Tôi, lão Phó, Mông Nhân chuyền tay nhau xem cuốn sách một lượt, không phát hiện thấy có chỗ nào khác thường. Rồi Mễ Đâu cũng cầm xem, một lúc sau cô nói với ông Chung Sênh: “Ba tờ đầu tiên, hình như giấy dày hơn các chỗ khác.”
Chung Sênh gật đầu, nói: “Cô đưa nó đến gần đèn nhìn thêm nữa xem.” Mễ Đâu đặt sách dưới ngọn đèn, nhìn kỹ, thấy có một trang được viết xen cái gì đó nhưng nhìn mãi vẫn không thể nhận ra đó là gì. Chung Sênh bèn bước lại chấm ngón tay vào một số chữ, nói: “Những chữ này chắc các cậu các cô không hiểu, nó là các mật ngữ, mật ngữ này viết bằng văn tự của người Mãn. Thời kỳ đầu khi quân Thanh mới chiếm được Trung nguyên, các thông tin quân sự đều được viết bằng mật ngữ chữ Mãn; tuy nhiên, nếu chỉ đọc hiểu mật ngữ thì vẫn chưa đủ, mà còn phải nắm được bố cục phong thủy nữa.”
Tôi lắc đầu. Sao mà lại rắc rối khiếp thế này? Đã dùng Mãn văn, lại còn bố cục phong thủy gì nữa?!
Chung Sênh tiếp tục nói: “Trong này, các nội dung được ghi chép bằng Mãn văn gồm bao nhiêu trang, họ đều dùng bố cục phong thủy để sắp xếp các chữ viết; cũng tức là nói rằng hình thái của văn tự đều được bố trí theo kiểu một ngôi nhà hoặc bố trí xung quanh một khu vực, sau đó mới viết, tức là phải tìm cách đặt những chữ đó thành vô phương; người thời xưa gọi phương sở tức là phương vị, nói cách khác, phải sắp xếp chúng thành không có phương vị. Trong thuật phong thủy cũng có khái niệm vô phương, tức là không có ở đâu cả đồng thời có ở tất cả mọi nơi. Muốn sắp xếp được như thế, thì anh (người viết) phải tinh thông phong thủy, nếu không, anh sẽ không thể sắp xếp được. Tôi không nghiên cứu sâu về phong thủy, tôi đành nhờ cậy một người bạn tôi, nhưng lại không dám đưa cuốn sách này ra, cho nên tôi đành thay bằng các thứ (ký hiệu) khác rồi đem đến ông ấy, nhờ ông ấy chuyển đổi thành vô phương. Sau khi tốn nhiều công sức, ông ấy mới nhận ra rằng thực ra không phải là chuyển đổi mà là thay thế; cũng tức là, dùng tờ giấy để gấp.”
Ông Chung Sênh đưa cuốn sách cho lão Phó, và bảo chúng tôi ngồi xuống, sau đó ông mở cửa sổ ra, rồi quay trở lại và ngồi xuống, nói tiếp: “Tôi làm theo cách của ông ấy, sau khi chuyển đổi xong thì nhận ra tên các vị thuốc ở trong này, bèn nói cho Vương Cường biết. Nhìn thấy chúng, tôi đã hiểu ngay trong dó là gì, nhưng không nói với Vương Cường, vì tôi cho rằng anh ta đã biết được rồi, thế là đủ. Không ngờ anh ta lại tiếp tục đào sâu hoặc có lẽ trước đó anh ta đã nghe đại khái về các chuyện trong cuốn sách, thế rồi anh ta thử thực hiện theo phương pháp mà truyền thuyết vẫn nói.”
Chung Sênh nói rất nhiều, sắp đến giờ ăn trưa, chị giúp việc đã nấu cơm xong xuôi bước đến gõ cửa. Ông Chung Sênh mời chúng tôi cùng ra phòng khách dùng bữa. Mễ Đâu ngồi ở bên bàn nói là muốn ăn món cá chua ngọt, thế mà trên bàn lại có món đó thật, Chung Sênh cười, nói rằng lúc Mễ Đâu gọi điện đến thì ông đã bảo người chuẩn bị món cá chua ngọt. Tôi nhìn sang cô ta, không ngờ cô nhóc con này sáng nay đã “phản bội, tiết lộ cho kẻ địch” biết về hành tung của chúng tôi!
Chúng tôi đã đói bụng thật rồi, nên không khách khí gì hết, cầm bát đũa lên ăn luôn. Ông Chung Sênh chỉ đụng đũa qua loa rồi thôi, tiếp tục nói: “Vương Cường đã tưởng rằng có chuyện trường sinh bất tử thật!”
Nghe câu này tôi suýt nữa nghẹn cơm. Trường sinh bất tử ư? Tôi nhìn chằm chằm ông Chung Sênh, ông gật đầu: “Đúng! Trường sinh bất tử…”
Những người trong giới khảo cổ như ông Chung Sênh, nhất là các vị cao niên, từ trước giải phóng Trung Quốc 1949 đã từng nghe một tin đồn đại rằng có một cuốn sách như thế, nhưng nó chỉ là một cuốn vải lụa, ghi cách thức đạt được trường sinh bất tử; tác giả của “cuốn sách” ấy tên là Từ Phúc[1] – người đã từng đi tìm thuốc trường sinh cho Tần Thủy Hoàng. Có người tự nhận là mình đã tận mắt nhìn thấy sách ấy nói rằng, chữ viết trên đó không phải là chữ Hán mà là một thứ chữ khác (Chung Sênh và các đồng nghiệp suy đoán từ cách diễn tả vẫn lưu truyền bấy lâu, cho rằng chữ viết ấy thuộc ngữ hệ Ural – Altaic, nhưng không hoàn toàn giống như thế, chỉ là gần giống). Người ấy còn nói ngày nay không ai hiểu được nội dung cuốn sách nữa, mà chỉ có thể đọc hiểu những câu chữ đơn giản giới thiệu về cuộc đời Từ Phúc viết bằng thể chữ Triện[2] ở đầu cuốn sách, nói rằng tên thật của ông ta không phải Từ Phúc… Còn các phần khác thì viết bằng văn tự nước ngoài, từ trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc[3]. Cho nên người ta tin rằng Từ Phúc đã đi về hướng Nhật Bản, ông tìm ra thuốc trường sinh từ trước khi đi chứ không phải đi rồi mới tìm ra. Cuối cùng, cuốn sách vẽ một bức tranh, trông giống như một hòn đảo, ghi chú hai chữ “Bồng Lai”.
[1] Sử sách Trung Quốc có chép sơ sài về nhân vật này (ví dụ Tư Mã Thiên chép trong Sử ký – Thủy Hoàng bản kỷ, rằng Từ Phúc được Tần Thủy Hoàng sai ra biển tìm núi tiên và xin thuốc tiên).
[2] Một thể chữ Hán cổ đại (thế kỷ 3-2 TCN)
[3] Trước năm 221 TCN.
Người đã từng đọc cuốn sách ấy là một người thời Minh. Việc nhặt ra những câu chữ khó hiểu của cổ văn trong cuốn sách, độ tin cậy sẽ không cao, những thứ được chỉnh lý ra không phải thứ văn bản chính quy của thời ấy mà chỉ là những nội dung được lưu truyền trong dân gian, không có mấy giá trị nghiên cứu. Nhưng đến cuối thời nhà Thanh[4], có người nói mình đã có được nguyên bản của sách ấy và đã dày công nghiên cứu giải mã được, thấy rằng có những nội dung rất đáng sợ, e sẽ khiến cho thiên hạ tranh đoạt nó, bèn dùng cách riêng của mình để viết lại thành một cuốn sách khác.
[4] Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Nói đến dây, Chung Sênh chỉ lão Phó, nói: “Đó chính là cuốn sách mà cậu có.”
Nghe câu này, tôi đờ người ra nhìn lão Phó, anh ta lúc này cũng ngớ ra, rồi cầm cuốn sách lên lật giở và lại nhìn chúng tôi. Ý nghĩ đầu tiên đến với tôi là: rất có thể, cụ nội, ông nội và cha của lão Phó đã biết về những bí mật trong cuốn sách, sau đó bỏ nhà ra đi để tìm thuốc trường sinh. Lão Phó cau mày rõ chặt, chắc anh ta cũng đang nghĩ đến điều này.
Người biên soạn lại cuốn sách viết rằng, ông ta đã “làm lại” cuốn sách căn cứ vào các thứ ở bên trong một ngôi mộ thời Minh, cũng tức là ông ta làm nghề đào trộm mộ. Cụ thể là ngôi mộ ở đâu thì ông ta không công bố, chỉ nói rằng nơi đó không ai biết, và có lẽ trên đời này chỉ một mình ông ta có thể tìm lại được nơi ấy. Và còn nói rằng, dù người đời có tìm thấy thì cũng vô ích, vì các thứ để lại bên trong ngôi mộ đã bị ông ta tiêu hủy cả rồi; cái gọi là “bản gốc” chỉ có thể là cuốn sách mà ông ta đã chỉnh lý biên soạn lại, nếu ai đọc hiểu được thì người đó sẽ có được phương thuốc trường sinh bất tử. Sau đó, người ấy đã làm một việc “kinh thiên động địa” là bán cuốn sách cho một thương nhân thu mua cổ vật, bán rẻ như bèo, sau đó người ấy biến mất…
Về sau có nhiều người nói rằng người ấy đã được trường sinh bất tử, đã thành tiên; có người nhìn thấy ông ta trong núi Ngũ Đài Sơn, có người bảo mình nhìn thấy ông ta trên núi Nga My, người khác lại nói là trên núi Thái Sơn… cách nói rất khác nhau, nhưng chắc chắn đều là ba hoa bịa chuyện.
“Liệu các cô các cậu có tin rằng có cuốn sách ghi chép phương pháp trường sinh bất tử không?” Ông Chung Sênh bỗng ngừng kể, và hỏi chúng tôi câu này.
Tôi lắc đầu, Mông Nhân và Mễ Đâu cũng thế, lão Phó thì không thể hiện gì, chỉ cầm sách xem, hình như anh ta đang mải nghĩ gì đó.
Ông Chung Sênh nói: “Căn bản không có! Trên đời này tuyệt đối không có cách gì để trường sinh bất tử.”
Tôi bèn hỏi luôn: “Vậy cuốn sách này, thực ra là gì?”
Ông Chung Sênh thở dài, nói: “Cuốn sách này là một báu vật, bên trong chứa đựng một bí mật lớn, nhưng đồng thời cũng ẩn chứa vô số cạm bẫy. Cuốn sách gồm hai quyển, thượng và hạ, cuốn này của cậu là quyển thượng, còn quyển hạ thì không biết hiện giờ ở đâu.”