Một Đời Vấn Vương

Chương 4: 4: Cô Là Ai



Tôi ngồi ở hàng ghế chờ ngoài hành lang, trước mặt là phòng bệnh, cánh cửa màu trắng bóng loáng đóng kín, phản chiếu thần sắc tôi tái nhợt.
Hơn mười lăm phút chờ đợi, nỗi lo sợ khiến tôi thấp thỏm không yên.

Lúc thì đứng, lúc lại ngồi, thỉnh thoảng ngước tìm anh bên trong phòng bệnh thông qua khung kính vuông vức trên cửa.
Nhưng thứ tôi có thể nhìn thấy là tấm rèm vải trắng tinh ngăn cách các giường bệnh.
Anh thật sự đã quay về, giống như tôi hằng ao ước, nhưng sao tại lúc này đây tôi lại chẳng thấy vui vẻ một chút nào.

Có phải vì nỗi vấn vương trong tim đã nguội lạnh?
Ông trời cũng thật biết cách an bày, trong một ngày lại để tôi gặp được bao nhiêu là chuyện đáng kinh ngạc.

“Thường thì những biến cố sẽ xảy đến vào thời điểm mà con người ta không ngờ tới nhất,” câu nói này thật sự rất đúng.
Nhưng có nằm mơ tôi cũng không thể ngờ được gặp lại anh trong hoàn cảnh trớ trêu như vậy.
Mệt nhoài, tôi ngả lưng lên thành ghế, tựa đầu vào bức tường lạnh tanh phía sau, đôi mắt nặng trĩu nhắm hờ.

Những ký ức xưa cũ như thước phim hai màu đen trắng tua lại trong đầu tôi.
Vẫn nhớ lần đầu tiên tôi gặp anh là vào một buổi chiều mưa thu rả rích.
Hôm đó, sau tiết học cuối cùng tôi đứng trên hành lang của trường, ngước nhìn những cuộn mây xám xịt chẳng biết bao giờ mới tan đi.
Thật tồi tệ khi tôi đã quên mất chương trình dự báo thời tiết tối hôm trước, nên không mang theo ô lúc đến trường.
Tôi lấy điện thoại ra định nhờ Thời Mộng đến đón, nhưng gọi mãi cũng chẳng thấy cô bạn thân bắt máy.
Buổi chiều Thời Mộng không có lịch học, trời mưa làm cho không khí se lạnh dễ chịu, tôi đoán cô ấy đang cuộn tròn trong chăn ngủ ngon lành, hưởng thụ giấc mơ đẹp.

Cô bạn này của tôi một khi vào giấc thì dù trời có sập cũng chẳng thèm quan tâm.
Vậy là tôi đành phải cất lại điện thoại vào trong túi áo khoác, cởi ba lô đựng sách vở đang mang trên lưng xuống, ôm trước ngực, định lao vào cơn mưa, chạy thật nhanh về ký túc xá.
Một chiếc ô màu đen đột nhiên che chắn trên đầu tôi, anh cầm ô đưa đến trước mặt tôi, ánh mắt kẻ đó trong xanh như ngọc thạch, phảng phất chút kiêu ngạo khó gần.


Tôi chỉ biết ngẩn ra nhìn.
“Cầm lấy đi.”
Anh quay mặt ra sân trường, nói một cách tự nhiên và âm giọng không bộc lộ cảm xúc gì.

Bắt đầu từ khoảnh khắc đó, trong đáy mắt tôi đã vô ý vẽ lại góc nghiêng đẹp đẽ của anh.
Tôi nghe rõ nhịp tim mình đánh thình thịch như tiếng hạt mưa rơi rớt trên mái nhà, do dự không đón lấy chiếc ô trong tay anh:
“Cậu đưa ô cho tớ, vậy cậu phải làm sao?”
Anh mất kiên nhẫn, liếc nhìn tôi rồi dúi gọn cán ô vào tay tôi, không nói thêm lời nào, trùm áo khoác qua khỏi đầu, lao nhanh vào trong mưa đi mất.
Bóng lưng ấy, dáng vẻ ấy là hình ảnh mà tôi mãi mãi không thể nào quên.
Sau khi về ký túc xá, tôi hay ngồi im một chỗ, ngơ ngẩn nhìn chiếc ô treo trên giá gỗ.
Thời Mộng trông thấy tôi có biểu hiện lạ, cô ấy truy hỏi mãi nên tôi đành phải thành thật khai báo.
Nghe xong chuyện tôi kể, từ những gì miêu tả về anh, Thời Mộng khẳng định anh chính là Tịch Đông, một trong số ít nam sinh ưu tú nhất của trường, học trên tôi một lớp, do là tôi mới chuyển đến đây học nên không biết gì về anh.
Bỗng dưng lòng tôi héo hắt lạ kỳ, một trang sách đọc mãi chẳng xong, những suy nghĩ rối bời cứ chen nhau trong đầu.

Tự hỏi anh ưu tú như vậy, ngoại hình hoàn mỹ như vậy, nhất định sẽ có rất nhiều nữ sinh sùng bái, ngưỡng mộ nhỉ?
Ôi trời, tôi tự cười mình, đang nghĩ linh tinh gì không biết nữa.
Chiều hôm sau, tôi cầm theo chiếc ô đứng dưới hàng Bằng Lăng trước cổng trường chờ anh tan học.

Tôi muốn trả lại ô và nói với anh một tiếng “cảm ơn.”
Nhưng đáng tiếc là tôi không gặp được anh, không hiểu sao lúc đó lòng tôi vương chút buồn bã.
Nghe nói bạn học Lệ Phong là người ở cùng phòng với anh trong ký túc xá nam, nên tôi đã nhờ cậu ấy trả lại ô giúp mình.
Bỗng một ngày sau anh chủ động đến tìm tôi, bảo rằng anh đã nhận được ô tôi gửi trả.
Và…rất nhiều ngày sau, tôi luôn cố tình chờ anh vào mỗi lúc tan học về, chỉ vì muốn ngắm nhìn ánh trăng trong lòng lâu thêm một chút, cứ đúng năm giờ chiều tôi lại đứng dưới tán Bằng Lăng xanh ngắt.
Vận may của tôi quả thật không tồi, những lần sau đó tôi đều gặp được anh.

Tôi viện sẵn cho mình hàng trăm lý do đối phó, đề phòng anh thắc mắc vì sao tôi luôn xuất hiện trùng hợp khi anh tan học, nhưng có vẻ suy nghĩ của anh không phiền tức như tôi, vì vậy mà chưa lần nào nghi ngờ.
Chỉ có mỗi tôi là tự nghi hoặc mình, có phải tôi đã thích thầm anh?
Thôi thì đâu ai thu phí một nỗi tương tư, cũng đâu ai bắt giam một kẻ yêu ánh trăng vàng soi mình trong đáy nước.
Vậy là tôi mặc cho trái tim mình âm thầm bén rễ tình đơn phương.

Mà không biết rằng những tổn thương đang đợi chờ tôi phía trước.
Những tháng ngày sau đó chúng tôi cứ quấn quýt bên cạnh nhau với danh nghĩa bạn cùng trường, hết xuân rồi đến hạ, vào thu rồi sang đông, tình cảm trong lòng tôi cứ thế lớn dần.
Cánh cửa phòng bệnh mở ra, cắt ngang dòng hồi ức còn dang dở trong đầu tôi.
Thấy tôi bước tới, cô y tá đi ra từ phòng anh dừng lại:
“Vết thương ở vùng đầu của bệnh nhân đã được xử lý, người nhà đợi một lúc nữa sẽ có kết luận chính xác của bác sĩ.”
Tôi lo lắng khi nhìn thấy một số dụng cụ trên khay y tế dính đầy máu, mùi thuốc sát trùng nồng đậm xộc vào mũi:
“Bây giờ tôi có thể vào thăm anh ấy không?”
Cô y tá gật đầu, dặn dò tôi:
“Bây giờ người nhà có thể vào thăm, nhưng cố gắng giữ yên tĩnh để bệnh nhân được nghỉ ngơi.”
Tôi cúi đầu cảm ơn và bước vào phòng bệnh sau khi y tá rời khỏi.
Ngồi bên cạnh giường, đôi mắt tôi tham lam nhìn anh thật lâu, cố tìm ra những thay đổi của anh mà suốt sáu năm qua tôi không được trông thấy.
Chẳng dám nghĩ khi tỉnh lại, biết được tôi là người đã gây ra tai nạn, liệu anh sẽ có biểu cảm gì?
Tôi muốn hỏi sáu năm qua anh đã đi đâu? Sống thế nào? Và…năm đó vì sao lại không một lời từ biệt? Lẽ nào vì bức thư tỏ tình đó mà anh trở nên chán ghét tôi?
Chạm vào vết thương trên trán anh, tôi lí nhí nói với chính mình: “Có phải là rất đau không?”
Ngón tay tôi bỗng nhiên tê dại.
Đột nhiên hàng mi đen dài mở ra, con ngươi xanh biếc nhìn tôi chằm chằm, làm tôi giật mình lập tức thu tay lại.
Có lẽ quá ngại ngùng vì đã bị bắt gặp hành vi nhìn trộm, nên nụ cười trên môi tôi cũng vụng về, cứng nhắc chẳng được tự nhiên:
“Anh tỉnh rồi à?”

“Cô là ai?”
Nghe thấy ba chữ này, tôi kinh ngạc nhìn anh, phát hiện ánh mắt đó ngơ ngác kì lạ:
“Anh không nhận ra tôi sao?”
Tịch Đông chăm chú vào tôi một lúc, như đang cố lục lại gì đó trong trí nhớ.

Rồi anh lắc đầu, hỏi tôi:
“Chúng ta từng quen biết nhau sao?”
Tôi sững sờ.
Chuyện gì đang xảy ra thế này? Khi anh nhìn tôi đáy mắt anh rỗng tuếch, hoàn toàn xa lạ, khiến tôi phút chốc hoài nghi bản thân mình đã nhận nhầm người.

Nhưng điều này thật vô lý, tôi tự tin bản thân không bao giờ mắc sai lầm như vậy.
Là do tôi thay đổi quá nhiều nên anh không nhận ra, hay anh cố tình xem tôi như một người lạ.
“Anh đừng đùa nữa.

Nằm xuống nghỉ ngơi đi.”
Tôi không vui, đứng dậy định đi ra ngoài một lát.
Nhưng anh lại hỏi tôi:
“Cô gì ơi, có thể cho tôi biết đây là ở đâu không?”
Tôi tức giận thở ra một cái, muốn mắng anh đùa giỡn hơi quá trớn rồi.
Lúc quay mặt lại, thấy anh đang sờ lên vết thương trên đầu, nở nụ cười hòa nhã với tôi.
Nỗi sợ hãi xuất hiện và xâm lấn vào tim, làm nó nảy mạnh lên một nhịp, từng tế bào trên cơ thể lạnh toát.

Từ nơi sâu thẳm vô cớ sinh ra cảm giác tội lỗi:
“Trời ơi.

Lẽ nào anh bị mình hại đến mất trí luôn rồi?”
Cố gắng giữ bình tĩnh, tôi rất muốn xác nhận sự hoài nghi trong lòng mình, vậy là tôi liên tục hỏi anh không ngừng:
“Anh thật sự không biết tôi là ai?”
Tịch Đông mím môi, gương mặt hiện lên nỗi bất lực thấy rõ, anh chỉ lắc đầu.

“Có nhớ anh tên gì không?”
Sắc mặt anh bỗng trầm xuống, như cố tìm kiếm câu trả lời chính xác trong não mình, nhưng ánh mắt vẫn cứ mơ hồ lúc đưa ra đáp án:
“Tịch…Tịch Đông.”
Tôi mừng rỡ tiếp lời anh.
“Đúng rồi, anh tên là Tịch Đông.

Trước đây anh học trung học ở trường nào?”
Anh dời mắt vào khoảng không, nhíu mày trầm ngâm rồi lại lắc đầu.
“Anh có nhớ nhà mình ở đâu không? Người thân, ba mẹ?”
Anh nhắm mắt, đôi mày rậm cau lại một vẻ đau đớn, hai tay bưng lấy đầu.
Tôi hoảng sợ nắm lấy vai anh, mới phát hiện cơ thể anh lạnh buốt:
“Anh làm sao vậy, có phải thấy khó chịu ở đâu không?”
Anh kịch liệt xua tay:
“Đừng hỏi nữa, đầu tôi rất đau, đừng hỏi nữa.”
Tôi xót xa thu tay về, không dám hỏi thêm nửa chữ.
Âm giọng trầm ổn của một người đàn ông bất ngờ cất lên từ phía sau:
“Cho hỏi cô có phải là người nhà của bệnh nhân Tịch Đông không?”
Vị bác sĩ bước vào phòng, trên tay cầm bảng kết quả chẩn đoán.
Tôi không suy nghĩ được gì, trực tiếp hỏi bác sĩ:
“Anh ấy bị làm sao vậy? Ngoài tên của mình ra thì anh ấy hoàn toàn không nhớ gì cả.”
Bác nghĩ tỏ ra nghiêm trọng nói với tôi:
“Bệnh nhân bị chấn động não sau va đập mạnh, vì vậy dẫn đến tình trạng mất trí nhớ tạm thời, người bệnh sẽ tạm quên đi một phần hoặc toàn bộ những ký ức trước khi xảy ra tai nạn.”
Tôi bàng hoàng, vẫn chưa dám tin kết quả vừa nghe thấy, tự trách mình đã hại anh thành nông nỗi này.
Thấy tôi hóa đá, bác sĩ nói tiếp như muốn giúp tôi vơi sợ hãi:
“Bệnh nhân có thể tự phục hồi sau một thời gian, nhưng có điều thời gian hồi phục không thể nói chính xác được.

Trước mắt cứ để bệnh nhân ở lại bệnh viện theo dõi thêm vài ngày nữa.”.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận