Kinh Thánh Của Một Người

Chương 6


Người đàn ông nọ, hình như anh không quen, có nhã ý mời anh đi ăn cơm trưa, cô thư kí của ông ta phôn tới: “Chủ tịch của chúng tôi đúng giờ hẹn sẽ thân hành đến đón ông tại đại sảnh khách sạn”.

Quả nhiên anh vừa có mặt ở đại sảnh thì một người đàn ông ăn vận lịch sự, trau chuốt liền bước tới nghênh đón. Người này mập mạp, vai rộng, trán cao, cái hàm hơi bạnh, hai tay cung kính trao danh thiếp: “Xin chào, xin chào”, đối phương cất tiếng chào hỏi, và nói rằng đã xem kịch của anh, hôm nay mạo muội làm quen, dám quấy rầy thời gian quý báu của anh, mời anh cùng đi ăn bữa cơm trưa đạm bạc.

Anh bước lên xe, ông chủ tịch tự lái và hỏi anh thích ăn ở nơi nào.

– Nơi nào cũng được, vì Hương cảng là thiên đường của ẩm thực mà.

– Nhưng không giống như Paris, thủ đô của mĩ nữ – Chủ tịch Chu, họ ông ta, vừa lái xe, vừa tán chuyện.

– Cũng không hẳn thế, vì dưới tàu điện ngầm vẫn có những gã lưu manh – anh đáp lại và bắt đầu tin người đàn ông họ Chu này đúng là một ông chủ.

Xe vòng qua vịnh biển rồi chui xuống đường hầm Cửu Long khá dài và nằm sâu dưới đáy đại dương, Chu chủ tịch bảo:

– Chúng ta sẽ tới câu lạc bộ “Mã hội”, nơi ấy buổi trưa tương đối yên tĩnh, dễ nói chuyện, những lúc không đua ngựa, các hội viên của Mã hội thường đến đấy dùng bữa.

Anh cảm thấy bắt đầu hứng thú vì giữa Hương cảng phồn hoa đô hội thế này mà lại có kẻ giàu sang thích xem kịch của anh. Hai người vào bàn, Chu chọn ít món thanh đạm và tự nhiên trầm tĩnh, không nói đùa mĩ nữ hay người đẹp gì nữa. Cả một phòng rộng mênh mông nhưng chỉ đặt dăm ba cái bàn, còn nhân viên phục vụ thì đứng chờ tít ngoài cửa, không lăng xăng quấn quýt thực khách như những nơi khác. Chu vui vẻ mở đầu:

– Chẳng giấu gì soạn giả, tôi vượt biên từ Đại lục sang đây, hồi Cách mạng văn hóa, lúc ấy đang hoạt động tại một nông trường khai hoang của quân đội ở Quảng Đông, đã tốt nghiệp cao trung, ít nhiều cũng có “đầu óc”, không thể bỏ phí cuộc đời như thế.

– Nhưng trốn qua đây, kể cũng rất nguy hiểm.

– Tất nhiên, khi đó cha mẹ tôi đều bị giam cầm, nhà bị lục soát niêm phong, gia đình bị xếp vào “bọn chó đen”, một trong năm thành phần xấu nhất, “hắc” nhất trong xã hội.

– Có gặp phải cá mập không?

– Cá mập thì có gì là đáng sợ, nếu gặp thì chiến đấu một phen, may nhờ rủi chịu. Sợ nhất là người, những người tuần tra trên biển, họ quét đèn chiến hạm chiếu khắp mọi nơi, hễ phát hiện có ai vượt biên là nổ súng.

– Ông làm thế nào mà bơi lọt?

– Tôi chuẩn bị hai ruột cao su quả bóng rổ.

– Đúng, hồi nhỏ tập bơi, chúng tôi đã phải đeo phao cứu sinh, nhưng rất hiếm ruột cao su như ông nói.

– Nếu thấy đằng xa có thuyền thì lập tức xả hết hơi, rồi lặn xuống dưới nước mà trốn, tôi đã bỏ cả một mùa hè để luyện tập và chuẩn bị thêm ống hút hơi. – Chu cười mà không, ra cười, khiến anh cảm thấy có cái gì đó rất thê lương, không còn giống một ông chủ giàu sang nữa.

– Hương Cảng là nơi dễ trà trộn – Chu tiếp lời – cho tới hôm nay chưa có ai biết lai lịch của tôi, tôi đã thay tên đổi họ, giờ thì thiên hạ chỉ biết một người họ Chu nào đó, chủ tịch hội đồng quản trị công ty – góc miệng của Chu tỏ ra vài phần đắc ý, và trở về với phong độ ông chủ – Tôi rất thích vở kịch của ông, nhưng dân gốc Hương Cảng không phải ai cũng hiểu.

– Đợi cho họ hiểu thì đã quá muộn – anh trả lời và hỏi lại – ông Chu thích xem kịch à?

– Tôi rất ít xem kịch, chỉ vũ ba lê, âm nhạc, mỗi lần có dàn giao hưởng hay ca sĩ nổi tiếng từ châu Âu sang biểu diễn tôi đều đặt vé trước. Đây là lần đầu tiên xem loại kịch này của ông.

– Sao ông Chu lại nảy ra ý thích xem kịch?

– Một người bạn điện thoại giới thiệu cho tôi.

– Thế là vẫn có người hiểu đấy chứ?

– Cũng từ Đại lục sang.

Anh nói, vở kịch đó viết từ hồi anh còn ở Đại lục, nhưng đều công diễn tại hải ngoại, những vở sau này không liên quan gì với Đại lục nữa. Chu bảo, ông ta cũng vậy, vợ con đều là dân bản địa, Hương cảng cả, ông đến đây gần ba mươi năm rồi, có thể xem là người Hương Cảng, bây giờ quan hệ với Đại lục chỉ trên lĩnh vực nghiệp vụ, nhưng làm ăn ngày một khó, đã định rút về một khoản tiền vốn.

– Ông Chu sẽ đầu tư vào đâu?

– Úc châu. Sau khi xem vở kịch của ông tôi lại càng kiên định chủ ý của mình.

– Úc châu không bài Hoa và nếu mọi người Hương Cảng đều đổ dồn sang bên ấy?

– Đó là vấn đề tôi muốn thảo luận với soạn giả.

– Tôi không hiểu Úc châu, tôi sống ở Paris.

– Thế thì nước Pháp, theo ông?

– Ở đâu mà chẳng có chủ nghĩa dân tộc và nước Pháp cũng không ngoại lệ…

– Người Hoa ở phương Tây chắc khó sống.

Anh có vẻ xúc động, đoạn nói, ông Chu trưởng thành nơi đây, xem ra làm ăn ở Hương cảng cũng có thể tiếp tục, tuy vậy vẫn nên chuẩn bị cho mình hậu lộ, cửa sau. Chủ tịch Chu lấy làm vinh hạnh được cùng anh ăn cơm, đàm đạo, ông bảo anh “văn như kì nhân”, thật là chân thành. Anh đáp, ai cũng sống với cái mặt nạ, khó mà cởi bỏ nó ra. Chu lắc đầu, không, anh là người bạn tốt, ông tỏ ra từng trải, như hiểu hết nhân tình thế thái.

Ba giờ chiều, anh phải chia tay với Chu vì có cuộc hẹn gặp kí giả, đó là một cô gái đeo kính.

– Thưa ông, tôi rất ít khi mang kính, nhưng mới lần đầu cảm thấy ảnh ông đăng trên báo, nên muốn nhìn cho rõ, ông có thể cho sử dụng máy ghi âm?

– Tùy cô.

– Tôi muốn chính xác, thưa ông, tuy vậy cũng không ít phóng viên Hương cảng tự ý soạn thảo, đã làm cho nhiều nhà văn Đại lục phật lòng, thậm chí yêu cầu cải chính. Tôi hiểu hoàn cảnh của họ, nhưng với ông chắc khác, ông cũng sinh ra ở Đại lục, có điều…

-… Không có lãnh đạo – anh cười.

Cô phóng viên bảo, tổng biên tập của cô ta còn khá, không hề sửa bản thảo, viết sao đăng vậy, nghĩa là không bị hạn chế. Nhưng sau ‘97, lại chủ đề ‘97, nếu quả tình khó sống, thì cô sẽ đi.

– Tôi có thể được phép hỏi, tiểu thư định sẽ đến nơi nào?

Cô có hộ chiếu Hương Cảng của Anh quốc, không thể sang đó định cư, vả lại cô cũng chẳng thích nước Anh, vì vậy cô định đi Mỹ, nhưng rất thích Tây Ban Nha.

– Vì sao là Tây Ban Nha, mà không là Mỹ?

Vì nơi ấy có người bạn trai, họ gặp nhau trong một lần du lịch, nhưng nay đã chia tay rồi. Bạn trai cô bây giờ là người Hương cảng, một kiến trúc sư, anh ta muốn ở lại.

– Hải ngoại khó tìm việc làm – cô nói – và tất nhiên nơi có cảm tình nhất vẫn là Hương cảng.

Cô kể tiếp, đã đi nhiều nước, du lịch thăm thú thì tốt, nhưng sinh sống lâu dài e khó. Còn Hương cảng không như vậy, cô và cha mẹ cô đều sinh ra ở đây, hoàn toàn là người Hương cảng, bản thân cô đang chuyên tâm nghiên cứu quá trình biến thiên lịch sử, nhân văn, phong tục tập quán của Hương Cảng và chuẩn bị viết một cuốn sách.

– Luận án tiến sĩ?

– Cũng định thế, vừa học vừa tìm việc làm thích hợp.

– Còn người bạn trai của cô?

– Có thể là chúng tôi kết hôn xong rồi mới đi, hoặc giả, tôi cũng không biết nên như thế nào mới phải…

Đôi mắt cô gái quả là không cận thị, nhưng xem ra thì vô cùng ngơ ngác, đoạn nữ kí giả định thần và nói:

– Ông đã hỏi tôi quá nhiều rồi và bây giờ đến lượt tôi – cô ta mở máy ghi âm – xin bắt đầu, thưa ông…

Anh vội vã trở về khách sạn, nơi ấy cô gái Đức – Magritte đợi anh bữa tối và sau đó là những giờ phút ái ân còn lại ở đây, Hương cảng…

_________________


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận