Biên: Mèo Bụng Phệ
***
Kế Duyên hiểu câu hỏi của mình rất ngu, nhưng chuyện này sớm hay muộn cũng phải biết, thế thì hỏi ai cũng vậy thôi.
Nhưng thái độ của Thành Hoàng lại chuyển sang cung kính một cách khó hiểu. Đây là một cảm giác rất vi diệu, khác hẳn với cách nói chuyện của lão lúc nãy.
Lão Thành Hoàng giảng giải rất kỹ càng mạch lạc về một số chuyện lịch sử mà lão biết. Xen vào đó là dã sử của các triều đại xa xưa. Ngoài ra, lão còn truyền cho Kế Duyên chút kiến thức địa lý, sông núi và khí hậu vùng lân cận. Kể cả sự thay đổi của các địa danh cũng giải thích rõ ràng.
Nghe xong, Kế Duyên không còn cảm thấy mê mang như khi nghe được những chuyện thần tiên yêu quái lúc trước. Nhờ vậy Kế Duyên càng hiểu thêm về thế giới này, ít nhất chuyện của phàm nhân hắn cũng tỏ tường hơn nhiều.
Chỗ hắn hiện đang đứng là một vương triều rộng lớn bao la, có cả thảy mười ba châu. Triều đình Đại Trinh trải qua 200 năm sừng sững không ngã, đã truyền ngôi đến Càn Vũ Đế đời thứ tám. Trước đó đã có chín triều đại Vũ, Đồng, Sở, Khuông… xa xưa hơn nữa là một đại vương triều có lãnh thổ rộng bạt ngàn.
Lão Thành Hoàng kể đến đây thì thoáng dừng lại, sau đó mới nói tiếp:
“Theo sử sách ghi lại, đại vương triều kia tên là Đại Chu.”
“Đại Chu?”
Tinh thần Kế Duyên rõ ràng chấn động, bất quá hắn cùng cười nhẹ rồi bỏ qua. Đại Chu này với Đại Chu mà hắn nghĩ tới cũng không phải là một, từ địa lý sông núi cho đến tiến trình lịch sử cũng khác nhau.
Lão Thành Hoàng vuốt râu gật đầu:
“Đúng vậy. Nhưng triều đại này đã qua quá lâu, thế sự thay đổi, cho dù là thần bản cảnh (*) như chúng ta thì cũng khó tỏ tường. Thế giới này to lớn không bút nào tả xiết. Huống chi, người đời vẫn có câu “thiên ngoại hữu thiên” (**), vạn sự trong thế gian ai dám nói có thể hiểu rõ được.
Kế Duyên cũng gật đầu đồng ý:
“Thành Hoàng đại nhân nói chí phải!”
Từ những kiến thức được nghe, Kế Duyên biết được Thành Hoàng là thần vị bản cảnh rắc rối nhất ở trần gian, cũng thường xuyên thay đổi.
Như ở huyện Ninh An, Thành Hoàng nơi đây đời trước là một người họ Lý. Sau khi Đại Trinh lật đổ tiền triều, huyện Ninh An lại có thêm một vị quan làm rạng rỡ tổ tông là Tống Thế Xương. Lúc Tống đại nhân qua đời, được Hoàng đế truy phong làm Thành Hoàng huyện Ninh An, lệnh cho quan viên địa phương xây miếu dựng tượng.
Còn về phần lão Thành Hoàng cũ, nếu như tu hành thâm hậu thì có thể đi theo con đường khác. Nhưng nếu như tu vi của bản thân lão yếu kèm thì lực lượng hương hỏa sẽ hao mòn dần, đạo hạnh không tiến mà lui, thậm chí có thể tiêu tán.
Việc này không có nghĩa rằng một câu nói của Hoàng Đế có thể có được lực lượng sắc phong. Nguyện lực của muôn dân trăm họ từ hương hỏa cúng tế mới là yếu tố quyết định.
Dĩ nhiên vẫn có nhiều Thành Hoàng đã trải qua vài triều đại nhưng không tiêu tán. Đây cũng là chuyện bình thường. Một là do Hoàng đế nhân gian không truy phong công thần, hai là do Hoàng đế nhân gian căn bản không hiểu những chuyện thần tiên ma quái này.
Dù vậy, Thành Hoàng cùng với vương triều thế tục chính là có vinh cùng vinh, có nhục cùng nhục. Mặc dù âm dương cách biệt nhưng phần lớn Thành Hoàng đều ra sức bảo vệ, phù hộ cho dân chúng, tránh cho tà ma làm loạn.
Dù sao đối với những Thành Hoàng này, không kể là do Hoàng đế sắc phong hay là do dân gian suy tôn xây dựng miếu thờ, thì đại đa số Thành Hoàng đều có danh vọng và đạo hạnh. Vả lại chức vị Thành Hoàng cũng liên quan mật thiết đến tu hành của bản họ.
Nhưng Thành Hoàng cũng giống như quan sai ở dương gian, bọn họ không thể chú ý đến tất cả mọi thứ. Đối với yêu quái tà ma trốn thoát cũng không thể tận lực điều tra chứ đừng nói đến chuyện thỉnh thoảng bọn họ còn không chống lại được.
Điều này có nghĩa mặc dù Thành Hoàng có quan hệ chặt chẽ với vương triều thế tục, nhưng dù sao bọn họ cũng không phải là thần tử của Hoàng đế. Âm dương cách trở, cho nên căn bản họ sẽ không lừa gạt người khác.
Nói trắng ra, cho dù vương triều quyền quý đấy, nhưng tuyệt đại đa số cũng chỉ là phàm nhân mà thôi. Mắt không thể thấy quỷ thần, lực không thể phá Âm Dương. Ngoại trừ việc đọc các loại sách thần tiên ma quái chí dị, đám vương triều kia biết rất ít về sự tình của Thành Hoàng, Tiên Ma. Đối với bọn họ thì Thành Hoàng cũng chỉ là tượng bùn đặt trong miếu, truyền kỳ viết trong sách sử mà thôi.
…
Ở lầu ba của trà lâu, Kế Duyên và lão Thành Hoàng vừa trò chuyện vừa uống trà, cùng thưởng thức phong cảnh bên ngoài lầu các. Bọn họ nói chuyện hòa hợp, không để ý thời gian đã trôi qua, nháy mắt đã tới giữa trưa.
Kế Duyên đã moi được không ít tin tức quan trọng. Còn lão Thành Hoàng cũng cảm thấy đã hiểu biết nhất định về vị Kế tiên sinh này. Chuyện để nói tiếp cũng chẳng còn bao nhiêu.
Vốn dĩ lão Thành Hoàng muốn mời Kế Duyên ở lại trà lâu ăn cơm trưa, thế nhưng Kế Duyên vừa ăn vừa nói chuyện, đến giữa trưa đã ăn hết một bàn bánh ngọt, nên căn bản hắn không có cảm giác muốn ăn nữa.
Thế là hai người ra khỏi trà lâu rồi chuẩn bị từ biệt.
“Thành Hoàng đại nhân, hôm nay đa tạ chiêu đãi!”. Kế Duyên nhấc tay chào.
“Kế tiên sinh nói gì vậy, tiên sinh đến đây là phúc của huyện Ninh An chúng ta. Ta sẽ nhanh chóng phái người đưa sách vở mà tiên sinh cần đến Cư An Tiểu Các. Mong tiên sinh yên tâm!”. Thành Hoàng nghe vậy liền đáp lời.
“Đa tạ Thành Hoàng đại nhân!”. Kế Duyên nhấc cảm tạ.
“Được rồi, ngày khác chúng ta lại nói chuyện. Hôm nay từ biệt tại đây!”
Lão Thành Hoàng vừa nói chuyện vừa hơi chắp tay về phía Kế Duyên. Kế Duyên cũng chắp tay tạm biệt đáp lễ.
“Ngày khác lại nói chuyện!”
Sau khi hai người gật đầu thi lễ với nhau, lão Thành Hoàng tiêu sái bước về phía miếu Thành Hoàng. Kế Duyên đưa mắt dõi theo lão Thành Hoàng hơn nửa đường rồi hắn mới mỉm cười, quay người trở về nhà.
Mặc dù miếu Thành Hoàng là một nơi náo nhiệt, nhưng hội miếu đều diễn ra vào buổi tối. Hắn lại không cần đến đó thắp hương. Bây giờ hắn về nhà đánh răng rồi đợi sách giao đến cửa mới là hợp lý.
‘Sách của Thành Hoàng đưa đến không biết có gì đặc biệt không? Hai mắt của ta đây chẳng khác gì mù dở, không biết có thể đọc được không đây. Nếu không được thì ta phải tìm người đọc giúp hoặc là nhờ Thành Hoàng mời Âm sai hỗ trợ cũng được.’
Ở một con hẻm nhỏ cách đó không xa, Doãn Triệu Tiên đang muốn nắm tay Doãn Thanh đi tới. Kết quả Doãn Thanh đột nhiên níu mạnh tay cha, không cho gã đi.”
Doãn Triệu Tiên cảm nhận được con trai đang kéo mình lại. Gã cau mày quay đầu nhìn về phía Doãn Thanh.
“Làm sao vậy?”
“Cha… Bên kia, Đại tiên sinh ở bên kia!!”
Đại tiên sinh?
Doãn Triệu Tiên nhìn theo tay con trai chỉ về phía bên ngoài trà lâu gần miếu Thành Hoàng. Gã không biết vị nào được gọi là Đại tiên sinh, nhưng ánh mắt gã bị hấp dẫn bởi Kế Duyên và lão Thành Hoàng. Quả thực, khí độ, phong thái của hai người này giống như hạc giữa bầy gà.
“Thanh nhi, con nói ai là Đại tiên sinh? Con nhìn kỹ chưa, đừng nhận nhầm.”
“Chính là người mặc áo xanh kia, người đang chắp tay với lão tiên sinh đó! Con thấy rõ ràng, chắc chắn không sai đâu!”
Doãn Thanh đứng sau lưng cha, cái đầu lấp ló nhìn ra ngoài hẻm, cậu đã nhìn thấy Kế Duyên và ông lão kia.
Doãn Triệu Tiên nhìn hai người kia một chút. Bọn họ đã chia ra, một người đi về miếu Thành Hoàng, một người rời đi theo một con đường khác, thoạt nhìn đều rất bình thường. Nhưng nếu con trai đã sợ như vậy, người làm cha như gã vẫn nên chú ý đến cảm thụ của con mình một chút.
“Được rồi, người ta đã đi rồi, chúng ta đi tới miếu Thành Hoàng thôi!”
“Vâng!”
Doãn Triệu Tiên thở dài. Hiện tại gã đột nhiên cảm thấy rằng có khả năng thằng con này lúc trước bị hoa mắt. Hai người kia tuy rất lạ mặt nhưng khí độ nổi bật, nhìn thế nào cũng không giống loại người âm hiểm khó lường.
“Ông lão này là ai, những người có mặt mũi ở huyện Ninh An ta đều có thể nhận ra mới đúng. Chẳng lẽ lão cũng là người ở nơi khác?”
Doãn Triệu Tiên nắm tay Doãn Thanh đi ra khỏi ngõ nhỏ, bước tới miếu Thành Hoàng. Trước mặt hai cha con vẫn nhìn thấy ông lão áo đen, chính là người lúc nãy chắp tay với Kế Duyên.
Như có một tâm lý vi diệu nào đó thôi thúc, bước chân của hai cha con đều nhanh hơn một chút, dường như càng lúc càng lại gần ông lão.
“Nhang đây, nhang đây, nhang từ đàn hương tốt nhất đây!! Vào miếu Thành Hoàng, thành tâm kính dâng ba nén hương, bán nhang tốt nhất đây..!!”
Tên tiểu thương bán nhang cửa miếu rao lớn.
“Cho ta ba nén nhang”
“Được rồi, đây, cẩn thận kẻo gãy..!”
Doãn Triệu Tiên đưa cho gã tiểu thương một đồng tiền. Từ lúc trả tiền đến khi lấy nhang, hai mắt gã vẫn nhìn chằm chằm vào ông lão phía trước, lấy hương xong liền dẫn Doãn Thanh đi vào trong miếu.
“Hả? Không thấy nữa? Thanh nhi, con có nhìn thấy ông lão đi đâu không?”
“Không có ạ, vừa vào miếu thì không thấy nữa… Cha, có phải là quỷ không?
“Nói mò linh tinh! Đây là miếu Thành Hoàng!”
Doãn Triệu Tiên nghiêm khắc mắng Doãn Thanh một câu. Sau đó, gã dẫn con đi đến chủ điện. Tòa miếu Thành Hoàng này cũng không lớn, tiền điện là nơi thờ các ti, chủ điện là nơi thờ Thành Hoàng. Có lẽ ông lão kia đã đi thẳng vào chủ điện.
Nhưng gã đi ra phía sau tiền điện cũng không thấy bóng dáng ông lão kia. Dân chúng đi tới đi lui thắp hương khấn bái Thành Hoàng không ít nhưng cũng không nhiều. Nhìn tới cửa sau nằm ở một góc của tòa miếu, hai cánh cửa gỗ vẫn đang đóng, không giống như có người đi ra ngoài. Hơn nữa, bên kia là chỗ ở của cụ từ (***), người khác sẽ không tùy tiện bước vào.
‘Thật kỳ quái’
Dù đang ở trong miếu Thành Hoàng nhưng Doãn Triệu Tiên vẫn có chút sợ hãi.
“Thanh nhi, chúng ta mau khấn bái Thành Hoàng lão gia.”
Doãn Triệu Tiên dẹp những suy nghĩ lung tung trong lòng, dẫn Doãn Thanh tiến vào chủ điện, nhận lấy mồi lửa châm nhang mà cụ từ đưa tới.
Sau khi cắm nén nhang vào lư hương, hai cha con quỳ gối trên nệm lót rồi cung kính cầu khấn.
Bái lạy Thành Hoàng xong, Doãn Triệu Tiên đứng dậy chuẩn bị đi ra ngoài. Đúng lúc này gã phát hiện ra Doãn Thanh vẫn còn quỳ gối, đang nhìn chằm chằm vào tượng của Thành Hoàng lão gia.
“Sao vậy Thanh nhi?”
“Cha…Giống quá..”
Doãn Thanh khẽ nói nhỏ.
– ——
(*)Nguyên văn: Ta chả hiểu nghĩa từ này nữa, nhưng theo ngữ cảnh thì nó sẽ là từ lãm rõ, phân loại cho chức vị Thành Hoàng. Đây là dạng thần được ngưng tụ do nhang khói của cư dân, có sắc phong của vua chúa. Tham khảo Wikipedia, ta tìm được thông tin sau:
“Ở Nam Bộ nhiều đình làng, thần chỉ có tên là Bản cảnh Thành hoàng hay Thành hoàng Bản cảnh (神隍本境). Theo sách Minh Mạng chính yếu, quyển thứ 12, năm Minh Mạng thứ 20 (1839), thì nhà vua đã chuẩn y lời tâu của Bộ Lễ xin hạ lệnh cho các địa phương lập thêm thần vị Bản cảnh. Đây là chức vụ mới, lúc trước không phổ biến. Lê Phục Thiện, người dịch sách trên chú giải: Thành hoàng là vị thần coi một khu vực nào. Bản cảnh là cõi đất nơi mình được thờ. Nhà văn Sơn Nam cho biết bởi đây là dạng viên chức được vua ủy quyền trừu tượng, trong rất nhiều trường hợp, không phải là con người lịch sử bằng xương bằng thịt. Do vậy, đa phần không có tượng mà chỉ thờ một chữ “thần” (神) và thường cũng chỉ có mỹ hiệu chung chung là “Quảng hậu, chính trực, đôn ngưng” (tức rộng rãi, ngay thẳng, tích tụ)[5].”
Vì vậy mạo muội dịch thành “bản cảnh”.
(**) Ngoài bầu trời này còn có bầu trời khác cao hơn.
(***) Cụ/Ông từ: Người được cộng đồng (làng/xã) cắt cử trông coi đình/đền/miếu.