Kinh Thánh Của Một Người

Chương 25


Anh ngước nhìn trần nhà dán giấy rách tươm, cả đêm lũ chuột rủ nhau đùa giỡn, cắn xé, làm cho nó càng rách nát thêm, bụi và rác rơi đầy lên chăn chiếu. Chưa bao giờ anh sống một cách vô vị như thế này, chẳng có việc gì đáng làm, không phải dậy sớm đúng giờ đến công sở, cũng chẳng lo tất bật cả ngày theo tạo phản. Không đọc và cũng chẳng viết, những cuốn sách hay thì đều cất giấu vào rương gỗ và thùng giấy cả rồi, anh phải giữ cho đầu óc tỉnh táo, kẻo lại trở về những ngày nằm mơ giữa ban ngày thì khốn. Phòng bên cạnh là của một lão công nhân về hưu, mở máy thu thanh to hết cỡ, đang ra rả vở kịch mẫu cách mạng Hồng đăng ký khiến anh phiền muộn, không yên. Anh bịt tai, trùm chăn, nhắm nghiền mắt, cố tưởng tượng mùi vị trần truồng, nóng bỏng nơi nhục thể của Lâm mà vẫn không ngăn nổi lời ca chính nghĩa cùng giai điệu vút cao phát ra từ máy thu thanh láng giềng chung vách.

Anh định giao du tiêu khiển, nhưng chẳng biết đi đâu, chỉ còn cách ra phố mua mấy tờ báo của tổ chức quần chúng xuất bản, cùng các hồ sơ vạch mặt tố cáo lẫn nhau đem về để vừa nấu cơm, vừa đọc cho vui. Anh có thể nghiên cứu lời lẽ, giọng điệu của các vị thủ trưởng phát biểu khi gặp gỡ quần chúng để tìm ra những ý tứ tiềm ẩn không nói ra, từng hàng từng hàng ngôn từ khẳng khái, nhưng biến đổi không ngừng như kiểu đèn cù; hôm qua còn giải thích chỉ thị mới nhất của ông Mao, biết đâu ngày mai, thậm chí ngày hôm nay âm mưu hãm hại đã rơi xuống đầu mình với tội danh chống Đảng. Cũng như anh, nhiệt tình tạo phản đã nguội dần, nghi ngờ càng lúc càng tăng lên mà không dám tìm cách xác tín. Anh thỉnh thoảng phải viếng qua cơ quan, ngồi một lát ở trụ sở tổng bộ phe tạo phản, hút vài điếu thuốc, tán phét đôi câu, xem kẻ vào người ra, không cần lộ mặt, thính tai nghe tin tức, nhân khi chẳng ai chú ý là chuồn. Anh ngán ngẩm vô cùng với cuộc đấu đá liên miên ở tòa lầu văn phòng cơ quan; nay tổ chức này, mai tổ chức nọ, chẳng rõ ai chính ai tà. Có lẽ náo nhiệt, hấp dẫn nhất là trên đại lộ Tràng An, nơi mỗi ngày anh đều có mặt, ít nhất là một lần để đọc và mua báo. Bên ngoài tường hồng bao quanh Trung Nam Hải lều trại đã dựng lên kín chỗ, chăng ngang một tấm băng đỏ ghi rõ ràng dòng chữ “Trạm liên lạc hỏa tuyến của phái cách mạng giai cấp vô sản thủ đô đấu tranh phê phán Lưu Thiếu Kỳ” và biết bao cờ xí rợp trời do phái tạo phản các trường đại học dựng nên. Hàng năm loa phóng thanh cực mạnh hát ra rả cả ngày, thâu đêm suốt sáng những bài ca chiến đấu, lấy danh nghĩa vừng hồng lãnh tụ tối cao công khai khiển trách chủ tịch nước, cảnh tượng đầy màu sắc kích động như vậy mà anh vẫn thờ ơ. Thờ ơ luôn cả những lời tuyên truyền, quảng cáo giật gân: “Hãy xem hồ sơ mới nhất của con gái Lưu Thiếu Kỳ vạch mặt tố cáo lão già cha mình và lời phát giác của người vợ trước Lưu Thiếu Kỳ, là lão ta đã lợi dụng công quỹ cách mạng phục vụ cá nhân…”

Anh nhận ra Đại Đầu, người bạn thời trung học trong đám người đang vây quanh một quầy bán báo. Anh vỗ nhẹ lên vai Đại Đầu, hai người mừng rỡ vô cùng, đoạn khẽ nói “Về chỗ mình”. Đại Đầu đồng ý và vui vẻ đề xuất “Phải có tý cay và thức nhắm mới rôm rả!”. Quả nhiên sau vài li hàn huyên qua lại, chủ khách đỏ mặt tía tai, và câu chuyện bắt đầu đi vào quỹ đạo. Đại Đầu kể, phong trào vừa phát động thì mình bị lôi cổ ra ngay, người ta tố cáo mình nói xấu, phỉ báng triết học của họ Mao chỉ là hai cuốn tập nhỏ, cũng tại mình lỡ mồm khi tán gẫu ở kí túc xá. Sau đó vì nhiều mục tiêu quan trọng hơn, luận điệu phản động ấy tạm gác sang một bên, người ta quay lại vạch tội mình không viết đại tự báo. Mình nghĩ, cuộc cách mạng này đâu đã đến lượt tôi, nhưng toán học thì cũng không ngó ngàng gì cả, mình chỉ còn cách giả bộ mua báo để xem trộm sách.

– Sách gì? – Anh hỏi.

– Tư trị thông giám, mang từ nhà đến.

Tư trị thông giám, thuật đế vương này lâu nay anh không mấy hứng thú, nhưng chẳng rõ hàm ý của Đại Đầu muốn nói gì khi nở nụ cười nhắc tới tên sách. Đại Đầu lại hỏi:

– Cậu đã xem Chu Nguyên Chương truyện của Ngô Hàm hay chưa?

Đại cách mạng văn hóa bắt đầu từ sự kiện phê phán Ngô Hàm, chuyên gia về lịch sử nhà Minh, phó thị trưởng Bắc Kinh. Trước đó ông đã viết một cuốn sách kể chuyện Minh Thái Tổ từng tru di, giết hại biết bao khai quốc công thần. Cách mạng mới bùng nổ không được mấy ngày thì Ngô Hàm tự sát, nêu một tiền lệ mà về sau rất nhiều người nối bước theo ông. Nhắc đến Ngô Hàm, nói tới Minh sử là anh hiểu ngay dụng ý của người bạn Đại Đầu, và đối với những gì nghi vấn trong anh thì đây có thể xem là một sự xác tín. Anh gõ nhẹ lên bàn “mày quỷ thật!”, mắt Đại Đầu sáng lên sau cặp kính cận, có thể như đang cười, cậu ta đã trưởng thành chứ không còn là con mọt sách thuở xưa.

– Mình có đọc qua, hồi trước cứ tưởng là sách lịch cũ, ai ngờ… đúng là đã đi vòng vèo. Anh thử thăm dò Đại Đầu.

– Vật bay của người Indian!

– Và cũng là một phép biện chứng?

– Nhưng chẳng rõ càng cao hay càng thấp…

Anh và Đại Đầu chỉ có thể dùng ẩn ngữ như vậy, nào dám nói rõ ràng những đề tài to lớn, thuật thống trị đế vương cộng với hình thái ý thức, hoặc giả quyền thuật chính trị được trang điểm bằng hình thái ý thức, hoặc giả lịch sử và hình thái ý thức cái nào lớn hơn… Đại Đầu không cười nữa, máy thu thanh nhà bên phát tiếp vở kịch mới do Mao phu nhân vừa chỉ đạo dàn dựng Hồng sắc nương tử quân với ca từ “Tiến lên, tiến lên, nhiệm vụ cách mạng nặng, phụ nữ hận thù sâu!”, khiến anh nghĩ đến một sự kiện là người đàn bà này bấy lâu nay luôn bị các nguyên lão, công thần của Đảng hạn chế không cho tham chính thì giờ đây đang dần dần thực hiện ý chí của mình.

– Phòng cậu không có cách âm?

– Máy thu thanh bên ấy mở to quá, nếu vừa đủ nghe thì chẳng cần cách âm!

– Phòng cậu không có máy thu thanh?

– Có, nhưng của người cùng phòng là lão Đàm, và đã bị tịch thu hôm soát nhà, còn lão thì đang cách li trên cơ quan để lấy khẩu cung, viết kiểm thảo.

– Thế có bàn cờ tướng?

– Có, cũng của lão Đàm.

– Không bị tịch thu chứ?

– Không.

– Vậy ta chơi vài ván cho đỡ buồn!

Anh đi trước và hỏi Đại Đầu:

– Sao cậu lại nghĩ đến cuốn sách đó?

– Lúc báo chí bắt đầu phê phán Ngô Hàm, ba mình gọi mình về và bảo, ông cụ xin nghỉ hưu…

Đại Đầu đẩy quân cờ ứng chiến và khẽ nói. Cha anh ta là giáo sư sử học, còn thêm cái mác nhân sĩ dân chủ.

– Cậu có sách của Ngô Hàm không, cho mình mượn xem?

– Để ở nhà, ông cụ bắt mình đọc, nhưng đốt lâu rồi, thời buổi này ai dám cất giấu loại sách đó mà mang họa vào thân à. Nếu cậu cần cuốn Thông giám thì mình sẽ đem đến, bản gốc đời Minh, là của gia bảo đó nghe. Sách này ông Mao từng yêu cầu cán bộ cao cấp phải nghiên cứu, nếu không thì bây giờ cũng chẳng còn… – Đại Đầu nói rất nhỏ chữ “Mao”, rồi đi tiếp nước nữa.

– Ba cậu thật tỉnh táo – anh buột miệng và chẳng rõ là tán dương ông cụ cha Đại Đầu hay than cho thân phụ của mình, đến nay vẫn cứ mơ mơ hồ hồ.

– Nhưng đã muộn, người ta không cho ba mình nghỉ hưu, cộng thêm vấn đề lí lịch trước đây, ông cụ đã bị lôi ra đấu tố. Đại Đầu hạ mục kỉnh, quan sát bàn cờ và sừng sộ – cậu đánh đấm cái kiểu gì thế này?

– Vậy thì đừng chơi nữa! – Anh xóa hết tàn quân.

Hai bên thô lỗ, lớn tiếng chưa được vài giây đồng hồ, thì bỗng phá lên cười, và bốn mắt nhìn nhau cùng rơi lệ. Các anh phải chú ý, cuộc trao đổi đêm nay mà lọt ra ngoài là chỉ có chết, nỗi sợ hãi ẩn giấu trong lòng mọi người, không dám nói ra, không dám phá vỡ. Đợi cho trời tối hẳn, giả bộ đi đổ rác, anh canh phòng để Đại Đầu lẻn người rời khỏi phòng kịp về khu tập thể báo danh cuối ngày. Mặc dù được cha mình quan tâm, nhưng Đại Đầu vẫn không tránh khỏi thẩm tra giám sát, và do không giữ mồm giữ miệng, mỗi lần nói ra cứ đòi thiên hạ phải chính xác như toán học, nên bị đẩy đi lao động cải tạo, chăn bò đúng tám năm.

Sau đó anh và Đại Đầu xa nhau, bởi cả hai cùng sợ, nếu chụm lại là chắc chắn sẽ nói bậy như lần ấy, cho nên phải tới mười bốn năm sau mới gặp lại. Cha Đại Đầu qua đời, nhờ một người chú sống ở Mỹ giúp đỡ anh ta được đi tu nghiệp bên đó. Trước khi lên đường Đại Đầu đến chia tay và nhắc lại, rằng lần ấy mượn rượu thay lời và nhờ đó mà mở được cửa mê lộ, hiểu được thế nào là “Văn cách”. “Nếu lần ấy bị bại lộ thì mình đã không phải đi chăn bò tám năm, nhưng chẳng rõ cái đầu này có còn giữ được hay không”. – Đại Đầu cảm thán, bắt chặt tay anh.

Mười bốn năm trước, lần ấy, Đại Đầu ra đi, anh vẫn mở cửa phòng cho mùi rượu tỏa sạch, niềm hưng phấn cùng với nỗi sợ hãi nguội dần, nằm ngửa nhìn trần nhà dán giấy rách tươm, anh tưởng tượng cả một tổ kiến đang chuyển động rối tung và cái trần kia sẽ sụp xuống bất cứ lúc nào, khiến toàn thân anh tê dại.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận