Anh khóa trái cửa, kéo rèm nhìn ra ngoài sân, đèn láng giềng đều tắt cả, đoạn cẩn thận nhóm lò đốt chồng bản thảo, sổ tay và các cuốn nhật kí, gom góp từ ngày vào đại học đến nay cũng tới mấy chục tập. Bụng lò nhỏ, phải xé từng tờ mà đốt, đợi cho ngả màu tro trắng mới xúc đổ vào thùng nước, quấy thành bùn, không để bay ra ngoài một chút tàn nào hết. Một tấm ảnh chụp chung với cha mẹ hồi anh còn bé từ trong cuốn nhật kí nào đó rơi ra, cha anh vận đồ Tây thắt cà vạt, mẹ anh trường bào vải nhung thời thượng. Nước ảnh đã nhạt màu nhưng vẫn nhìn rõ nụ cười hiền từ của cha và vẻ yêu kiều của mẹ, do dự mãi anh mới đẩy nó vào bụng lò, mép răng cưa bén lửa, rồi cả cha lẫn mẹ cuộn tròn, anh định lấy ra, nhưng không kịp, tất cả đã nhanh chóng biến thành tro xám.
Căn cứ y phục mà ông bà mặc, thì rõ ràng nhà anh là tư sản hoặc mại bản, ngân hàng ngoại quốc, vì vậy cái gì cần đốt thì anh đã thiêu hủy, đã cắt đứt với mọi quá khứ, xóa mờ kí ức và không dám nhớ nhung gì nữa, nhược bằng sẽ là gánh nặng vô cùng. Trước cái đêm đốt bản thảo, sổ tay, nhật kí, anh tận mắt thấy bọn hồng vệ binh đánh chết một bà già giữa ban ngày ngay trên sân bóng, toàn là những học sinh trung học mười lăm mười sáu tuổi, tay đeo băng đỏ chữ đen, chúng bảo bà ta là “mụ địa chủ phản động”. Hành quyết xong, tên cầm đầu cưỡi xe đạp Vĩnh Cửu, mồm hò la “Khủng bố đỏ muôn năm”. Anh bị hồng vệ binh kiểm tra lúc từ bảo tàng Điếu Ngư Đài đi ra.
– Xuống xe! – Anh bóp phanh và tí nữa thì ngã quỵ.
– Xuất thân?
– Viên chức.
– Làm việc gì?
Anh nói tên cơ quan.
– Có thẻ công tác hay không?
May sao anh mang theo và xuất trình.
– Đêm hôm thế này không ở nhà còn chạy lăng nhăng ngoài đường làm gì, về ngay!
Cứ như vậy mấy ngày liền từ nửa đêm cho tới rạng sáng anh mới đốt đến cuốn nhật kí cuối cùng. Anh nhớ rõ trong những tấm ảnh úa vàng chưa bị thiêu cháy có hình cha anh cùng bạn hữu chụp chung ở Đoàn kịch kháng chiến cứu nước thuộc Hội thanh niên Cơ đốc giáo, sau khi biểu diễn họ được quân đội Quốc dân đảng cảm ơn và biếu tặng mỗi người một bộ quân phục. Cha anh ăn vận trông như sĩ quan, trên mũ còn có huy hiệu của đảng này. Tấm ảnh đó mà rơi vào tay cách mạng, hồng vệ binh thì nhất định có vấn đề, dẫu là cha mẹ anh đều đã qua đời. Anh không biết trước đây cha anh có xử lí hình ảnh đó hay chưa, cũng không tiện biên thư nhắc cha, nên bây giờ lo lắng như ngàn cân treo sợi tóc.
Xếp giữa chồng bản thảo cho vào lò là một thiên tiểu thuyết, anh từng nhờ nhà văn nổi tiếng nọ đọc duyệt, những mong ông giới thiệu xuất bản, hay ít nhất là vài lời nhận xét khẳng định, ai ngờ cụ ta không động đậy, chẳng có lấy một câu khích lệ đám hậu sinh, nhà văn già sa sầm mặt lại, giọng nói nghiêm trang và có ý cảnh cáo anh rằng: “Văn tự ra khỏi tay là phải đắn đo suy nghĩ, đừng tùy tiện nộp cho nhà xuất bản, anh không hiểu rủi ro của chữ nghĩa hay sao?”
Anh chưa có thể hiểu ngay lời ông cụ, mãi tới tháng Sáu đầu mùa hè, khi Văn cách vừa phát động, một buổi hoàng hôn, anh đến với lão tác gia để dò la tin tức. Anh chưa lọt hết người qua khung cửa, nhà ván già đã vội khép kín, nhìn anh và hỏi nhỏ: “Có ai trông thấy anh vào đây không?”, anh trả lời: “Ngoài sân chung cư chẳng có một ai”. Lão tác gia thường dạy dỗ lớp nhà văn trẻ, tuy không giống như cán bộ hễ mở miệng là nhà nước thế này, đảng thế kia, nhưng ít nhiều cũng là một danh nhân có quá trình cách mạng, nên nói ra rất là khí phách, có trước có sau, chứ không chút hàm hồ. Hôm ấy lão tự nhiên nghẹn lại, khó khăn lắm mới thốt nên lời: “Tôi đã là phần tử đen, lần sau đừng đến đây tìm tôi nữa. Anh còn trẻ, chớ chuốc lấy phiền hà, chắc anh chưa kinh qua đấu tranh trong nội bộ Đảng”. Cụ già không cho anh nói hết lời thăm hỏi, căng thẳng vô cùng, hé mở khe cửa, nói vọng ra: “Đợi xong đợt này, rồi hãy… anh không biết chỉnh phong Diên An à?”
– Chỉnh phong Diên An là sao?
– Sau này tôi sẽ nói, đi nhanh lên, nhanh, nhanh…
Thời gian trước sau chưa tới một phút. Một phút trước đó, anh còn cho rằng cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng là ở tít tận chân trời góc biển, đâu đã đến nỗi hiện diện nhãn tiền. Mười năm sau anh nghe tin nhà văn già ấy vừa được phóng thích từ một nhà lao, anh đến thăm cụ, người gầy chỉ còn da bọc xương, cụt một chân, ngồi trên xe lăn và tay ôm con mèo. Lão tác gia như cười như khóc, lộ mấy chiếc răng sót lại bơ vơ, lão chẳng hề nói một câu rằng mười năm trong ngục thất đã sống ra sao. Cho tới lúc lâm chung trong bệnh viện mới thổ lộ lời chân thực, một nỗi tiếc nuối vô cùng, biết thế này thì khi ấy đã không… và lão ra đi.
Từ nhà cụ già trở về, anh nghĩ ngay đến chồng bản thảo, mặc dầu không liên can gì tới Đảng, vì anh không phải là đảng viên, nhưng thế nào cũng mang họa. Anh chưa định đốt, còn tiếc lắm, nên gói một bọc to nhờ bạn cất giấu giùm. Bạn anh tên là Đại Lỗ, quen nhau khi cùng nằm viện, dáng cao to, người Bắc Kinh, dạy môn địa lí ở một trường trung học, đang yêu và nhờ anh khởi thảo những bức thư tình. Sau đó họ lấy nhau và biết chuyện, nhưng gạo đã nấu thành cơm, nên mọi người đều vui vẻ và quý mến anh. Vợ chồng Đại Lỗ sống chung với cha mẹ trong một tứ hợp viện cỡ nhỏ, cất giấu bao sách vở kia không phải là chuyện khó.
Tháng Tám, trọng hạ, nắng nóng vô cùng, hồng vệ binh phát triển thịnh vượng, khí trời vì thế mà càng bức bối, khó thở. Vợ Đại Lỗ bỗng điện thoại đến phòng làm việc của anh hẹn trưa nay gặp nhau trước cửa hàng bán sữa, anh những tưởng vợ chồng họ có điều gì xích mích, nên đúng giờ vội đạp xe tới đó. Biển hiệu cũ của cửa hàng đã bị hạ xuống, thay vì tấm gỗ viết dòng chữ “Phục vụ công nông binh” và trên tường trước mặt thực khách là câu khẩu hiệu, nền đỏ, chữ đen “Lũ chó đẻ giai cấp tư sản cút đi!”. Vợ Đại Lỗ nói nhỏ với anh, Đại Lỗ đã bị hồng vệ binh trong trường dọa dẫm, gọt trọc đầu. Chúng nó bảo, cha mẹ Đại Lỗ có nhà riêng là thuộc giai cấp tư sản, sẽ khám xét nay mai, vì vậy anh phải nhanh chóng đến lấy bọc gì đó mà cô ta đang giấu ở kho than trong bếp.
Và Lâm, chính Lâm đã cứu anh.
Lâm lượn đi lượn lại mấy vòng ngoài hành lang mới nháy mắt gọi anh ra chỗ vắng nói nhỏ, hãy mau về phòng ở chuẩn bị là vừa, hồng vệ binh cơ quan sắp sửa xuất quân, sẽ lục soát chỗ anh và người cùng phòng là lão Đàm. Anh vội vàng xuống cầu thang, phóng xe về nhà, đẩy toàn bộ đồ đạc của mình xuống gầm giường, rồi mở ngăn kéo bàn lão Đàm, thấy một tấm ảnh chụp hồi trước giải phóng, lão Đàm vận đồng phục sinh viên, nhưng trên mũ là huy hiệu ngôi sao trắng mười hai cánh của Quốc dân đảng. Anh vò tấm ảnh thành cục giấy và vứt xuống hầm cầu nhà xí, định quay lại công sở thì xe con của cơ quan cũng vừa tới.
Bốn hồng vệ binh bước vào, Lâm là một trong bọn họ. Lâm biết anh sáng tác văn học, nhưng chưa hề đọc bản thảo của anh, tuy vậy vẫn rất yêu anh, và không cần để ý là anh đang viết gì. Điều Lâm sợ không phải là những tập bản thảo mà chính là các tấm hình mà anh chụp cho Lâm, tất nhiên chưa đến nỗi khỏa thân, nhưng rất bắt mắt, chụp trong lâm viên Tây Giao thơ mộng, chỉ cần một tấm thôi là đủ kết luận anh chị đã vượt quá quan hệ đồng nghiệp, quan hệ đồng chí cạch mạng. Lâm là con gái một vị thứ trưởng, đã có chồng là quân nhân, cũng xuất thân từ gia đình cách mạng, hiện công tác tại viện nghiên cứu hỏa tiễn hay vũ khí mới gì đó. Anh không quan tâm đến cơ mật quốc phòng, chỉ say mê người đẹp này thôi vì Lâm còn chủ động và rực lửa hơn anh rất nhiều.
Lâm giả vờ thoải mái hét to:
– Phòng của anh sao nhỏ thế này, không có lấy một chỗ cho hồng vệ binh chúng tôi đặt đít!
Lâm biết hôm nay không có lão Đàm ở nhà nên mặc cái váy liền áo, cổ hở khá thấp, chỉ cần mở khóa kéo phía sau là lộ rõ hai bầu vú căng căng, hoàn toàn khác với các hồng vệ binh nai nịt quân phục, lại còn cắt tóc ngắn như thời vạn lí trường chinh.
– Kiếm cốc trà chứ anh, khát đến chết đây này.
Lâm cố ý mở cửa, nói to để dân chúng xung quanh biết hồng vệ binh đến lục soát, cũng khá ồn ào, náo nhiệt, nhưng không phải vì anh. Anh vội pha trà mời hồng vệ binh. Họ nói không cần, làm như vậy sẽ mất trang nghiêm, hồng vệ binh đang làm nhiệm vụ cách mạng chứ đâu phải đi chơi mà trà với rượu. Ngày thường tất cả đều biết nhau, chưa đeo băng đỏ trên ống tay áo thì ai cũng như ai, đều bình đẳng cả, chẳng rõ thành phần xuất thân hay giai cấp từ đâu. Trưởng toán hồng vệ binh lục soát hôm nay là một đồng nghiệp, vẫn hay chơi bóng bàn với anh, khá quen thân, có tên gọi Đại Niên, con chính ủy sư đoàn cho nên đội cái mũ bạc màu của cha, càng chứng tỏ huyết thống cách mạng. Khi hồng vệ binh mới thành lập, anh cũng được mời dự hội nghị cùng những thanh niên không xuất thân từ thành phần “năm loại đỏ”, nghĩa là đen trăm phần trăm. Đại Niên đã phát biểu với anh và đám thanh niên không đủ tư cách, rằng “Các bạn hôm nay về dự hội nghị hồng vệ binh cùng chúng tôi, chứng tỏ chúng ta đều là người của đội ngũ cách mạng, chung một con đường”. Đại Niên đọc tên chỉ mặt từng người, và đến lượt anh “cậu cũng vậy”, không có gì khác biệt. Nhưng anh đã đọc cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, hiểu rõ ý nghĩa của cụm từ “người chung một con đường” là như thế nào, vì vậy nếu Lâm không thông báo sẽ kiểm tra những bản thảo văn học của anh, thì có lẽ anh đã không thiêu hủy chúng. Đại Niên nói:
– Hôm nay hồng vệ binh chúng tôi đến đây là để tìm chứng cứ phản động của Đàm Tín Nhân, không liên can tới anh, những đồ đạc nào của anh cho sang một bên.
– Ngoài ra có cần tôi giúp gì nữa không?
– Không phải bổn phận của anh, lui ra, bàn của lão Đàm là cái nào?
– Cái kia ạ, ngăn kéo đều không khóa.
Anh đứng yên trong góc, và câu nói vừa rồi là lời biện hộ duy nhất cho lão Đàm, người cùng phòng, đồng thời giữa anh và lão đã phân vạch ranh giới. Bọn họ xáo tung tất cả sách vở của Đàm, sổ tay, nhật kí, bản thảo, thư tín, ảnh và cả tài liệu học Anh văn. Những tiểu thuyết tiếng Anh mà Đàm chọn dịch đều là tác phẩm của các nhà văn cách mạng Á – Phi, nhưng có một cuốn trên trang bìa in hình cô gái bán khỏa thân, lập tức bị hồng vệ binh nhặt để riêng ra, họ tiếp tục tìm thấy một phong thư, mở ra chỉ toàn là bao cao su tránh thai.
– Lão già Đàm còn dám chơi cái trồ con khỉ này sao?
Đại Niên lôi ra một bao, lắc qua lắc lại khiến mọi người cười ầm, anh và Lâm cũng thế, nhưng tránh không nhìn nhau.
Tại hội nghị quần chúng đấu tố lão Đàm, hồng vệ binh truy hỏi ông, người đàn bà “không chính đáng” ấy là điệp viên đặc vụ hay đĩ điếm. Đàm sợ quá phải khai, chị là một quả phụ, làm việc chỗ đó, chỗ kia để hồng vệ binh đơn vị bạn xác minh và tất nhiên cũng soát nhà. Trong ngăn kéo bàn viết của Đàm có tập thơ chữ cổ, chắc là để tặng người tình bèn trở thành chứng cứ hùng hồn “đang hoài niệm một thiên đường đã mất, chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội!”.
Hồng vệ binh phát hiện trên nền nhà có hai viên gạch nát đứt mạch, họ cạy lên, anh bèn hỏi Đại Niên:
– Có cần đi mượn cái xẻng cho các vị tiểu tướng? – Đại Niên gật đầu và anh phụng mệnh.
Toán hồng vệ binh đào nát nền nhà mà không thấy vật gì khả nghi. Hóa ra ban bảo vệ dân phố báo cáo với hồng vệ binh lão Đàm có điện đài, họ thường nghe những âm thanh lạ, và hôm nay cách mạng quyết vạch mặt tên phản cách mạng họ Đàm. Nhưng mãi sau suy luận mới hay đó chỉ là tạp âm của cái radio quên tắt máy, lão Đàm tai qua nạn khỏi, còn anh sợ quá, nên đành mai táng mọi thứ, kí ức tuổi thơ, tình yêu đôi lứa, cùng khát vọng văn chương…