Vào hạ tuần tháng mười, năm mươi tấn lương thực từ Thái Diệp điền trang được Phong Vân đoàn vận chuyển tới Thương Thịnh thành. Chỗ lương thực được chất lên mấy chục chiếc Phong Vụ thuyền lớn nhỏ, bắt đầu xuôi dòng di chuyển về phương Bắc. Bách Phong Linh và Dược Cao Lãng cũng đi theo hộ tống đợt lương thực lần này. Còn hơn một trăm tấn lương thực nữa trong kho của Thái Diệp điền trang sẽ từ từ được nhân mã của Vân Vụ các vận chuyển về bắc sau.
Bởi mang trọng trách trong người nên đoàn thuyền cố gắng di chuyển hết tốc lực. Cộng với dòng chảy của Hoàng Hà phối hợp hỗ trợ, chỉ năm ngày sau, bọn họ đã tới điểm đến đầu tiên. Khi Phong Vụ thuyền cập vào bến thì binh mã của Tề quốc đã sớm biết tin, chờ sẵn ở đây để tiếp ứng. Mấy tấn gạo nhanh chóng được đưa xuống thuyền. Địa phương này thời tiết không quá khắc nghiệt, lương thực dự trữ trong kho của huyện phủ vẫn còn, chỗ gạo này có thể đủ cho bọn họ sống qua cả tháng trời.
Phong Vụ thuyền dừng lại một canh giờ để thay đổi phu chèo thuyền rồi lập tức rời đi. Cứ như vậy sau năm ngày nữa, số lượng lương thực đã được phân chia gần hết tới mấy châu huyện phía bắc.
Tới đây, khúc Hoàng Hà phía trước mặt đã bị đóng băng khiến Phong Vụ thuyền không thể đi tiếp. Hai tấn lương thực cuối cùng được đưa lên bờ rồi được Phong Vân đoàn vận chuyển tới một tiểu châu gồm có ba huyện nhỏ ở cực bắc Tề quốc nằm ngay sát Bắc Hải, cũng là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất Tề quốc.
Bách Phong Linh và Dược Cao Lãng cũng tới đây, lấy tiểu thành trung tâm tam huyện làm cứ điểm của đoàn cứu tế. Hàng ngày, lương thực từ nơi này được trù sư của Vân Hương lâu và Thanh Hương lầu chế biến, rồi được Vân Vụ các chuyển về các địa phương phân phát cho dân chúng.
Người của ba ty huyện này đa số là ngư dân, chủ yếu sinh sống dựa vào chài lưới. Tên của tiểu thành trung tâm này là Thủy Thuận thành, cũng đủ để nói lên cuộc sống của bọn họ tất cả đều phụ thuộc vào Bắc Hải và Hoàng Hà.
Mùa đông năm nay khắc nghiệt khiến khúc Hoàng Hà phía bắc này phải đóng băng, còn hải ngư của Bắc Hải đã sớm di cư đến vùng nước ôn hòa hơn phía xa. Thuyền chài nhỏ không đủ để đánh bắt quá xa bờ, nên ngư dân ở đây nửa tháng nay đã không đánh bắt đủ cá để đổi lấy lương thực từ các nơi khác. Giá lương thực tăng cao, triều đình lại bất lực, dân chúng nơi này đã tưởng rằng đây sẽ là mùa đông cuối cùng của bọn họ. May thay, Vân Vụ các kịp thời mang lương thực tới từ phía nam, trở thành cọng rơm cứu mạng của hàng ngàn bách tính ở đây.
Vân Vụ các khắp nơi bận rộn, nhân thủ tự nhiên trở thành không đủ dùng, đến Bách Phong Linh hàng ngày cũng bận rộn với việc nấu đồ ăn cho dân chúng. Dược Cao Lãng cũng không rảnh rỗi hơn nàng. Thời tiết khắc nghiệt mang theo nhiều loại bệnh tật tác oai tác quái, hàng ngày hắn đều đôn đáo chạy khắp các nơi để chẩn trị bệnh cho ngư dân nghèo.
Hai tuần trôi qua, Phong Vân đoàn lại tới, mang theo hai tấn lương thực và tin tức từ phía nam.
Giá cả lương thực hai tuần này không còn tăng nữa mà lại có xu hướng sụt giảm nhanh chóng. Động thái khả nghi này chứng mình một điểm: có đại thương hội đứng đằng sau khống chế giá cả của lương thực. Bọn họ đầu mùa đông thì thu mua vào lượng lớn lương thực, nhanh chóng đẩy giá lên cao, dụ dỗ thương nhân nơi khác cũng phải mua vào. Rồi khi giá cao đến đỉnh điểm, bọn họ lại nhanh chóng bán ra, kiếm lại tiền lời gấp ba gấp bốn. Nếu không phải bọn họ không tính đến việc Thái Diệp điền trang giữa mùa đông lại chê tiền tài quá nhiều, ngu ngốc đi phân phát lương thực miễn phí thì chắc giá cả sẽ còn tăng cao nữa.
Thương nhân khác của nhị quốc bị hành động lần này dọa sợ, cũng chạy theo bọn họ nhanh chóng bán tháo lương thực tồn kho. Giá lương thực vì thế mà tự nhiên tuột dốc không phanh.
Đây là một tin tức tốt đối với nhị quốc. Giá lương thực giảm đồng nghĩa với việc bọn họ không phải lo lắng về chuyện thiếu lương thực cho mùa đông năm nay nữa. Tuy Hộ bộ của cả nhị quốc đều đã mua rất nhiều lương thực với giá quá cao, gây tổn thất không nhỏ lên quốc khố nhưng với chỗ hoàng kim mà bọn họ thu được từ Cổ đế bảo tàng và quốc khố Tấn quốc thì chắc tổn thất này cũng không phải chuyện khó chấp nhận. Còn nữa, có đại thương hội đứng sau đồng nghĩa với việc lần giá cả thay đổi đột biến này không phải thủ bút của nước láng giếng hay là của thảo nguyên phía nam. Chỉ cần tra ra thương hội này là kẻ nào thì nhị quốc có thể an tâm rằng giang sơn của bọn họ sẽ còn yên ổn nhiều ngày tháng nữa.
Đến thượng tuần tháng Chạp, giá cả lương thực đã phần nào ổn định lại. Tuy giá gạo hiện giờ vẫn đang ở mức ba mươi lăm quan tiền một tạ, cao hơn mười quan tiền so với mùa đông của những năm trước, nhưng như vậy đã đủ để khiến Hộ bộ có thể thở phào nhẹ nhõm rồi.
Nhưng với một người hiểu chút ít về kinh tế học như Bách Phong Linh thì giá cả này vẫn khiến nàng mơ hồ cảm thấy bất an. Năm nay mùa màng còn tốt hơn năm trước, nhưng giá cả lại có thể cao hơn nhiều như vậy. Việc này đồng nghĩa với việc có một số lượng lớn lương thực bị giữ lại mà không được bán ra ngoài.
Nếu nghĩ kỹ thì chiến hỏa kéo dài mấy tháng trời vừa qua đương nhiên cũng có ảnh hưởng nhất định đến sản lượng và giá cả lương thực. Nhưng theo tính toán của nàng, giá gạo dù có tăng cũng chỉ có thể lên tới ba mươi mốt, ba mươi hai quan tiền, chứ không thể lên tới ba mươi lăm quan tiền như hiện tại được.
Có điều, thống kê của Hộ bộ trong tay nàng có thể có một vài sai sót nhỏ dẫn đến tính toán của nàng bị sai lệch. Chênh lệch ba, bốn quan tiền một tạ gạo cũng không phải quá lớn, có lẽ nàng chỉ là quá đa nghi thôi. Sau khi viết một bức thư trấn an Tào Cát Lợi, kẻ có cùng nghi ngờ với nàng, Bách Phong Linh liền ném chuyện này ra sau đầu. Dù có kẻ bí mật tàng trữ mấy chục tấn gạo thì cũng không thể gây ảnh hưởng gì lớn đối với Trịnh Tề hai nước được.
Khi Bách Phong Linh viết thư xong thì thời gian cũng đã gần tới trưa. Nàng sắp xếp đồ đạc đi ra khỏi Thủy Thuận thành, cùng người Vân Vụ các hướng về làng chài nhỏ phía bắc để chuẩn bị phát lương thực của ngày hôm nay. Làng chài này chỉ có hai chục hộ gia đình, dân số có khoảng hơn hai trăm người phu phụ lão ấu.
Bách Phong Linh hơn một tháng nay đều ở đây phân phát lương thực nên dân chúng đã sớm quen mặt nàng. Vừa chào hỏi mọi người, nàng vừa nhanh tay sắp xếp công việc, chuẩn bị phụ giúp việc nấu cơm.
Nam nhân trong làng cả tháng nay vẫn cố chấp lên thuyền ra biển đánh cá, không muốn sống phụ thuộc hết vào chỗ lương thực ít ỏi ở đây. Trong làng chỉ còn lại nhóm lão nhân lão thái, tiểu hài tử đầu còn để chỏm, và cả nữ nhân. Mấy phụ nhân quen thuộc với việc nấu nướng đã sớm chuẩn bị củi lửa, chỉ chờ người của Vân Vụ các tới để bắt tay vào làm đồ ăn.
Thái Diệp điền trang cung cấp ngô khoai gạo thóc cùng chút rau dưa, nhưng lại không có chút thịt cá nào. May mắn là có Bách Phong Linh làm chủ, Yên Vụ quán mỗi ngày đều đem một ít thịt tới đây để cho bọn họ có thêm sức khỏe chống chọi với thời tiết.
Vừa thấy người của Vân Vụ các tới, mọi người đã xúm vào đỡ đần công việc. Một người trên tay cầm một rọ tre chạy lại đưa cho Bách Phong Linh, vừa cùng nàng nói chuyện:
“Tiểu Điệp à, tiểu Ngưu nhà ta ngày hôm qua xuôi nam tới chỗ nước còn chưa đóng băng mò được mấy con cua, con mau mang đi nấu súp cho mọi người đi.” – người tới là một phụ nhân hiền lành tuổi ngoài tứ tuần.
Bách Phong Linh đưa hai tay tiếp lấy rọ tre trong tay phụ nhân, mở ra thì thấy ba con cua đồng không lớn lắm, “vậy Lưu thẩm cảm ơn Ngưu ca dùm con, nhờ ca ca mà hôm nay chúng ta có lộc ăn rồi.” – Bách Phong Linh mỉm cười nói lời cảm tạ.
Lưu thẩm nghe vậy thì xua xua tay: “Cảm ơn cái gì chứ. Là chúng ta phải cảm ơn Vân Vụ các của con. Thôi thôi, để ta bảo tiểu Ngưu đi xử lý mấy con cua này, còn con thì lại đây với ta.”
Lưu thẩm một tay nắm lấy tay Bách Phong Linh kéo đi, tay còn lại hướng về phía một nam tử thô kệch vẫy vẫy, miệng gọi lớn: “Tiểu Ngưu, mau lại đây giúp tiểu Điệp cầm mấy con cua này.”
Tiểu Ngưu trong miệng của Lưu thẩm tên là Lưu Đại Ngưu. Hắn vốn là người của làng chài này, nhưng nửa năm trước đã tới Phong Vụ đội làm nha dịch trên Phong Vụ thuyền. Biết tin Vân Vụ các tới quê hắn cứu tế lương thực, a Ngưu cũng xin phép được về đây để phụ giúp một tay.
A Ngưu lúc mới về, thấy mẫu thân mình một tiếng tiểu Điệp hai tiếng tiểu Điệp gọi các chủ của Vân Vụ các thì hắn cũng sợ hãi không ngớt. Hắn khuyên bảo mẫu thân vài lần, nhưng Lưu thẩm miệng gọi đã thành quen, không thể sửa được. Thấy Mộng Điệp cô nương không có ý kiến gì, a Ngưu mới thôi kỳ kèo với mẫu thân hắn. Nhưng mà, trong lòng hắn càng thêm biết ơn và nể phục vị các chủ đại nhân cao quý này.
“Ngưu ca giúp ta xử lý mấy con cua này nhé, ta đi với Lưu thẩm một chút.” – Bách Phong Linh cười tươi như hoa nhìn a Ngưu, khiến mặt hắn đỏ tận tới mang tai.
A Ngưu gật đầu ngắc ngứ: “Đ… được rồi. Mộng Điệp cô nương cứ để đó, để t…tiểu nhân làm cho.”
Lưu thẩm nhìn nhi tử của mình như vậy thì chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm. Tiểu tử này đúng là không có tiền đồ mà mà, như thế này thì nữ tử nhà nào mới chịu gả cho hắn đây? Ai ôi, ước gì tiểu tử này nhà bà chỉ cần bằng một góc của Dược thần y thôi …
Bỏ rọ cua lại cho A Ngưu, Lưu thẩm kéo Bách Phong Linh tới một ngôi nhà làm bằng rơm rạ đơn sơ thì dừng lại. Nơi này Bách Phong Linh đã từng tới rồi, chính là nhà của Lưu thẩm và Lưu thúc.
Lưu thẩm đi vào nhà rồi nhanh chóng đi ra, dúi vào tay Bách Phong Linh một vật nhỏ. Nàng nhìn xuống, thấy trong tay mình là một vòng cổ đính mười mấy viên ngọc trai màu sắc kích cỡ không đồng nhất. Bách Phong Linh sợ hãi, hai tay cầm món đồ nhỏ này đưa lại trước mặt Lưu thẩm rồi nói: “Thứ này quá quý giá rồi, con không thể nhận được đâu, Lưu thẩm mau cầm lại đi.”
Lưu thẩm đưa tay ra gập bàn tay nàng lại: “Quý giá gì đâu chứ. Lưu thẩm biết thứ này trong mắt con chẳng đáng mấy đồng, nhưng mà làng chài ta cũng chẳng có thứ gì khác xứng đáng để đem ra cảm tạ việc con cứu sống mấy trăm mạng người ở đây. Nếu con không cầm lấy thì Lưu thẩm cũng không biết làm sao để ăn nói với mấy người khác đâu.”
Bách Phong Linh chưa kịp trả lời thì Lưu thẩm lại đưa ra một thứ khác – một chiếc áo bông dày cộm. Lưu thẩm nói: “Hôm trước ta thấy Dược thần y trên người chỉ mặc một bộ y phục mỏng nên đã may chiếc áo bông này. Tiểu Điệp con cũng phải nói với thần y một tiếng, bảo hắn phải chăm sóc tốt sức khỏe của mình trước đã, rồi hẵng lo đến trị bệnh cho người khác. Con cũng nên để ý hắn một chút.”
Bách Phong Linh nghe Lưu thẩm trách mắng thì chỉ biết cúi đầu dạ vâng. Cao Lãng huynh ấy tu luyện đến ngày hôm nay thì còn sợ gì một chút khí lạnh này đâu chứ. Nhưng mà, ý tốt của Lưu thẩm và những người khác thì nàng không thể chối từ được.
Đeo vòng ngọc trai lên cổ, ôm lấy áo bông vào người, Bách Phong Linh lại dìu Lưu thẩm về trung tâm làng chài, nơi mọi người trong làng đang cùng nhau ăn uống và nói chuyện rôm rả.
Dược Cao Lãng hiện tại cũng ở đây. Chiều nay hắn cần phải thăm khám mấy lão nhân trong làng. Xương khớp của bọn họ cứ khi trời trở lạnh là sẽ bị đau nhức không thôi, nhiều năm nay cũng không nhà nào có tiền để mời thầy thuốc về khám trị.
Bách Phong Linh mỉm cười ngồi xuống bên cạnh Dược Cao Lãng, tay khoác chiếc áo bông của Lưu thẩm lên người hắn, còn miệng thì thầm mấy câu vào tai hắn. Dược Cao Lãng nghe xong đầu đuôi sự việc thì quay sang nhìn Lưu thẩm ở gần đấy, nhẹ nhàng nói mấy lời cảm tạ chân tình. Lưu thẩm xuề xòa cười đáp lại.
Tới chiều, Bách Phong Linh cùng Dược Cao Lãng đi chẩn bệnh xong rồi mới dắt tay nhau cùng đi về Thủy Thuận thành. Nói là dắt tay, nhưng thực ra là Dược Cao Lãng ôm nàng vào lòng rồi dùng khinh công chạy về thành. Nhìn nữ nhân trong lòng ánh mắt vô định, Dược Cao Lãng nhíu mày mở lời:
“Linh nhi, trong lòng muội có suy nghĩ gì sao?”
“Ừ.” – Bách Phong Linh vô thức trả lời, trong đầu vẫn đang tập trung suy nghĩ.
“Được rồi, nếu muội cần ta phân ưu chuyện gì thì cứ nói.” – hắn sủng nịch hôn lên đầu nàng.
Vòng tay Bách Phong Linh ôm hắn tự nhiên trở nên chặt hơn. Nàng dụi đầu vào vòm ngực rộng lớn ấm ám của hắn rồi nói: “Ta đang nghĩ cách giúp mấy làng chài này có thể tự cung tự cấp, sống sót qua mùa đông.”
Chuyện này nàng thực ra đã suy nghĩ cả tháng nay. Vấn đề này nói dễ cũng không phải mà nói khó cũng không đúng. Dân chài ở đây sở trường đánh bắt thủy hải sản, đất đai nơi này cũng không phù hợp để trồng trọt và chăn nuôi gia súc. Mỗi khi mùa đông tới, bọn họ chỉ có thể dựa vào lương thực mà triều đình đem tới cứu tế, tự nhiên trở thành một gánh nặng lớn của Tề quốc.
Nhưng nếu như bọn họ có thể tìm cách tăng sản lượng hải sản đánh bắt được thì mùa thu có lẽ sẽ đổi được nhiều lương thực hơn. Có thêm lương thực dự trữ, cộng với có thêm một nguồn thức ăn khác ngoài ngô khoai và gạo trắng, bọn họ chắc chắn sẽ có thể tự mình vượt qua mùa đông. Không chỉ thế, dinh dưỡng đầy đủ cũng sẽ khiến ngư dân ở đây khỏe mạnh hơn, về lâu về dài lại càng có lợi cho việc bọn họ làm việc hay là đánh bắt hải sản.
Giải pháp về mặt lý thuyết là như vậy, nhưng mặt thực hành thì không đơn giản như thế. Biện pháp đầu tiên Bách Phong Linh nghĩ tới là tặng bọn họ một con thuyền của Phong Vụ đội, để bọn họ có thể đánh bắt ở xa bờ hơn. Nhưng nếu mọi chuyện đơn giản như vậy thì Tề vương chắc hẳn đã làm từ lâu rồi.
Kỹ thuật đóng thuyền của Tề quốc tuy phát triển, nhưng để làm ra được một chiếc hải thuyền thì tốn rất nhiều vật tư của cải. Vân Vụ các có thể tặng bọn họ một chiếc thuyền, nhưng bọn họ một là không biết chèo lái, hai là khi hỏng chắc chắn cũng không đủ tiền để sửa chữa, như vậy thì khác nào tặng cho bọn họ thêm một gánh nặng.
Cách thứ hai có vẻ khả thi hơn, nhưng sẽ phải tốn rất nhiều công sức và thời gian, đó là giúp dân chúng nghĩ ra phương pháp nuôi dưỡng thủy hải sản. Hải sản trong tự nhiên thực không dễ để đem về nuôi. Ngoài việc cần đồ ăn thích hợp, điều kiện sống thích hợp ra thì vấn đề giữ nhiệt độ cho hải ngư có thể sống sót qua mùa đông cũng phức tạp không kém. Nhưng mà, Bách Phong Linh biết việc này không phải là không thể làm được.
Nghĩ là làm, Bách Phong Linh một đêm nằm ôm Dược Cao Lãng thảo luận, sáng sớm hôm sau đã vội vàng chạy đến thành chủ phủ bàn bạc. Thành chủ của Thủy Thuận thành cũng chính là Tri Châu của tam huyện nơi đây, là một vị quan chánh lục phẩm với quan vị có cũng như không. Trước đây hắn vốn là trưởng làng của một trong mấy làng chài xung quanh, sau lại được Tề vương giao cho chức Tri Châu quản lý mấy châu huyện không ai thèm tới này. Vừa nghe kế hoạch lớn mật của Bách Phong Linh, hắn vừa kích động đi qua đi lại, tay run run vuốt chòm râu cá trê trên mặt.
“Hay, kế sách này thực hay.” – lão thành chủ vỗ tay đôm đốp, “nhưng mà ở đây có quá nhiều vấn đề nan giải, chỉ sợ chúng ta không đảm đương nổi thiệt hại của việc nhiều hải ngư sẽ phải tử vong trong quá trình thử nghiệm nuôi dưỡng.”
Bách Phong Linh mỉm cười: “Không sao, ngư trường sẽ là do ta mở. Ta sẽ thuê ngư dân xung quanh đây đến giúp ta trông coi, cũng sẽ trả công hậu hĩnh cho bọn họ. Dù việc này thành hay là bại, mấy làng chài xung quay đây cũng sẽ không gặp hại gì. Nhưng mà ta tin rằng, ngư trường của chúng ta nhất định sẽ cho ra thành quả.”
Lão thành chủ lại vui mừng vỗ tay: “Được! Có cát ngôn của Mộng Điệp cô nương, hạ quan nguyện dùng hết sức lực để giúp đỡ ngư trường.”