc độ gần bằng âm thanh, có thể xuyên thủng tất cả các xe quân sự vỏ mỏng cũng như các loại áo giáp chống đạn hồi ấy trong khoảng cự ly chừng bốn trăm mét. Súng có kèm theo kính ngắm cực mạnh dùng cho ban ngày hoặc kính điện tử dùng cho ban đêm. Nó là một cơn ác mộng, theo quan điểm của kẻ đối lập. Anh có thể bị giết mà không có một chút dấu hiệu báo trước nào, một cách im lặng, đột ngột, bất kỳ lúc nào, dù là khi đang ngủ trên giường trong lều, lúc đang đi vệ sinh, đang ăn, đang mặc đồ, đi dạo, dưới sánh sáng ban ngày, trong bóng tới ban đêm.

Tôi nói, “Đó là loại súng tốt.”

Lila Hoth mỉm cười lần nữa. Nhưng rồi nụ cười ấy tan biến. Bắt đầu những tin xấu. Tình hình ổn định kéo dài chừng một năm rồi chấm dứt. Phần thưởng không thể tránh khỏi dành cho thành tích tốt của đơn vị bộ binh Xô viết là được giao những nhiệm vụ còn nguy hiểm hơn. Trên cả thế giới này đều vậy, xuyên suốt lịch sử cũng thế. Ta không nhận được cái vỗ vai kèm theo một chuyến xe trở về nhà. Thay vào đó, ta nhận được một tấm bản đồ. Đại đội của Svetlana là một trong số nhiều đại đội được lệnh tiến về phía Bắc và lên phía Đông thung lũng Korengal. Thung lũng này dài mười dặm. Nó là tuyến đường chạy xe duy nhất dẫn ra khỏi Pakistan. Dãy núi Hindu Kush dựng lên bên trái, cao vô cùng và cằn cỗi vô cùng, còn dải Abas Ghar chắn toàn bộ sườn phải. Con đường mòn dài sáu dặm giữa hai dãy này là đường tiếp tế chính yếu của lực lượng du kích Hồi giáo cho mặt trận Tây Bắc, và nó cần phải được cắt đứt.

Lila nói, “Cách đây hơn trăm năm, người Anh đã viết một cuốn sách về các chiến dịch ở Afghanistan. Vì đế chế của họ. Họ nói rằng khi tính toán một cuộc tấn công, điều trước tiên ta phải dự kiến là cuộc thoái lui không thể tránh. Và họ nói rằng ta phải dành viên đạn cuối cùng cho bản thân mình, bởi ta không muốn bị bắt sống, nhất là lọt vào tay những phụ nữ bộ tộc. Các chỉ huy đại đội đã đọc cuốn sách đó. Các chính trị viên được yêu cầu không đọc. Người ta nói với họ rằng người Anh thất bại chỉ vì bản lĩnh chính trị kém. Tư tưởng Xô viết hoàn toàn trong sáng, vì vậy nên chắc chắn thành công. Cùng với cái ảo tưởng đó, cuộc chiến Việt Nam của chính chúng tôi bắt đầu.”

Việc đẩy lực lượng lên thung lũng Korengal được hỗ trợ bởi hỏa lực pháo binh và không quân và đã thành công ở ba dặm đầu tiên. Dặm thứ tư giành được một cách khó khăn từng thước đất một khi phải chiến đấu chống một kẻ địch mà đối với cánh lính thì vô cùng tàn bạo nhưng đối với các sĩ quan thì im lặng một cách lạ lùng.

Các sĩ quan nghĩ đúng.

Đó là một cái bẫy.

Du kích Hồi giáo đợi tới khi đường tiếp tế của quân Xô viết kéo dài ra bốn dặm thì mới bắt đầu ra tay. Tiếp tế bằng trực thăng phần lớn bị ngăn chặn bởi những loạt phóng không ngừng tên lửa đất đối không vác vai do Mỹ cung cấp. Các đợt tấn công phối hợp đã bẻ gãy mũi quân tiên phong ngay từ gốc. Cho đến cuối năm 1982 vài ngàn nhóm Hồng quân về thực chất đã bị bỏ mặc trong một chuỗi trại dài, mỏng, đói ăn thiếu thốn, dựng được chăng hay chớ. Thời tiết mùa đông khủng khiếp. Những cơn gió lạnh cóng không ngừng gào rú dọc theo con đường nằm giữa các dãy núi. Và nơi nào cũng có những bụi nhựa ruồi xanh suốt cả năm. Quả là đẹp và nên thơ, nhưng với cánh lính bị buộc phải chiến đấu giữa các bụi ấy thì không hề như vậy. Chúng cọ vào nhau ồn ĩ trong gió, hạn chế khả năng cơ động, cứa toạc da và xé rách cả quân phục.

Rồi các cuộc đột kích quấy rối bắt đầu.

Có những người bị bắt làm tù binh, mỗi lượt một, hai người.

Số phận của họ thật khủng khiếp.

Lila trích vài dòng của nhà thơ Anh Rudyard Kipling trong một bài thơ sầu thảm về những cuộc tấn công thất bại, những binh lính bị thương bị bỏ mặc trên chiến trường đang rên la và những phụ nữ bộ lạc Afghanistan tàn bạo tay cầm dao: Khi bạn bị thương và bị bỏ lại trên đồng bằng Afghanistan, những người phụ nữ này hiện ra và cắt bỏ những gì còn sót lại, hãy kéo súng lại tự bắn vào đầu mình đi, đến với Chúa như một người lính. Và cô bảo rằng những điều có thật ngay vào thời đỉnh cao quyền lực của Đế chế Anh đến bây giờ vẫn có thật, và còn tệ hơn. Các lính bộ binh Xô viết mất tích và vài giờ sau, trong bóng tối, những cơn gió mùa đông sẽ mang lại tiếng la hét của họ từ những trại của kẻ địch gần đó song không thể nhìn thấy. Tiếng hét bắt đầu bằng âm điệu tuyệt vọng rồi dâng lên từ từ, vững chắc để rồi trở thành tiếng gào rống điên loạn của kẻ cận kề với cái chết. Đôi khi tình trạng ấy kéo dài mươi mười hai tiếng. Hầu hết các thi thể đều không được tìm thấy. Nhưng đôi khi các xác chết được trả về trong tình trạng thiếu bàn tay, bàn chân hay toàn bộ tay chân, hoặc thiếu đầu, tai, mắt, mũi, bộ phận sinh dục.

Hoặc không còn da.

“Một số bị lột da sống,” Lila nói. “Mí mắt họ bị cắt bỏ và đầu họ bị kẹp vào một cái khung giữ cho gập xuống để họ không có lựa chọn nào ngoài việc theo dõi da của chính mình bị lột ra, trước tiên lột khỏi mặt, rồi lột khỏi cơ thể. Cái lạnh khiến vết thương của họ tệ đến một mức nào đó và ngăn họ chết quá sớm vì sốc. Đôi khi quá trình này diễn ra trong thời gian dài. Hoặc đôi khi họ bị quay sống. Vài gói thịt nướng sẽ xuất hiện gần nơi đóng của quân chúng tôi. Ban đầu cánh lính tưởng đó là quà đồ ăn do người dân địa phương có lòng cảm thông đưa tới. Nhưng rồi họ nhận ra.”

Svetlana Hoth chằm chặp nhìn vào phòng, không trông thấy gì có vẻ còn lạnh lẽo hơn cả trước đây. Có lẽ giọng điệu của cô con gái đang khơi lại những ký ức của bà. Rõ ràng rất thuyết phục. Lila chưa từng sống qua hoặc chứng kiến các sự kiện cô đang mô tả, song nghe như thể cô đã sống qua, đã chứng kiến. Nghe như thể cô mới chứng kiến nó ngày hôm qua. Cô không còn mơ hồ về lịch sử. Ấn tượng để lại nơi tôi là cô sẽ trở thành một người kể chuyện giỏi. Cô có năng khiếu thuật chuyện.

Lila nói, “Họ muốn bắt được các tay bắn tỉa của chúng tôi nhất. Họ căm ghét các tay bắn tỉa của chúng tôi. Tôi nghĩ những người bắn tỉa luôn bị căm ghét, có lẽ bởi cách họ giết đối phương. Mẹ tôi rất lo cho cha, cái đó thì rõ rồi. Còn em trai của bà nữa. Hầu như đêm nào họ cũng đi, vào những ngọn đồi thấp, mang theo kính ngắm điện tử. Không quá xa. Có lẽ khoảng một nghìn mét, để tìm góc ngắm. Có lẽ xa hơn thế một chút. Đủ xa để đạt hiệu quả, đủ gần để cảm thấy an toàn. Nhưng chẳng nơi nào thực sự an toàn. Mọi nơi đều có thể bị tấn công. Nhưng họ phải đi. Mệnh lệnh của họ là bắn vào kẻ thù. Ý định của họ là bắn các tù nhân. Họ nghĩ rằng như thế là nhân đạo. Thời ấy thật đáng sợ. Và lúc đó thì mẹ tôi đã mang bầu. Mang bầu tôi. Tôi được thụ thai trong một chiến hào đá đào ở thung lũng Korengal, dưới một chiếc áo khoác dã chiến có từ thời cuối Thế chiến thứ hai và trên hai chiếc khác có thể còn cũ hơn thế. Mẹ tôi bảo rằng mấy chiếc áo đó mang những vết đạn cũ, có thể ở Stalingrad.”

Tôi chẳng nói gì. Svetlana vẫn nhìn đăm đăm. Lila đặt hai tay lên bàn, đan hờ hững vào nhau. Cô nói, “Trong khoảng một tháng đầu tiên sáng nào cha và cậu tôi cũng trở về, an toàn. Họ là một đội giỏi. Có lẽ giỏi nhất.”

Svetlana vẫn nhìn đăm đăm. Lila bỏ hai tay khỏi bàn và ngừng nói một chút. Rồi cô ngồi thẳng lên ưỡn thẳng hai vai. Thay đổi nhịp độ. Thay đổi chủ đề. Cô nói, “Hồi ấy có những người Mỹ ở Afghanistan.”

Tôi hỏi, “Có hả?”

Cô gật đầu.

Tôi nói, “Những người Mỹ nào?”

“Những người lính. Không nhiều nhưng có một số. Không phải luôn luôn nhưng đôi lúc có.”

“Cô nghĩ thế sao?”

Cô gật đầu lần nữa. “Chắc chắn quân đội Mỹ đã ở đó. Liên Xô là kẻ thù của họ, và du kích Hồi giáo là đồng minh của họ. Đó là Chiến tranh Lạnh một cách gián tiếp. Làm suy yếu Hồng quân là điều Tổng thống Ronald Reagan rất muốn. Đó là một phần chiến lược chống cộng của ông ta. Và ông ta tranh thủ cơ hội ấy để chiếm một số vũ khí mới của chúng tôi nhằm phục vụ mục đích tình báo. Thế nên có các đội được phái đi. Lực lượng Đặc biệt. Họ đến và đi đều đặn. Và một đêm tháng Ba năm 1983, một trong số đội này đã phát hiện ra cha cùng cậu tôi và đánh cắp khẩu súng trường VAL của họ.”

Tôi không nói gì.

Lila nói: “Để mất khẩu súng là một thất bại, tất nhiên là thế. Nhưng điều tệ hại hơn là những người Mỹ đã trao cha và cậu tôi cho các phụ nữ bộ tộc. Không cần thiết phải làm thế. Rõ ràng là phải bịt miệng họ lại, vì sự hiện diện của người Mỹ hoàn toàn bí mật và phải được che giấu. Nhưng người Mỹ lẽ ra đã có thể tự tay giết cha và cậu tôi, nhanh chóng, im lặng và dễ dàng. Nhưng họ đã chọn không làm thế. Mẹ tôi nghe tiếng họ gào thét suốt cả ngày cho tới tận đêm hôm sau. Chồng và em trai bà. Mười sáu, mười tám tiếng đồng hồ. Bà bảo thậm chí cho dù gào thét thảm tới mức ấy bà vẫn có thể phân biệt của ai, qua âm giọng của từng người.”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận