Nam Giang

Chương 9


Hội thao kết thúc, mọi người quay trở lại nhịp sống của mình, thời gian cứ dần trôi qua, rất nhanh chóng đã gần tới Tết Nguyên đán.

Tết Nguyên đán là một ngày lễ truyền thống của dân tộc, là dịp để gia đình được sum họp, ăn cùng một bữa cơm, cùng nhau vứt bỏ những buồn tủi của năm cũ mà chuẩn bị đón chào cho năm mới. Nhưng các chiến sĩ quân đội nhân dân vẫn phải ở lại doanh trại để trực Tết, đón năm mới trong hoàn cảnh xa nhà xa quê, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của mình, đảm bảo cho mọi người có một cái Tết vui vẻ an lành.

Những ngày cuối năm, các cấp chỉ huy cố gắng tạo mọi điều kiện để các chiến sĩ có thể đón một cái Tết xa quê. Các hoạt động được tổ chức, trong đại đội người thì trang trí câu đối đỏ, người thì quét dọn vệ sinh kí túc xá, người thì gói bánh chưng bánh tét, làm chả lụa, … Mỗi người một việc, ai nấy đều khẩn trương chuẩn bị chào đón năm mới, dần cảm nhận được không khí Tết tràn về trong doanh trại.

Đêm tất niên, tất cả các chiến sĩ có mặt tại nhà ăn, cùng nhau ăn một bữa cơm cuối năm. Nhà ăn được quét dọn sáng bừng hẳn lên, xung quanh đều được giăng đèn kết hoa, đỏ rực một màu, ai nấy đều trò chuyện cực kì vui vẻ.

Ăn uống xong xuôi, một vài người xung phong biểu diễn các tiết mục văn nghệ. Có người cầm đàn guitar, chơi những bản nhạc cổ vũ tinh thần người lính, có người kể chuyện cười, cũng có người góp vui bằng những màn tiểu phẩm, khiến cho cả nhà ăn đều tràn ngập tiếng cười sảng khoái vui vẻ.

Giữa những người đồng đội đang hân hoan tại đây, nỗi nhớ quê của các chiến sĩ đều đã tiêu tán trong những tiếng cười.

Trước nửa đêm, mỗi tiểu đội tập trung lại với nhau, ngồi vây quanh thành vòng tròn, cùng nhau thức trông nồi bánh chưng được luộc từ trưa tới giờ. Theo thông lệ của tiểu đoàn, đêm tất niên là dịp để các đồng đội ngồi với nhau, tâm sự kể cho nhau những chuyện mình từng trải trong năm vừa qua, vừa để rũ bỏ những điều của năm cũ, lại vừa gắn kết tình đoàn kết giữa các đồng đội trong đơn vị.

Giữa đêm khuya thanh vắng, cả tiểu đội cùng ngồi với nhau, ánh lửa bập bùng rực rỡ xua tan đi cái lạnh về đêm, lặng yên bao trùm cả quân doanh, cứ ngỡ như mọi thứ đang dần lắng xuống, thực tại chỉ còn tiếng nước sôi sùng sục, tiếng tách tách của ngọn lửa, giọng nói trầm lắng của các chiến sĩ đang ôn lại một năm qua của mình.

Tới lượt Kiệt kể lại một năm đã qua của mình. Cậu kể về thành tích mà mình giành được trong hội thao quân sự, chia sẻ về dự định trở thành bộ đội đặc công và những gì mình đã thực hiện được để đạt được mong muốn đó, quen biết được nhiều người bạn mới, được cử đi hỗ trợ công tác cách li trong đợt dịch COVID 19 để rồi sau này bị nhiễm chính căn bệnh đó, nhưng nhờ vào các bác sĩ Việt Nam mà cuối cùng cậu đã khỏe lại, có thể quay trở lại quân doanh cùng các đồng đội của mình.

Chợt Kiệt nhớ tới hai chị em Thanh Thủy mà cậu và Sơn đã làm quen khi còn thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ công tác cách li. Cho dù Kiệt chỉ tiếp xúc với chị em nhà này trong thời gian ngắn, nhưng họ lại là những cô gái mà cả cậu và Sơn thân nhất trong hai năm nhập ngũ, vậy nên vẫn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng cậu đến tận bây giờ.

Cuộc sống có đủ mọi mối quan hệ, có gặp nhau có chia xa, chỉ tiếc ngày đó Kiệt chưa kịp xin cách thức liên lạc với Thanh hoặc Thủy thì đã bị nhiễm COVID 19, phải chuyển tới bệnh viện để chữa trị.

– Sao kể tới đây thì Kiệt đăm chiêu thế ? – Tiểu đội trưởng nói. – Chắc lại nhớ người ta chứ gì ?

– Chắc đang nhớ chị Thanh đây phải không ? – Sơn hùa vào chọc ghẹo. – Hồi đó thấy mày cứ để ý chị Thanh mãi, chắc có tình ý gì với chị ấy rồi.

– Đồng chí là bộ đội chứ không phải là phi công mà đòi lái máy bay nhé. – Một đồng chí khác nói.

Kiệt : “…”

Cả đội cười vang, riêng Kiệt mặt mũi sầm lại, mất hết hứng thú, nhường cho người khác kể chuyện.

– Chẳng phải đồng chí Sơn cũng được cử đi hỗ trợ cách li với đồng chí Kiệt sao ? – Tiểu đội trưởng nhìn Sơn nói. – Có quen được cô nào không, kể cho anh em nghe coi nào.

– Ôi dào việc nước lo còn chưa xong, nói gì tới yêu đương. – Sơn giả vờ thở dài. – Với lại mấy chị em cách li ở đó toàn là tiểu thư đài các, phận làm lính quèn như tôi đối với họ chỉ là ngọn cỏ ven đường mà thôi.

– Nói thì nghe văn chương lắm. – Kiệt khinh bỉ nhìn Sơn. – Vậy mà lúc được mấy em gái cùng phòng với Thủy vây xung quanh thì cười không thấy Tổ quốc, sướng đến mức chẳng thèm để ý tới thằng bạn đang đứng đợi mình.

Sơn : “…”

Mọi người lại cười vang, Sơn lườm mắt nhìn Kiệt, lập tức nhận được bản mặt ngứa đòn của cậu, chỉ hận không thể đứng lên đập cậu một trận.

Đồng hồ đã sắp điểm 12 giờ, mọi người thôi không còn kể chuyện nữa, từ phía loa phát thanh vang lên tiếng đếm ngược của một nữ phát thanh viên nào đó, các chiến sĩ cùng dõng dạc đếm ngược theo, vang vọng cả doanh trại. Tiếng đếm ngược về 0, các chiến sĩ cùng reo hò ầm ĩ, đằng xa pháo hoa rực rỡ bắn lên, sáng rực cả bầu trời đêm, báo hiệu một năm mới đã đến.

Mỗi người chiến sĩ giờ đây xa nhà xa quê, không thể về nhà đón năm mới, là vì để cho đồng bào mình có thể bình yên đoàn tụ cùng người thân, cho nên ai nấy đều tự hào vì mình đang ở đây, vì mỗi một việc mình đã làm, và vì mình đã là một người lính.

Đây là năm thứ hai Kiệt đón Tết trong quân doanh, cho dù nơi này không phải là nhà của mình, nhưng nhìn các chiến sĩ đang vui vẻ đón chào năm mới, trong lòng lại cảm giác có chút ấm cúng thân thương. Cậu chợt nhớ đến khi mình còn chưa vào quân ngũ, khi mẹ cậu còn sống, Tết đến mà người đàn ông mang danh ba cậu chẳng chịu về nhà, mang tiếng là được đón Tết ở nhà nhưng cảm giác chẳng thể nào bằng được ở trong quân ngũ.

Đối với Kiệt, quân đội không chỉ là nghĩa vụ mà cậu phải thực hiện, không chỉ là tuổi trẻ cậu chỉ có một lần mà còn chính là nhà của cậu.

***

Theo quy định của quân đội, tân binh nhập ngũ đến Tết năm thứ hai sẽ được cấp phép về thăm gia đình trong ba ngày, có hỗ trợ ăn uống chi phí đi lại. Cấp trên phân chia lịch nghỉ phép sao cho mỗi người đều được về nhà trong khi vẫn đảm bảo đủ số quân thường trực ở đơn vị, thế nên ngày nghỉ phép của mỗi người là không giống nhau. Có người được nghỉ phép từ ngày mùng Một Âm lịch, cũng có người hơn một tuần sau mới được nghỉ phép.

Kiệt nhìn lịch nghỉ phép của mình, năm nay cậu được về thăm gia đình từ ngày mùng Ba đến ngày mùng Năm Âm lịch, khẽ thở dài trong lòng, cảm thấy những ngày nghỉ này đối với cậu thật vô nghĩa. Gia đình là một điều gì đó thật là xa vời, căn nhà lạnh lẽo chỉ có người cha thượng tá suốt ngày ở trong đơn vị, về nhà chẳng có ai chào đón, chẳng bằng cậu cũng ở lại trong quân doanh, có anh em đồng chí ở bên như vậy, ngày Tết sẽ đỡ nhàm chán hơn một chút.

– Năm nay mày nghỉ những ngày nào ? – Sơn nhìn thấy Kiệt bước vào phòng, bèn hỏi.

– Mùng Ba đến mùng Năm Tết. – Kiệt nói. – Còn mày ?

– Tao cũng vậy. – Sơn nói. – Tết này mày có tính về nhà mày không ?

– Không. – Kiệt trả lời dứt khoát. – Chắc tao ở lại doanh trại quá.

– Sao không về nhà ? – Sơn tò mò hỏi. – Đã gần hai năm mày không về nhà rồi, bác Toàn trông mong mày về nhà lắm đấy.

– Chưa chắc. – Kiệt nói. – Mấy năm trước mẹ tao còn sống, ở nhà lúc nào cũng có hai mẹ con mà ổng đã không về rồi, mày nghĩ năm nay nhà không có ai, ổng lại chịu về chắc.

– Không biết nói sao với mày luôn. – Sơn ngán ngẩm nhìn Kiệt. – Thế định cứ mãi ở trong doanh trại vậy à ? Không tính ra ngoài chơi à ?

– Đi đâu bây giờ ? – Kiệt nhướn mày nhìn Sơn. – Tao chẳng biết chỗ nào để đi cả.

– Về quê với tao không ? – Sơn ngẫm nghĩ một lúc rồi nói. – Về thăm mẹ tao.

Kiệt hơi bất ngờ trước đề xuất của Sơn. Nhà của Sơn ở huyện An Trạch thuộc tỉnh Nam Giang, nằm ở phía bắc thành phố Nam Giang. Theo trí nhớ của Kiệt, huyện An Trạch là một huyện nghèo, nhà của Sơn ở địa phương này chứng tỏ gia cảnh cậu ta chẳng mấy khá giả gì.

Kiệt cảm giác đến ở nhờ nhà người ta có chút không đúng, bèn lựa lời nói :

– Thôi mày về thăm mẹ mày thì cứ về, tao về sợ làm phiền mẹ mày lắm.

– Không phiền đâu. – Sơn nói. – Mẹ tao thích có khách đến thăm nhà lắm. Với lại dẫn mày về quê chơi để mày được tự do ba ngày này, chứ sau này vào binh chủng đặc công rồi, chắc gì đã được nghỉ phép như bây giờ.

– Sao mày biết ? – Kiệt ngạc nhiên hỏi lại. – Sao mày vào bộ đội đặc công thì không được nghỉ phép ?

– Tao không biết. – Sơn nhún vai. – Tao đoán vậy thôi. Nhưng mà tao nghĩ ít nhất thì cũng không được nghỉ phép nhiều đâu, vậy nên tận dụng quãng thời gian còn làm tân binh mà đi chơi thoải mái đi.

Kiệt ngẫm nghĩ một hồi, cảm thấy lời Sơn nói cũng có lí. Chợt cậu nhớ tới mẹ của mình, hai năm không ở nhà, cũng nên nhân dịp này mà ra thăm mộ mẹ một chút.

– Ừ vậy tao đi với mày. – Kiệt gật đầu nói. – Thăm mẹ mày, tiện thể về thăm mẹ tao luôn.

Sơn hiểu rõ điều Kiệt nói, gật đầu tỏ vẻ đã hiểu, không tọc mạch gì thêm.

***

Doanh trại quân đội Nhân dân Việt Nam, ngoại ô thành phố Nam Giang, mùng Ba Tết Âm lịch năm 2021.

Kiệt và Sơn chuẩn bị hành lí từ tối hôm trước, đến sáng hôm sau thì làm thủ tục nghỉ phép, được phòng tài vụ cấp cho một số tiền nhỏ để trang trải chi phí đi lại, rồi rời khỏi doanh trại. Tính thêm cả lần Kiệt và Sơn được cử đi hỗ trợ công tác cách li COVID 19 thì đây là lần thứ hai cả hai người rời khỏi doanh trại kể từ khi nhập ngũ. Hai người đón một chiếc xe khách liên tỉnh dừng cách cổng doanh trại không xa, bởi vì lúc đi phải mặc đồng phục quân nhân nên khi bước lên xe, trang phục cũng như khí thế của hai người nhanh chóng trở thành tâm điểm của mọi người trên xe.

– Về quê ăn Tết hả ? – Tài xế là một người đàn ông trung niên, nhìn Kiệt và Sơn cười hỏi.

– Vâng. – Sơn thân thiện trả lời, rồi cùng Kiệt lựa một hàng ghế gần chỗ ngồi tài xế nhất.

Tài xế đạp ga, chiếc xe khách bắt đầu rời đi. Sơn ngồi ngay lối đi, vui vẻ trò chuyện với tài xế, còn Kiệt thì tựa đầu vào cửa sổ, thả mình ngắm cảnh vật trôi qua bên ngoài xe. Hai bên đường chỉ là những khoảng đất hoang vắng, thỉnh thoảng lác đác vài ngôi nhà được tạm bợ dựng lên bằng những tấm mái tôn làm thành các cửa hàng dịch vụ dọc đường. Tuyến đường này là đường quốc lộ, đi sang Campuchia, vậy nên trên đường vẫn có đủ mọi loại xe cộ chở hàng, đông đúc đi lại như mắc cửi.

Xe khách dần tiến vào khu vực dân cư, xung quanh ngày càng có nhiều nhà dân hơn, ở ven đường còn dựng một tấm bảng quảng cáo lớn, in dòng chữ thật lớn “Thành phố Nam Giang kính chào quý khách”.

Lần cuối Kiệt và Sơn đến thành phố Nam Giang là khi còn đi hỗ trợ cách li, đến bay giờ cũng đã gần chín tháng. Nhớ lại khoảng thời gian ấy, trong lòng Kiệt có chút hoài niệm, cảm giác cứ như đã trải qua mấy đời.

Ngày mùng Ba Tết Nguyên đán, đa phần các cửa hàng quán sá trong thành phố đều đóng cửa, đường sá vắng người qua lại, thành phố không còn vẻ sầm uất như ngày thường, khoác trên mình một vẻ lặng yên bình dị hiếm có. Chiếc xe khách bon bon chạy trên đường, Kiệt nhìn ra bên ngoài, chợt thấy chiếc xe chạy ngang qua một khu vực gồm tổ hợp các tòa nhà cao tầng sang trọng và hiện đại, xung quanh đều được ốp bằng lớp kính cường lực một chiều, phản chiếu ánh nắng mặt trời, trông nổi bật hơn hẳn so với khu dân cư xung quanh. Hồi trước khi nhập ngũ, cậu vốn đã rất ít khi đi tới khu này, hôm nay lại nhìn thấy các tòa nhà cao tầng mới tinh lạ hoắc mà mình chưa từng thấy trước đây, không giấu được tò mò bèn cắt ngang cuộc trò chuyện của Sơn và tài xế :

– Bác tài, khu này là khu nào vậy ? Sao tôi nhìn thấy lạ quá ?

– Đồng chí hỏi khu mấy cái tòa nhà hiện đại đúng không ? – Bác tài hỏi. – Đó là khu đô thị Nam Giang Pearl Center đấy, vừa mới hoàn thành sau đợt COVID 19, bây giờ đang mở bán căn hộ đấy. Nhìn mấy tòa nhà này hiện đại thế mà giá nhà cũng rẻ lắm, tôi đang định cuối năm tiết kiệm đủ tiền thì mua một căn cho con trai tôi đây.

– Khu Nam Giang Pearl Center thấy xây nhanh thật bác nhỉ. – Sơn trầm trồ nói. – Hồi cháu mới nhập ngũ, người ta mới chỉ xây được có vài tầng dưới thấp, vậy mà giờ đã thấy xây xong hết rồi.

– Ừ mấy người công nhân xây khu này cũng năng suất thật đấy. – Bác tài chép miệng. – Hơn hai năm mà đã hoàn thành mười ba tòa nhà cao tầng thế rồi, đó là con chưa kể tới đường sá, công viên, cống ngầm, … nữa. Kiểu này thì ăn đứt cả mấy khu đô thị ở thành phố Hồ Chí Minh cho mà xem.

– Ừ thành phố mình ngày càng hiện đại ra ấy bác nhỉ. – Sơn cười nói, rồi hai người lại tiếp tục trò chuyện, còn Kiệt chỉ yên lặng, không còn để ý tới khu đô thị Nam Giang Pearl Center nữa, thả mình quan sát cảnh phố phường xung quanh.

Chiếc xe khách liên tỉnh rẽ vào bến xe trung tâm thành phố để trả khách. Mọi người lục đục xuống xe, Kiệt và Sơn quyết định sẽ đến thăm mẹ của Kiệt trước. May mà hệ thống xe buýt công cộng của thành phố vẫn hoạt động vào ngày Tết, hai người tìm kiếm tuyến xe buýt mình cần, rồi lên chuyến xe sớm nhất, di chuyển tới khu ngoại ô phía nam thành phố.

Hai người xuống xe, trước tiên mua một bó hương và hộp quẹt, Kiệt bỏ tiền túi mua thêm một bó cúc vàng tươi, xin thêm mấy túi nilon để tảo mộ cho mẹ mình, rồi cùng Sơn đi bộ tới nghĩa trang thành phố.

Kiệt ôm theo bó hoa cúc trên tay, dưới ánh nắng mặt trời, sắc vàng tươi của bó hoa lại càng thêm rực rỡ, cùng Sơn men theo bậc đá trong nghĩa trang mà bước đi. Trước khi nhập ngũ, Kiệt hay cảm thấy tủi thân vì nhớ mẹ, nhiều lần trốn người lớn mà đến đây, vậy nên cho dù đã lâu không lui tới, nhưng con đường phía trước vẫn hoàn toàn quen thuộc, dù nhắm mắt cũng không thể nào nhầm được.

Hai người đi thẳng, rẽ trái rồi lại đi thẳng một hồi, lại tiếp tục rẽ phải rồi lại đi thẳng tới cuối, nhanh chóng tìm thấy ngôi mộ quen thuộc.

Ban đầu Kiệt cứ ngỡ mình đi nhầm mộ, đến khi nhìn kĩ nụ cười ấm áp hiền hầu quen thuộc của người phụ nữ trên tấm di ảnh mới xác nhận đây là mộ của mẹ mình. Cậu cứ ngỡ không có ai đến thăm mẹ cậu, nơi này sẽ ngập tràn đủ loại cỏ dại sinh trưởng, nhưng ngôi mộ của mẹ cậu đã được phát quang sạch sẽ, lư hương đặt trước tấm di ảnh vẫn còn cắm ba cây nhang, đầu nhang vẫn tỏa khói nghi ngút.

– Hình như có ai đó mới đến đây thì phải. – Sơn nói.

– Mày không cần phải nói ra cái điều mà ai cũng biết đâu. – Kiệt khinh bỉ nhìn Sơn. – Thừa thãi lắm.

Sơn : “…”

Kiệt cũng đoán được là có người vừa mới đến thăm mẹ mình, nhìn nén nhang vẫn còn đang cháy kia thì đến trẻ con cũng có thể nghĩ đến điều đó. Kiệt tính toán đến nhiều khả năng, có thể là họ hàng hai bên nội ngoại nhân dịp Tết đến tảo mộ mẹ cậu.

Nhưng mẹ của Kiệt không có quan hệ tốt với họ hàng hai bên, nghe nói hồi cưới ba cậu về thì bị phản đối dữ lắm, nhà ngoại thì sợ mẹ cậu cưới quân nhân về sẽ khổ, còn đằng nội không rõ lí do vì sao lại không ủng hộ ba cậu cưới mẹ cậu, có lẽ vì thế mà gia đình cậu bị cả hai bên nội ngoại xa lánh. Chỉ hồi còn đưa tang mẹ thì họ hàng hai bên của Kiệt mới tập trung đầy đủ, khi hạ huyệt rồi thì rất ít ai đến viếng mộ mẹ cậu, khó có khả năng có người thân thích hai bên nội ngoại lại dành thời gian đi tảo mộ cho mẹ cậu.

Kiệt chợt nghĩ tới một người.

Không phải là thượng tá Toàn đấy chứ ? Ừ rất có thể là ông ấy, bởi ông ấy chính là chồng của mẹ Kiệt, cũng là ba ruột của cậu mà.

Kiệt không ngờ người đàn ông dành ít thời gian cho gia đình này sẽ đến tảo mộ mẹ của mình, có lẽ trong khoảng thời gian Kiệt nhập ngũ, ông ấy đã thay cậu làm việc này rồi. Ít nhất thì ba Kiệt cũng vẫn dành thời gian cho người vợ của mình ấy chứ, chỉ có điều người vợ ấy đã không còn trên đời này nữa rồi.

Kiệt đặt bó hoa cúc lên trên mộ của mẹ mình, chia bó hương ra thành hai nửa cho Sơn, rồi châm lửa thắp nhang. Nén hương bắt lửa đỏ rực, khói thơm nghi ngút bốc lên, cả hai người cùng quỳ trước mộ của mẹ Kiệt, lầm rầm khấn vái, sau đó cắm nhang vào lư hương. Kiệt bảo Sơn ngồi lại thêm một chút, Kiệt ngồi bệt xuống bãi cỏ, dựa lưng vào ngôi mộ, lẩm bẩm nói một mình, tựa hồ cứ như cậu đang nói chuyện với mẹ mình vậy.

“… Con nhập ngũ được hai năm rồi, hai năm ở trong doanh trại không được ra ngoài, đến bây giờ mới xin nghỉ phép đến thăm mộ mẹ được …”

“… Ngày đó con thi Đại học, không đủ điểm đậu vào năm nguyện vọng con đã đăng kí, ba không nói không rằng liền tống con vào quân đội …”

“… Tới tháng Ba là con hết hạn nghĩa vụ quân sự, con đã tính cả rồi, con sẽ cùng Sơn tham gia binh chủng đặc công, tiếp tục ở lại phụng sự cho quân đội …”

“… Con biết rằng con đường con chọn giống với những gì mà ba đã chọn, nhưng con cảm thấy không còn lựa chọn nào khác. Chỉ có ở trong quân đội, con mới cảm thấy như mình đang thực sự ở nhà vậy …”

“… Mẹ nhớ phù hộ cho con trở thành bộ đội đặc công nhé, nếu thành bộ đội đặc công rồi,  con nhất định sẽ bảo vệ Tổ quốc thật tốt, vì Tổ quốc chính là nhà của mẹ …”

Kiệt nói rất nhiều rất nhiều, nói hết dự định tương lai của mình, nói hết cả những gì mà mình đã trải qua trong những tháng ngày còn ở quân ngũ, nhìn qua cứ như người tự kỉ đang lẩm bẩm nói chuyện một mình. Kiệt ngồi nói chuyện cả buổi sáng như vậy, hại Sơn đứng suốt buổi vì không dám ngồi xuống trước mộ của người khác, liên tục phải đập muỗi vì ở đây cỏ mọc um tùm, nhất thời Sơn không thể chờ đợi lâu hơn được nữa liền vỗ vai Kiệt, nhẹ nhàng nói :

– Đi thôi, lần khác quay lại sau.

Kiệt nhìn Sơn gật đầu, rồi đứng lên, lạy ba lạy trước mộ mẹ mình, cuối cùng thì thầm nói :

– Mẹ, con phải đi rồi, năm sau gặp lại mẹ.

Sơn trầm mặc nhìn Kiệt một hồi lâu, rồi dẫn cậu bạn của mình rời khỏi nghĩa trang, đón một chuyến xe buýt đến nhà của mẹ Sơn.

Hai người không biết rằng, trong lúc Kiệt đang ngồi tâm sự với mẹ mình, thượng tá Toàn quay trở lại nghĩa trang. Ông vô tình phát hiện con trai mình cùng đồng đội của nó, trong bộ đồng phục quân nhân, đang ngồi bên mộ vợ của mình, nhất thời có chút bất ngờ. Đã lâu lắm rồi ông không gặp lại con của mình, giờ đây khi nhìn thấy con trai của mình, ông rất muốn tiến lại gần, nhưng nghĩ ngợi một hồi, quyết định chỉ đứng từ xa chờ đợi, chờ mãi đến khi Kiệt và Sơn cùng rời khỏi nghĩa trang, lên một chuyến xe buýt đô thị mà đi khỏi tầm mắt.

Thượng tá Toàn cảm thấy trong lòng có chút đơn độc, tựa hồ có bức tường vô hình mọc lên ngăn cản ông và Kiệt, giữa hai người có chút xa cách, khoảng cách tựa hồ giống như ông với vợ mình bây giờ vậy.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.

 Bình luận