– Bệnh nhân bị đánh ở đâu? – Tôi hỏi cô y tá tóc đỏ, chải chuốt ngồi sau bàn đón tiếp và phân loại bệnh nhân.
– Lạy Chúa tôi! Chị bị đánh? – Cô ta nói và tờ People tuột khỏi lòng lúc cô ta đứng dậy.
Tôi nhìn quanh phòng đợi. Căn phòng vắng ngắt. Lạ hơn nữa, nó sạch bong. Khúc nhạc chiều cổ điển êm ả vọng từ các loa trên đầu. Tôi nhớ ra Bronxville là một trong những ngoại vi đắt giá nhất ở Westchester, là khu lân cận quá ư giàu có của Yonkers[11]. Lawrence chỉ cấp cứu người bị thương vì chơi bóng vợt, thỉnh thoảng một ca hít oxy quá liều, một thiếu nữ ngã ngựa.
Tôi nhìn khắp đây đó trong lúc trở lại bãi xe.
Một người vô danh đẫm máu không thể còn lại ở ngưỡng cửa bệnh viện Lawrence, vì toàn bộ lực lượng cảnh sát Bronxville không có ở đây. Paul đưa Scott đi đâu?
Tôi vắt óc nghĩ đến bệnh viện tiếp theo gần nhất. Tôi quyết định đến Trung tâm Y tế Đức Mẹ Nhân từ ở phía nam đại lộ Bronx River và lại lao ra đường phố ướt át lần nữa.
Xuôi xuống Bronx. Nơi không có chữ ville.
Sau khi chạy xuôi khoảng mươi phút, tôi chú ý thấy những ngôi nhà kiểu thực dân, cửa ra vào ở giữa ở hai bên đại lộ thay bằng những căn hộ kém đẹp đẽ hơn nhiều. Steve McQueen[12] hẳn hãnh diện vì cái kiểu lượn xe đỗ xòe đuôi cá trước phòng cấp cứu của Đức Mẹ Nhân từ trên phố 233 Đông.
Tôi nghe thấy nhiều giọng phàn nàn lúc tôi len lên đầu hàng dài dằng dặc trong phòng đợi bẩn thỉu và chen chúc.
– Vài giờ trước các vị có nạn nhân bị đánh nào giấu tên không? – Tôi hét to với người y tá đầu tiên tôi tìm thấy.
Cô ta phủ chiếc khăn ăn đỏ như máu lên xiên thịt nướng trong tay người phụ nữ Tây Ban Nha bên cạnh rồi mới ngước nhìn.
– Anh ta ở đằng kia, – cô ta nói, vẻ khó chịu. – Mà cô là ai?
Nhiều tiếng la hét đuổi theo tôi lúc tôi lao qua cánh cửa mở phía sau cô ta. Tôi thấy con số 3 và kéo tuột tấm rèm che bằng nhựa màu xanh vây quanh đó.
– Không gõ cửa à, mụ kia? – Một gã da đen gần như trần truồng hỏi tôi bằng giọng ác ý lúc cố đưa bàn tay không bị còng vào chấn song giường che thân. Một vòng băng rộng trắng xóa quấn quanh đầu gã, và một cảnh sát da trắng to lớn mặc đồng phục ngồi ngay cạnh bàn chân gã.
Tôi cảm thấy bụng tôi đau quặn. Nếu Scott không ở đây, biết đâu…
Vậy anh ta ở chỗ quái nào? Và Paul đâu?
– Này chị kia, – viên cảnh sát Bronx nói với tôi và bật ngón tay đánh tách. – Có chuyện gì thế?
Tôi đang lúng túng tìm lời nói dối thì nghe thấy hai tiếng bíp to trong máy bộ đàm của anh ta.
Anh ta không để ý đến tôi trong giây lát lúc nhấc máy. Lời nói quá méo mó nhưng tôi nghe thấy gì đó về một nạn nhân là đàn ông da trắng và một địa chỉ.
Công viên St. James. Đường Fordham và đại lộ Jerome. Đàn ông da trắng? Tôi ngẫm nghĩ.
Không thể được.
Hẳn có sự trùng khớp.
Tôi khép cái miệng đang há hốc lúc viên cảnh sát dồn cái nhìn chằm chằm ngờ vực vào tôi.
– Ông nói đây không phải là nơi tôi nộp mẫu nước tiểu? – Tôi nói và quay lưng đi.
Nhiều phút sau, tôi đi về hướng Nam đại lộ Bronx River. Mình chỉ ghé qua thôi, tôi tự nhủ lúc lao như tên bắn vào đường Fordham. Không có gì quan trọng. Thực ra nó hầu như ngớ ngẩn. Vì Scott không thể ở hiện trường tội ác nào đó tại Bronx. Vì lúc này anh đang ở một bệnh viện, được chữa trị những vết rách và thâm tím. Tôi tự nhủ, những vết rách và thâm tím xoàng.
Tôi ngoặt về hướng Tây lên đường Fordham. Tôi đi dưới tấm biển trên một ngọn đèn đường gãy viết: “Bronx ở đằng sau”. Vậy nó ở đâu? Tôi nghĩ và nhìn chằm chằm vào những cửa hàng quần áo Tây Ban Nha có cửa chớp bằng thép, thỉnh thoảng có một cửa hàng Gà rán Popeye hoặc Taco Bell phá vỡ sự đơn điệu.
Tôi quyết rẽ phải vào đại lộ Jerome.
Tôi dận cả hai bàn chân lên phanh chiếc Mini.