Tôi lăn bánh đi tiếp. Thật vui khi lại được nhìn thấy ngôi nhà thờ thanh mảnh màu trắng và những cây du khổng lồ. Do quên mất là trên một con phố vùng ngoại ô ở Mỹ thì vị khách bộ hành đơn độc còn làm người ta để ý đến nhiều hơn người lái xe đơn độc, nên tôi để chiếc ô tô lại trên đại lộ và kín đáo đi bộ ngang qua số nhà 342 phố Lawn. Trước trận huyết chiến vĩ đại, tôi được quyền thư giãn đôi chút, được quyền ọe ra những tàn dư tinh thần để làm sạch mình. Những cánh cửa chớp màu trắng của tòa lâu đài Đồng Nát đã đóng chặt, và ai đó đã gắn chiếc ruy băng buộc tóc bằng nhung đen mà họ lượm được lên tấm biển “BÁN NHÀ” màu trắng dựng nghiêng về phía vỉa hè. Không có con chó nào sủa. Không có gã làm vườn nào gọi điện thoại. Không có Bà Cô Đối Diện nào ngồi trên hàng hiên mọc đầy cây leo — nơi, vị khách bộ hành đơn độc bực mình vì thấy, có hai phụ nữ trẻ để tóc đuôi ngựa và mặc tạp dề chấm bi giống hệt nhau dừng mọi việc họ đang làm để chằm chằm nhìn gã: chắc chắn bà đã chết từ lâu, và đây có lẽ là hai cô cháu gái sinh đôi của bà ở Philadelphia.
Tôi có nên vào ngôi nhà cũ của mình không nhỉ? Như trong tiểu thuyết của Turgenev, dòng suối nhạc Ý trôi đến từ một cửa sổ mở toang — cửa sổ phòng khách: tâm hồn lãng mạn nào đang chơi piano nơi không có phím piano nào nhún xuống và dập dờn vỗ sóng trong Chủ Nhật mê hoặc ấy với ánh nắng vờn trên đôi chân yêu dấu của nàng? Bỗng nhiên tôi để ý thấy rằng từ bãi cỏ mà tôi từng cắt, có một nymphet khoảng chín hay mười tuổi, da óng vàng, tóc nâu, mặc quần sọc trắng, đang nhìn tôi với vẻ mê hoặc hoang dại trong đôi mắt xanh-đen rất to của bé. Tôi buông vài lời bỡn cợt với bé, không ác ý, một lời ngợi ca theo kiểu cựu lục địa, cháu có đôi mắt đẹp làm sao, nhưng cô bé hấp tấp lùi lại và tiếng nhạc bất ngờ ngưng bặt, và một gã đàn ông tóc đen tướng tá hung dữ, nhấp nhánh mồ hôi, đi ra ngoài và trừng mắt nhìn tôi. Tôi đang định tự giới thiệu mình thì đúng lúc ấy, giật mình luống cuống như trong mơ, tôi chợt nhận thấy chiếc quần jean công nhân đóng kết bùn đất, chiếc áo len dài tay rách tươm dơ dáy, cái cằm râu ria lởm chởm, cặp mắt đỏ ngầu máu của kẻ vô công rồi nghề của mình. Chẳng nói chẳng rằng, tôi quay lưng lê bước ngược lối tôi vừa đi qua. Bông hoa xanh rớt nhìn giống hoa cúc tây mọc lên từ cái kẽ nứt vỉa hè mà tôi vẫn còn nhớ. Lặng lẽ hồi sinh, Bà Cô Đối Diện được những cô cháu gái của bà đẩy ra ngoài trên chiếc xe lăn, lên hàng hiên nhà bà, như thể hàng hiên ấy là khoang lô, đây là sân khấu còn tôi là diễn viên ngôi sao. Vừa cầu nguyện cho mụ không gọi mình, tôi vừa vội vã chạy đến chiếc xe. Con phố nhỏ mới dốc làm sao. Đại lộ mới thăm thẳm làm sao. Tờ giấy phạt màu đỏ phơi mình giữa cần gạt nước và kính chắn gió; tôi cẩn thận xé nó thành hai, bốn, tám mảnh.
Cảm thấy mình đang lãng phí thời gian, tôi phóng xe về khách sạn ở trung tâm thành phố, nơi hơn năm năm trước tôi đã tới với chiếc vali mới tinh. Tôi lấy phòng, thu xếp qua điện thoại hai cuộc hẹn, cạo râu, tắm rửa, mặc bộ quần áo màu đen và đi xuống uống rượu ở bar. Chẳng có gì thay đổi. Quán bar vẫn tràn ngập cùng một thứ ánh sáng mờ ảo, màu ngọc hồng lựu không thể chịu đựng được mà ở Châu Âu những năm trước đây thường đi cùng các hắc điếm, nhưng ở đây lại có nghĩa là chút không khí ở khách sạn gia đình. Tôi lại ngồi tại cái bàn nhỏ nơi mà vào đúng lúc tôi bắt đầu lưu lại, ngay sau khi trở thành khách trọ của Charlotte, tôi đã thấy thích hợp để ăn mừng sự kiện đặc biệt ấy bằng cách lịch thiệp cưa đôi với ả nửa chai sâm panh, và nhờ vậy đã đánh gục trái tim tội nghiệp, chan chứa của thị. Cũng như hồi ấy, một người hầu bàn khuôn trăng đầy đặn đang cực kỳ cẩn trọng sắp xếp năm mươi li rượu sherry trên cái khay tròn cho tiệc cưới. Lần này là đám cưới Murphy với Fantasia. Ba giờ kém tám phút. Lúc đi ngang qua tiền sảnh, tôi phải vòng qua một nhóm quý bà đang chia tay nhau sau bữa tiệc trưa với mille grâces[2]. Một bà đâm bổ vào tôi cùng tiếng rú chói tai vì nhận ra tôi. Mụ ta là một phụ nữ lùn, mập mạp mặc trang phục xám ngọc trai, với một cái lông chim dài, xám, mảnh gắn trên chiếc mũ nhỏ. Mụ Chatfield. Mụ tấn công tôi bằng nụ cười giả tạo, hết thảy bừng bừng sự hiếu kỳ độc địa. (Thế tôi có làm với Dolly, tỷ như, cái việc mà Frank Lasalle, một gã thợ máy năm-mươi-tuổi, đã làm với bé Sally Horner mười-một-tuổi vào năm 1948 hay không?) Tôi sớm đặt được niềm hân hoan háo hức ấy hoàn toàn dưới sự kiểm soát. Mụ cứ tưởng tôi ở California. Cuộc sống thế nào…? Với niềm vui thích tao nhã, tôi thông báo cho mụ biết là cô con gái riêng của vợ tôi vừa mới lập gia đình với một kỹ sư mỏ rất trẻ và rất giỏi giang đang làm một công việc bí mật ở Northwest. Mụ bảo mụ không tán thành chuyện cưới xin sớm như vậy, mụ sẽ không bao giờ cho phép Phyllis của mụ làm thế, con bé giờ mới có mười tám tuổi…
“Ồ vâng, tất nhiên,” tôi bình thản nói. “Tôi nhớ Phyllis chứ. Phyllis và Trại Q. vâng, tất nhiên rồi. Nhân thể, cháu nó có bao giờ kể cho bà nghe ở nơi đó thằng Charlie Holmes đã dìu dắt các nữ trại viên bé bỏng của mẹ nó vào đời như thế nào không?”
Nụ cười đã vỡ vụn của Bà Chatfiled lúc này hoàn toàn tan biến.
“Thật xấu hổ,” mụ gào lên, “thật xấu hổ, thưa ông Humbert! Thằng bé tội nghiệp ấy vừa bị giết ở Triều Tiên.”
Tôi nói, bà không nghĩ là “vient de[3],” với động từ nguyên thể, diễn đạt sự việc gần đây rành mạch nhiều hơn rất nhiều so với từ “just” của tiếng Anh với động từ quá khứ hay sao? Mà thôi tôi phải phắn đây, tôi nói.
Chỉ cần đi qua hai khối nhà là tới văn phòng của Windmuller. Gã chào đón tôi với cái xiết tay rất chậm, rất bảo bọc, mạnh mẽ, dò hỏi. Gã tưởng tôi ở California. Có phải tôi đã từng sống một thời gian ở Beardsley? Con gái gã vừa mới nhập học vào trường Đại Học Beardsley. Thế cuộc sống thế nào…? Tôi cung cấp mọi thông tin cần thiết về bà Schiller. Chúng tôi có cuộc thảo luận công việc rất dễ chịu. Khi bước ra ngoài, vào nắng tháng Chín nóng nực, tôi đã thành kẻ cùng khổ vô ưu.
Giờ đây, khi mọi thứ đã được gạt khỏi lối đi, tôi có thể hiến trọn mình cho mục đích chính của chuyến đi thăm Ramsdale. Theo quy củ mà tôi vẫn luôn tự hào, tôi đã giữ cho gương mặt của Clare Quilty bị che khuất trong ngục tối của tôi, nơi gã chờ tôi đến với thợ cắt tóc và linh mục: “Réveillez-vous, Laqueue, il est temps de mourir![4]” Ngay lúc này thì tôi chẳng có thời gian để tranh luận về thuật ghi nhớ tướng mạo — tôi đang trên đường đến chỗ ông chú của gã và đang đi bộ rất nhanh — nhưng hãy cho phép tôi ngoáy vài chữ thế này: tôi đã lưu giữ được gương mặt cóc của ai đó trong chất cồn của ký ức u u minh minh. Trong vài lần thoáng nhìn, tôi để ý thấy nó hơi giống với một người buôn rượu vui tính và khá là đáng ghét, một người bà con của tôi ở Thụy Sỹ. Với những quả tạ của ông ta và bộ quần áo dệt kim hôi hám, và cánh tay to béo lông lá, và mảng đầu hói, và con hầu kiêm vợ bé mặt như mặt lợn, nói chung ông ta là một thằng già vô hại. Thực tế là quá vô hại, để có thể nhầm lẫn với con mồi của tôi. Ở tâm trạng mà lúc này tôi thấy mình đang rơi vào, tôi đã đánh mất liên hệ với hình ảnh của Trapp. Nó bị nhận chìm hoàn toàn bởi gương mặt của Clare Quilty — như được miêu tả, với sự chính xác của nghệ thuật, bởi bức ảnh chụp gã, được đóng khung để dựng trên bàn ông chú gã.
Ở Beardsley, dưới bàn tay của bác sỹ Molnar đáng mến, tôi đã trải qua một ca phẫu thuật răng khá quan trọng, chỉ giữ lại vài chiếc răng cửa trên và dưới. Những chiếc răng giả dựa vào hệ thống nướu răng giả với bộ dây kim loại kín đáo, chạy suốt theo lợi trên của tôi. Toàn bộ thiết bị này là một kiệt tác tiện lợi, và những chiếc răng nanh của tôi trong tình trạng hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, để tô điểm cho mục đích bí mật của tôi bằng một lý do đáng tin cậy, tôi bảo bác sỹ Quilty rằng, với hy vọng giảm bớt chứng đau dây thần kinh mặt, tôi quyết định cho nhổ hết răng mình. Một bộ răng giả đầy đủ sẽ tốn mất bao nhiêu tiền? Quá trình điều trị sẽ mất bao lâu, giả dụ như ta chốt được buổi hẹn đầu tiên đâu đó trong tháng Mười Một? Thằng cháu trai nổi tiếng của ông hiện nay đang ở đâu? Liệu có thể nhổ hết chúng trong một buổi điều trị kịch tính hay không?
Bác sỹ Quilty — một người đàn ông tóc hoa râm, mặc bờ lu trắng, với mái tóc húi cua và đôi má phẳng to bự của một chính trị gia — ngự trên góc chiếc bàn của lão, một bàn chân đu đưa đầy vẻ mơ màng và cám dỗ trong lúc lão giới thiệu một kế hoạch dài hạn hoành tráng. Đầu tiên lão sẽ cung cấp cho tôi những hàm răng giả tạm thời cho đến khi lợi ổn định lại. Rồi lão sẽ làm cho tôi một bộ lâu dài. Lão muốn được nhòm vào cái miệng ấy của tôi. Lão đi đôi giày tổ ong hai màu. Lão không đến thăm thằng cháu từ năm 1946, nhưng cho là có thể tìm thấy nó tại căn nhà tổ tiên để lại cho nó, Đường Grimm, không xa Parkington. Một giấc mộng thật huy hoàng. Chân lão đu đưa, cái nhìn chằm chằm của lão đầy cảm hứng. Việc này sẽ làm tôi tốn khoảng sáu trăm đô. Lão đề nghị là lão sẽ lấy kích thước ngay bây giờ, và làm bộ đầu tiên trước khi bắt đầu phẫu thuật. Miệng tôi đối với lão là một hang động tráng lệ đầy ắp châu báu vô giá, nhưng tôi không cho lão vào.
“Không,” tôi nói. “Nghĩ lại, tôi sẽ để bác sỹ Molnar làm hết mọi chuyện này. Giá của ông ta cao hơn, nhưng ông ta dĩ nhiên là một nha sỹ giỏi hơn ông nhiều.”
Tôi không biết liệu có ai trong số độc giả của tôi sẽ có lúc nào đó có cơ hội nói câu ấy. Cảm giác sướng mê. Ông chú của Clare vẫn ngồi trên bàn, mặt mũi vẫn mơ màng, nhưng bàn chân lão ngừng đẩy và đu đưa cái nôi hy vọng màu hồng. Mặt khác, cô y tá của lão, một cô gái héo hon, gầy trơ xương, có cặp mắt buồn thảm của những cô gái tóc vàng không thành đạt, lao theo sau tôi đặng có thể kịp đóng sập cánh cửa theo gót tôi.
Nhét băng đạn vào báng súng. Nhấn vào vị trí của nó đến khi nghe thấy hoặc cảm thấy băng đạn mắc lẫy. Khít mê mẩn. Sức chứa: tám viên. Nước thép xanh biếc. Đau đáu chờ nhả đạn.
[1]. Nhại cách phát âm tiếng Pháp của bà Charlotte. Bonzhur – bonjour: chúc một ngày tốt lành.
[2]. Tiếng Pháp. Ngàn lần màu mè điệu bộ.
[3]. Tiếng Pháp. Vừa mới.
[4]. Tiếng Pháp. Dậy nào, Laqueue [La Que: Cue; Quilty], đến lúc chết rồi!