Cô tôi, cô Mạnh Thư Quyên cứ mải miết tìm một người. Nói chính xác là cô tôi tìm một người đàn bà. Tìm mãi tìm mãi, cô mỗi ngày một già đi, quên cả chuyện chồng con. Tôi lớn lên, đến cái tuổi để cô có thể trút bầu tâm sự, tôi mới phát hiện ra rằng, người mà cô muốn tìm là một cô gái điếm. Khi cô ta và cô tôi quen nhau, cô ta là ngôi sao của nghề đó. Theo cách nói mới, cô ta là nhân vật có máu mặt.
Tháng 8 năm 1946, trong buổi xét xử tội phạm chiến tranh Nhật Bản tại Nam Kinh, cô tôi gần như đã tìm thấy con người này. Cô ta ngồi trên ghế của người làm chứng, chỉ ra những sĩ quan cao cấp của Nhật Bản đã tổ chức một vụ hãm hiếp qui mô lớn.
Cô tôi nhận ra cô ta qua giọng nói. Chen chân trong đám người bên ngoài cuộc xử án, cô nghe thấy lời làm chứng của cô ta qua chiếc loa mắc trên cột điện cho dù cô ta đã dùng tên khác.
Từ bên ngoài len vào phòng xử án, cô đi mất hơn một giờ đồng hồ. Năm mươi sáu năm trước, trong cái ngõ vạn người này, dân phố sẵn sàng chịu cái nóng thiêu đốt của những ngày tháng tám để được tai nghe mắt thấy sự kết thúc nhục nhã của những kẻ đã từng đầy đọa họ tám năm trời.
Bên trong bên ngoài phòng xử án không còn một chỗ đặt chân, cô tôi cảm thấy như bức tường bị bở tơi ra, cứ mỗi lần bị xô đẩy, nó lại bị biến dạng đi. Những người dân Nam Kinh còn sống sót sau cuộc thảm sát giờ này hầu như đều tụ tập bên ngoài phòng xử án, đứng cách xa đến nửa dặm, nghe tiếng loa truyền, họ cũng thấy hả hê.
Từ xa, cô tôi đã nhìn thấy phía sau cô ta. Dáng người cô ta còn ngon mắt lắm, bị giày vò nhưng cũng chưa đến nỗi nhàu nát. Khi lách theo một khe hở đến được gần sau lưng cô ta, cô Thư Quyên đã bị hơi nước bốc lên từ hàng vạn con người hấp cho ướt đầm đìa. Cô đưa tay ra vỗ lên bờ vai tròn nổi tiếng nhất Nam Kinh những năm ba mươi. Khuôn mặt quay lại không nằm trong ký ức của cô tôi. Một khuôn mặt không ra mặt; về sau cô đoán rằng có thể khuôn mặt kiều diễm bẩm sinh đó đã bị hủy hoại rồi về sau đã được bác sĩ chỉnh hình sửa sang lại.
“Triệu Ngọc Mặc!” Mạnh Thư Quyên hai mươi tuổi khẽ kêu lên kinh hãi. Người đàn bà tên Triệu Ngọc Mặc giương mắt giả vờ ngạc nhiên.
Cô nói: “Tôi là Mạnh Thư Quyên đây.”
Cô ta lắc đầu, nói bằng một giọng đặc trưng của Triệu Ngọc Mặc: “Cô nhận lầm người rồi.” Những năm ba mươi, lãng tử Nam Kinh chẳng ai không quen biết, ai cũng thích nghe giọng hát có chút lạc điệu của cô.
Cô tôi không cam chịu, len đến trước mặt cô ta và nói mình là Mạnh Thư Quyên, một trong các học sinh đã được cô ta và các chị em của cô ta cứu thoát!
Cho dù Mạnh Thư Quyên nói thế nào Triệu Ngọc Mặc cũng nhất định không nhận. Cô ta lườm xéo một cái, chiếc cằm lạnh lùng còn lại sau khi chỉnh hình nảy nhẹ một cái, cô nói tiếng Nam Kinh mang giọng Tô Châu: “Triệu Ngọc Mặc là ai kia?”
Nói xong câu đó, cô ta đứng lên len qua phía sau hàng người đứng đầu rồi đi mất. Cái cằm thanh nhã tuyệt đẹp rướn nhẹ, trước cái cằm đó không ai có thể oán trách bất cứ điều gì bất tiện mà cô ta gây ra.
Tất nhiên Mạnh Thư Quyên không thể nào đi theo cô ta được vì chẳng ai dãn ra cho cô đi cả. Cô đành phải dùng cách vào như thế nào thì ra như thế. Khi thoát được ra ngoài rồi, cô chẳng thấy bóng dáng Triệu Ngọc Mặc đâu nữa.
Từ lần đó, cô Mạnh Thư Quyên của tôi kiên quyết thực hiện ý định, cho dù Triệu Ngọc Mặc đã thay đổi không còn chút nào là Triệu Ngọc Mặc nữa, cô nhất định phải tìm ra tung tích của cô ta và mười hai người chị em của cô. Qua ghi chép của các phóng viên, cô tôi tìm được một số người, một số được tìm thấy qua các cuộc nói chuyện với đám lính Nhật về già, nhưng phần lớn cô tìm được qua mấy chục năm lân la trong dân chúng vùng Giang Tô, An Huy, Chiết Giang.
Cả một khối tư liệu đồ sộ trải rộng trên tấm bản đồ lớn, Mạnh Thư Quyên nhìn thấy tọa độ của mình ở thành phố Nam Kinh khi thất thủ ngày 13 tháng 12 năm 1937 và vị trí nhà thờ Wilson, nơi cô cùng các bạn học ẩn náu. Tư liệu cho cô thấy bức tranh rộng lớn của Nam Kinh trước khi gặp tai họa và cũng cho thấy một kiếp người nhỏ bé như con giun con dế đang kinh hoàng, hoảng loạn trong bức tranh…
Và đây là cô Mạnh Thư Quyên 13 tuổi của tôi.
Mạnh Thư Quyên ngồi phắt dậy và phát hiện ra rằng mình đã đứng bên mép giường. Lúc đó khoảng hơn năm giờ sáng hoặc sớm hơn chút nữa, chưa đến bốn rưỡi. Không phải tiếng đại bác mà là một dòng chất dịch nóng trong người đánh thức cô dậy. Dòng dịch nóng kèm theo sức ép cuối cùng vọt ra, lúc ấy Thư Quyên tỉnh giấc. Dòng kinh nguyệt đầu tiên trào ra.
Chân đất đứng trên sàn nhà, cô cảm thấy chất dịch vừa nóng bỏng đã vội lạnh ngắt như băng. Bên trái giường có bảy tấm thảm trải sàn, một lối đi cắt ngang, tiếp theo lại có bảy tấm nữa. Một ngôi nhà xa gần đâu đó bị cháy, ánh lửa bập bùng chiếu qua tấm rèm cửa sổ màu đen làm cho khoảng không gian trong căn gác đung đưa. Thư Quyên nhìn các bạn ngủ say trong ánh lửa, nghe tiếng thở vừa dài vừa sâu; trong giấc mơ của họ là một cảnh thanh bình.
Thư Quyên khoác lên mình tấm áo gấm, lần mò đi về phía cầu thang. Không phải là cái cửa thẳng góc với mặt phẳng ngang, từ trên gác nhìn xuống, nó chỉ là một cái nắp hình chữ nhật để người quản lý đôi lúc chui lên chữa điện hay chống dột. Tối qua khi Thư Quyên và các bạn đến nhà thờ Wilson, linh mục Engman của nhà thờ bảo các cô phải ở yên trên gác, đi tiểu có thùng tôn, đại tiện mới xuống dưới nhà.
Cái nắp hình chữ nhật gắn với cầu thang, giữa có một cái chốt làm rất khéo, khi cái nắp mở ra thì cầu thang thò xuống.
Chiều qua, linh mục Engman và phó linh mục Atonado dẫn Thư Quyên và mười sáu học sinh nữ chạy đến bờ sông định lên phà Phố Khẩu. Sẩm tối, phà từ Phố Khẩu quay về thì bỗng có một tốp thương binh được chở đến. Những người này đều bị thương vì đạn của quân mình, số là họ được lệnh khẩn cấp rút lui, đến nửa đường thì gặp đơn vị quân đội chưa nhận được lệnh rút lui đánh chặn vì tưởng họ là lính đào ngũ, họ bị quét súng máy, câu súng cối, dùng xe tăng cán. Trước khi rút lui họ đã được lệnh hủy hết vũ khí hạng nặng, giờ đây trước mũi súng của đơn vị đánh chặn, họ trở thành những tấm bia thịt. Khi hai bên hiểu ra thì đơn vị rút lui đã bị thương vong mấy trăm người. Những người lính đã nã đạn vào họ, quá ân hận cho nên đã điên cuồng cướp sà lan cho đám người bị thương. Vậy là thày trò đám nữ sinh lỡ mất chuyến qua sông.
Khi đó linh mục Engman thấy rằng đêm ở ven sông quá nguy hiểm, súng mạnh ai nấy bắn; gươm mạnh ai nấy chém, ông nghĩ lính Nhật cũng vậy thôi. Thế là với sự giúp đỡ của A Cố và George Trần, ông và phó linh mục Atonado dẫn các em học sinh quay về nhà thờ. Ông hứa với đám học sinh trước khi trời sáng nhất định sẽ kiếm được thuyền, cho dù không có thuyền thì cũng còn lối thoát cuối cùng, đó là tránh nạn tại vùng an toàn. Engman cho rằng Nam Kinh dễ thủ khó công. Chỉ với tường thành kiên cố và địa thế hiểm yếu của Trường Giang, muốn công thành cũng phải mất mấy ngày.
Mấy chục năm sau, mỗi khi nhớ lại, Mạnh Thư Quyên vẫn thấy bàng hoàng: Tháng 12 năm 1937, thủ đô Nam Kinh của Trung Quốc thất thủ nhanh đến vậy! Linh mục Engman dày dạn từng trải đã tính nhầm khiến ông và đám nữ sinh tuột mất cơ hội thoát thân cuối cùng.
Đó là một sai lầm chết người, đã phải trả một giá quá đắt để sửa chữa.
Cô bé mười ba tuổi Thư Quyên men theo chiếc cầu thang gỗ kẽo kẹt đi xuống. Chân đặt lên nền xưởng đóng sách kinh thánh, cô cảm thấy cái lạnh cắt da của tháng mười hai. Nếu không có mấy tiếng súng lẹt đẹt phía xa, khung cảnh thật yên tĩnh, cô như nghe thấy cả tiếng thân mình cọ xát nhè nhẹ với màn đêm. Lúc này đây, cô vẫn chưa biết đó là sự yên tĩnh chẳng lành, sự yên tĩnh của thành trì buông xuôi không còn chống trả, sự yên tĩnh quy phục.
Thư Quyên đi trong sự yên tĩnh ẩm ướt, cô thuộc đường đi từ đầu này đến đầu kia xưởng đóng sách. Tất cả có hai mươi hai cái bàn dùng để cho học sinh đóng sách kinh thánh và sổ tay giảng kinh. Giờ đây các nữ học sinh ở lại nhà thờ với Thư Quyên phần đông là trẻ mồ côi, chỉ có hai người như Thư Quyên, cha mẹ lỡ việc ở ngoài nước hoặc ngoài tỉnh. Cô cho rằng những người cha người mẹ này đều cố tình bị lỡ, họ không muốn quay về thủ đô Nam Kinh, nơi chẳng còn thiết tha gì với chính phủ và quân đội của mình nữa.
Đúng vào khi nửa thân dưới trần truồng đứng trước chiếc thùng vệ sinh, cô gái có một cảm giác lạ lùng và ghê sợ, cơ quan nội tạng thần bí bắt đầu chộn rộn và co bóp, tiết ra chất dịch đỏ sẫm, cô không hề biết chút gì về bên ngoài bức tường nhà thờ là một buổi sớm điên rồ thê thảm của ngày tận thế.
Hàng trăm hàng ngàn xe tăng cắm cờ lá cao (1) đang tiến vào Nam Kinh, cửa thành mở toang, kẻ xâm nhập thọc vào nơi sâu nhất của thành trì. Những thây người chết ngổn ngang máu thịt đầm đìa trên đường phố. Lúc này cô gái mười ba tuổi Thư Quyên chỉ thấy một nỗi ô nhục ê chề là đám máu kinh nguyệt của thân phận con gái; cô mơ hồ cảm thấy từ lúc này cô trở thành một tấm thân sẽ gây ra những điều xấu xa, sẽ là mảnh đất ươm mầm tội ác cho bất cứ kẻ nào, để mặc cho chúng tùy ý trồng cây và hái quả.
Buổi sớm đó, Mạnh Thư Quyên đã chấm dứt quãng đời thiếu nữ ngây thơ, một tấm khăn nhét giữa hai chân; cô bước ra ngoài với một dáng đi chẳng lấy gì làm thanh nhã. Từ mấy ngày trước, tháp chuông kiểu Gothic của nhà thờ đã bị phá sập thành đống gạch đổ nát cùng với mảng cửa lớn trông ra phố. Từ nay lối vào ra là chiếc cổng phụ nhỏ tí. Đống đổ nát in hình trên nền đỏ của đám lửa đâu đó như muốn chứng tỏ rằng nó cũng hùng vĩ nguy nga không kém. Tòa nhà chính ngăn cách với xưởng đóng sách bằng một hành lang nhỏ dẫn đến cổng phụ, đầu kia hành lang là bãi cỏ sau tòa nhà chính. Linh mục quí nó hơn cả giường đệm của mình, ông tự hào nói với giáo dân rằng đó là miền đất hứa cuối cùng của Nam Kinh. Mấy chục năm nay, thảm cỏ là nơi hành lễ, tổ chức tang chay cưới xin cho giáo dân. Trên thảm cỏ trải lá cờ sao vạch và cờ chữ thập đỏ cỡ lớn. Ngôi nhà gạch đỏ của linh mục nổi bật trên thảm cỏ xanh như chỉ có trong thần thoại.
Trời đông đã ửng hồng.
Nắng đẹp. Rất nhiều năm sau cô tôi vẫn còn than rằng: Ngày tận số của Nam Kinh mà lại là một ngày đẹp trời!
Mạnh Thư Quyên bước đi trên đôi chân ở giữa ngăn cách bằng chiếc khăn, ngượng nghịu đi qua xưởng đóng sách. Leo hết cầu thang, cô lập tức bước vào cõi mộng bình yên.
Trời sáng, các nữ sinh đều tỉnh dậy. Họ bị tiếng khóc đàn bà bên dưới gác đánh thức.
Ba tấm cửa sổ của căn gác đều treo rèm phòng không màu đen và dán chéo những băng giấy. Lúc này băng giấy bị các cô bóc đi để có thể nhìn ra sân trước và một góc cổng phụ.
Thư Quyên áp mặt vào khung cửa, cô trông thấy linh mục chạy từ sân sau ra cổng phụ, tấm áo vừa rộng vừa dài như cánh buồm giương lên trước gió. Ông vừa chạy vừa kêu: “Không được trèo tường! Không có gì ăn đâu!”
Một nữ sinh mạnh dạn mở toang cửa ra, các cô bé chen nhau thò cổ ra xem. Trên bức tường bên cổng phụ có hai cô gái trẻ ngồi vắt vẻo, cô mặc áo dài lụa hồng có vẻ như là một cô dâu vừa chạy thẳng từ giường tân hôn đến, cô kia khoác tấm áo lông chồn, chiếc váy hoa bên dưới có một cúc không cài, để lộ ra những lớp y phục đủ cả xuân hạ thu đông.
Các cô bé nhìn chưa đã, kéo nhau xuống thang gác đứng chật ở cửa xưởng đóng sách nhìn ra.
Khi Thư Quyên cũng chen vào xem thì trên tường không còn là hai cô gái nữa mà là bốn cô. Hai cô lúc nãy bị Engman chặn lại đã đáp xuống khoảnh đất nhà thờ. A Cố và George Trần chạy đến giúp sức cũng không ngăn cản được tốp lính tiên phong nước mắt mũi dãi đầm đìa này.
Linh mục Engman trông thấy đám nữ sinh chen chúc thì thầm nơi cửa bèn nổi nóng bảo A Cố: “Dẫn bọn trẻ đi, không cho chúng nhìn thấy những người đàn bà này!” Vì nhà thờ bị cắt nước, bộ râu không cạo mọc tua tủa, trông ông già sọm đi.
Thư Quyên hiểu được tình hình đang xảy ra, mấy người kia đúng là một đám đàn bà không nên để mắt tới.
Trong đám con gái có đứa có chút hiểu đời bảo các bạn: “Bọn ở nhà chứa đấy.” “Nhà chứa gì?” “Nhà thổ bên sông Hoài đó!”…
Phó linh mục Atonado từ tòa nhà chính chạy ra hét to: “Đi chỗ khác! Ở đây không chứa dân tị nạn!” Ông trẻ hơn Engman đến hơn hai chục tuổi nhưng mặt già hơn tuổi, tóc lại già hơn mặt. Tên ông là Fabbi, giáo dân gọi thân mật là Fabbi Dương Châu(2). Câu nói đặc giọng Dương Châu của Fabbi khiến đám đàn bà đang kêu khóc van xin im bặt giây lát. Sau khi biết mình không nghe nhầm họ lại nhao nhao như thợ cắt tóc, như đầu bếp gào trong quán ăn.
Một linh mục Tây mắt sâu mũi lõ nói giọng Dương Châu tròn vành rõ chữ!
Một ả gái điếm hai lăm hai sáu tuổi nói: “Chúng tôi chạy từ bờ sông tới đây! Xe ngựa bị lật, ngựa hoảng loạn chạy mất. Bây giờ trong thành đầy lính Nhật, chúng tôi không đến được khu an toàn nữa rồi!”
Một ả mười bảy mười tám cướp lời: “Khu an toàn cũng chẳng đủ chỗ mà ngồi, có chen được vào cũng phải cắm đầu trồng cây chuối!”
Một mụ bừng bừng như sôi: “Tôi có người quen ở sứ quán Mỹ đã bằng lòng cho trú nhờ, tối qua lật lọng không nhận nữa! Thế là bà cô trẻ này mất trắng cho nó một bữa vui vẻ!”
Một giọng bất cần đời: “Tiên sư cha nó! Lúc đến kiếm vui thì em nào cũng như khúc giò lụa!”
Thư Quyên thấy đầu váng mắt hoa vì những câu chữ lạ lẫm. A Cố đến lôi đi, cô giãy ra. Cô nhận thấy tất cả các bạn đã trở về căn gác. George Trần được lệnh dùng gậy cản bọn gái điếm lại. Anh ta hai tay hai gậy lại trở thành người van xin: “Các cô nghe tôi đi! Các cô vào đây cũng chết! Không chết đói cũng chết khát. Học sinh một ngày hai bát cháo loãng, uống nước trong bồn nước rửa tội. Xin các cô nghe tôi đi ra đi!…” Nói một câu lại một gậy đập xuống bậc cửa, chấn động cả cổ tay cánh tay, người bị đau là chính anh ta.
Ả gái điếm hai bốn hai lăm tuổi đột nhiên quì xuống trước mặt Engman, đầu hơi cúi xuống, thế là Thư Quyên nhìn thấy một thân hình mà suốt đời cô không quên. Một dáng người biết biểu cảm thay cho nét mặt. Sau đó sống chung một thời gian với người đàn bà này, Thư Quyên phát hiện thêm rằng, không chỉ cái lưng, trên người cô ta không một chỗ nào nhàn rỗi cả, chỗ nào cũng biết cười, biết than vãn, biết ra hiệu một cách tinh tế. Còn bây giờ Mạnh Thư Quyên đang nghe linh mục Engman vận dụng vốn tiếng Trung Quốc hơn ba mươi năm để tranh luận với cô ta nhưng cũng chỉ mấy câu George Trần đã nói: Gạo hết, nước hết, chỗ cũng chẳng còn, đông người trú thì chẳng có gì an toàn. Khi không diễn đạt được hết ý thì ông nhờ George Trần dịch từ tiếng Trung Quốc sang tiếng Trung Quốc – Dương Châu.
Thân người đàn bà quì đã mọc rễ nhưng vai và lưng vẫn liên tục biểu cảm.
Cô ta nói: “Cái mạng chúng tôi rẻ mạt, chẳng đáng để cho ngài cứu; nhưng chúng tôi chỉ cầu mong chết được tử tế. Hèn hạ như loài chó lợn cũng đáng được chết cho nhanh gọn, chết mà không phải đau đớn.”
Phải nói rằng lúc này con người cô ta trang trọng và lịch sự. Nói mãi nói mãi, tóc cô ta xổ ra, chảy tràn trên đôi vai. Một mái tóc đẹp!
Linh mục Engman lạnh lùng bảo cô ta, trong những học sinh ông che chở, có những người có cha mẹ là nhân sĩ danh giá, cũng là con chiên lâu năm của nhà thờ. Mấy hôm trước họ đều đánh điện yêu cầu linh mục bảo vệ cho con em họ tránh khỏi mọi xâm hại. Ông đã lần lượt đánh điện trả lời rằng ông đem tính mạng mình ra đảm bảo lời hứa.
Fabbi không còn kiên nhẫn được nữa, ông biến trở lại thành người Dương Châu. Ông dùng tiếng Anh nói với Engman: “Nói kiểu đó với họ bây giờ không ăn thua nữa rồi! Phải nói bằng thứ ngôn ngữ họ hiểu được – George Trần, anh lên sân khấu diễn Tôn Khỉ đi! Làm thật vào!”
A Cố đã buông Thư Quyên ra. Anh ta lao đến định giật lấy cái gậy trong tay George Trần để múa. Một người đàn bà ngã từ trên gác xuống rơi vào lòng A Cố, suýt nữa đè cái cổ ngắn của anh ta chui vào trong ngực. Chiếc áo choàng da báo xô đi, tấm thân trần người đàn bà phơi ra. A Cố cả đời chỉ thấy một người đàn bà trần như nhộng đó là vợ mình. Tưởng là một cái xác kiều diễm rơi xuống, anh ta hãi quá kêu lên thất thanh “ối trời ơi”. Thừa cơ, đám đàn bà trên tường nhảy ào ào xuống sân nhà thờ như ếch gặp mưa rào. Còn lại một người đàn bà da đen cao lớn kéo thêm ba bốn ả gái điếm bên ngoài lên tường.
Fabbi tuyệt vọng: “Khiếp quá! Cả một cái thuyền hoa trên sông Tần Hoài cập bến hay sao đây!” Dù sao ông cũng là người nhà thánh không thể hành động thô bạo với người ta được, chỉ có thể nói mạnh mà thôi. Ông chỉ vào đám đàn bà quát lớn: “Loại đàn bà như các người thì sợ gì hả? Ra phố mà chèo kéo bọn lính Nhật đi!”
Mấy người đàn bà đối đáp lại: “Thế mà là linh mục Tây kia đấy! An nói kiểu gì vậy?” “Muốn chửi chúng tôi thì cứ chửi đi! Chửi sao mà độc địa thế không biết!…”
A Cố muốn thoát thân khỏi mụ đàn bà dở sống dở chết nhưng mụ ta khỏe quá, hai cánh tay như hai cái râu bạch tuộc, càng giãy nó càng quấn chặt.
Linh mục Engman thấy rõ khí thế như nước lũ của đám đàn bà mua hương bán phấn này không thể cản nổi, ông đành bó tay, bảo A Cố mở cổng ra.
Thư Quyên nhìn thấy người đàn bà chậm rãi đứng lên, thì ra đó là người đàn bà có vóc dáng khá cao. Sàn đá sạch sẽ đến xanh bóng bị đám đàn bà xanh đỏ làm cho nhem nhuốc. Hòm xiểng, tay nải, chăn màn đủ màu cũng kéo theo vào, lôi theo cả mọi thứ dây dợ, tất dài, đồ lót.
Cô Thư Quyên của tôi khi đó không biết rằng những gì cô nhìn thấy là một mảng rất nhỏ của cái mà sau này các nhà viết sử gọi là vụ đại thảm sát xấu xa nhất, tàn khốc nhất. Xung quanh mảng nhỏ đó đầy xác người dân Nam Kinh, rãnh thải nước hai mép đường biến thành rãnh thải máu. Phải chờ biết bao lâu cô mới biết đầu đuôi câu chuyện, mới biết mình là đứa trẻ may mắn đến thế nào, linh mục và bức tường cao ngất của giáo đường đã che bớt đi cho cô những hình ảnh và âm thanh đẫm máu; đầu người rơi xuống, thân người phun máu tạo ra một âm thanh độc nhất vô nhị.
Đứng trước cửa xưởng in, cô nghĩ miên man: Nếu bố mẹ không ích kỷ, không thiên vị thì làm sao có thể bỏ cô lại đây trong lúc này, để những người đàn bà nhơ nhuốc kia làm bẩn đôi mắt trong sạch của cô? Cô luôn luôn nghi ngờ sự yêu chiều của bố mẹ đối với mình, đến lúc này thì cô hết nghi ngờ. Bố mẹ yêu đứa em gái của cô hơn. Bố có cơ hội đi Mỹ để học lên, ngay lập tức ông bảo chỉ có thể đưa đứa bé đi vì nó chưa đến tuổi đi học, sẽ không bị lỡ học khi ra nước ngoài. Mẹ cũng nói đỡ cho bố, rằng điều quan trọng hơn nữa là để bác sĩ Mỹ chữa bệnh hen cho em. Bố mẹ bảo với Thư Quyên rằng một năm trôi qua nhanh lắm, nhoáng một cái cả nhà bốn người lại sum họp. Thế là yên chuyện, vốn bị ẩn ức đã lâu, đứa con gái lớn cam chịu sự bất công để tha thứ cho bố mẹ!
Ông bà ngoại ở tít tận Ninh Ba lúc đầu định đến Nam Kinh chạy nạn, nhân thể chăm sóc Thư Quyên, nhưng tứ bề loạn lạc, đường thủy đường bộ đi về phía tây đều hung hiểm, cuộc hành trình tám trăm cây số là cuộc đánh bạc với tính mạng, hơn nữa ông bà già biết rằng mình bảo vệ cháu chẳng thể tốt hơn linh mục Engman và giáo đường Mỹ của ông ta. Trong bức điện ông bà còn nhắc nhở Thư Quyên học hành, ở cùng các bạn sẽ không bị thất học.
Những khi buồn bực nhất Thư Quyên đều oán trách họ, tận đáy lòng mình cô rất hận cha mẹ.
Cái con yêu tinh kia làm sao thế nhỉ, chết ngất trong lòng A Cố rồi kìa! Hai vạt trước tấm áo lông báo phanh toang ra! Dưới ánh sáng màu chì của buổi sớm, cái thân người nung núc lộ ra trên màu lông đen của chiếc áo, dòng sữa chảy ra lênh láng. Cô vội thụt đầu vào trong cửa.
Đứng rất lâu, đôi má nóng bừng mới nguôi dần. Đến mười cô Thư Quyên cũng không thể xấu hổ thay cho mụ ta được.
Thư Quyên leo lên gác trở về phòng như chạy trốn. Các cô gái vẫn xúm xít nơi cửa sổ, các băng giấy dán kính lột đi, tấm rèm đen gạt ra, ba ô cửa dài và hẹp biến thành các lô xem hát. Tình hình bên dưới đã hoàn toàn mất kiểm soát, đám đàn bà chui rúc vào mọi nơi mọi chỗ tìm đồ ăn nước uống, tìm nơi phóng uế. Một ả gái điếm kéo một ả khác vén tấm màn gió xanh đen bằng nhung thẹn thùng nói với các linh mục Tây: Chạy miết cả đêm không dám kiếm một nơi đi ngoài, đành phải xấu mặt ở đây vậy. Nói rồi hai ả biến mất sau tấm bình phong.
Fabbi hét lên bằng tiếng Anh: “Đồ súc vật!”
Engman đã sống gần sáu mươi năm trời, chỉ riêng ở Trung Quốc, ông đã kinh qua hai cuộc biến loạn: Bắc phạt, Quân phiệt nhưng ông chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng xấu xa đến thế này, ông không đáng phải chịu đựng bọn người thô bỉ đê tiện đến thế. Vị linh mục có một ưu điểm, đó là lấy cao thượng thanh nhã thắng thô bỉ, đối phương càng thô bỉ ông càng thanh nhã; cuối cùng đạt đến đỉnh điểm, đúng lúc đó, bằng một giọng ôn tồn, bình thản, ông nói: “Xin hãy tự chủ, thưa ngài Atonado.” Rồi ông quay lại nói với các ả giang hồ, kể cả hai người vừa trở ra sau tấm bình phong nét mặt hớn hở tay đang kéo dây quần, ông cân nhắc từng chữ: “Bây giờ chị em đã vào đây, với tư cách là linh mục cai quản nhà thờ, tôi khẩn thiết yêu cầu chị em tuân theo quy tắc.”
Fabbi kêu lên bằng tiếng Anh giọng Giang Bắc: “Thưa Cha, cho họ vào thì thà cho lính Nhật vào còn hơn!”(3). Ông nói với hai người làm công người Trung Quốc: “Sống chết thế nào cũng phải lôi cổ họ ra! Đã nhìn thấy rõ chưa? Đứa nào cũng làm loạn cả!”
Một ả có tấm thân tròn lẳn bỗng kêu lên: “Cứu tôi với!”
Mọi người quay sang nhìn, thì ra ả kêu vờ, ánh mắt cười cợt lẳng lơ.
“Cái người này cấu véo tôi!” Ả chỉ tay vào A Cố.
A Cố quát lên: “Ai làm gì mụ?”
“Cái của nợ của mày đụng vào mẹ mày!” Bộ ngực đồ sộ phập phồng.
A Cố trả miếng: “Đụng thì đã sao? Người ta đụng được tao không đụng được à?”
Ai cũng thấy rằng A Cố cũng không phải là nghiêm túc cho lắm. “Đủ rồi!” Engman nói bằng tiếng Anh. Nhưng A Cố vẫn thấy chưa đủ, vẫn cãi nhau với ả điếm. Linh mục mới nói bằng tiếng Trung Quốc: “Đủ rồi!”
Thực ra Engman đã nhận ra một điều, George Trần và A Cố đã phản bội, họ đang ngấm ngầm làm nội ứng cho đám gái điếm.
Fabbi nói: “Cha hãy nghe…”
“Ông hãy nghe đây, cho họ vào.” Engman nói. “Ít nhất cho họ ở một ngày tại đây. Khi hoàn thành việc chiếm đóng, người Nhật sẽ chịu trách nhiệm giữ gìn trật tự cho thành phố, khi đó chúng ta sẽ mời những người này ra khỏi nhà thờ. Dân tộc Nhật Bản nổi tiếng về kỷ luật trật tự, tin rằng họ sẽ mau chóng kết thúc tình trạng hỗn loạn thời chiến.”
“Một ngày không thể kết thúc được!”
“Vậy thì hai ngày.”
Nói rồi linh mục Engman quay người bước đi. Quyết định của ông đã được đưa ra, chẳng còn gì để bàn tán nữa.
“Thưa Cha, con không đồng ý!” Fabbi đứng phía sau nói to.
Engman quay lại, vẫn rất mực thanh nhã. Ông trả lời Fabbi một cách ngắn gọn: “Tôi biết anh không đồng ý.” Sau đó ông quay đi. Ông không nói gì nhưng rõ hơn cả nói ra lời: “Anh không đồng ý thì đã sao?” Rất khó để có thể thách thức quyền uy và ưu thế trong phong thái thanh cao của ông. Fabbi Atonado lớn lên ở nông thôn Dương Châu, là con trai của tu sĩ truyền giáo Mỹ hậu duệ của hai người gốc Ý. Ông ta đối xử với người Trung Quốc y hệt như cường hào địa chủ, coi họ thấp hèn hơn mình mấy bậc. Do tính cách thô lậu của Fabbi, Engman cũng coi ông ta thấp hèn hơn mình mấy bậc.
Một ả điếm bé con chạy vào xưởng đóng sách trông thấy mấy khuôn mặt nữ sinh hiện ra trên gác, nghĩ rằng ở đó dễ chịu lắm, ít nhất cũng ấm áp. Fabbi tóm ả ta lại. Con bé định luồn nhanh khỏi tay Fabbi nhưng bị ông này nắm chắc lấy cái túi đeo lôi ra khỏi xưởng. Cái túi xổ tung ra những quân mạt chược rơi ào ào xuống đất. Chỉ cần nghe tiếng rơi giòn tan cũng biết là quân bài xương hạng cao cấp.
Mụ điếm đen trũi to con kêu lên: “Con ranh, mất một quân thì tao xe xác mày!”
Con bé quát lại: “Xé con lợn đen ấy, xé cả cái x đen luôn!”
Nghe con bé chanh chua quá, sợ nó còn nói những điều khó nghe, Fabbi đã buông con bé ra lại vội chộp lại rồi vừa lôi vừa đẩy, tống nó ra ngoài.
“Cút đi! Cút ngay! A Cố đâu, mở cửa cho nó ra!” Fabbi mặt đỏ gay quát lên.
Con bé nói: “Ông ơi, ông là đồng hương với con đó…”, nó bỗng loạng choạng đôi chân rồi đổi giọng: “Xin ông, từ nay con không dám nữa ạ!…”
Dưới khuôn mặt non choẹt là một thân hình đủ cân đủ lạng, nung núc, đẩy đi lại bật về: “Ông ơi, ông dạy bảo con bé đồng hương này của ông! Con mới tròn mười lăm!…Chị Ngọc Mặc ơi! Chị xin giúp ông già cho em!”
Cô gái điếm có tên Ngọc Mặc đã thu dọn hành lý, uyển chuyển đi về phía con bé đang van nài, cô cười rất tươi và nói: “Cái miệng của em phải làm vệ sinh một chút! Xin được ông già dạy bảo chẳng thà cho em ngậm một viên thuốc làm sạch miệng.”
A Cố vốn con nhà tử tế, chỉ cần hai mươi phút để biến thành một công tử ăn chơi. Anh ta hớn hở dẫn đường cho đám đàn bà đến ở tại nhà kho dưới hầm bếp. Bọn họ lếch thếch đi theo A Cố, vừa đi vừa nhìn ngang nhìn ngửa bình phẩm mọi thứ của nhà thờ.
Thư Quyên tì ngực trên cửa sổ ghi nhớ cái tên Triệu Ngọc Mặc của người đàn bà có dáng người đẹp. Từ những cảnh tượng nhìn thấy, cô biết rằng Triệu Ngọc Mặc là nhân vật chính trong đám gái điếm, cũng có vẻ như là đầu trò. Về sau cô hiểu rằng, đó gọi là thủ lĩnh. Cấp bậc gái điếm trên sông Tần Hoài được qui định rất nghiêm ngặt tựa như tiến sĩ, thạc sĩ, học sĩ vậy. Thân phận, trình độ, cung phụng mỗi bậc một khác. Hơn nữa cấp bậc là do công chúng đặt cho. Về mặt này người Nam Kinh từ cổ xưa đã quan niệm rõ ràng, các tài tử văn nhân đời này sang đời khác đều khen ngợi gái điếm, từ Bát Diễm Tần Hoài đến Trại Kim Hoa đều là những nhân vật chính diện trong văn chương của họ. Thư Quyên mười ba tuổi, chẳng bao lâu cô cũng hiểu, Triệu Ngọc Mặc là cấp bậc cao nhất trong nghề này, tương đương đại tướng năm sao. Cũng như trong giới quân nhân, đàn bà trên thuyền hoa Tần Hoài đều mang cấp hiệu trong khi phục vụ, lon của Triệu Ngọc Mặc có năm ngôi sao, quan khách nhìn đó mà trả tiền, còn phải nhẩm tính lượng bạc trong túi xem có chơi được hay không.
Chú thích:
(1) Ý nói miệt thị, cờ Nhật màu trắng có mặt trời tròn đỏ ở giữa, bị ví như một miếng cao dán – ND. (Trong nguyên bản không có các chú thích, người dịch chịu trách nhiệm về các chú thích trong bản dịch).
(2) Dương Châu là một thị trấn gần Nam Kinh – ND.
(3) Giang Bắc là nói phía bắc sông Trường Giang, nói như ta là tả ngạn – ND.