*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Đường Tự Đình:
Xúi quẩy thật.
Khi con người ta đã xui xẻo, nước uống vào cũng sẽ mắc kẽ răng.
Sau khi từ Vân Nam trở về, tôi lại bắt đầu tăng ca không ngừng nghỉ, dự án trước đó đã bàn xong cuối cùng cũng đến giai đoạn xúc tiến, kết quả là tiến hành được một nửa thì một vài lãnh đạo của bên A lại xảy ra mâu thuẫn, dự án bị trì hoãn vài ngày rồi kéo dài cho đến khi bị huỷ bỏ.
Vốn dĩ dự án đó đã hao tổn rất nhiều thời gian của chúng tôi, giai đoạn đầu chúng tôi đầu tư vào không ít, hợp đồng cũng đã ký rồi, bây giờ nói không làm nữa, bọn họ thà bồi thường còn hơn phải kiện tụng, thật sự làm người khác bực mình.
Bận rộn đi sớm về khuya đã trở thành lẽ thường tình, cuộc sống dù sao phải tiến về phía trước, thời gian sẽ không vì bạn chia tay, vì sự nghiệp của bạn không thuận lợi hay uống nước mắc kẽ răng mà dừng lại.
Con người ta luôn đau khổ vì nỗi buồn trước mắt.
Tôi đã nhận được chuyển phát nhanh mà Trần Tỷ bảo tôi nhận, Hề Hữu đã gửi rất nhiều trà và đào mật, ngày hôm sau sau khi nhận được chuyển phát nhanh, tôi đã gửi đồ đến nhà ba mẹ Trần Tỷ.
Ba Trần Tỷ vẫn đối xử với tôi nghiêm túc và lạnh lùng như trước, liếc tôi một cái rồi tiếp tục xem TV, tôi đã quen với thái độ này rồi.
Trước đây Trần Tỷ cũng không thích đưa tôi về nhà lắm, tôi biết em ấy không muốn tôi về để hứng chịu cơn giận của ba em ấy. Trước đây em ấy đã từng nói với tôi rằng chỉ cần hai đứa mình tốt đẹp, trải qua một thời gian dài thì ba em ấy tự nhiên sẽ không còn gì để nói nữa, cái này gọi là dùng sự thật để chứng minh sẽ hơn hàng ngàn lời nói.
Kết quả là đã bảy năm trôi qua, điều cần chứng minh vẫn chưa chứng minh được mà bọn tôi còn chia tay, rốt cuộc sự thật như thế nào thì chính tôi còn không rõ.
Mẹ Trần Tỷ bảo tôi ở lại ăn cơm, để tránh xấu hổ, tôi thoái thác bằng cách nói rằng công ty còn có việc nên không ở lại ăn cơm, tôi không thể ôn hoà nhã nhặn, nói cười ha ha ăn cùng bọn họ giống như trước đây được nữa.
Sau khi tôi xuống lầu, mẹ Trần Tỷ đuổi theo, trong tay còn cầm một thùng xốp.
“Cua lông chiều nay người ta vừa gửi tới, còn sống cả, cho con một thùng mang về.”
“Không cần đâu dì, người và chú cứ ăn đi.”
“Vẫn còn mà, người ta gửi đến nhiều lắm, hai người bọn dì ăn không hết.”
Tôi nhận lấy cái thùng, lại nói một tiếng “Cảm ơn dì”.
Mẹ Trần Tỷ mỉm cười, không có ý định lên lầu mà hàn huyên với tôi vài câu, cuối cùng chủ đề chuyển sang tôi và Trần Tỷ, bà ấy hỏi có phải là bọn tôi đang giận nhau không.
Tôi đã nghe ra được, có lẽ Trần Tỷ vẫn chưa nói với gia đình, cũng đúng, tôi cũng như em ấy, cũng chưa nói với ba mẹ mình.
Câu này hỏi xong tôi không biết mở miệng thế nào, nhúc nhích khoé miệng nhưng vẫn không nói ra được câu “Con và Trần Tỷ đã chia tay rồi”.
Mẹ Trần Tỷ cũng không truy hỏi, lại nói: “Con có biết Tiểu Tỷ tới nhà Hề Hữu chưa?”
Tôi gật đầu: “Con biết ạ.”
Buổi tối Trần Tỷ đến, Hề Hữu đã gửi tin nhắn cho tôi, còn hỏi tôi có đi không.
Tôi nói với Hề Hữu rằng công việc nhiều quá nên không đi được.
Mẹ Trần Tỷ nhìn tôi, lại nói: “Có việc gì thì cứ nói với gia đình.”
Nghe xong tôi cảm thấy hơi xót xa, đáp lại một tiếng rồi lại giục bà ấy lên lầu nghỉ ngơi.
Trời đang âm u và sắp sửa đổ mưa.
Tôi để cua lông ở hàng ghế sau, sau khi lên xe ngồi hồi lâu vẫn chưa đi, cơn thèm thuốc dâng lên, tôi lục túi quần rất lâu nhưng không tìm thấy hộp thuốc lá, lại lục lọi trong xe một lúc lâu mới tìm thấy một hộp Hồng Hà chưa mở.
(thuốc lá Hồng Hà)
Cũng không biết là ai để lại trong xe, chắc là khách hàng nào đó, bình thường tôi không hút Hồng Hà, vừa hít mạnh một hơi đã sặc mấy lần.
Hút xong một điếu thuốc, khói trong khoang xe đã hun đến mức làm cho tôi nhức mắt, tôi hạ kính xe xuống, gió mát bên ngoài lùa vào cổ khiến tôi rùng mình.
Nhiệt độ mới hạ xuống trong hai ngày qua, gió mùa thu cuốn theo một chiếc lá cây bay vào trong xe, rơi xuống ghế phó lái.
Lá cây ngô đồng khô héo, đã rách cả rồi.
(lá cây ngô đồng)
Một cơn gió khác thổi tới khiến cho chiếc lá trên ghế phó lái bay lên rồi lại rơi xuống.
Trời sắp mưa và cũng mưa thật, trên bầu trời tối đen xuất hiện một tia chớp, một nửa thành phố sáng lên trong giây lát, những hạt mưa rơi lộp độp trên cửa kính ô tô rồi nghiêng ngả chảy xuống, tầm nhìn trước cửa sổ xe đã không còn rõ ràng nữa, những vệt mưa màu xám bạc xuyên qua cửa sổ xe hé mở, đập vào mặt tôi một cảm giác lạnh lẽo.
Tôi lau nước mưa trên mặt, đóng cửa sổ rồi khởi động xe rời đi.
Trong thùng có mười hai con cua lông, Trần Tỷ thích ăn còn tôi thì không thích lắm nhưng mấy năm nay đã học được rất nhiều kỹ thuật bóc cua, có thể gỡ ra được thịt cua và thịt chân hoàn chỉnh, lần nào cũng là tôi gỡ cua cho Trần Tỷ, em ấy luôn ăn rất sảng khoái.
Tôi nhìn mấy con cua đó không có khẩu vị gì, lại gọi Diệp Tam Nhi đến nhà, cậu ta mang theo một chai rượu vàng (*) uống cùng với cua và một ít món om, hai đứa tôi ăn một hồi lâu đã uống hết một chai rượu.
(*) rượu Thiệu Hưng, còn được gọi là “rượu vàng”, là một loại rượu truyền thống của Trung Quốc được làm bằng cách lên men gạo nếp, nước và men làm từ lúa mì. Nó phải được sản xuất tại Thiệu Hưng, thuộc tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc.
Không biết mẹ tôi nghe được tin từ đâu, nghe nói tôi và Trần Tỷ đã chia tay nên muốn giới thiệu cho tôi một cô gái, tôi hơi đau đầu nên đã nói thẳng với mẹ.
Tôi nói là cho dù có không ở bên Trần Tỷ nữa thì tôi cũng không thể làm hại những cô gái khác, tôi không thích con gái, điều này không thể thay đổi được.
Điều khiến tôi không ngờ tới là mẹ tôi lại im lặng hai giây trong điện thoại, sau đó rất nhỏ giọng nói một câu rằng “con trai cũng được”.
Mũi tôi cay cay, ngồi trên ghế sofa nhắm mắt lại, mấy năm nay ba mẹ tôi luôn phản đối, lần này cuối cùng đã nhượng bộ. Tôi không chắc bọn họ có thật sự nghĩ thông hay chưa nhưng tôi cũng biết rằng quyết định này khiến cho lòng họ không dễ chịu, bây giờ chỉ là không thể không chấp nhận.
Ai khiến cho con trai bọn họ như vậy chứ, mãi mãi không trở thành dáng vẻ mà bọn họ mong muốn được.
Tôi bảo bọn họ chú ý sức khỏe, còn nói Tết năm nay sẽ về nhà đón Tết.
Mẹ tôi nghe xong thì rất vui, bảo sẽ chuẩn bị thêm một ít thịt gác bếp (*).
(*) thịt gác bếp: là món ăn đặc sản của các dân tộc vùng Tây Bắc Việt Nam và phổ biến ở các tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Nam, Trùng Khánh, Quý Châu, Giang Tây và Quảng Đông; nhưng nó cũng được làm ở các vùng khác của miền Nam dùng để thiết đãi khách quý. Được chế biến từ bắp của trâu, bò, lợn thả rông trên các vùng núi Tây Bắc.
Đã gần đến Tết Đoan Ngọ, tôi đang bận bịu với việc nhận quà tặng quà, chạy từ công ty này sang công ty khác, Trần Tỷ vẫn còn ở nhà Hề Hữu.
Hề Hữu đăng một tấm hình hái chè lên vòng bạn bè, trong ảnh có ba người đang đứng, Trần Tỷ đứng bên phải Hề Hữu, trên chóp mũi có một lớp mồ hôi óng ánh, tóc cũng ướt đẫm mồ hôi, đang nhìn vào ống kính cười khẽ.
Tôi tiện nay lưu bức ảnh đó vào album ảnh, ngày hôm sau mở album ảnh ra mới phát hiện mình đã lưu bức ảnh đó, đã thành thói quen rồi, trước đây vẫn luôn như vậy.
Trước Tết Trung thu, công ty chuẩn bị đi du lịch, tuy rất mệt nhưng tôi không thể không đi, kế hoạch ban đầu định đi Hoàng Sơn nhưng sau đó lại quyết định đi Nội Mông.
Đêm trước khi khởi hành, Diệp Tam Nhi rủ tôi ra ngoài ăn tối, nói rằng xảy ra chút chuyện trong công việc, cảm thấy vô cùng khó chịu.
Vài năm trước Diệp Tam Nhi bắt đầu làm về ngoại thương, mấy năm gần đây không khởi sắc, một trong những nhà máy mà cha cậu ta để lại đã đóng cửa, thế nhưng ngay cả khi tất cả đều phá sản thì của cải nhà cậu ta cũng đủ để cậu ta phung phí cả đời.
Một phú nhị đại (*) như vậy mà suốt ngày vẫn nghĩ cách làm sao để kiếm tiền, nhưng cậu ta quả thật không sinh ra để làm kinh doanh, đụng đâu là đổ đó.
(*) phú nhị đại: nghĩa đen là “thế hệ giàu có đời thứ hai”, một thuật ngữ tiếng Trung được dùng để chỉ thế hệ con cái của giới nhà giàu mới nổi (nouveau riche) tại Trung Quốc. Phú nhị đại sau đó được hợp nhất vào định nghĩa cuộc sống khá giả lên thông qua thừa kế, đối lập với tự thân làm ra. Thuật ngữ này thường được sử dụng theo kiểu nhạo báng, nhấn mạnh các yếu tố buông thả bản thân quá mức với những lối sống tiêu xài hoang phí và phóng đại tầm quan trọng của chủ nghĩa duy vật chất.
Hai năm đầu làm ngoại thương còn ổn, sau dịch bệnh đã trực tiếp sụp đổ.
Trước đây tôi từng nói đùa với cậu ta, “Diệp Tam Nhi, nếu mày không lập nghiệp thì số tiền cha mày để lại cho mày cũng đủ để mày sung túc mười đời, sau khi lập nghiệp thì cũng chỉ còn lại ba đời thôi.”
Cậu ta còn hay hành xác, hôm nay tìm tôi uống rượu là vì công ty quảng cáo mới của cậu ta cũng thất bại, lòng tự trọng của cậu ta bị tổn thương nên tìm đến tôi để giải sầu.
Sau ba ly rượu rót xuống bụng, Diệp Tam Nhi bắt đầu kể về lý tưởng và hoài bão trong quá khứ của cậu ta.
Nói rằng trước đây mình muốn làm lính nhưng cha cậu ta sống chết không đồng ý, nhất quyết bắt cậu ta phải làm kinh doanh, ước mơ làm lính của cậu ta sụp đổ, bây giờ chỉ có thể uống rượu giải sầu.
Ba tháng trước tôi đã nghe những lời tương tự như vậy, dù sao Diệp Tam Nhi cứ cách vài tháng lại lảm nhảm một lần, tôi đã nghe quen rồi nên nâng ly lên uống cùng cậu ta.
Hơn chín giờ sáng mai tôi có chuyến bay nên cũng không uống nhiều, sau khi Diệp Tam Nhi say, tôi đưa cậu ta về nhà cùng, vứt vào phòng dành cho khách rồi không để ý đến cậu ta nữa.
–
–
Chúng tôi đến Hailar vào chiều ngày hôm sau, xuống máy bay thì lên xe buýt đã đặt trước đó, còn có hai hướng dẫn viên du lịch, có vài nhân viên không đi, có người mang theo người nhà và con nhỏ, không khí vô cùng sôi nổi.
Trước đây khi công ty chúng tôi đi du lịch, tôi đều dẫn Trần Tỷ đi cùng, trong lúc chờ chuyến bay, Diêu Diêu ở quầy lễ tân đã hỏi tôi tại sao Trần Tỷ không đi.
Những người khác cũng làm ầm ĩ theo, tôi phất tay với bọn họ, nói rằng em ấy đang bận, sau đó chuyển chủ đề một cách vô cùng gượng gạo.
Trên xe buýt, tôi ngồi cạnh một thực tập sinh của công ty, là một cậu bé, cậu ta quả thật không có chút mắt nhìn nào, cứ lẩm bẩm tìm chủ đề để nói chuyện với tôi, lại cứ liên tục ép sát tôi, chỗ ngồi to như vậy còn không đủ cho cậu ta ngồi sao? Đít to như vậy à?
Nhưng tôi cũng chỉ phàn nàn trong lòng thế thôi, trước đây Trần Tỷ đã từng nói khi làm việc tôi quá nghiêm túc, cần phải thả lỏng, làm việc cũng cần phải vui vẻ.
Tôi cố gắng giữ gìn dáng vẻ dễ nói chuyện, sau đó cậu ta càng nói càng hăng, tôi lắc vai tỏ ý bất mãn nhưng thực tập sinh đó thế mà không nhận ra, vẫn cứ dán sát lại gần tôi.
Tôi liếc cậu ta một cái, trong mắt tôi chắc chắn có rất nhiều sự thiếu kiên nhẫn nhưng đối phương vẫn không nhận ra, mặt còn đỏ bừng.
Cuối cùng tôi cũng hiểu được cậu ta có ý gì, hít một hơi thật sâu, muốn lập tức lôi bộ phận nhân sự ra hỏi xem tại sao lại tuyển cho tôi thứ người như vậy, đi làm để cậu ta quyến rũ lãnh đạo sao? Cả người tôi đầy vẻ không vui, trong lòng tôi toàn lửa giận.
Giữa chừng có dừng lại ở trạm dừng chân một lần, tôi đi vệ sinh, sau khi trở về đã đổi chỗ với giám đốc bộ phận kinh doanh, bên tai không còn tiếng ai lải nhải nữa nên cảm thấy thanh tịnh hơn rất nhiều.
Nhưng tôi đã quên mất một điều, người ngồi cạnh tôi là Diêu Diêu, cô gái này rất thích tám chuyện, đảo mắt hai lần rồi bắt đầu hỏi tôi về Trần Tỷ.
Mặc dù cô ấy cứ lải nhải không thôi nhưng tôi lại không cảm thấy phiền phức, bởi vì cô ấy cứ nói về Trần Tỷ, bản thân cái tên Trần Tỷ này dường như đã có sức hấp dẫn giúp cho tôi bình tĩnh lại.
Từ miệng Diêu Diêu, thế mà tôi còn nghe được những chuyện trước đây không biết về Trần Tỷ.
Tối hôm đó chúng tôi ở lại Hailar, vừa đến khách sạn tôi đã nhận được cuộc gọi của Diệp Tam Nhi, cậu ta vừa ngủ dậy, nói rằng chuẩn bị đi và khóa cửa cho tôi rồi.
Tôi cười bảo cậu ta cút mau đi, Diệp Tam Nhi cười ha ha vài tiếng, lại hỏi: “Trần Tỷ đã chuyển đi rồi à?”
“Ừm, chuyển đi rồi.”
“Ôi,” Cậu ta lại thở dài, “Anh em à, mày ở Nội Mông chơi vui nhé.”
Sau khi cúp điện thoại, chuông cửa phòng tôi vang lên, tôi nhìn qua mắt thần ra ngoài, vẫn là thực tập sinh đó.
“Có chuyện gì à?” Tôi cau mày mở cửa.
Mặt cậu ta vẫn đỏ bừng: “Sếp Đường, bên ngoài hơi lạnh, tôi có thể vào được không?”
“Không được.” Tôi từ chối thẳng, trong lòng sắp trợn mắt lên tận trời: “Không phải cậu cũng có phòng à?”
Có lẽ cậu ta không ngờ tôi lại từ chối thẳng thừng đến vậy, cúi đầu cắn môi, hơi cau mày, trông có vẻ vô cùng buồn bã, như thể tôi mắc nợ cậu ta vậy.
Khóe miệng tôi nhếch lên, đột nhiên nhớ tới những lời trước đây Trần Tỷ nói với tôi ——
Sổ tay nhận dạng trà xanh.
Thích bám lấy người khác bất kể đối phương có độc thân hay không, cắn môi cúi đầu, dễ thẹn thùng đỏ mặt, sau khi bị từ chối sẽ hơi cau mày, dáng vẻ trông rất buồn bã và đáng thương, như thể bạn đã gây ra tội ác tày trời và có lỗi với cậu ta, cả thế giới đều nợ cậu ta.
Cậu buồn bã cái rắm ấy, tôi làm cái gì cậu?
Tôi kết luận một chút, người trước mặt phù hợp với nội dung trong sổ tay trà xanh, chính là trà xanh, nhận dạng hoàn tất.
Tôi rùng mình, nổi lên một tầng da gà.
Ban đêm ở Nội Mông rất lạnh, tôi còn chưa kịp lấy quần áo dày để mặc nên chạm vào cánh tay, thầm nghĩ “Cậu lạnh tôi cũng lạnh đây này”.
Tôi không nói những lời vô nghĩa với cậu ta mà đóng sầm cửa lại.
Chuông cửa lại reo thêm hai lần nữa, tôi bơ cậu ta, đi thẳng vào phòng tắm để tắm.
Ngày hôm sau chúng tôi chuẩn bị đi thảo nguyên, tôi vừa lên xe đã thấy ánh mắt của hai ba người nhìn tôi có hơi không bình thường, sau khi nhìn tôi đã mau chóng quay mặt đi, người thì cúi đầu xuống nghịch điện thoại, người thì cúi đầu nói nhỏ với người bên cạnh.
Tôi không xem đó là chuyện gì cả, những người đó đều mới vào công ty không lâu, ngoại trừ cuộc họp lớn của công ty thì tôi chưa từng gặp bao giờ.
Sau đó vẫn là do Diêu Diêu kể cho tôi nghe, đệt thằng cha nhà cậu ta, thực tập sinh kia thế mà lại nói xấu sau lưng tôi, nói rằng tôi muốn quy tắc ngầm với cậu ta nhưng cậu ta nhất quyết không tuân theo.
Những người làm lâu trong công ty, bao gồm cả Diêu Diêu đương nhiên là không tin nhưng những người mới đến lại tin răm rắp, thậm chí còn đưa ra kế sách để thực tập sinh đó thu thập bằng chứng, sau đó kiện tôi.
Loại người gì đây? Khi nào trở về thì đuổi luôn, tôi quy tắc ngầm loại này á? Sao tôi lại không có mắt nhìn như thế được chứ?
Thật con mẹ nó xúi quẩy.