Lão Phó đi rồi, thì điện thoại bắt đầu reo chuông không ngớt. Luôn có người báo tin đã nhìn thấy Thạch Bình Nhi ỗ chỗ này, chỗ kia, nhưng đều không đáng tin cậy. Có người bảo nhìn thấy ở bờ sông, không rõ đã nhảy xuống sông chưa; có người nói đã thấy cô ta đang đi vẩn vơ; thậm chí có người bảo đã nhìn thấy một phụ nữ trong tiệm mát-xa tắm gội rất giống cô ta. Toàn là những chuyện tào lao. Nói xong, họ bảo “tôi được nhân tiền hậu tạ chưa?” Tôi đáp là chưa thể, đối phương lại hỏi rằng “anh nói là hễ cung cấp tin là được thưởng” kia mà? Tôi nói, liệu thông tin của anh đã chuẩn xác chưa? Họ nói “chuẩn xác”. Tôi bảo, nếu chuẩn xác rồi thì anh dẫn Thạch Bình Nhi đến đây, nếu đúng, thì tôi cho anh gấp đôi tiền.
Cứ thế hai ngày liền, tôi nghe điện thoại thông báo giời ơi đất hỡi và đòi tiền thù lao. Trong thời gian đó, tôi chạy đến nhà ông Chung Sênh một lần và kể cho ông ta nghe câu chuyện mới xảy ra, nhờ ông ta phân tích đánh giá hộ. Nghe xong, Chung Sênh lắc đầu nói rằng khó có thể có chuyện như thế. Tôi không hiểu ý ông là gì. Ông không tin tôi nói, hay là vì đã nghiên cứu quá nhiều tư liệu cổ đại nên ông cho là như vậy. Nói là chuyện tôi kể, căn bản không thể xảy ra? Xem chừng không thể trông chờ ông giúp được gì, tôi bèn ra về.
Đến tối ngày thứ hai, tôi vừa chế nước sôi vào bát mỳ ăn liền, mắt đang nhìn ti-vi thì điện thoại bỗng đổ chuông. Tôi cầm lên nghe, là một giọng nữ nghe rất quen, người ấy vào đề luôn: “Tôi đến để nhận tiền thưởng đây!”
Tôi nói: “Cho biết tin đã! Không cần dài dòng.”
Người ấy nói: “Chính tôi sẽ đến mà!” Nói rồi dập máy luôn. Lúc này tôi mới kịp nghĩ ra, giọng nữ ấy chắc chắn là của Thạch Bình Nhi. Kỳ lạ quá! Cô ta tự lò dò đến? Nhưng tôi lại nghĩ: không ổn! Nếu cô ta dẫn theo bọn đầu gấu, sát thủ gì đó, thì tôi tàn đời. Tôi vội gọi điện cho lão Phó, lão Phó nói: “Dù đem theo bao nhiêu đứa cũng không ngán, tôi sẽ đem vũ khí đến. Hai chúng ta thừa sức.” Lão Phó còn nói Mông Nhân đang trên đường trở về đây, anh ta đang tức điên, bảo rằng trở về sẽ tìm tên khốn đóng giả anh ta, đập chết hắn.
May sao, trước khi lão Phó về đến nhà tôi thì Thạch Bình Nhi vẫn chưa đến. Khi thấy tiếng gõ cửa, tôi bước ra nhìn qua lỗ mắt thần, hỏi mấy câu về vài chuyện chỉ tôi và lão Phó biết, ví dụ sau khi uống bia rượu thì cậu thường làm gì… lão Phó trả lời rằng thường gọi tên người khác; tôi lại hỏi “gọi tên những ai”, anh ta liền nói ra; tôi lại hỏi thêm nữa… Ngay lão Phó cũng không yên tâm về tôi, anh ta hỏi tôi đủ các thứ linh tinh, ví dụ, sau lần thất tình gần đây thì anh ta cùng tôi đi đâu…
Rồi lão Phó bước vào nhà, cả hai chúng tôi cùng thở phào sau đó kéo ghế ra cửa, mỗi người một ghế ngồi ngay ở cửa, mỗi người cầm một con dao nhà bếp. Chuyện về gã Mông Nhân giả khiến chúng tôi sợ hãi, nếu hiện giờ một trong hai chúng tôi cũng là “giả” thì rõ là chết đứ đừ! Lão Phó hỏi tôi Trần Trọng đi đâu rồi. Trước đó tôi đã gọi điện cho Trần Trọng, anh nói rằng vụ án kia có chút tiến triển, lúc này không thể đến, anh dặn chúng tôi yên tâm, và bảo chúng tôi cứ báo thẳng cho cảnh sát.
Tôi cũng muốn báo cảnh sát, nhưng hiện nay có báo được không? Sự việc ngày càng trở nên to chuyện, chỉ e đến lúc đó sẽ rối mù không biết đâu mà lần.
Đúng 10 giờ, tiếng gõ cửa vang lên. Tôi rùng mình sởn gai ốc. Tôi từ từ bước về phía cánh cửa, nhòm qua lỗ mắt thần. Là Mông Nhân!
Tôi chỉ vào mắt thần, bảo lão Phó thử nhòm xem. Lão Phó nhìn, rồi lắc đầu, khẽ nói: “Không thể biết là thật hay giả.”
Tôi nói: “Thử hỏi vài câu xem sao.” Trước mắt chỉ có cách này là trực tiếp nhất và cũng là cách thộn nhất…
Lão Phó bèn hỏi: “Anh có phải là họ Lại không? Đúng anh không?”
Bên ngoài, Mông Nhân đáp: “Không phải mẹ tôi cũng không phải bố tôi! Mà là tôi! Mau mở cửa đi! Tôi không cầm theo chìa khóa, chìa khóa để ở nhà.”
Tôi vỗ vào người lão Phó: “Không đúng! Mông Nhân không thể không cầm theo chìa khóa. Cậu hỏi nữa xem sao. Hỏi rằng “có phải anh ta không”, thì thằng ngu nào chẳng trả lời được? Đầu cậu là đầu đất à? Phải hỏi những điều riêng tư chứ!”
Lão Phó bèn ho một tiếng, rồi hỏi: “Này, cậu mất gin từ năm nào?”
Lúc này tôi nghe thấy ngoài cửa có tiếng bước chân bèn áp lại nhìn, thì thấy có một bác gái đang bước từ tầng trên xuống. Lão Phó tiếp tục hỏi dồn: “Trả lời đi chứ? Tôi hỏi cậu đấy! Mất gin từ năm nào?”
Mông Nhân đứng ngoài sốt ruột quá, gắt lên: “Đồ khỉ ạ! Cụ đây vẫn còn gin nguyên, chưa hề cùng ai!”
Tôi gật đầu với lão Phó: “Chắc đúng là hắn rồi, chỉ có hắn thì mới trơ trẽn như vậy.”
Tôi lại nghe thấy tiếng chân bước của bác gái ấy càng nhanh hơn, chắc là bị Mông Nhân làm cho sợ quá…
Lão Phó hỏi: “Thế thì, hồi chúng ta học trung học, năm lớp 10, khi cậu nhận được giấy báo lĩnh tiền nhuận bút, tại sao cậu cãi nhau với cụ già gác cổng trường?”
Mông Nhân đứng ngoài hỏi “gì cơ?”. Lão Phó bèn nhắc lại lần nữa. Mông Nhân tức quá mắng té tát: “Cút cha cậu đi! Gác cổng trường hồi đó không phải cụ già mà là một trung niên. Mau mở cửa ra!”
Lão Phó gật đầu: “Đúng là một bác trung niên. Tôi cố ý bẫy cậu ta.”
Tôi vội hỏi: “Này Mông Nhân, có phải cậu dấm dúi với người yêu lần trước của cậu ở cổng nhà vệ sinh công cộng không?”
“Chết đi!” Mông Nhân điên tiết thật sự. “Mau mở cửa, nếu không tôi phá luôn! Cửa hỏng, thì các cậu đi mà sửa! Toàn hỏi những câu chổi cùn rế rách, có vẻ khoái trá lắm chứ gì?”
Tôi và lão Phó vội mở cửa ra, mở rồi lập tức kéo Mông Nhân vào ngay, liếc nhìn hai bên hành lang, rồi đóng chặt cửa lại. Tôi và lão Phó ôm chầm Mông Nhân, ôm rõ chặt và suýt nữa phát khóc, nói rằng chúng tôi rất nhớ cậu. Mông Nhân đẩy chúng tôi ra, rồi chỉ tay vào bàn trà, nói với tôi: “Thế này mà bảo là nhớ tôi? Quá đáng! Ở dây trông cứ như vừa có vụ nổ, không còn chỗ mà đứng nữa! Cậu muốn gọi tôi về để quét dọn cho cậu chứ gì? Tránh ra, biến đi! Có trà không, rót cho tôi một cốc!”
Rồi Mông Nhân mở cái tủ đựng giày dép, chỉ tay vào: “Chìa khóa nhà, tôi cất ở đây! Nhìn rõ chưa? Tôi là tôi, chứ không phải ai khác! Mẹ kiếp, tại sao lại loạn thế? Mới đi có mấy hôm mà đã xảy ra chuyện kinh hồn.”
Mông Nhân vẫn chưa nguôi giận, thì lại có tiếng gõ cửa. Tôi và lão Phó mỗi người cầm một con dao nhà bếp, đưa mắt cho nhau; lão Phó đưa cho Mông Nhân một quả dừa. Cả ba chúng tôi tiếp cận cánh cửa, nghe ngóng. Lại có tiếng gõ cửa, lần này gõ mạnh hơn, chúng tôi đều giật mình. Tôi nhòm qua lỗ mắt thần, thì thấy Thạch Bình Nhi đứng đó, mặt mũi hơi tái, tay bưng miệng, và đang không ngớt ngoảnh sang một bên nhìn cái gì đó.
Tôi nhòm sang hướng ấy, lỗ mắt thần thì hẹp, chỉ thấy một chút không gian, chỗ xa hơn nữa thì không nhìn được, không biết bên đó có gì. Hình như Thạch Bình Nhi đang bị thương… Tôi nghĩ ngợi và định mở cửa ngay, nhưng bị lão Phó ngăn lại, nói: “Sao cậu ngớ ngẩn thế?” Mông Nhân bèn nhòm ra rồi nói vọng ra ngoài đó: “Cô lùi lại, lùi ba bước! Đứng sát vào cửa của căn hộ đối diện!”
Lúc này trên gác lại có tiếng bước chân, rồi một giọng hơi già vang lên: “Cô gái này làm sao thế? Đánh nhau với đàn ông à? Cánh trẻ ngày nay thật quá đáng! Cô có cần đi viện không?” Tôi vội nhòm qua mắt thần, thấy Thạch Bình Nhi đang ngượng nghịu lắc đầu, sau đó, vị cao tuổi kia vừa lẩm bẩm vừa bước ra cầu thang đi xuống nhà. Tôi quay lại nói với Mông Nhân và lão Phó: “Nghe vị có tuổi vừa đi xuống nói thế, chúng tỏ bên cạnh cô ta không có ai khác. Chúng ta nên mở cửa chăng? Cả ba gã đàn ông chúng ta không đối phó nổi một phụ nữ hay sao?”
Lão Phó phản đối: “Ba chúng ta có đánh nổi một vận động viên không? Ví dụ, đấu vật? Cậu đã xem cảnh giết chết gã Bill gì đó chưa? Mỗi nhát dao hạ một người, như thế gọi là một chó sói…” Tôi vội ngắt lời anh ta. Nếu cứ để anh ta nói tiếp thì sẽ biến thành cuộc hội thảo điện ảnh mất thôi. Mông Nhân nói: “Tôi không thèm xem cái thứ phim ảnh văn hóa giẻ rách ấy! Bây giờ không phải lúc bàn chuyện này. Cứ nghe cậu Bạch, mở cửa ra, chắc không sao đâu.”
Chúng tôi vừa mở cửa thì Thạch Bình Nhi chạy bổ vào luôn, à không đúng, nên nói là cô ta gục ngã nhào vào, và đổ vật lên đúng người tôi. Tôi vội đỡ cô ta lên, dìu vào đi-văng. Đúng thế: cánh tay Thạch Bình Nhi bị thương.