Lolita

Chương 23


Tôi lao ra ngoài. Bên kia dốc phố nhỏ của chúng tôi phơi ra một cảnh tượng khác thường. Chiếc Packard to tướng, đen bóng, leo lên bãi cỏ thoai thoải của Bà Cô Đối Diện, chéo góc với vỉa hè (nơi cái chăn len kẻ ô rớt một đống), và đỗ ở đó, chói sáng trong ánh mặt trời, cửa của nó mở toang như những cái cánh, hai bánh trước đâm sâu vào bụi cây thường xanh. Phía bên phải thân xe, trên mặt dốc cỏ cắt xén gọn gàng, một quý ông lớn tuổi ria bạc, ăn mặc lịch sự — com lê xám hai hàng nút, nơ bướm chấm tròn — nằm ngửa, đôi chân dài của ông ta chụm lại, như tượng sáp cỡ tử thi. Tôi phải diễn tả tác động từ cảnh tượng tức thời thành chuỗi từ ngữ; tích tụ mang tính vật thể của chúng trên trang giấy làm suy giảm chớp lóe thật sự, sự thống nhất bén nhọn của ấn tượng: đống chăn, chiếc xe, ông-lão-búp-bê, cô y tá của Bà Cô Đ.D. loạt xoạt chạy, tay cầm cái cốc vơi một nửa, quay lại hiên nhà được che chắn — nơi quý bà hom hem, bị giam hãm, nhổm mình dậy, và có thể hình dung chính bà đang rít lên, nhưng không đủ to để át đi tiếng sủa ăng ẳng đều đặn của con chó săn lông dài nhà Đồng Nát đang lăng xăng từ nhóm này qua nhóm khác — từ lũ hàng xóm đã kịp túm tụm trên vỉa hè, gần đống bầy hầy kẻ ô, và quay lại chiếc xe mà nó cuối cùng cũng săn được, rồi tới nhóm khác trên bãi cỏ, gồm có Leslie, hai cảnh sát và một người đàn ông cường tráng đeo kính gọng đồi mồi. Ở chỗ này, tôi phải giải thích rằng sự xuất hiện mau lẹ của cảnh sát tuần tra, hầu như chỉ hơn một phút sau tai nạn, là do họ đang ghi vé phạt mấy chiếc xe đỗ trái luật trên con hẻm ngang cách đây hai khối nhà phía dưới dốc; rằng thằng cha đeo kính là Frederick Beale, (con), người lái chiếc Packard; rằng ông bố 79 tuổi của gã, người vừa được cô y tá rưới nước lên ngay trên bờ cỏ xanh nơi ông nằm — một chủ nhà băng nằm bờ nằm bụi, ấy là nói thế — không phải bất tỉnh nhân sự, mà chỉ đang hồi phục một cách thoải mái và có phương pháp từ cơn đau tim nhẹ hoặc từ những khả thể của nó; và, sau cùng, rằng cái chăn trên vỉa hè (nơi thị rất hay chỉ cho tôi với thái độ chê bai những khe nứt xanh rêu ngoằn ngoèo) đậy điệm thi hài nham nhở của Charlotte Humbert, kẻ vừa mới bị hạ gục và kéo lết đi vài foot bởi chiếc xe của Beale khi thị vội vã băng ngang qua phố để bỏ ba lá thư vào hòm thư, tại góc bãi cỏ của Bà Cô Đối Diện. Những lá thư được nhặt lên và trao vào tay tôi bởi cô bé dễ thương mặc chiếc đầm hồng dơ bẩn, và tôi tống khứ chúng đi bằng cách cấu xé chúng thành nhiều mảnh trong túi quần.

Ba bác sĩ và vợ chồng Farlow chẳng mấy chốc đã tới tiếp quản hiện trường. Ông góa, một người tự chủ khác thường, không kêu khóc cũng không nổi giận. Ông loạng choạng một chút, ông đã làm vậy; nhưng ông chỉ mở miệng để phổ biến tin tức hoặc đưa ra những chỉ dẫn thuộc loại thật sự cần thiết có liên quan tới việc nhận dạng, khám xét và tống khứ một phụ nữ đã chết, đỉnh đầu của cô ta như món cháo xương, óc, tóc màu đồng và máu. Mặt trời vẫn còn đỏ lóa khi ông được đưa lên chiếc giường trong phòng Dolly bởi hai người bạn ông, John lịch thiệp và Jean mắt-đẫm-sương; hai vợ chồng, để được ở gần, nghỉ qua đêm trong phòng vợ chồng Humbert; cái đêm, theo tất cả những gì tôi biết, họ không trải qua một cách vô tội như nghi lễ dịp này yêu cầu.

Tôi không có lý do để nhấn lâu, trong cuốn hồi ký rất đặc biệt này, vào những thủ tục tiền-tang-lễ cần phải chăm lo đến, hoặc vào chính tang lễ ấy, cái tang lễ lặng lẽ y như đám cưới trước đây. Nhưng vài tình tiết có liên quan đến bốn hay năm ngày sau cái chết đơn giản của Charlotte, thì cần được lưu ý.

Trong đêm góa bụa đầu tiên của mình, tôi đã xỉn đến nỗi ngủ cũng say sưa y như đứa trẻ từng ngủ trên chiếc giường đó. Sáng hôm sau tôi vội vã kiểm tra những mẩu thư trong túi mình. Chúng đã bị trộn lẫn một cách quá hoàn hảo để có thể sắp xếp lại thành ba bức đầy đủ. Tôi cho rằng “…và tốt nhất là tìm ra nó vì không thể mua được…” đến từ bức thư gửi cho Lo; còn những mẩu khác có vẻ nhằm tới ý định chạy trốn cùng Lo đến Parkington của Charlotte, hoặc thậm chí quay về lại Pisky, để bác kền kền không quắp được bé cừu non quý báu của thị. Những mẩu và vụn giấy khác (chưa bao giờ tôi nghĩ mình có móng vuốt khỏe như thế) rõ ràng liên quan tới lá đơn không phải gửi đến St. A. mà đến trường nội trú khác, vẫn được đồn đại là khắt khe, buồn thảm và cằn cỗi trong phương pháp của họ (mặc dù có chỗ chơi croquet dưới hàng du) đến nỗi giành được bí danh “Trại cải tạo Gái Trẻ.” Cuối cùng, lá tâm thư thứ ba rõ ràng là gửi cho tôi. Tôi lựa ra được những mẩu tin như “… sau một năm ly thân chúng ta có thể…” “ôi, anh yêu thương nhất của em, ôi anh…” “…tồi tệ hơn cả trường hợp anh bao gái…” “…hay là, có thể, em sẽ chết…” Nhưng tựu trung thì lượm lặt của tôi chỉ có ít ý nghĩa; những mảnh khác nhau của ba lá thư thiếu suy nghĩ này cũng lộn xộn trong lòng bàn tay tôi như những thành tố của chúng đã từng tồn tại trong đầu của Charlotte đáng thương.

Hôm đó John phải gặp khách hàng, Jean phải cho chó ăn, thế là tôi tạm thời bị lôi khỏi đám bạn của mình. Mấy người bạn đáng mến cứ sợ tôi có thể tự vẫn nếu bị bỏ lại một mình, và do không còn ai thân quen khác đang rảnh rỗi (Bà Cô Đối Diện đã bị cấm cung, nhà McCoo bận xây nhà mới cách đây vài dặm, và nhà Chatfield vừa mới bị gọi đến tiểu bang Maine do chuyện phiền muộn nào đó của chính gia đình họ), nên Leslie với Louise được giao nhiệm vụ bầu bạn cùng tôi, lấy cớ là giúp đỡ tôi phân loại và đóng gói vô số món đồ côi cút. Trong khoảnh khắc cảm hứng tột đỉnh tôi khoe vợ chồng Farlow tử tế và cả tin (chúng tôi đang chờ Leslie tới cuộc hẹn hò được trả tiền của hắn với Louise) tấm ảnh nhỏ của Charlotte mà tôi tìm thấy trong những món đồ của thị. Từ tảng đá lớn, thị mỉm cười qua làn tóc gió bay. Tấm ảnh được chụp vào tháng Tư năm 1934, một mùa xuân không quên. Trong chuyến công tác đến Mỹ, tôi đã có dịp sống qua vài tháng ở Pisky. Chúng tôi đã làm quen và có một chuyện tình điên dại. Tôi đã kết hôn, than ôi, và nàng đã hứa hôn với Haze, nhưng sau khi tôi quay về châu Âu, chúng tôi trao đổi thư từ qua người bạn, bây giờ đã chết. Jean thì thầm là cô có nghe vài tin đồn và ngắm nghía tấm ảnh, và, vẫn dán mắt vào nó, đưa nó cho John, John gỡ cái tẩu của ông ra, ngắm Charlotte Becker trẻ đẹp phóng đãng, đưa nó lại cho tôi. Rồi họ bỏ đi trong vài giờ. Louise hạnh phúc đang ríu rít rầy la người tình trẻ dưới tầng hầm.

Vợ chồng Farlow vừa mới đi khỏi thì một mục sư cằm-xanh ghé qua — và tôi cố gắng làm cho cuộc chuyện trò ngắn gọn đến mức thích hợp, sao cho không làm tổn thương lòng tự ái mà cũng không gợi lên những ngờ vực từ phía ông ta. Vâng, tôi sẽ dành hết đời mình chăm lo cho hạnh phúc của con. Ở đây này, nhân thể, có cây thánh giá nhỏ mà Charlotte Becker tặng tôi khi cả hai chúng tôi đều còn trẻ. Tôi có người chị họ, một bà cô đáng kính ở New York. Tại nơi đấy chúng tôi sẽ tìm được trường tư tuyệt vời nào đó cho Dolly. Ôi, Humbert lắm mưu nhiều kế làm sao!

Vì lợi ích của Leslie và Louise, những người có thể (và đã) báo cáo chuyện này cho John và Jean, tôi diễn rất hay một cuộc gọi đường dài hết sức lớn tiếng, giả bộ trao đổi với Shirley Holmes. Khi John và Jean quay về, tôi đã hoàn toàn dắt mũi được họ bằng cách thuật lại cho họ, cố ý bối rối càu nhàu chẳng đâu vào đâu, rằng Lo đã đi với nhóm trung học trong chuyến hành quân dài năm ngày và không thể liên lạc được.

“Trời đất ơi,” Jean nói, “chúng ta sẽ làm gì đây?”

John nói, chuyện hoàn toàn đơn giản — ông sẽ nhờ cảnh sát Climax tìm đoàn hành quân — chắc họ sẽ mất không đến một giờ. Trên thực tế, ông biết rõ vùng này và —

“Nghe này,” ông tiếp tục, “tại sao tôi không lái xe đến đó ngay bây giờ, còn anh có thể ngủ với Jean” — (ông thật ra không nói thêm câu đó nhưng Jean ủng hộ đề nghị của ông nhiệt tình đến nỗi có thể được ngầm hiểu là thế).

Tôi sụp xuống. Tôi nài xin John hãy để mặc mọi thứ như chúng đang có. Tôi nói tôi sẽ không thể chịu đựng được việc có đứa trẻ luôn loanh quanh bên tôi, thổn thức khóc, đeo dính vào tôi, con bé rất dễ xúc động, trải nghiệm này có thể ảnh hưởng đến tương lai của nó, các bác sĩ tâm thần có phân tích những ca như vậy rồi. Đột nhiên có một quãng lặng.

“Thôi được, anh là người quyết,” John nói hơi lỗ mãng. “Nhưng xét cho cùng thì tôi là bạn và cố vấn của Charlotte. Dù sao chăng nữa cũng muốn biết anh định làm gì với con bé.”

“John,” Jean la lên, “con bé là con của anh ấy, không phải của Harold Haze. Anh không hiểu sao? Humbert là cha đẻ của Dolly.”

“Anh hiểu,” John nói. “Tôi xin lỗi. Vâng, tôi hiểu rồi. Tôi đã không nhận ra. Điều này đơn giản hóa vấn đề, đương nhiên rồi. Và dù anh cảm thấy gì thì cũng hợp lý.”

Người cha quẫn trí tiếp tục nói rằng ngay sau tang lễ ông sẽ đi và mang đứa con gái mỏng manh của mình về, sẽ gắng hết sức mình để cho con bé một quãng thời gian tốt đẹp ở môi trường hoàn toàn khác, có thể là một chuyến du ngoạn tới New Mexico hay California — giả dụ là, dĩ nhiên, ông còn sống.

Tôi đã khéo léo thể hiện sự bình tĩnh trong nỗi tuyệt vọng cùng cực, sự im lặng trước cơn bùng nổ điên loạn nào đó, đến nỗi vợ chồng Farlow hoàn hảo đã lôi tôi về nhà họ. Họ có một hầm rượu ngon, so với mức trung bình của những hầm rượu ở cái đất nước này; và nó thật sự hữu ích, vì tôi sợ mất ngủ và một hồn ma nào đấy.

Bây giờ tôi nên giải thích lý do khiến tôi muốn giữ Dolores ở xa. Đương nhiên, thoạt đầu, khi Charlotte vừa mới bị trừ khử và tôi bước-lại vào nhà như một người cha tự do, nuốt chửng hai suất uýt ky kèm soda tôi đã pha, và chữa cháy chúng bằng một hay hai panh món “pin” của tôi, rồi chui vào phòng tắm để trốn khỏi đám hàng xóm và bạn bè, lúc đó chỉ có duy nhất một thứ trong tâm trí và mạch máu của tôi — ấy là, ý thức rằng sau chừng vài giờ nữa thôi, Lolita ấm áp, tóc-nâu, của tôi, của tôi, của tôi sẽ ở trong vòng tay tôi, tuôn những giọt lệ mà tôi sẽ hôn sạch còn nhanh hơn chúng kịp chảy ra. Nhưng vào lúc tôi đứng, đỏ ửng và mắt mở to, trước gương, John Farlow tế nhị gõ cửa hỏi xem tôi có ổn không — tôi lập tức nhận thức được rằng, về phía mình, sẽ điên rồ nếu như để nàng trong nhà cùng tất cả những kẻ rách việc ấy quanh quẩn xung quanh với toan tính đem nàng đi xa khỏi tôi. Quả thực, chính Lo, tính khí vốn thất thường, có thể — ai mà biết được? — lại thể hiện thái độ ngờ vực ngu ngốc nào đó với tôi, một bất hòa bất thình lình nào đó, sự e ngại mơ hồ và tương tự như thế — và phần thưởng thần diệu sẽ tiêu tan vào đúng giây phút khải hoàn.

Nói về những kẻ rách việc, tôi có vị khách nữa — bạn Beale, thằng cha đã khử vợ tôi. Nặng nề và nghiêm trang, nhìn từa tựa như một dạng tạm gọi là phụ tá đao phủ, với cặp má chó Bun, mắt đen nhỏ, kính gọng dày và lỗ mũi lộ, gã được John dẫn vào, sau đó ông để chúng tôi lại, đóng cửa phòng chúng tôi hết sức lịch thiệp. Vừa khéo léo nói gã có hai đứa con sinh đôi học cùng lớp với con gái riêng của tôi, vị khách lố bịch của tôi vừa mở tung một biểu đồ lớn gã đã vẽ về tai nạn. Nó là, như con gái riêng của tôi có lẽ sẽ diễn tả, một thứ “cực siêu,” với đủ mọi thể loại mũi tên và đường kẻ chấm đầy ấn tượng bằng mực nhiều màu. Quỹ đạo của bà H.H. được minh họa tại vài điểm bằng hàng loạt hình viền nho nhỏ — nữ doanh nhân hay nữ quân nhân trong hình dạng như con búp bê bé xíu — dùng trong thống kê như những biểu tượng trực quan. Rất rõ ràng và thuyết phục, hành trình này dẫn đến va chạm với đường ngoằn ngoèo được vạch một cách táo bạo miêu tả hai cú ngoặt liên tiếp — một là do chiếc xe của Beale tạo ra để tránh con chó nhà Đồng Nát (chó không xuất hiện), và hai là một cái giống như sự tiếp diễn cường điệu của cái thứ nhất, ý là để tránh thảm kịch. Dấu chữ thập đen ngòm biểu thị vị trí nơi mà hình viền bé nhỏ gọn gàng ấy cuối cùng đã an nghỉ trên vỉa hè. Tôi tìm kiếm một dấu hiệu tương tự nào đó để biểu thị cái chỗ trên bờ dốc nơi ông cụ thân sinh to đùng bằng sáp của vị khách đã nằm, nhưng không có trên đó. Quý ông đấy, tuy nhiên, đã ký biên bản như một nhân chứng bên dưới tên của Leslie Tomson, Bà Cô Đối Diện và vài người khác.

Bằng cây bút chì chim ruồi khéo léo và tinh tế bay từ điểm này qua điểm khác, Frederick chứng minh sự vô tội tuyệt đối của mình và sự bất cẩn của vợ tôi: lúc gã đang hành động để tránh con chó, thì thị trượt trên nhựa đường vừa tưới nước và lao mình về phía trước trong khi đáng ra thị phải nhào mình không phải về phía trước mà là về phía sau (Fred thể hiện làm thế nào bằng một cú giật mạnh cái vai độn của gã). Tôi nói, chắc chắn không phải lỗi của gã rồi, và cuộc điều tra xác nhận quan điểm của tôi.

Vừa thở mạnh qua lỗ mũi căng đen-sì, gã vừa lắc đầu mình và tay tôi; sau đó, với thái độ savoir vivre hoàn hảo và hào phóng lịch sự, gã đề nghị trả phí tổn cho nhà đòn. Gã ngóng chờ tôi khước từ đề nghị của gã. Với tiếng thổn thức biết ơn trong cơn say mèm, tôi chấp thuận lời đề nghị. Điều ấy làm gã sửng sốt. Từ tốn, đầy hoài nghi, gã nhắc lại những gì đã nói. Tôi lại cảm ơn gã, thậm chí còn nồng nhiệt hơn trước.

Do cuộc gặp gỡ kỳ quặc này mà tình trạng tê cứng của linh hồn tôi được hóa giải trong chốc lát. Và không có gì đáng để ngạc nhiên! Tôi đã thực sự nhìn thấy kẻ tay sai của định mệnh. Tôi đã sờ nắn vào đúng thịt da của định mệnh — và cái vai độn của nó. Một biến đổi chói lòa và ghê gớm đột ngột diễn ra, và đây là phương tiện. Giữa những chi tiết phức tạp của mô hình (bà nội trợ vội vã, mặt đường trơn tuột, con chó tai hại, dốc gắt, xe to, khỉ đầu chó sau tay lái), tôi có thể lờ mờ nhận ra đóng góp đê hèn của chính mình. Nếu tôi không phải là một kẻ khờ dại đến nỗi — hoặc một thiên tài trực giác đến nỗi — giữ cuốn nhật ký đó lại, thì những chất lỏng được sản sinh bởi sự căm hận đầy oán thù và sự tủi hổ đến cháy bỏng hẳn sẽ không che mờ mắt Charlotte vào lúc thị lao đến thùng thư. Nhưng thậm chí chúng có che mờ mắt thị, vẫn chẳng có gì có thể xảy ra, nếu như định mệnh tỉ mẩn, bóng ma đồng bộ ấy, không hòa trộn trong bình chưng cất của nó cả chiếc xe và con chó và mặt trời và bóng râm và ẩm ướt và yếu ớt và sức mạnh và sỏi đá. Vĩnh biệt, Marlene! Cái bắt tay trang trọng của định mệnh béo phị (mô phỏng bởi Beale trước khi ra khỏi phòng) đưa tôi ra khỏi trạng thái mê muội của mình; và tôi khóc. Thưa quý bà và quý ông trong bồi thẩm đoàn — tôi khóc.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận