Kim Lăng Thập Tam Thoa

Chương 10


Hơn chín giờ tối, linh mục Engman chầm chậm đứng dậy trong lầu An Lạc, nơi ông đọc sách. Mấy ngày nhịn ăn đã làm ông yếu đi. Ông đứng lên rất chậm để cho máu đủ thời gian đưa lên não tránh bị hôn mê. Ông cũng tinh giản một số động tác, sao cho các động tác dễ dàng nhất, cần thiết nhất, không lãng phí calo.

Buổi tối ông toàn ở trong phòng đọc sách, bên kia tường là thư viện của nhà thờ, nơi cất giữ những cuốn sách do bảy vị linh mục sưu tầm được và những cuốn sách mua được rất rẻ ở hội “Bán vì đạo nghĩa”. Các sứ giả nước ngoài khi hết nhiệm kỳ đều tổ chức quyên góp và tổ chức hội bán sách vì đạo nghĩa. Những quà tặng và thư tịch mà họ cho rằng không cần đem về nước đều được họ bán đi với giá rất rẻ hoặc cho không, bán và cho chẳng khác nhau là mấy. Một trăm năm nay, qua thanh lọc phân loại, thư tịch của nhà thờ đã rất toàn diện và phong phú.

Linh mục Engman đến gần lò sưởi, vịn tay vào mép lò ngồi xuống. Đây cũng là động tác mới có trong cơn đói, trước đây mấy ngày ông không phải vịn tay như thế. Đầu gối của vị linh mục hơn sáu mươi tuổi kêu lách tách như than cháy. Ông cầm kẹp lật thanh củi cho cháy to lên. Hôm nay trời lạnh quá.

Phòng ngủ của Fabbi ở bên kia tường thư viện. Lúc này anh chưa về. Không hiểu sao, giữa ông và Fabbi, những điểm rơi trong giao lưu thường không trùng nhau, khi Fabbi đến nói chuyện với ông là lúc ông đang tận hưởng sự cô đơn. Đúng lúc ông vừa ra khỏi sự cô đơn, rất muốn nói chuyện thì Fabbi lại hời hợt hoặc biến đi đâu. Linh mục Engman buồn bã tổng kết, người đời đại để cũng như ông và Fabbi, không dứt được ra cũng chẳng gắn được vào. A cần đến B đúng vào lúc B đầy đủ về tình cảm và không muốn bị quấy rầy; trái lại khi B cần có A ở bên để hỏi han và giao lưu thì nhu cầu đó lại là gánh nặng đối với A. Gặp nhau và giao lưu không đúng lúc là một sự quấy nhiễu rất khó chịu. Khi không muốn bị quấy rầy thì không thích sự có mặt của người khác. Đến với nhau không phải vì hợp mà vì hoàn cảnh không rời được nhau thì là bị động và miễn cưỡng. Miễn cưỡng đến với người khác và miễn cưỡng chấp nhận người khác đến với mình đều là quấy nhiễu. Sự có mặt trong tình huống như thế là sự có mặt không cần thiết.

Bây giờ ông đang gián tiếp chấp nhận sự có mặt không cần thiết của đám lính và gái điếm dưới tầng hầm, một sự có mặt hoàn toàn là quấy nhiễu.

Đội viên đội chôn xác đưa hai thương binh đến nhà thờ được một hôm thì linh mục Engman đến khu an toàn. Lính Nhật sục sạo vào khu an toàn một ngày mấy lần, thanh niên trai tráng đều bị coi là lính Trung Quốc lẩn trốn và bị bắt đi. Mấy người phụ trách chạy đôn chạy đáo xin can thiệp cứu giúp đều mất công không. Những người bị bắt đi nếu có chút kháng cự đều bị bắn tại chỗ. Thế là linh mục Engman không dám hé răng yêu cầu khu an toàn chấp nhận mấy thương binh nữa. Bác sĩ Wilson đang khám bệnh cho đoàn người rồng rắn xếp hàng. Ông kéo bác sĩ ra hỏi nhỏ có thể dành một giờ đến nhà thờ mổ cho một ca không. Ca thế nào? Bụng bị lưỡi lê đâm… Engman vừa nói đến đó, bác sĩ Wilson vội hỏi, không phải tù binh Trung Quốc chứ? Engman hỏi tại sao ông biết. Bác sĩ bảo trong đám đội viên đội chôn xác có kẻ mất gốc, báo với người Nhật có một số đội viên đã cứu tù binh Trung Quốc. Ngay sáng sớm lính Nhật đã chôn sống mấy chục đội viên. Từ đó việc xử lý xác chết tù binh đều có sự giám sát của lính Nhật. Bác sĩ Wilson khuyên linh mục, nếu nhà thờ có thu nhận tù binh thoát chết thì phải lập tức đưa họ đi chỗ khác. Từ khu an toàn trở về linh mục Engman đến ngay hầm kho. Chỗ ở tạm thời có thể coi là ngăn nắp, một cái rèm cũ của phòng đọc sách ngăn căn hầm làm hai, đàn ông chiếm một phần nhỏ. Linh mục Engman chưa bao giờ ngửi thấy cái mùi hỗn tạp như ở đây, lương thực lưu cữu, mỹ phẩm, phó mát, rượu… Vật chất không còn tồn tại nhưng phi vật chất vẫn còn lại dai dẳng, không chỉ còn lại mà còn sinh sôi, chúng lên men phát mốc, nơi đây trở thành vương quốc của các mùi, nó dữ dội chống lại bất cứ kẻ nào xâm nhập. Khi theo bậc thang bước xuống, chút nữa thì linh mục Engman ngất đi. Vương quốc mùi vị được bổ sung mùi người của mười mấy người đàn bà và ba người đàn ông, hai thùng bài tiết, thêm vào đó là mùi nước hoa, mùi phấn son, thuốc chải đầu, bột chì than, thuốc lá… Linh mục Engman nhận ra rằng không chỉ mũi mà mắt ông cũng không chịu nổi, mắt cay, nước mắt đầm đìa. Lúc đó ông biết vết thương của viên sĩ quan họ Đới cũng không hề nhẹ, xương sườn bị trúng đạn, máu vẫn thấm ra. Thương binh nặng Vương Phố Sinh mới mười lăm tuổi. Thấy ông xuống, cậu ta giơ tay lên thái dương chào kiểu quân sự. Rõ ràng là cậu bé muốn lấy lòng ông sợ ông trục xuất để giữ tính trung lập của nhà thờ. Linh mục Engman đột nhiên thay đổi điều định nói. Khi đến, ông sắp xếp câu đầu tiên là: “Rất đáng tiếc, chúng tôi không thể để các vị ở đây dưỡng thương.” Lúc này ông mỉm cười với cậu lính trẻ, câu nói biến thành: “Có đỡ chút nào không?” Ông biết, thế là vô cùng khó rồi, nếu câu đầu thay đổi thì sau đó khó mà nói câu từ biệt. Ông muốn thuyết phục họ lợi dụng đêm tối trốn vào rừng hay về nông thôn. Lương thực thuốc men ông sẽ lo đủ. Nhưng nhìn bộ mặt quấn đầy băng của Vương Phố Sinh, câu nói của ông đổi thành: “Nhà thờ có thể để các vị ở thêm vài ngày, nhưng để là người dân thường tị nạn thì ngài thiếu tá phải bỏ vũ khí xuống.”

Hai thương binh im lặng, đưa mắt nhìn Đới Đào.

Viên thiếu tá nói: “Xin cho tôi được giữ lại trái lựu đạn đó.”

Sự uy nghiêm vốn có của linh mục Engman xuất hiện: “Nhà thờ chỉ tiếp nhận dân thường không tấc sắt trong tay.”

Đới Đào nói: “Trái lựu đạn không phải để tấn công cũng không phải để tự vệ.” Anh ta đưa mắt nhìn mọi người.

Tất nhiên linh mục Engman hiểu nó dùng để làm gì. Bọn họ có hai người đã từng bị bắt làm tù binh và bị hành quyết. Sử dụng lựu đạn có thể có kết cục nhẹ nhàng thậm chí huy hoàng, đối với người lính thua trận, không có sự rút lui vĩnh cửu nào có thể vẻ vang hơn trang trọng hơn. Nếu may mắn còn kéo thêm vài tên địch để lót lưng.

Lần đầu bị linh mục tước vũ khí, Đới Đào đã lén giữ lại trái lựu đạn nhỏ của Đức đem xuống hầm. Mấy người đàn bà mách với A Cố, lúc ấy anh còn sống, vì ở chung với nó họ ngủ không yên. A Cố lại tố với Engman.

“Nếu ông giữ lựu đạn thì ông không phải là dân tị nạn không tấc sắt trong tay.”

Viên thượng sĩ Lý Toàn Hữu nói: “Thiếu tá nghe linh mục đi.”

Đới Đào lạnh lùng nhìn Lý Toàn Hữu: “Để cho bọn quỷ phương Đông tước vũ khí còn chưa đủ sao?”

Engman biết câu chưa nói ra lời còn khó nghe hơn: bây giờ còn muốn để cho quỷ phương Tây tước vũ khí nữa sao.

Đới Đào nói với Lý Toàn Hữu và Vương Phố Sinh: “Bây giờ các anh là hạ cấp của tôi, tôi là chỉ huy của các anh, các anh có bổn phận phải phục tùng tôi.”

Khi đó người đàn bà tên Triệu Ngọc Mặc từ sau tấm rèm ngăn bước ra, dịu dàng nhìn từng người đàn ông, cứ như cô là bà chủ gia đình đứng ra dàn xếp bất hòa.

Linh mục Engman nhớ rằng lúc đó ông nhìn người đàn bà đó và hơi gật đầu, trong giây lát ông quên thân phận hèn kém của cô ta. Ông cảm thấy cô ta xuất hiện thì không khí giữa những người đàn ông thay đổi, sự đối địch giảm đi. Thực ra cô ta chưa nói gì cả, chưa làm gì cả, cô mỉm cười một cách vô cớ kiểu đàn bà, cô nhìn như trách móc: Hòa thuận một chút có hơn không, có gì đáng để gây sự với nhau đâu?

Engman nhớ rằng khi đó ông còn nói, tiếng lựu đạn nổ, người Nhật sẽ quy kết nhà thờ che giấu lính Trung Quốc, hành động của nhà thờ vô tư tiếp nhận nạn nhân sẽ biến thành điều bịa đặt. Điều quan trọng nhất là chọc tức quân chiếm đóng, họ sẽ san phẳng nhà thờ, kể cả mười sáu cô bé. Các cô bé là những sinh linh yếu đuối nhất trong chiến tranh, một khi họ phải hy sinh thì đó là sự hy sinh không thể tưởng tượng nổi.

Sau đó ông kể lại những gì ông tận mắt nhìn thấy trên đường trở về từ khu an toàn. Khi đó Fabbi lái xe vòng qua một ngõ nhỏ về nhà thờ gặp mấy người lính Nhật quây lại trước một hiên nhà, chúng đang lột quần áo của một cô bé chừng mười ba mười bốn tuổi. Ông bảo Fabbi dừng xe. Ông kéo kính xuống, thò nửa người mặc áo linh mục ra, dùng tiếng Anh nói to: “Dừng lại, xin hãy nể mặt Chúa!…” Ông tường tận kể hết câu chuyện rồi nói: “Lẽ ra tôi không kể cho các vị chuyện không vui nhưng tôi muốn để các vị biết, tất cả những gì chúng tôi – hy vọng cũng có cả các vị – làm đều lấy việc bảo vệ sự an toàn của các em học sinh làm chuẩn mực, tiếp nhận các vị, phần nào đó đã nguy hiểm cho các em, huống hồ các vị còn cất giấu vũ khí.”

Mấy người lính Trung Quốc im lặng. Ông cũng im lặng một lát để cho lời nói của mình thấm sâu một chút vào đầu họ rồi mới rời khỏi căn hầm. Chiều hôm đó Đới Đào giao lại quả lựu đạn cho ông. Nhân dịp đó ông và viên thiếu tá trẻ nói về chuyện rút lui khỏi Thượng Hải và Nam Kinh thất thủ. Kể cũng lạ lùng, người sĩ quan có tên Đới Đào xuất hiện đúng vào lúc Engman thèm nói chuyện nhất. Trong nửa giờ nói chuyện, hai bên cư xử với nhau rất nồng nhiệt, thật hiếm thấy.

Lúc này Engman quấn chặt tấm áo choàng lông ngỗng định quay về chỗ ngủ. Ông cầm khay nến theo thang gác đi xuống sảnh lớn thì nghe tiếng chuông gọi cổng. Ông lập tức quay lên, kéo rèm cửa lên, mở cửa sổ nhìn xuống sân.

Fabbi đã ra cổng, đang nói chuyện với khách không mời mà đến. Tiếng là nói chuyện nhưng để trả lời câu hỏi của Fabbi “Xin hỏi có việc gì không?… Đây là nhà thờ của nước Mỹ!… Không có lương thực, chất đốt!…” Người nọ cứ giật chuông. Fabbi nói một câu thì tiếng chuông lại thêm giận dữ và nóng nảy, cứ như người nọ dùng tiếng chuông để chửi bới.

Engman đi nhanh xuống gác, mở cửa xưởng đóng sách, kiểm tra xem khóa có chắc chắn không. Nhưng ông nghĩ, chính khóa lại mới không an toàn, kẻ xâm nhập sẽ cho rằng nơi phải khóa sẽ là nơi cất giữ đồ quí, tất nhiên càng đòi vào, như vậy càng nguy hiểm cho các em học sinh. Ông lấy chùm chìa khóa ở thắt lưng ra, tay run lẩy bẩy tra hết chìa này đến chìa khác cuối cùng mở được cửa mò mẫm đi vào. Ông ngẩng mặt nói vọng lên phía trên: “Các cô bé, bất kể xảy ra chuyện gì, không được hé răng, không được xuống dưới nhà!”

Ông biết bọn trẻ nghe thấy rồi, ông chạy về phía nhà bếp.

“Người Nhật đến rồi, không được nói chuyện, mọi việc để tôi và Fabbi đối phó!”

Ông nghe một người đàn bà nói nửa câu muốn hỏi gì đó lại thôi ngay, không phải bị bịt miệng mà bị một tiếng nói khẽ ngăn lại.

Trên đường ra cổng, linh mục Engman nghĩ câu chữ và cách ăn nói. Cách cổng năm sáu bước, ông dừng lại hít một hơi rồi nói với Fabbi: “Mở cửa ra.”

Fabbi quay đầu lại nhìn, anh trấn tĩnh lại khi thấy dáng đi và giọng nói bình thản đĩnh đạc của vị linh mục. Hình như đây chính là khoảnh khắc ông chờ đợi, để thử xem, trước sức cảm hóa của ông, có trái tim nào không bị chinh phục, có nhân tính nào không quay trở lại.

Vì vậy khi cổng mở ra, trước mặt kẻ xâm lược là một ông già tiên phong đạo cốt râu tóc bạc phơ. Ông độ lượng với mọi lứa tuổi màu da, tính cách, vô tội hay có tội… Sự tức giận của lính Nhật tích tụ lại khi ấn chuông cổng hình như đã được nụ cười của linh mục Engman tiếp nhận hết và xả hết ra.

“Chúng tôi đói!” Tên hạ sĩ quan Nhật cầm đầu nói tiếng Anh nghe ngồ ngộ.

“Tôi cũng đói.” Engman nói với sự quan tâm đối với tất cả sinh mạng đang kêu đói dưới gầm trời này. Ông nói thêm: “Và còn khát nữa.”

“Chúng tôi cần vào bên trong.” Tên sĩ quan nói.

“Xin lỗi đây là nhà thờ của Mỹ. Xin ngài cư xử như đối với lãnh thổ Mỹ.” Engman vẫn mỉm cười.

“Chúng tôi vào cả đại sứ quán Mỹ.”

Engman có nghe nói, đại sứ quán Mỹ ở một nơi an toàn nhất của khu an toàn thường xuyên bị cưỡng bức đón tiếp lính Nhật, chúng tự tiện vào trộm được gì thì trộm, cướp được gì thì cướp, lấy cả xe hơi của nhân viên ngoại giao và kiều dân Mỹ đã rút về nước. Xem ra tòa nhà hẻo lánh xa trung tâm thành phố này có vẻ an toàn hơn.

“Chúng tôi vào tự tìm lấy cái ăn!” Tên hạ sĩ quan gào lên.

Bảy tám tên phía sau như nghe thấy lệnh xung phong, chúng chen nhau vào cổng. Vị linh mục biết rằng sự thể đã đến mức này thì đành phó thác cho trời vậy.

Linh mục Fabbi nói: “Mở cổng ra là hỏng hết!”

Engman nói: “Tường thành Nam Kinh còn không chặn được họ mà tường của ta đây đàn bà còn leo được vào.”

Fabbi theo sát phía sau lính Nhật đi vào nhà thờ. Không đèn cũng không nến, cái lạnh đông đặc bên trong còn gia buốt hơn bên ngoài. Tốp lính Nhật do dự một chút ở cửa lớn, tên hạ sĩ quan dùng đèn pin chiếu lên bức tượng Giêsu tuẫn nạn trên bục giảng đạo, rồi chiếu lên trần nhà cao chót vót rồi lùi lại, có vẻ như sợ mai phục.

Linh mục Engman nói nhỏ với Fabbi: “Nếu họ đi vào xưởng đóng sách thì phải tìm cách giương đông kích Tây, kéo sự chú ý của họ sang hướng khác.” Fabbi nói nhỏ: “Làm thế nào để giương đông kích tây?”

Engman trầm ngâm. Vào thời khắc gay go này đành phải hy sinh cái ít quan trọng hơn.

“Bảo George Trần khởi động ô tô.”

Fabbi hiểu ý. Lính Nhật cướp được ô tô sẽ được thượng cấp thưởng, cũng có thể qua Hán gian đổi lấy cái ăn hoặc vật có giá trị.

Tốp lính Nhật vừa đẩy cửa xưởng đóng sách thì nghe đâu đó có tiếng máy ô tô. Nghe biết ngay là động cơ già nua, vừa ho lục khục vừa thở hổn hển, dền dứ mãi không nổ. Chúng lia đèn pin đi tìm tiếng máy nổ và dễ dàng tìm thấy gara và thấy George Trần đang nằm dưới gầm xe để “sửa chữa”.

Lính Nhật đá chân vào đầu George Trần. Anh này nói bằng tiếng Anh: “Ai đấy? Đang sửa xe!” Tiếng Anh của George Trần khó nghe hơn cả của viên hạ sĩ quan Nhật.

Engman nói: “George Trần. Xin anh đi ra.”

Fabbi đã đạo diễn cho George Trần, đài từ cũng biên soạn đủ, toàn là tiếng Anh cả. Bây giờ chui từ gầm chiếc xe Ford già nua ra thì quên hết lời kịch, bộ mặt nhem nhuốc cũng không che hết được sự hoảng hốt.

“Anh là ai?” Viên hạ sĩ quan hỏi.

“Anh ấy là bạn tôi kiêm tạp vụ.” Engman đứng xen vào giữa và nói.

George Trần tiếp tục nói lời kịch đã được học – cho dù thứ tiếng Anh ấy có dở thế nào, cho dù tất cả những người nói tiếng Anh trong thiên hạ không hiểu nhưng anh ta đã làm cho viên hạ sĩ quan Nhật hiểu được rằng xe hỏng, đang sửa nhưng sửa mãi không được. Hắn quay lại nói gì đó, mấy người lính đều hô lên “hây”. Viên chỉ huy quay sang nói với Engman: “Phải mượn chiếc xe này.”

Linh mục Engman nói: “Đây không phải tài sản cá nhân tôi, nó là tài sản của nhà thờ, tôi không có quyền cho bất kỳ ai mượn cả.” Chiếc xe cũ kỹ và thân thương ông ném ra làm vật thế mạng, phải hy sinh nó để bảo vệ những sinh mạng trên gác và dưới hầm kia. Như vậy ông với nó lại càng gần gũi khó chia lìa. Ông nói những điều đó là để những người lính Nhật tin rằng ông dứt nó ra là việc bất đắc dĩ, ngoài nó ra nhà thờ chẳng còn gì đáng để chọ họ để mắt. Ông nói thêm một câu: “Cho nên ông chỉ huy có thể cho cái giấy mượn được không để tôi dễ ăn nói với bộ phận tài vụ của nhà thờ.”

Người sĩ quan Nhật nhìn ông già như muốn nói: Ông sống trên cung trăng đến bây giờ à? Không biết chiến tranh nghĩa là gì nữa à? Hắn nói: “Đến bộ tư lệnh quân chiếm đóng lấy giấy mượn.”

Bất kể linh mục Engman và Fabbi tỏ ý ngăn cản và phân trần thế nào, tốp lính Nhật vẫn đẩy chiếc xe Ford cũ kỹ ra ngoài gara. Viên sĩ quan ngồi ghế lái nhấn ga mấy lần, mò mẫm một hồi, nổ được máy. Mấy người lính Nhật gào thét như những thổ dân săn được con mồi to, chúng lốc nhốc đuổi theo chiếc xe ra khỏi cổng.

Fabbi thở hắt ra một tiếng rõ to. George Trần giương đôi mắt ếch, anh ta vẫn không tin hẳn, chiến tranh đã lan vào tận sân nhà thờ và đi sượt qua ngay bên cạnh

Engman nói: “Họ đã lấy của chúng ta một vật đáng giá nhất, chắc rằng chúng ta sẽ yên ổn thêm được một chút.”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận