Liêu Trai Chí Dị II

Quyển 2 - Chương 19: Nhiếp Tiểu Thiến


Ninh Thái Thần người đất Chiết (tỉnh Chiết Giang), tính hào sảng, ngay thẳng tự trọng, thường nói với người ta rằng bình sinh không biết tới người đàn bà thứ hai. Gặp lúc có việc tới huyện Kim Hoa (tỉnh Chiết Giang), tới cổng bắc huyện thành vào nghỉ trong một ngôi chùa. Thấy trong chùa điện tháp nguy nga tráng lệ nhưng cỏ tranh cao lút đầu như không có người qua lại, thiền phòng hai bên đông tây cửa chỉ khép hờ, duy gian nhà nhỏ phía nam thì then khóa như còn mới. Nhìn qua góc đông điện có rặng tre to hàng chét tay, bên dưới có cái ao lớn, sen dại đã nở hoa, có ý thích cảnh u nhã. 

Gặp lúc quan Học sứ về khảo khóa, giá thuê nhà trong thành đắt đỏ nên Ninh quyết ở lại, nhân tản bộ đợi sư về. Trời sẩm tối có người sĩ nhân tới mở cửa gian nhà phía nam. Ninh bước tới chào hỏi rồi ngỏ ý. Sĩ nhân nói “Nhà này không có chủ, ta cũng chỉ ở ngụ, nếu không chê là hoang vắng, sớm tối chỉ giáo cho thì may lắm!” Ninh mừng rỡ bèn rải cỏ làm giường, ghép ván làm ghế, tính kế ở lâu. Đêm ấy trăng sáng vằng vặc, trời trong như nước, hai người nằm gác vế dưới hiên chuyện trò, hỏi han tên họ. Sĩ nhân tự nói họ Yến tên Xích Hà, Ninh tưởng là Chư sinh* chờ khảo khóa nhưng nghe giọng nói không phải là người đất Chiết, hỏi thì đáp là người đất Tần (tỉnh Thiểm Tây), ăn nói rất chất phác thật thà. Kế chuyện vãn đã cạn, hai người chia tay đi nghỉ. 

*Chư sinh: sinh viên nhà Thái học. 

Ninh lạ nhà nằm mãi không ngủ được, chợt nghe gian phía bắc có tiếng rì rầm như người nói chuyện bèn trở dậy tới núp dưới song cửa sổ bằng đá dưới vách tường phía bắc nhìn qua. Thấy sau tường có một khu nhà nhỏ, có người đàn bà khoảng hơn bốn mươi tuổi và một bà vú già mặc chiếc áo hồng bạc màu, trên tóc cài cái lược to, lưng gù già sọm đang trò chuyện dưới trăng. Người đàn bà nói “Tiểu Thiến sao mãi không tới?”, bà vú già nói “Thế nào nó cũng tới mà”. Người đàn bà hỏi “Nó có oán thán gì với bà không?”, bà vú già đáp “Ta không nghe thấy, nhưng nó có vẻ buồn rầu”. Người đàn bà nói “Con nhãi ấy thì không cần phải tử tế đâu”. Chưa dứt lời thì một cô gái khoảng mười bảy mười tám tuổi tới, nhìn phảng phất có vẻ xinh đẹp. 

Bà vú cười nói “Đừng nói chuyện người vắng mặt, hai người bọn ta chỉ trò chuyện thôi, mà con tiểu yêu lẻn tới không một tiếng động. May là bọn ta không nói gì xấu” Lại nói “Tiểu nương tử thật là xinh đẹp như trong tranh, giả như già này là đàn ông cũng bị bắt mất hồn rồi”. Cô gái nói “Bà mà không khen ta thì còn ai khen chứ”. Kế không rõ họ nói với nhau những gì, Ninh cho rằng đó là gia đình nhà láng gìềng nên bỏ vào ngủ không buồn nghe nữa, hồi lâu tiếng trò chuyện mới tắt. Ninh vừa thiu thiu sắp ngủ chợt thấy như có người tới chỗ mình nằm, vội trở dậy nhìn thì ra là cô gái bên gian nhà phía bắc. Ninh ngạc nhiên hỏi, cô gái cười đáp “Đêm trăng không ngủ được, xin tới vui vầy” Ninh nghiêm sắc mặt nói “Nàng phải đề phòng điều dị nghị còn ta thì sợ tiếng chê cười, lỡ chân một bước thì hết cả liêm sỉ”. Cô gái nói “Đêm hôm đâu có ai bỉết”, Ninh xì khinh bỉ nhưng cô gái cứ lần lữa như còn muốn nói gì nữa, Ninh quát “Đi mau đi, nếu không ta kêu to cho người bên kia biết đấy” Cô gái sợ lui ra ngoài cửa nhưng lại trở vào đặt một nén vàng lên nệm, Ninh cầm lấy ném ra thềm nói “Của phi nghĩa chỉ làm bẩn túi ta” Cô gái thẹn thùng quay ra nhặt vàng nói một mình “Người này sắt đá thật”. 

Sáng hôm sau có người học trò ở huyện Lan Khê dẫn theo một người đầy tớ tới ở trọ chờ khảo khóa, đến đêm đột nhiên chết, lòng bàn chân có một lỗ nhỏ như dùi đâm rỉ máu ra, không ai biết vì sao. Qua đêm sau thì người đầy tớ chết, cũng có dấu vết như vậy. 

Chiều tối Yến sinh về, Ninh hỏi về chuyện ấy, Yến cho là yêu tinh nhưng Ninh vốn chính trực cũng không sợ sệt. Nửa đêm cô gái lại tới, nói với Ninh rằng “Thiếp từng gặp qua nhiều người mà chưa thấy ai cứng rắn như chàng. Chàng quả là bậc thánh hiền, thiếp không dám lừa dối. Thiếp họ Nhiếp tên Tiểu Thiến, chết yểu năm mười tám tuổỉ, chôn ở cạnh chùa, bị yêu tinh bắt làm những việc hèn hạ, mặt dày ôi gặp người, thật lòng rất không thích. Nay trong chùa không còn ai có thể giết được, sợ sẽ sai quỷ Dạ Xoa tới hại chàng”. Ninh hoảng sợ xin chỉ cách thoát thân, cô gái nói “Chàng cứ ở chung một phòng với Yến sinh thì thoát”. Ninh hỏi sao không dụ dỗ Yến sinh, nàng đáp “ông ta là bậc kỳ nhân nên không dám tới gần”. 

Lại hỏi làm cách nào để dụ dỗ người ta, nàng đáp “Ai ôm ấp ta, ta sẽ lén đâm dùi vào chân cho lập tức mê man rồi hút lấy máu dâng yêu tinh uống. Có khi đưa vàng cho họ, thật ra không phải là vàng mà là xương quỷ La Sát, lưu lại để moi lấy tim gan. Hai cách ấy cùng làm được cả thì tốt nhất”. Ninh cảm tạ, hỏi phải phòng bị vào lúc nào, nàng đáp là đêm mai. Khi từ biệt, nàng khóc nói “Thiếp rơi xuống bể khổ, muốn tìm bờ lên mà không được. Chàng nghĩa khí xông mây, ắt có thể cứu thiếp, nếu có thể đem nắm xương tàn của thiếp về chôn cho mồ yên mả đẹp thì còn hơn cả ơn tái tạo”. Ninh quả quyết nhận lời, nhân hỏi mộ ở đâu, nàng đáp “Cứ ra chỗ cây bạch dương, trên ngọn có tổ quạ là đúng” dứt lời bước ra cửa biến mất. 

Hôm sau Ninh sợ Yến đi vắng, sáng sớm đã mời qua chơi, gần trưa thì sữa soạn cơm rượu mời mọc, để ý quan sát Yến, kế hẹn tối ngủ chung phòng. Yến lấy cớ thích yên tĩnh để từ chối, Ninh không nghe, ép phải mang giường chiếu qua. Yến bất đắc dĩ theo lời, dặn rằng “Ta biết túc hạ là bậc trượng phu nên rất kính mộ phong độ. Nhưng có chút niềm riêng khó thưa ngay được, vậy xin đừng nhìn vào cái tráp của ta, nếu không cả hai chúng ta đều bất lợi”. Ninh kính cẩn vâng lời, kế đều đi nghỉ. 

Yến để cái tráp trên cửa sổ, vừa ngả lưng một lát đã ngáy vang như sấm, Ninh thì không ngủ được. Khoảng gần hết canh một thì có bóng người thấp thoáng ngoài cửa sổ, giây lát tới gần cửa sổ nhìn vào, mắt sáng rừng rực. Ninh khiếp sợ đang định gọi Yến, chợt có một vật sáng loáng như giải lụa xé cái tráp bắn ra tiện đứt chấn song cửa sổ bằng đá, lóe sáng một cái rồi quay ngay vào tráp như ánh chớp tắt ngấm. Yến biết trở dậy, Ninh giả ngủ nhìn ra thấy Yến bưng cái tráp lấy vật ấy ra vừa săm soi dưới ánh trăng vừa hít ngửi, ánh sáng lóng lánh, dài khoảng hai tấc, mỏng như lá hành, kế bọc lại mấy lớp cho vào cái tráp thủng, lẩm bẩm “Không biết con quỷ già nào mà lớn mật làm hỏng cái tráp của ta” rồi lại đi nằm. 

Ninh lấy làm lạ trở dậy hỏi, kể những điều mình thấy. Yến đáp “Đã là bạn tri giao, sao còn dám giấu diếm, ta là kiếm khách đây. Nếu không vướng cái chấn song đá thì yêu tinh phải chết ngay lập tức, nhưng như thế cũng bị thương rồi”. Ninh hỏi vật cất đi là cái gì Yến đáp “Đó là thanh kiếm, vừa ngửi thấy có yêu khí”. Ninh muốn xem thử, Yến rút ra một thanh đoản kiếm lấp lánh, Ninh vì vậy càng thêm kính phục. 

Hôm sau Ninh xem ngoài cửa sổ thấy có vết máu, ra phía bắc chùa thấy một nấm mộ hoang, bên cạnh quả có cây bạch dương trên ngọn có tổ quạ. Khi việc đã xong Ninh thu xếp hành trang trở về, Yến sinh bày tiệc tiễn rất ân cần, tặng Ninh một cái bao da rách, dặn “Đây là cái bao kiếm, giữ kỹ thì lũ yêu tinh phải tránh xa” Ninh muốn theo học đạo, Yến nói “Người tín nghĩa cương trực như ông có thể học được, nhưng ông là người trong trường phú quý chứ không phải là người trong mạch đạo”. Ninh nói thác là có em gái chôn ở đó đào mộ cô gái lấy hài cốt gói lại thuê thuyền đem về quê. 

Phòng sách của Ninh nhìn ra cánh đồng, nhân chôn cất nàng ngay phía ngoài, cúng tế khấn rằng “Thương nàng hồn ma lẻ loi nên chôn cạnh nhà, khi ca khi khóc đều nghe cho khỏi bị lũ quỷ mạnh làm nhục. Có bát nước mưa mời uống, chưa được ngọt trong cũng mong đừng trách”. Khấn xong quay về nghe phía sau có người gọi “Xin đợi cùng về”, ngoái nhìn thì là Tiểu Thiến. Nàng vui vẻ cảm tạ, nói “Chàng là bậc tín nghĩa, thiếp có chết mười lần cũng không đủ đền đáp. Xin theo về ra mắt cha mẹ chồng, dù làm đứa ở con đòi cũng cam lòng”. 

Ninh nhìn kỹ thấy nàng da ửng màu ráng hồng, chân thon như búp măng, nhìn ban ngày càng xinh đẹp bèn dẫn về phòng sách, dặn ngồi đợi rồi vào trước thưa với mẹ. Mẹ ngạc nhiên, lúc ấy vợ Ninh ốm đã lâu bèn bảo đừng nói ra vì sợ nàng kinh hãi. Vừa nói xong thì cô gái nhẹ nhàng bước vào sụp lạy, Ninh nói “Đây là Tiểu Thiến”. Bà mẹ hoảng sợ nhìn nàng lo ngại, Tiểu Thiến nói “Con lênh đênh một mình, xa cha mẹ anh em, nay đội ơn công tử che chở tái tạo, nguyện sửa túi nâng khăn để báo cao nghĩa”. Bà mẹ thấy nàng xinh xắn đáng yêu mới dám trò chuyện, nói “Nương tử ra ơn chiếu cố cho con ta, già này rất mừng. Nhưng bình sinh chỉ có đứa con trai này để nối dõi tông đường, không dám cho nó lấy vợ ma”. Cô gái nói “Con thật không dám hai lòng. Người đã chết không đủ để mẹ tin cậy thì xin thờ chàng làm anh, nương tựa nơi mẹ để sớm hôm hầu hạ có được không?”. 

Mẹ thương nàng thành tâm bèn bằng lòng, nàng muốn vào lạy chào chị dâu nhung mẹ lấy cớ con dâu đang ốm từ chối. Nàng liền xuống bếp thay mẹ lo cơm nước, lên xuống ra vào như người trong nhà. Tối đến bà mẹ e sợ, từ chối về phòng ngủ, không đặt giường cho nàng. Cô gái biết ý bà liền trở ra, ngang qua phòng sách định vào nhưng cứ ngập ngừng ngoài cửa như có điều sợ sệt. Ninh gọi vào, nàng nói “Trong phòng có kiếm khí ghê người, nãy giờ qua lại không dám vào gặp chàng là vì thế”. Ninh biết là vì cái bao da, liền đem qua phòng khác treo, cô gái mới vào, tới ngồi cạnh đèn một lúc không nói gì. Hồi lâu mới hỏi “Tối đến chàng có đọc sách không? Lúc nhỏ thiếp có học kinh Lăng nghiêm, nay đã quên quá nửa. Xin cho mượn một quyển, tối rảnh nhờ chỉ cho”, Ninh nhận lời. 

Nàng lại ngồi im lặng, gần hết canh hai vẫn không đi, Ninh giục thì buồn rầu nói “Hồn côi ở xứ lạ sợ nấm mồ hoang lắm”. Ninh nói “Trong phòng sách không có giường nằm, vả lại anh trai em gái cũng nên tránh hiềm nghi”. Cô gái đứng dậy, mặt ủ mày chau như muốn khóc, ngần ngừ bước ra cửa, xuống tới thềm thì biến mất. Ninh thầm thương xót, muốn lưu nàng lại ngủ giường khác nhưng lại sợ mẹ mắng. Từ đó cô gái sớm chiều tới hầu mẹ, bưng chậu múc nước rồi ra làm việc nhà, không việc nào không theo ý mẹ, chập tối cáo lui qua phòng sách thắp đèn tụng kinh, đến khi Ninh sắp đi ngủ mới buồn rầu trở ra. 

Trước là vợ Ninh ốm nặng bỏ hết việc nhà, bà mẹ vất vả không sao chịu nổi, từ khi cô gái tới mới được thong thả nên trong lòng biết ơn nàng. Lâu dần thì yêu quý như con ruột, quên luôn việc nàng là ma, chiều tối không nỡ bắt nàng phải ra khỏi nhà nên giữ lại ngủ cùng. Cô gái lúc mới tới không ăn uống gì, nửa năm mới dần dần hớp qua canh cháo, mẹ con Ninh đều rất thương yêu, kiêng nói tới chuyện ma quỷ nên mọi người cũng không ai biết. Không bao lâu vợ Ninh chết, bà mẹ ngầm có ý cưới Tiểu Thiến cho con trai nhưng lại sợ mang hại. Nàng biết ý, nhân lúc rảnh rỗi nói với bà “Con ở đây đã hơn một năm, chắc mẹ đã hiểu lòng con không muốn hại người nên một lòng theo công tử không có ý khác. Chỉ vì thấy công tử quang minh lỗi lạc, trời người đều phục nên thật lòng muốn nương tựa giúp đỡ để vài ba năm nữa nhờ cậy được chút sắc phong cho vẻ vang dưới suối vàng”. Bà mẹ cũng biết nàng không độc ác nhưng còn lo không có cháu nối dõi, cô gái nói “Con cái là do trời cho, tên chàng đã được ghi trong sổ phúc, có ba con trai, không vì lấy vợ ma mà bị cắt giảm”. 

Mẹ tin lời bàn với con trai, Ninh mừng lắm bày tiệc báo cho thân thích bè bạn. Có người xin nhìn mặt cô dâu mới, cô gái thản nhiên trang điểm lộng lẫy bước ra, cả tiệc đều tròn mắt nhìn, không nghĩ là ma mà ngờ là tiên. Vì vậy họ hàng nội ngoại đều mang lễ vật tới đến mừng, tranh nhau làm quen. Cô gái giỏi vẽ hoa lan hoa mai, cứ vẽ ra đưa tặng để đáp lễ, người được tặng đều trân trọng cất kỹ, lấy làm vinh dự. 

Một hôm cô gái cúi đầu đứng bên song cửa sổ có vẻ lo lắng buồn bã, kế chợt hỏi cái bao da để đâu Ninh đáp “nàng sợ hãi nên ta gói cất ở chỗ khác”. Nàng nói “Thiếp nhận được sinh khí người sống đã lâu nên không còn sợ nữa, chàng nên đem ra treo ở đầu giường”. Ninh hỏi làm thế là có ý gì nàng đáp “Ba hôm nay trong lòng thiếp cứ hồi hộp không yên, có lẽ bọn yêu tinh ở Kim Hoa hận thiếp bỏ trốn đi xa, e sớm chiều sẽ tìm tới đây”. Ninh đem cái bao da ra, cô gái lật đi lật lại nhìn kỹ rồi nói “Cái này là bậc kiếm tiên dùng để bắt ma quỷ, rách nát đến thế này không biết đã giết bao nhiêu rồi. Hôm nay thiếp nhìn thấy còn rợn cả người”, rồi đem treo lên. 

Hôm sau nàng lại bảo Ninh đem treo trên cửa, đến tối ra ngồi bên đèn, dặn Ninh đừng ngủ. Chợt có một vật như con chim bay rơi xuống, nàng hoảng sợ nép vào sau tấm rèm, Ninh nhìn ra thấy hình dáng nó như quỷ Dạ Xoa, mắt lóe như chớp, miệng đỏ như máu, tay quờ quạng như sắp chộp bắt ai tiến thẳng tới trước cửa, dừng lại hồi lâu rồi tới gần cái bao da, quờ móng giật lấy như muốn xé rách. Cái bao chợt kêu soạt một tiếng, thấp thoáng như có nửa mình quỷ bên trong nhô ra nắm Dạ Xoa kéo vào, tiếng động tắt ngay mà cái bao cũng co lại như cũ. Ninh hoảng sợ, cô gái cũng bước ra mừng rỡ nói “Hết lo rồi!”. Cùng nhìn vào bao, chỉ thấy có vài đấu nước trong mà thôi. 

Vài năm sau quả nhiên Ninh thi đỗ Tiến sĩ, sinh được một con trai. Sau khi Ninh lấy vợ lẽ, mỗi vợ lại sinh một trai nữa, ba con sau đều làm quan, rất có danh tiếng.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận