Ánh sáng trên đường rất tệ, thỉnh thoảng có một chiếc xe máy chạy qua sau lưng tôi, hình như có bóng đen nào đó lắc lư phía sau, tôi quay lại nhìn thì không thấy gì cả, nhưng lại cứ cảm thấy có gì đó đang ẩn trong bóng tối, lặng lẽ nhìn tôi.
Tôi hơi sợ, chạy vội về nhà.
Mấy ngày tiếp theo, loại cảm giác này càng lúc càng tăng lên.
Cho dù tôi đi học, ăn cơm, vẽ tranh, hay về nhà.
Cứ luôn cảm thấy có một đôi mắt nhìn chằm chằm vào tôi ở khắp mọi nơi.
Tầm nhìn thực sự là một thứ kỳ lạ, rõ ràng nó vô hình và mơ hồ, nhưng nếu ai đó cứ nhìn chằm chằm vào bạn, thì bạn nhất định sẽ cảm nhận được.
Đôi khi tôi đột ngột quay đầu nhìn về hướng của ánh nhìn đó, nhưng không có gì ở đó cả.
Như vậy vài lần, bạn học xung quanh đều cảm thấy tôi như một kẻ có bệnh.
Để che đậy hành vi kia, mỗi lần tôi đều đột ngột vặn cổ, sau đó lại nhanh chóng xoa xoa cổ, giả vờ rằng cổ tôi đang khó chịu.
Chuyện này vốn chỉ xảy ra ở trường.
Nhưng không ngờ sau đó trong nhà cũng bắt đầu không ổn lắm.
Lúc tôi ở trong phòng một mình làm bài tập dưới ánh đèn bàn, tôi cũng cảm thấy sau lưng đang đứng một người.
Mặc dù mẹ tôi cũng thường hay làm như thế, nhưng tôi dám bảo đảm, người kia chắc chắn không phải mẹ tôi, vì bầu không khí đó hoàn toàn khác.
Thậm chí đôi khi tôi còn có thể biết được người đó đang dán sát sau lưng mình, vì tôi cảm nhận rõ ràng hơi thở mát lạnh phả cả vào gáy mình.
…
Lúc tôi đang ngủ, bỗng cảm thấy cái chăn đang di chuyển, hình như bị thứ gì đó kéo lấy.
“Kim Giác…”
“Kim Giác…”
Nửa mê nửa tỉnh, hình như tôi nghe thấy tiếng Tiểu Lôi gọi mình.
“Ừ…”
Tôi muốn lên tiếng, nhưng dần dần tôi không thở được, đầu óc bắt đầu choáng váng.
Cộc cộc cộc cộc…
Có tiếng gõ mạnh xuống bàn truyền tới.
Đầu óc tôi dường như tỉnh táo hơn, cố gắng mở mắt ra.
Lồ ng ngực vẫn nghẹn lại.
Có ai đó đang ngồi trên ngực tôi, tôi không thể nào thở được.
Vì khoảng cách quá gần nên tôi không nhìn rõ mặt người đó.
Chỉ cảm thấy rất trắng, đôi mắt to nhưng tròng mắt đều là màu đen, tóc xõa ra che kín cả đầu tôi.
Đầu lưỡi truyền đến từng đợt đau nhói, có một thứ mùi vừa tanh vừa lạnh, hệt như cá đông lạnh để lâu ngày vậy.
Tôi muốn cử động, nhưng phát hiện đôi tay mình đang bị đè chặt.
Không phải một cái tay đè, mà ít nhất là bốn năm cái.
Ngoài ra còn có bốn năm cái tay đang đè chân tôi nữa.
Cho dù tôi từng thấy qua vô số “người anh em”, nhưng kẻ khiến tôi khó chịu đến như vậy, vẫn là lần đầu tiên gặp.
“Hu hu hu…”
Tôi cố gắng hết sức để thoát ra, nhưng thực sự không thể động đậy được.
Nhớ tới chiêu mà ông Tư đã dạy cho tôi, tôi lập tức hóp bụng dưới lại, lòng thầm nghĩ đến luồng năng lượng mãnh liệt từ đan điền lao ra khỏi miệng, miệng cũng nhổ to:
“Xi xi xi xi xi*!”
Cho đến giờ, nếu người trong thôn vô tình nghe thấy tiếng nguyền rủa của ai đó, hoặc gặp phải những chuyện kỳ dị, thì đều sẽ nhổ toẹt ra.
Lúc đầu, tôi cho rằng đó chỉ là trò trả đũa trẻ con, nhưng sau khi tiếp xúc với nhiều thứ hơn, tôi mới nhận ra rằng đó là một phần nội dung của Mật Tông Kim Cang Chú, có tác dụng kỳ diệu trong việc xua đuổi tà ma.
Sau khi hét lên năm tiếng này, trên giường truyền đến một tràng tiếng rít như bầy chuột.
Thân thể tôi chợt nhẹ, đầu óc cũng tỉnh táo lại, lật người đẩy những thứ trên thân ra, loạng choạng bật đèn lên.
Nhưng trong phòng không có gì kỳ lạ cả.
Tôi không yên tâm nên nhìn quanh lần nữa, thì thấy tấm bùa hộ thân đã rơi xuống đất, tiếng cạch cạch vừa rồi làm tôi tỉnh giấc hóa ra là tấm bùa nhảy trên bàn.
Mẹ tôi nghe thấy tiếng động, lập tức mở cửa bước vào.
“Sao thế?”
Tôi nheo mắt lại, vẫn hơi không quen với ánh sáng trong phòng, vừa định lên tiếng, thì cổ đột nhiên rướn thẳng về phía trước.
“Ọe –“
Ọe một tiếng, tôi nôn ra một ngụm nước đen lớn vừa lạnh vừa tanh, trong miệng như kẹt thứ gì đó, lấy tay kéo thì toàn là tóc dài cuốn vào với nhau.
Kéo ra lần nữa, ngay cả trong cổ họng cũng có.
…
Sau khi thu dọn bãi nôn trong phòng, mẹ tôi hỏi:
“Đụng phải rồi hả?”
Đầu tôi vẫn còn choáng váng, cố nhớ lại chuyện vừa rồi, hình như là tôi đụng phải gì đó rồi, nhưng lại hình như không phải.
Má, miệng và lưỡi của tôi vẫn còn đau, có vẻ như không phải là gặp ác mộng.
“Thế con nhìn lại thử xem, trong phòng còn gì không?”
Tôi nói giờ mọi thứ bình thường, không có những thứ kia.
Mẹ tôi nghĩ nghĩ, ra ban công lục lọi một hồi, lấy từ dưới đống thùng các tông chuẩn bị bán phế liệu ra một chiếc hộp gỗ, mở ra, bên trong có mấy xấp giấy bùa.
Mẹ tôi cẩn thận nhận dạng chúng, rút ra một xấp rồi châm lửa trong phòng tôi, như thể đang hun một thứ gì đó, vung vẩy khắp mọi xó xỉnh.
Ngọn lửa của lá bùa này không lớn, nhưng khói rất nhiều, còn đỏ rực nữa, chỉ trong chốc lát đã tràn ra khắp phòng.
Bố tôi bị hun đến độ ho sặc sụa, bịt miệng hỏi:
“Mình đang làm cái quái gì vậy? Không có chu sa đâu chứ? Nếu không thì cả nhà trúng độc thủy ngân mất.”
“Sợ thì mình ra ngoài đi!”
Mẹ tôi hun khắp phòng, cuối cùng ném lá bùa lên không trung, ngọn lửa trên những lá bùa này đột nhiên giật lên, chói sáng khiến mắt tôi lòa đi.
Nhưng khi mắt dần thích ứng, tôi và bố tức khắc chết lặng.
Trên tường –
Trên sàn –
Mái nhà –
Bàn học, giá sách –
Tất cả đều đầy các dấu tay dấu chân màu đen lộn xộn.
Từng tầng từng tầng, khiến người ta sởn cả gai ốc.
Giống như dấu vết do vô số “người anh em” dùng chân trần bò quanh phòng tôi để lại vậy, mà tốc độ còn cực kỳ nhanh, rất kỳ dị.
Làn khói đỏ dần dần tan biến, những vết đen này cũng tiêu tan dần.
“Chính là những thứ này đây ạ?” Tôi hỏi.
“Không, đây là trạch thần của nhà chúng ta.”
Cái gọi là trạch thần, thực ra chính là các “anh em” đó, còn hiểu nôm na là ma nhà.
Các anh em này đã sống ở đây sớm hơn chúng tôi, ngày thường hòa thuận bình an vô sự, chỉ cần gia chủ đừng phạm phải điều cấm kỵ gì, thì họ còn có thể bảo vệ cho gia chủ nữa.
Cho nên người xưa có câu: nhà không ma khó an.
Xuất phát từ sự tôn trọng, phải gọi họ một tiếng “trạch thần”.
Chuyện này tôi sớm đã nghe ông Tư kể từ lâu, nhưng lần này tận mắt nhìn thấy, trong lòng lại có chút thất vọng.
“Trạch thần… chỉ như thế này thôi ạ? “Tôi hỏi.
“Thường thì không phải như thế này…” Mẹ tôi cũng cảm thấy có gì đó không ổn.
Có một cơn gió lạnh luồn qua tấm rèm cửa, mẹ tôi chợt thấy cửa sổ hé ra rộng hơn một tấc.
Lúc đó đã gần Tết, trời trở lạnh nên trừ buổi sáng ra thì cửa sổ phòng ngủ sẽ không mở.
Mẹ tưởng tôi mở cửa sổ, nhưng tôi nói không phải, trước khi đi ngủ tôi đã đóng cửa rồi, thế là tôi theo mẹ đi tới xem.
Cửa sổ không chỉ mở mà còn có mấy vết đen trên bậu cửa sổ.
Sau khi đến gần và nhìn kỹ hơn, tôi dần phân biệt được chúng.
Đó là mấy dấu tay và dấu chân, hình như thứ này chui qua cửa sổ sau đó lại chui ra ngoài.
“Ôi trời ơi…” Mẹ tôi chỉ vào dấu tay trên bậu cửa sổ, mặt biến sắc.
Tôi ít khi thấy mẹ có vẻ sợ hãi như vậy, lần này tôi biết chuyện thực sự không ổn rồi, bèn hỏi:
“Rốt cuộc là sao vậy ạ?”
“Trạch thần nhà chúng ta, vậy mà lại bị ma quỷ bên ngoài dọa sợ!”
Nói xong mẹ lại quay đầu nhìn tôi lần nữa.
“Rốt cuộc con đã khiêu khích cái quái gì vậy hả?”
…
Hôm sau là thứ bảy, tôi gọi điện cho giáo viên xin nghỉ, bảo là mình bị cảm, nhưng thực ra là phải ở trong nhà để tịnh trạch.
Đây là một nghi lễ rất đơn giản và phổ biến, thường được tổ chức khi người ta chuyển đến một ngôi nhà mới, nhưng nếu muốn tịnh trạch cho một căn nhà đã từng ở một thời gian dài rồi, vậy thì sẽ rất phiền phức.
Không gì ngoài hai lý do:
Một cái gì đó tồi tệ đã xảy ra ở nhà.
Hoặc trong nhà đã có một con quỷ bên ngoài nguy hiểm hơn trạch thần tiến vào.
Tôi không dám hỏi mẹ tình hình cụ thể, chỉ có thể cúi đầu bắt đầu chuẩn bị.
Đầu tiên là gạo, kê, cao lương, đậu xanh, đậu đen, ngũ sắc ngũ cốc, mỗi thứ phối ba hai loại, còn chuẩn bị nước lọc, rượu trắng, hương giấy nến đỏ.
Mẹ tôi sai bố tôi ra ngoài từ sáng sớm, đóng cửa chính và cửa sổ, kéo rèm lại bắt đầu lập bàn thờ.
Đốt nhang xong, mẹ con tôi cầm lấy bát ngũ cốc trên bàn thờ vung khắp nhà, miệng niệm:
“Nhà này có chủ, cung kính tứ phương, nên đi thì đi, cần ở thì ở, ngũ cốc hoa màu, đời đời cung dưỡng, trạch thần hồi vị, tạp vụ tránh đường.”
Ngũ cốc rơi vãi trên mặt đất, âm thanh không giống bình thường lắm, độ nẩy cao hơn bình thường, lúc rơi xuống sàn lần nữa, tốc độ rõ ràng đã tăng nhanh hơn, giống như bị lực lượng nào đó hút xuống vậy.
Khắp phòng vang lên tiếng sột soạt, người tôi nổi đầy da gà.
Sau một lúc, âm thanh cuối cùng mới trở lại bình thường.
Lễ xong, bàn thờ dọn đi, tôi hỏi:
“Âm thanh ban nãy là sao vậy ạ?”
Mẹ tôi ngậm ngùi nói:
“Tối hôm qua các trạch thần đều kinh hãi vô cùng, khóc cả đêm đòi rời đi, giờ may mà vẫn còn giữ lại được.”
“Cái gì ạ?”
Tôi thật sự cho rằng mình nghe lầm, vốn tưởng rằng có thể trông cậy vào họ giữ trạch, ai ngờ chỉ có thể trấn an thôi, liền nói:
“Con còn chưa khóc đây này, họ khóc cái gì?”
“Nói chuyện với trạch thần kiểu gì đấy hả?”
Mẹ tôi trông như sắp đánh tôi đến nơi, chỉ vào tôi rồi bảo:
“Anh không khóc là vì anh không thấy thứ đó trông như nào thôi, chứ anh mà thấy thì tè ra quần luôn ấy chứ!”
…
Lúc đó tôi còn chưa hiểu tại sao trạch thần lại phải sợ anh em bên ngoài.
Sau này, khi vào xã hội công tác rồi, tôi mới hiểu ra.
Trạch thần ấy mà, cho họ mặt mũi thì gọi một tiếng thần vậy, nếu không cho mặt mũi, thì nói thẳng ra họ là đám cô hồn dã quỷ ăn nhờ ở đậu, thỉnh thoảng khiêm chức bảo vệ thôi.
Nếu bảo vệ mà gặp phải một tên côn đồ bi3n thái, bị dọa sợ đến mức khóc lóc là chuyện bình thường, thậm chí ngẫm lại còn có chút đáng thương.
Tôi cứ nghĩ chỉ có ở nhân gian mới có chuyện ức hiếp bất công, vậy mà mẹ tôi lại nói dù là ma, quỷ, thần tiên hay quái vật linh tinh gì, nếu không có bản lĩnh thì ở đâu cũng bị bắt nạt thôi.
Mẹ tôi giờ chỉ muốn biết, tôi đã chọc phải thứ gì.
Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi cũng không biết nữa.
Nhiều năm như thế trôi qua, tôi sớm đã ngày càng quen với những thứ này, nếu thật sự chọc phải họ, tôi nhất định sẽ phát hiện ra ngay.
Lần cuối cùng tôi nhìn thấy đám anh em kia, là ở trên người Lưu Tiểu Huệ.
Sau đó thì Vương Diễm, Chu Lâm, đều gặp phải những chuyện tương tự.
Vị anh em này, rốt cuộc đang muốn làm gì thế?
…
*Từ gốc của cái này là từ “phi” – pei, kiểu trong convert hay có câu “ta phi”, bên tiếng Việt mình thì có từ “phỉ phui” nghĩa tương đương, nhưng trong trường hợp này thì nó là từ tượng thanh biểu thị sự khinh thường hoặc cãi cọ hoặc khi nhổ toẹt, “phỉ phui” thì không phải tượng thanh hu hu, mọi người cứ tưởng tượng cảnh Kim Giác đang ngủ thì bật dậy rặn ra mấy tiếng “phỉ phui phỉ phui phỉ phui…” đi, có tấu hề không cơ chứ! ;-;
Thế nên tôi cũng chả biết tìm từ nào cho hợp hoàn cảnh lúc đó, tôi đã đi nghe hơn một tiếng đồng hồ Chú Kim Cang của Mật Tông rồi, chả hiểu “một bộ phận” là ở chỗ nào, nhưng thấy có từ “xi” thỉnh thoảng xuất hiện, mà nó cũng na ná thừ “phi”, với ngữ điệu cũng hợp nên thôi để vậy nhá, ai có cao kiến gì thì góp ý tui sửa sau ha, cảm ơn nhiều!