Lớn lên, anh được một người bạn thời trung học kể chuyện về con gái, anh ấy tên là La, lớn hơn anh mấy tuổi, một thanh niên sớm trưởng thành, chín mọng. Khi đang còn học trung học La đã có thơ đăng báo, bạn bè tôn xưng anh ta là thi sĩ và bản thân anh cũng rất kính trọng La. Cuối cùng thì La không đỗ vào đại học, giữa trưa hè nắng gắt một mình anh ta ra sân chơi bóng rổ, mồ hôi như tắm, hình như La muốn phóng xả bớt tinh lực thừa thãi trong người. La không cảm thấy ân hận gì khi biết mình không có tên trong bảng vàng và nói rằng, sẽ đi đánh cá ở quần đảo Châu Sơn, điều này càng khiến anh tin tưởng vì bẩm sinh, La đã là một nhà thơ.
Năm ấy anh từ Bắc Kinh về quê nghỉ hè, gặp La tại một chợ rau. La mang tạp dề màu cháo lòng và đang bán đậu phụ, thấy anh La cười, đoạn cởi tạp dề nhờ một phụ nữ béo mập vừa bán rau vừa trông hộ hàng rồi đưa anh về nhà mình. La nói, hai năm ngư phủ, nhưng vẫn thất nghiệp, về quê cũng tìm không ra việc gì làm, đành gia nhập hợp tác xã mua bán này, vừa bán đậu phụ, vừa kiêm nhiệm kế toán.
– Còn làm thơ nữa không? – Anh hỏi La.
La lôi trong ngăn kéo ra một tập nhật kí gồm những bài thơ, chữ nắn nót, chân phương, dễ đọc và dưới mỗi bài đều ghi rõ ngày tháng.
– Đều là thơ tình – anh thốt lên và không ngờ những vần thơ của La lại sầu não, xé lòng đến thế, chẳng trách mà hồi đó mỗi lần thầy giáo dạy văn đọc cho cả lớp nghe thơ La thì cả bọn đã ngẩn ngơ, xao xuyến.
– Tất cả là vì một con nhỏ.
– Con nhỏ nào?
– Từng làm mình say đắm, nhưng nay lại cùng lão cán bộ lớn hơn nàng những mười tuổi chờ ngày đăng kí kết hôn, bây giờ cả ngày ở nhà đan áo len cho chồng tương lai, tập thơ tình này mới đòi lại, chán lắm, chẳng còn muốn viết lách gì nữa.
Anh muốn tránh đề tài con gái và câu chuyện thất tình của La, nên chuyển sang văn chương và thao thao bất tuyệt, nào thời đại mới, cuộc sống mới vì vậy phải có văn học mới. Mặc dầu không hiểu cuộc sống mới, văn học mới là như thế nào, nhưng anh hình dung chắc chẳng giống với các bài dân ca mới “Đại nhảy vọt” hay những tác phẩm người tốt việc tốt đăng trên báo chí, tập san. Anh nhắc đến tiểu thuyết Liên Xô và khá nhiều các tác gia tên tuổi của nền văn học Xô Viết, nhưng lúc ấy chưa hề biết Stalin đã ra lệnh hành quyết họ. La lắng nghe và lắc đầu:
– Cái văn học, văn chương mà cậu nói nó xa vời quá, mình chẳng biết nó ở đâu. Với mình bây giờ ban ngày bán rau, bán đậu phụ, tối đến chờ xã viên dọn hàng quán xong, thu tiền, ghi sổ. Thỉnh thoảng cũng xem sách, nhưng là chuyện tào lao trên trời dưới biển, tiêu khiển, giải sầu, và cũng chẳng biết cuộc sống mới đang ở tận nơi nào. Tất cả những nhiệt tình, say mê, điên cuồng của cái thời học sinh đều đã tan biến cả, chi bằng tìm đứa con gái nào đó nghịch chơi.
Anh thực sự xúc động và cám cảnh cho La, nhưng lại ngây thơ thổ lộ rằng mình chưa hề gặp gái bao giờ. Và đến lượt La thật sự kinh ngạc:
– Ôi con mọt sách của mình, nhưng yên chí, tớ sẽ gọi Tiểu Ngũ Tử sang đây chơi, sơ sơ một tí vẫn bảo đảm vô sự.
Tiểu Ngũ Tử mà La nói là một cô gái rất thoải mái, thác loạn và có vẻ La đã xem thường, đùa cợt nhiều lần.
– Con nhỏ biết gảy ghi ta và hát rất ngọt, chứ không như mấy cô sinh viên của cậu, chỉ được mỗi cái trò giả bộ làm duyên.
Anh rất muốn gặp Tiểu Ngũ Tử xem sao. Trong lúc La thân hành đi tìm cô gái, anh ngồi chờ và đọc thơ La, nhiều bài vô cùng xúc động, còn vượt cả Nữ thần của Quách Mạt Nhược năm xưa, quả xứng danh là nhân tài thi ca, nhưng tiếc một nỗi là khó có thể xuất bản. La về, anh cảm kích, cầm tập thơ và nói:
– Đây mới thật là thơ!
– Có gì đâu, viết cho mình thôi mà.
Tiểu Ngũ Tử đi đôi guốc mộc, hàng mi đen, dày, áo hoa tay trần và bộ ngực nở nang. Mới mười lăm thôi mà đã phát dục đẫy đà, gợi cảm. Cô gái đứng tựa cửa ngó vào, chưa chịu tiến bước.
– Cũng làm thơ như anh đấy. – La giới thiệu anh với cô gái. Thực tình thì La chưa đề đọc thơ anh, nhưng cách giới thiệu như vậy là tốt nhất, cứ cho Tiểu Ngũ Tử đã nghe những câu thơ tuyệt diễm của La và vì thế “nhà thơ”, “làm thơ” là ý tại ngôn ngoại, tuy không nói ra mà thiên hạ đều rõ. Cô gái nhoẻn miệng cười, đôi môi hé mở, anh chưa từng thấy người con gái nào tươi tỉnh như vậy. Anh gấp tập thơ và nói với La điều gì đó. Luống cuống thẹn thùng chính là anh, chứ không phải Tiểu Ngũ Tử.
La lấy cây ghi ta cũ kĩ treo sau cửa và bảo Tiểu Ngũ Tử:
– Hát cho các anh nghe một bài đi em!
– Hát bài gì nào?
– Tùy em, hay bài “Cây sơn tra” vậy.
Đây là một khúc dân ca Nga mà thanh niên học sinh thời ấy rất ưa chuộng, về sau nó bị thay thế bằng nhiều sáng tác ca ngợi lãnh tụ và xã hội mới. Tiểu Ngũ Tử cúi đầu so dây, bật lên những âm thanh du dương, buồn buồn, mắt cô bé có vẻ say sưa lạ thường, nhưng anh không nghe rõ gì cả. Đoạn cô ngẩng đầu nhìn hai người thảng thốt và ngừng tay.
– Em không muốn hát nữa!
– Không muốn hát thì thôi – La nói – nhưng tối nay phải cùng hai anh đi xem phim nghe chưa.
Tiểu Ngũ Tử cười, trả đàn, không trả lời rằng có đi hay không, chỉ nhìn anh từ đầu đến chân rồi ra về và quay lại nói vọng “người ta còn có công chuyện”.
– Công chuyện cái con khỉ, đừng nghe nó nói xạo – La quay sang anh. – Cậu không biết tán gái hay sao, không muốn hẹn hò với Tiểu Ngũ Tử ư?
Anh im lặng không phản ứng gì cả. La nói, đằng nào thì tiền đồ cũng mù mịt, bọn mình chỉ còn biết kiếm cái ăn và đi chơi, gảy đàn ca hát, nam nam nữ nữ bên nhau, có khi nửa đêm còn ra hồ bơi lội, chèo thuyền hái trộm gương sen, Tiểu Ngũ Tử không vắng buổi nào, giữa lúc tối trời hay ngâm mình trong nước có sờ sờ mó mó, con bé chẳng nói gì, nó thật biết điều. Nghe La rỉ rả, anh cảm thấy hình như La đã yêu cô gái, nhưng La bảo anh ta có tình nhân lâu rồi, quen nhau từ nhỏ, hiện nay đang công tác ở đoàn ca múa quân khu, không thể đăng kí kết hôn với một chàng bán rau họ La này, oái oăm là cô nữ văn công quân đội kia lại mang bầu. Đó là chuyện của mùa đông năm ngoái, đến bệnh viện phá thai phải có giấy đăng kí kết hôn và thẻ công tác, La đào đâu ra hai thứ đó, vả lại cô ta là quân nhân, lấy chồng mà không được tổ chức và cấp chỉ huy phê chuẩn thì hình phạt khai trừ, giải ngũ là còn nhẹ, bát cơm đang bưng trên tay, đồng lương đang nhận hàng tháng bỗng tuột mất, tội này cả một đời anh cũng không chuộc nổi. Lại nói, cái hợp tác xã bán rau của La và xe đậu phụ mỗi ngày kiếm dăm ba hào thì làm sao mà có thể nuôi sống mẹ con họ. Đang lúc túng quẫn, đường cùng như vậy La bỗng nhớ tới người cậu làm bác sĩ ở một bệnh viện huyện xa và nhờ nhất thế thì thân nên tình nhân của La được đưa lên bàn mổ.
– Sáng chủ nhật – La kể – mình đưa cô ta đi phá thai và trước mười giờ đêm hôm đó phải có mặt ở doanh trại để điểm danh. Thật là một ngày vô cùng gian nan, chuyển mấy lần xe, trời mưa tầm tã, trên đường chẳng có ma nào, cô ta nói máu vẫn còn chảy, hai đứa chỉ biết ôm nhau khóc, rồi chia tay; Cậu bảo có thể viết thành thơ, thành sách hay không, và cuộc sống mới mà cậu nói thì ở tận nơi nào?
La bảo đã hết cách với đời. Chơi gái là chuyện của hai năm làm ngư phủ. Đàn ông trên đảo thì ra khơi đánh cá, ngày nào về khó mà định trước; trong khi đó đàn bà con gái ở nhà không kém phần thác loạn, may mà họ không làm thịt anh ta. La lắc đầu, nhưng chẳng có gì hứng thú, lãng mạn, bất quá chỉ là giải quyết chuyện âm dương; thà bán rau, làm thơ mà lại có ý nghĩa.
– Nhưng tại sao cậu phải tìm ra đảo?
– Đã nói là hết cách, không còn đường sống, chẳng phải mình cũng như cậu đều muốn đến giảng đường đại học, làm một cái gì đó với văn chương, nhưng kết quả cậu không thấy sao, vì lí do gì mà mình đã bị đánh trượt?
– Cậu là học sinh giỏi cả năm, là nhà thơ của lớp, của trường, nào ngờ ra nông nỗi…
– Đ… mẹ – La điên tiết – cũng vì thơ, thơ, thơ. Cậu còn nhớ năm chúng ta thi đại học là đêm trước của phát triển chống hữu khuynh, khắp nơi kêu gọi “trăm hoa đua nở, trăm nhà tranh tiếng”. Một tạp chí trên tỉnh tổ chức tọa đàm những cây bút trẻ, mời các bạn hãy nói cho thoải mái. Mình thuộc loại nhà thơ còn ngồi trên ghế nhà trường, cũng được tham dự và hăng máu phát biểu vài câu, có lẽ hơi phạm thượng, bị ghi vào sổ đen, chuyển cho nhà trường. Thầy giáo chủ nhiệm gọi mình lên thẩm vấn, đối chiếu nội dung những lời đã nói để trắc nghiệm mức độ thành thực. Thành thực hay không chẳng cần biết, chỉ ngầm hiểu rằng, ngữ này mà lên đại học là rất nguy hiểm, hữu khuynh, chống Đảng như chơi. Trong buổi tọa đàm thơ với văn đó, mình nhỏ tuổi nhất, phát biểu cũng ít nhất và có lẽ kết quả vì thế mà nhẹ nhất: đi bán rau!
Anh mua đủ ba vé xem phim, một mình chờ trước cổng vào rạp, mãi tới khi phim đã chiếu Tiểu Ngũ Tử mới vội vàng chạy đến, bảo rằng La đêm nay phải trực chợ rau, không đi được. Anh không rõ có phải đêm nay La cố ý đẩy Tiểu Ngũ Tử sang cho mình hay sao, mà đã bày trò để bây giờ anh nắm tay cô gái vào khán phòng tối om tìm chỗ trống. Màn hình hiện lên những gì anh không hề có ấn tượng, chỉ nhớ là suốt buổi chẳng rời khỏi đôi bàn tay mềm mại của Tiểu Ngũ Tử, và cảm giác nóng bừng đến toát mồ hôi. Anh nghĩ, bọn con trai từng vuốt ve cô bé này, tại sao mình lại không, đây là lần đầu tiên anh chạm vào con gái mà trước đó anh cứ tưởng tượng tình yêu không phải thế này. Hồi đang học cao trung anh phải lòng một nữ sinh lớp dưới và trong đêm liên hoan chúc mừng năm mới, anh đã luôn quấn quýt bên nàng, mãi đến tờ mờ sáng trên đường về anh vẫn không rời nửa bước, mặc kệ bọn bạn của nàng đang cười đùa trêu chọc… Còn đêm nay anh không ngờ lại quá dễ dàng vuốt ve, sờ mó. Ra khỏi rạp chiếu phim, anh cố ý dẫn Tiểu Ngũ Tử vào con hẻm tối, tay vẫn trong tay, cô bé quả biết điều, thấy vậy anh ôm lấy bờ vai, đi liền sát, cô bé lắc đầu, trừng mắt nhìn anh và nói “bọn con trai các anh đều rất hư”.
Anh thanh minh, chỉ muốn hôn một cái, Tiểu Ngũ Tử hỏi vì sao, anh thả cô bé ra và chân thành đáp lại, vì chưa hề biết nụ hôn của con gái là gì. Tiểu Ngũ Tử nói, hãy để em nghĩ xem, anh buông tay cúi đầu và không còn tin vào tai mình khi nghe cô ta nói:
– Hôn em đi!
Anh chạm vào đôi môi mím chặt của nàng. Nàng nhẹ mở và anh hôn một cách cuồng say rồi thò tay lần tìm đôi bầu vú. Nàng cũng mê man:
– Nhẹ thôi, đừng bóp mạnh, em đau…
Trở về Bắc Kinh anh nhận được thư của Tiểu Ngũ Tử, rất gọn, chỉ một dòng: hè sang năm còn về quê nữa không?
Mùa hè tiếp sau, anh không về quê để gặp lại Tiểu Ngũ Tử – người con gái anh chỉ mới hôn, mới sờ mó, chứ không dám ăn trái cấm, chẳng phải anh hèn mà bởi chưa thật yêu. Cuộc đấu tranh của thời kì hậu “Đại nhảy vọt” đã bùng lên thành tai nạn lớn, tất cả sinh viên đều phải đi lao động trong mấy tháng hè, lên núi đào lỗ trồng cây và làm cái chuyện vô duyên “người tốt việc tốt”. Anh luyến tiếc, hối hận sao lại ngu đến thế, lần ấy với Tiểu Ngũ Tử không chịu “nếm mùi” cho biết, để bây giờ dẫu có muốn cũng chỉ trong mơ mà thôi.