Thạch Bình Nhi thản nhiên đáp: “Điều này ngươi không cần biết.”
Trương Ái Dân mỉm cười: “Không sao. Tao còn có rất nhiều cơ hội.” Nói rồi hắn quay người nhảy vọt ra khỏi cửa sổ chạy đi. Tôi vội bảo Thạch Bình Nhi: “Đuổi theo!”
Thạch Bình Nhi cúi xuống nhìn tôi và Mông Nhân, rồi nói: “Hai anh cũng chưa bị thương gì, thôi đừng đuổi theo nữa! Tôi không muốn đuổi theo hắn. Và dù đuổi kịp thì hai anh cũng không phải đối thủ của hắn đâu.”
“Hắn là đồ quái thai gì thế?” Mông Nhân nhìn ra cửa sổ lẩm bẩm. Thạch Bình Nhi nói: “Đúng là đồ quái thai. Môt quái thai hữu dụng.”
“Cô là ai?” Tôi hỏi Thạch Bình Nhi. “Thực ra cô là ai?”
Thạch Bình Nhi vẫn nói bằng cái giọng vừa nãy trả lời gã Trương Ái Dân: “Anh không cần biết.” Rồi Thạch Bình Nhi đi vào gian nhà trong dìu lão Phó ra. Lão Phó bị đau khá nặng, mặt bị tát sưng vù. Bước ra rồi, lão Phó mới hét lên hỏi tên khốn kiếp kia đâu, anh muốn đập chết nó.
Tôi lấy di động ra định phôn cho Trần Trọng, thì Thạch Bình Nhi ngăn lại, nói là khoan đã, cô muốn nói với tôi vài chuyện. Tôi nhìn cô chằm chằm, có ý thúc giục. Thạch Bình Nhi mỉm cười: “Anh không cần nóng nảy thế đâu. Em không hề lừa tình cảm anh.”
“Các anh báo cảnh sát, thì đừng nói vòng vo gì nữa. Người đang nằm dưới mặt đất này chính là Lý Cường, nhân viên đài hỏa táng. Lần này anh ta chết thật rồi. Còn về gã Trương Ái Dân, tại sao gã có thể thay hình đổi dạng, thì các anh cứ điều tra về Lý Cường này, rồi sẽ biết. Tuy nhiên, em mong các anh chỉ nên bí mật điều tra, bởi vì, có một số chuyện nếu đưa ra ánh sáng thì sẽ lật nhào quan điểm của đa số mọi người; nếu các anh không muốn mình trở thành tiêu điểm của người đời và bị người ta giám sát lâu dài, thì nên làm như em vừa gợi ý.” Thạch Bình Nhi nói thế với ba chúng tôi. Rồi cô bước đến trước mặt tôi, nói nhỏ: “Em cho rằng, nếu kẻ đến gặp anh không phải gã Trương Ái Dân, mà là chính em thật sự, thì em cũng hơi hơi cảm động đấy! Anh khờ ạ, tạm biệt! Chúng ta còn gặp lại nhau!”
Nói xong, Thạch Bình Nhi bước ra cửa. Lúc sắp khép cửa lại, cô nói thêm một câu: “Về cuốn sách kia, các anh cần giữ gìn cẩn thận, sẽ có người đến lấy.” Nói rồi cô đóng cửa lại, tiếp đó là tiếng chân bước xuống cầu thang. Ba chúng tôi vẫn đờ ra đứng nguyên tại chỗ, hoàn toàn chưa kịp có phản ứng gì, nhất là tôi, hình như mặt tôi vẫn còn vương làn hơi ấm của Thạch Bình Nhi lúc cô áp sát lại gần.
Lão Phó kêu ầm lên đòi đuổi theo Thạch Bình Nhi, tôi và Mông Nhân phải can ngăn rằng hãy tạm cho qua đã; cứ xem cô ấy ra đòn với Trương Ái Dân lúc nãy, đủ thấy cả ba chúng tôi không thể địch nổi cô ta.
Trần Trọng đã rất nhanh chóng đem quân đến nơi. Anh nói vừa nãy Thạch Bình Nhi gọi điện cho anh, cô ta cũng kể với anh về chuyện Lý Cường.
Sau đó mấy người chúng tôi cùng đi viện để kiểm tra sức khỏe. Mễ Đâu cũng đến, rồi cô gục vào ngực Mông Nhân khóc nức nở. Cảnh tượng này khiến tôi và lão Phó há hốc miệng không khép lại được; nhất là lão Phó, vẻ mặt rất kinh ngạc dần chuyển sang tức tối. Nhưng Mông Nhân thì vẫn lẳng lặng nhìn tôi, cố không nhìn lão Phó. Lão Phó gạt ông bác sĩ sang bên, căn vặn Mông Nhân; Mông Nhân im lặng không nói nửa lời, chỉ đứng hút thuốc lá. Mễ Đâu kéo lão Phó ra hành lang. Lát sau cô trở vào nói rằng lão Phó đã đi rồi.
Tôi vội phôn cho lão Phó, thì anh ta tắt máy. Lát sau, tôi nhận được tin nhắn của lão Phó nói rằng cậu ta cần bình tĩnh trở lại đã, không vấn đề gì, đừng đi tìm cậu ta, cậu ta chỉ đi dạo cho nhẹ nhõm, rồi sẽ quay lại.
Tôi thấy chuyện này thật kỳ lạ, lúc đầu là Mông Nhân đi, bây giờ anh ta đi, liệu có phải lần sau sẽ đến lượt tôi đi dạo một vòng cho nhẹ nhõm rồi quay lại không?
Thì ra, Mông Nhân và Mễ Đâu đã “ăn ý” với nhau từ lâu, chứ đâu phải là mới vài ba hôm nay. Mễ Đâu học ngành tâm lý, vốn dĩ rất thích đọc các loại tiểu thuyết trinh thám kỳ bí huyền ảo… Mông Nhân cũng mê thể loại này, cho nên hai người đã hút hồn nhau, nhất là thời gian Mông Nhân xa thành phố, ngày nào cậu ta cũng lên mạng trò chuyện với Mễ Đâu, cứ thế dần dần nảy sinh tình cảm lúc nào không biết, thậm chí họ đã thề thốt mãi mãi không bao giờ xa nhau.
Mông Nhân thở dài: “Mong sao lão Phó sẽ không hận tôi.” Nói rồi cậu ta ôm thật chặt Mễ Đâu. Chà chà, hai người đang đóng phim diễm tình ướt át chắc?
Đúng lúc này, đúng thế, đúng vào lúc này tôi bỗng nhớ đến Thạch Bình Nhi. Nhớ đến những câu Thạch Bình Nhi nói nhỏ bên tai tôi, tôi bỗng cảm thấy toàn thân nóng bừng, tôi bèn ngồi gọn bên góc giường, châm thuốc hút…
Hôm sau Trần Trọng gọi điện hỏi tôi có thể đi cùng anh để điều tra Lý Cường không, tôi từ chối, vì mấy hôm nay xảy ra những chuyện quá đột ngột, khiến đầu tôi nặng trình trịch và rối tinh rối mù. Gã Trương Ái Dân vốn đã là một bí mật, những tưởng gặp lại gã thì bí mật sẽ được giải tỏa, nhưng rồi bí mật lại chồng chất cao hơn. Lại còn chuyện cuốn sách kia nữa, có vẻ như nó chẳng dính dáng gì nhưng vẫn lại có vấn đề, nếu không, tại sao Thạch Bình Nhi phải nói thêm cái câu kia? Xem ra, Thạch Bình Nhi cũng đang tăm tia cuốn sách, và dù không phải thế thì cô ta cũng có liên quan đến cuốn sách, then chốt của vấn đề vẫn là cuốn sách trong tay lão Phó. Lại còn sự việc Lý Cường và cả cái thuật dịch dung nghĩ mà sởn gai ốc kia nữa… Giờ đây tôi chỉ muốn ngủ một giấc thật đẫy, tạm gác mọi chuyện lại để tính sau vậy.
Kể từ lúc chứng kiến Mông Nhân và Mễ Đâu tình cảm với nhau, lão Phó biến mất cứ như là đã bay hơi, không liên lạc được nữa. Tôi hàng ngày vẫn đi làm, cũng có lúc lân la hiệu sách tìm kiếm tư liệu để bổ trợ kiến thức phong phú hơn… tôi ngày càng nhận ra mình chẳng biết gì cả, còn có quá nhiều thứ tôi chưa biết, về vấn đề này, tôi thậm chí tán thành câu nói của gã Trương Ái Dân, con người ta dần mất chính mình mà không hề hay biết.
Trần Trọng cho tôi biết, sau khi điều tra Lý Cường, thế giới quan của anh đã hoàn toàn thay đổi. Thì ra, thuật dịch dung là chuyện có thật trên đời. Lý Cường đã sử dụng dịch dung na ná như kiểu thời cổ truyền lại, kết hợp với kỹ thuật hiện đại để có được kết quả giống như thật. Ngày trước, Lý Cường đã theo học kỹ thuật hóa trang điện ảnh tốt nghiệp đại học rồi, rất khó tìm việc làm, nhưng lại rất khao khát gặt hái thành công. Ngồi nhà mãi chẳng có việc gì làm, quá sốt ruột, cho nên anh ta lại theo sư phụ học hóa trang tử thi. Sư phụ đưa cho Lý Cường một cuốn sách, sách ấy chép về phương pháp dịch dung.
Nghe Trần Trọng nói đến đây, tôi vội kêu lên “khoan đã”. Rồi hỏi: “Lý Cường đã chết rồi, anh ta báo mộng cho anh hay sao?”
Trần Trọng thở dài, rồi nói: “Tất cả những thứ mà Thạch Bình Nhi để lại, đã nói lên điều này. Thực ra, tôi đâu có thể điều tra ra mọi tình tiết? Lý Cường chết, thế là hết, chỉ có thể gói gọn trong một câu: anh ta đã từng học ngành hóa trang điện ảnh.”
Trần Trọng nói “những thứ mà Thạch Bình Nhi để lại” khiến tôi rất háo hức, tôi cố kìm nén tâm trạng của mình, hỏi Trần Trọng: “Cô ấy để lại cho anh những thứ gì?” Trần Trọng lấy ra một tệp giấy khổ A4, nói: “Tất cả nằm ở đây, viết chẳng khác gì tiểu thuyết, có điều, không thể không tin nhưng cũng không thể tin tất cả.”