Kinh Thánh Của Một Người

Chương 13


Gió tháng ba, vì sao là tháng ba và vì sao lại là gió… Tháng ba, trời hãy còn rất lạnh, trên bình nguyên Hoa Bắc bao la cả một vùng Cố Đạo ven bờ Hoàng Hà mênh mông đầm lầy và đất muối kiềm trắng xóa. Đây là nông trường do các phạm nhân lao động cải tạo đã khổ sai khai khẩn, mùa đông gieo tiểu mạch, nếu tuyết rơi nhiều, không bị hạn, thì sang xuân là vừa thu hoạch. Theo chỉ thị tối cao của lãnh tụ vĩ đại nhất vừa ban xuống mới tinh thì loại nông trường khai hoang do phạm nhân lao động cải tạo từng dày công xây dựng như thế này nay đổi tên thành “Trường học cán bộ 57”, gọi tắt là “cán hiệu”. Những người đã khai sơn phá thạch trước đây, bây giờ giao cho quân cảnh áp giải đến cao nguyên Thanh Hải hoang vu và không một bóng người. Cán bộ nhân viên từ các cơ quan của thủ đô đỏ cách mạng bị thanh lọc được tống lên nông trường thay chân cày cấy.

“Cán hiệu 57 không phải là cảnh tránh gió của đấu tranh giai cấp”, đại diện quân đội từ Bắc Kinh chuyển công tác tới đây đã truyền đạt chỉ thị đó và các hoạt động thanh tra bè lũ, tập đoàn chống phá cách mạng đã và đang chui vào mọi tổ chức quần chúng vẫn tiếp tục, có điều nay gọi bằng mật danh “516”. Thanh tra tới ai, người đó liền trở thành phần tử phản cách mạng hiện hành. Anh là người đầu tiên bị “516”, nhưng trước khi cuộc vận động quét sạch lũ đầu trâu mặt ngựa chưa ra quân chiến đấu, anh bị nghiễm nhiên là người làm nhiệm vụ thanh tra, biến thành con hồ ly nhe răng dữ tợn, sẵn sàng xông ra cắn xé, không đợi bầy chó săn ào ạt tấn công. Cuộc sống, nếu có thể gọi đó là cuộc đời, đã dạy dỗ anh trở nên dã thú, nhưng bất quá chỉ là con mồi giữa vòng vây, sa cơ một chút thì sẽ bị xé xác phanh thây ngay tức khắc.

Mấy năm nay trà trộn, chui rúc, trắng đen lẫn lộn, đúng sai như lật bàn tay, muốn chỉnh đốn lại, thanh tra ai đều có thể lôi ra hàng đống tội danh mà người đó không ngờ tới; Mỗi một khi đã bị “516” thì nhất định có vấn đề, và mỗi một khi có vấn đề thì người ta sẽ đẩy họ sang hàng ngũ kẻ thù là điều tất nhiên, quá trình nêu trên được gọi chung bằng cụm từ “cuộc đấu tranh giai cấp tao sống mày chết!”. Anh đã bị đại diện quân đội “Cán hiệu 57” liệt vào danh sách đối tượng “516” trọng điểm, đợi phát động quần chúng là hỏa lực lập tức tập trung thiêu cháy anh. Anh hoàn toàn hiểu rõ trình tự, quy trình đó, cho nên trước khi tai họa đổ lên đầu, phải tìm cách trì hoãn, kéo dài thời gian.

Ngày mai chỉ đạo viên đại đội của anh tuyên bố thẩm tra, thì hôm nay các “chiến hữu” vẫn vui vẻ cùng anh, cùng húp cháo ngô, ăn màn thầu, cùng ngủ trên đệm rơm trải lên sàn đất mà mỗi người chỉ được bốn mươi phân bề rộng, đo bằng thước dây hẳn hoi, dù gầy hay béo, dù già hay trẻ, dù trước đây ở Bắc Kinh là thủ trưởng hay cần vụ, đều bình đẳng như nhau, duy một điều là không lẫn lộn nam nữ. Thế nhưng, cặp vợ chồng nào chưa có con nhỏ thì vẫn nam nữ thụ thụ bất thân, ai về giới tính nấy. Trường học cán bộ 57 biên chế theo bốn cấp: tiểu đội, trung đội, đại đội và tiểu đoàn, tất cả đều do đại diện quân đội chỉ huy. Sáu giờ sáng loa phóng thanh oang oang, “học viên” vùng dậy, trong vòng hai mươi phút phải tranh nhau vòi nước đánh ráng rửa mặt, rồi lập tức tập hợp trước tấm ảnh lãnh tụ vĩ đại treo trên bức vách đất làm lễ “xin chỉ thị buổi sáng”, cất cao bài ca “ngữ lục” (lời nói của lãnh tụ tối cao được phổ nhạc), tay cầm sách đỏ hô ba lần “vạn tuế, vạn vạn tuế” đoạn vào nhà ăn húp cháo loãng, và tiếp đến là tụng niệm “Mao tuyển” khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ, cuối cùng vác xẻng, cuốc ra đồng canh tác. Cứ thế ngày này qua ngày khác, số phận đều như nhau mà cứ đấu tới, đấu lui, không biết đấu cái gì.

Hôm anh được lệnh miễn đi lao động ở nhà viết kiểm điểm, cả doanh trại như thể bị bệnh dịch đe dọa, ai cũng sợ lây nhiễm, tránh xa anh, chẳng người nào dám chào hỏi hay nói với anh một câu. Anh không rõ, người ta đã nắn thóp anh vấn đề gì, nên nhằm lúc thằng cha nọ lâu nay đối xử cũng tốt với anh đi vào nhà xí công cộng, anh vội vã theo hắn, giả bộ tuột quần tiểu tiện, và nói rất khẽ “ông anh có biết vì sao họ lại bắt thằng em?”. “Ông anh” ho lên một tiếng, cúi đầu, rặn to, không dám nhìn mặt “thằng em”. Anh đành chui ra và phát hiện đã có cán bộ đứng canh ở bên ngoài, nhưng cũng giả bộ ngắm trời ngắm đất.

Hội nghị “giúp đỡ” anh bắt đầu. Cái gọi là giúp đỡ ở “Cán hiệu 57” này thực chất là một cuộc phát động quần chúng gây sức ép buộc đương sự phải thừa nhận và khai báo các sai lầm, khuyết điểm; mà sai lầm, khuyết điểm lại đồng nghĩa với tội trạng. Quần chúng dự hội nghị “giúp đỡ” như một đàn chó, roi của chủ quất vào đâu thì xông tới đó cắn xé, trừ phi đến lượt mình. Anh đã rõ, đã hiểu tấn trò này vì nó từng diễn ra khá nhiều lần. Quần chúng phát biểu được bố trí người sau gắt gao hơn người trước, khiến không khí hội nghị càng lúc càng mãnh liệt. Ai nấy đều viện dẫn “lời Mao Chủ tịch” để đối chiếu, soi rọi hành vi và ngôn từ của anh. Anh đặt luôn cuốn sổ tay lên bàn cặm cụi viết, cặm cụi ghi bằng hết những lời phát biểu giúp đỡ ấy, của Trương tam, của Lý tứ, không sót một ai, trước là để biểu thị thái độ thành khẩn tiếp thu, sau làm tài liệu, nhỡ mai kia vật đổi sao dời, tình thế đảo ngược, thì căn cứ vào cuốn sổ tay này anh quyết không tha thứ người hào, cũng “tận tâm giúp đỡ” như Trương tam, như Lý tứ hôm nay. Các cuộc vận động chính trị bấy lâu lúc nắng lúc mưa khiến người ta như đánh bạc với cách mạng, thắng thua đều phải đặt tiền cọc, rồi kẻ thành, người bại, cười cười, khóc khóc, thật trớ trêu.

Anh đang ghi rất nhanh, rất đầy đủ, chủ yếu là để trả đũa sau này thì bỗng khựng lại vì lão họ Đường nọ đứng lên, tay cầm sách đỏ, đoạn giở ra đọc một vài câu và đặt điều gán tội cho anh. Anh quắc mắt nhìn Đường, hắn có vẻ sợ hãi và để lấy lại khí thế, Đường thị hét to, nước bọt bắn ra tung tóe. Anh thầm nghĩ, họ Đường kia, mày xuất thân từ gia đình địa chủ, chẳng chịu tham gia hoạt động xã hội, phong trào, vậy mà giờ đây dám giả bộ lập công, trà trộn. Nhân cơ hội gặp may, đối thủ yếu, ăn nói lôm côm, anh liền phản kích, chửi hắn mấy câu cho sướng miệng, vặn nắp bút máy và tuyên bố phải chờ làm rõ vấn đề cái đã, đoạn bỏ hội nghị, rời sân phơi nông trường, mồm lẩm bẩm “tôi không tham gia kiểu họp hành như thế này”, sở dĩ anh làm già đến nước ấy là vì đa số quần chúng thuộc phe cánh của mình, các vị đại diện quân đội thì mới về chưa nắm hết tình hình đầu đuôi, xuôi ngược. Nhưng nghĩ lại, anh thấy khó lòng thoát khỏi cái lưới đang bủa giăng, sớm muộn gì rồi cũng bị cất lên, hốt gọn, do đó thượng sách vẫn phải chuồn nhanh.

Hoàng hôn dần buông, anh lững thững rảo bước hướng ra xa, vượt khỏi biên giới nhà trường lúc nào không hay, nơi đấy là một hàng cọc bê tông căng dày dây thép gai, và nhiều chỗ đã bị cắt đứt. Ngoài kia hàng cọc mấy nông dân đang xếp than vào lò nung vôi, họ đổ dầu nhen lửa, khói cuộn lên, rồi đốt pháo khánh thành, xem như xong việc bỏ về. Anh ngoái nhìn nông trường của “Cán hiệu 57” và chẳng thấy bóng hình ai truy đuổi, anh tiếp tục đi về vùng sáng phía mặt trời lặn, bao la đầm lầy, kiềm thổ một dãy mênh mông Cố Đạo bên bờ Hoàng Hà, những ngọn cỏ phất phơ trước gió, những cánh chim chiêm chiếp gọi đàn. Vầng dương càng chìm xuống, càng sẫm đỏ như màu máu. Và anh cũng vậy, hai chân nhún trong bùn nhão, châm một điếu thuốc để suy mưu tính kế, về đâu mới được yên thân.

Có lẽ phải làm một nông dân. Anh chợt nhớ tới Đại Dung, người bạn học mồ côi cha mà mười năm trước tự nguyện về nông thôn “xây dựng chủ nghĩa xã hội”, hiện đang sống ở vùng núi miền Nam. Anh trở về kí túc xá “Cán hiệu 57” với niềm hi vọng Đại Dung, lúc ấy mọi người đã chuẩn bị vào ổ.

Suy đi tính lại, không thể trù trừ, phải điện báo ngay cho Đại Dung, nhưng từ “Cán hiệu 57” đến bưu điện huyện cả đi lẫn về những bốn mươi cây số, làm sao trong một đêm đều trót lọt. Muốn thế anh cần đi bộ sang thôn bên cạnh gặp lão Hoàng mượn xa đạp với lí do đón người nhà “học viên” lên đây hợp lí hóa gia đình, an cư lập nghiệp lâu dài. Hoàng lão là cán bộ già đã một thời hoạt động theo phe cánh với anh, nên chắc chắn lão sẽ đồng ý.

Đợi đèn tắt, mọi người đều phì phò nơi lỗ mũi anh mới khẽ rên với “bạn học” bên cạnh, cũng một lão già, cháu đau bụng quá, phải đi nhà xí. Nói như vậy để đề phòng cán bộ, bất chợt kiểm tra thì lão còn có lí do mà trình bày. Lão là “bạn học” đáng tin cậy vì từng chịu ơn anh, toàn làm công việc nhẹ như sửa cán xẻng, cán cuốc hoặc gác sân phơi của nông trường, lão thuộc loại tiền bối Diên An, chưa kịp về hưu, an dưỡng do huyết áp cao thì sa cơ lỡ vận bị tống lên theo “học” ở cái trường này. Nhờ hai ông già giúp đỡ nên trong một đêm gió cát tháng ba anh đã phát được tín hiệu tìm cách cầu cứu Đại Dung.

Đó những năm trung học, Đại Dung để lại trong anh nhiều ấn tượng khó quên. Cậu ta thường cùng anh làm bài tập và nghe âm nhạc. Đại Dung kéo nhị rất giỏi, lại mê vĩ cầm, nhưng tiền đâu mua nổi loại nhạc cụ quý tộc ấy, đến như những buổi chiếu phim giá rẻ cho học sinh mấy tháng nghỉ hè mà Đại Dung cũng phải nín nhịn nữa là. Lần đó anh mua vé cho Đại Dung, nhưng cậu ta chối từ, dứt khoát không đi, anh phàn nàn, thế này thì lãng phí quá, Đại Dung mới nói, sợ xem mãi thành ghiền, sau biết làm thế nào, tuy vậy cậu ta vẫn chịu khó sang nhà anh tập vĩ cầm, nghe nhạc Tchaikovski và nhiều lúc đắm mình suy tưởng. Lại có hôm nhìn lọ mực để trên bàn, anh tự dưng phát hiện, nó chẳng phải màu xanh, Đại Dung bổ sung, chính xác là xanh đen, thế mà ai cũng bảo rằng xanh, lâu dần thành quen và gán cho nó cái tên vĩnh viễn, dẫu mỗi người nhận thức về màu sắc hoàn toàn không giống nhau. Đại Dung kết luận, một kết luận nhân sinh quan độc đáo mà giờ đây anh bỗng nhớ như in, dù cậu và mình có nói thế nào đi nữa, màu sắc của lọ mực kia vẫn không thay đổi. Ôi anh bạn nghèo đa tình, đa cảm và đa suy nghĩ, biết ngày nào nhận được hồi âm, nhưng anh tin là Đại Đung sẽ ra tay, hãy kiên trì chờ đợi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận