Tôi đi thuê một phòng thuộc khu trọ sinh viên, mọi điều kiện sinh hoạt chỉ là tối thiểu. Căn phòng nhỏ xíu, không có wifi, không có TV, mái tôn nóng hầm hập mà chỉ có một cái quạt cũ, không có cả bếp, phòng tắm thì dùng chung. Tôi ngồi thừ ra, dù cố nghiến răng nhưng nước mắt vẫn cứ chảy. Lần đầu tiên từ khi gia đình xảy ra chuyện tôi mới khóc thế này, cảm giác bản thân thật nhỏ bé, cô đơn, yếu đuối và bất lực.
Khóc đến khi ngủ thiếp đi, tôi tỉnh dậy đã là tối muộn. Được cái tính tôi mau buồn nhưng cũng mau vui, ra ngoài lau mặt sạch sẽ, tôi hít một hơi dài, sẵn sàng cho mọi việc sắp tới. Xét cho cùng khi rắc rối kéo đến trước cửa, không lảng tránh được thì phải đối mặt vậy thôi, bởi “sau tất cả thì mai sẽ là ngày mới”. Việc đầu tiên tôi làm là nhìn quanh phòng tìm chỗ giấu đồ kín đáo, cuối cùng tự tay may hai cái túi bí mật vào hai cái quần cũ rồi bỏ hai lượng vàng vào khâu kín lại. Sau đó tôi đi bộ ra ngoài mua lấy một thùng mì và một cái ấm siêu tốc, cảm thấy yên tâm hơn, ít nhất tôi sẽ không chết vì đói.
Qua mấy ngày, tôi viết email hỏi thăm bố mẹ, biết được bên đó hai người đã tạm ổn. Mẹ tôi xin được chân thu ngân trong minimart, bố tôi làm quét dọn, rửa bát trong một tiệm ăn Việt Nam, Duy thì đã bắt đầu đi học. Về một mặt nào đó tôi nghĩ cuộc trốn chạy này không phải quá tệ, mong rằng bố tôi đã nhận được bài học đủ thấm thía để từ giờ tránh xa cờ bạc.
“I”m a big big girl
In a big big world
It”s not a big big thing if you leave me
But I do do feel that
I do do will miss you much
Miss you much…”
Cả đêm hôm đó, tôi nghe đi nghe lại bài “Big big world”, thả tâm trạng của mình theo từng câu chữ, cảm giác kỳ lạ như thể bài hát viết ra từ thế kỷ trước này là dành riêng cho mình. Đúng là tôi đã lớn rồi, thậm chí thời điểm này mới bước vào đời là muộn so với nhiều người, việc rời xa gia đình cũng không phải chuyện gì quá ghê gớm, chỉ là tôi không sao ngăn được nỗi nhớ bố mẹ và em tới cào ruột. Tôi nhớ những buổi tối ấm cúng cả nhà ngồi quây quần, nhớ ngôi nhà cũ như một nơi trú ẩn an toàn tuyệt đối, nhớ thằng em bướng bỉnh mà ngây thơ. Tôi xấu hổ lau đi một giọt nước mắt, dù chẳng có ai chứng kiến, hít một hơi dài để nén lại nhưng rồi một giọt khác lại rơi xuống. “Chỉ lần này, chỉ một lần này nữa thôi” tôi tự nhủ khi vùi mặt vào chiếc gối ướt cố vỗ giấc ngủ. Phải, chỉ được một lần thế này nữa thôi bởi dù tôi có khóc trôi cả mắt, có chết khô xác trong căn phòng trọ tồi tàn này thì cuộc sống ngoài kia vẫn tiếp diễn, thêm hay bớt một hạt bụi chẳng ảnh hưởng gì cả.
……………
Trong ngày hôm sau, tôi đã tự mình “lột xác”: nhuộm lại tóc đen, cắt đi phần đuôi tóc uốn xoăn nhẹ, bỏ hết đồ make–up, ra chợ sinh viên mua ít giầy dép quần áo. Kết quả là tôi còn không tự nhận ra bản thân khi nhìn vào gương. Cho dù trước đây tôi không thuộc thành phần sành điệu hàng hiệu nhưng cũng chưa bao giờ trông “chân chất” như thế này. Hai ngày tiếp theo tôi giam mình trong nhà, vắt tay lên trán tính toán việc thời gian tới phải làm gì để sống, bởi “miệng ăn núi lở”, đừng nói hai cây vàng, có đến hai mươi cây cũng không đủ để tôi ăn không ngồi rồi, kể cả chỉ ở phòng trọ hạng bét và ăn mì tôm. Nhưng vấn đề là tôi có thể làm gì? Bằng cấp chưa có, có làm thì chủ yếu cũng loanh quanh mấy việc gia sư, phục vụ bàn, bán hàng hay hướng dẫn viên du lịch là cùng. Nhưng với hoàn cảnh của tôi hiện nay thì những việc đó đều không phù hợp vì tôi không thể chường mặt ra ngoài.
– Đây em điền thông tin vào đây. – Bà cô bên trung tâm giới thiệu việc làm đặt trước mặt tôi tờ đơn.
Tôi cắn môi, điền đầy đủ thông tin, chỉ có phần quê quán là mất một lúc để nghĩ xem nên viết thế nào.
– Cô quê Hà Giang? – Bà cô nheo nheo mắt rồi nhìn chứng minh thư của tôi. – Sao trên chứng minh thư lại ghi nguyên quán lẫn thường trú ở Hà Nội?
– Nhà em hộ khẩu trước giờ vẫn ở Hà Nội nhưng em theo bố mẹ lên Hà Giang từ nhỏ, cũng mới về lại Hà Nội thôi ạ.
– Ừ… mà học vấn mới hết cấp hai?
– Nhà em ở sâu trong bản, không có trường cấp ba mà nhà thì không có điều kiện đi xa đi học ạ.
– Được rồi.
Tôi biết việc tốt nhất bây giờ là xin đi làm giúp việc, hoặc theo giờ, hoặc toàn thời gian bởi ngay cả muốn ra khu công nghiệp làm công nhân tôi cũng không xoay xở ra được sơ yếu lý lịch có xác nhận chính quyền địa phương để nộp hồ sơ.
Tôi về nhà nằm chờ mấy hôm thì có điện thoại gọi tới báo đi làm, làm giúp việc theo giờ.
…………
Ngôi nhà tôi tới làm nằm sâu trong ngõ nhưng rộng rãi, xinh xắn, chủ nhà là hai bác đã đứng tuổi, con cái đều ở xa, thế nên chỉ cần người tới lau dọn hai lần một tuần, tiền lương ổn mà công việc cũng nhẹ nhàng.
Trước đây khi gia cảnh nhà tôi còn khấm khá, tôi không bao giờ phải đụng tay vào bất cứ việc gì trong nhà, tất cả đã có cô giúp việc lo nhưng đừng nghĩ vì thế mà tôi không biết làm gì. Cá nhân tôi cho rằng những việc kiểu dọn dẹp nấu nướng ai cũng có thể làm, vấn đề là có muốn hay không mà thôi. Cho dù trước đó tôi chưa từng làm và cũng không có ai hướng dẫn nhưng chỉ vài thao tác trên google, tôi đã có thể học được mọi thứ tôi cần. Vì vậy, ngay từ ngày đầu tiên đi làm, tôi đã không hề bị chê trách điều gì.
Đi làm yên ổn được vài buổi thì tới một hôm, trong lúc quét nhà tôi nhặt được dưới gầm ghế một sợi dây chuyền vàng chóe, vừa to vừa dày. Tôi lôi ra, ngắm nghía rất kỹ rồi thở dài cất vào túi.
– Lúc nãy cháu quét nhà nhặt được, cháu gửi lại hai bác. – Trước khi về tôi dùng hai tay đưa cho hai bác chủ nhà, lễ phép nói.
– Cám ơn cháu. – Bác gái cười, ánh mắt sáng lấp lánh.
Tôi đã ra đến cửa, định đi về rồi nhưng nghĩ tới nét mặt đôn hậu của hai bác chủ nhà lại không nỡ, liền quay lại nói:
– Hai bác đừng làm như thế này nữa, không có tác dụng đâu ạ. Nếu bác muốn thử lòng người làm thì tốt nhất là rải tiền lẻ quanh nhà chứ giờ ai cũng có thể phân biệt vàng thật vàng giả.
– Cháu… – Hai người mặt hơi tái đi.
– Dạ, cháu không có ý trách hai bác, chỉ là có thể cháu sẽ không làm ở đây mãi, sau này người khác tới, cháu sợ hai bác bị người ta lừa.
– Cám ơn cháu. – Bác trai có vẻ cảm động nói.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì từ khi tôi ra đời đến nay, nhà tôi ít nhất phải có năm, sáu người giúp việc và việc thử lòng họ thì mẹ tôi rất rành. Cái trò đem vàng giả ra thử như thế này đã lỗi thời cả chục năm rồi, giờ không còn ai bị lừa nữa. Mẹ tôi thường đem tiền lẻ, kem dưỡng da, quần áo ra làm mồi nhử, cách này hiệu quả hơn rất nhiều bởi giá trị không quá lớn khiến họ nghi ngờ mà lại vừa đủ để khơi gợi lòng tham, ai không thật thà thường nhanh chóng bị lộ.
Sau sự kiện dây chuyền vàng kia, hai bác chủ nhà tỏ vẻ quý mến tin tưởng tôi hơn hẳn. Họ coi tôi như người nhà, còn hứa giới thiệu chỗ đi làm, đi học, rồi nói chuyện giúp tôi định hướng tương lai nhưng tôi chỉ cười cười rồi lảng đi. Hiện giờ tất cả những gì tôi quan tâm chỉ là làm sao có đủ cơm ăn hàng ngày, trả tiền thuê nhà hàng tháng và giữ được tính mạng, còn ngoài ra mọi đam mê hoài bão trước kia đã nằm lại ngôi nhà cũ của gia đình. Nói chung thì tôi cũng dần hiểu ra cuộc sống luôn là một chuỗi biến động, có thăng có trầm và nên thuận theo mà sống chứ ngồi một chỗ đau buồn hay bám lấy những sĩ diện thời xưa cũ chẳng giải quyết được vấn đề gì.
Tôi làm ở đây được vài tháng thì bác chủ nhà có khách, một đôi vợ chồng trạc tuổi bố mẹ tôi hoặc hơn một chút mà chỉ cần nhìn qua cũng thấy được sự thành đạt và viên mãn ở họ. Cả hai đều toát lên vẻ sang trọng và trí thức chứ không phải kiểu giàu xổi nhan nhản hiện giờ, cử chỉ lẫn lời ăn tiếng nói đều nhã nhặn mà lại rất có uy. Tôi giúp bác chủ nhà pha trà mời nước xong rồi lẳng lặng đi làm việc của mình.
– Anh chị có được cô bé giúp việc sáng sủa quá. – Bà khách lên tiếng, và tôi theo phản xạ thông thường khi nghe thấy ai đó nhắc tới mình thì thính giác trở nên nhạy bén hơn hẳn.
– Ừ, con bé thông minh, nhanh nhẹn và rất thật thà.
– Lạ nhỉ, thông minh thường không đi cùng với thật thà. – Bà cười nhẹ. – Em đang đau đầu vụ tìm người này quá. Chị biết đó, nhà em không có giúp việc thì cứ lộn tung hết cả lên.
– Nhà cô xa thế sao thuê được giúp việc theo giờ. Hay để tôi hỏi xem cái Thư có muốn qua đó làm toàn thời gian cho nhà cô không nhé? – Không rõ bà khách có thái độ gì nhưng tôi lại nghe bác chủ nhà nói tiếp. – Ừ nhỉ, đúng là không được.
Tôi rất băn khoăn không hiểu mình đã làm gì thất thố để bị từ chối thẳng thừng như vậy. Mặc dù rất quý mến hai bác chủ nhà, tôi cũng đang suy nghĩ về việc tìm chỗ làm giúp việc toàn thời gian bởi lương vừa cao hơn, vừa không tốn kém sinh hoạt phí, lại đỡ phải đi lại nhiều ngoài đường. Thời gian gần đây tôi có dấu hiệu bị hoang tưởng rằng mọi nơi mọi chỗ đều có người theo dõi, nên mỗi lần rời khỏi nhà là bịt kín mặt mũi, đi đường nhìn trước ngó sau cẩn thận đâm ra trông rất giống phường trộm cắp có tật giật mình.
– Thế dạo này hai thằng nhà cô thế nào?
– Chị biết thằng Vũ rồi đó, lúc nào cũng chỉn chu, bố con nó rất hợp nhau trong công việc còn thằng Phong vẫn thế… – Lời này kèm theo một tiếng thở dài nhẹ.
– Ít nhất cô vẫn có chúng nó ở bên, nhìn nhà tôi đây này…
– Hai đứa nhà chị có nói bao giờ về không?
– Về gì nữa, lấy chồng phải theo chồng, với cả bên đó cơ hội tốt hơn ở Việt Nam, tôi cũng chẳng nỡ ép. – Bác trai đều đều nói nhưng tôi vẫn nghe ra được tiếng thở dài não ruột.
Thì ra là như vậy, tôi cười thầm trong bụng, phải tùy bệnh bốc thuốc thôi.
…………….
– Năm nay cháu bao nhiêu tuổi rồi Thư nhỉ? – Một ngày xong việc sớm, bác gái giữ tôi lại nói chuyện phiếm bởi bác trai đi vắng mà tính bà không thích ở nhà một mình.
– Cháu hai mốt ạ.
– Cũng đâu còn nhỏ nữa, bác tưởng ở quê tuổi này phải chồng con đề huề rồi chứ.
– Dạ,… – Tôi cúi đầu, tỏ vẻ cực kỳ khó xử, mắt còn hơi đỏ lên. – đó cũng là lý do cháu xuống Hà Nội làm việc.
– Vì sao? – Bà ngạc nhiên hỏi lại. – Nếu cháu không ngại thì cứ tâm sự với bác.
– Cháu… sợ.
– Đừng lo. – Bà nhìn tôi khuyến khích. – Chỉ cần cháu không vi phạm pháp luật thì không phải sợ gì cả.
– Cháu không biết nữa. – Tôi lí nhí nói. – Cháu luôn bị mọi người nhìn với ánh mắt e ngại, lảng tránh. Cháu cũng không hiểu tại sao nhưng từ bé cháu đã chỉ thích bạn gái, lớn lên rồi cháu càng không thích con trai chút nào. Bố mẹ ép cháu phải lấy chồng, cháu không chịu, bố liền đánh, đuổi cháu khỏi nhà, nên cháu mới phải xuống Hà Nội.
Một thoáng e ngại hiện lên trong mắt bác gái, tôi rất hiểu tâm lý thế hệ đi trước, nói gì thì nói, đồng tính vẫn là một đề tài nhạy cảm, khó có thể đòi hỏi họ cởi mở hay thông cảm hoàn toàn được. Bà vẫn lịch sự với tôi như bình thường nhưng không giấu được chút khoảng cách chứ không còn thân mật như trước.
Sau đó, đúng như tôi hi vọng, bà khách tên Hà hôm trước quay lại, hỏi han tôi vài câu rồi đề nghị tôi đến nhà bà làm, thấy bác chủ nhà ủng hộ, tôi liền gật đầu.
Làm sao tôi không hiểu nỗi lo ngại của bác Hà cơ chứ? Có một vấn đề khá tế nhị mà mọi nhà khi thuê giúp việc đều lo ngại tuy không nói thẳng ra: mối quan hệ giữa osin và ông chủ hay cậu chủ. Do đó, phần lớn các nhà thuê osin toàn thời gian thường hướng tới hai đối tượng chính là các cô bé chưa trưởng thành hoặc các bà đã có tuổi nhưng các cô bé thì bộp chộp không thạo việc còn các bà thì sức khỏe không tốt, năm ngày ba bệnh. Gia đình chủ nhà mới của tôi có hai cậu con trai, một người bằng tuổi tôi còn một người hơn tôi năm tuổi, đó chính là lý do mà lúc đầu hai ông bà đã e ngại không muốn nhận, cho dù tôi khỏe mạnh, lễ phép và làm việc tốt.
Và thế là, nhờ câu chuyện bịa đặt về giới tính kia, tôi đã chính thức xin được một công việc ổn định, mà tôi đùa là “việc nhẹ, lương cao”.
Dù sao đó cũng chỉ là một lời nói dối vô hại mà thôi, tôi đâu còn gì để mất, thêm tiếng les cũng chẳng ảnh hưởng gì xấu hơn được nữa. Lúc đó tôi đã nghĩ như vậy đấy.