– Chúng ta sẽ cất cánh trong vài phút nữa. Anh thông báo cho nàng.
– Cám ơn!
Catherine nhìn viên phi công đi vào buồng lái cùng viên lái phụ, và tim nàng đột nhiên đập nhanh hơn. Đó là chiếc máy bay mà Larry đã bay. Có phải Noelle Page đã ngồi vào chiếc ghế mà hiện nàng đang ngồi không? Từ nhiên Catherine cảm thấy là bị mất hết can đảm và sức mạnh, các bức tường bắt đầu khép kín lại, nhốt nàng bên trong. Nàng nhắm mắt và thở dài. Thế là hết, nàng nghĩ.
-“Denmiris nói đúng. Đó là quá khứ và không thể làm thay đổi được những gì đã xảy ra.”
Nghe thấy tiếng rồ máy, nàng mở mắt. Máy bay đang cất cánh, quay đầu về phía tây Bắc thẳng hướng London. Đã bao lần Larry bay như thế này? Larry. Nàng bị day dứt bởi những cảm xúc lẫn lộn mà tên của anh đã gợi lại cho nàng. Và những kỷ niệm. Những kỷ niệm tuyệt vời, những kỷ niệm khủng khiếp…
***
Đó là vào mùa hè 1940, một năm trước khi Mỹ tham chiến. Nàng vừa mới tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc, và phải đi từ Chicago lên Washington để nhận việc làm đầu tiên.
Cô bạn cùng buồng đã nói:
– Này, tao nghe nói có một nghề mới chắc làm mày chú ý. Một đứa con gái trong bữa ăn nói rằng nó sắp đi Texas. Nó sẽ làm cho ông Bill Fraser. Ông này phụ trách khâu quan hệ báo chí của Bộ Quốc Phòng. Tối qua tao vừa nghe nói thế vậy nếu chúng mày đến đó bây giờ, chúng mày sẽ đánh bại các đứa khác.
Catherine đã chạy đua với chúng bạn, tìm cho được phòng đón tiếp của ông Fraser lúc đó đã có hàng chục lá đơn xin việc để trên bàn. Tôi không gặp may, Catherine nghĩ vậy.
Cánh cửa buồng bên trong vừa mở và William Fraser bước ra.
Ông ta cao, một con người hấp dẫn, với bộ tóc hung, xoăn xoăn, lại xam xám ở thái dương, đôi mắt xanh sáng quắc và có cái cằm to như muốn đe doạ người khác.
Ông ta nói với nhân viên tiếp tân:
– Tôi cần một tờ tạp chí Life! Số báo này ra từ ba hay bốn tuần trước. Có một bức ảnh Stalin ở bìa.
– Tôi sẽ hỏi mua ạ, thưa ông Fraser – nhân viên tiếp tân nói.
– Sally này, tôi đang đàm thoại với Thượng Nghị sĩ Borah. Tôi muốn đọc cho ông nghe một đoạn trong số báo đó. Cô có 2 phút để tìm ra số báo đó cho tôi – Ông đi vào phòng làm việc và khép cửa lại.
Những người muốn nộp đơn xin làm việc nhìn nhau và nhún vai. Catherine đứng đó, cố nghĩ cách. Cô quay ra và chạy khỏi văn phòng. Cô nghe thấy một phụ nữ nói:
– Được, thế là giảm xuống phải không ạ?
Ba phút sau, Catherine quay về văn phòng với tạp chí “Life” – có tranh Stalin ở bìa. Cô đưa cho nhân viên tiếp tân.
Năm phút sau Catherine thấy cô được ngồi trong văn phòng ông William Fraser.
– Sally nói với tôi rằng cô đã cầm lên tạp chí Life.
– Vâng, thưa ngài?
– Tôi cho rằng cô không thể nào có được một số báo đã phát hành ba tuần rồi trong cái túi của cô.
– Không, thưa ngài!
– Làm sao cô tìm được nhanh thế!
– Tôi chạy xuống hiệu cắt tóc và phòng khám răng luôn luôn có những số báo cũ vất lung tung.
– Thế đối với mọi việc cô có tính nhanh thế không?
– Không, thưa ông!
– Chúng ta sẽ xem – William Fraser nói. – Cô đã được thuê làm việc.
Catherine thích cách làm việc của Fraser. Ông đỗ cử nhân, giàu và có tư tưởng xã hội, và hình như ở Washington, ai ông cũng quen biết. Tạp chí Time đã gọi ông là “Ông cử nhân được ưa thích nhất trong năm”.
Sáu tháng sau khi Catherine bắt đầu làm việc cho William Fraser, họ phải lòng nhau.
Trong buồng ngủ với ông, Catherine nói:
– Em phải nói với ông một điều. Em còn trinh tiết.
Fraser lắc đầu ngạc nhiên.
– Thật không tưởng tượng được Làm sao tôi lại có thể được ôm một trinh tiết độc nhất của thành phố Washington này.
Một hôm William Fraser nói với Catherine:
– Họ đang yêu cầu văn phòng ta phải kiểm tra bộ phận phim ảnh bên quân đoàn không quân, họ đang quay phim với hãng MGM ở Hollywood. Tôi muốn có trong tay cuốn phim này khi tôi ở London.
– Giao cho em ư? Anh Bill, em không thể ngay cả đặt chân lên phố Browme. Làm sao em biết mà quay một cuốn phim về tập luyện.
– Việc mới quá chứ gì, đối với ai cũng vậy. – Fraser cười. – Cô không phải lo. Bên đó họ có ông Giám đốc. Tên ông ta là Allan Benjamin. Quân đội định sử dụng các diễn viên bên ngoài đóng trong phim.
– Tại sao!
– Tôi cho rằng cho thấy lính tráng khó bảo dù đúng như những người lính.
– Như vậy mới là Quân đội chứ!
Và Catherine đã bay đi Hollywood để kiểm tra về phiếu huấn luyện.
Phòng ghi âm chật cứng người, hầu hết mặc đồng phục quân đội rất chỉnh tề.
– Xin lỗi – Catherine nói với một người đi ngang qua – Ông Allan Benjamin có đây không ạ?
– Hỏi ông hạ sĩ người bé kia kìa.
Catherine quay lại và thấy một người trông yểu tướng, nhanh nhẹn trong đồng phục với phù hiệu hạ sĩ ở cánh tay. Anh ta đang quát một người đeo sao đại tướng.
– Làm đúng như đạo diễn mới. Tôi phải lên chỗ thằng ngốc đóng vai tướng đây. Tôi cần không hoá trang. – Anh ta giơ tay lên một cách tuyệt vọng. Ai cũng muốn làm chỉ huy, không ai chịu làm nô lệ thế này.
– Xin lỗi, – Catherine nói. – Tôi là Catherine Alexander.
– Cám ơn chúa! – Con người bé nhỏ nói – Cô đi đi cho. Tôi không biết tôi đang làm gì ở đấy. Tôi có một việc lương ba ngàn rưỡi đô la một năm ở Dearborn làm biên tập viên báo chí kinh doanh về đồ đạc, mà tôi lại đầu quân vào quân đoàn tín hiệu và giao viết phim huấn luyện. Tôi có biết gì về sản xuất và điều khiển việc làm phim đâu? Đó là tất cả các điều cô muốn biết đó. – Anh ta quay đi và vội chạy ra lối ra, để Catherine đứng một mình.
Một người đàn ông gầy, tóc hoa râm mặc quần áo mùa đông đi về phía cô, với nụ cười vui vẻ:
– Cô có cần giúp gì không?
– Tôi cần một điều lạ lùng – Catherine nói – Tôi phụ trách về việc này, và tôi không biết tôi phải làm gì.
– Chào mừng cô đến Hollywood. Tôi là Tom O Brien trợ lý giám đốc phim. – Anh ta cười – Cô nghĩ cô có thể điều khiển công việc này?
Cô thấy góc môi cô như muốn cứng lại:
– Tôi sẽ cố. Tôi đã chụp sai bức hình với Willie Wyler. Kết quả không xấu xí nhưng trông thật tội. Điều cần thiết là phải có bố trí một chút. Khi kịch bản đã viết rồi, thì phải sẵn sàng dựng ngay! – Catherine nhìn quanh phòng ghi âm. – Một vài bộ quân phục này trông gớm quá. Cho tôi xem liệu chúng ta có thể làm tốt hơn không?
O Brien gật đầu tán thưởng.
– Phải đấy!
Catherine và O Brien đi qua nhóm những người huy động. Tiếng nói chuyện lầm rầm trong phòng ghi âm vĩ đại
này làm cho người ta đủ điếc tai.
– Để cho chúng tao xuống, chúng mày! – O Brien quát – Đây là cô Alexander. Cô sẽ phụ trách ở đây”.
– Cứ để cho mọi việc tiếp tục, để tôi có thể thấy rõ hơn cùng với anh, có đúng không? – Catherine nói.
O Brien bắt mọi người đứng vào hàng vội vàng. Catherine nghe thấy những tiếng cười và những tiếng nói chung quanh, cô quay lại không hài lòng. Một trong nhiều người mặc đồng phục đứng ở một góc, không hề chú ý, đang nói chuyện với mấy cô gái, các cô này õng ẹo và rúc rích cười. Thái độ cậu này có vẻ khó chịu với Catherine.
– Xin lỗi. Anh có muốn làm việc cùng chúng tôi không đấy?
Cậu ta quay lại và hỏi một cách lơ đãng.
– Cô đang nói chuyện với tôi đấy ạ!
– Vâng. Chúng ta đến đây để làm việc.
Cậu ta rất đẹp trai, cao và gầy, tóc xanh mượt và mắt nâu xẫm. Bộ quân phục của cậu ta vừa khít người. Trên vai cậu là cái vạch cấp đại uý và ở ngực, cậu ta gài một dải lụa màu sáng như một rạch ngang, Catherine chú ý nhìn cậu ta:
– Những huy chương này…
– Thưa thủ trưởng, những huy chương này có gợi cảm không ạ? – Giọng nói của cậu ta rất sâu lắng và đầy vẻ vui đùa thiếu lễ độ.
– Vứt những cái đó đi!
– Vì sao ạ? Tôi nghĩ những cái này làm cho phim thêm chút màu sắc.
– Có một điều nhỏ mà anh quên. Nước Mỹ hiện chưa có chiến tranh. Anh muốn nói anh đã thắng lợi ở chiến tranh trong dạ hội hoá trang phải không?
– Cô nói phải, – cậu ta chấp hành ngoan ngoãn. – Tôi không nghĩ đến điều đó. Tôi sẽ bỏ một số cái đi.
– Bỏ tất cả đi, – Catherine nói dứt khoát.
Sau buổi quay phim, khi Catherine đang ăn trưa ở ban chỉ huy, anh đi về phía bàn cô.
– Tôi muốn hỏi cô sáng nay tôi đóng thế nào. Liệu tôi có được tín nhiệm không?
Thái độ của anh làm cô tức điên lên:
– Anh thích ăn mặc đồng phục và hãnh diện với các cô gái, nhưng anh có nghĩ đến việc đăng ký vào quân đội không?
– Anh ta như bị một cú sốc, và bắn lại:
– Còn điều cô nói con nít nó cũng biết!
Catherine sẵn sàng cho nổ.
– Tôi nghĩ anh là người không cẩn thận.
– Vì sao?
– Nếu anh không biết vì sao, tôi không bao giờ giải thích cho anh.
– Tại sao cô không thử…? Tối nay cùng ăn tối nhé. Chỗ cô ở đâu nhỉ. Cô có nấu ăn được không đấy?
– Đừng nên quay lại tham gia đóng phim nữa? – Catherine ngắt lời – Tôi đã bảo ông O Brien gửi séc trả tiền cho anh về buổi làm việc sáng nay. Tên anh là gì nhỉ?
– Douglas. Larry Douglas!
Kinh nghiệm làm việc với người diễn viên trẻ thiếu lễ độ đã làm cho Catherine nhớ mãi, và nàng quyết định không nghĩ đến nữa. Nhưng vì lý do nào đấy, nàng cảm thấy khó quên anh ta.
Khi Catherine trở về Washington, William Fraser nói:
– Anh vắng em. Anh nghĩ về em nhiều quá. Em có yêu anh không?
– Rất yêu, Bill ạ.
– Anh cũng yêu em lắm. Sao tối nay ta lại không đi đâu đó là làm gì để kỷ niệm chứ?
Catherine biết rằng đó là cái đêm mà anh sẽ đặt vấn đề.
Họ đi đến câu lạc bộ Jefferson độc nhất. Giữa buổi ăn tối, Larry Douglas đi vào, anh còn đang mặc đồng phục Quân đoàn Không quân với đầy đủ các huân chương.
Catherine nhìn và không ngờ rằng anh đi ngang qua bàn của nàng không chào nàng mà lại chào Fraser.
Bill Fraser đứng lên:
– Cathy, đây là đại uý Lawrence Douglas Larry. Đây là cô Alexander Catherine. Larry hiện đang bay với hãng RA. Anh là người lãnh đạo của quân đoàn Mỹ ở đó.
Họ nói với anh về chủ đề là căn cứ máy bay chiến đấu ta sẵn sàng ra chiến trận. Như là việc quay lại một cuốn phim cũ, Catherine nhớ nàng đã ra lệnh cho anh vứt bỏ cả vạch và huy chương và anh đã vâng lời vui vẻ như thế nào. Nàng đã thiển cận, và thái quá, nàng gọi anh ta là “nhát như cáy”. Nàng muốn bò xuống dưới bàn mà chuồn thẳng.
Ngày hôm sau, Larry Douglas điện thoại cho Catherine tại phòng làm việc của nàng. Nàng từ chối nói chuyện với anh. Khi hết giờ làm việc, anh đứng ngoài đường, đợi nàng. Anh đã cất bỏ tất cả huy chương và băng lin chỉ còn đeo có phù hiệu là đại uý.
– Thế này được chứ. – Anh cười và đi lại gần nàng.
Catherine ngắm anh:
– Có phải là đã đeo phù hiệu không đúng quy định không?
– Tôi không biết. Tôi nghĩ cô phụ trách cái đó.
Nàng nhìn vào mắt anh và biết rằng nàng nhầm. Có một lực hút như nam châm ở anh mà không thể cưỡng nổi.
– Thế anh muốn gì ở tôi?
– Tất cả. Tôi muốn cô.
Họ đi về buồng anh và làm tình. Đó là một vui sướng đặc biệt mà Catherine chưa hề có thể mơ tưởng, mọi việc đến với nhau kỳ ảo làm rung chuyển cả căn buồng và vũ trụ đến khi lạc thú trở thành một trái bom nổ, một cuộc du ngoạn không thể tin được, đến rồi lại đi, kết thúc rồi lại bắt đầu. Và nàng lại nằm đó, mệt mỏi, chết lặng đi, ôm anh chặt vào mình, không muốn cho anh đi, không bao giờ muốn cho những cảm giác đó bị dừng lại.
Họ lấy nhau năm giờ đồng hồ sau, ở Maryland.
Bây giờ, ngồi trên máy bay trên đường đi London để bắt đầu một cuộc đời mới, Catherine nghĩ: Chúng ta còn hạnh phúc. Những điều sai trái đó ở đâu? Những cuốn phim lãng mạn và những bản tình ca đã đánh lừa chúng ta cứ tin vào những kết thúc hạnh phúc, vào các kỵ sĩ trong tình yêu không bao giờ, không bao giờ chết. Chúng ta đã tin rằng James Stewart và Dona Reed đã có một cuộc sống tuyệt vời và chúng ta đã rơi lệ khi Fredne March quay về với Myrna Loy vì những năm tốt đẹp nhất của cuộc đời và chúng ta tin chắc Joan Fontaine đã tìm thấy hạnh phúc trong cánh tay của Laurence Olivier trong vai Rebecca. Họ đã nói dối. Tất cả nói dối. Và những bài hát. Anh sẽ yêu em, luôn luôn. Những người đàn ông luôn được hình dung thế nào. Với một cái đồng hồ bằng quả trứng? Một bộ? Hai bộ? Mãi mãi và mỗi ngày. Tôi đang rời xa. Tôi muốn ly dị. Một số buổi thích thú. Chúng ta đang trèo lên ngọn núi Mount Toumerka.
… Anh và đêm tối âm nhạc. Người quản lý khách sạn nói với tôi về một số hang động gần đây… Anh yêu em vì những lý do tình cảm. Không ai sẽ… bây giờ khi cô ta đang còn ngủ. Là người yêu của tôi. Chúng tôi đã nghe những bài hát, xem phim và đã nghĩ rằng cuộc sống sẽ như thế nào. Tôi tin tưởng vào chồng tôi nhiều. Tôi còn có thể tin tưởng vào một ai được nữa? Tôi đã làm gì để gây cho hắn muốn giết tôi?
– Cô Alexander…
Catherine nhìn lên, sững sờ, lơ đãng.
Viên phi công đang còn đứng ngoài kia.
– Chúng ta đã hạ cánh. Chào mừng các vị đến London!
Có một chiếc limousine đang đợi Catherine ở sân bay.
Người tài xế nói:
– Thưa cô Alexander, tên tôi là Alfred. Tôi sẽ bố trí giải quyết hành lý của cô. Cô muốn về thẳng nhà chứ ạ?
– Nhà của tôi? Vâng, thế thì tốt quá.
Catherine ngồi phịch xuống ghế. Không thể tin được.
Constantin Denmiris bố trí máy bay riêng cho cô, và một nơi để sống. Ông ta vừa là người rộng lượng nhất thế giới, vừa là… Nàng không thể nghĩ đơn giản một phương án nào cả. Không. Ông là người đại lượng nhất trên thế giới. Ta không tìm được cách nào để nói lên những ý kiến nhận xét của ta về những việc đó.
Ngôi nhà, trên phố Elizabeth, ngoài Quảng trường Eaton, sang trọng cực kỳ. Có một đại sảnh lớn, một buồng tiếp khách trang hoàng đẹp đẽ với những chùm cây nến pha lê, một thư viện trên các giá sách, một căn bếp chứa đầy thực phẩm, ba buồng ngủ trang hoàng hấp dẫn, và cả khu ở cho những người đầy tớ.
Catherine đã được một phụ nữ khoảng hơn bốn mươi tuổi mặc toàn đồ đen, đón tiếp ngay ở ngoài cửa.
– Xin chào, cô Alexander. Tôi là Anna. Tôi là người quản lý nhà của cô!
Tất nhiên. Người quản gia của tôi. Catherine bắt đầu…
– Bà có khỏe không?
Người tài xế mang những hòm và vali của nàng vào để cả ở buồng ngủ.
– Chiếc limousine là để phục vụ cô, – anh nói với nàng. – Xin bảo Anna khi nào cô có thể đi làm, tôi xin đón cô.
Chiếc limousine là để phục vụ cô. Tất nhiên:
– Cám ơn.
Anna nói:
– Tôi xin đỡ đồ của cô. Nếu cô cần gì, xin cô cho biết.
– Tôi không thể nghĩ là cần gì bây giờ – Catherine đi loanh quanh trong khu nhà đến khi Anna đã để đồ đạc xong. Nàng đi vào buồn ngủ và nhìn vào những bộ quần áo mới đẹp mà Denmiris đã mua cho cô và nghĩ. Có một cảm giác là tất cả hoàn toàn không có thực. Bốn mươi tám giờ trước đày, nàng đang còn tưới nước ở vườn cây trong tu viện. Bây giờ nàng đang sống một cuộc sống như nữ quận công. Nàng không rõ công việc của nàng như thế nào. Ta sẽ làm việc nhiều.Ta không muốn cho ông ta xuống dốc. “Ông tốt một cách tuyệt vời”. Nàng đột nhiên thấy mệt. Nàng nằm xuống chiếc giường mềm mại và tiện nghi. Ta phải nghỉ một chút, nàng suy nghĩ. Mắt nàng nhắm lại.
Nàng đang bị chết đuối và kêu cứu. Và Larry đang bơi về phía nàng, khi anh tới gần nàng, anh lại dìm nàng xuống nước. Và nàng bị nhốt trong một cái hầm tối, những con dơi móc vào mắt nàng. Catherine bừng tỉnh vì quá sợ hãi, ngồi trên giường, run rẩy.
Nàng hít thở mạnh cho đỡ mỏi mệt. Thế là đủ, nàng suy nghĩ. Thế là hết. Đó là ngày hôm qua. Còn hôm nay. Không còn ai làm cô đau đớn. Không ai cả. Không một ai nữa.
Bên ngoài phòng ngủ của Catherine, Anna, người quản gia đã lắng nghe hết những tiếng kêu. Bà đợi một lát, khi mọi sự yên lặng, bà đi xuống phòng lớn và nhấc dây nói báo cáo mọi việc cho Constantin Denmiris.
***
Công ty kinh doanh Hy Lạp đặt tại trụ sở số 217 phố Bond, bên ngoài quảng trường Picadilly, trong một building cũ của Chính phủ từ những năm trước đây đã chuyến thành những văn phòng làm việc. Bên ngoài building là một kiệt tác về kiến trúc, lộng lẫy và tráng lệ.
Khi Catherine đến đây, các nhân viên chính phủ đang đợi nàng. Có khoảng nửa tá người đứng gần cửa để chào đón nàng.
– Xin chào mừng cô Alexander. Tôi là Evenlyn Kaye.
– Đây là Carl… Tuker… Mathew… Jennic… những tên và các khuôn mặt…
– Các bạn có khỏe không?
– Văn phòng sẵn sàng đón đợi cô. Tôi xin dẫn cô đi.
– Cám ơn!
Buồng tiếp đón được trang hoàng đầy ý vị, với một sôfa rộng bọc da, hai bên có các ghế dựa kiểu chippendale và một thảm lớn. Họ đi xuống hành lang dài trải thảm, rồi vào buồng họp có những tấm panen nặng nề và ghế dựa bọc da, theo những cái bàn cao bóng loáng.
Catherine đi vội vào một phòng làm việc rất hấp dẫn, với những đồ gỗ tiện nghi có bọc đệm và những ghế xe bọc da.
– Đó là tất cả của bà.
– Đẹp quá, – nàng lẩm bẩm.
Còn có những bông hoa tươi trên bàn làm việc.
– Của ông Denmiris đấy ạ!
– Ông sâu sắc quá!
Evenlyn Kaye, người phụ nữ đã đưa nàng đi giới thiệu các phòng, bà là một phụ nữ đứng tuổi, người to béo, có bộ mặt vui tươi và phong cách chu đáo.
– Cần phải vài ngày để cô quen mọi chỗ, nhưng công việc thì thực rất đơn giản. Chúng ta là một trong những trung tâm cân não của Vương quốc Denmiris. Chúng tôi tổng hợp các báo cáo của các cơ sở sản xuất ở nước ngoài và gửi báo cáo tổng hợp về ban điều hành ở Anthens. Tôi là giám đốc văn phòng. Cô sẽ là trợ lý cho tôi.
– Ồ – Thế tôi được là trợ lý giám đốc.
Catherine không có ý nghĩ người ta mong đợi gì ở nàng. Nàng như bị ném vào thế giới muôn màu muôn vẻ. Những máy bay riêng, những chiếc limousines, ngôi nhà xinh đẹp đầy đủ đầy tớ.
– Wim Vandeen là thần đồng toán học của chúng ta, sống ở đây. Anh có thể tính các số liệu và đưa vào biểu đồ phân tích tài chính để chỉ đạo. Bộ óc của anh làm việc nhanh hơn các máy tính tốt nhất. Sang bên phòng anh và gặp anh đi.
Họ đi xuống hành lang tới một phòng làm việc cuối đại sảnh, Evenlyn mở cửa không khoá.
– Wim, đây là người trợ lý mới.
Catherine bước vào buồng và đứng đó, ngay như đóng cọc Wim Vandeen trông khoảng độ ngoài ba mươi một chút, người gầy, có cái miệng và quai hàm lỏng lẻo, biểu cảm thì nhạt nhẽo và rỗng tuếch. Anh đang ngắm nhìn ngoài cửa sổ.
– Wim, Wim! Đây là Catherine Alexander.
Anh quay lại:
– Catherine, tên thực là Marta Skowronka đệ nhất, nàng là con một người đầy tớ sinh năm 1684, bị những người Nga bắt, nàng lấy Peter Đệ nhất và đã là nữ vương của nước Nga từ 1725 đến 1727, Catherine Đại đế là con sau của hoàng tử Đức sinh năm 1729 và lấy Peter sau này trở thành Hoàng đế Đệ Tam vào năm 1726, và bà đã kế tục ngai vàng của vua trong năm sau đó sau khi bà đã giết chết ông. Dưới sự trị vì của bà, nước Ba Lan đã ba lần chia cắt và đã có 2 cuộc chiến tranh chống Thổ Nhĩ Kỳ…
Các thông tin tuôn ra như một vòi nước với giọng đơn điệu.
Catherine lắng nghe, ngây người ra.
– Như vậy… như vậy rất hay, – nàng nói.
Wim Vandeen nhìn quay đi.
– Wim thẹn khi anh gặp người khác. – Evenlyn nói.
Thẹn à? Catherine nghĩ. Đàn ông mà thẹn. Và anh ta lại là một thần đồng? Công việc ở đây đang làm là gì?
***
Ở Anthens, trong văn phòng ở phố Aghiou Geronda, Constantin Denmiris đang nghe điện thoại của Alfred từ London.
– Tôi đã đưa cô Alexander từ sân bay về thẳng nhà ở. Thưa ông Denmiris. Tôi đã hỏi xem cô có yêu cầu tôi đưa cô đi đâu không, như ông đã đề nghị, và cô nói không!
– Cô không có tiếp xúc với ai ở bên ngoài cả à?
– Không, thưa ngài. Trừ khi cô gọi điện từ nhà ở, thưa ngài.
Constantin Denmiris không lo lắng về việc đó. Anna, người quản gia, sẽ báo cáo với ông. Ông thay ống nghe, thoả mãn. Nàng hiện không có gì nguy hiểm cho ông và ông tiếp tục theo dõi nàng. Nàng chỉ có một mình trên thế giới này. Nàng không có ai để tiếp xúc, trừ người ban ơn cho nàng – Constantin Denmiris. Ta phải sắp xếp để đi London sớm, Denmiris nghĩ rất may mắn. Nhanh đi thôi.
***
Catherine thấy công việc mới của nàng rất thích thú.
Các báo cáo hàng ngày đến từ các nơi trong vườn quốc của Constantin Denmiris. Có những vận đơn đường biển từ nhà máy cán thép ở Indiana, các sổ sách kiểm tra từ một nhà máy ô tô ở Italy, các hoá đơn của hàng loạt tờ báo của Úc, một mỏ vàng, một công ty bảo hiểm. Catherine gắn các báo cáo lại, xem qua và chuyển thông tin trực tiếp cho Wim Vandeen. Wim liếc nhìn các báo cáo một lượt, đưa vào máy tính tuyệt vời là bộ óc của anh, và hầu hết được tính toán ngay tỉ lệ phần trăm lợi nhuận hay thiệt hại cho công ty.
Catherine vui thích được biết những đồng sự mới của cô và nàng cảm thấy hơi ngại bởi vẻ đẹp của ngôi nhà cố kính nàng làm việc ở đó.
Nàng có nói những điều đó với Evenlyn Kaye một lần trước mặt Wim và Wim nói:
– Đó là ngôi nhà hải quan của Chính phủ do Ngài Chistopher Wren thiết kế vào năm 1721. Sau vụ cháy lớn ở London, Chistopher Wren đã thiết kế lại cả thảy 55 nhà thờ kể cả nhà thờ St. Paul, St. Michael, và St. Bride. Ông còn thiết kế Ngân Hàng hối đoái Hoàng gia và điện Buckingham. Ông chết năm 1723 và được chôn cất ở nhà thời St. Paul. Ngôi nhà được chuyển thành văn phòng làm việc vào năm 1907 và trong Đại chiến thế giới II dưới thời Blitz, chính phủ đã tuyên bố đó là chỗ ẩn nấp chính thức cho những cuộc ném bom.
Chỗ ẩn nấp cho những cuộc ném bom là một buồng rộng có gia cố chống bom, được lắp thêm cửa nặng gắn với nền móng nhà. Catherine nhìn vào cái buồng được gia cố nặng nề đó và nghĩ về những người đàn ông, đàn bà và trẻ con người Anh, dũng cảm đã trú ngụ ở đây trong những trận oanh tạc khủng khiếp của phi đội Luftwaffe của Hitler.
Móng nhà rất lớn, chạy khắp chiều dài ngôi nhà. Có một nồi hơi lớn để đun nước sưởi ấm cho ngôi nhà, và có trang bị các thiết bị điện và điện tử. Nồi hơi là một vấn đề quan trọng. Nhiều lần, Catherine đã phải dẫn những người thợ sừa chữa xuống nền nhà để xem xét. Mỗi lần lại muốn sữa chữa những cái đã hư hỏng và họ lại bỏ đi.
– Trông nguy hiểm lắm, – Catherine nói. – Có thể nó sẽ bị nổ?
– Chỉ là do tim cô lo lắng thôi, cô ạ, không đâu. Cô xem cái van an toàn ở đây? Vậy đấy, nếu nồi hơi bị quá nớng, cái van này sẽ nhả hơi nước thừa ra, không sao cả.
Sau khi kết thúc một ngày làm việc, đã có London. London… một biểu tượng ngoạn mục của những rạp hát, vũ ba lê, các dàn nhạc. Có những cửa hàng sách cổ rất thích thú như Hatchards, và Royles – hàng chục các viện bảo tàng, và các hiệu đồ cổ nhỏ bé, và các khách sạn Catherine đã đến xem cửa hàng in Litô ở Cecil Court và đi mua hàng ở các cửa hàng lớn như Harrods, Fort num và Mason, Marks và Spencer và đã đi uống trà chủ nhật ở Savoy.
Thỉnh thoảng, những suy nghĩ không có chủ đích chợt nẩy ra trong đầu nàng. Có quá nhiều thứ gợi lại cho nàng và Larry. Một tiếng nói… một câu… một loại nước hoa… một bài hát. Không. Quá khứ đã chấm dứt rồi. Tương lai là điều quan trọng. Và mỗi ngày như vậy làm nàng như khỏe ra.
Catherine và Evenlyn Kaye trở thành những người bạn thân và thỉnh thoảng cùng đi chơi với nhau. Một ngày chủ nhật, họ đã đi xem triển lãm nghệ thuật ngoài trời bên bờ sông Thames. Có mấy chục nghệ sĩ có mặt tại đó, cả trẻ và già, họ bày các bức tranh, tất cả họ có một nét chung, là họ không thể trưng bày các tác phẩm của họ ở bất kỳ một triển lãm nào. Các bức tranh của họ rất khủng khiếp. Catherine đã mua một bức để tỏ bày thiện cảm.
– Cô định treo bức tranh này ở đâu? – Evenlyn hỏi.
– Trong buồng nồi hơi. – Catherine nói.
Khi họ đi dọc theo những phố xá London, họ đã đi qua nơi các nghệ sĩ vỉa hè, nhiều người dùng phấn mầu để vẽ trên hòn đá mặt hè. Một số tác phẩm của họ cũng hay lắm. Các khách qua đường cứ muốn đứng lại để ngắm nghía các bức tranh và rồi ném vài xu cho các nghệ sĩ. Một buổi trưa, trên đường đi ăn về, Catherine đã đứng lại ngắm một người đã nhiều tuổi đang vẽ một bức tranh phong cảnh bằng phấn. Vừa khi về xong, trời bắt đầu đổ mưa, ông già đứng đó ngắm nhìn bức tranh của ông đã bị xoá đi. Thật giống cuộc đời quá khứ của ta quá, Catherine nghĩ vậy.
Evenlyn đưa Catherine đi chợ Người chăn cừu.
– Đây là một nơi rất hay, – Evenlyn đảm bảo như vậy.
Nơi đó chắc chắn có nhiều màu sắc. Có một khách sạn lâu đời tới ba trăm tuổi tên là Tiddy Dols, một quầy báo chí, một cái chợ, một tiệm mỹ phẩm, một lò bánh, một hiệu đồ cổ và vài ngôi nhà từ hai đến ba tầng.
Tên viết trên các hộp thư thì đủ kiểu. Có cái đọc là – Helen – và dưới là “những bác học tiếng Pháp”. Có biển khác là đọc được “Rossis” và ở dưới là “Dạy tiếng Hy Lạp ở đây” (Greek taught here).
Evenlyn cười:
– Về một mặt nào đó, tôi cũng đoán như vậy Chỉ có cái kiểu giáo dục của các cô gái ở đây thì không thể đưa vào giảng dạy ở nhà trường được!
Evenlyn cười phá lên còn to hơn khi Catherine ngượng đỏ cả mặt.
Catherine sống một mình hầu hết thời gian nàng muốn được bận rộn để cho bớt đi lẻ loi. Suốt ngày, nàng đắm mình vào những suy nghĩ làm sao có được những giờ phút quý hoá trong cuộc sống để lấy lại những gì đã bị mất đi trong đời. Nàng cố từ bỏ những ưu phiền trong dĩ vãng hoặc trong tương lai. Nàng đã giành thời gian đi thăm thành phố cổ Windoorm, và cả Canterbury với nhà thờ xinh đẹp và Hamptas Court. Vào những ngày nghỉ cuối tuần, nàng đi về miền quê lưu lạc tại những quán trọ nhỏ bé hoặc đi bộ qua các thôn làng.
Ta còn sống, nàng nghĩ. Không ai sinh ra hạnh phúc. Mọi người phải xây dựng hạnh phúc riêng của mình. Ta đã sống sót. Ta còn trẻ và khỏe mạnh và sẽ có nhiều điều tốt đẹp xảy ra.
Ngày thứ hai, nàng trở về làm việc. Trở về với Evenlyn, các cô gái và Wim Vandeen.
Wim Vandeen là một điều bí ẩn.
Catherine chưa bao giờ gặp một người nào như anh ta. Có hai mươi nhân viên trong văn phòng, và không cần phải dùng đến máy tính, Wim Vandeen có thể nhớ lương, số bảo hiểm và những khoản khấu trừ vào lương của từng nhân viên. Tuy vậy, tất cả những số liệu đó đều có hồ sơ lưu trữ, anh còn giữ các số liệu ghi chép của công ty trong đầu anh. Anh còn nhớ cả lưu lượng tiền mặt hàng tháng của các ngành sản xuất kinh doanh trong công ty, so sánh với các tháng trước hoặc hồi cố lại tới 5 năm trước khi anh bắt đầu làm cho công ty.
Wim Vandeen nhớ được mọi cái anh đã được nhìn thấy, nghe được hay đọc qua. Khả năng trí nhớ của anh không thể tưởng tượng nổi. Những câu hỏi đơn giản bất cứ chủ đề nào cũng nảy ra hàng loạt thông tin, nhưng anh lại là người chống tư tưởng xã hội.
Catherine trao đổi với Evenlyn về anh.
– Tôi không hiểu Wim tý nào cả.
– Wim là một con người lập dị, – Evenlyn nói. – Chị phải hiểu anh ta đúng như bản chất anh ta. Những gì anh ta quan tâm chỉ là những con số. Tôi không cho rằng anh ta có quan tâm đến con người.
– Thế anh ta có bạn bè gì không?
– Không!
– Thế anh ta có hẹn hò gì không – ý tôi muốn nói là đi với các bạn gái?
– Không!
Theo Catherine thì Wim bị cách ly và bị cô đơn, và nàng cảm thấy nàng có một cái gì đó giống với anh ta.
Khả năng trí nhớ của Wim làm kinh ngạc Catherine.
Một buổi sáng, nàng bị nhức đầu. Wim nói một cách cộc lốc:
– Thời tiết này không giúp gì cho các bệnh đó lắm. Chị nên đi và khám ở bác sĩ tai!-
– Cám ơn, Wim. Tôi…
– Các bộ phận của tai gồm có tai ngoài, tai giữa và tai trong, giữa tai ngoài và tai giữa là màng nhĩ và một hệ thống xương nhỏ – xương búa, xương đe và xương bàn đạp. Tai trong có ống dẫn hình bán nguyệt, cửa sổ hình ovan, ống eustache, dây thần kinh thính giác và ốc tai. – Và rồi anh bỏ đi.
Lại có hôm khác, Catherine và Evenlyn đưa Wim đi ăn trưa ở Ram s Head, một nhà hàng bình dân trong khu vực đó. Trong phòng cuối, các khách hàng đang chơi trò ném phi tiêu.
– Wim, anh có quan tâm đến thể thao không? – Catherine hỏi. – Anh có bao giờ đi xem bóng chày không?
– Bóng chày ấy à, – Wim nói. – Quả bóng chày có chu vi là chín inch một phần tư, làm bằng sợi cuốn vào một lõi bằng cao su cứng và bọc ngoài bằng da trắng. Cái gậy thường làm bằng gỗ cây tần bì, đường kính chỗ lớn nhất từ hai đến ba phần tư inch và chiều dài không lớn hơn bốn mươi hai inch.
Anh ấy biết hết các số liệu thống kê, Catherine nghĩ, nhưng lại chẳng thích thú gì việc đang làm cả?
– Anh đã từng chơi thể thao không? Bóng rổ chẳng hạn?
– Bóng rổ thường chơi trên nền sàn gỗ hay sân xi măng. Quả bóng làm bằng da, hình cầu, chu vi ba mươi mốt inch, bên trong có vét-xi bằng cao su bơm hơi tới áp lực mười ba pound, Nặng hai mươi đến hai mươi hai ounce. Bóng rổ do James Naismish phát minh ra vào năm một nghìn tám trăm chín mốt.
Catherine đã được trả lời như vậy.
Đôi khi Wim tỏ ra lúng túng trước mọi người. Vào một ngày chủ nhật, Catherine và Evenlyn đưa Wim đi Maidenhead trên sông Thames. Họ dừng ở Compleat Angler để ăn trưa.
Người hầu bàn tới bàn của họ:
– Chúng tôi hôm nay có những kẹp thịt.
Catherine quay lại Wim.
– Anh thích món kẹp thịt à?
Wim nói:
– Có những loại kẹp dài, kẹp kiểu con trai ở sông, hay kẹp tròn, kẹp cạo râu, kẹp lướt vát, kẹp đơn, và những kẹp mạch máu.
Người hầu bàn trố mắt nhìn anh ta.
– Ngài có muốn đặt món gì không ạ, thưa ngài.
– Tôi không thích kẹp, – Wim nói cáu kỉnh.
Catherine yêu mến những người làm việc với nàng, nhưng Wim là trường hợp ngoại lệ. Anh ta nổi bật trên cả sự hiểu biết của nàng, và cùng lúc đó, anh càng tỏ ra là đã bị loại bỏ và cô đơn.
Một hôm Catherine lại nói với Evenlyn:
– Liệu có cơ may nào để Wim trở thành con người bình thường không? Phải lòng ai và lấy người ta chẳng hạn?
Evenlyn thở dài.
– Tôi đã nói với cô. Anh ta không có xúc cảm. Anh ta chưa hề gắn bó với bất kỳ ai cả.
Nhưng Catherine không tin điều ấy. Một đôi lần, nàng đã bắt gặp có một nét thoáng qua về sự quan tâm – một tình cảm – hay một tiếng cười – trong con mắt Wim, và nàng muốn kéo Wim ra ngoài tình trạng đó, giúp anh. Hay đó chỉ là sự tưởng tượng của nàng thôi.
Có một hôm, các nhân viên, văn phòng nhận được giấy mời tham gia buổi khiêu vũ từ thiện tổ chức ở Savoy.
Catherine vào phòng làm việc của Wim.
– Wim, anh có đi nhảy không?
Anh nhìn chăm chắm vào nàng.
– Một gạch trắng và một nửa nhịp bốn bốn là một khoảng của điệu Foxtrot. Người đàn ông bắt đầu nhịp mạnh bằng chân trái và tiến lên hai bước. Người phụ nữ bắt đầu bằng chân phải và lùi hai bước. Cả hai bước chậm, tiếp đến là một bước nhanh theo góc phải rồi tới các bước chậm. Để nhún, người đàn ông bước lên, trên chân trái và nhún – chậm – rồi chuyển lên sang chân phải – chậm. Rồi người đàn ông chuyển sang trái bằng chân trái – nhanh. Rồi khép chân phải và chân trái của anh ta lại – nhanh! –
Catherine đứng đó, không biết nói gì nữa. Anh ta biết tất cả các từ nhưng anh ta không hiểu ý nghĩa các từ đó.
Constantin Denmiris gọi điện đến. Đã khuya rồi và Catherine đang chuẩn bị đi ngủ.
– Tôi hy vọng tôi không làm phiền cô. Constantin đây.
– Không, trái lại. – Nàng rất mừng được nghe tiếng ông.
Nàng đã không được nói chuyện với ông từ lâu và đang muốn hỏi ý kiến ông. Sau nữa, ông là người duy nhất trên thế giới này thực sự biết về quá khứ của nàng.
Nàng cảm thấy ông như là người bạn cũ của nàng.
– Tôi đã nghĩ nhiều về cô, Catherine ạ. Tôi lo rằng, cô có thể cảm thấy London là một nơi hiu quạnh. Sau nữa là cô không quen biết ai ở đấy!
– Đôi khi tôi cũng thấy cô đơn, – Catherine thú nhận. – Nhưng, tôi cũng quen dần. Tôi nhớ lời ông nói. Hãy quên quá khứ, hãy sống vì tương lai.
– Phải đấy. Hãy nói về tương lai, tôi sẽ đến London ngày mai. Tôi muốn mời cô cùng đi ăn tối đấy.
– Tôi sẽ rất lấy làm thích điều đó, – Catherine nói nồng nhiệt. Nàng đang mong đợi. Nàng sẽ có dịp nói với ông rằng nàng vô cùng biết ơn ông.
Khi Constantin Denmiris đặt ống nghe xuống, ông đã cười một mình. Cuộc săn đuổi vẫn tiếp tục.
Họ ăn tối ở nhà hàng Ritz. Phòng ăn lịch sự và các món ăn lại rất thú vị. Nhưng Catherine quá phấn khích nên không chú ý gì cả mà chỉ chú ý con người đang ngồi đối diện với cô. Có nhiều điều cô phải nói với ông.
– Ông có các nhân viên tuyệt vời! – Catherine nói – Wim thì đáng kinh ngạc. Tôi không thấy ai có thể…
Nhưng Denmiris lại không lắng nghe những từ đó.
– Ông đang theo dõi cô, nghĩ sao nàng lại đẹp như vậy, và nàng bị tổn thương như thế nào. Nhưng ta không được vội vàng với nàng. Denmiris quyết định. Không, ta phải chơi trò này từ từ và chiến thắng từng bước một, cái con người này sẽ vì em, Noelle ạ, và cho người yêu của em.
– Ông sẽ ở London có lâu không?. – Catherine hỏi.
– Độ một hay hai ngày. Tôi có một số công việc để giải quyết.
Đó là sự thật. Nhưng ông biết ông có thể giải quyết các công việc đó qua điện thoại. Không, ông phải đến London để bắt đầu một chiến dịch làm cho Catherine gần ông hơn, để làm cho phụ thuộc vào ông thực sự bằng tình cảm.
Ông nghiêng người về phía trước.
– Catherine, tôi đã nói với cô về cái quãng thời gian tôi đã làm việc ở vùng Ả-rập Saudi chưa nhỉ?
Hôm sau, Denmiris lại đưa Catherine đi ăn tối.
– Evenlyn nói với tôi cô đang làm một việc tuyệt vời ở văn phòng của tôi. Tôi sẽ phải nâng lương cho cô.
– Thì ông quá độ lượng với tôi còn gì nữa, – Catherine phản đối. – Tôi…
Denmiris nhìn vào mắt nàng.
– Cô không biết tôi rộng lượng đến thế nào ư.
Catherine bối rối. Anh ấy chỉ có tốt, nàng nghĩ. Tôi không hình dung những nổi sự việc.
Ngày hôm sau. Catherine chuẩn bị đi.
– Cô có muốn đi ra sân bay với tôi không, Catherine?
– Vâng! – Nàng cảm thấy ông rất quyến rũ, gần như gắn bó. Ông là người vui tính có nhiều phẩm chất nổi bật và nàng đã được sung sướng bởi sự quan tâm của ông.
Tại sân bay, Denmiris đã hôn Catherine nhẹ nhàng lên má.
– Tôi rất sung sướng được có thời gian gần nhau như thế nào, Catherine ạ!
– Tôi cũng vậy cám ơn ông, Costa.
Nàng đứng đó ngắm nhìn máy bay của ông cất cánh.
Ông ta là con người đặc biệt, Catherine nghĩ. Ta sắp phải thiếu ông!-