Kiếm Hiệp Tình

Chương 127: Trận thủy chiến


Tiểu Chu lặng cả người: “Chúng hút máu của ta, sau đó đều chết là do máu ta có độc ư? Phải rồi, là do Hoàn Linh Đan gì đó mà lão nhân kỳ bí trong hang động đã bảo ta dùng. Trong linh đan có độc? Thảo nào lão yên tâm bỏ đi, không cần biết ta có bị chết vì đá đè lên hay không.”

“Bởi vì lão ta tin chắc ta phải chết. Dùng đá phủ kín chỉ là lão muốn che giấu hoàn toàn xác ta mà thôi. Hóa ra bấy lâu nay ta chỉ bị lão lợi dụng. Nay không cần lợi dụng nữa, lão phải giết người diệt khẩu. Lão đã bảo chỉ có người chết mới vĩnh viễn câm miệng.”

“Lão là ai? Sao lại đối xử tàn độc với ta như vậy, trước là lợi dụng, sau giết đi để bịt đầu mối?”

Đang lúc này, ở xa xa, tiếng thủy quái cuồng nộ đập loạn mặt nước vẫn thỉnh thoảng vang đến tai Tiểu Chu, làm cho hắn hiểu lý do nào khiến thủy quái lúc nãy bỗng rơi vào giấc ngủ chập chờn, thay vì giận dữ tiếp tục quật tan xác hắn.

Tiểu Chu nhớ lại, do bị thủy quái vùi dập nên hắn chảy máu ở thất khiếu, mà máu huyết của hắn lại ngấm độc. Chất độc đó đã làm cho thủy quái dù có sức mạnh phi thường vẫn bị bần thần, bủn rủn khắp thân, tuy không chết nhưng vô tình lại tạo cơ hội cho hắn toàn mạng.

“A… Ta toàn mạng là nhờ chất độc lão thất phu kỳ bí đã cố tình dùng để giết ta, không hề có bất kỳ ân công nào xuất hiện tương trợ cả. Là ta nên cảm kích hay oán hận lão đây? Đa tạ trời cao đã ban cho Chu Vũ này toàn mạng. Phần lão, ta nhất định sẽ dành cho lão một sự kinh ngạc sau này. Ha… ha…” – Tiểu Chu thầm cười và vội vàng quay trở lại chỗ có nhiều sinh vật kỳ lạ nọ. Hắn cố tình để chúng hút thêm máu, hắn hy vọng độc trong máu sẽ bị hút hết, để tránh họa lớn sau này.

Mãi đến khi toàn thân chợt lả đi vì mất nhiều máu, Tiểu Chu mới thôi, không dám để cho những sinh vật này hút thêm nữa.

Cảm giác đói cũng dâng cao khiến Tiểu Chu dù chỉ muốn tìm chỗ nghỉ ngơi, nhưng đành phải lê thân đi tìm đồ ăn.

Núi rừng hoang vu ở đây như chưa từng có dấu chân người đặt đến. Tiểu Chu phát hiện một cái cây trĩu quả, quanh gốc là những quả chín rụng, đa số thì đã thối rữa, còn số ít vẫn còn dùng được.

Dùng trái cây thay cho thức ăn, Tiểu Chu ăn đến no căng mới tìm chỗ đánh một giấc thỏa thích.

Thức dậy, Tiểu Chu lại ăn, sau đó tìm đến chỗ những sinh vật nọ, tiếp tục cho chúng hút máu.

Mãi đến ngày thứ ba, lúc phát hiện lũ sinh vật nọ dù hút máu mãi vẫn không có hiện tượng bật lăn ra chết, Tiểu Chu mới yên tâm vì biết rằng mọi chất độc đã được hút sạch, không còn lo hậu họa về sau nữa. Đến tận đây, Tiểu Chu mới dám nghĩ đến chuyện tìm đường thoát hiểm.

Sau gần hai ngày tự đi dò xét khắp nơi, Tiểu Chu có phần thất vọng khi nhận ra bản thân đã tình cờ lọt vào một tuyệt cốc, không có lối dẫn vào, không có nẻo thoát ra.

Tiểu Chu thở dài: “Là trời cao muốn thử lòng nhẫn nại của ta đây mà. Nhưng không sao, ở đây có sẵn nước uống, có nhiều loại trái cây tha hồ ăn, lo gì không có ngày ta sẽ tìm thấy đường thoát cảnh bị giam giữ!”

Nghĩ như vậy, Tiểu Chu bắt đầu tự lo thu xếp nơi ăn chốn ở cho bản thân.

“Cần nhất là chỗ ở không quá xa nguồn nước, cũng không quá gần những chỗ có cây cối um tùm, phòng ngừa nơi này còn nhiều loại sinh vật lạ có thể bất ngờ xuất hiện gây hại!”

Để tìm một chỗ trú ngụ như đã nghĩ, Tiểu Chu cũng phải mất hai ngày dò xét từng ngóc ngách của dãy núi. Cuối cùng, Tiểu Chu phát hiện một hang đá tương đối rộng nhưng lại kín đáo, đủ đáp ứng mọi yêu cầu như đã đề ra.

Sau một lúc lâu dọn quanh chỗ nghỉ ngơi, Tiểu Chu tình cờ phát hiện tại một góc khuất chợt mọc nhô lên một mô đá tròn ủm.

Tiểu Chu nghĩ: “Trong hang đá này, nếu để mô đá như thế nằm mãi ở đây, e rằng trông không được thuận mắt.”

Tiểu Chu vốn dĩ có tính tự lập và cầu toàn, nên hắn tìm cách để xoay nạy hoặc đẩy hòn đá đó lăn ra ngoài.

Nhưng sau khi xem xét kỹ hòn đá, Tiểu Chu phát hiện nó như là vật dính liền thành một khối với nền động, tuyệt đối không thể bị đẩy đi. Tiểu Chu thở dài và dùng tay vỗ vỗ vài lượt lên mô đá.

Tức khắc, Tiểu Chu kinh tâm vì bất chợt nghe những loạt vỗ của mình vào mô đá lại phát ra những thanh âm có tiếng vang, hoàn toàn khác với tiếng động đùng đục nếu dùng tay vỗ vào đá.

“Đây không phải một mô đá bình thường. Dưới mô đá dường như là một nơi rỗng. Phải chăng còn một bí động nữa ở phía dưới, và mô đá này chỉ là vật che đậy, ngụy trang, giấu kín lối xuất nhập bí động?”

Thêm lo ngại vì nghĩ nơi đây vốn có người từng trú ngụ, lúc này có lẽ bản thân đã vô tình phát hiện và đảo lộn nơi trú ngụ vốn dĩ luôn yên tĩnh của người đó, Tiểu Chu từ từ lùi lại. Tiểu Chu định sẽ tìm nơi khác để dung thân, nhường hang động đá này cho người đã đến đây trước hắn từ lâu.

Nhưng một chuyển biến kỳ lạ bỗng từ từ xuất hiện, lọt vào mắt Tiểu Chu. Đó là mô đá nọ từ từ chuyển dịch, đầu tiên là lắc lư qua lại, làm cho nền động dưới chân Tiểu Chu cũng lay chuyển, lắc lư. Sau đó mô đá từ từ chìm xuống, tạo thành một vành đai kẽ hở – nơi vốn là chỗ tiếp giáp giữa nền động và mô đá tròn ủm đang động đậy nọ. Và từ vành đai kẽ hở đó chợt phát ra một chuỗi tiếng kêu phì phì thật dài, làm cho Tiểu Chu càng nghe càng kinh tâm tán đảm.

Thay vì quay người tháo chạy, Tiểu Chu lại sững sờ kinh ngạc nhìn mô đá nọ càng lúc càng chìm mất đi, lưu lại ngay chỗ đó là một miệng hố tròn vành vạnh và sâu hun hút.

Tâm trạng hiếu kỳ chợt thúc đẩy Tiểu Chu tiến đến gần miệng hố. Và khi nhìn vào đó, hắn phải buột miệng kêu: “Thiên địa quỷ thần ơi, lại có giống rùa to lớn đến ngần này sao?”

Tiểu Chu cứ thất thần nhìn mãi vào phần rỗng ở ngay bên dưới miệng hố, kinh tâm nhìn một mai rùa cực to đang nặng nề di chuyển về một phía, để lại phía sau là một địa đạo ngầm chỉ dẫn đến bên dưới nền động là kết thúc.

Mãi đến khi con rùa lớn nọ đi khuất, Tiểu Chu mới tỉnh ngộ và tìm cách leo xuống miệng hố – nơi đang có một địa đạo ngầm có thể đưa hắn đến một con đường thoát thân.

Khoảng cách từ miệng hố đến phần đáy của địa đạo là khoảng năm mét. Do đó để leo xuống mà không sợ ngã gãy chân, Tiểu Chu đành dùng đến công phu Hư Không Kình, như độ nào đã nhờ nó mà leo thoát cái hố ở sau Vương gia trang.

Lúc đã đứng an toàn ở bên dưới và nhìn lên, Tiểu Chu càng thêm thất thần vì đoán ra con rùa nọ to lớn đến ngần nào. Cũng bởi vì quá to lớn nên khi con rùa lớn chui vào đây, phần chỏm trên của mai rùa mới nhô lên khỏi nền động bên trên, làm cho Tiểu Chu nhìn thấy phần chỏm lại cứ ngỡ đấy là một mô đá có hình dạng tròn ủm một cách tự nhiên. Và cũng do Tiểu Chu vô tình vỗ vào lưng, làm con rùa lớn có lẽ đang ngủ phải tỉnh giấc. Nó mang thân hình nặng nề bỏ đi, cho nên Tiểu Chu mới tình cờ phát hiện địa đạo ngầm này.

Nhìn xuôi theo địa đạo có ánh sáng mờ mờ từ xa rọi chiếu đến, Tiểu Chu mừng rỡ, hắn vừa vội vừa cẩn trọng đi theo dấu vết của con rùa lớn.

Địa đạo không quá dài, chỉ độ một trăm mét là cùng. Khi Tiểu Chu đi hết chiều dài của địa đạo, hắn thất vọng nhìn làn nước mênh mông trước mặt.

“Vẫn là một mặt nước bị cô lập bởi một vành đai rừng núi bao quanh! Hóa ra con rùa lớn cũng như con thủy quái nọ, chúng đều là những sinh vật dù to lớn khác thường, nhưng đã từ lâu vẫn chịu cảnh bị giam giữ ở nơi đây. Có khác chăng là con thủy quái nọ không thể sống trên cạn, con rùa lớn đã tự tìm cho mình một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi. Và đó là nơi ta đã đến và phá hỏng giấc ngủ của con rùa này.”

Tiểu Chu đang nghĩ như thế thì làn nước trước mặt bỗng bị xao động dữ dội. Ngay sau đó, Tiểu Chu thấy từ dưới đáy nước chợt vươn lên cao tua tủa những xúc tu. Chúng bắt đầu quật loạn xạ vào một chỗ nào đó giữa mặt nước.

“Có xúc tu vươn lên là có thủy quái xuất hiện, và thủy quái nếu giận giữ thế này, ắt là đang có ai đó hoặc sinh vật nào đó tạo thành nỗi khó chịu cho thủy quái. A…, ra là con rùa lớn! Nó xâm nhập địa bàn của thủy quái, nên thủy quái mới nổi hung đánh đuổi nó?”

Đúng như Tiểu Chu đang thầm đoán, ở nơi có những xúc tu của thủy quái quật ầm ầm, một chiếc mai rùa vừa to vừa cứng chợt trồi lên, sau đó nhô thêm nữa là một cái đầu đen mốc với lớp da xù xì bao quanh. Nó chính là con rùa lớn vừa bị Tiểu Chu làm phiền, khiến phải rời chỗ cạn, xâm nhập hồ nước – cái địa bàn của thủy quái.

Con rùa lớn nhờ có chiếc mai cứng, vì thế dù bị thủy quái dùng xúc tu quật ầm ầm cũng vô sự. Đó là nguyên do khiến con rùa lớn thản nhiên nghênh chiến cùng thủy quái, tạo nên một trận thủy chiến mà trên đời này có lẽ chỉ có một mình Tiểu Chu được dịp quan sát.

Và đây có lẽ là một trong nhiều trận thủy chiến đã từng diễn ra giữa hai sinh vật to lớn này. Bằng chứng là thủy quái nọ sau khi nhận biết kẻ địch đang đối đầu là con rùa lớn, những xúc tu của nó tạm dừng, không còn quật ầm ầm một cách vô hiệu lên chiếc mai vững như thành đồng vách sắt của con rùa lớn nữa. Nó thay đổi đấu pháp, bắt đầu dùng một thứ đấu pháp có lẽ đã từng giúp nó thắng con rùa lớn.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận