Mộng Đẹp Như Mơ

Chương 5


13

Chẳng cần bàn cãi thêm gì nữa, ta chắc chắn rằng Thôi Cẩm Trạch hoàn toàn không có chút ít tình cảm huynh muội gì với ta.

Là do ta quá ngây thơ, ta theo mẹ về Ung Châu từ ngày còn chưa đầy một tuổi, mười bảy năm qua chẳng từng gặp mặt lần nào thì sao có thể có cái gọi là tình thân được cơ chứ.

Đối với hắn thì Tô thị mới là mẹ, Thôi Viện mới là em gái ruột thịt của mình.

Đơn giản như việc Thôi Viện thèm ăn, cứ ồn ào muốn ăn bánh trà ở Nguyệt Quế Lâu mãi, hắn gõ đầu nàng ta một cái, cưng chiều nói: “Đồ tham ăn, để a huynh sai người mua về cho muội.”

“Muội không cần, bánh trà lạnh rồi ăn dở lắm, muội muốn a huynh dẫn muội đi cơ!”

Hôm đó Thôi Cẩm Trạch không lay chuyển được nàng ta, cuối cùng đành phải đồng ý.

Lúc hai người chuẩn bị ra cửa mới phát hiện ta đã đứng ở đó từ ban nãy đến giờ. Nét mặt Thôi Cẩm Trạch có vẻ hơi kinh ngạc, đoạn lại lên tiếng: “A Âm cũng đi cùng đi, muội đã về nhà mười ngày rồi mà còn chưa ra ngoài đi dạo lần nào.”

Thực ra ta chẳng có tí hứng thú gì với không khí náo nhiệt bên ngoài kia.

Nếu bọn họ biết rằng suốt mười ngày từ lúc ta về đây đến giờ, đêm nào ta cũng đang mài dao thì không biết bọn họ sẽ có cảm giác gì.

Khi chuẩn bị hồi kinh ta đã mang theo một con dao và một thanh kiếm.

Con dao đó là con dao g i ế t chó năm xưa, từng c h é m c h ế t gã quản sự Tiền Chương của điền trang và vợ của gã.

Thanh kiếm kia là kiếm tốt năm đó ta mời người rèn đúc, từng g i ế t hai ông cậu của ta.

Nghĩ lại thì tay của ta cũng chẳng sạch sẽ gì cho cam. Suốt hai năm qua ta kinh doanh việc làm ăn nhà họ Lê càng ngày càng lớn, từ buôn sắt tới buôn muối, trong khoảng thời gian đó ta đã gặp được không biết bao nhiêu yêu ma quỷ quái.

Hồi đó Dự Châu từng có một lái buôn lớn chuyên làm đồ sứ, ông ta suốt ngày diễu võ giương oai trước mặt ta, sau lưng cũng không ngừng bày kế ngáng chân việc làm ăn của ta.

Ta không có quá nhiều kiên nhẫn, sau mấy lần như thế ta bắt đầu chán ngấy, trực tiếp dẫn ông ta vào rừng rồi làm thịt luôn. Hòe Hoa đã đào hố xong từ lâu, xử lý ông ta một cách thần không biết quỷ chẳng hay.

Con người sống trên đời thật sự chẳng hề có ý nghĩa.

Cũng chỉ có lúc cầm dao g i ế t n g ư ờ i ta mới coi như có chút thích thú vui vẻ.

Thôi Cẩm Trạch dẫn Thôi Viện đến quán trà để ăn bánh, bên người còn đi theo mấy gã sai vặt và nha hoàn. Vốn là ta không muốn đi nhưng Hòe Hoa đứng sau lưng cứ đẩy ta mãi.

Ta biết, nàng muốn ta đi ra ngoài ngắm nhìn một chút.

Ngày nào ta cũng thẫn thờ không có tinh thần gì, nàng vẫn luôn hoài nghi rằng có lẽ ngay giây tiếp theo ta có thể lôi một lọng dây thừng ra rồi treo luôn lên xà nhà.

Ta đi tới quán trà với bọn họ. Đường phố vô cùng náo nhiệt, kinh thành này thật sự rất phồn hoa.

Nhưng mà dù có náo nhiệt thế nào thì cũng chỉ có như vậy, người đến người đi, âm thanh huyên náo.

Đối với ta mà nói thì vốn dĩ đây lại là một buổi trưa chẳng hề có ý nghĩa. Mãi cho đến khi ta gặp được Tiểu hầu gia của phủ Vĩnh Ninh hầu — Ngụy Trường Thư.

Kinh thành là nơi tụ tập của con em thế gia, như a huynh Thôi Cẩm Trạch của ta cũng được coi là một quân tử khiêm tốn, nhân phẩm và tướng mạo đều ổn thỏa.

Công tử nhà Lễ bộ thị lang nghe thì cũng có vài phần mặt mũi đấy, nhưng nếu nói đến hai chữ hiển hách thì ở nơi kinh kỳ phồn thịnh này, không thể không nhắc đến Tạ công tử của phủ Bình Viễn tướng quân, công tử Thẩm Chiêu – con trai trưởng của phủ Đại tông chính cùng với Tiểu hầu gia Ngụy Trường Thư của phủ Vĩnh Ninh hầu.

Những lời này đều do Hòe Hoa nói cho ta biết.

Nàng vô cùng am hiểu việc thăm dò tin tức, việc nàng thích nhất chính là kể cho ta nghe mấy chuyện thú vị suốt cả ngày.

Thí dụ như việc Thẩm công gia của phủ Đại tông chính thật ra lại là một đạo sư thanh tâm quả dục. Vài năm gần đây ông ta say mê với đạo thuật, đã dần dần lệch khỏi trung tâm quyền lực của triều đình.

Cậu con trai trưởng duy nhất là Thẩm Chiêu cũng đã cưới tam công chúa đương triều, từ đây đoạn tuyệt con đường làm quan.

Mà phủ Bình Viễn tướng quân và phủ Vĩnh Ninh hầu đều là thế gia công huân, chấp chưởng binh quyền.

Công tử nhà họ Tạ quanh năm trông giữ ở biên quan phía Bắc, không thường trở về kinh thành.

Tổ tiên của Vĩnh Ninh hầu là Lục khanh nước Tấn (*), nhà họ Ngụy là một trong tứ đại vọng tộc của Nam Triều, là gia tộc chân chính thuộc tứ thế tam công. (**)

(*) Lục khanh nước Tấn: Lục khanh (chữ Hán: 六卿) là sáu gia tộc quyền thần giữ chức khanh (卿), được hưởng thế tập ở nước Tấn thời Đông Chu trong lịch sử Trung Quốc. Sự hùng mạnh của nước Tấn thời Xuân Thu có đóng góp không nhỏ của các gia tộc này, không chỉ với chính trường nội bộ nước Tấn mà còn cả quan hệ giữa các nước chư hầu đương thời. Tuy nhiên, chính ảnh hưởng quá lớn của các gia tộc này đối với chính trường nước Tấn, cũng dẫn đến sự diệt vong của nước Tấn, hình thành các quốc gia Tam Tấn: Hàn – Triệu – Ngụy.

(**) Tứ thế tam công: Tam công (chữ Hán: 三公) dùng để chỉ ba chức quan cao cấp nhất trong triều đình phong kiến tại các nước Á Đông như Trung Quốc và Việt Nam. Chức vị chi tiết từng bộ ba này thay đổi theo từng thời đại mà không cố định. Tứ thế tam công ở đây có nghĩa là gia tộc suốt bốn đời đều có người giữ chức trong tam công.

Chỉ nói riêng ở Hà Tây bây giờ thì Ngụy Thị đã có mười mấy vạn tinh binh đóng giữ.

Mấy quân doanh lớn thuộc cấm vệ quân của Kinh thành có hơn một nửa binh quyền còn đang bị nhà họ Ngụy khống chế trong tay.

Ngụy Trường Thư là Tiểu hầu gia của phủ Vĩnh Ninh hầu, trời sinh đã là hậu duệ quý tộc, việc này thì không cần phải nhiều lời thêm nữa.

Lúc đó ta mới vừa vào kinh, còn chưa hiểu rõ về hướng gió của quyền thế trung tâm. Nếu khi ấy ta biết y và Diêu Cảnh Niên là địch thì ngàn lần vạn lần cũng sẽ không bao giờ đi trêu chọc y.

Ngụy Trường Thư mới vừa hai mươi, lần đầu tiên nhìn thấy y, cho dù là người đã mất đi hứng thú với cuộc đời này như ta cũng phải liếc thoáng thêm một lần.

“Đá kết như ngọc quý, thân tùng như ngọc xanh. Vẻ tươi riêng một cõi, thiên hạ chẳng người tranh”.(*) Đây chính là ấn tượng đầu tiên của ta đối với y.

(*) Trích Nhạc phủ thi tập, quyển 47.

Thẳng thắn mà nói, dung mạo của Lam Quan cũng chưa chắc đã kém hơn y, chủ yếu là người nọ xuất thân từ thế gia vọng tộc, sự đoan chính và khí chất cao quý sinh ra đã có này không phải người bình thường có thể sánh nổi.

Công tử thế gia đoan chính tự giữ, mặt mày thâm thúy thon dài, lạnh lùng xa cách tựa như ao lạnh trăng cao, để lộ ra tư thái ngạo nghễ tự phụ.

Một sự tồn tại cao quý khó có thể tiếp cận như vậy lại cư xử vô cùng lịch sự, điềm tĩnh và khiêm tốn.

Sự ác ý trong xương cốt của ta đã dâng lên tới đỉnh điểm ngay tại thời khắc nhìn thấy y. Bởi vì khi đó y và một tiểu thư thế gia có dung mạo tuyệt đẹp đã cùng nhau xuất hiện trong quán trà. Cô tiểu thư kia tên là Khương Tri Hàm, ông nội của nàng là Khương thái phó đương triều, nàng chính là quý nữ danh xứng với thực.

Thôi Viện và nàng có quen biết, hai bên gặp nhau ở phòng riêng trên lầu hai, sau khi thấy lễ xong thì Thôi Viện đã lập tức ríu rít gọi “Hàm tỷ tỷ” nghe thân mật vô cùng.

Khương Tri Hàm che miệng cười, nhẹ giọng trò chuyện với nàng ta, còn không quên quay ra chào hỏi với Thôi Cẩm Trạch.

Thôi Cẩm Trạch cũng vái chào theo lễ với Ngụy Trường Thả, gọi một tiếng: “Tiểu hầu gia.”

Ngụy Trường Thư gật đầu tỏ ý, dáng vẻ trông vẫn cao quý như trước.

Những thứ này vốn chẳng hề liên quan gì đến ta, lúc đó ta đang nhìn ra phố dài ngoài cửa sổ với tâm trạng uể oải chẳng mấy hứng thú, chợt lại nghe Khương tiểu thư hỏi Thôi Viện: “Tâm Tâm, vị này là?”

Tâm Tâm là khuê danh của Thôi Viện.

Ta quay đầu lại, ánh mắt của bọn họ đang nhìn về phía ta, chờ đợi lời giới thiệu của Thôi Viện. Thôi Cẩm Trạch trả lời trước: “Đây là em gái Thôi Âm của nhà ta, cách đây không lâu mới trở về từ Ung Châu.”

Khương Tri Hàm nhướng mày, vẫn bày ra vẻ khó hiểu nhìn về phía Thôi Viện: “Con gái nhà họ Thôi? Không phải phụ thân muội chỉ có hai cô con gái là muội và Thôi Thù thôi à?”

Ta nhìn thấy vẻ mặt kỳ lạ của Thôi Viện, nàng ta bước tới cạnh Khương Tri Hàm rồi ghé vào bên tai nàng nói nhỏ mấy câu. Sau đó vị quý nữ thế gia kia lấy khăn che môi, ánh mắt nhìn về phía ta chợt lóe lên vài phần ghét bỏ.

Ta biết Thôi Viện nói cái gì.

Đơn giản cũng là mấy câu như Thôi Âm chính là con gái của vị phu nhân mà phụ thân nàng từng vứt bỏ sinh ra.

Năm đó việc mẹ ta bị bắt gian tại trận rồi trốn khỏi nhà họ Thôi đã từng là đề tài câu chuyện mà trong kinh thành nghị luận ầm ĩ.

Đây cũng là lý do tại sao sau khi ta trở về nhà họ Thôi thì thái độ của bà nội lại lạnh lùng và phụ thân lại chán ghét ta đến thế.

Bọn họ cảm thấy mặt mũi nhà họ Thôi đã bị mất hết.

Ta còn biết, nhà họ Thôi đón ta về không chỉ bởi vì hôn sự với phủ quận công mà còn vì năm ngoái Lễ bộ thượng thư từ quan, con đường thăng tiến của cha ta cũng đang có vài sự thay đổi.

Vào thời điểm như thế này, trưởng nữ nhà họ Thôi ở Ung Châu xa xôi vừa mất mẹ, nhà ngoại lại gặp nạn, đón nàng trở về càng có thể hiển lộ rõ khí độ và lòng nhân từ của nhà họ Thôi.

Bọn họ cần ta để lấy được một danh tiếng tốt đẹp, còn có thể tiện đường ném ta vào phủ quận công. Đã ghét bỏ ta đến thế nhưng lại nhất định phải lợi dụng ta tới mức tận cùng mới bằng lòng.

Ta cảm thấy đầu của ta lại bắt đầu đau nhức, thực chất thì sự bực dọc cáu giận trong lòng ta đang không ngừng ngo ngoe rục rịch.

Giờ phút này trong lòng Khương Tri Hàm nhất định đang suy nghĩ rằng, à, thì ra nàng ta chính là con gái của ả dâm phụ vang danh nhà họ Thôi kia.

Ánh mắt của ta chợt nhìn về phía Thôi Cẩm Trạch, khuôn mặt của hắn vẫn bình tĩnh, chẳng hề có chút ít gợn sóng nào. Cũng phải, hắn là con trai của Tô thị, nào có phải là đứa con trai của ả dâm phụ như mẹ ta.

Hắn cũng giống như tất cả mọi người, khinh bỉ bà ấy, chán ghét bà ấy.

Thậm chí ở sâu trong đáy lòng, hắn cũng khinh bỉ ta, chán ghét ta. Thế mà còn phải giả vờ giả vịt, làm bộ như mình là một huynh trưởng tốt đẹp lắm.

Ngày thứ mười sau khi đến Kinh thành, ta phát bệnh.

Cả đời này của ta, điều ta không thể chịu đựng nhất chính là việc người khác chỉ trích mẹ ta.

Suy nghĩ thôi cũng không được!

Sự ghét bỏ rõ ràng trong mắt Khương Tri Hàm khiến ta có chút khó thở.

Thôi Cẩm Trạch gọi ta đi qua hành lễ chào hỏi với Khương tiểu thư và Ngụy tiểu hầu gia.

Ta đi qua, có điều lại đi về một hướng khác.

Ta xông đến chỗ gã người hầu đứng bên cạnh Ngụy Trường Thư, nhanh chóng rút thanh kiếm dài hắn đang đeo ra!

Khoảnh khắc đó ta nghe thấy tiếng kêu la của rất nhiều người.

Hòe Hoa kêu lên: “Cô nương! Không được!”

Đầu ta đau quá, đôi mắt cũng bỏng rát, ta không biết mình đang ở đâu, chỉ có cơn cuồng loạn trong người đang không ngừng càn quét khắp nơi trên cơ thể.

Ngụy Trường Thư cách ta gần nhất, y phản ứng cực nhanh, lập tức nắm lấy bàn tay đang cầm kiếm của ta.

Nhưng ta lại phản kháng theo bản năng, vung kiếm ra ngoài làm bị thương cánh tay của y.

14

Ngụy Trường Thư đánh ngất ta.

Sau khi tỉnh lại ta đã ở nhà họ Thôi. Bọn họ nhốt ta lại.

Hòe Hoa gắng sức giải thích: “Cô nương của chúng ta lớn lên ở thôn quê, phu nhân lại qua đời trước mặt người nên từ đó về sau người luôn sầu não uất ức, có suy nghĩ muốn phí hoài bản thân! Người cầm kiếm là vì muốn tự vẫn, mấy năm nay nếu không phải có ta ngày đêm trông coi thì cô nương đã không biết phải c h ế t bao nhiêu lần rồi!”

Nàng nói khá đúng tình hình thực tế, trên cánh tay của ta có rất nhiều vết sẹo nông sâu không giống nhau, đều là do ta tự làm đau mình lúc chứng cuồng loạn phát tác.

Hòe Hoa nói bởi vì ta mới tới kinh thành, cả đêm đều ngủ không ngon, tinh thần vô cùng căng thẳng cho nên mới sẽ mất khống chế ở quán trà.

Ánh mắt bọn họ nhìn ta hệt như đang nhìn một kẻ điên. Rốt cuộc ngay cả thể diện cuối cùng cũng chẳng thèm che giấu nữa.

Lúc ta bị giam ở Đình Lan Uyển, không có một ai tới thăm ta.

Ba ngày sau Thôi Cẩm Trạch rốt cuộc cũng đến.

Hắn muốn dẫn ta tới phủ Vĩnh Ninh hầu để nhận lỗi với Ngụy tiểu hầu gia.

Nghe nói Ngụy Trường Thư và cháu gái của Khương thái phó – Khương Tri Hàm tình chàng ý thiếp, hai người được thái hậu tứ hôn, đã định ra hôn kỳ vào cuối năm nay.

Cha ta Thôi Khiêm đã đi tới phủ Vĩnh Ninh hầu một chuyến, tạ tội cáo lỗi với lão hầu gia.

Bọn họ sợ đắc tội với nhà họ Ngụy đến thế, nghĩ tới nghĩ lui vẫn quyết định để Thôi Cẩm Trạch dẫn ta đi lần nữa, tới đó nhận lỗi với tiểu hầu gia.

Trong phòng rộng rãi thoáng mát, trong lò có đốt huân hương. Ngụy Trường Thư mặc một chiếc áo bào màu đen, mặt mày sâu thẳm, thản nhiên tỏ vẻ: “Thôi cô nương cũng không phải cố ý, không sao cả.”

Giọng nói của y trầm thấp, tư thái tùy ý, là thật sự chẳng hề để ý.

Vết thương do kiếm quẹt qua ở cánh tay, đúng lúc này lại gặp phải thị nữ tiến tới thay thuốc cho y, ta nhìn y rồi nói: “Vết thương của tiểu hầu gia bắt nguồn từ ta, không biết người có thể cho A Âm một cơ hội để bù đắp, giúp người thay thuốc không?”

Trong giọng nói thành khẩn ấy chứa đựng nỗi tự trách không dấu nổi, Ngụy Trường Thư nhìn ta một cái, cũng không từ chối, y chỉ thản nhiên nói: “Vậy phải làm phiền Thôi cô nương rồi.”

Bọn thị nữ đứng ở một bên, Thôi Cẩm Trạch đứng ở dưới sảnh.

Trên bàn dài đã chuẩn bị xong tất cả thuốc trị thương do kiếm gây ra, có mấy làn sương mù lượn lờ bốc lên từ chiếc lò chín mặt làm bằng sứ thanh hạc.

Ta ngồi quỳ trước bàn dài, vươn tay ra cởi bỏ lớp vải mỏng quấn quanh vết thương trên tay y.

Tiện thể cũng khẽ nhếch miệng, rũ mắt xuống chậm rãi nói: “Ngày bé có lần ta đi chơi ở trong thôn, gặp được một kẻ g i ế t chó, bởi vì không đành lòng để con chó kia bị g i ế t nên ta toan ngăn trở hắn. Kết quả là con dao kia lại rơi ngay vào cánh tay ta, giống hệt như vị trí bị thương của tiểu hầu gia, người nói xem có khéo không?”

Ta hơi giơ ống tay áo lên, để lộ ra nửa cánh tay thon dài trắng nõn, cùng với rất nhiều vết sẹo nông sâu không đồng nhất trên đó.

Ánh mắt y rơi trên cánh tay ta, nét mặt chợt thu lại, nhưng lại mau chóng dịch chuyển ánh mắt sang nơi khác.

“Sao lại có nhiều vết thương như vậy?”

“À, còn lại đều do ta không cẩn thận làm bị thương.”

Ta vẫn đang cười, giọng nói nhẹ nhàng, một bên thay thuốc cho y, một bên lại nói: “Tiểu hầu gia đã từng nghe về cây húng quế chưa? Ở dân gian không có thuốc thượng hạng để trị vết thương, cây húng quế mọc ở ven đường nơi thôn quê, có thể nhìn thấy nó ở khắp mọi nơi, nhưng nó lại có hiệu quả rất tốt trong việc khôi phục vết thương.”

“Nếu ta biết tiểu hầu gia sẽ bị ta gây thương tích thế này thì ta nhất định sẽ mang theo vài cọng húng quế vào kinh thành. Nói ra thì khá buồn cười, ở hầu phủ này loại thuốc trị thương nào mà không có, tiểu hầu gia sao có thể xem trọng thứ sinh trưởng ở đồng hoang như thế cơ.”

“Mong người thứ lỗi cho kiến thức hạn hẹp của A Âm, ta chỉ biết mỗi cây húng quế cho nên liền cảm thấy đó chính là thuốc trị vết thương tốt nhất, mặc cho giá của nó vô cùng rẻ bèo.”

“Nếu có thể trị vết thương thì đều giống nhau thôi, không có gì là rẻ tiền cả.” Giọng điệu của Ngụy Trường Thư rất điềm tĩnh.

Nghe thấy vậy ta chợt ngẩng đầu lên nhìn y, lúc đối diện với đôi mắt đen nhánh của y, lòng ta chợt có vài suy nghĩ lướt qua, trong mắt dần hiện lên một lớp sương mù mỏng manh: “Tiểu hầu và những người khác chẳng hề giống nhau.”

Giọng nói ấy rất khẽ, khẽ đến độ chỉ có ta và Ngụy Trường Thư nghe thấy được.

Ta không nhìn xem phản ứng của y, chỉ cúi đầu băng bó thật kỹ cho vết thương rồi sửa sang lại ống tay áo màu đen y mặc.

Bàn tay bỗng chạm đến lớp vải thượng hạng kia, ngón tay ta chậm rãi vuốt phẳng những nếp nhăn trên đó.

Dưới ống tay áo đó, bàn tay của y thon dài như ngọc, khớp xương giữa ngón tay cũng rất rõ ràng, trên mu bàn tay hiện lên vài đường gân hơi xanh, trông rắn rỏi cực kỳ.

Quả thật là một đôi tay tràn đầy sức mạnh.

Ta rũ mắt nhìn, khi xong xuôi tất thảy mọi sự, ngón tay ta lướt dọc theo ống tay áo của y, cuối cùng lại chậm rãi nắm lấy tay y.

Ngụy Trường Thư khựng lại.

Bàn tay của y vô cùng ấm áp, trong lòng bàn tay có một lớp chai mỏng, sờ vào có cảm giác hơi thô ráp.

Tay của ta nắm chặt lấy bàn tay y, ta lật lòng bàn tay của y lên, ngón tay xoa đi xoa lại những vết chai mỏng trên đầu ngón tay y bằng động tác dịu dàng.

“Trên cõi đời này không có ai tốt hơn tiểu hầu gia cả.”

“Người không những đã cứu ta, thậm chí khi bị ta gây thương tích còn chẳng từng trách tội, phần ân tình này A Âm sẽ mãi mãi nhớ trong tim.”

“Tiểu hầu gia sẽ luôn ở trong trái tim của A Âm.”

Giờ phút này ta chỉ là một tiểu cô nương yếu đuối không nơi nương tựa mà thôi.

Hơi thất thố cũng chẳng hề gì, chỉ cần Ngụy Trường Thư cảm nhận được sự khác thường của ta, hiểu rõ tâm tư ái mộ của ta đối với y là đủ rồi.

Nếu y không quá chậm chạp thì lẽ ra y nên cảm nhận được hơi ấm từ ánh mắt của ta từ lâu.

Một cô nương đáng thương vừa yếu đuối vừa không nơi nương tựa lại sinh lòng mê luyến với y, lấy hết dũng khí để thổ lộ lòng mình như thế thì có lẽ sẽ khiến y sinh lòng thương hại.

Dù rằng chút thương hại này chỉ lướt qua trong một khoảnh khắc ngắn ngủi.

Ta khẽ khàng lẩm bẩm, vành mắt đỏ hoe, bàn tay ra vẻ mười ngón đan xen kia hơi dùng chút sức.

Mãi cho đến khi Thôi Cẩm Trạch đứng ở dưới sảnh hô lên một tiếng: “A Âm!”

Hắn nhìn thấy hết thảy, sắc mặt cực kỳ khó coi nói với ta: “Chớ có làm phiền tiểu hầu gia dưỡng thương, muội cần phải trở về rồi.”

Dường như giờ phút này ta mới lấy lại tinh thần, bối rối bỏ tay ra: “Tiểu hầu gia xin thứ tội, là A Âm đi quá giới hạn.”

“Không sao cả, lui ra đi.”

Ngụy Trường Thư không hề nhìn ta, bàn tay y lùi vào tay áo, giọng nói lạnh lùng, nét mặt không hề có chút rung động nào.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận