Lưu Vân kể đến đây, anh nắn bóp các ngón tay của mình. Tôi rất sợ ngón tay anh bỗng dưng “tuột ra”, bèn rón rén hỏi anh: “Anh Vân, cha anh có phải là con trưởng không?” Lưu Vân gật đầu: “Đúng! Và, cha tôi chỉ có tôi là con một. Âu cũng là số phận nó thế.”
Gã ăn mày kia sau đó lại đến nhà cụ tổ họ Lưu dạy cụ một cách thức cần thực thi, dặn dò cụ: những người mắc thứ quái bệnh này, sau khi qua đời thì phải hỏa thiêu cái xác cho cháy hết ra tro, đem tro ấy trộn lẫn với bột nham thạch đen, dùng nó viết vào một cuốn sổ thu chi của cửa hiệu vàng mã nhà mình, thì có thể đảm bảo câu thần chú kia sẽ không tiếp tục gây tai họa cho các con cháu khác. Cuốn sổ thu chi ấy chính là cuốn sách nhỏ mà cha của Lưu Vân có trong tay.
Kể từ thời đó trở đi, nhà họ Lưu luôn chuyên tâm nghiên cứu câu thần chú ấy, nghiên cứu mấy đời vẫn không tìm ra cách hóa giải nó, họ cũng không nhẫn tâm truyền câu thần chú ấy cho người vô tội. Cứ thế, nhà họ Lưu đời trước truyền cho đời sau, cho đến đời cha của Lưu Vân.
Lưu Vân đang đứng tựa vào tường, cha anh nhẹ nhàng kéo anh lại, nói: “Con ạ, cuốn sách nhỏ này mới thật sự là khu mộ của nhà họ Lưu chúng ta. Cha luôn giữ nó bên mình, vì rất muốn sẽ có ngày tìm ra cách hóa giải để cứu các cụ tổ tiên ra khỏi đây, kẻo các cụ sẽ mãi mãi bị giam hãm trong cuốn sách nhỏ bé này.”
Lưu Vân liền giật lại cuốn sách rồi ném luôn vào lò lửa, lần này lửa cháy đùng đùng, trong nháy mắt đã hóa ra tro. Cha anh kinh ngạc, đờ ra. Sau đó ông thò tay vào lò bốc đám tàn tro ra, hai bàn tay bị cháy đen của ông bưng lấy đám tro giơ lên, kêu khóc một hồi lâu. Cuối cùng, ông nhét nắm tàn tro vào mồm nhai, nuốt bằng hết…
Nuốt xong rồi, ông bỗng nhảy chồm lên, hô lớn: “Thế là cha đã tìm ra cách hóa giải! Con trai của cha đã được cứu, con trai của cha đã được cứu rồi! Ha ha ha…”
Rồi ông lập tức chạy ào đến bên cái bàn bắt đầu cầm bút viết gì đó. Lưu Vân ngồi thu lu ở góc nhà nhìn cha anh vẫn đang viết nhưng từ thân thể ông không ngớt rơi ra những tờ giấy, những tờ giấy đó chưa kịp rơi xuống đất đã hóa thành tro rồi dần biến mất. Lưu Vân cố gục đầu vào giữa hai đầu gối, toàn thân run bắn. Không rõ sau đó bao lâu, cha Lưu Vân đã viết xong, ông giao nó cho anh, rồi ông lên giường nằm bất động. Câu nói cuối cùng của ông là: “Con à, nếu thân thể của cha bỗng không còn nữa thì con cũng đừng sợ. Con hãy dùng vải trải giường bọc cha lại, rồi đào một cái hố sâu mà chôn xuống là xong. Cha đã có thể yên tâm được rồi.”
Lưu Vân ngồi thu mình ở góc nhà suốt đêm hôm đó, và chứng kiến thân thể của cha anh từ từ biến thành tro. Đến khi trời sáng, ánh mặt trời chiếu vào nhà, Lưu Vân mới từ từ đứng dậy bước đến bên giường, đứng đờ ra.
“Không hiểu sao, sau khi trời sáng thì không gian bỗng trở nên quá lạnh lẽo. Tôi đã làm theo lời cha tôi dặn, gói đám tro của ông lại rồi đem lên núi, đào cái hố chôn. Kể từ đó trở đi, tôi đến ở nhà chú Hai của tôi, cũng tức là nhà Lưu Siêu. Chú tôi nghe tôi kể xong mọi chuyện, chú không hề tỏ ra kinh ngạc, chú dẫn tôi vào một căn phòng, trong đó chứa rất nhiều sách toàn viết về bùa chú thần chú, và nói đó là sách của nhiều đời tổ tiên để lại, nó thuộc về tôi. Cũng từ đó, tôi vùi đầu vào nghiên cứu, về sau tôi đã hiểu ra cách để giải quyết cái câu thần chú kia: coi thân thể người là vật chứa đựng, đem con người đã bị ám bởi câu thần chú trong sách (tức người ghi bằng cách đặc biệt trong khu mộ nói phía trên) đốt ra tro, sau đó nuốt đi, câu thần chú tức khắc tan biến. Chất bột nham thạch đen có hiệu quả tác động đến ma giấy, phong tỏa nó trong cuốn sách nhỏ, đốt sách đi thì người bị ám thần chú hóa thân thành ma. Tôi không rõ cách hiểu như thế có chính xác không nhưng ít ra chính tôi cho đến giờ vẫn chưa mắc phải cái bệnh kỳ quái ấy…” Lưu Vân nói xong, anh đưa chân ra giẫm lên mẩu thuốc lá trên mặt đất, mẩu thuốc đã tắt ngấm từ lâu.
“Tôi tin lời anh.” Tôi bỗng nói với Lưu Vân, tôi thậm chí không biết tại sao mình lại nói ra cái câu này.
Lưu Vân mỉm cười nhìn tôi, nói: “Cũng nên tin tôi. Anh hiện nay đã là người của Thiên Nhai, đúng không? Tôi kể với anh những chuyện này là có nguyên nhân của nó, sau này anh sẽ hiểu.”
Tôi chỉ tay vào Lưu Vân nhưng tôi cứng lưỡi không biết nói sao. Lưu Vân đứng dậy vỗ vỗ lên vai tôi, rồi anh cầm bình trà, nhìn tôi và nói: “Uống hết mất rồi, phải đi kiếm tý nước sôi. Tôi đi trước nhé! Anh đã biết tôi ở đâu rồi, khi rỗi rãi cứ đến gặp tôi trò chuyện. Nếu tôi không có nhà tức là tôi đang ở đây. Chào nhé!”
Lưu Vân bước đi, tôi chào anh, rồi chầm chậm bước ngược trở lại để đi về nhà.
Tôi nghĩ ngợi hồi lâu, thấy rằng mình nên đi gặp Lưu Siêu. Tôi vẫy tắc-xi, bấm bụng chi ra 200 nhân dân tệ, bảo anh tài xế đi thẳng đến nhà Lưu Siêu.
Vào nhà rồi, thấy hai vợ chồng Lưu Siêu đang quét dọn nhà cửa. Tôi chào cô vợ anh, rồi kéo anh ra bên ngoài, kể lại cho anh nghe những chuyện mà Lưu Vân hôm nay nói với tôi. Nghe xong, Lưu Siêu không chút do dự nói luôn: “Chuyện này ông anh tôi chưa từng nói với tôi. Tôi biết mọi chuyện, đều là do cha tôi nói cho tôi biết. Quả thật là không sao tưởng tượng nổi, nhưng đúng là chuyện có thật đấy!”
Tôi lắc đầu: “Không phải là tôi không tin, nhưng chợt nhớ đến cái lá bùa viết ngược mà tôi nhìn thấy trong động Tỵ Vân, tôi bỗng nghĩ rằng liệu có phải nơi ấy đã bị niệm thần chú nên người ta phải đi lộn ngược trên nóc động thì mới đi qua nó được?”
Lưu Siêu nói: “Thực ra, các thứ ký hiệu ở nơi đó là do những người kế tục Thiên Nhai sau này cố ý khắc lên cho tiện chứ không liên quan gì đến sơn động cả. Cũng như các cọc tiêu trên đường cái nhằm chỉ dẫn cho người đi sau biết cách đi qua một nơi nào đó, chứ không liên quan gì đến thần chú cả. Nếu anh có hứng thú đối với thần chú, thì khi rỗi rãi anh cứ đến gặp ông anh tôi. Anh ấy rất thạo về lĩnh vực này. Nhưng nên nhớ: tuyệt đối chớ hiếu kỳ về những thần chú ác, kẻo sẽ rước họa vào thân.
Chắc anh chưa biết nhà họ Lưu chúng tôi là những người duy nhất được lựa chọn để canh giữ động ký ức, là vì nhà chúng tôi đời đời bị ám thần chú, nhưng nhà chúng tôi không đem nó gán cho người vô tội, nhà chúng tôi chỉ chuyên tâm nghiên cứu. Tôi tin rằng ở miền đất này hiện nay không ai có thể hiểu biết thấu đáo như nhà chúng tôi… Còn điều này nữa, từ nay nếu không có việc gì gấp thì anh đừng tìm gặp tôi. Anh cứ đến cửa hàng của tôi ở thành phố, nói với vợ tôi; cô ấy sẽ tìm cách nhắn cho tôi biết. An toàn là số một, anh Bạch ạ!”
Nói xong, Lưu Siêu chào tôi rồi quay người đi lên gác, tôi nhìn theo cái bóng hờ hững của anh…
Việc chỉnh lý của tôi đối với “Phục ma ký”
Thực ra, tôi rất tin những việc xảy ra ở nhà họ Lưu, chẳng có gì nghi vấn cả, bởi lẽ tôi vốn rất tin vào những thứ thần chú bùa phép. Mông Nhân đã từng kể với tôi, hồi trước anh sang Nê-pan, đã gặp một người Đức rất hay đi thám hiểm châu Phi. Người Đức ấy từng nhìn thấy một thứ bùa chú ở một bộ lạc châu Phi, nó chỉ có tác dụng nhằm vào những ai mang huyết thống của bộ lạc ấy. Bộ lạc ấy nghiêm cấm không được kết hôn với người bên ngoài. Khi người Đức ấy đến chỗ họ thì ngẫu nhiên gặp một thầy phù thủy đang làm pháp thuật đối với một nam giới đã thề sẽ rời khỏi bộ lạc để đi lấy một phụ nữ thành phố. Thầy phù thủy đó dùng một cây sáo làm từ xương động vật thổi một khúc nhạc hướng về phía người nam giới, sau đó nhổ nước bọt vào anh ta, anh ta cũng không hề né tránh. Thông qua người phiên dịch, người Đức biết rằng sau khi bị yểm thần chú như thế, người nam giới nọ nói: “Tôi dù chết cũng quyết đi khỏi cái nơi khốn kiếp này.”
Người Đức nọ cảm thấy câu chuyện rất ly kỳ, bèn quyết định ở lại bộ lạc đó nghiên cứu về phép phù thủy. Nhưng mới nán lại có một ngày thì ông ta bị bộ lạc ấy đuổi đi, nếu không được anh hướng dẫn viên du lịch kiêm phiên dịch bảo vệ thì có lẽ ông ta sẽ không thể an toàn mà đi thoát.
Về đến thành phố, người Đức cố tìm kiếm người đàn ông đã bị yểm thần chú kia, ông chi ra món tiền lớn nhờ anh hướng dẫn viên du lịch ấy tìm bằng được. Khi tìm thấy thì người đàn ông bị ám thần chú ấy chỉ còn là cái xác. Nguyên nhân tử vong là… chết vì bội thực. Bác sĩ tìm thấy trong bụng anh ta vô số đồ ăn chưa tiêu hóa. Trước đó anh ta vào viện, bệnh viện cho biết anh ta luôn luôn có cảm giác rất đói bụng và ăn luôn miệng, sau đó anh ta nhìn thấy thứ gì cũng cắn, cắn cả bàn ghế, hoa lá, thậm chí ăn cả túi nilon.
Có rất nhiều học giả nói rằng thuật phù thủy bắt nguồn từ châu Phi, điều này tôi chưa đọc đến, nhưng tôi biết thần chú của Trung Quốc xuất hiện sớm nhất từ trong Đạo giáo thì phải. Về sau có lần Lưu Vân cho tôi biết, thần chú của Đạo giáo phần lớn là thần chú thiện, còn thần chú ác xuất hiện từ khi nào thì không rõ. Những người ngày nay biết sử dụng thần chú đều chỉnh sửa thần chú thiện thành thần chú ác, nhưng thường bị phản tác dụng. Thần chú là thế, dù ở Trung Quốc hay nơi khác, thần chú luôn có tác động trái chiều.
Cũng có một lập luận về thần chú, gọi là sức mạnh ám thị, tuy nhiên đến giờ trên thế giới chưa xác định chắc chắn vụ việc có người bị chết bởi sức mạnh ám thị, tức bị sức mạnh từ một phía thứ ba giết hại. Trong sự việc thần chú xảy ra ở bộ lạc châu Phi nói trên, tiền đề của nó là người tiếp nhận thần chú phải có niềm tin tuyệt đối vào pháp lực của thầy phù thủy. Có một ví dụ rất thực tế: ở bang Arizona Hoa Kỳ có một đứa trẻ vô tình chạy vào nhà kho đông lạnh, khi được người ta phát hiện thì nó đã chết, các dấu hiệu trên thi thể nó đều phản ánh bị đông lạnh mà chết. Nhưng trước đó ba ngày nhà kho ấy đã dừng hoạt động, nhiệt độ trong kho suýt soát với nhiệt độ ngoài trời. Bác sĩ nhận định rằng: khi đứa trẻ bị mắc kẹt trong kho đông lạnh thì nó lo nhất là mình sẽ bị chết cóng ở đây, sức mạnh ám thị quá mạnh đã khiến nó nghĩ rằng thân nhiệt của mình đang xuống thấp rất nhanh, điều này tác động to lớn đến sinh lý và tâm lý của nó, thế là nó chết thật.
Nhiều thứ thần chú lời nguyền đến từ tâm trạng con người, nhân tố con người đã tạo ra vô số “thần chú”, ví dụ, có người thường thích nhắn tin chúc phúc nhưng viết thêm một câu “nếu bạn chuyển tin này cho X người thì bạn sẽ gặp may mắn, nếu không làm theo thì sẽ gặp tai nạn; chính tôi cũng bị buộc phải làm điều này…” Cho nên, khi rỗi rãi trò chuyện với Lưu Vân, anh từng nói vạn vật trên thế gian đều có nguyên khí, trong nguyên khí có một phần oán khí, người và vật đều hàm chứa oán khí, một khi ám khí tăng mạnh, những yếu tố xúi quẩy tập trung lại sẽ dồn vào người ban đầu gây ra sự việc. Giống như thời cổ xưa có những người gây ra nhiều oán hận, trong số những người oán hận anh ta nếu có ai tinh thông thần chú, và hễ có người tự nguyện hiến thân, thì thần chú cộng thêm những oán khí đó sẽ được yểm vào kẻ gây ra nhiều oán hận kia – giống như trường hợp cụ tổ ban đầu nhà họ Lưu – nếu không chết nhiều người như thế thì bệnh tật cũng không phát sinh; tuy người đang sống không biết rằng mọi thần chú lời nguyền đều đến từ nhà họ Lưu, nhưng oán hận và oán khí vẫn cứ tiếp tục tồn tại. Cái thứ vô hình ấy không biết suy nghĩ gì hết, nó chỉ tự động đi tìm nguồn gốc, tìm căn nguyên ban đầu của thần chú, giống như đứa trẻ bẩm sinh đã biết tìm đến người mẹ của nó vậy.
Tôi nghĩ, đó là nguyên lý của câu nói của cổ nhân “Không nên hại người nhưng nên có ý phòng thân”. Tôi đương nhiên rất tin lời của Lưu Vân nói với tôi trong lần gặp lại anh: ma, đến từ lòng người, lòng người mới là nơi nuôi dưỡng ma.
(Hết “Phục ma ký”)